Quyền Của Người Phụ Nữ Trong Pháp Luật Hôn Nhân Và Gia Đình Giai Đoạn Từ 1954 Đến 1975

chế hóa một cách đầy đủ và toàn diện nội dung về bảo đảm quyền bình đẳng của người phụ nữ. Trong khi đó, đất nước vừa độc lập, Nhà nước ta phải đứng trước bao khó khăn và thử thách: "giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm" cùng đe dọa, lại phải tiếp nhận một cơ sở kinh tế nghèo nàn lạc hậu từ Nhà nước thực dân phong kiến với bao tập quán cổ hủ, bám rễ vào đời sống HN&GĐ, đặc biệt phải kể đến tập quán thể hiện sự phân biệt đối xử với phụ nữ. Trước thực tiễn trên, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tạm thời ban hành 2 Sắc lệnh để đáp ứng việc giải quyết các vấn đề về dân sự, hôn nhângia đình trong tình hình mới, đó là Sắc lệnh 97 và Sắc lệnh 159.

Sắc lệnh số 97/SL được ban hành ngày 22 tháng 5 năm 1950 về việc sửa đổi một số quy lệ và chế định trong dân luật. Sắc lệnh đã cụ thể hóa quyền bình đẳng của người vợ trong gia đình, xóa bỏ quyền gia trưởng của người chồng, người cha. Chính vì vậy, vị thế của người vợ trong gia đình được ngang hàng với người chồng "Chồng và vợ có địa vị bình đẳng trong gia đình" (Điều 5). Sắc lệnh cũng đảm bảo quyền tự do kết hôn cho hai bên nam, nữ, xóa bỏ việc kết hôn trong thời kì tang chế. Đây là những quy định thể hiện một sự quan tâm đặc biệt đến phụ nữ, bởi vì trong chế độ xã hội phong kiến quyền phụ nữ không được bảo vệ, quyền lợi của họ bị xâm phạm. Vì thế, việc ghi nhận bằng pháp luật quyền bình đẳng nam nữ đặc biệt là sự bình đẳng trong gia đình có ý nghĩa rất lớn.

Sắc lệnh 159/SL được ban hành ngày 17 tháng 11 năm 1950 quy định về duyên cớ ly hôn chung cho cả hai vợ chồng. Theo đó, vợ chồng bình đẳng với nhau về quyền xin ly hôn. Quy định này, thể hiện sự "giải phóng" người phụ nữ khỏi sự "trói buộc" của pháp luật phong kiến về việc hạn chế quyền xin ly hôn từ phía người vợ. Cụ thể, Điều 2 Sắc lệnh số 159/SL quy định: Vợ, chồng đều có quyền ly hôn nếu một bên ngoại tình; một bên can án phạt giam; một bên mắc bệnh điên hoặc bệnh khó chữa khỏi; một bên bỏ nhà đi quá hai năm không có duyên cớ chính đáng; vợ, chồng tình hình không hợp hoặc đối xử với nhau đến nổi không thể chung sống được.

Đặc biệt, Sắc lệnh 159/SL không chỉ ghi nhận quyền bình đẳng nam nữ về ly hôn, mà còn thể hiện sự bình đẳng về giới, trong đó có quy phạm ưu tiên cho người phụ nữ trên cơ sở xem xét những đặc thù về giới. Điều 5 quy định: Nếu người vợ có thai thì vợ hay chồng có thể xin tòa hoãn đến sau kỳ sinh nở mới xử việc ly hôn. Việc người vợ được xin hoãn ly hôn khi đang mang thai là điều kiện tốt để bảo vệ bà mẹ và thai nhi.

Như vậy, mặc dù chưa thực sự đầy đủ song pháp luật của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã dành cho người phụ nữ một sự quan tâm đặc biệt bằng việc đưa ra các quy định về quyền của phụ nữ, trong đó có các quyền nhân thân. Đây là bước đột phá quan trọng của pháp luật thời kì này làm thay đổi địa vị của người vợ, đặt họ vào vị trí ngang hàng với người chồng. Các quy phạm pháp luật này đã đi sâu vào thực tế cuộc sống, người phụ nữ đã khẳng định mình trong các phong trào đấu tranh của dân tộc, người phụ nữ tiên phong trong việc xây dựng nếp sống mới, tham gia lao động, sản xuất và các công việc khác trong xã hội.

1.2.2.2. Quyền của người phụ nữ trong pháp luật hôn nhân và gia đình giai đoạn từ 1954 đến 1975

Năm 1954, sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, miền Bắc hoàn toàn độc lập còn miền Nam tạm thời nằm dưới ách cai trị của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai. Miền Bắc cùng một lúc thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược là thực hiện cuộc cách mạng giải phóng dân tộc và xây dựng xã hội chủ nghĩa, miền Nam tiếp tục cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ, đấu tranh thống nhất nước nhà.

Ở miền Bắc, năm 1957, cuộc cải cách ruộng đất đã căn bản hoàn thành, quan hệ sản xuất phong kiến - cơ sở của chế độ hôn nhân và gia đình phong kiến đã bị xóa bỏ. Bước đầu, Nhà nước ta đã tiến hành xây dựng cơ sở vật chất của chế độ xã hội chủ nghĩa, xác lập quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa. Phương thức sản xuất xã hội chủ nghĩa dần dần được xác lập, không

chỉ là tiền đề cho chúng ta xây dựng hệ thống pháp luật mới mà còn tạo cơ sở vững chắc để quy định bình đẳng nam nữ được đi vào thực tế. Hiến pháp năm 1959 được ban hành và thay thế Hiến pháp năm 1946, tiếp tục ghi nhận sự bình đẳng giữa nam và nữ tại Điều 24: "Phụ nữ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa có quyền bình đẳng với nam giới về các mặt sinh hoạt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và gia đình…". Trên cơ sở này, việc ban hành một đạo luật mới về HN&GĐ đã trở thành một đòi hỏi cấp bách của toàn xã hội, là một tất yếu khách quan để xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc nước ta. Luật HN&GĐ năm 1959 được Quốc hội khóa II, kỳ họp thứ 11 thông qua ngày 29 tháng 12 năm 1959, có hiệu lực từ ngày 13 tháng 01 năm 1960. Đây là văn bản Luật HN&GĐ đầu tiên của Nhà nước ta thể hiện khá đầy đủ các quyền HN&GĐ của người phụ nữ, là cơ sở pháp lý quan trọng để chúng ta bảo vệ các quyền nhân thân của người phụ nữ trong quan hệ giữa vợ và chồng. Nguyên tắc nam nữ bình đẳng là một trong những nguyên tắc chủ đạo xuyên suốt các quy phạm pháp luật HN&GĐ. Theo đó, người vợ được bình đẳng với người chồng về các quyền HN&GĐ như bình đẳng trong nghĩa vụ chăm sóc, giúp đỡ nhau tiến bộ quy định tại Điều 13: "Vợ chồng có nghĩa vụ thương yêu, quý trọng, săn sóc nhau, giúp đỡ nhau tiến bộ, nuôi dạy con cái, lao động sản xuất, xây dựng gia đình hòa thuận, hạnh phúc" [25]; bình đẳng trong lựa chọn nghề nghiệp quy định tại Điều 14: "Vợ và chồng đều có quyền tự do chọn nghề nghiệp, tự do hoạt động chính trị, văn hóa và xã hội" [25]; có quyền và nghĩa vụ ngang nhau trong mối quan hệ với các con theo quy định tại Điều 17: "Cha mẹ có nghĩa vụ thương yêu, nuôi nấng, giáo dục con cái"; đặc biệt, người vợ được ưu tiên bảo vệ xét dưới góc độ đặc thù về giới, chẳng hạn trong ly hôn theo quy định tại Điều 29:

Khi ly hôn, việc chia tài sản sẽ căn cứ vào sự đóng góp về công sức của mỗi bên, vào tình hình tài sản và tình trạng cụ thể của gia đình. Lao động trong gia đình được kể như lao động sản xuất

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 89 trang tài liệu này.

Khi chia phải bảo vệ quyền lợi của người vợ, của con cái và lợi ích của việc sản xuất [25].

Có thể nói, Luật HN&GĐ năm 1959 là công cụ hữu hiệu để xóa bỏ mọi tàn tích của chế độ HN&GĐ phong kiến, tư sản, đảm bảo quyền bình đẳng cho người phụ nữ, góp phần to lớn vào việc xây dựng chế độ HN&GĐ mới, tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng. Đây chính là đóng góp to lớn của Luật HN&GĐ cho xã hội bởi vì, gia đình có thuận hòa thì lòng người mới yên, đất nước mới thanh bình.

Bảo vệ quyền của người phụ nữ trong quan hệ nhân thân giữa vợ và chồng theo Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 - 4

Ở miền Nam, sau năm 1954, đế quốc Mỹ đã thay chân thực dân Pháp thực hiện âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta, tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược kiểu mới. Các chính quyền ở Sài Gòn đã ban hành một số văn bản pháp luật để điều chỉnh vấn đề HN&GĐ như: Luật Gia đình ngày 02 tháng 01 năm 1959 của chính quyền Ngô Đình Diệm; Sắc luật số 15/64 ngày 23 tháng 7 năm 1964 của chính quyền Nguyễn Khánh; Bộ Dân luật Sài Gòn ngày 20 tháng 12 năm 1972 của chính quyền Nguyễn Văn Thiệu. Nhìn chung, các văn bản pháp luật này vẫn bảo vệ quyền gia trưởng, phân biệt đối xử, bất bình đẳng giới giữa vợ và chồng. Tuy nhiên, ta có thể thấy được những điểm tiến bộ trong việc bảo vệ quyền phụ nữ trong quan hệ nhân thân giữa vợ và chồng trong hệ thống các văn bản trên như sau:

* Luật gia đình ngày 02 tháng 1 năm 1959 (Luật số 1- 59) của chính quyền Ngô Đình Diệm

Luật số 1-59 ban hành ngày 02 tháng 01 năm 1959 gồm 135 Điều quy định về hôn nhân và gia đình. Đây là lần đầu tiên trong nền pháp chế thành văn Việt Nam bãi bỏ chế độ một chồng nhiều vợ: "Chế độ đa thê từ nay bị bãi bỏ hẳn". Quy định thể hiện sự tiến bộ đáng kể trong việc đảm bảo chế độ hôn nhân một vợ một chồng. Bên cạnh đó, quy định về ly thân tại Điều 55 của Luật: "Cấm ly hôn, chỉ được phép ly thân" cũng như các quy định xử phạt hình sự đối với hành vi ruồng bỏ như hành vi ruồng bỏ vợ hay chồng (không lý do chính đáng mà không chịu nhận người chồng hay vợ tại chỗ ở hôn

nhân), có thể bị phạt tiền hay phạt giam tới 1 năm. Những quy định trên phần nào hạn chế hành vi xúc phạm, ruồng bỏ từ phía người chồng, cũng như đảm bảo được quyền lợi của người vợ trong đời sống hôn nhân gia đình.

* Sắc luật số 15/64 ngày 23 tháng 07 năm 1964 về giá thú, tử hệ và tài sản cộng đồng của chính quyền Nguyễn Khánh

Sắc luật số 15/64 ban hành ngày 23 tháng 07 năm 1964 gồm 158 Điều quy định về giá thú, tử hệ và tài sản cộng đồng. Trong đó, vấn đề bảo vệ quyền của người vợ được thể hiện trong các quy định về căn cứ ly hôn chung cho vợ và chồng. Cụ thể, vợ hoặc chồng có thể yêu cầu ly hôn khi có một trong các căn cứ sau đây: Vì sự ngoại tình của người phối ngẫu; Vì sự phối ngẫu bị kết án trọng hình về thường tội; Sự ngược đãi, bạo hành hay ngục mạ, có tính chất thâm từ và thường xuyên làm cho vợ chồng không thể chung sống với nhau được nữa; Vì có án văn xác định sự biệt tích của người phối ngẫu đã thất tung; Vì người phối ngẫu bỏ phế gia đình, sau khi có án văn nhất định xử phạt người phạm tội (Điều 63, Sắc luật số 15/64).

Những quy định này cho thấy sự tiến bộ so với quy định của Luật số 1- 59 của chính quyền Ngô Đình Diệm là "Cấm chỉ vợ chồng ruồng bỏ nhau và sự ly hôn" (Điều 55). Mặc dù, đã có những quy định tiến bộ trong việc quy định về quyền ly hôn của người vợ nhưng quyền bình đẳng của người vợ trong quyền nhân thân vẫn chưa được ghi nhận nhiều và người vợ vẫn chịu sự phụ thuộc vào người chồng, người chồng vẫn là người có quyền quyết định những vấn đề quan trọng trong gia đình và thực tế theo quy định tại Điều 41, Sắc luật số 15/64: "Chồng là trưởng trong gia đình và phải hành xử quyền gia trưởng theo quyền lợi của gia đình và con cái".

* Bộ Dân luật Sài Gòn ngày 20 tháng 12 năm 1972 của chính quyền Nguyễn Văn Thiệu

Bộ Dân luật Sài Gòn năm 1972 gồm có 5 quyển trong đó những quy định thể hiện sự tiến bộ về quyền của người phụ nữ trong quan hệ nhân thân

giữa vợ và chồng được quy định tại thiên thứ V quyển số 1. Trong đó có một số quy định khá tiến bộ, chẳng hạn Điều 136 quy định: "Vợ chồng có nghĩa vụ thủy chung với nhau và giúp đỡ nhau cùng chung lo xây dựng hạnh phúc gia đình và dưỡng dục con cái" [4]; Điều 143 quy định:

Dưới mọi chế độ, vợ có quyền thay mặt chồng về những nhu cầu gia vụ và dùng tiền bạc của chồng vào những nhu cầu ấy. Mọi hành vi của vợ trong phạm vi này đều có hiệu lực ràng buộc chồng, trừ phi người chồng đã tước quyền vợ và người đệ tam kết ước với người vợ đã biết có sự tước quyền [4].

Về quyền được ly thân hoặc ly hôn, Điều 170 quy định: Vợ hay chồng có thể xin ly hôn hoặc ly thân

1. Vì sự ngoại tình của người phối ngẫu;

2. Vì người phối ngẫu bị kết án trọng hình về thường tội;

3. Vì sự ngược đãi, bạo hành hay nhục mạ, có tính chất thậm từ và tái diễn khiến vợ chồng không thể ăn ở với nhau nữa.

Ngoài ra, vợ chồng còn có thể xin thuận tình ly hôn nếu hôn thú được lập trên hai năm hoặc không quá hai mươi năm. Khi xin thuận tình ly hôn, các đương sự vẫn phải theo đúng thủ tục quy định ở các điều 171 và kế tiếp. Các đương sự có thể thỏa hiệp trước bằng văn thư đệ trình tòa về các vấn đề con cái và tài sản hôn nhân. Tuy nhiên, về các vấn đề này, tòa có quyền thẩm định [4].

Tóm lại, có thể thấy rằng trong giai đoạn lịch sử từ 1954 đến 1975 thì những quy định pháp luật HN&GĐ về quyền của người phụ nữ trong quan hệ nhân thân giữa vợ và chồng của hai miền Bắc, Nam đã có những điểm tiến bộ là đã bãi bỏ chế độ đa thê, xây dựng chế độ hôn nhân một vợ, một chồng và ghi nhận một số quyền của người vợ bình đẳng với chồng so với pháp luật ở giai đoạn trước. Những quy định trên đã mang lại nhiều hơn cho người vợ sự bình đẳng với người chồng trong đời sống hôn nhân và gia đình cũng như đảm bảo quyền và lợi ích của mình.

1.2.2.3. Quyền của người phụ nữ trong pháp luật hôn nhân và gia đình giai đoạn từ 1975 đến nay

* Quyền của người phụ nữ trong Luật HN&GĐ năm 1986

Kế thừa và phát triển Luật HN&GĐ năm 1959, Luật HN&GĐ năm 1986 ta đã tiến thêm một bước rất quan trọng về bảo vệ quyền của người phụ nữ trong quan hệ giữa vợ và chồng. Chẳng hạn, ghi nhận nguyên tắc cơ bản của chế độ HN&GĐ: "Nhà nước và xã hội bảo vệ bà mẹ và trẻ em, giúp đỡ các bà mẹ thực hiện tốt chức năng cao quý của người mẹ" [26, Điều 3]; quy định quyền nhân thân của vợ chồng: "Vợ, chồng có nghĩa vụ chung thủy với nhau, thương yêu, quý trọng, chăm sóc, giúp đỡ nhau tiến bộ, cùng nhau thực hiện sinh đẻ có kế hoạch. Chồng có nghĩa vụ tạo điều kiện cho vợ thực hiện tốt chức năng của người mẹ" [26, Điều 11]; quyền của người phụ nữ trong việc lựa chọn nơi cư trú, phong tục, tập quán: "Chỗ ở của vợ chồng do vợ chồng lựa chọn, không bị ràng buộc bởi phong tục, tập quán" [26, Điều 13].

Có thể nói, những quy định trên góp phần vào sự nghiệp giải phóng phụ nữ, xây dựng gia đình xã hội chủ nghĩa thật sự dân chủ, hòa thuận, hạnh phúc và bền vững, thúc đẩy sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

* Quyền của người phụ nữ trong Luật HN&GĐ năm 2000

Công cuộc đổi mới đã thu được nhiều thành tựu, tác động đến muôn mặt của đời sống xã hội, trong đó có vấn đề HN&GĐ. Hiến pháp năm 1992 - Hiến pháp của Nhà nước đổi mới được ban hành thay thế Hiến pháp năm 1980 tiếp tục cụ thể hóa việc bảo vệ quyền của phụ nữ. Điều 64 Hiến pháp ghi nhận nguyên tắc hết sức quan trọng của hôn nhân: "Hôn nhân theo nguyên tắc tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng".

Với mục đích nhằm xây dựng và củng cố gia đình Việt Nam, phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam đồng thời nâng cao trách nhiệm của nhà nước và xã hội trong việc bảo vệ quyền của người vợ đặc biệt

là trong quan hệ nhân thân giữa vợ và chồng. Trên cơ sở kế thừa các quy định tiến bộ qua các bản hiến pháp và văn bản Luật hôn nhân và gia đình qua các năm, Luật HN&GĐ năm 2000 đã có những quy định thống nhất và toàn diện về quyền của người phụ nữ trong quan hệ nhân thân giữa vợ và chồng dựa trên những nguyên tắc cơ bản của chế độ HN&GĐ, đó là:

- Hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, một vợ, một chồng, vợ chồng bình đẳng

- Vợ chồng có nghĩa vụ thực hiện chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình

- Nhà nước, xã hội và gia đình có trách nhiệm bảo vệ phụ nữ, trẻ em và giúp đỡ các bà mẹ thực hiện chức năng cao quý của người mẹ

Bên cạnh đó, trong các chế định, cụ thể, Luật HN&GĐ năm 2000 đã có các quy định về bảo vệ quyền của người vợ trong quan hệ nhân thân, chẳng hạn: "1. Vợ, chồng tôn trọng và giữ gìn danh dự, nhân phẩm, uy tín cho nhau. 2. Cấm vợ, chồng có hành vi ngược đãi, hành hạ, xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của nhau" [28, Điều 21]; "Vợ, chồng cùng bàn bạc, giúp đỡ, tạo điều kiện cho nhau chọn nghề nghiệp; học tập, nâng cao trình độ văn hóa, chuyên môn, nghiệp vụ; tham gia hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội theo nguyện vọng và khả năng của mỗi người" [28, Điều 23].

Các quy định này góp phần đảm bảo thực hiện tốt quyền nhân thân cho người vợ cũng như ngăn chặn các hành vi xâm phạm đến người vợ trong quan hệ nhân thân giữa vợ và chồng trên thực tế.

* Quyền của người phụ nữ trong Luật HN&GĐ năm 2014

Luật HN&GĐ năm 2014 được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 7 thông qua vào ngày 19 tháng 06 năm 2014 với 9 chương và 133 Điều. Luật được xây dựng trên cơ sở kế thừa các giá trị của Luật HN&GĐ năm 2000 và thể chế hóa đường lối của Đảng về hôn nhân và gia đình. Trong hoàn cảnh mới, Hiến pháp năm 2013 được ban hành là cơ sở pháp lý hết sức quan trọng cho việc đảm bảo quyền của người phụ nữ dưới góc độ bình đẳng giới. Theo đó, Hiến pháp

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 31/01/2023