cơ quan ban hành với hiệu lực pháp lý khác nhau như Luật, Nghị định, Thông tư, Chỉ thị...Với sự ra đời của Luật SHTT và Nghị định số 106/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ quy định XPVPHC về SHCN (“Nghị định 106”) đã quy định các hành vi vi phạm quyền SHCN bị xử lý vi phạm hành chính cũng như thẩm quyền xử phạt, bao gồm Uỷ ban nhân dân các cấp, cơ quan Công an, lực lượng Quản lý thị trường, cơ quan Hải quan, Thanh tra chuyên ngành về SHTT. Với sự quy định rõ ràng như vậy sẽ tạo điều kiện cho các cơ quan chức năng xử lý vi phạm kịp thời, nhanh chóng, chính xác.
Hiện nay tình hình xâm phạm quyền SHCN đang diễn ra rất phức tạp và khi có thiệt hại xảy ra thì vấn đề bồi thường theo thủ tục dân sự là cách để giải quyết thỏa đáng quyền lợi của chủ thể quyền SHCN, tuy nhiên hiệu quả hoạt động của cơ quan tư pháp trong lĩnh vực bảo vệ quyền SHCN còn nhiều hạn chế, trong khi đó với biện pháp hành chính được tiến hành đơn giản, ít tốn thời gian, tiền bạc giúp ngăn chặn kịp thời hành vi xâm phạm, chính vì vậy bảo vệ quyền SHCN bằng biện pháp hành chính được sử dụng chủ yếu hiện nay. Xử lý vi phạm quyền SHCN bằng biện pháp hành chính không chỉ nhằm trừng phạt, răn đe những hành vi xâm phạm quyền với các chế tài được quy định trong Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính như cảnh cáo, phạt tiền, tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, tịch thu và xử lý hàng hóa xâm phạm quyền SHCN…mà còn góp phần hạn chế, ngăn ngừa tái phạm và trong nhiều trường hợp đây là một trong căn cứ để xử lý hình sự đối với tội phạm trong lĩnh vực SHCN.
1.3.2. Biện pháp hình sự
Có thể nói bảo vệ quyền SHCN bằng biện pháp hình sự là việc cơ quan có thẩm quyền buộc người có năng lực trách nhiệm hình sự mà thực hiện hành vi xâm phạm đến quyền SHCN của tổ chức, cá nhân khác một cách cố ý hoặc vô ý và được quy định trong BLHS phải chịu hình phạt theo quy định của BLHS.
Biện pháp này được áp dụng để xử lý hành vi xâm phạm quyền SHCN trong trường hợp hành vi đó có yếu tố cấu thành tội phạm theo quy định của BLHS.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 8 BLHS năm 1999 („„BLHS 1999‟‟) định nghĩa: „„Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong BLHS, do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hoá, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tự do, tài sản, các quyền, lợi ích hợp pháp khác của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa‟‟.
Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 quy định rõ thẩm quyền ra quyết định khởi tố hình sự đối với hành vi phạm tội trong lĩnh vực SHCN là Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án nhân dân. Vụ án hình sự được khởi tố khi cơ quan có thẩm quyền phát hiện dấu hiệu của tội phạm theo sự tố cáo của tổ chức, cá nhân hoặc do sự phát hiện của chính các cơ quan này.
Cũng giống như biện pháp hành chính, biện pháp hình sự thể hiện ý chí, quyền lực nhà nước được áp dụng bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhằm trừng phạt, răn đe những cá nhân (cá thể hóa hình phạt) thực hiện hành vi xâm phạm quyền SHCN nhưng khác với biện pháp hành chính, biện pháp hình sự thể hiện mức độ nghiêm khắc hơn rất nhiều thông qua áp dụng các chế tài hình sự như cảnh cáo, phạt tiền, tù có thời hạn, tù chung thân, tử hình, bị hạn chế hoặc tước một số quyền công dân có thời hạn. Sở dĩ phải áp dụng hình phạt nghiêm khắc như vậy bởi tính chất nghiêm trọng của hành vi phạm tội, nó không chỉ gây thiệt hại lớn về vật chất, uy tín cho chủ thể quyền mà còn ảnh hưởng đến trật tự xã hội, thậm trí còn gây ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của người tiêu dùng như sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng đối với lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, sắt thép, xi măng vật liệu xây dựng…
Có thể bạn quan tâm!
- Bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp bằng biện pháp hành chính, hình sự và kiểm soát hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu liên quan đến sở hữu công nghiệp - 1
- Bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp bằng biện pháp hành chính, hình sự và kiểm soát hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu liên quan đến sở hữu công nghiệp - 2
- Khái Niệm Bảo Vệ Quyền Sở Hữu Công Nghiệp Bằng Biện Pháp Hành Chính, Hình Sự, Kiểm Soát Hàng Hóa Xuất Khẩu, Nhập Khẩu Liên Quan Đến Sở Hữu Công
- Các Quy Định Của Pháp Luật Về Bảo Vệ Quyền Sở Hữu Công Nghiệp Bằng Biện Pháp Hành Chính
- Nguyên Tắc Xử Phạt Hành Vi Vi Phạm Hành Chính
- Hình Thức, Thẩm Quyền Và Thủ Tục Xử Phạt Hành Chính
Xem toàn bộ 161 trang tài liệu này.
Hiện nay, vấn đề hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHCN dẫn đến cấu thành tội phạm cũng đang diễn ra theo chiều hướng ngày càng phổ biến với mức độ nghiêm trọng ngày càng tăng do vậy xử lý hình sự đối với tội phạm trong lĩnh vực SHCN là cần thiết khi mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội vượt quá giới hạn xử lý hành chính và theo nhận định chung thì mức xử lý hình sự hiện nay đối với tội phạm trong lĩnh vực SHCN là còn nhẹ chưa tương xứng với mức độ nguy hiểm ngày càng tăng của loại tội phạm này, do vậy đòi hỏi các cơ quan có thẩm quyền phải kịp thời xây dựng và ban hành các quy phạm pháp luật đầy đủ với các chế tài xử lý nghiêm khắc hơn tăng tính trừng phạt, giáo dục, răn đe và phòng ngừa tội phạm, bên cạnh đó các cơ quan có chức năng thực thi pháp luật cũng cần tích cực vào cuộc hơn nữa trong cuộc đấu tranh phòng ngừa và xử lý tội phạm trong lĩnh vực SHCN.
1.3.3. Biện pháp kiểm soát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu liên quan đến sở hữu công nghiệp
Trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa ngày càng đa dạng và phổ biến theo đó hàng lậu, hàng xâm phạm quyền SHCN cũng được xuất khẩu, nhập khẩu vào nước ta cả bằng con đường chính ngạch và tiểu ngạch. Để phát hiện và xử lý kịp thời hàng lậu, hàng xâm phạm quyền SHCN thì hoạt động kiểm tra, giám sát của lực lượng Hải quan đối với hoạt động xuất nhập hàng hóa qua biên giới đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Đây cũng là một trong các biện pháp bảo vệ quyền SHCN theo quy định của pháp luật hiện nay, biện pháp này cũng gần giống như biện pháp hành chính nhưng khác ở chỗ do cơ quan Hải quan áp dụng và đối tượng bị áp dụng ở đây là hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu qua biên giới, địa điểm thực hiện là các cửa khẩu và khu vực Hải quan theo quy định của pháp luật.
Như vậy biện pháp kiếm soát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu liên quan đến SHCN được hiểu là biện pháp được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện bằng việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi xâm phạm
quyền SHCN thông qua công tác kiểm tra, giám sát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu qua biên giới.
Biện pháp kiểm soát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu liên quan đến SHCN cũng như các biện pháp hành chính, hình sự và dân sự đã được đề cập đến trong các điều ước quốc tế như Hiệp định TRIPS, Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ…, trong đó cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải thiết lập các thủ tục kiểm soát hàng hóa xuất nhập khẩu qua biên giới nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi xâm phạm quyền SHCN góp phần bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể quyền SHCN. Thể chế hóa các quy định trong các điều ước quốc liên quan đến bảo vệ quyền SHTT, Việt Nam đã xây dựng và từng bước hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan đến SHTT, trong đó có các biện pháp bảo vệ quyền SHCN được quy định trong Luật SHTT, Luật Hải quan và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Khác với các biện pháp hành chính, hình sự, biện pháp hải quan được áp dụng theo yêu cầu của chủ thể quyền khi đáp ứng được các điều kiện nhất định của pháp luật (các quy định về thẩm quyền, trình tự thủ tục thực hiện biện pháp này sẽ được đề cập cụ thể trong Chương 2).
Điểm đặc thù của hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu là trước khi được đưa vào mạng lưới lưu thông thì chúng phải đi qua biên giới quốc gia, hoàn tất các thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu, kiểm tra, kiểm soát Hải quan. Hải quan là cơ quan duy nhất có thẩm quyền tiến hành các thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, chính vì vậy lực lượng Hải quan không chỉ có điều kiện mà hoạt động của họ còn góp phần tích cực, chủ động trong đấu tranh, phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, phát hiện xử lý hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT khi xuất, nhập khẩu qua biên giới.
Với những đặc điểm trên đây rõ ràng Hải quan là cơ quan thích hợp nhất đảm trách việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi xâm phạm quyền SHTT nói chung và quyền SHCN nói riêng trong quá trình xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa có liên quan đến SHCN.
Các biện pháp trên đây sẽ góp phần giúp chủ thể quyền SHCN bảo vệ những lợi thế cạnh tranh trong thương mại trước các đối thủ cạnh tranh, đồng thời các đối tượng SHCN cũng là công cụ cho phép chủ sở hữu đầu tư nỗ lực để tạo nên và duy trì một lợi thế cạnh tranh mà một phần dựa trên khả năng sử dụng, cũng như khả năng ngăn cản người khác sử dụng các đối tượng SHCN của mình. Lợi thế cạnh tranh ngày nay không còn nằm chủ yếu ở tài nguyên thiên nhiên hoặc lao động rẻ, trong nền kinh tế tri thức thì tiềm lực tri thức và công nghệ, được chứa đựng chủ yếu trong các đối tượng SHCN. Do vậy hoạt động kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử lý hàng hóa xâm phạm quyền SHCN trong quá trình xuất, nhập khẩu do lực lượng Hải quan thực hiện là hết sức quan trọng góp phần xây dựng môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà nước, của chủ thể quyền và của người tiêu dùng trước các hành vi xâm phạm quyền SHCN.
1.4. VAI TRÕ, Ý NGHĨA CỦA VIỆC BẢO VỆ QUYỀN SỞ HỮU CÔNG NGHIỆP BẰNG BIỆN PHÁP HÀNH CHÍNH, HÌNH SỰ, KIỂM SOÁT HÀNG HÓA XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU LIÊN QUAN ĐẾN SỞ HỮU CÔNG NGHIỆP
Trên thực tế, ở các nước có nền kinh tế thị trường phát triền, giá trị của một ngành kinh doanh ngày càng ít nằm trong các tài sản vật chất hay tài chính thể hiện trên bản quyết toán, mà nằm trong tài sản vô hình, như quyền SHCN, giấy phép đại lý, chương trình nghiên cứu. Trong danh sách 100 thương hiệu mạnh nhất thế giới năm 2006 do Tuần báo Business Week (Hoa Kỳ) công bố, nhãn hiệu Coca - Cola được định giá tới 67 tỷ USD, Microsoft 59,9 tỷ USD, IBM 56,2 tỷ USD, GE 48,9 tỷ USD, Intel 32,3 tỷ USD, Nokia 30,1 tỷ USD [49].
Còn đối với một số sản phẩm có tên tuổi của Việt Nam, như nhãn hiệu kem đánh răng P/S được chuyển nhượng với giá 5,3 triệu USD, kem đánh răng Dạ Lan 2,5 triệu USD[50].
Với giá trị kinh tế to lớn, các đối tượng SHCN được sử dụng làm vốn góp trong công ty, làm tài sản thế chấp vay vốn, có thể cho thuê, chuyển nhượng quyền sở hữu, chuyển giao quyền sử dụng. Các đối tượng SHCN trở thành hàng hoá thông qua các hoạt động chuyển giao quyền SHCN, theo đó chủ sở hữu có
khả năng thu lợi bằng cách cho phép người khác khai thác các đối tượng SHCN được bảo hộ. Quyền SHCN đang khẳng định vai trò không thể thiếu trong quá trình hình thành một nền kinh tế toàn diện và phát triển bền vững. Chứng chỉ về quyền SHCN là vật chứng bảo đảm cho thành công của mỗi doanh nhân tiến vào thị trường thế giới.
Bảo vệ quyền SHTT nói chung và bảo vệ quyền SHCN bằng các biện pháp hành chính, hình sự, kiểm soát hàng hóa xuất nhập khẩu qua biên giới liên quan đến SHCN nói riêng đã trở thành đòi hỏi có tính tất yếu trong quá trình phát triển kinh tế xã hội và hội nhập kinh tế toàn cầu. Đối với Việt Nam, vấn đề bảo vệ quyền SHCN bằng các biện pháp này chiếm vị trí rất quan trọng trong hệ thống pháp luật cũng như chính sách phát triển khoa học công nghệ, hơn lúc nào hết chúng ta phải tăng cường vai trò của hệ thống bảo vệ quyền SHCN bằng các biện pháp này, bởi đó là cơ chế chủ yếu thúc đẩy mọi quá trình sáng tạo và phát triển của xã hội.
Trong giai đoạn phát triển khoa học công nghệ như hiện nay thì SHTT trong đó có đối tượng SHCN là không thể thiếu trong hoạt động sản xuất, phát triển kinh tế, ví dụ như sáng chế, giải pháp hữu ích là nhân tố quyết định trình độ công nghệ và cũng quyết định trình độ phát triển và cạnh tranh của cả một nền kinh tế. Trong các đối tượng đó, các sáng chế được coi là tiêu biểu. Một đất nước không thể phát triển nếu không có phát triển khoa học công nghệ, phát triển công nghệ hay đổi mới công nghệ có nghĩa là tìm ra, bổ sung các sáng chế, giải pháp mới để cải thiện nền tảng đã có. Cạnh tranh công nghệ thực chất là cạnh tranh tìm kiếm và khai thác sáng chế. Bởi vậy thiết lập và vận hành một cơ chế thúc đẩy việc tạo ra sáng chế mới là một đòi hỏi của chính nền công nghệ.
SHCN không đơn thuần là hoạt động sáng tạo của con người mà dần trở thành đối tượng hàng hóa trong giao lưu thương mại trong nước và quốc tế. Điều đó lý giải tại sao có nền kinh tế lại phát triển nhanh hơn các nền kinh tế khác trong khi đất nước họ không giàu tài nguyên thiên nhiên như nhiều quốc gia khác, một quan điểm chung được mọi người thừa nhận đó là ở quốc gia đó
có nền tri thức phát triển với những phát minh, sáng chế đóng vai trò quan trọng trong phát triển nền kinh tế, các sản phẩm mang hàm lượng chất xám chiếm tỷ trọng lớn trong tổng sản phẩm kinh tế quốc dân, nó chính là chìa khóa của sự phát triển. Muốn vậy, chính sách kinh tế phải khuyến khích và tạo động lực cho hoạt động nghiên cứu và phát triển trí tuệ và pháp luật SHCN cũng phải được xây dựng trên nền tảng đó.
Trong nền kinh tế tri thức hiện nay các đối tượng SHCN chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong sản nghiệp thương mại của doanh nghiệp, nó chính là nhân tố quyết định khả năng cạnh tranh và thành công của doanh nghiệp, tương tự như các đối tượng sáng tạo kỹ thuật, các sáng kiến kinh doanh cũng đóng vai trò quyết định trong việc tạo dựng vị trí cạnh tranh và muốn bảo vệ cũng như cải thiện lợi thế trong thị trường mọi doanh nghiệp bắt buộc phải chăm lo đến các sản phẩm vốn là đại diện cho vị thế đó của mình. Để làm được điều đó thì ngoài việc nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã, hạ giá thành sản phẩm, an toàn, lành mạnh với con người và môi trường thì một vấn đề quan trọng mà các doanh nghiệp cần hết sức lưu ý là việc tạo dựng, củng cố giá trị của mọi đối tượng SHCN, đây thực chất là một quá trình đầu tư tốn kém về vật chất và trí tuệ. Trong khi đó, bản chất của cạnh tranh lại là tìm kiếm các biện pháp giảm bớt chi phí và tăng cường lợi nhuận, hành vi sao chép, sử dụng trái phép các thành quả sáng tạo về khoa học - kỹ thuật và trong kinh doanh là một cách đơn giản và nhanh nhất để đạt được mục tiêu trên. Bởi vậy nguy cơ chiếm đoạt các sản phẩm trí tuệ là nguy cơ thường xuyên và ngày càng nghiêm trọng trong các nền kinh tế thị trường, kinh tế tri thức. Nếu không áp dụng các biện pháp ngăn chặn nguy cơ này, mọi nỗ lực nghiên cứu, sáng tạo chính đáng sẽ bị xâm phạm, chiếm đoạt hoặc cạnh tranh không lành mạnh. Một cơ chế pháp luật chống lại nguy cơ như vậy là đòi hỏi ngày càng gay gắt, hiện nay hoạt động bảo vệ quyền SHTT nói chung và bảo vệ quyền SHCN bằng các biện pháp hành chính, hình sự, kiểm soát hàng hóa xuất nhập khẩu qua biên giới liên quan đến SHCN nói riêng ở Việt Nam đang được nỗ lực thực hiện theo hướng này vì sự phát triển
lành mạnh của nền kinh tế, quyền lợi người tiêu dùng và cũng là đòi hỏi của xu thế hội nhập kinh tế thế giới.
Có thể nói một nền kinh tế phát triển không thể không dựa sự phát triển bền vững của khoa học công nghệ trong đó có đối tượng SHCN và trên nền tảng hệ thống pháp luật trong đó có pháp luật SHTT. Hệ thống pháp luật bảo vệ SHCN đang không ngừng được hoàn thiện nhằm đáp ứng được đòi hỏi trên đây, bởi lẽ đã thiết lập một cơ chế cân bằng lợi ích giữa người nắm giữ quyền SHCN và xã hội, trong đó bất kỳ một hành vi nào xâm phạm đến quyền SHCN của chủ thể có quyền cũng bị ngăn cản và xử lý nghiêm minh, điều đó sẽ khuyến khích hoạt động nghiên cứu, sáng tạo và bản thân các quyền của chủ thể quyền được bảo vệ khi khai thác các thành quả của mình và chính các thành quả đó làm cho trình độ công nghệ cũng như trình độ kinh doanh của toàn bộ nền kinh tế được nâng cao. Thực tế tồn tại hàng trăm năm qua đã chứng tỏ rằng cơ chế như vậy phù hợp với quá trình phát triển công nghệ và kinh tế. Bất kỳ một nền kinh tế thị trường nào mà không có hệ thống bảo vệ quyền SHCN cũng rơi vào tình trạng cạnh tranh hỗn loạn, thiếu lành mạnh và không có năng lực phát triển thực chất. Chính vai trò và ý nghĩa như vậy đã khiến cho việc tăng cường và hoàn thiện hơn nữa hệ thống bảo vệ SHTT nói chung và bảo vệ SHCN bằng các biện pháp hành chính, hình sự, kiểm soát hàng hóa xuất nhập khẩu qua biên giới liên quan đến SHCN nói riêng trở thành một đòi hỏi có tính chất toàn cầu. SHCN và bảo vệ quyền SHCN là một nội dung thường xuyên hiện diện trong các hoạt động kinh tế thương mại quốc tế song phương và đa phương đặc biệt là khi Việt Nam đã gia nhập WTO.
Tóm lại, trong sự nghiệp phát triển kinh tế nói chung và phát triển công nghệ nói riêng, hệ thống bảo vệ quyền SHTT nói chung và bảo vệ quyền SHCN bằng các biện pháp hành chính, hình sự, kiểm soát hàng hóa xuất nhập khẩu qua biên giới liên quan đến SHCN nói riêng chiếm một vị trí và đóng một vai trò quan trọng, không thể thiếu được bởi đó là cơ chế chủ yếu thúc đẩy mọi quá trình sáng tạo - nhất là sáng tạo công nghệ và kinh doanh bằng cách thông qua việc bảo vệ đầu tư sáng tạo, khuyến khích cạnh tranh, thương mại hóa các sản