3/ Nghề gắn với tên tuổi của một hay nhiều nghệ nhân hoặc tên tuổi của làng nghề.
Tại tỉnh Thái Bình, ngày 31 tháng 3 năm 2006, UBND tỉnh ra Quyết định số 29/ 2006/ QĐ- UBND "Quyết định V/v Ban hành Quy định tiêu chuẩn làng nghề"[110, tr. 3], làng nghề có các tiêu chí sau:
1. Chấp hành tốt các đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định của tỉnh và địa phương.
2. Trong làng, số lao động quy đổi làm nghề công nghiệp - thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ đạt từ 50% trở lên hoặc 30% số hộ.
3. Giá trị sản xuất làng nghề chiếm tỷ trọng từ 50% trở lên so với tổng giá trị sản xuất của làng.
4. Có hình thức tổ chức phù hợp, chịu sự quản lý Nhà nước của chính quyền địa phương, gắn với các mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương. Đảm bảo vệ sinh môi trường sinh thái theo quy định hiện hành.
“Làng nghề truyền thống phải đạt các tiêu chuẩn như Điều 3 và phải là làng nghề sản xuất lâu đời có ít nhất từ 50 hộ trở lên hoặc 1/3 (một phần ba) tổng số hộ cùng làm một nghề truyền thống, có thu nhập ổn định”.
1.1.1.2. Văn hóa làng nghề
Có thể bạn quan tâm!
- Biến đổi văn hóa làng dệt Phương La huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình - 1
- Biến đổi văn hóa làng dệt Phương La huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình - 2
- Mục Đích, Và Nhiệm Vụ Nghiên Cứu Của Luận Án
- Điều Kiện Tự Nhiên, Dân Cư Và Lịch Sử Hình Thành Làng
- Văn Hóa Làng Phương La Trong Xã Hội Truyền Thống
- Các Lễ Tiết Chính Trong Năm Của Làng Phương La Xưa
Xem toàn bộ 299 trang tài liệu này.
Đến nay, có một quan niệm phổ biến cho rằng, văn hóa làng nghề gồm hai yếu tố “Văn hóa làng” và “Văn hóa nghề”. Văn hóa làng có trước, gồm các yếu tố văn hóa vật thể (diện mạo và cấu trúc vật chất làng xã, các di tích thờ cúng…) và văn hóa phi vật thể (cơ cấu tổ chức làng xã, các ứng xử xã hội, lễ hội, phong tục tập quán, tín ngưỡng…). Văn hóa nghề là các yếu tố liên quan đến nghề (kỹ thuật làm nghề, đặc trưng sản phẩm nghề, tâm lý và tính cách người làm nghề,…). Văn hóa làng nghề là các yếu tố tiêu biểu nhất về vật thể và phi vật thể của một làng được hình thành dưới ảnh hưởng của nghề; gắn với việc sản xuất, sinh sống bằng một hay một số nghề [108, tr. 35- 36].
Tác giả Đinh Thị Vân Chi cũng có quan điểm gần như quan niệm trên khi cho rằng, văn hóa làng nghề là một dạng đặc thù của văn hóa làng nói chung. Ngoài các yếu tố chung của văn hóa làng Việt, văn hóa làng nghề có một số yếu tố đặc thù, như kiến thức nghề, trình độ tay nghề, đạo đức nghề, thái độ hành nghề,...[19, tr. 39].
Tác giả Vũ Quốc Tuấn xác định văn hóa làng nghề có ba bộ phận chính là văn hóa tổ chức (hay cơ cấu tổ chức), văn hóa vật thể (các sản phẩm nghề, các thiết chế thờ cúng, các thiết chế văn hóa) và văn hóa phi vật thể (các phong tục, lễ hội, việc dạy nghề, truyền nghề…) [104, tr. 95- 96]. Định nghĩa đã chỉ ra được yếu tố quan trọng nhất là nghề trong văn hóa, hay tác động của việc làm nghề tới các khía cạnh của làng và của văn hóa.
Tác giả Lâm Bá Nam trong bài viết gần đây trên Tạp chí Dân tộc học, tuy không đưa ra một khái niệm về làng nghề, song, xuyên suốt toàn bộ bài viết, tác giả Lâm Bá Nam đã giúp cho chúng ta hiểu khía cạnh khác của văn hóa làng nghề, đó là những đặc điểm của yếu tố nghề trong văn hóa tạo nên diện mạo làng.
Như vậy, các tác giả đều đã đưa ra được định nghĩa về văn hóa làng nghề, đó là một kiểu loại văn hóa làng, có những đặc trưng của yếu tố nghề, chịu tác động của nghề. Mỗi cách định nghĩa đều khai thác được những khía cạnh mang tính đặc trưng của làng nghề.
Chúng tôi quan niệm: Văn hóa làng nghề là một dạng đặc thù, là một phức thể các yếu tố văn hóa vật chất, văn hóa xã hội và văn hóa tinh thần ở các làng nghề, giữa nghề và làng, giữa con người và các yếu tố ngoài con người, có quan hệ mật thiết với nhau, ràng buộc và phụ thuộc, tác động vào nhau, trong đó nghề giữ vị trí trung tâm. Ngoài các yếu tố chung của văn hóa làng, văn hóa làng nghề có một số yếu tố đặc thù, như nhịp sống làng nghề, tâm lý và tính cách của người làng nghề…
* Cơ cấu văn hóa làng nghề: Cũng như văn hóa làng, văn hóa làng nghề được cấu thành bởi các thành tố:
Văn hóa vật chất: không gian, cảnh quan làng; di tích thờ cúng...
Văn hóa xã hội: các thiết chế, tổ chức làng xã; các giai tầng xã hội...
Văn hóa tinh thần: phong tục, tập quán, lễ tiết, hội làng...
Có điểm khác là nghề phát triển, chi phối các mặt đời sống xã hội của làng, vì vậy, khi nghiên cứu văn hóa làng nghề không thể thiếu yếu tố nghề.
1.1.2. Cơ sở lý thuyết
1.1.2.1. Biến đổi văn hóa
- Luận điểm về biến đổi xã hội
Mọi sự vật, hiện tượng luôn vận động và biến đổi không ngừng. Sự biến đổi đó bao gồm cả biến đổi do nội tại của bản thân sự vật, hiện tượng và sự vận động, biến đổi do các tác nhân bên ngoài. Hiện tượng văn hóa cũng không nằm ngoài quy luật ấy.
Từ trước đến nay, đã có rất nhiều quan điểm khác nhau về sự biến đổi xã hội
- văn hóa. Theo các nhà xã hội học, nói tới biến đổi là đồng nghĩa với sự biến đổi của xã hội, biến đổi của công nghệ… và họ coi biến đổi xã hội chính là sự thay đổi đáng kể trong cấu trúc hành vi văn hóa: “Hệ thống văn hóa (đạo đức, tinh thần) quy định sự phát triển của hệ thống xã hội, cơ cấu xã hội” [40, tr. 52].
Có tác giả đã gắn liền sự biến đổi kinh tế - xã hội với quá trình sản xuất vật chất. M. Weber thì cho rằng: “ Nguồn động lực có sự tác động mạnh mẽ nhất đến các hình thức tổ chức sản xuất và quan hệ xã hội, để cuối cùng làm thay đổi xã hội không phải cái gì khác lại chính là văn hóa phi vật chất (như tư tưởng, niềm tin, kỷ luật lao động và tư duy hợp lý, v.v…) [40, tr. 94]. Như vậy, theo M. Weber, biến đổi xã hội xuất phát từ sự thay đổi về văn hóa và chính văn hóa là động lực để xã hội thay đổi. Ông cũng khẳng định, quá trình biến đổi luôn diễn ra với đầy những khó khăn, phức tạp, không đơn giản thuận lợi: “Việc biến đổi từ giai đoạn này sang giai đoạn khác không “trôi chảy, nhẹ nhàng”, mà thường trải qua thời kỳ bất ổn định, mâu thuẫn giữa cái cũ và cái mới” [40, tr. 52].
Karl Max, với tư cách là nhà xã hội học Đức lại cho rằng “theo quy luật lịch sử, xã hội phát triển từ cơ cấu xã hội đơn giản đến phức tạp”, “Lịch sử phát triển
của xã hội trên toàn thế giới là lịch sử thay thế kế tiếp các hình thái kinh tế xã hội mà thực chất là các phương thức sản xuất” [40, tr. 57, 60].
Nhìn chung, các nhà xã hội học đều có chung quan điểm: xã hội biến đổi và sự biến đổi đó thường được nhìn nhận từ một số chiều cạnh hoặc cách tiếp cận: cấu trúc - hành vi, vĩ mô - vi mô hoặc kết hợp các cách tiếp cận này; được triển khai trên hai trục chính là những biến đổi của cơ cấu xã hội và những biển đổi trong các khuôn mẫu hành vi và lối sống của các nhóm xã hội. Biến đổi vĩ mô là những thay đổi diễn ra và xuất hiện trên phạm vi rộng lớn và trong khoảng thời gian dài. Biến đổi vi mô là những biến đổi nhỏ, diễn ra trong thời gian ngắn, được tạo ra từ một lĩnh vực nào đó của đời sống.
Một số công trình nghiên cứu của khoa học xã hội trong thập niên 1990, đã mở đầu cho hướng nghiên cứu về biến đổi xã hội ở Việt Nam. Các nghiên cứu đã đưa ra nhận định chung là kinh tế thị trường càng phát triển tuy tạo ra nhiều cơ may, vận hội cho các cá nhân, các nhóm xã hội, song sự phân hóa giàu nghèo cũng như mức độ phân tầng xã hội càng diễn ra mạnh mẽ. Cá nhân, nhóm nào nắm bắt, tận dụng được cơ hội sẽ vượt lên thành các nhóm giàu có, khá giả, ngược lại, cá nhân, nhóm xã hội nào không nắm bắt được các cơ hội sẽ chỉ đạt mức sống trung bình, thậm chí bị sút giảm và rơi vào nhóm có mức sống nghèo đói. Những cá nhân, nhóm xã hội
„„mạnh‟‟tạo nên sức mạnh kinh tế làm thay đổi đáng kể điều kiện sống của bản thân và góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển. Có thể gọi là những nhóm xã hội vượt trội mà sự giàu có lên của họ có thể làm doãng rộng khoảng cách giàu nghèo, nhưng cũng góp phần tạo ra động lực tăng trưởng kinh tế, tiến bộ xã hội [77, tr. 29-30]. Chúng tôi vận dụng những luận điểm này để nghiên cứu về sự biến đổi xã hội - yếu tố có liên quan mật thiết với biến đổi văn hóa ở làng Phương La trong điều kiện hiện nay.
- Luận điểm về biến đổi văn hóa
Cũng như biến đổi xã hội, biến đổi văn hóa là chủ đề được rất nhiều ngành khoa học xã hội và nhân văn nghiên cứu. Biến đổi văn hóa được các học giả đề cập từ khá sớm và họ đều có điểm chung thống nhất cho rằng không có nền văn hóa nào đứng yên một chỗ, cũng như không có nền văn hóa nào không có sự thay đổi gì so
với thời kỳ khai nguyên của nó. Chúng ta có thể điểm lại một vài quan điểm về sự biến đổi văn hóa của các nhà nghiên cứu, để từ đó có cái nhìn tổng quan về biến đổi văn hóa.
+ Cuối thế kỷ XIX, thuyết Tiến hóa luận của E. Taylor, Morgan ra đời. Các học giả cho rằng sự phát triển của các nền văn hóa là xu hướng chính của lịch sử loài người, điều này là tất yếu, các dữ kiện của nó có thể sắp xếp vào một trật tự xác định, mà không thể làm khác được.
Không tán thành với thuyết tiến hóa về văn hóa ở cuối thế kỷ XIX, thuyết chức năng - cấu trúc được khởi xướng từ G. Spence r và E. Durkheim ra đời. Thuyết này nhấn mạnh đến sự thống nhất của giống người và sự đồng nhất trong phát triển văn hóa “Đó là sự phát triển qua các giai đoạn từ đơn giản đến phức tạp và mang tính chất bắt buộc đối với mọi xã hội”, “Coi văn hóa và xã hội như một cơ thể sống” [40, tr.72]. Thuyết chức năng coi trọng sự khác biệt về văn hóa, theo các học giả, chính nhờ sự khác biệt mà các bộ phận của xã hội cũng như các xã hội có thể nương tựa và bổ sung cho nhau để vận hành trong thế cân bằng và ổn định. Học thuyết cũng chủ trương cần nghiên cứu văn hóa - xã hội của mỗi dân tộc như là một thể thống nhất (hay như một chỉnh thể), cần chia tách thành các bộ phận và vạch ra các mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau giữa chúng.
Phát triển học thuyết trên, Radcliffe Brown đi đến kết luận “Cần phải nghiên cứu văn hóa từ bên trong, cần tôn trọng giá trị của các nền văn hóa khác nhau và không nhất thiết mọi nền văn hóa đều phải trải qua các giai đoạn giống như nền năn minh châu Âu” [49, tr. 76].
Thuyết xung đột gắn liền với tác phẩm của những người có khuynh hướng chống lại sự bành trướng của thuyết chức năng - cấu trúc. Dựa trên cơ sở lý luận của M. Weber và C. Mác, người ta cho rằng các mâu thuẫn và xung đột không chỉ là đặc trưng, còn giữ một vai trò rất quan trọng trong đời sống xã hội và coi xã hội là sự kết nối không ngừng các va chạm của những lực lượng xã hội khác nhau, không có hoàn cảnh nào không có xung đột. “Mâu thuẫn là nguồn gốc của mọi sự vận động, biến đổi và là động lực của sự phát triển. Mà mâu
thuẫn, xung đột lại hình thành và phát triển trên cơ sở của sự khác biệt, kể cả sự khác biệt về văn hóa” [40, tr. 82].
Trong công trình nghiên cứu Biến đổi văn hóa ở các làng quê hiên nay, tác giả Nguyễn Thị Phương Châm đã dành cả một chương để bàn về các lý thuyết biến đổi văn hóa và tác giả xác định biến đổi văn hóa là quá trình vận động của tất cả các xã hội và cho rằng biến đổi văn hóa là xu hướng tất yếu trong quá trình toàn cầu hóa. Tác giả khẳng định:
“Biến đổi văn hóa trong xã hội hiện đại là những quá trình đa chiều, đa dạng phụ thuộc vào sự lựa chọn của từng xã hội cụ thể với sự chi phối của bối cảnh văn hóa truyền thống. Quá trình biến đổi văn hóa trong hiện đại hóa hiện nay được nhìn nhận là ngày càng xa với thuyết Mỹ hóa và Tây hóa, tức là không chỉ lấy Mỹ hay phương Tây làm mô hình và chuẩn mực cho sự phát triển” [17, tr. 22, 23].
Từ trước đến nay, HĐH được hiểu là quá trình chuyển biến từ những xã hội nông nghiệp truyền thống sang xã hội công nghiệp hiện đại, dẫn đến biến đổi văn hóa, diễn ra theo một đường thẳng đơn tuyến, trong đó những giá trị truyền thống sẽ bị xóa bỏ và đưa tới sự hội tụ của những “giá trị hiện đại”.
Các nhà Nhân học hiện đại, tuy đồng ý quan điểm kinh tế phát triển thúc đẩy sự biến đổi về xã hội, văn hoá; nhưng không tán thành luận điểm về sự biến đổi văn hoá từ xã hội truyền thống sang xã hội hiện đại dẫn đến hội tụ những giá trị hiện đại chung cho mọi xã hội.
Các nhà Văn hóa học Mỹ chỉ ra mối quan hệ biện chứng giữa chính trị - kinh tế và văn hoá, họ đánh giá cao vai trò quan trọng của văn hóa trong phát triển kinh tế
- xã hội… Trên cơ sở đó, một lý thuyết mới về hiện đại hóa được đề xuất với nội dung chính sau đây:
+ Phát triển kinh tế dẫn đến biến đổi về xã hội và văn hoá từ xã hội truyền thống sang xã hội hiện đại. Quá trình này đi theo những đường song song, phụ thuộc vào văn hoá truyền thống của mỗi nước; chứ không phải diễn ra theo một đường thẳng; không dẫn đến hội tụ những “giá trị hiện đại” chung cho mọi quốc
gia. Trong quá trình đó, các giá trị truyền thống không biến mất mà tiếp tục ảnh hưởng đến quá trình biến đổi.
+ Nội hàm của biến đổi xã hội, văn hoá là: tăng trưởng kinh tế, chuyên môn hoá nghề nghiệp, tăng trình độ học vấn, thay đổi vai trò giới (nhất là của nữ giới), các quan hệ cộng đồng suy giảm, tự do cá nhân và sự tự thể hiện mình (của cộng đồng, cá nhân) được đề cao…
+ Biến đổi văn hoá không đồng nghĩa với “Mỹ hoá”, “Âu hoá”. Sự phát triển vượt bậc của những nước châu Á (Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc…) và châu Phi trong những năm gần đây đã chứng minh điều đó.
Như vậy, biến đổi văn hóa được các học giả đề cập từ khá sớm và họ đều có điểm chung thống nhất cho rằng không có nền văn hóa nào đứng yên một chỗ, cũng như không có nền văn hóa nào không có sự thay đổi gì so với thời kỳ khai nguyên của nó. Biến đổi văn hóa mang tính tất yếu, là hiện tượng phổ biến. Biến đổi văn hóa cũng tuân theo quy luật, biến đổi từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp. Biến đổi này không diễn ra theo một đường thẳng đơn tuyến mà cũng có những giai đoạn chững lại, thậm chí là thụt lùi, là bước tiến bộ trong sự phát triển, được bắt đầu từ quá trình thay đổi phương thức sản xuất, kỹ thuật sản xuất, dẫn đến thay đổi về quan niệm, lối sống,… Song, biến đổi văn hóa lại cũng chính là động lực thúc đẩy xã hội biến đổi. Nhờ mối quan hệ biện chứng đó mà văn hóa và xã hội ngày một phát triển. Sự biến đổi này được hiểu theo nghĩa rộng, là quá trình vận động của tất cả xã hội [40, tr.9]. Theo nghĩa hẹp, biến đổi văn hóa là những thay đổi của các di tích thờ cúng, tôn giáo…ở những làng quê được chuyển thành phường do tác động của ĐTH. Mà biến đổi xã hội do tác động của CNH - HĐH là sự thay đổi trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội và cá nhân, trong đó có các quan hệ xã hội các mô hình hành vi và ứng xử tương ứng với các điều kiện CNH - HĐH và ĐTH [47, tr.80].
Chủ nghĩa duy vật lịch sử cho rằng “… sự phát triển của xã hội trên toàn thế giới là lịch sử kế tiếp các hình thái kinh tế xã hội mà thực chất là các phương thức sản xuất” [22, tr.60], “… ở mọi xã hội, ý thức xã hội (hệ tư tưởng, chính trị, luật
pháp, đạo đức, văn hóa, tôn giáo…) bị quy định bởi tồn tại xã hội” [22, tr. 59, 60]. Cùng với sự khẳng định về tồn tại xã hội quyết định ý thức xã hội, lý luận mácxít cũng đồng thời khẳng định tính độc lập tương đối của ý thức xã hội, khẳng định sự tác động ngược trở lại của ý thức xã hội với tồn tại xã hội. Mỗi khi tồn tại xã hội đặc biệt là phương thức sản xuất biến đổi thì những tư tưởng và nhận thức của con người, những quan điểm về chính trị, đạo đức, văn học, nghệ thuật… sớm muộn cũng biến đổi theo. Sự biến đổi của tồn tại xã hội do tác động mạnh mẽ, thường xuyên và trực tiếp của những hoạt động thực tiễn của con người mà trước tiên là do sự biến đổi của lực lượng sản xuất xã hội.
Như vậy, về mặt nhận thức, tồn tại xã hội quyết định ý thức xã hội nhưng còn trong đời sống xã hội hiện thực, tất cả các yếu tố đều làm tiền đề và tác động thúc đẩy lẫn nhau. Đây là cơ sở lý luận để NCS dựa vào trong suốt quá trình nghiên cứu.
1.1.2.2. Biến đổi văn hóa làng nghề
Thực tế cho thấy, quá trình hội nhập thế giới và việc đẩy mạnh CNH - HĐH đã tác động mạnh mẽ, sâu sắc đến các làng Việt nói chung, làng nghề nói riêng, dẫn đến biến đổi văn hóa của các làng. Nguyên nhân của sự biến đổi này chính là do lực lượng sản xuất rất phát triển, phương thức sản xuất được đổi mới, kinh tế hàng hóa thâm nhập sâu, rộng vào mọi mặt đời sống xã hội của người dân.
CNH - HĐH đã mang lại nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức đối với làng nghề, với người thợ thủ công. Chính vì điều này mà nhiều làng nghề đã không còn tồn tại bởi sản phẩm không có chỗ đứng trên thị trường, hoặc có những làng nghề còn tồn tại nhưng là để duy trì nghề, sản phẩm làm ra có rất ít người tiêu thụ bởi không phù hợp với yêu cầu của cuộc sống hiện đại. Chính vì vậy, để làng nghề tồn tại và phát triển, người làng nghề không còn cách nào khác là phải thay đổi cách nghĩ, từ đó đổi mới mặt hàng sản xuất, công nghệ sản xuất... nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường. Do đó, văn hóa của các làng nghề cũng biến đổi theo. Tuy nhiên, tùy điều kiện kinh tế - xã hội cụ thể của mỗi làng mà sự biến đổi văn hóa có qui mô, tốc độ khác nhau.