Luận văn cũng sử dụng các phương pháp nghiên cứu chung của triết học duy vật biện chứng và duy vật lịch sử như: phương pháp lịch sử cụ thể, phương pháp kết hợp giữa lý luận với thực tiễn, phương pháp phân tích, tổng hợp và sử dụng số liệu thống kê, phương pháp so sánh luật, ngoài ra, tác giả cũng xem xét tính phổ biến của pháp luật trong khu vực và thế giới về bảo vệ QSHCN bằng biện pháp dân sự.
6. Những đóng góp của luận văn
Trong lĩnh vực bảo hộ QSHCN, việc bảo vệ QSHCN bằng biện pháp dân sự chưa được đề cập nhiều và chưa có các công trình nghiên cứu cụ thể về lý luận và thực tiễn. Vấn đề hoàn thiện pháp luật liên quan đến bảo vệ QSHCN bằng biện pháp dân sự ở nước ta trong tình hình hiện nay là hết sức cấp bách. Luận văn này sẽ góp phần hoàn thiện cơ sở lý luận về bảo vệ QSHCN bằng biện pháp dân sự; phân tích thực trạng pháp luật về trình tự, thủ tục tố tụng và phân tích thực trạng giải quyết các vụ án về QSHCN bằng biện pháp dân sự tại Tòa án, nêu ra những ưu điểm, hạn chế và nguyên nhân của chúng, qua đó sẽ đề xuất một số giải pháp nhằm hoàn thiện pháp luật về bảo vệ QSHCN bằng biện pháp dân sự.
7. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận văn
Luận văn là một công trình nghiên cứu có hệ thống về lý luận và thực tiễn bảo vệ QSHCN bằng biện pháp dân sự tại Việt Nam. Luận văn có ý nghĩa góp phần tăng cường việc giải quyết tranh chấp QSHCN bằng biện pháp dân sự, đổi mới và hoàn thiện pháp luật về bảo vệ QSHCN tại Việt Nam hiện nay. Đây là tài liệu có thể dùng cho những người quan tâm nghiên cứu, trong đó có đối tượng là các chủ thể của QSHCN. Những đề xuất của luận văn có thể tham khảo trong việc hoàn thiện pháp luật, hướng dẫn thi hành pháp luật và nâng cao hiệu quả bảo vệ QSHCN tại TAND bằng biện pháp dân sự.
8. Kết cấu của luận văn
Ngoài phần mở đầu, kết luận, danh mục tài liệu tham khảo, luận văn được kết cấu bao gồm 3 chương:
Chương 1: Những vấn đề lý luận về bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp bằng biện pháp dân sự
Chương 2: Các quy định của pháp luật Việt Nam về bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp bằng biện pháp dân sự
Chương 3: Một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp bằng biện pháp dân sự
Có thể bạn quan tâm!
- Bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp bằng biện pháp dân sự - 1
- Khái Niệm Bảo Vệ Qshcn Bằng Biện Pháp Dân Sự Và Ý Nghĩa Của Việc Bảo Vệ Qshcn Bằng Biện Pháp Dân Sự
- Bảo Vệ Quyền Sở Hữu Công Nghiệp Bằng Biện Pháp Dân Sự
- Hiệp Định Giữa Việt Nam Và Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ Về Thương Mại Và Sở Hữu Trí Tuệ (Hiệp Định Bta)
Xem toàn bộ 113 trang tài liệu này.
Chương 1
NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ BẢO VỆ
QUYỀN SỞ HỮU CÔNG NGHIỆP BẰNG BIỆN PHÁP DÂN SỰ
1.1. QUYỀN SỞ HỮU CÔNG NGHIỆP VÀ BẢO VỆ QUYỀN SỞ HỮU CÔNG NGHIỆP BẰNG BIỆN PHÁP DÂN SỰ
1.1.1. Khái niệm quyền sở hữu công nghiệp
Trong lịch sử phát triển của xã hội loài người và thực tiễn cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, để tồn tại và phát triển thì đòi hỏi con người phải không ngừng sáng tạo. Những thành quả do trí tuệ con người làm ra thông qua hoạt động sáng tạo được thừa nhận là tài sản trí tuệ. Tài sản trí tuệ được tồn tại dưới dạng những thông tin kết hợp chặt chẽ với nhau, được thể hiện trong những vật thể hữu hình và bản thân vật mang thông tin đó có khả năng xuất hiện trong cùng một thời điểm với số lượng bản sao không giới hạn ở những địa điểm khác nhau trên thế giới. Quyền sở hữu trong trường hợp này không phải là quyền sở hữu bản thân các bản sao hữu hình mà chính là quyền sở hữu hình thức thể hiện những thông tin chứa đựng trong các bản sao đó [29].
Khác với những tài sản thông thường khác, đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ là tài sản vô hình. Nếu như sở hữu tài sản thông thường vật sở hữu là những vật con người có thể nhận biết, cảm nhận được bằng trực quan, thì tài sản vô hình không thể nắm bắt được, sự tồn tại của chúng bắt nguồn từ sự sáng tạo tinh thần trí tuệ của con người. Mặt khác, một nét đặc thù của quyền sở hữu trí tuệ so với quyền sở hữu thông thường đó là không tồn tại quyền chiếm hữu trong nội dung quyền sở hữu trí tuệ. Đối với tài sản trong quyền sở hữu thông thường, người ta chỉ có thể khai thác được lợi ích kinh tế khi chiếm hữu được tài sản đó. Trong khi đó đối với các tài sản là đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ, các lợi ích vật chất này vẫn có thể khai thác mặc dù không có sự chiếm hữu. Nếu như quyền sở hữu tài sản
bao gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng, quyền định đoạt của chủ sở hữu thì QSHTT có nội hàm rộng hơn. Theo khái niệm chung nhất, trong Công ước thành lập Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) ký tại Stockholm ngày 14 tháng 7 năm 1967 thì:
“Quyền sở hữu trí tuệ bao gồm các quyền đối với các tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học, các sáng chế trong các lĩnh vực hoạt động của con người, các khám phá khoa học, các kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hàng hóa, nhãn hiệu dịch vụ, tên và chỉ dẫn thương mại, bảo hộ chống cạnh tranh không lành mạnh cũng như tất cả các quyền khác bắt nguồn từ các hoạt động trí tuệ trong các lĩnh vực công nghiệp, khoa học, văn học nghệ thuật” [22].
Như vậy, trong Công ước trên, người ta người ta phân biệt đối tượng QSHTT gồm hai lĩnh vực: quyền tác giả và các quyền liên quan; quyền sở hữu công nghiệp. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật thì các quyền mới như thiết kế, bố trí mạch tích hợp bán dẫn, các quyền về giống cây trồng mới cũng được pháp luật bảo hộ và được coi là đối tượng quyền sở hữu công nghiệp.
Theo Luật Sở hữu trí tuệ thì QSHTT được định nghĩa như sau: “Quyền sở hữu trí tuệ là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tài sản trí tuệ, bao gồm quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng” (khoản 1 Điều 4), [17].
Theo pháp luật Việt nam, QSHTT là chế định trong pháp luật dân sự, là lĩnh vực thuộc quan hệ pháp luật dân sự, trong đó các yếu tố cấu thành bao gồm chủ thể, khách thể và nội dung. QSHTT là một phạm trù pháp lý trong quyền sở hữu nói chung, do vậy, giống như các quyền dân sự khác, QSHTT cũng bao gồm các nhóm quy phạm liên quan đến các hình thức sở hữu, căn cứ phát sinh, chấm dứt quyền sở hữu, cách thức, biện pháp chuyển quyền sở hữu, các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu. Như trên đã đề cập, do QSHTT là quyền sở hữu đối với tài sản vô hình, là các sản phẩm sáng tạo
của trí tuệ con người, do đó nội dung của QSHTT không hoàn toàn giống quyền sở hữu tài sản hữu hình khác. Vì vậy, quyền năng quan trọng nhất của nội dung QSHTT là quyền sử dụng các đối tượng SHTT.
Trong bối cảnh khoa học công nghệ phát triển làm thay đổi cơ bản nền sản xuất và thương mại của hầu hết các nước, các đối tượng của QSHTT sẽ là cơ sở để đánh giá một nước ở trình độ phát triển hay đang phát triển. Khi nhận định về tầm quan trọng của QSHTT, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã nhận định: kinh tế coi SHTT là khả năng cạnh tranh, nhà khoa học coi SHTT là sức sáng tạo, xã hội coi SHTT là sức sống. Cạnh tranh trong thế giới hôm nay và tương lai là cạnh tranh về SHTT [45].
Trong QSHTT thì quyền sở hữu công nghiệp (QSHCN) là quyền sở hữu các tác phẩm sáng tạo trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại. Theo quan niệm của pháp luật dân sự truyền thống ở Việt Nam, khi nói tới QSHCN người ta thường đề cập đến những vấn đề như: sử dụng các đối tượng SHCN, hoặc là chuyển giao QSHCN, yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền bảo hộ QSHCN. Đây là quyền của chủ thể chủ yếu là dưới góc độ quyền dân sự. Trước thực tế phát triển sôi động của hoạt động thương mại, QSHCN còn được nhìn nhận dưới góc độ thương mại đó là những quyền: quyền chống cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến QSHCN, quyền kiểm soát độc quyền liên quan đến QSHCN, quyền được thực thi QSHCN nhằm bảo hộ quyền lợi thương mại [32].
Theo quy định tại khoản 4, Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 thì: "Quyền sở hữu công nghiệp là quyền của các tổ chức, cá nhân đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh" [17].
Quyền sở hữu công nghiệp được xác lập như sau: Quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý được xác lập trên cơ sở quyết định cấp văn bằng bảo hộ của
cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo thủ tục đăng ký quy định trong Luật Sở hữu trí tuệ hoặc công nhận đăng ký quốc tế theo quy định của điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; đối với nhãn hiệu quốc tế, quyền sở hữu được xác lập trên cơ sở sử dụng, không phụ thuộc vào thủ tục đăng ký. Đối với tên thương mại, QSHCN được xác lập trên cơ sở sử dụng hợp pháp tên thương mại đó. Đối với bí mật kinh doanh, QSHCN được xác lập trên cơ sở có được một cách hợp pháp bí mật kinh doanh và thực hiện việc bảo mật bí mật kinh doanh đó. Đối với quyền chống cạnh tranh không lành mạnh thì được xác lập trên cơ sở hoạt động cạnh tranh trong kinh doanh. (khoản 3, Điều 6, Luật SHTT) [17].
QSHCN của chủ văn bằng bảo hộ thể hiện trên các nội dung sau: Độc quyền sử dụng đối tượng SHCN thông qua các hành vi sử dụng tương ứng với đối tượng được bảo hộ như: sản xuất; gắn nhãn hiệu lên hàng hoá và các phương tiện trong hoạt động kinh doanh; áp dụng quy trình được bảo hộ; khai thác sản phẩm được bảo hộ; đưa vào lưu thông, quảng cáo nhằm để bán, chào bán, tàng trữ để bán; nhập khẩu; chuyển giao một phần hoặc toàn bộ quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp cho cá nhân, pháp nhân hoặc chủ thể khác thông qua hợp đồng bằng văn bản (hợp đồng li xăng) đối với các đối tượng theo nguyên tắc cấp văn bằng bảo hộ (cho phép người khác được sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp của mình); chuyển giao quyền sở hữu, để thừa kế, từ bỏ quyền sở hữu công nghiệp khi đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật như: người được chuyển giao, nhận thừa kế thoả mãn yêu cầu của chủ thể quyền; yêu cầu cơ quan có thẩm quyền buộc người có hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp của mình phải chấm dứt hành vi xâm phạm và bồi thường thiệt hại do hành vi xâm phạm gây ra.
Trong quan hệ thương mại, các đối tượng của QSHCN được coi là tài sản (tài sản vô hình) có giá trị ngang bằng với tài sản vật chất và có thể được coi là nguồn vốn đầu tư có giá trị [25]. Do vậy, việc bảo hộ quyền sở
hữu công nghiệp đã trở thành một chính sách mang tính toàn cầu, là yêu cầu bắt buộc đối các quốc gia trong việc hội nhập vào nền kinh tế thế giới.
1.1.2. Khái niệm về bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp bằng biện pháp dân sự
1.1.2.1. Khái niệm về bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp
Để làm rõ khái niệm bảo vệ QSHCN, trước hết chúng ta cần làm rõ khái niệm về bảo hộ, thực thi QSHCN và mối liên hệ giữa chúng.
Trong Công ước Paris, bảo hộ QSHCN bao gồm các đối tượng là sáng chế, mẫu hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hàng hóa, nhãn hiệu dịch vụ, tên thương mại, chỉ dẫn xuất xứ hoặc tên gọi xuất xứ hàng hóa, cũng như việc ngăn chặn cạnh tranh không lành mạnh [23].
Theo Từ điển tiếng Việt, thuật ngữ “bảo hộ” được hiểu theo nghĩa thông thường là “che chở, không để bị hư hỏng, tổn thất” [39]. Việc bảo hộ luôn được gắn với sự quản lý của nhà nước thông qua các giải pháp để bảo vệ, giúp đỡ, hỗ trợ bằng chính sách, pháp luật mà mỗi quốc gia dành cho công dân hoặc tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động, cư trú ở nước đó.
Theo TS. Nguyễn Thanh Tâm: bảo hộ QSHCN được hiểu là việc nhà nước, bằng những quy định của pháp luật, xác lập QSHCN, xác định những hành vi bị coi là xâm phạm QSHCN và quy định những biện pháp xử lý những hành vi vi phạm đó [32]. Trong Luật SHTT, nội dung nhà nước bảo hộ đối với QSHCN là các quy định về việc bảo hộ QSHCN tại các cơ quan quản lý nhà nước như: các điều kiện bảo hộ, nội dung quyền SHCN, giới hạn QSHCN, thời hạn bảo hộ QSHCN, chuyển giao QSHCN, chứng nhận QSHCN…qua đó nhà nước đảm bảo quyền sở hữu với các đối tượng của QSHCN cho các cá nhân, pháp nhân, các chủ thể khác đã được cơ quan có thẩm quyền cấp văn bằng bảo hộ hoặc được thừa nhận. Hoạt động bảo hộ dưới góc độ của quản lý nhà nước đó chính là việc xác lập quyền cho các chủ sở hữu QSHCN theo quy định của pháp luật. QSHCN được nhà nước bảo hộ bằng các chính sách và hệ thống pháp luật về QSHCN.
Theo Từ điển giải thích thuật ngữ Luật học của trường Đại học Luật Hà Nội thì: bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp là bảo hộ sản phẩm trí tuệ, quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể QSHCN như tác giả, chủ văn bằng bảo hộ và người sử dụng hợp pháp đối tượng QSHCN [34].
Do vậy, bảo hộ QSHCN được hiểu là nhà nước, bằng những quy định của pháp luật xác lập QSHCN (cấp văn bằng bảo hộ), xác định những hành vi bị coi là xâm phạm QSHCN và quy định những biện pháp xử lý những hành vi vi phạm đó.
Một khái niệm khác có liên quan đến SHCN đó là thực thi QSHCN. Trong hoạt động SHCN, việc bảo đảm các điều kiện cần thiết để các chủ thể của QSHCN thực hiện các quyền của mình trong phạm vi và thời hạn được pháp luật thừa nhận được gọi là hoạt động thực thi QSHCN (Industrial Property Enforcement).
Thực thi QSHCN là việc thực hiện pháp luật về SHCN, thông qua sự bắt buộc các chủ thể phải hoàn toàn tuân thủ, chấp hành pháp luật dù muốn hay không muốn. Nói tới thực thi QSHCN là nói tới trình tự, thủ tục mà các chủ thể phải tuân theo, cũng như các biện pháp xử lý, các chế tài do các cơ quan có thẩm quyền áp dụng khi có hành vi vi phạm.
Xét về bản chất, nội dung quan trọng nhất của QSHCN là độc quyền sử dụng, khai thác đối tượng thuộc quyền. Vì vậy, thực thi QSHCN cũng có nghĩa là đảm bảo quyền khai thác, sử dụng đối tượng QSHCN của chủ thể nắm giữ quyền đó sao cho khi tiến hành việc khai thác sử dụng, người nắm giữ quyền không gặp phải sự cản trở từ phía người thứ ba. Nói cách khác, bản chất của việc bảo đảm điều kiện cần thiết để các chủ thể QSHCN thực hiện các quyền của mình là ngăn chặn mọi hành vi cản trở việc sử dụng, khai thác đối tượng QSHCN của chủ thể quyền.
Hiện nay, trong các văn bản quy phạm pháp luật và thực tiễn thi hành, vấn đề thực thi QSHCN được tiếp cận và giải quyết theo hướng bảo đảm các điều kiện ngăn ngừa và ngăn chặn việc người thứ ba (người không