Vị Trí, Vai Trò Của Bốn Công Ước Geneva

những hành vi man rợ tương tự của phát xít Đức tiêu diệt người Do Thái… Vì thế, Luật Geneva ra đời mục đích bảo vệ tính nhân bản của các dân tộc, ngăn cản sự tiêu diệt tận gốc các dân tộc với nhau, bảo vệ quyền cơ bản nhất của con người đó là quyền sống.

Thứ hai, Luật Geneva là ngành luật mang tính thực tiễn, chấp nhận thực tiễn

Hiến chương Liên hợp quốc (1945) đã khẳng định rất rõ quan điểm của tổ chức này là “các quốc gia phải giải quyết những tranh chấp giữa họ bằng phương pháp hòa bình, đồng thời phải từ bỏ việc đe dọa sử dụng vũ lực hoặc việc sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế nhằm làm tổn hại sự bất khả xâm phạm về lãnh thổ hay nền độc lập chính trị” [28, Điều 2] trừ một số trường hợp pháp luật quốc tế cho phép một hoặc một nhóm quốc gia sử dụng vũ lực nếu điều đó là cần thiết. Mặc dù trong quan hệ quốc tế, các quốc gia kêu gọi không sử dụng vũ lực thế nhưng, chiến tranh như một thực tế khách quan vẫn cứ tiếp diễn xảy ra và hàng ngày, hàng giờ vẫn gây ra những thiệt hại khủng khiếp ảnh hưởng đến nhiều quyền cơ bản của một con người. Luật Geneva ra đời không hề có mục tiêu kích động chiến tranh, cổ động chiến tranh mà chỉ là chấp nhận một thực tiễn khách quan.

Có rất nhiều quan điểm cho rằng Luật Geneva mâu thuẫn với các mục tiêu cơ bản được nêu ra trong Hiến chương Liên hợp quốc. Thực tế không phải như vậy, Luật Geneva ra đời không có ý nghĩa là cổ động, kích động chiến tranh mà Luật Geneva ra đời như chấp nhận một thực tế khách quan dù muốn hay không muốn chiến tranh vẫn xảy ra, nên các quy phạm Luật Geneva ra đời để đáp ứng những yêu cầu trên, hầu hết các quy phạm được áp dụng khi chiến tranh xảy ra chứ không quan tâm đến lý do cũng như tính chất hợp pháp hay không hợp pháp của cuộc chiến, không phân biệt mục đích của các cuộc xung đột.

Cụ thể theo Điều 2 của bốn Công ước Geneva đều qui quy định rõ ràng rằng “Ngoài những quy định được thực thi trong thời bình, Công ước này sẽ được áp dụng trong mọi trường hợp chiến tranh có tuyên chiến, hoặc bất cứ cuộc xung đột vũ trang nào nảy sinh giữa hai hay nhiều Bên ký kết, dù tình trạng chiến tranh không được một trong các Bên đó công nhận” [44, Điều 2]. Ngược lại, theo quy định của Hiến chương, khi xung đột vũ trang xảy ra, các cơ quan có thẩm quyền trong Hiến chương sẽ xem xét tính hợp pháp hay không hợp pháp của cuộc chiến, sau đó, Hội đồng bảo an Liên hợp quốc mới đưa ra các biện pháp thực thi. Qua đó, chúng ta thấy rằng Luật Geneva không hề mâu thuẫn với các quy định trong Hiến chương mà là một phần nhỏ để bổ sung, hoàn thiện pháp luật quốc tế.

Thứ ba, Luật Geneva là Điều ước quốc tế mang tính chất đa phương, để ngỏ cho mọi quốc gia tham gia cũng như cho quyền tự do rút khỏi công ước

Trong quan hệ pháp lý quốc tế, điều ước quốc tế đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc hình thành khung pháp luật quốc tế để tạo một trật tự cũng như sự tuân thủ trong quá trình các quốc gia tham gia vào các quan hệ quốc tế. Luật Geneva cũng là một điều ước quốc tế đa phương, năm 1864 có 10 thành viên tham gia, năm 1949 có 196 thành viên, một số quốc gia vẫn còn bỏ ngỏ chưa kí kết. Trong tương lai, với những diễn biến phức tạp của tình hình xung đột vũ trang, điều ước quốc tế vẫn để ngỏ cho các quốc gia tham gia với sự tuân thủ nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng trong quá trình ký kết điều ước quốc tế. Theo Điều 60 công ước (I) “Kể từ ngày bắt đầu có hiệu lực, Công ước này sẽ bỏ ngỏ cho các Nước chưa ký kết gia nhập” [44, Điều 60]. Theo Điều 63 công ước (I) “Mỗi bên ký kết có quyền tự do rút khỏi Công ước này” [44, Điều 63].

Thứ tư, bản chất của bốn Công ước Geneva là giới hạn việc sử dụng bạo lực trong khuôn khổ sự cần thiết thích đáng nhằm hạn chế tới mức thấp

nhất thiệt hại xảy ra và bảo vệ quyền con người trong chiến tranh chứ không ngăn chặn chiến tranh.

Một đặc điểm chung trong tất cả bốn Công ước này đó là các công ước đã thiết lập những quy tắc tối thiểu mà các bên tham chiến phải tôn trọng, cấm gây thương tích quá đáng, gây những đau đớn không cần thiết và gây những tàn phá ở diện rộng hay có tác động lâu dài hoặc nghiêm trọng đối với môi trường. Mục đích của sự ra đời Luật Geneva không phải nhằm xóa bỏ chiến tranh, mà vẫn thừa nhận chiến tranh như là một thực tế khách quan và cố gắng làm hạn chế những tổn thất, thiệt hại không cần thiết về sinh mạng, tài sản để đảm bảo sự tôn trọng và bảo vệ các quyền cơ bản của con người như quyền được sống, quyền được an toàn, quyền được đối xử nhân đạo, quyền được bảo vệ nhân phẩm…

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 134 trang tài liệu này.

1.2.3.2. Vị trí, vai trò của bốn Công ước Geneva

Thứ nhất, bốn Công ước Geneva là một trong những văn bản cơ bản, nền tảng, trụ cột, đầu tiên của Luật Nhân đạo quốc tế về bảo hộ nạn nhân chiến tranh.

Bảo vệ quyền con người trong bốn Công ước Geneva về việc bảo hộ nạn nhân chiến tranh - 5

Bốn Công ước Geneva ra đời ngay lập tức góp phần quan trọng trong việc bảo hộ nạn nhân và hạn chế những tổn thất không cần thiết trong chiến tranh thế giới lần thứ nhất (1914-1918). Bốn công ước đã xây dựng được khung pháp lý các bên tham chiến được làm gì, giới hạn đến đâu, đối tượng nào được bảo vệ, đối tượng nào được phép tấn công. Kể từ đây, các quốc gia thành viên đã có những căn cứ pháp lý chung phải tuân thủ mà không có sự phân biệt quốc gia khi tham chiến với nhau, đồng thời tránh được sự lạm quyền, sự vô nhân đạo, vô ý thức trong quá trình tham chiến, đặc biệt là các quốc gia thành viên mà có thế lực trên thương trường quốc tế; dần dần đã tạo ra được những phép tắc, hiểu biết, nhận thức nhất định khi các bên tham gia vào xung đột vũ trang. Cùng với sự phát triển đa dạng của các biện pháp và

vũ khí sử dụng trong chiến tranh mới – với tính chất ngày càng tàn khốc, hủy diệt hơn, hàng loạt các văn kiện mang tính pháp lý khác của Luật Nhân Đạo quốc tế ra đời nhưng đều dựa trên nền tảng bốn Công ước Geneva để bổ sung, phát triển và giải thích rõ thêm.

Thứ hai, các Công ước Geneva nhằm góp phần bổ sung, hoàn thiện và phát triển văn bản quy phạm pháp luật quốc tế nói chung và Luật Nhân đạo quốc tế nói riêng.

Các Công ước Geneva đóng góp một vai trò vô cùng quan trọng đối với sự ra đời của ngành Luật Nhân đạo quốc tế. Với sự đóng góp ấy, Luật Nhân đạo quốc tế đã trải qua gần 1,5 thế kỷ tồn tại đã phát triển hàng trăm các văn kiện pháp lý để điều chỉnh các quan hệ quốc tế mới nảy sinh khi xảy ra xung đột vũ trang. Từ khi các Công ước Geneva ra đời, hệ thống Luật Nhân đạo quốc tế phát triển thành rất nhiều hệ thống nhỏ, nhưng nhìn chung tạo thành 5 hệ thống nhỏ bao gồm:

+ Các văn kiện về giới hạn các phương pháp chiến tranh và phương tiện chiến tranh như Tuyên bố Xanh Pêtécbua (Declaration Renouncing the Use, in Time of War, of Explosive Projectiles Under 400 Grammes Weight, Saint Petersburg, 29 November/ 11 December 1868) kêu gọi các quốc gia không sử dụng những loại vũ khí sát thương không cần thiết và cấm sử dụng các đầu đạn phá; Công ước quốc tế về chống tuyển mộ, sử dụng, tài trợ và đào tạo lính đánh thuê…

+ Các văn kiện về bảo vệ nạn nhân của các cuộc xung đột như Nghị định thư (I) về vấn đề xung đột vũ trang mang tính quốc tế và Nghị định thư

(II) về vấn đề xung đột vũ trang không mang tính chất quốc tế.

+ Các văn kiện về bảo vệ tài sản văn hóa như Công ước Lahay về bảo vệ tài sản văn hóa trong trường hợp xung đột vũ trang…

+ Các văn kiện về xét xử tội phạm chiến tranh như công ước về ngăn ngừa và trừng trị tội diệt chủng, Quy chế Rôm về Tòa án Hình sự quốc tế.

+ Các văn kiện về vị thế trung lập trong chiến tranh như Công ước (V) liên quan đến quyền và nghĩa vụ của các Quyền lực trung lập và con người trong trường hợp chiến tranh trên bộ…

Qua đó, chúng ta thấy bốn Công ước Geneva là những viên gạch nền tảng đầu tiên để phát triển thành một hệ thống với hàng trăm văn kiện Luật Nhân đạo quốc tế hiện nay. Bên cạnh đó, chúng ta thấy rằng các quy định của Luật Geneva điều chỉnh các vấn đề khi xung đột vũ trang xảy ra như quy định những khu vực nào được phép tấn công, những khu vực nào là khu vực an toàn để bảo vệ những đối tượng được bảo hộ, tuy nhiên, Luật Geneva không xem xét tính hợp pháp hay không hợp pháp của cuộc chiến làm căn cứ để bảo vệ hay không bảo vệ các đối tượng được bảo hộ. Nó không hề mâu thuẫn với nguyên tắc của luật quốc tế vì Luật Geneva không khuyến khích sử dụng vũ lực, không khuyến khích chiến tranh mà chỉ chấp nhận thực tiễn rằng dù muốn hay không muốn Luật Geneva vẫn tồn tại và nó ra đời để giảm thiểu tối đa mức thiệt hại khi chiến tranh xảy ra. Điều này có nghĩa là bốn Công ước Geneva là một bộ phận nhỏ trong Luật Nhân Đạo quốc tế nhằm bổ sung, hỗ trợ cho sự thúc đẩy và phát triển toàn diện hơn Luật quốc tế.

Thứ ba, đây là một trong những Điều ước quốc tế đầu tiên chủ tịch nước kí sắc lệnh đánh dấu sự phát triển nhân quyền ở Việt Nam

Hiệp định Geneva về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam được ký kết tại thành phố Geneva, Thụy Sỹ vào ngày 20/7/1954 đã đánh dấu bước trưởng thành của nền ngoại giao non trẻ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khi lần đầu tiên tham gia một hội nghị quốc tế lớn. Thế nhưng ngay sau đó, Mỹ quay lại xâm lược miền Nam Việt Nam một lần nữa, những năm 1957 – 1959, Mĩ và tay sai tăng cường dùng bạo lực khủng bố phong trào đấu tranh của quần chúng, thực hiện chính sách “tố cộng, diệt cộng”, đánh phá điên cuồng, giết hại, giam cầm hơn nửa triệu cán bộ, đảng viên, quần chúng yêu nước, đàn áp dã man phong trào đấu tranh của nhân dân đòi thi hành hiệp định Geneva.

Trong cuốn sách “hồ sơ tội ác Hoa Kỳ” đã có trích dẫn một số vụ thảm sát trong chiến tranh Việt Nam, tiêu biểu là vụ thảm sát Ngân Sơn – Chí Thạnh ngày (7/9/1954), kẻ thù điên cuồng bắn vào đoàn người biểu tình làm “64 người chết và 76 người bị thương” [16, tr.55]; vụ thảm sát Phú Lợi (30/11/ 1958), “nhà tù đã bị bỏ thuốc độc vào khẩu phần ăn của tù nhân nhằm thủ tiêu các người tù cộng sản khiến hàng ngàn tù nhân bị trúng độc và dẫn tới hậu quả số người tử vong đã lên đến hàng ngàn người” [16, tr.56]. Trong bối cảnh lịch sử đó, để bảo vệ toàn thể nhân dân Việt Nam cũng như hạn chế hành động vi phạm nhân quyền nghiêm trọng của Mỹ, Chủ tịch Hồ Chí Minh chính thức kí kết bốn Công ước Geneva về việc bảo hộ nạn nhân chiến tranh vào năm 1957. Đó là một trong những điều ước quốc tế đầu tiên có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc bảo vệ nhân quyền, tính nhân bản, sự an toàn cho đồng bào Việt Nam khi cầm súng đánh đuổi kẻ thù xâm lăng và yêu cầu một sự tuân thủ về mặt pháp lý từ Đế quốc Mỹ. Chính vì thế, bốn Công ước Geneva là một trong những Điều ước quốc tế đầu tiên chủ tịch nước kí kết tham gia, nó có vai trò vô cùng quan trong giải quyết vấn đề nhân quyền thời điểm lúc bấy giờ và trong thời điểm hiện nay.

1.2.4. Phạm vi áp dụng của bốn Công ước Geneva

Về cơ bản Luật Geneva áp dụng cả hai trường hợp đó là xung đột vũ trang mang tính chất quốc tế và xung đột vũ trang không mang tính chất quốc tế. Cụ thể như sau:

Thứ nhất, các cuộc xung đột vũ trang mang tính chất quốc tế.

Khái niệm “các cuộc xung đột vũ trang mang tính chất quốc tế” có thể hiểu là “những cuộc xung đột vũ trang diễn ra giữa hai hay nhiều bên tham chiến mà có ít nhất hai bên không thuộc cùng một quốc gia” [45, tr.67]. Trong Điều 2 chung của bốn Công ước Geneva năm 1949, chủ thể tham gia cuộc xung đột vũ trang mang tính chất quốc tế chỉ là các quốc gia. Sau đó trong Điều 1(4) Nghị định thư (I) đã mở rộng thêm phạm vi khái niệm:

Các cuộc xung đột vũ trang, trong đó các dân tộc chiến đấu chống lại sự đô hộ của thực dân, sự chiếm đóng của nước ngoài và chống lại các chế độ phân biệt chủng tộc để thực hiện quyền tự quyết của dân tộc được thừa nhận trong Hiến chương Liên hợp quốc và trong Tuyên bố về những Nguyên tắc của Luật pháp quốc tế và Quan hệ Hữu nghị và hợp tác giữa các Quốc gia phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc [45, Điều 1].

Tóm lại, các chủ thể tham gia cuộc xung đột vũ trang là các quốc gia thành viên hoặc những tổ chức và phong trào giải phóng dân tộc mà được quốc tế thừa nhận.

Thứ hai, các cuộc xung đột vũ trang không mang tính chất quốc tế.

Trong Công ước năm 1949 chỉ tồn tại duy nhất Điều 3 chung về điều chỉnh các cuộc xung đột vũ trang không mang tính chất quốc tế, còn lại hàng trăm điều để điều chính các cuộc xung đột vũ trang mang tính quốc tế. Điều đó là điều dễ hiểu vì các quốc gia quan niệm vấn đề đó chủ yếu vẫn thuộc công việc nội bộ của các quốc gia. Tuy nhiên, thực tế đã chứng minh nếu không có các quy định để bảo vệ quyền con người trong những cuộc xung đột vũ trang không mang tính chất quốc tế thì sẽ tồn tại những vi phạm nghiêm trọng tới cuộc sống của người dân trực tiếp hứng chịu cuộc xung đột. Vì thế, Nghị định thư (II) ra đời như một tất yếu khách quan, Điều 1 Nghị định thư

(II) đã định nghĩa xung đột vũ trang không mang tính chất quốc tế:

Xung đột diễn ra trên lãnh thổ của một nước giữa các lực lượng vũ trang của nhà nước đó với các lực lượng vũ trang chống đối hay các nhóm vũ trang khác có tổ chức, được đặt dưới sự chỉ huy có trách nhiệm, thực hiện sự kiểm soát một phần lãnh thổ đủ rộng để triển khai các hoạt động quân sự thường xuyên, có phối hợp [44, tr.366].

Như vậy, xung đột vũ trang không mang tính chất quốc tế là xung đột vũ trang diễn ra trên phạm vi lãnh thổ của một nước, giữa các lực lượng vũ trang của nhà nước đó với các lực lượng vũ trang chống đối hay ly khai hay với các nhóm vũ trang khác có tổ chức được đặt dưới sự chỉ huy có trách nhiệm và kiểm soát một phần lãnh thổ đủ rộng để triển khai các hoạt động quân sự thường xuyên, có phối hợp. Mục đích của các lực lượng tiến hành hoạt động vũ trang chống đối trong xung đột vũ trang không mang tính chất quốc tế là lật đổ chính phủ đang cầm quyền hay đi đến thỏa thuận thành lập một nhà nước mới.

Một số trường hợp không áp dụng Luật Geneva.

Luật Geneva ra đời mục đích nhằm hạn chế những thiệt hại tới mức tối thiểu về người và của cải, trong xung đột vũ trang mang tính chất quốc tế, khi hai bên nổ phát súng đầu tiên báo hiệu một cuộc chiến thì Luật Geneva có hiệu lực ngay lập tức nhưng không phải cứ xảy ra bạo lực trong nội bộ quốc gia đó là áp dụng ngay Luật Geneva mà còn phải căn cứ vào mức độ căng thẳng, tính chất tự phát hay có tổ chức, hoạt động quân sự có thường xuyên, có phối hợp hay chỉ là các hoạt động bạo lực lẻ tẻ, riêng rẽ, tình trạng căng thẳng, mục đích của bạo lực là gì, hậu quả của cuộc bạo lực ra sao.

Mặt khác, để tôn trọng quyền tự quyết của các quốc gia và nguyên tắc “không can thiệp vào nội bộ của các quốc gia” thì những trường hợp xảy ra những cuộc bạo loạn hoặc căng thẳng nội bộ mà chưa đến mức trở thành xung đột vũ trang thì sẽ không áp dụng Luật Geneva nói riêng và Luật Nhân đạo quốc tế nói chung mà áp dụng các quy tắc của Luật Nhân quyền quốc tế. Trong Điều 1(2) Nghị định thư (II) đã quy định: “Nghị định thư này sẽ không áp dụng đối với các tình trạng lộn xộn và căng thẳng nội bộ, như bạo loạn và các hành động bạo lực lẻ tẻ, riêng rẽ và các hành động tương tự khác tương tự mà không phải là các cuộc xung đột vũ trang” [44, tr.454]. Những khái niệm này không được đưa ra trong Hội nghị Ngoại giao về tái khẳng định và

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 21/12/2022