Bảo vệ quyền của người khuyết tật trong pháp luật lao động Việt Nam - Thực trạng và giải pháp - 10

và hòa nhập cộng đồng. Việc thực hiện pháp luật lao động về bảo vệ quyền của người khuyết tật trong những năm qua đã đạt được những thành quả như sau:

Thứ nhất, các quy định của pháp luật đã đáp ứng được phần nào tâm tư, nguyện vọng của người khuyết tật khi tham gia vào quan hệ lao động với vị thế là nhóm người dễ bị thiệt thòi, tạo cơ sở pháp lý cho việc bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của họ, nâng cao trách nhiệm và nghĩa vụ của các cơ quan chức năng và của toàn xã hội đối với người khuyết tật.

Pháp luật về người khuyết tật giúp tăng cường hiệu quả hoạt động dạy nghề, giúp cho các cơ sở sản xuất kinh doanh của người khuyết tật được củng cố và phát triển, hoạt động có hiệu quả tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho người khuyết tật, góp phần cải thiện đời sống và tình trạng của người khuyết tật, đồng thời góp phần phát triển nền kinh tế, nâng cao chất lượng xã hội. Năm 2005, Nhà nước đã dành riêng 11,5 tỷ đồng để dạy nghề cho người khuyết tật; năm 2006 là 20 tỷ đồng [48, tr.16]. Các địa phương đã tổ chức thực hiện kế hoạch hằng năm về trợ giúp người khuyết tật, trong đó có công tác dạy nghề, việc làm. Nhờ đó, số lượng người khuyết tật được dạy nghề ngày càng tăng, trong giai đoạn từ 2006 - 2010, các cơ sở dạy nghề của Nhà nước, tư nhân và các tổ chức xã hội nghề nghiệp đã tổ chức dạy nghề cho hơn 44 nghìn người khuyết tật, bình quân mỗi năm đào tạo khoảng 8000 – 9000 người. Tính chung đến nay, cả nước có 80.000 người khuyết tật được tổ chức học nghề, tạo việc làm [56].

Hiệp hội sản xuất, kinh doanh của người khuyết tật Việt Nam (VABEB) có nhiệm vụ duy trì và phát triển các cơ sở sản xuất, kinh doanh của thương binh và người khuyết tật nhằm khai thác mọi nguồn lực để dạy nghề, tạo việc làm, tạo cho họ có thu nhập ổn định, tự tin vươn lên trong cuộc sống, hòa nhập cộng đồng. Theo số liệu thống kê, tính đến năm 2006, VABEB đã tập hợp được hơn 300 thành viên là các cơ sở sản xuất, kinh doanh của thương binh và người khuyết tật trên cả nước. Ngay sau khi thành lập được 2 năm, đến năm 2005, Hiệp hội đã tham gia công tác dạy nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật. Với 3 trung tâm dạy nghề trực thuộc và gần 60 cơ sở hội viên có chức năng dạy nghề, hằng năm Hiệp hội cùng các cơ sở

sản xuất kinh doanh dịch vụ đã dạy nghề cho hơn 2000 người khuyết tật. Sau khi có chứng chỉ học nghề, đã có tới 70% trong số họ được bố trí việc làm tại các đơn vị hội viên hoặc tự tạo việc làm ở địa phương, gia đình. Điểm đáng nói ở đây là, tại các cơ sở dạy nghề của VABEB, những người khuyết tật đều được đào tạo những nghề phù hợp với sức khỏe, trình độ và hoàn cảnh cụ thể, Người khuyết tật được những giáo viên vốn là những người cùng cảnh ngộ giảng dạy, truyền nghề là yếu tố cổ vũ họ thêm tự tin, vươn tới vì chính các giáo viên là tấm gương sáng cho họ noi theo. Mặt khác, khi học nghề họ còn được thực tập tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh do thương binh, người khuyết tật sáng lập, là cổ đông chính cùng một môi trường làm việc phù hợp với họ. Khi tốt nghiệp họ sẽ được các cơ sở này tuyển chọn và tiếp nhận nên số người khuyết tật có việc làm ổn định chiếm tỷ lệ tương đối cao. Tính hiệu quả, bền vững của mô hình này thể hiện ở chỗ: Chỉ cần một khoản kinh phí vài triệu đồng và sau 6 tháng học nghề là người khuyết tật đã có một nghề và có việc làm. Đối với một số người dù không biết trước vẫn có thể học được do các cơ sở dạy thêm về văn hóa. Số khác dù bị thiểu năng trí tuệ cũng được học nghề bằng phương pháp truyền nghề, “cầm tay, chỉ việc”.

Ví dụ điển hình như tại công ty 27/7, Tp. Hồ Chí Minh (cơ sở Hội viên của Hiệp hội) đang có hàng trăm người khuyết tật làm việc với nghề sơn mài nghệ thuật. Những bức tranh, vật lưu niệm, đồ dùng hàng ngày bằng sơn mài do họ làm ra đã được khách hàng trong nước và quốc tế ưa chuộng. Công ty luôn đảm bảo cho người lao động có thu nhập ổn định và ngày một nâng cao. Doanh nghiệp còn có một cơ sở dịch vụ du lịch tại huyện Cần Giờ để phục vụ nhu cầu khách tham quan, nghỉ dưỡng, du lịch và đó cũng là nơi bố trí cho người khuyết tật đến tham quan, mọi chi phí do công ty đài thọ cung cấp nên họ càng thêm tự hào và gắn bó với nơi mình đang làm việc. Còn tại công ty Chân – Thiện – Mỹ (tỉnh Hải Dương) hiện có trên 500 người khuyết tật được học nghề và bố trí công việc ổn định. Hay như cơ sở sơn mài Ngọ Hạ (huyện Thường Tín – Hà Nội) được đặt tại chính nơi đã tạo ra nghề mộc, nghề sơn mài, nghề khảm trai, nay vừa dạy nghề vừa tạo việc làm bền vững cho hàng chục người khuyết tật… Ở khắp các tỉnh thành trên cả nước còn có nhiều cơ sở như vậy [58, tr.4].

Ngoài ra, người khuyết tật tự tạo việc làm hiện nay cũng chiếm tỷ lệ cao: “Hiện tại có tới 75% người khuyết tật có khả năng lao động tham gia hoạt động kinh tế, trong đó có tới 42% tự tạo việc làm” [1]. Nhiều thương binh tự lực thành lập, củng cố và phát triển các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của chính mình. Trong khi những người khuyết tật đã biết dựa vào các cơ sở của thương binh để cùng học nghề và cùng sản xuất, giải quyết phần nào nhu cầu về quyền được đào tạo, dạy nghề, quyền có việc làm và ổn định cuộc sống của người khuyết tật. Đó là một hình ảnh rất mới, rất đẹp và mang tính nhân văn sâu sắc trong cộng đồng người khuyết tật Việt Nam [58, tr.5].

2.3.2. Hạn chế

Bên cạnh những thành quả đã đạt được, thực tế, quyền của người khuyết tật trong quan hệ lao động vẫn chưa được đảm bảo, chưa được quan tâm thích đáng. Đời sống của người khuyết tật chưa được đầy đủ, những vi phạm về quyền của người khuyết tật xảy ra khá phổ biến trong các doanh nghiệp có sử dụng lao động là người khuyết tật. Cụ thể:

Về dạy nghề cho người khuyết tật: Một đặc thù của việc dạy nghề cho người khuyết tật khác đối với dạy nghề nói chung là phải gắn liền với việc tạo việc làm, chỉ nên dạy những nghề mà họ có thể tự tạo việc làm hoặc dạy nghề theo địa chỉ của các cơ sở sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, những cán bộ giới thiệu việc làm cho người tốt nghiệp tại các cơ sở dạy nghề của người khuyết tật hiện chưa đủ kỹ năng tiếp cận, làm việc với người khuyết tật, đồng thời chưa đủ kỹ năng để tiếp xúc, thương thuyết với những người sử dụng lao động tiềm tàng trong khu vực thương mại và công nghiệp để tìm việc làm cho người khuyết tật. Chính vì vậy, hiệu quả của việc tư vấn và tạo việc làm cho người khuyết tật chưa cao. Người khuyết tật chưa tin tưởng vào việc tìm kiếm việc làm sau khi học nghề.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 126 trang tài liệu này.

Theo báo cáo giám sát của Quốc hội năm 2005 về dạy nghề đối với người khuyết tật cho biết: Với hệ thống gồm khoảng 2000 cơ sở (bao gồm các trường trung tâm, cơ sở dạy nghề của các doanh nghiệp, làng nghề, phố nghề), hàng năm đào tạo được khoảng 1.200.000 lượt người lao động qua các khóa học nghề dài hạn

và ngắn hạn. Tuy vậy, công tác dạy nghề cho người tàn tật còn rất khiêm tốn, hàng năm mới chỉ hướng nghiệp dạy nghề cho khoảng từ 5.000 đến 6.000 người khuyết tật (có khoảng 100 cơ sở hướng nghiệp dạy nghề cho người khuyết tật). Con số này rất thấp so với nhu cầu của người khuyết tật: theo số liệu hiện nay mới chỉ có khoảng 3% người khuyết tật được đào tạo nghề [8].

Bảo vệ quyền của người khuyết tật trong pháp luật lao động Việt Nam - Thực trạng và giải pháp - 10

Ngoài ra, đặc trưng của lao động khuyết tật Việt Nam là trên 70% người khuyết tật sống ở nông thôn cùng với gia đình và đại bộ phận là những người thuộc diện nghèo, thậm chí là nằm trong số những người nghèo nhất ở địa phương. Qua nghiên cứu và thực tế thì trước đây những nghề được coi là phù hợp với người khuyết tật thường là các nghề thủ công truyền thống như đan lát mây tre, bện thừng, tết chổi, chẻ tăm, làm hộp giấy, dệt may bởi đây là những nghề không đòi hỏi nhiều sức lực và ít phải đi lại. Hơn thế, đây cũng là những nghề đơn giản, không cần học ở trường lớp chính quy, phương thức chủ yếu vẫn là truyền nghề tại chỗ. Hiện nay đã có các cơ sở tiếp nhận dạy nghề cho người khuyết tật đào tạo nghề trong lĩnh vực công nghệ thông tin vì không đòi hỏi nhiều sức lực và cơ bắp và sự vận động. Đây cũng là xu hướng việc làm dành cho người khuyết tật ở các nước tiên tiến trong lĩnh vực này. Một thí dụ điển hình trong việc sử dụng người khuyết tật làm việc về công nghệ thông tin là Chi cục thuế quận 1 thành phố Hồ Chí Minh đã sử dụng 21 thanh niên khuyết tật làm việc trên máy tính và họ làm việc rất hiệu quả [84, tr.46]. Tuy nhiên, hướng đi mới này lại chưa được các nhà tuyển dụng quan tâm, tạo điều kiện cho người khuyết tật được làm việc và phát huy khả năng của mình. Do vậy, đời sống của đa số người khuyết tật vẫn còn bấp bênh, tính ổn định kém và nguy cơ tái nghèo cao.

Về việc làm: Theo kết quả khảo sát người khuyết tật của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tiến hành năm 2005 thì trong số người khuyết tật từ 15 tuổi trở lên chỉ có 29% người khuyết tật trả lời là có khả năng lao động, trong số này có gần 75% tham gia hoạt động kinh tế, tuy nhiên cũng chỉ có 47,5% đủ việc làm, 37,2% thiếu việc làm và 15,3% chưa có việc làm. Thu nhập của những người có việc làm cũng rất thấp, thấp hơn cả mức lương tối thiểu, đa số làm việc trong những ngành nông nghiệp, nơi mà mức thu nhập thấp nhất [91, tr.7]. Theo khảo sát của

Tổng cục Thống kê năm 2009, tỉ lệ người khuyết tật có việc làm thấp và chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp. “Năm 2009, 60% người khuyết tật ở trong độ tuổi từ 16 – 55 những chỉ khoảng một nửa số họ có việc làm, Tỷ lệ lao động trong khu vực nông nghiệp chiếm khoảng 70%, tiểu thủ công nghiệp 20% và lĩnh vực khác 10%” [79]. Đầu năm 2011, cả nước có 58,18% số người tàn tật có việc làm, tự nuôi sống mình và tham gia đóng góp cho xã hội bằng những công việc khác nhau. Tỷ lệ người tàn tật chưa có việc làm là 30,43%. Vùng Đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ có số người tàn tật chưa có việc làm chiếm tỷ lệ cao, tương ứng là 41,86% và 35,77% [79]. Năm 2012 ở nước ta có 30% người khuyết tật thất nghiệp [53]. Theo báo cáo của 37/63 tỉnh thành trong giai đoạn 2011 – 2013, số người khuyết tật có việc làm (bao gồm cả tự tạo việc làm, được hỗ trợ tạo việc làm thông qua các chương trình vay vốn tạo việc làm, đào tạo nghề và giới thiệu việc làm…) chỉ chiếm 10-20% tổng số người khuyết tật. Hơn nữa, số có việc làm chủ yếu là làm việc trong hộ gia đình không hưởng tiền lương, còn số làm việc trong các doanh nghiệp chiếm tỷ lệ thấp (dưới 5%), chủ yếu là doanh nghiệp tư nhân, cơ sở sản xuất kinh doanh tiểu thủ công nghiệp [56]. Qua các số liệu này có thể thấy vấn đề việc làm và thu nhập cho người tàn tật đang là vấn đề bức xúc cần được quan tâm hiện nay.

Bộ luật lao động 2012 mới ban hành không quy định cụ thể tỷ lệ lao động là người khuyết tật đối với một số nghề và công việc mà doanh nghiệp phải nhận vào làm việc và hiện tại vẫn chưa có các văn bản hướng dẫn chi tiết về vấn đề này. Tuy vậy, chính sách nhất quán của nhà nước ta vẫn là khuyến khích và ưu đãi người sử dụng lao động tạo việc làm và nhận lao động là người khuyết tật vào làm việc. Thực tế hiện nay ở nước ta, các doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm đầy đủ, còn đánh giá thấp khả năng làm việc của người khuyết tật, thêm vào đó là tâm lý e ngại người khuyết tật không đảm nhận được công việc và sẽ trở thành đối tượng phải cưu mang của doanh nghiệp nên tuyển dụng vào làm là việc rất hạn chế. Các doanh nghiệp thường đưa ra các lý do để từ chối tiếp nhận người khuyết tật vào làm việc như các yêu cầu về ngoại hình, yêu cầu về sức khỏe, và từ chối người khuyết tật vì lý do không có kỹ năng phù hợp… Mặt khác chỉ có khoảng 3% tổng số người khuyết tật

được đào tạo nghề, vì vậy nếu các doanh nghiệp muốn tuyển người tàn tật vào làm việc thì cũng khó mà tìm được người khuyết tật làm việc đáp ứng yêu cầu của công việc. Trên thực tế, sự kì thị, phân biệt đối xử vì lý do khuyết tật của các nhà tuyển dụng dẫn tới người khuyết tật gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình tìm việc.

Ví dụ 1: Trường hợp chị Ngô Thị Oanh (ở Thường Tín, Hà Nội) sau khi tốt nghiệp Đại học Ngoại ngữ Hà Nội và bươn chải tìm việc, chị đã được tuyển vào làm việc ở một vài tổ chức phi chính phủ nước ngoài dưới dạng hợp đồng ngắn hạn để giúp đỡ những người khuyết tật có hoàn cảnh giống mình. Thế nhưng khi các dự án này kết thúc năm 2008, chị lại rơi vào tình cảnh thất nghiệp. Sau 4 năm tìm việc mới nhưng đều vô vọng chị chán nản và quyết định trở về sống dựa vào bố mẹ [84].

Ví dụ 2: Thạc sỹ Võ Thị Hoàng Yến cũng từng là nạn nhân của phân biệt đối xử với người khuyết tật trong vấn đề việc làm. Chị tốt nghiệp đại học chuyên ngành kế toán. Khi đi phỏng vấn xin việc, một giám đốc doanh nghiệp đánh giá rất cao về chuyên môn của chị và nhận chị vào làm việc, tuy nhiên, sáng hôm sau đến làm việc thì chị bị từ chối vì lý do khéo là “doanh nghiệp chúng tôi không có nhu cầu tuyển dụng nữa”. Sở dĩ chị bị từ chối vì trong lúc phỏng vấn, giám đốc doanh nghiệp không phát hiện ra chị bị khuyết tật ở chân nhưng thư ký của vị giám đốc này đã phát hiện ra chị bị khuyết tật và tỏ vẻ ái ngại [84].

Đó chỉ là 2 trong số rất nhiều những trường hợp người khuyết tật bị kì thị và phân biệt đối xử trong quá trình tìm việc. Mặc dù các địa phương đã và đang cố gắng tạo điều kiện, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh đối với người khuyết tật song việc làm cho người khuyết tật là vấn đề rất nan giải và chưa có giải pháp triệt để. Cho đến nay, người khuyết tật và các tổ chức Hội của người khuyết tật tự vận động, tự tạo việc làm là chính thông qua việc thành lập các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Sự trợ giúp theo quy định của pháp luật là rất hạn chế.

Về quỹ việc làm cho người khuyết tật: Hiện nay mới chỉ có 8 tỉnh thực hiện quỹ này trong khi không có cơ quan nào giám sát và kiểm soát doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ cho quỹ. Hầu hết các địa phương thiếu quan tâm, chỉ đạo thực hiện và các ban ngành Trung ương cũng chưa đôn đốc sát sao. Ngoài ra đối với các tỉnh, thành phố đã

thành lập thì cũng chưa trích ngân sách dành cho quỹ, vì vậy việc thực hiện cũng rất bất cập. Bên cạnh đó, các cơ sở sản xuất đã thực hiện tốt nghĩa vụ của mình lại không được đảm bảo các quyền lợi về ưu đãi vay vốn hay khuyến khích khen thưởng khiến các doanh nghiệp không mặn mà gì với việc thực hiện quy định này [102].

Về đời sống: Theo số liệu ngành Lao động – Thương binh và Xã hội thì 32,5% số hộ gia đình người khuyết tật thuộc loại nghèo, 58% số hộ có mức sống trung bình, chỉ có 9% số hộ thuộc loại khá và 0,5% số hộ thuộc loại giàu. Hộ càng có nhiều người khuyết tật thì mức sống càng giảm. Về nhà ở của các hộ gia đình có người khuyết tật: có tới 24% số hộ gia đình đang sống trong các căn nhà tạm; 65% có nhà bán kiên cố và 11% số nhà kiên cố [2]. Điều đó cho thấy, lao động khuyết tật có mức sống trung bình và nghèo.

Tóm lại, mặc dù đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ song việc thực hiện luật pháp và chính sách về dạy nghề, việc làm và đảm bảo các quyền của người khuyết tật trong lĩnh vực lao động còn chưa nghiêm, vi phạm quyền lợi của người khuyết tật còn nhiều, đời sống của họ chưa được đảm bảo, hoạt động kiểm tra, giám sát chưa thường xuyên. Chính vì vậy, người khuyết tật vẫn chịu nhiều thiệt thòi khi tham gia vào các quan hệ lao động.

2.3.3. Nguyên nhân

Thứ nhất, các quy định của pháp luật lao động trong bảo vệ quyền của người khuyết tật còn thiếu, chưa đầy đủ và bất hợp lý:

- Pháp luật lao động chưa có các quy định cụ thể các hành vi phân biệt đối xử trong tuyển dụng và làm việc của lao động khuyết tật,các quy định về dạy nghề, việc làm cho người khuyết tật còn chưa đầy đủ và thiếu cơ chế ràng buộc đảm bảo việc thực thi. Bên cạnh đó, một số các quy định trong Bộ luật lao động về quyền của người khuyết tật lại chưa có văn bản hướng dẫn thi hành như quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, về chăm sóc sức khỏe, tính mạng của người khuyết tật… gây khó khăn cho việc triển khai trên thực tế, do vậy quyền lợi của người khuyết tật vẫn chưa thể được đảm bảo đầy đủ. Thiếu các quy định về cơ chế giám sát và các phương thức để củng cố việc thực thi.

- Một số quy định còn mang tính khiên cưỡng, không những không có tác dụng tạo việc làm cho người lao động mà ngược lại còn tạo ra tâm lý e ngại và nản tránh việc tuyển dụng người khuyết tật vào làm việc trong các cơ sở sản xuất, kinh doanh như: Quy định cấm sử dụng lao động là người khuyết tật bị suy giảm khả năng lao động từ 51% trở lên làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm... Thiếu các quy định về các chế tài xử lý hành vi vi phạm các quyền của người lao động khuyết tật; bên cạnh đó, không có một cơ quan chuyên trách để giải quyết các khiếu nại của người khuyết tật khi quyền lợi bị vi phạm cũng là điểm hạn chế của pháp luật.

Thứ hai, trình độ chuyên môn, kỹ thuật của người lao động khuyết tật còn thấp: 93,4% số người khuyết tật từ 16 tuổi trở lên không có chuyên môn kỹ thuật; số có chứng chỉ nghề chỉ có khoảng 6,5%. Riêng người khuyết tật có trình độ từ trung học chuyên nghiệp trở lên chỉ chiếm khoảng 2,75% [102]. Bên cạnh đó, một bộ phận lớn người khuyết tật vẫn còn tâm lý e ngại và mặc cảm, tự ti về khuyết tật của mình nên chưa phát huy được hết khả năng của mình trong công việc cũng như chưa dám lên tiếng bảo vệ quyền và lợi ích của mình.

Thứ ba, công tác tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật và chính sách đối với người khuyết tật trên thực tế còn nhiều bất cập:

Về công tác dạy nghề, truyền nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật tuy có cố gắng nhưng cũng chưa đáp ứng được nhu cầu hiện nay của người khuyết tật vì thực tế còn rất nhiều khó khăn như:

- Chọn nghề thích hợp cho người khuyết tật;

- Cơ sở vật chất và kinh phí cho việc dạy nghề còn quá ít;

- Sản phẩm của người khuyết tật không đủ sức cạnh tranh với thị trường;

- Mô hình dạy nghề tập trung và tại cộng đồng chưa được xác định rõ nét, nhất là chưa quan tâm đến mô hình dạy nghề trong cộng đồng;

- Thiếu sự chuyên môn hóa và cơ hội đào tạo để nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ của người khuyết tật;

Chưa có sự phối kết hợp liên ngành trong việc tạo điều kiện để người khuyết tật tham gia các hoạt động xã hội, cơ sở để tham gia thị trường lao động;

Xem tất cả 126 trang.

Ngày đăng: 16/12/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí