đều, con cái ghét cho ít, con cái thương cho nhiều, thì đứa cho ít có quyền đòi chia lại, dù chúc thư đã lập rồi[31, tr.285]. Quy định này tạo điều kiện cho những người con thiệt thòi (trong đó có con gái) có thể đòi quyền bình đẳng trong việc thừa kế điền sản của cha mẹ. Ngay cả trong trường hợp cha mẹ mất không để lại chúc thư thì nguyên tắc bình đẳng vẫn được pháp luật bảo vệ. Đây là một trong những nét đặc trưng, bình đẳng và tiến bộ nhất của Bộ luật Hồng Đức so với pháp luật các nước khác cùng thời kỳ mặc dù vẫn chịu ảnh hưởng của pháp luật nhà Đường, nhà Minh, chịu ảnh hưởng của hệ tư tưởng Nho giáo với quan niệm “nữ nhân ngoại tộc”.
Trong pháp luật Trung Hoa thời bấy giờ người phụ nữ không được hưởng bất cứ thứ gì từ điền sản của cha mẹ để lại thì việc Bộ luật Hồng Đức quy định và bảo đảm quyền thừa kế của người phụ nữ và quyền để lại điền sản thừa kế cho cha mẹ đẻ và người thừa tự trong dòng họ mình thực sự là điểm tiến bộ vượt bậc. Không những được hưởng thừa kế, đối với việc giữ hương hỏa của tổ tiên là một quyền lợi và nghĩa vụ thiêng liêng trong gia đình truyền thống của người dân Việt Nam, mặc dù người đương nhiên và được ưu tiên bao giờ cũng là con trai trưởng hoặc cháu nội nhưng đối với một số trường hợp người con gái hay cháu ngoại cũng được quyền giữ hương hỏa và thờ cũng tổ tiên: “Người giữ hương hỏa có con trai trưởng thì dùng con trai trưởng, không có con trai trưởng thì dùng con gái trưởng”(điều 391). Hoặc theo như quy định tại điều 395, 397 thì người con gái được hưởng hương hỏa tổ tiên trong các trường hợp như: “Cha mẹ sinh được 2 con trai, người con trai trưởng chỉ sinh con gái, con thứ lại có con trai thì phần hương hỏa giao cho con trai người con thứ; nhưng con trai người con thứ lại chỉ sinh cháu gái, thì phần hương hỏa trước kia lại phải giao trả cho con gái người con trưởng”.
Bộ luật Hồng Đức cũng vay mượn khá nhiều nội dung của pháp luật nhà Đường, nhà Minh. Nhưng trong số 456 điều là riêng biệt, không thể tìm thấy trong pháp luật của Trung Hoa mà các nhà làm luật thời Lê sơ sáng tạo thêm và đưa vào trong Bộ luật Hồng Đức lại có những nội dung rất đặc trưng, riêng biệt. Đặc biệt là những điều luật quy định về quyền sở hữu và thừa kế của người phụ nữ. Đây thật sự là những điểm mới mẻ và tiến bộ nhất là trong bối cảnh lịch sử - xã hội thời bấy giờ.
2.1.1.3. Bảo vệ quyền lợi cho phụ nữ trong lĩnh vực hôn nhân gia đình
Trong Bộ luật Hồng Đức, các quan hệ hôn nhân và gia đình được điều chỉnh một cách toàn diện. Các quan hệ này vừa mang đặc điểm và dấu ấn của phong tục tập quán riêng của dân tộc vừa chịu ảnh hưởng của hệ tư tưởng Nho giáo và pháp luật của Trung Hoa. Các vua nhà Lê luôn coi Nho giáo là công cụ quan trọng để cải hóa thần dân và xây dựng một đất nước thịnh trị. Nhận định về điều này, nhà nghiên cứu Insun Yu đã viết: “Mục đích của Thánh Tông trong việc sử dụng các điều luật về gia đình là để thay đổi toàn bộ xã hội Việt Nam theo tư tưởng Nho giáo, thông qua công cụ là luân lý gia đình”[43, tr.41]. Theo quan điểm của Nho giáo, cuộc đời của con người xoay quanh 5 mối quan hệ cơ bản: quân thần, phụ tử, phu phụ, huynh đệ, bằng hữu. Trong đó có 3 mối quan hệ trực tiếp gắn với gia đình đủ thấy vai trò của gia đình trong xã hội quan trọng đến mức độ nào. Tuy nhiên, không giống như hiện nay, các quan hệ hôn nhân dưới thời Lê sơ rất ít khi được xác lập trên cơ sở tình yêu và sự tự nguyện của hai bên mà thường do cha mẹ quyết định. Việc hôn nhân trong xã hội cũ trước hết là vì quyền lợi của gia đình, dòng họ nên “môn đăng hộ đối” là điều kiện tối quan trọng. Hơn thế nữa, việc hôn nhân còn vì mục đích chủ yếu là sinh con để nối dõi tông đường chứ không phải vì tình yêu nên sự ưng thuận hay không của con cái không quan trọng mà cái quan trọng là sự thuận tình của cha mẹ hai bên.
Một đặc điểm quan trọng của chế độ hôn nhân dưới thời Lê sơ là nhà nước duy trì và bảo vệ chế độ đa thê, người đàn ông được phép lấy nhiều vợ nhưng chỉ được phép có một người vợ chính, khi người này chết đi mới được lấy người khác lên làm kế thất còn trước khi vợ chính chết, những người vợ khác chỉ được gọi là vợ lẽ, nàng hầu. Tôn ty trật tự được củng cố và bảo vệ, sự phân biệt giữa nàng hầu, vợ lẽ với vợ chính làm cho quyền lợi của họ và con cái họ sinh ra không được bảo đảm, bảo vệ đầy đủ. Cũng không phải người phụ nữ nào cũng có thể được lấy làm vợ. Theo điều 339, những người đàn bà có tội đang trốn tránh mà che giấu để được lấy làm vợ cả vợ lẽ thì bị xử tội. Quan chức không được lấy vợ trong bản hạt. Quan lại và con cháu của họ, thuộc lại cũng không được lấy đàn bà làm nghề hát xướng... Như vậy nhìn chung trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình người phụ nữ thường là người phải chịu nhiều thiệt thòi. Xã hội đặt ra cho họ nhiều yêu cầu, nhiều chuẩn mực và trách nhiệm. Không những người phụ nữ phải đảm bảo “tứ đức” (công,
dung, ngôn, hạnh) mà còn phải có nghĩa vụ “tam tòng” (tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử). Người phụ nữ phải tuyệt đối chung thủy, những người phạm tội gian dâm đều bị trừng trị nghiêm khắc, không những thế còn bị đuổi khỏi nhà chồng, bị tước đoạt tài sản. Người vợ không được tùy tiện bỏ nhà đi, có nghĩa vụ phục tùng chồng, không được ghen tuông, cậy thế lấn át, kinh thường chồng, không được đánh đập, tố cáo chồng. Hành vi đánh đập, tố cáo chồng là phạm vào tội “bất mục” – một trong mười tội “thập ác”- những tội ác đặc biệt nghiêm trọng, không thể dung thứ. Thế nhưng chồng đánh vợ bị thương hay bị chết thì tuy cũng là tội bất mục nhưng được xử nhẹ hơn đánh, giết người ngoài 3 bậc. Tiền bồi thường cũng giảm nhẹ hơn với người ngoài 3 phần. Sự phân biệt đối xử với phụ nữ được thể hiện một cách quá rõ ràng. Nếu người vợ có tội mà bị đánh chết thì xử khác tội cố ý giết vợ. Người vợ lẽ nếu đánh chồng, em trai, em gái chồng, họ hàng của chồng thì bị xử nặng hơn nữa[41, điều 481,482,483,484]. Như vậy, cùng một hành vi nhưng khi xử lý người chồng được xử nhẹ còn người vợ bị xử nặng, vợ lẽ còn bị xử nặng hơn. Điều đó thể hiện sự phân biệt đối xử với phụ nữ. Sự vinh nhục của người vợ gắn liền với người chồng, nếu người chồng phạm tội thì người vợ cũng bị xử phạt, nhưng nếu người vợ phạm tội mà chồng người đó làm quan thì lại được nghị giảm. Nếu người chồng bị giết mà vợ lại hòa giải riêng với kẻ giết thì phải tội lưu, nếu người chồng chết vợ không để tang lại vui chơi ăn mặc như thường hay tái giá thì phạm vào tội “bất nghĩa” – một trong mười tội “thập ác”. Tuy nhiên không thấy nhà làm luật nói đến nghĩa vụ của người chồng trong việc này.
Trong hôn nhân, người phụ nữ thường bị đặt vào tình cảnh “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy” nhất là những người phụ nữ trong các gia đình thuộc tầng lớp trên, ngay từ khi còn rất nhỏ đã phải sống khép kín trong “khuê phòng”, không có cơ hội gặp gỡ, tìm hiểu cũng như lựa chọn người đàn ông mình sẽ lấy làm chồng. Người đàn ông có thể có “năm thê bảy thiếp”, có thể ngoại tình, có thể có con ngoài giá thú… Họ cũng có thể bị dư luận xã hội lên án nhưng dù sao sự lên án đó cũng không thể so sánh với những gì người phụ nữ phải chịu nếu người phụ nữ “vượt rào” lễ giáo. Kết cuộc họ nhận lại là sự kỳ thị của cộng đồng và thậm chí phải gánh chịu sự trừng phạt tàn khốc như “gọt đầu, bôi vôi, thả bè trôi sông”. Người đàn ông có thể có nhiều người vợ trong cùng một thời điểm nhưng người phụ nữ thì chỉ được phép
có duy nhất một người chồng, phải phụ thuộc vào chồng, gánh vác nhiều trách nhiệm nặng nề trong gia đình nhà chồng, thực hiện nhiều nghĩa vụ không chỉ với chồng mà còn với gia đình, dòng họ chồng. Nếu người phụ nữ không hoàn thành được những trách nhiệm nặng nề đó (có thể không phải do lỗi của họ mà là do những nguyên nhân khách quan khác như không sinh được con, bị ác tật…) người đó có thể bị thay thế, bị buộc phải ly hôn, bị tước đoạt tài sản, bị dư luận xã hội lên án, trừng phạt nặng nề...
Trong Bộ luật Hồng Đức có nhiều quy định mang tính bảo vệ cho người phụ nữ trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình. Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử người phụ nữ có quyền ly hôn (tuy vẫn có nhiều điểm hạn chế, bất bình đẳng) nhưng dù sao cũng là một bước tiến lớn trong lịch sử lập pháp của Việt Nam. Người phụ nữ có quyền được ly hôn trong 2 trường hợp theo quy định tại điều 308 và điều 333. Theo điều 308, người vợ được ly hôn chồng trong trường hợp chồng đã “bỏ lửng vợ 5 tháng không đi lại…nếu vợ đã có con thì cho hạn 1 năm”. Tuy nhiên chỉ khi người vợ trình với quan sở tại và có xã quan làm chứng thì mới được ly hôn. Nếu quan xử cho ly hôn rồi mà người chồng cố ý ngăn cản người vợ lấy chồng khác thì phải tội biếm. Trường hợp thứ hai là ly hôn theo quy định tại Điều 333 “nếu con rể lấy chuyện phi lý mà mắng nhiếc cha mẹ vợ, đem việc thưa quan sẽ cho ly dị”. Trong cả 2 trường hợp người phụ nữ được quyền ly hôn, pháp luật đều để cho vợ chồng quyền tự ứng xử, tự quyết định hạnh phúc, tự giải quyết vấn đề của chính mình. Điều này cũng giống như khi người vợ đánh chồng hay chồng đánh vợ hay việc người chồng quá say đắm nàng hầu mà thờ ơ với vợ thì người vợ phải cáo quan mới được xem xét, xử lý... Còn trong trường hợp vợ chồng lựa chọn cách tự hòa giải với nhau hay nhẫn nhịn nhau thì pháp luật cũng không xử lý trừ trường hợp xảy ra án mạng nhà nước mới can thiệp còn không pháp luật để họ tự định đoạt việc gia đình. Trong các bộ luật thời phong kiến cả ở phương Đông và phương Tây không hề thấy xuất hiện quy định tương tự như vậy. Quyền ly hôn là một trong những quyền cơ bản của phụ nữ, là thước đo trình độ văn minh, tự do của quốc gia, dân tộc và nhân loại. Quyền ly hôn của phụ nữ trong Bộ luật Hồng Đức “là một nét đặc sắc, đậm chất nhân văn và dũng cảm, thể hiện bản lĩnh và nhân quyền của một vị hoàng đế Việt, rất tân kỳ, tiến bộ, chưa một chế độ phong kiến nào từ phương Đông đến
Có thể bạn quan tâm!
- Hoạt Động Xây Dựng Pháp Luật Thời Lê Sơ; Tư Tưởng Và Sự Thể Hiện Các Tư Tưởng Về Bảo Vệ Quyền Lợi Của Nhóm Xã Hội Yếu Thế Trong Bộ Luật
- Quá Trình Xây Dựng Và Ban Hành Bộ Luật Hồng Đức
- Bảo Vệ Quyền Lợi Của Các Nhóm Xã Hội Yếu Thế Trong Bộ Luật Hồng Đức
- Bảo Vệ Quyền Lợi Của Trẻ Em Trong Lĩnh Vực Pháp Luật Dân Sự
- Bảo Vệ Quyền Lợi Của Các Nhóm Xã Hội Yếu Thế Khác Trong Bộ Luật Hồng Đức
- Bộ Luật Hồng Đức Đã Dành Cho Người Phụ Nữ Địa Vị Và Vai Trò Trong Gia Đình Và Xã Hội Cao Hơn So Với Pháp Luật Trung Hoa Cùng Thời Kỳ.
Xem toàn bộ 130 trang tài liệu này.
phương Tây dám đề cập và nhất là lại nâng lên tầm pháp điển”[28. Tr.199-203]. Qua việc quy định về quyền ly hôn, nhất là ở trường hợp thứ nhất, nhà làm luật gián tiếp quy định trách nhiệm của người chồng đối với người vợ. Việc người chồng “bỏ lửng” vợ trong thời hạn 5 tháng hay 1 năm thể hiện sự thông cảm với các trường hợp người vợ không được chồng đoái hoài, không quan tâm chăm sóc, để người vợ sống trong hoàn cảnh vợ chồng cơm không lành canh không ngọt. Nguyên nhân chủ yếu để ly hôn ở đây không phải là do thời gian xa cách (vì pháp luật còn quy định “vì việc quan mà đi xa thì không theo luật này” thì dù người chồng có xa cách bao lâu cũng không thể trở thành căn cứ để người vợ đòi ly hôn) mà việc ly hôn ở đây xuất phát từ thái độ, cách người chồng đối xử với vợ trong quá trình chung sống. Vì vậy mục đích của quy định này là nhằm đề cao trách nhiệm của người chồng trong gia đình. Nếu người chồng không đối xử tốt với vợ, anh ta có thể bị mất vợ. Quy định đó góp phần xây dựng quan hệ hôn nhân bền vững, đảm bảo quyền lợi của phụ nữ[38, tr.255].
Bộ luật Hồng Đức cũng có quy định về “thất xuất” (bảy nguyên cớ bỏ vợ), điều này cũng giống như pháp luật Trung Hoa nhưng cũng đồng nhất các trường hợp “thất xuất” với các trường hợp “nghĩa tuyệt”. Điều này không giống pháp luật Trung Hoa vì pháp luật Trung Hoa quy định riêng rẽ 2 vấn đề này. Chương Hộ hôn trong Đường luật sớ nghị quy định 5 trường hợp “nghĩa tuyệt” bao gồm: Chồng đánh ông bà nội, cha mẹ của vợ, giết ông bà ngoại, cha mẹ, chú, bác, cô, anh, chị, em của vợ; ông bà nội, cha mẹ, ông bà ngoại, anh, em, cô, chị, em của chồng và vợ đánh giết lẫn nhau; vợ đánh ông bà nội, cha mẹ của chồng, sát thương ông bà ngoại, cha mẹ, chú, bác, anh, em, cô, chị, em của chồng; vợ thông gian với ông cố, chú bác họ, anh em họ; hoặc chồng thông gian với mẹ vợ; vợ muốn hại chồng. Những quy định này không hề xuất hiện trong Bộ luật Hồng Đức cũng như không có quy định “hòa ly” (ly hôn tự nguyện vì không hòa hợp) và “trình tố ly hôn” (trình quan địa phương xin ly hôn) như trong Đường luật sớ nghị. Theo quy định của Bộ luật Hồng Đức, việc ly hôn có thể do lỗi của người vợ, có thể do lỗi của người chồng, cũng có thể là do hôn nhân vi phạm những điều cấm kết hôn, bị pháp luật buộc phải ly hôn. Thế nhưng, theo pháp luật thời Lê sơ nguyên cớ người chồng có thể bỏ vợ chỉ có 7 trường hợp được quy định tại điều 310 mà thôi, không thấy quy định các trường hợp khác. Như
vậy là có sự khác biệt rất lớn so với pháp luật nhà Đường. Các trường hợp bắt buộc bỏ vợ đã được thu hẹp đáng kể. Đây chính là sự sáng tạo của các nhà làm luật khi vận dụng pháp luật Trung Hoa vào Bộ luật Hồng Đức. Điều này cũng góp phần bảo vệ cho người phụ nữ trong quan hệ hôn nhân. Bên cạnh quy định về “thất xuất”, còn có quy định về “tam bất khứ” (Vợ có ba cớ không thể bỏ được: một là người vợ đã để tang nhà chồng ba năm; hai là khi lấy nhau nghèo, về sau giàu có; ba là khi lấy nhau có bà con, lúc bỏ nhau không còn bà con để trở về). Tuy quy định này không được thể hiện trong Bộ luật Hồng Đức nhưng sách Hồng Đức thiện chính thư có giải thích rõ về điều này. Đây là quy định thể hiện sự nhân đạo, trọng nghĩa tình, đạo lý của người Việt Nam cũng là quy định thể hiện sự quan tâm đến thân phận người phụ nữ, ghi nhận sự đóng góp của người phụ nữ vào sự phát triển của gia đình và bảo vệ người phụ nữ khi họ gặp phải những hoàn cảnh bất lợi, khó khăn. Đồng thời, khi hai bên vợ chồng đang có tang cha mẹ tức là vợ hoặc chồng đang có sự đau buồn, mất mát người thân thì vấn đề ly hôn cũng không được đặt ra. Điều này thể hiện sự quan tâm một các sâu sắc đến đời sống tinh thần của con người, là quy định thể hiện sự nhân đạo của pháp luật thời Lê sơ. Quan hệ nhân thân giữa vợ và chồng sau khi ly hôn hoàn toàn chấm dứt, hai bên đều có quyền kết hôn với người khác mà không bị pháp luật ngăn cấm. Thậm chí nếu người chồng cố tình ngăn cản không cho vợ lấy người khác còn bị xử tội.
Ngoài việc quy định phụ nữ có quyền ly hôn, Bộ luật Hồng Đức đã tiếp thu và phát triển những phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc và bảo vệ quyền lợi người phụ nữ trong việc xác lập quan hệ hôn nhân. Mặc dù theo quan điểm của Nho giáo và pháp luật thời bấy giờ, việc hôn nhân của con cái là do cha mẹ 2 bên quyết định, sắp đặt. Nhiều trường hợp người phụ nữ thậm chí còn chưa biết mặt chồng mình cho đến khi việc hôn nhân hoàn tất. Pháp luật có quy định rất nghiêm ngặt về vấn đề hôn nhân. Điều 315 có quy định: Gả con gái đã nhận sính lễ rồi lại không chịu cho cưới thì phải phạt 80 trượng. Đem con gả cho người khác, nếu đã thành hôn rồi thì xử tội đồ làm khao đinh. Người chồng sau nếu biết mà vi phạm cũng bị tội đồ. Cha mẹ vợ không được tráo gả con gái hai lần, tham tiền của rể mới, bỏ rể cũ. Con gái phải gả cho người đã hỏi trước, nếu người này không lấy mới được gả cho người khác. Tuy nhiên pháp luật cũng có quy định trường hợp nếu đã có hứa hôn
nhưng lại phát hiện ra người con trai bị ác tật, phạm tội hoặc phá tán gia sản thì người con gái được kêu quan để trả đồ lễ mà không phải cưới. Nếu người con gái bị ác tật hay phạm tội thì người con trai cũng không phải lấy, có quyền từ hôn nhưng gia đình người con gái không phải trả đồ lễ (Điều 322). Sự từ hôn trong trường hợp này không được coi là bội ước và nó đã thể hiện được tư tưởng tiến bộ của nhà làm luật là để cho người con gái có quyền từ hôn khi người con trai không có đủ những điều kiện tối thiểu để đảm bảo cho hạnh phúc của người phụ nữ và đảm bảo cuộc sống gia đình ổn định, tốt đẹp. Điều đó rõ ràng đã thể hiện sự quan tâm, bảo vệ quyền lợi của người con gái. Điều đặc biệt là người con gái không bị phân biệt đối xử khi thoái hôn. Đây là điểm tiến bộ của pháp luật triều Lê so với pháp luật nhà Đường chỉ quy định hình phạt cho bên nhà gái khi thoái hôn[32, tr.411-412].
Một điều đặc biệt nữa là ngay từ thời Lê sơ đã có quy định về độ tuổi kết hôn. Theo đó con trai từ 18 tuổi, con gái 16 tuổi mới được kết hôn[32, tr.412]. Đây là một quy định rất tiến bộ mà trong pháp luật của tất cả các nước khác cùng thời kỳ không thấy xuất hiện như tác giả Vũ Văn Mẫu đã nhận xét: “Nhà làm luật thời Lê đã biết thích ứng các nghi lễ của Khổng giáo cho hợp với tình hình xã hội và quyền lợi của dân tộc vừa tránh nạn tảo hôn vừa không nhất thiết gò bó theo khuôn khổ cố định của lễ giáo phong kiến Trung Hoa”[23, tr.170].
Tuy người phụ nữ chưa thực sự có quyền tự do hôn nhân nhưng pháp luật cũng gián tiếp quy định hôn nhân phải dựa trên sự đồng thuận của 2 gia đình. Trường hợp tôi tớ của nhà công hầu cậy quyền, cậy thế chủ hay những nhà quyền thế cậy thế mà ức hiếp để lấy con gái lương dân, cuộc hôn nhân không dựa trên sự tự nguyện của cô gái và gia đình cô thì đều bị xử tội biếm hay đồ. Người chủ cũng bị xử tội tùy theo việc nặng nhẹ nếu để tôi tớ của mình cậy thế bắt ép con gái lương dân phải kết hôn không dựa trên sự đồng ý của cô gái và gia đình cô (điều 336, 338).
Như vậy, trong quan hệ hôn nhân và gia đình tuy người phụ nữ phải chịu nhiều thiệt thòi nhưng pháp luật cũng đã có một số quy định thể hiện sự quan tâm, bảo vệ quyền lợi của người phụ nữ như hạn chế các trường hợp bắt buộc bỏ vợ so với pháp luật Trung Hoa, trừng phạt các đối tượng lợi dụng quyền thế cưỡng ép hôn nhân, quy định độ tuổi kết hôn, quy định cho phép người phụ nữ được quyền ly hôn, gián tiếp quy định trách nhiệm của người chồng đối với gia đình…Tuy chưa nhiều
nhưng đó cũng là những quy định mang tính tiến bộ, thể hiện sự quan tâm bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người phụ nữ.
Trong một xã hội mà hệ tư tưởng thống trị là Nho giáo với nền tảng cốt lõi là sự phân biệt địa vị, đẳng cấp, coi rẻ người phụ nữ thì những quan điểm tiến bộ và sáng tạo của các nhà làm luật thời Lê sơ với việc bảo vệ quyền lợi cho phụ nữ trong tất cả các lĩnh vực pháp luật, tôn trọng địa vị của người phụ nữ trong gia đình, kế thừa và phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc càng trở nên có giá trị nhân bản và độc đáo. Chính điều đó đã tạo nên sức sống trường tồn cho Bộ luật có từ thế kỷ XV này.
2.1.2.Bảo vệ quyền lợi của người già, trẻ em, người khuyết tật trong Bộ luật Hồng Đức
2.1.2.1. Bảo vệ quyền lợi của người già, trẻ em, người khuyết tật trong lĩnh vực pháp luật hình sự
Đối với người già, trẻ em và người bị phế tật, ác tật (người khuyết tật) pháp luật cũng có sự quan tâm, bảo vệ bằng cách cho những đối tượng này được áp dụng nguyên tắc hồi tố đặc biệt. Nguyên tắc này được quy định cụ thể tại điều 17 “Khi phạm tội chưa già cả, tàn tật, đến khi già cả tàn tật việc mới phát giác thì xử tội theo luật già cả tàn tật. Khi ở nơi bị đồ mà già cả tàn tật, thì cũng thế. Khi còn bé nhỏ phạm tội đến khi lớn mới phát giác, thì xử tội theo luật khi còn nhỏ”. Như vậy nguyên tắc hồi tố vẫn được áp dụng tức là trẻ em, người già cả, tàn tật vẫn phải chịu trách nhiệm pháp lý về những hành vi của mình nhưng họ được xử tội theo hướng có lợi nhất. Điều đó thể hiện tính nhân đạo, khoan hồng của pháp luật và phù hợp với truyền thống đạo lý kính già, yêu trẻ của dân tộc Việt Nam.
Nguyên tắc áp dụng luật già cả, tàn tật, luật khi còn nhỏ còn được thể hiện tại quy định ở điều 16 với 3 cấp độ: Từ 70 tuổi trở lên, 15 tuổi trở xuống và người bị phế tật được chuộc tội bằng tiền (trừ khi phạm tội thập ác). Từ 80 tuổi trở lên, trẻ em dưới 10 tuổi và người bị ác tật không bị bắt tội (trừ trường hợp phạm tội phản nghịch, giết người đáng phải tội chết thì phải tâu vua để xét định; ăn trộm và đánh người bị thương thì cho chuộc tội bằng tiền). Nếu người phạm tội trên 90 tuổi và 7 tuổi trở xuống thì dù có đáng tội chết cũng không hành hình, nếu có kẻ nào xui xiểm thì bắt tội kẻ xui xiểm; nếu ăn trộm có tang vật thì kẻ nào chứa chấp tang vật phải