Bảo vệ quyền sở hữu theo pháp luật dân sự Việt Nam - 2

3.2. Mục tiêu cụ thể:

Để đạt được mục đích cuối cùng của luận văn, cần phải hoàn thành các mục tiêu cụ thể sau:

- Khái quát được đặc điểm của bảo vệ quyền sở hữu theo pháp luật dân sự Việt Nam trong tương quan với bảo vệ quyền sở hữu theo pháp luật hình sự, pháp luật hành chính;

- Phân tích các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu theo pháp luật dân sự Việt Nam, đánh giá được các ưu, nhược điểm;

- Đề ra giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả bảo vệ quyền sở hữu theo pháp luật dân sự Việt Nam trên phương diện hoàn thiện pháp luật cũng như giải pháp thực tế.

4. Tính mới và những đóng góp của đề tài

4.1. Tính mới của đề tài

Vấn đề bảo vệ quyền sở hữu luôn nhận được sự quan tâm của nhiều tổ chức, cá nhân trong xã hội. Vì vậy, có nhiều hội thảo, công trình khoa học cũng như các bài viết tập trung nghiên cứu, phân tích vấn đề này. Tuy nhiên các công trình nghiên cứu đó hầu hết chỉ phân tích đánh giá một hoặc một vài biện pháp bảo vệ quyền sở hữu theo pháp luật dân sự, hoặc đánh giá vấn đề bảo vệ quyền sở hữu trong tương quan với quyền sở hữu, hoặc tiếp cận dưới góc độ bảo vệ quyền sở hữu của một đối tượng chủ thể mà không có một công trình nào khái quát hóa được nội dung bảo vệ quyền sở hữu. Đề tài “Bảo vệ quyền sở hữu theo pháp luật dân sự Việt Nam” tiếp cận vấn đề bảo vệ quyền sở hữu theo cách khái quát trên phương diện là quyền sở hữu của các chủ thể nói chung trong xã hội, chỉ ra bản chất và sự khác biệt của bảo vệ quyền sở hữu theo pháp luật dân sự so với các ngành luật khác và có thể ứng dụng vào thực tiễn như là một hướng dẫn cho các chủ thể quyền thực hiện bảo vệ quyền sở hữu theo quy định của pháp luật dân sự. Đề tài có tính mới, và tính khái quát cao hơn các đề tài đã được thực hiện.

4.2. Những đóng góp của đề tài

Đề tài giúp người nghiên cứu và những người đọc có được sự hiểu biết bao quát bảo vệ quyền sở hữu theo pháp luật dân sự cùng với những quy định của pháp luật về vấn đề này. Bên cạnh đó, đề tài còn đánh giá được sự khác biệt giữa bảo vệ quyền sở hữu theo pháp luật dân sự với các ngành luật khác khác và phân tích đánh giá từng biện pháp bảo vệ quyền sở hữu. Từ kết quả nghiên cứu vận dụng đưa ra kiến nghị nhằm nâng cao khả năng bảo vệ quyền sở hữu theo pháp luật dân sự trên cả hai phương diện: hoàn thiện các quy định pháp luật và nâng cao khả năng bảo vệ quyền sở hữu trên thực tế.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 106 trang tài liệu này.

5. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

Bảo vệ quyền sở hữu theo pháp luật dân sự Việt Nam được hiểu là bảo vệ quyền sở hữu của tất cả các chủ thể trong xã hội, không phân biệt đó là tổ chức hay cá nhân và các biện pháp bảo vệ sở hữu mà các chủ thể thực hiện là các biện pháp được pháp luật dân sự Việt Nam thừa nhận và quy định trong Bộ luật dân sự, Bộ luật Tố tụng dân sự và một số văn bản pháp luật liên quan. Luận văn tập trung phân tích, đánh giá các vấn đề mang tính lý luận, không đánh giá nhiều về thực trạng thực hiện bảo vệ quyền sở hữu trên thực tế.

Bảo vệ quyền sở hữu theo pháp luật dân sự Việt Nam - 2

6. Nội dung và phương pháp nghiên cứu

Luận văn nghiên cứu các nội dung sau: Khái quát về bảo vệ quyền sở hữu theo pháp luật dân sự Việt Nam; Các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu theo pháp luật dân sự Việt Nam; Một số giải pháp nâng cao hiệu quả bảo vệ quyền sở hữu theo pháp luật dân sự Việt Nam.

Các phương pháp nghiên cứu của Luận văn được xây dựng trên cơ sở phương pháp luận của chủ nghĩa duy vật biện chứng, chủ nghĩa duy vật lịch sử, và đường lối, chính sách của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Các phương pháp mà luận văn sử dụng bao gồm: phương pháp phân tích, phương pháp tổng hợp, phương pháp hệ thống hóa các quy phạm pháp luật,

phương pháp so sánh pháp luật và phương pháp đánh giá thực trạng pháp luật.

Phương pháp phân tích được sử dụng để phân tích, làm rõ các đặc điểm bảo vệ quyền sở hữu, làm rõ quy định của pháp luật dân sự về các phương thức bảo vệ quyền sở hữu bằng biện pháp dân sự.

Phương pháp tổng hợp được sử dụng kết hợp với phương pháp phân tích. Cụ thể, từ những kết quả nghiên cứu bằng phân tích, Luận văn sử dụng phương pháp tổng hợp kết hợp chúng lại với nhau để có được sự nhận thức về vấn đề nghiên cứu một cách đầy đủ, hoàn chỉnh. Kết quả tổng hợp được thể hiện chủ yếu bằng các kết luận, kiến nghị hoàn thiện pháp luật.

Phương pháp so sánh được sử dụng khi so sánh bảo vệ quyền sở hữu theo pháp luật dân sự với bảo vệ quyền sở hữu theo pháp luật hành chính, pháp luật hình sự để đáng giá được các ưu điểm, sự lựa chọn tối ưu đối với các chủ thể quyền sở hữu khi thực hiện bảo vệ quyền sở hữu theo quy định của pháp luật dân sự.

7. Kết cấu của luận văn

Ngoài phần danh mục chữ viết tắt, danh mục sơ đồ, mở đầu, kết luận và danh mục tài liệu tham khảo, nội dung của luận văn gồm 3 chương:

Chương 1: Khái quát về bảo vệ quyền sở hữu theo pháp luật dân sự Việt Nam. Chương 2: Các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu theo pháp luật dân sự Việt Nam.

Chương 3: Một số giải pháp nâng cao hiệu quả bảo vệ quyền sở hữu theo pháp luật dân sự Việt Nam.

Chương 1: KHÁI QUÁT VỀ BẢO VỆ

QUYỀN SỞ HỮU THEO PHÁP LUẬT DÂN SỰ VIỆT NAM


Đề cập đến quyền sở hữu dưới góc độ là quyền con người được pháp luật thừa nhận và đảm bảo thực thi không thể không đề cập đến nội dung bảo vệ quyền sở hữu. Nếu như quyền sở hữu ghi nhận con người có quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt tài sản thì bảo vệ quyền sở hữu là cách thức nhà nước trao cho cá nhân, tổ chức tự mình hoặc thông qua người khác đảm bảo quyền sở hữu thực sự tồn tại và được thực thi trong thực tế. Bảo vệ quyền sở hữu là sự ghi nhận của nhà nước các biện pháp, cách thức mà chủ thể quyền sở hữu sử dụng để chống lại các hành vi có nguy cơ hoặc đã xâm phạm đến các quyền năng của mình. Bằng pháp luật, nhà nước ghi nhận và bảo đảm cho quyền sở hữu được tôn trọng và thực hiện thông qua các biện pháp bảo vệ hành chính, hình sự và dân sự. Căn cứ mức độ can thiệp của quyền lực nhà nước, tính chất mức độ hành vi xâm phạm quyền sở hữu, pháp luật ghi nhận các biện pháp phù hợp để quyền sở hữu được bảo vệ bao gồm: biện pháp hành chính, biện pháp dân sự và biện pháp hình sự. Mỗi biện pháp được điều chỉnh bởi một ngành luật riêng, mang đến những biện pháp và hiệu quả bảo vệ quyền sở hữu khác nhau.

Với tư cách là biện pháp bảo vệ sở hữu mang tính quyền lực nhà nước cao nhất, pháp luật hình sự quy định một số hành vi xâm phạm quyền sở hữu được xác định là tội phạm và đặt ra các chế tài áp dụng đối với các chủ thể thực hiện các hành vi phạm tội này. Chương XIV Bộ luật hình sự về các loại tội xâm phạm sở hữu bao gồm 12 Điều, từ Điều 133. Tội cướp tài sản đến Điều 145. Tội vô ý gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản, với hình phạt áp dụng từ cải tạo không giữ đến ba năm, phạt tù từ sáu tháng đến chung thân và cao nhất là tử hình. Ngoài ra, người bị tuyên là phạm tội còn có thể bị phạt

tiền cao nhất đến 100 triệu đồng, tịch thu tài sản hoặc bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm một công việc nhất định... Các tội xâm phạm sở hữu là các hành vi nguy hiểm cho xã hội, có lỗi, gây thiệt hại hoặc đe doạ gây thiệt hại cho quan hệ sở hữu và sự gây thiệt hại này thể hiện đầy đủ bản chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội. Quan hệ sở hữu là đối tượng được bảo vệ theo quy định của pháp luật hình sự rộng hơn khái niệm quyền sở hữu ghi nhận trong luật dân sự. Theo đó, chủ sở hữu trong một số trường hợp vẫn có thể bị xác định là người gây ra thiệt hại cho quan hệ sở hữu trong khi chủ sở hữu luôn luôn là người bị thiệt hại khi thực hiện quyền sở hữu đối với tài sản. Bảo vệ quyền sở hữu bằng biện pháp hình sự được thực hiện thông qua hệ thống cơ quan tố tụng như cơ quan cảnh sát điều tra, cơ quan Viện kiểm sát, cơ quan Tòa án, cơ quan Thi hành án với các quy định đầy đủ về thẩm quyền từ phát hiện, điều tra, khởi tố đến xét xử và thi hành án. Trong đó, người bị xâm phạm bởi hành vi trái pháp luật cũng như người thực hiện hành vi xâm phạm tham gia với tư cách là bị can, bị cáo, người bị hại, cung cấp các tài liệu, bằng chứng trong vụ án mà không giữ vai trò quyết định đối với phán quyết của Tòa. Và không phải mọi hành vi xâm phạm quyền sở hữu đều xác định là tội phạm và bị trừng trị theo quy định của pháp luật hình sự. Chỉ những hành vi được cơ quan tiến hành tố tụng xác định là có dấu hiệu tội phạm mới bị điều tra, truy tố và xét xử. Và chỉ khi có bản án của Tòa án thì hành vi xâm phạm quyền sở hữu mới bị tuyên là hành vi phạm tội căn cứ trên tính chất nguy hiểm của hành vi, giá trị tài sản bị xâm phạm, mức độ thiệt hại xảy ra, lỗi của người thực hiện hành vi, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ…, người thực hiện hành vi phạm tội mới bị xác định là tội phạm và bị áp dụng hình phạt theo quy định của Luật hình sự. Với tính trừng trị nghiêm khắc, không có sự thỏa thuận về hậu quả mà người thực hiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu được xác định là tội phạm phải gánh chịu, biện pháp bảo vệ quyền sở hữu theo quy định của pháp luật hình sự sẽ dẫn tới hạn chế một

số quyền công dân của người phạm tội như quyền tự do thân thể, quyền lựa chọn công việc, quyền bỏ phiếu…, thậm chí là tước đi mạng sống của họ. Bên cạnh đó, bảo vệ quyền sở hữu bằng biện pháp hình sự còn mang tính răn đe lớn đối với các chủ thể có ý định thực hiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu của người khác nhằm ngăn chặn các hành vi này gia tăng trên thực tế, góp phần ổn định trật tự đời sống xã hội. Người bị xử lý hình sự khi có hành vi xâm phạm quyền sở hữu sẽ có án tích (trừ khi án tích được xóa theo quy định của pháp luật) do đó khi chủ thể khác khi thực hiện giao dịch với các đối tượng này, thông thường họ sẽ có sự đề phòng nhất định để đảm bảo quyền sở hữu đối với tài sản của mình. Bảo vệ quyền sở hữu bằng biện pháp hình sự mang tính trừng phạt và răn đe và có cách thức đảm bảo thực hiện cao nhất trong các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu được pháp luật ghi nhận. Tuy nhiên, không phải hành vi xâm phạm quyền sở hữu nào cũng có thể bị áp dụng biện pháp xử lý hình sự, và mục đích cao nhất của biện pháp hình sự là trừng trị người có hành vi xâm phạm quyền sở hữu nhằm bảo vệ trật tự, ổn định quan hệ xã hội mà không phải là bảo đảm cao nhất nhằm mang lại giá trị bồi hoàn đối với thiệt hại mà người bị thiệt hại do hành vi xâm phạm quyền sở hữu gây ra. Bên cạnh đó, bảo vệ quyền sở hữu bằng biện pháp hình sự được thực hiện thông qua hệ thống cơ quan nhà nước với các trình tự, thủ tục, thời hạn phải tuân thủ do đó không đáp ứng được tính kịp thời, hạn chế tối đa thiệt hại đối với người có quyền.

Một biện pháp bảo vệ quyền sở hữu mang tính quyền lực nhà nước được ghi nhận là bảo vệ quyền sở hữu thông qua các biện pháp hành chính áp dụng trong từng lĩnh vực cụ thể. Biện pháp hành chính được áp dụng để xử lý các hành vi xâm phạm quyền sở hữu bao gồm chủ thể thực hiện, các thủ tục hành chính, hình thức hay biện pháp xử lý hành chính mà có thể áp dụng đối với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu nhằm đảm bảo trật tự quản lý hành chính nhà nước. Hiểu theo nghĩa hẹp, các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu

bằng biện pháp hành chính được thể hiện qua các hình thức xử phạt hành chính và biện pháp khắc phục hậu quả mà chủ thể có hành vi xâm phạm quyền sở hữu phải thực hiện. Thông qua Quyết định xử phạt hành chính của chủ thể có thẩm quyền như: Chủ tịch Ủy ban nhân dân, cơ quan công an, thanh tra, cơ quan thuế, cơ quan hải quan..., người có hành vi xâm phạm sở hữu trong lĩnh vực hành chính sẽ có khả năng bị áp dụng các hình phạt chính bao gồm: cảnh cáo, phạt tiền, tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn, tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính hay bị trục xuất. Ngoài ra, người bị xử phạt còn có thể bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả như: buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu, buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng không có giấy phép hoặc xây dựng không đúng với giấy phép, buộc tiêu hủy hàng hóa, vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường, văn hóa phẩm có nội dung độc hại, buộc loại bỏ yếu tố vi phạm trên hàng hoá, bao bì hàng hóa, phương tiện kinh doanh, vật phẩm, buộc thu hồi sản phẩm, hàng hóa không bảo đảm chất lượng, buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính hoặc buộc nộp lại số tiền bằng trị giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đã bị tiêu thụ, tẩu tán, tiêu hủy trái quy định của pháp luật và các biện pháp khắc phục hậu quả khác do Chính phủ quy định. Như vậy, cũng tương tự như phương thức bảo vệ quyền sở hữu bằng biện pháp hình sự, mục tiêu hướng đến của bảo vệ quyền sở hữu bằng biện pháp hành chính là trật tự quản lý nhà nước mà pháp luật đã ghi nhận. Các biện pháp xử lý vi phạm hành chính được áp dụng trên người có hành vi xâm phạm nhưng chưa thực sự đảm bảo được quyền lợi của người bị xâm hại. Các quy định về trình tự, thủ tục hành chính còn rườm rà chưa kể nạn quan liêu, sách nhiễu trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính khiến việc bảo vệ quyền sở hữu của người có quyền không được thực hiện nhanh chóng và có hiệu quả.

Khác với phương thức bảo vệ quyền sở hữu bằng biện pháp hình sự và biện pháp hành chính, xuất phát từ đặc thù của pháp luật dân sự được xây dựng trên các nguyên tắc cơ bản về tự do, bình đẳng trong quan hệ dân sự, lấy các chủ thể tham gia quan hệ dân sự làm trung tâm, việc bảo vệ quyền sở hữu bằng biện pháp dân sự có nhiều khác biệt mang đến cho chủ thể quyền khả năng thực hiện chủ động, nhanh chóng và có hiệu quả các quyền sở hữu, chiếm hữu hợp pháp của mình. Bảo vệ quyền sở hữu bằng biện pháp dân sự là việc chủ thể quyền thực hiện bảo vệ quyền sở hữu của mình trên cơ sở các quy định. nguyên tắc chung cũng như các biện pháp, cách thức mà pháp luật dân sự ghi nhận. Tòa án, các cơ quan có thẩm quyền chỉ tham gia vào quá trình thực hiện bảo vệ quyền sở hữu thông qua biện pháp dân sự khi có yêu cầu từ phía người có quyền và đóng vai trò trung gian không phải là chủ thể thực hiện các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu, căn cứ trên các căn cứ, tài liệu mà các bên chứng minh để đưa ra quyết định giải quyết vụ việc trên cơ sở tôn trọng quyền thỏa thuận, tự định đoạt của các bên trong quan hệ bảo vệ quyền sở hữu. Chủ thể quyền sở hữu, chiếm hữu hợp pháp chủ động trong toàn bộ quá trình thực hiện biện pháp bảo vệ quyền sở hữu bằng biện pháp dân sự với các phương thức bảo vệ đa dạng, chỉ bị hạn chế bởi lợi ích của nhà nước, lợi ích công cộng và lợi ích của tổ chức, cá nhân khác. Kể cả trong trường hợp người có hành vi xâm phạm quyền sở hữu đã bị xử lý theo quy định của luật hình sự, luật hành chính thì chủ thể quyền vẫn có thể thực hiện biện pháp bảo vệ quyền sở hữu bằng biện pháp dân sự đối với người đó nhằm đảm bảo lợi ích của mình. Bảo vệ quyền sở hữu theo quy định của pháp luật dân sự mang lại cho chủ thể quyền khả năng bảo vệ quyền sở hữu một cách nhanh chóng, hiệu quả và giảm thiểu rủi ro, thiệt hại xảy ra đồng thời giúp các giao dịch dân sự được thực hiện liên tục nhằm gia tăng lợi ích và tài sản cho cá nhân và xã hội. Bảo vệ quyền sở hữu theo quy định của pháp luật dân sự được thể hiện cụ thể qua các đặc điểm sau:

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 22/12/2022