ngày nay. Thực ra, câu chuyện dân gian này ẩn đằng sau một thực tế: làng Mẹo có kinh tế khá hơn nên đã thu hút được nhiều người đến mua bán, trao đổi dẫn đến việc hình thành chợ. Có chợ, sản xuất nông nghiệp và nghề dệt lại càng phát triển, khu Bến Trấn trở thành khu vực kinh tế phồn thịnh.
Xưa, chợ Mẹo họp tại đình làng, năm ngày một phiên, vào các ngày 5 và 9; chủ yếu bán các sản phẩm nông nghiệp, các đồ dùng phục vụ sinh hoạt, nghề nông. Ngoài ra, loại sản phẩm không thể thiếu được của chợ đó là lụa, lụa bày bán rất nhiều. Người dân nơi đây dùng khớp cột đình để đo độ rộng hẹp của lụa, không chỉ thuần túy đo tỷ lệ mà còn có ý nghĩa về mặt tâm linh: là sự chứng giám của thần linh trong việc mang sản phẩm ra bán, nếu làm thiếu, làm “điêu” về chất lượng, sẽ bị thần trách phạt. Sản phẩm dệt của làng đã có mặt ở thị trường nước ngoài vào những năm 1937 do ông Trần Văn Tuân thiết lập mối trao đổi với thương gia người Nhật.
Ngoài buôn bán ở chợ làng, trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, để trao đổi được mặt hàng dệt, Phương La còn có nhiều người buôn bán đường dài, nổi tiếng, như các ông Trần Văn Nghinh, Lê Văn Chính, Đỗ Văn Tỉnh, Đinh Bá Nhân…. Những nhà buôn này hoạt động ở nhiều thương trường khác nhau: Hà Nội, Nam Định… Nhiều người buôn bán phát đạt, trở nên giàu có, về tậu trâu, mua ruộng đất, mua gỗ lim làm nhà; có người tranh được chức lý trưởng.
Để sinh tồn với nghề dệt đã vất vả nhưng khi buôn bán sản phẩm do mình làm ra còn vất vả và nguy hiểm hơn, thậm chí nhiều khi công việc tiêu thụ sản phẩm từ nơi này đến nơi khác, nhất là trong thời kỳ chiến tranh loạn lạc, có người đã phải đổ máu, thiệt mạng khi mang hàng dệt đến các tỉnh xa để tiêu thụ. Nhiều cụ già làng Phương La còn nhớ mãi chuyện tiêu thụ hàng đầy nguy hiểm và khó khăn của người làng trong kháng chiến chống thực dân Pháp. Năm 1948, sau khi giặc Pháp chiếm Thái Bình, khung cửi được người làng tháo ra, cho xuống ao giấu vì sợ bị cháy khi bom đạn bắn vào làng, thời kỳ này có nhiều gia đình trong làng Phương La tản cư vào vùng tự do ở Thanh Hóa. Họ tụ nhau lại, sống ở khu làng Vực, Đông San, Hậu Hiền, Nam Ngạn v.v.. bên bờ sông Mã. Thấy trong vùng có nhiều người
bán tơ, sợi bông; người Phương La cùng nhau đóng khung, mua tơ dệt vải đem bán ở các chợ Cầu Bố, chợ Thông, chợ Đông Sơn… Thấy hàng chạy, họ thông tin về quê hương, người dân lại vớt khung cửi lên, mua tơ, sợi về dệt vải lụa. Đồn bốt giặc giăng khắp nơi, nhưng người Phương La vốn thông minh, khôn khéo, không chịu bó tay, khuất phục, họ len lỏi tìm đường tắt để vào Thanh Hóa. Lụa tơ tằm, vải đũi lại được đóng thành từng bó, ban đêm người Phương La mang hàng vượt sông Hồng, qua vùng đồng nước chiêm trũng Hà Nam Ninh, Cống Guờ, chợ Chanh huyện Lý Nhân tỉnh Hà Nam. Đêm khuya, vượt đường 21 sang đất Gia Viễn, Nho Quan xuôi vào Thanh Hóa. Đã có không ít người khi vượt đường chẳng may bị giặc phục kích bắn bị thương. Có người bị giặc bắn chết, khi gục xuống hai tay vẫn còn ôm chặt bó lụa vào lòng [Nguồn: Phỏng vấn của NCS, năm 2013].
Trước 1945, người ta đã định giá cho từng mặt hàng được sản xuất từ tơ tằm, sợi bông của nghề dệt tỉnh Thái Bình nói chung và làng Phương La nói riêng: lụa dệt từ tơ sống rộng 0,38m (quần phụ nữ) 50 vuông giá 4,7đ - 7,5đ; lụa dâu bốn (bốn sợi) rộng 0,36m, 50 vuông, 3,7đ (dùng để dệt quần phụ nữ), lụa dâu sáu (loại lụa sáu sợi) rộng 0,39m, 50 vuông, 6,70đ. Ngoài ra, người ta còn định giá các loại lụa dệt từ thứ phẩm của kén vải tơ, đũi với nhiều mức khác nhau.
Đến khi vải làng Mẹo trở nên nổi tiếng, thương lái ở các nơi tìm về mua mang đi và bán lại các sợi tơ, sợi bông cho làng. Phương thức này được duy trì cho tới tận những năm 50 của thế kỷ XX.
Giai đoạn sau hòa bình, trong thời bao cấp, người làng nghề mỗi khi đem hàng đi bán ở các chợ trong huyện, trong tỉnh hoặc ra tỉnh ngoài đều phải lén lút, lẩn tránh thuế vụ, tài chính, nếu không may gặp họ thì không những bị tịch thu hàng mà người bán còn bị phạt vì tội buôn gian, bán lận….
Có thể bạn quan tâm!
- Mục Đích, Và Nhiệm Vụ Nghiên Cứu Của Luận Án
- Biến đổi văn hóa làng dệt Phương La huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình - 4
- Điều Kiện Tự Nhiên, Dân Cư Và Lịch Sử Hình Thành Làng
- Các Lễ Tiết Chính Trong Năm Của Làng Phương La Xưa
- Các Giai Đoạn Biến Đổi Của Nghề Dệt Làng Phương La
- Về Cách Thức Truyền Nghề Và Học Nghề
Xem toàn bộ 299 trang tài liệu này.
1.2.2.7. Truyền nghề và học nghề
Như bao làng nghề khác ở Việt Nam, do phải giữ bí quyết nghề nghiệp nên qua nhiều thế kỷ, các nghề vẫn chỉ tồn tại ở một số làng nhất định mà không thể tỏa sang các làng khác. Làng Mẹo cũng không phải ngoại lệ. Người làng Mẹo luôn tôn
trọng truyền thống giữ bí quyết nghề nghiệp và không tiết lộ trong bất cứ hoàn cảnh nào, cho bất cứ đối tượng nào. Anh em cũng không tiết lộ cho nhau, vợ chồng cũng không chia sẻ. Tổ tiên, cha mẹ không bao giờ truyền hết nghề cho một người con, mà truyền cho mỗi người một công đoạn. Vì vậy, trong một gia đình người Phương La xưa, anh cả chỉ biết nghề dệt, em trai chỉ biết phân sợi, có người chỉ biết đánh ống, tẩy, nhuộm… Chính vì cách truyền nghề này mà người ngoài làng, ngoài họ không thể học lén được nghề. Chi tiết minh chứng cho sự giữ gìn bí quyết nghề thể hiện, nhiều lần đi tham quan hệ thống máy dệt, ông trưởng phòng Công thương của huyện Hưng Hà từng chứng kiến, chỉ cần một thao tác nhỏ của người thợ dệt là cả hệ thống máy dừng hoạt động mà ông cũng không thể phát hiện. Ngay cả một số làng sát cạnh làng Phương La như Xuân La, cùng thờ chung thành hoàng là Trang Nghị Đại vương mà cũng không có nghề dệt. Các làng trong vùng cũng chỉ biết chăn tằm, kéo tơ, đem đến thuê người làng Phương La dệt vải, dệt lụa hoặc bán tơ cho họ. Đến sau ngày hòa bình lập lại (1954), việc truyền nghề vẫn đóng khung trong phạm vi gia đình. Điều này được thể hiện trong bản tục lệ xã Phương La, đó là khuyến khích con gái lấy chồng người làng, con gái lấy chồng làng khác thu thêm một quan tiền cheo. Như vậy, nghề dệt làng Phương La truyền nghề theo kiểu “cha truyền con nối”, truyền nghề trực tiếp trên khung dệt, cầm tay chỉ việc, bắt chước lẫn nhau nên người thợ chỉ biết làm theo thói quen, làm từng công đoạn…, tạo nên tính thụ động. Đa số, chỉ truyền nghề cho con trai, chủ yếu là để giữ nghề, duy trì, phát triển nghề truyền thống, giữ bí quyết nghề còn có mục đích chi phối quan hệ nội tộc.
1.2.3. Văn hóa làng Phương La trong xã hội truyền thống
1.2.3.1. Văn hóa vật chất
Không gian, cảnh quan làng
Làng cổ truyền người Việt xưa có cấu trúc rất đặc biệt và đa dạng, bao chứa trong đó là những tổ chức nhỏ như dòng họ, phe giáp… Trong cộng đồng làng đó có sự liên kết chặt chẽ giữa các thành viên trong làng. Vì vậy, làng là một cộng đồng bền chặt, tự trị, khép kín, được bao bọc bởi lũy tre làng.
Làng Phương La cũng nằm trong cái chung ấy. Người Phương La sống, dựng nhà quây quần, tụ cư bên nhau theo địa vực. Tuy nhiên, mỗi gia đình ở một ngôi nhà riêng, trên khoảnh đất riêng rộng rãi, xung quanh cũng được bao bọc bởi bờ tre hoặc hàng rào. Anh em, họ hàng thường chọn ở cạnh nhau còn “tối lửa, tắt đèn có nhau”. Làm nhà là một trong ba việc trọng đại của đời người (tậu trâu, cưới vợ, làm nhà), nên việc chọn đất, chọn hướng để làm nhà được người Phương La rất quan tâm. Vị trí nhà thường phụ thuộc vào địa vị xã hội, dòng họ và phụ thuộc vào khả năng kinh tế của mỗi gia đình theo. Tuy nhiên, hướng nhà được người Phương La chọn làm là hướng đông nam, tây nam và nam “Lấy vợ đàn bà, làm nhà hướng nam”. Hầu hết những người chính cư đều chọn vị trí trung tâm của làng để làm nhà, nơi thuận lợi cho việc gặp gỡ, trao đổi. Kiến trúc chung của các gia đình bao giờ cũng có cổng dậu, đường vào nhà, trước cửa có giàn hoa và sân nhà, đằng sau là vườn trồng rau và cây ăn quả. Nhiều nhà có ao thả bèo phục vụ chăn nuôi. Chuồng lợn, chuồng gà, khu vệ sinh làm ở phía sau nhà hoặc phía trái nhà, khuất sau đống rạ, đống rơm. Nhà thường được làm quay về hướng Nam, bếp được dựng riêng không liền nhà. Nhiều gia đình còn có giếng nước đặt tại vị trí khoảng cách giao nhau giữa nhà và bếp. Người Thái Bình nói chung, người làng Phương La nói riêng làm nhà mái chảy. Nhà nghèo thì làm nhà tranh vách đất, nhà khá giả được làm bằng gỗ, mái lợp ngói, xây bằng gạch… Nhà lớn thì năm gian, thông thường là ba gian, nhà nào cũng có buồng ở bên cạnh để dành cho đàn bà, phụ nữ ngủ hoặc để chứa đồ dùng, vật dụng quý,… Nhìn chung, nhà được thiết kế đơn giản, vật liệu chủ yếu tre, nứa, gỗ, đất.
Xưa, để vào được làng Phương La phải qua con đường dài mấy cây số, hai bên là cánh đồng lúa bát ngát. Làng hiện lên thấp thoáng trong những lùm cây um tùm. Không gian của làng thoáng đãng với hệ thống đường làng, ngõ xóm dài ngoằn ngoèo; vườn cây, ao chuôm rộng rãi, xanh mướt um tùm. Môi trường sống trong lành, tạo cảm giác thư thái, thanh bình. Với lối kiến trúc cùng với điều kiện kinh tế và sự nhận thức của người Phương La nên làng khép kín, có phần “biệt lập” với “thế giới” bên ngoài.
Các di tích tín ngưỡng, tôn giáo
Làng Phương La có đủ cả đình, chùa, miếu, nhà thờ họ… và trong các di tích tín ngưỡng, tôn giáo còn nhiều cổ vật quý. Nổi bật trong các di tích ấy của làng là Đình Đông, chùa Ứng Mão, các nhà thờ dòng họ Lê, họ Trần…
- Đình Đông thờ vọng Lục vị thành hoàng: Đồng Loan, Đông Cương, Thiên Quan, Lôi Công, Sơn Du, Thiên Quân là những người có công phát triển đồng điền, nghề dệt ở Phương La xưa; có công giúp nhà Trần dẹp loạn, lập nên vương triều mới. Đình được xây dựng đã từ xa xưa và được trùng tu vào năm Thành Thái thứ 2 (1890), trên một khuôn viên rộng thoáng. Đây là ngôi đình lớn của làng Phương La, có quần thể tắc môn (bình phong) đẹp, tòa bái Đình 5 gian, 2 tòa tả vu, hữu vu (mỗi tòa 3 gian), tòa hậu cung 3 gian. Trong đình còn lưu giữ được nhiều hiện vật như câu đối, hoành phi, cuốn thư, sắc phong là những tư liệu quý liên quan đến đời sống tâm linh của dân làng. Bên trái đình có bia “Truy tự bi ký” được tạo dựng năm Tự Đức thứ 15 (1862).
- Các đền, miếu: các vị thành hoàng được thờ chính ở các miếu nằm rải rác trong làng. Đó là các miếu Sơn Du tôn thần, Thiên Quan tôn thần, Thiên Quan trấn độ tôn thần, Đông Cương tôn thần, Lôi Công tôn thần và Đồng Loan tôn thần. Các miếu này cũng đã có từ rất lâu và đến nay không còn nữa, bị phá hủy từ những năm kháng chiến chống Pháp.
Miếu Gốc Đa, Ngoài các miếu, đền thờ thành hoàng còn có Miếu Gốc Đa hay còn gọi là đền Nhà Ông - tương truyền đây là phần mộ của Trần Hoằng Nghị. Trong miếu hiện còn bài vị có nội dung “Phụng đại vương thượng đẳng phúc thần Trần Hoằng Nghị đồng tứ vị phu nhân”.
- Chùa Ứng Mão có tên Nôm là chùa Mẹo, ở giữa làng; nay thuộc thôn Phương La 4. Chùa có cấu trúc chữ “Nhất”, gồm 5 gian 2 dĩ, hướng Tây. Phía ngoài là nhà tổ và nhà mẫu có hướng đối diện với Phật điện.
Trong chùa có một quả chuông cổ Tân tạo hồng chung Ứng Mão tự ký (ghi chép về việc đúc mới quả chuông lớn của chùa Ứng Mão, đúc xong vào ngày Tốt,
tháng Giêng, năm Chính Hòa thứ chín - tháng 2/ 1688). Bài Minh cho biết, ngày 16 tháng Chạp năm Bính Dần niên hiệu Chính Hòa (29- 01 - 1687), dân làng đồng thanh đúc mới quả chuông. Chuông ghi rõ số tiền công đức của dân làng cùng khách thập phương, tổng là 37 quan.
Phía trước gác chuông của chùa còn có tấm bia “Thạch kiều bi ký” được làm bằng đá xanh, có chiều cao 110cm, rộng 58cm, dày 10cm.
- Các nhà thờ dòng họ
+ Nhà thờ dòng họ Trần gồm một ngôi nhà tổ (từ đường) và một căn nhà lưu niệm. Từ đường là một gian nhà cổ. Mặt trước của từ đường là cửa chính có bốn cánh cửa gỗ - vốn đây là “chuôi vồ” của đền thờ tổ chuyển về. Mái từ đường có hình tháp 3 tầng, trên nóc là đôi rồng chầu mặt nguyệt, phía dưới có ba chữ Hán dịch nghĩa “Phúc khánh Đường”.
+ Từ đường họ Lê được xây dựng cách đây khoảng 400 năm.
+ Họ Đinh có một nhà thờ cổ thờ Bà Cô. Tương truyền, “bà” chết lúc mới lên tám tuổi. Về sau, có một người thuộc hàng cháu trong họ đi buôn tơ tằm ở Nam Định. Trong một lần đi buôn, người cháu khấn Bà Cô “nếu Bà giúp cháu làm ăn phát đạt sẽ về xây nhà thờ Bà”. Ngay sau đó, khi nhận tơ từ chủ buôn, ông kiểm lại, thấy người chủ đã phát thừa cho ông một xe tơ. Với tính thật thà, ông mang số tơ thừa trả cho chủ buôn. Cảm động trước tấm lòng của ông, người chủ hết lòng giúp đỡ ông và công việc làm ăn của ông dần phát đạt. Nhớ đến lời cầu Bà Cô khi trước, ông trở về quê, xây nhà thờ Bà Cô tổ (gọi là đền Bà Cô). Nhờ có kinh tế, ông ra tranh chức chánh tổng - và ông chính là cụ Đinh Bá Lục, vào khoảng năm 1925, 1926, là người giàu nhất làng Mẹo, ruộng có hàng chục mẫu.
1.2.3.2. Văn hóa xã hội của làng Phương La
Cơ cấu tổ chức
Cơ cấu tổ chức của làng Phương La trước Cách mạng tháng Tám 1945 về cơ bản đều theo mô hình của làng Việt vùng châu thổ Bắc Bộ, gồm một hệ thống các thỉết chế dựa theo các hình thức tập hợp người - như phân định của Nhà Dân học
Trần Từ trong cuốn sách “Cơ cấu tổ chức của làng Việt cổ truyền ở Bắc Bộ”: dòng họ; xóm ngõ; giáp; kỳ mục và chức dịch, phường hội.
- Dòng họ: trước 1994, làng Phương La có 10 dòng họ là Trần, Nguyễn, Đào, Phạm, Lê, Vũ, Đặng, Đỗ, Đoàn, Đinh. Về sau, có thêm dòng họ Ninh tới sinh sống.
Theo các bậc cao niên, họ Trần về lập ấp ở Phương La sớm nhất và là dòng họ có nhiều chi, số đinh đông nhất, chiếm tới 33% dân số trong làng. Đây cũng là dòng họ có công khai khẩn vùng đất này. Họ Trần sống rải rác ở cả bốn xóm nhưng tập trung nhiều nhất ở xóm Vượt và xóm Đống. Dòng họ Trần, họ Nguyễn, họ Lê là những dòng họ lớn và có điều kiện kinh tế khá giả hơn các dòng họ khác ở Phương La. Đặc biệt họ Trần rất có thế lực về kinh tế cũng như vị thế đối với làng xã, thể hiện ở nhiều khía cạnh: sự quyên góp, tâm đức vào tu bổ các di tích đình, đền, chùa miếu kể cả về số lượng vật chất cũng như số đinh tham gia; hoạt động xã hội, từ thiện của các dòng họ này lớn, mạnh hơn hẳn các dòng họ khác, được làng xã ghi nhận. Trong việc cúng tiến để đúc chuông chùa Mẹo, số người họ Trần chiếm tới 32% trong tổng số người của cả bốn thôn, tương ứng với 10 lần số người họ Đinh, họ Vũ và gấp nhiều lần số thành viên của các dòng họ còn lại cộng lại.
- Xóm, làng Phương La có bốn xóm, xóm Vượt là xóm có đình, có chợ, ở trung tâm làng; xóm Đống; xóm Điếm và xóm Cầu Tiên. Xóm là nơi cư trú của các gia đình thuộc các dòng họ khác nhau. Tuy nhiên, nhiều trường hợp, một số dòng họ tập trung đông đúc tại một xóm, như họ Trần, họ Vũ tập trung ở xóm Vượt và xóm Đống; họ Đinh tập trung ở xóm Điếm và xóm Đống; họ Đỗ tập trung ở xóm Cầu Tiên. Trừ xóm Đống, các xóm còn lại mỗi xóm có một điếm thờ thần linh bản thổ và là nơi tuần phiên tập hợp đi tuần phòng vào buổi tối.
Trong cải cách ruộng đất, các xóm được đổi tên mang tính chất cách mạng, xóm Vượt được đổi thành “Cộng Hòa”, xóm Đống đổi thành “Thống Nhất”; xóm Điếm đổi thành “Dân Chủ”; xóm Cầu Tiên đổi thành “Quang Trung”.
Thời kỳ hợp tác hóa, các xóm là cơ sở để thành lập các HTX nông nghiệp bậc thấp. Đến khi thành lập HTX toàn xã, các xóm trở thành các đội sản xuất. Khi
HTX suy giảm vai trò trong tổ chức sản xuất, các đội sản xuất chuyển thành thôn, theo Quyết định của UBND tỉnh Thái Bình. Các thôn Cộng Hòa, Thống Nhất, Dân Chủ, Quang Trung lần lượt được gọi thành thôn Phương La 1, 2, 3 và Phương La 4. Mỗi thôn có chi bộ, trưởng thôn, phó thôn kiêm công an viên, ban công tác mặt trận và các chi hội đoàn thể quần chúng.
- Giáp là thiết chế giữ vai trò quan trọng nhất đối với mọi mặt đời sống của làng, là mắt xích quan trọng nhất trong cơ cấu tổ chức làng xã Việt Nam xưa.
Tuy nhiên, một điều khó khăn đối với chúng tôi khi nghiên cứu về giáp ở làng Phương La là các bậc cao niên am hiểu về thiết chế này không còn, một số cụ chúng tôi có dịp tiếp xúc chỉ đưa ra một vài thông tin sơ bộ; trong khi đó, các văn bia, chuông khánh không để lại tư liệu nào đáng kể. Chỉ có cuốn thư tại đình Phương La đã có cách đây khoảng 100 năm, trên cuốn thư có đề cập tới việc cuốn thư này do bốn giáp của làng cúng tiến. Và cũng theo cuốn thư ở nhà thờ từ đường họ Trần thì giáp ở Phương La là tập hợp các thành viên thuộc dòng họ vì trên cuốn thư có ghi rõ: “Giáp Trần đình Đông bái tiến” vào năm Ất Sửu (1926). Trong đình Đông có tấm biển gỗ khắc một bài tán do các vị ở giáp Vũ, Nguyễn, Trần, Đào cùng tiến cúng năm Giáp Dần (1914). Theo các bậc cao niên thì xưa kia, bốn thôn của làng gồm có tám giáp. Như vậy, chúng ta có thể khẳng định giáp của làng Phương La được tập hợp theo dòng họ, nhưng cũng có thể còn phụ thuộc vào cả số đinh trong giáp cùng với địa vực sống của các họ (nếu dòng họ nào đông đinh thì có thể sẽ chia thành nhiều giáp theo khu vực sinh sống) vì thế mới có“Giáp Trần đình Đông” (theo cụ Lê Quang Hoa, sinh năm 1929, riêng họ Trần đã có bốn giáp).
Cũng như ở các làng quê Việt vùng châu thổ Bắc Bộ, giáp của làng Phương La cũng được vận hành theo nguyên tắc các lớp tuổi. Theo tuổi tác, mỗi trai đinh phải lần lượt gánh vác các nghĩa vụ với giáp, với làng mà quan trọng nhất là làm lềnh (những người đã qua tuổi tráng đinh nhưng chưa đến tuổi lên lão). Nếu giáp đông trai đinh, tuổi đến lượt gánh lềnh sẽ nặng và cả đời người thường chỉ một lần gánh; ngược lại nếu giáp ít đinh, tuổi còn trẻ đã phải đảm nhận nghĩa vụ này, có