Bộ Luật Hồng Đức Đã Dành Cho Người Phụ Nữ Địa Vị Và Vai Trò Trong Gia Đình Và Xã Hội Cao Hơn So Với Pháp Luật Trung Hoa Cùng Thời Kỳ.

nội dung mà trước hết là những quy định mang tính bảo vệ quyền lợi cho người phụ nữ và các đối tượng thuộc nhóm xã hội yếu thế khác.

2.2.1.1. Bộ luật Hồng Đức đã dành cho người phụ nữ địa vị và vai trò trong gia đình và xã hội cao hơn so với pháp luật Trung Hoa cùng thời kỳ.

Theo Bộ luật Hồng Đức, người phụ nữ có địa vị và vai trò cao hơn rất nhiều so với các bộ luật đương thời trong khu vực. Điều đó thể hiện ở chỗ người phụ nữ cũng có quyền thừa kế tài sản của cha mẹ để lại. Điều này hoàn toàn khác so với phụ nữ Trung Hoa, phụ nữ sau khi đi lấy chồng không còn mối liên hệ nào với gia đình về mặt tài sản vì vậy họ không được hưởng tài sản thừa kế. Tuy nhiên, theo Bộ luật Hồng Đức, con gái cũng như con trai đều được hưởng thừa kế của cha mẹ để lại, khuyến khích chia đều nhau để đề phòng sự tranh giành gia sản và đem lại sự ổn định cho gia đình. Rất nhiều nhà nghiên cứu nước ngoài đều cho rằng người Việt Nam tuy thích con trai hơn nhưng cũng không phân biệt đối xử một cách quá đáng với con gái như ở Trung Quốc. Con gái không hề bị loại trừ ra khỏi việc nối dõi và thừa kế. Nếu gia đình không sinh được con trai thì người trưởng nữ sẽ được hưởng hương hỏa để thờ cúng tổ tiên.

Người phụ nữ có quyền có tài sản riêng, sau khi ly hôn người phụ nữ có quyền mang tài sản của mình về nhà đẻ, điều đó đảm bảo cho người phụ nữ có thể có một cuộc sống ổn định sau khi ly hôn. Người phụ nữ cũng có quyền đòi chia một nửa số con khi kết thúc hôn nhân. Đối với tài sản của gia đình, người phụ nữ cũng có quyền quản lý sau khi chồng chết và chưa tái giá. Mặc dù đạo lý Nho giáo và pháp luật đặt ra một số rào cản ngăn ngừa người phụ nữ tái giá sau khi chồng chết như bắt để tang đủ số năm, tước quyền hưởng tài sản thừa kế…nhưng pháp luật cũng chưa bao giờ cấm đoán người phụ nữ tái hôn sau khi chồng chết. Người phụ nữ Việt Nam có quyền có tài sản riêng, có quyền quản lý tài sản của gia đình sau khi người chồng chết và trong mối quan hệ với người chồng họ có địa vị độc lập tương đối về tài sản. Đó là những đảm bảo về mặt pháp lý để họ có thể có một địa vị tương đối trong xã hội và đảm bảo cuộc sống bình thường cho bản thân và các con của mình.

Về hôn nhân và gia đình, theo quy định của pháp luật, cũng giống như phụ nữ Trung Hoa việc hôn nhân là do cha mẹ hai bên quyết định. Tuy vậy, người phụ nữ Việt Nam, nhất là những người phụ nữ ở tầng lớp dưới họ có thể có mối quan hệ cởi

mở hơn với người khác giới và qua đó có thể tự do lựa chọn người bạn đời của mình. Phong tục cổ truyền của Việt Nam không cấm đoán việc nam nữ tự do gặp gỡ, nhất là trong những dịp lễ hội ở làng xã. Vì vậy tuy Lê Thánh Tông từng có chỉ dụ cấm đoán việc nam nữ gặp nhau, hôn nhân không qua mối lái, tự do định đoạt nhưng nhiều nhà nghiên cứu cho rằng trên thực tế người phụ nữ vẫn có thể có cơ hội lựa chọn người chồng theo ý mình, điều mà người Trung Quốc không bao giờ được phép làm[43, tr.102].

Sau khi kết hôn, người phụ nữ vẫn được tự do ở một mức độ nhất định. Người phụ nữ Việt Nam không phải giữ gìn để người lạ không được ngắm nhìn như đối với phụ nữ Trung Hoa hay phụ nữ ở các nước Hồi giáo. Trong gia đình, người phụ nữ phương Đông thường phải lệ thuộc vào chồng, nhưng người phụ nữ Việt Nam cũng có quyền điều hành các công việc quan trọng trong gia đình. Người Việt Nam hay gọi phụ nữ là “nội tướng” trong gia đình, đóng góp nhiều công sức vào kinh tế gia đình và nuôi dạy con cái. Trong cuốn sách của mình Insun Yu đã dẫn câu nói của John Barrow, người đã sang Trung Quốc năm 1790 đã thể hiện rõ sự khác biệt giữa người phụ nữ Việt Nam với phụ nữ Trung Hoa “Người Trung Quốc cho là nhục nhã nếu giao phó một công việc quan trọng cho người đàn bà, nhưng giới phụ nữ, theo đánh giá của người Đàng Trong, lại có khả năng đảm đương và do đó đã được giao phó những công việc chính của gia đình”[44]. Đối với tài sản chung vợ chồng, nếu muốn chuyển nhượng cũng phải được sự đồng ý của cả 2 vợ chồng, một số mẫu văn tự được tìm thấy đã chứng tỏ điều này. Còn ở Trung Quốc, dù người vợ cũng là đồng sở hữu nhưng việc định đoạt về tài sản vẫn do người chồng thực hiện mà không bao giờ cần có sự thỏa thuận của người vợ[43, tr.168].

Lao động của người phụ nữ cũng được coi trọng như đàn ông. Bộ luật Hồng Đức đã quy định tiền công nhật cho nô tỳ là 30 đồng, không có sự phân biệt đàn ông với đàn bà trong tiền công lao động. Việc trả công ngang bằng thể hiện rõ lao động của người phụ nữ cũng được đánh giá cao và vị trí của họ được tôn trọng trong xã hội. Do đó trong gia đình, người phụ nữ đóng góp nhiều vào kinh tế gia đình và họ được coi trọng. Điều này không giống với phụ nữ các nước Trung Hoa và Hồi giáo.

Một trong những điểm đặc biệt của Bộ luật Hồng Đức là quy định cho người phụ nữ có quyền ly hôn. Người đàn ông có 7 cớ để bỏ vợ nhưng cũng có 3 trường

hợp không được bỏ là tam bất khứ. Khi ly hôn, người vợ có quyền được mang tài sản của mình về nhà đẻ và điều này có thể gây tổn thất nghiêm trọng đến kinh tế gia đình. Vì vậy theo nhiều nhà nghiên cứu nước ngoài việc ly hôn trên thực tế ít khi xảy ra và nếu người vợ có phạm vào thất xuất thì cũng có nhiều cách để giải quyết vấn đề này. Ví dụ như nếu người vợ không con thì có thể lấy vợ 2, vợ 3 cho chồng….Người phụ nữ cũng có quyền được ly hôn trong 2 trường hợp nếu chồng “bỏ lửng” trong vòng 5 tháng hay 1 năm đối với người đã sinh con hoặc con rể lấy chuyện phi lý để mắng nhiệc cha mẹ vợ thì người phụ nữ có quyền kêu quan xin ly hôn. Điều đó thể hiện nếu người chồng không tôn trọng nhà vợ, không làm tròn nghĩa vụ với vợ thì người vợ cũng không nhất thiết buộc phải hoàn thành nghĩa vụ của mình. Đây là quy định đặc biệt chưa từng xuất hiện trong pháp luật Trung Hoa. Nó thể hiện địa vị tương đối bình đẳng của người phụ nữ Việt Nam đối với chồng trong đời sống gia đình, là sự đánh giá cao, trân trọng và bảo vệ quyền lợi của người phụ nữ cũng là sự độc lập và tiến bộ vượt bậc trong tư tưởng pháp lý của các nhà làm luật Việt Nam. Điều đó càng có giá trị đặc biệt hơn trong bối cảnh kinh tế xã hội có nhiều điểm tương đồng và trong văn hóa – tư tưởng vẫn đang chịu ảnh hưởng nhiều của văn hóa và pháp luật Trung Hoa.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 130 trang tài liệu này.

Đối với trẻ em, Bộ luật Hồng Đức cũng dành nhiều quy định để bảo vệ quyền lợi dưới nhiều góc độ. Trong lĩnh vực pháp luật hình sự trẻ em được hưởng những quyền lợi đặc biệt như không bị tra khảo, được giảm nhẹ hình phạt…. điều này được đánh giá là sự tiến bộ hơn hẳn so với các Bộ luật ra đời trước và sau Bộ luật Hồng Đức. Trong lĩnh vực dân sự, trẻ em (cả con trai, con gái và con nuôi) đều có quyền hưởng tài sản thừa kế sau khi cha mẹ chết. Trước khi đứa trẻ đó trưởng thành, phần tài sản thừa kế được cha, mẹ, mẹ kế hay người trưởng họ quản lý giúp. Pháp luật nghiêm cấm việc cha, mẹ, mẹ kế bán tài sản của đứa trẻ nếu không có lý do chính đáng. Kể cả trường hợp có lý do chính đáng cũng phải được sự đồng ý của trưởng họ thấy thật cần thiết mới bán. Như vậy, cho dù cha mẹ có mất đi, quyền lợi của đứa trẻ vẫn được đảm bảo và bảo vệ. Điều đặc biệt ở đây là pháp luật đã quan tâm đến việc bảo vệ quyền lợi của trẻ em gái, điều mà pháp luật Trung Hoa chưa quan tâm nhiều.

2.2.1.2. Bộ luật Hồng Đức đã bảo đảm trên thực tế quyền lợi cho nhóm xã hội yếu thế bằng cách quy định trách nhiệm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Bảo vệ quyền lợi các nhóm xã hội yếu thế trong bộ luật Hồng Đức và giá trị kế thừa - 10

Dưới thời Lê sơ, quan lại được hình thành từ nhiều nguồn nhưng tiêu chuẩn quan trọng nhất để một vị quan được trọng dụng là có thực tài. Sự ngu dốt của quan lại là một hiểm họa thực sự cho quốc gia vì vậy vua Lê Thánh Tông bền bỉ thực hiện chính sách trí thức hóa đội ngũ quan lại dưới quyền nhưng vẫn làm yên lòng các công thần lão tướng bằng các biện pháp như: lựa chọn hiền tài qua thi tuyển; lệ bảo cử, lệ tập ấm và đãi ngộ công thần ít học bằng chế độ tản quan[31, tr.109]. Chính vì vậy hệ thống quan lại dưới triều Lê sơ được nhận xét là “…có trình độ chuyên môn hóa cao hơn hẳn các nước khác trong vùng Đông Nam Á và thậm chí các nước phương Tây thời trung cổ…”[31, tr.116]. Hệ thống quan lại dưới triều Lê sơ như đã nói ở các phần trước là hệ thống được tổ chức một cách hoàn chỉnh từ cấp trung ương đến địa phương. Cơ chế giám sát, kiểm soát lẫn nhau được thực hiện một cách hiệu quả cùng với cơ chế tản quyền là những biện pháp quan trọng để đảm bảo cho bộ máy đó vận hành một cách trơn tru, hiệu quả. Mỗi một vị quan trong hệ thống đó đều phải có kiến thức, có kỹ năng vận dụng thông thạo pháp luật vào công việc, thường xuyên phải tự trau dồi bản thân qua các lần khảo thí, khảo khóa. Vua Lê Thánh Tông đã đặt ra nhiều quy định để xử phạt nghiêm các quan lại biếng nhác, thiếu cần mẫn, chậm trễ trong thi hành hoặc thi hành không nghiêm, làm trái các quy định của pháp luật. Ngay từ khi ban hành Dụ Hiệu định quan chế ông đã nghiêm khắc cảnh báo các quan “dám cậy mình là thông minh, bàn xằng điều trước mà sửa đổi làm pháp điển ngửa nghiêng để tự phạm vào điều bất hiếu …bằng có dẫn xằng phép trước, luận càn đến một quan, đổi một chức, chính thị là bầy tôi gian nghịch, làm rối loạn phép nước thì giết bỏ giữa chợ không thương, gia thuộc đều bị đày ra nơi biên viễn để rõ cái tội làm tôi bất trung…”[10, tr.454].

Trong Bộ luật Hồng Đức, với mỗi điều luật cụ thể, nhà làm luật đều quy định trách nhiệm của quan lại. Nếu quan lại chậm trễ, làm trái, thi hành pháp luật không nghiêm thì bị coi là phạm tội và sẽ bị xử phạt. Cũng như vậy, đối với các quy định mang tính bảo vệ quyền lợi của nhóm xã hội yếu thế đều được gắn với trách nhiệm

của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Không những quy định nghĩa vụ của cơ quan có thẩm quyền trực tiếp giải quyết mà còn quy định cả hình thức xử lý nếu cơ quan đó không thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ của mình. Bằng cách thức đó, nhà nước đã đảm bảo việc thực hiện trách nhiệm của quan lại và đảm bảo trên thực tế quyền lợi cho nhóm xã hội yếu thế. Quan chế triều Lê sơ và việc quy định rõ ràng trách nhiệm, nghĩa vụ cũng như hình thức xử lý đối với các hành vi không tuân thủ thủ tục giải quyết công vụ, không khách quan, vô tư, chính xác; không chuyên cần, tận tụy, làm việc mâu thuẫn với nhau hay lợi dụng quyền hạn, chức vụ để nhũng nhiễu nhân dân. Quan lại đồng thời cũng phải chịu trách nhiệm nếu để cấp dưới của mình không hoàn thành hay làm trái nghĩa vụ, quyền hạn…Không những thế, cơ chế giám sát, kiểm tra được thực hiện một cách hiệu quả, rộng rãi chính là phương thức quan trọng để bộ máy quan lại hoạt động đạt hiệu quả cao.

Bằng các quy định cụ thể, chi tiết đó, Bộ luật đã đảm bảo quan lại phải thực thi đúng trách nhiệm của mình và qua đó đảm bảo quyền lợi của nhóm xã hội yếu thế được thực hiện trên thực tế.

2.2.2. Những giá trị tiến bộ của Bộ luật Hồng Đức trong việc bảo vệ các nhóm xã hội yếu thế trong sự so sánh với pháp luật Tây Âu cùng thời kỳ

Tây Âu là nơi sản sinh ra nhiều học thuyết, tư tưởng quan trọng trong nhiều lĩnh vực khoa học, công nghệ, kinh tế, chính trị và xã hội đặc biệt là các tư tưởng về pháp luật. Những thành tựu đó đã góp phần làm nên nền tảng của xã hội phương Tây hiện đại và ảnh hưởng đến tư duy pháp lý của nhiều quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam. Nhà Lê sơ ra đời vào thế kỷ XIV, tương ứng với giai đoạn cuối của thời kỳ phân quyền cát cứ ở Tây Âu và giai đoạn đầu của thời kỳ thiết lập và tồn tại của nhà nước quân chủ chuyên chế, cũng là giai đoạn suy tàn của chế độ phong kiến ở Tây Âu[39, tr.173]. Từ thế kỷ XIV trở đi, Tây Âu bước vào thời kỳ phát triển mới về kinh tế. Những mầm mống của quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa ra đời và phát triển, giai cấp tư sản dần hình thành. Tất cả những yếu tố đó đã ảnh hưởng lớn lao đến đời sống chính trị, tư tưởng thời bấy giờ. Tình trạng phân quyền cát cứ và chế độ phong kiến bắt đầu xuất hiện khủng hoảng, nhu cầu xuất hiện một nhà nước tập trung xuất hiện. Đây cũng là thời đại của những sự phát triển trong các ngành địa lý, khoa

học và nghệ thuật. Mặc dù tôn giáo vẫn chiếm một vai trò đặc biệt quan trọng, chi phối tất cả các lĩnh vực trong đời sống xã hội song cũng trong thời gian này đã xuất hiện những tư tưởng mới mang tính tiến bộ. Tuy nhiên đây vẫn chưa phải là thời kỳ khai sáng, các tư tưởng tiến bộ và có giá trị quan trọng đối với pháp luật vẫn chưa ra đời nhưng đã xuất hiện những tư tưởng đặt nền móng cho sự ra đời của các nhà nước tập trung, có chủ quyền ở Tây Âu. Các học giả thời này ngày càng hướng tới các đặc trưng nhân văn hơn là những vấn đề tôn giáo. Giai đoạn này cũng chứng kiến vị thế của phụ nữ được nâng lên đáng kể. Những thay đổi trong xã hội đã tạo cơ hội cho phụ nữ tham gia vào các hoạt động thương mại, học hành và tôn giáo.

Pháp luật Tây Âu thời kỳ này được hình thành từ nhiều nguồn như tập quán; các văn bản pháp luật của nhà nước như chỉ dụ, mệnh lệnh của nhà vua, luật Salic; luật La Mã cổ đại; luật lệ của giáo hội. Pháp luật vẫn mang nặng tính chất tôn giáo[12, tr.192-193]. Do sự ảnh hưởng của luật La Mã và sự phát triển của công nghiệp, thương mại nên các quan hệ về dân sự cũng bắt đầu được quan tâm điều chỉnh nhưng những quan hệ về hôn nhân gia đình và các quan hệ có tính bảo vệ quyền lợi nhóm xã hội yếu thế hầu như chưa được quan tâm nhiều. Địa vị của người phụ nữ được cải thiện chút ít so với thời chiếm hữu nô lệ nhưng trong gia đình họ vẫn phải phụ thuộc vào người cha, người chồng, con trai, và ngoài xã hội họ vẫn là người có địa vị thấp kém hơn những người đàn ông cùng đẳng cấp. Pháp luật thời kỳ này đã thừa nhận quyền sở hữu của tư nhân, quyền thừa kế. Nhưng ở thời kỳ đầu Luật Salic chỉ quy định quyền thừa kế của con trai, còn con gái không có quyền thừa kế. Điều 59 của luật có quy định: nếu người chết không có con trai thì ruộng đất trả lại cho công xã. Đến thời vua Sinpêrích, theo sắc lệnh của nhà vua, con gái mới có quyền thừa kế nhưng quyền thừa kế của con gái không phải là đương nhiên và ngang bằng với con trai mà con gái chỉ được hưởng thừa kế nếu người chết không có con trai thì ruộng đất được truyền cho con gái, không cần phải hoàn lại cho công xã. Như vậy, so với pháp luật thời Lê sơ, quyền thừa kế của con gái bị hạn chế nhiều so với con trai[38].

Trong lĩnh vực hôn nhân gia đình thì càng về sau những quan hệ hôn nhân và gia đình càng chịu sự ảnh hưởng của nhà thờ và các luật lệ Thiên chúa giáo. Cả tôn giáo và pháp luật đều không thừa nhận quyền ly hôn. Trong một số trường hợp,

người phụ nữ cũng có thể đi lấy chồng khác nhưng với điều kiện phải được gia đình chồng cũ ưng thuận và người chồng mới phải nộp cho gia đình chồng cũ một khoản tiền nhất định. Tuy nhiên, theo phong tục, để giữ lại gia sản cho nhà chồng, người phụ nữ góa chồng thường phải kết hôn với anh hoặc em trai chồng nếu những người này chưa kết hôn. Trong quan hệ hôn nhân và gia đình, người phụ nữ thường bị mất năng lực pháp lý về tài sản, tức là họ không được quyền đòi hỏi về tài sản, không được pháp luật bảo vệ quyền tài sản. Pháp luật cho phép dùng cực hình đối với phụ nữ. Quyền tự do hôn nhân cũng không có, ở nông thôn trai gái làng này bị cấm kết hôn với làng khác. Chỉ có một vài ngoại lệ như ở nhiều địa phương nước Anh cho phép người vợ được quản lý tài sản của mình hay như ở miền Nam nước Pháp có tập quán khi người chồng chết, người vợ được quyền lấy lại của hồi môn và được gia đình chồng cấp cho một phần đất riêng[38]. Tuy nhiên đó chỉ là những trường hợp không phổ biến. Ở phần lớn các quốc gia Tây Âu, người phụ nữ vẫn có địa vị thấp kém và pháp luật ít có những quy định mang tính bảo vệ quyền lợi cho phụ nữ.. Sau khi kết hôn người phụ nữ phải lấy họ chồng, tài sản của người vợ cũng thuộc về chồng. Đến tận năm 1882, Nghị viện Anh mới thông qua Luật về tài sản của phụ nữ có chồng. Phụ nữ ở Việt Nam, Trung Quốc và Tây Âu sống trong cùng thời kỳ (thế kỷ XIV, XV) có nhiều điểm tương đồng như: phụ thuộc vào người đàn ông, có địa vị thấp kém, bị đối xử bất công…Nhưng theo Bộ luật Hồng Đức, người phụ nữ Việt Nam có địa vị tương đối cao và được pháp luật quan tâm bảo vệ quyền lợi hơn. Ví dụ như người phụ nữ Việt Nam có quyền được ly hôn, có quyền sở hữu tài sản, trong lĩnh vực hình sự được giảm nhẹ tội hơn so với các đối tượng khác hay không phải chịu những hình phạt tàn khốc… điều đó thể hiện sự tiến bộ về tư tưởng của các nhà làm luật thời Lê sơ dù ở thời điểm đó pháp luật Việt Nam vẫn chịu ảnh hưởng của pháp luật Trung Hoa và ở Việt Nam, nền kinh tế với những yếu tố tư bản chủ nghĩa vẫn chưa xuất hiện và cũng chưa có hệ tư tưởng nào khác chiếm được ảnh hưởng lớn đối với xã hội như hệ tư tưởng Nho giáo.

Như vậy, xét về kinh tế - xã hội, ở thời điểm Bộ luật Hồng Đức ra đời Việt Nam vẫn là nước nông nghiệp với trình độ của lực lượng sản xuất thấp kém, manh mún, lạc hậu so với Trung Quốc và các nước Tây Âu cùng thời kỳ. Cũng không có hệ tư tưởng riêng mà cả hệ tư tưởng và truyền thống pháp lý đều bị ảnh hưởng bởi

pháp luật Trung Hoa. Kế thừa sáng tạo, tiếp thu có chọn lọc, vận dụng linh hoạt, kết hợp với truyền thống, tập quán của dân tộc và tư duy độc lập, tự chủ trong lập pháp

…đã làm nên một Bộ luật Hồng Đức - thành tựu lập pháp đỉnh cao của lịch sử Việt Nam - với nhiều giá trị lịch sử - pháp lý sâu sắc chứa đựng nhiều giá trị nhân văn, nhân đạo và tiến bộ. ở một số lĩnh vực thậm chí tính tiến bộ và nhân đạo còn vượt qua cả pháp luật của Trung Hoa và Tây Âu cùng thời kỳ.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 28/10/2023