Thực Trạng Hoạt Động Bảo Hộ Quyền Sở Hữu Công Nghiệp Đối Với Tên Thương Mại Ở Việt Nam Hiện Nay

độc lập với nhau, nhưng đồng thời phối hợp chặt chẽ với nhau trong quá trình hoạt động.

- Biện pháp hình sự:

Khi hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp của cá nhân, tổ chức là hành vi nguy hiểm cho xã hội, cấu thành tội phạm thì cá nhân, tổ chức đó bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Việc áp dụng biện pháp hình sự thuộc thẩm quyền của Toà án.

Pháp luật hình sự Việt Nam hiện nay chưa quy định tội danh đối với hành vi xâm phạm tên thương mại. Tuy nhiên, trên thực tế thông qua những hành vi xâm phạm đó có thể xác định các yếu tố cấu thành tội phạm như sau: Quyền đối với tên thương mại là một khách thể được pháp luật bảo vệ, vì vậy khi khách thể này bị xâm phạm mà hành vi xâm phạm đó là do lỗi của chủ thể thực hiện hành vi, gây ra hậu quả nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn cho chủ sở hữu tên thương mại, cho người tiêu dùng và cho xã hội thì chủ thể thực hiện hành vi đó sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trên thực tế, có những trường hợp vì mục đích kinh doanh mà cố ý thực hiện hành vi sản xuất; gắn tem, nhãn lên hàng hoá có nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với tên thương mại của người khác đang được bảo hộ mà không được sự đồng ý của chủ sở hữu tên thương mại đó được coi là giả mạo về sở hữu trí tuệ và là hành vi làm hàng giả, vì vậy, thiết nghĩ pháp luật hình sự Việt Nam nên quy định hành vi này trong cấu thành tội sản xuất buôn bán hàng giả.

Như vậy, hành vi xâm phạm quyền đối với tên thương mại bị xử lý hình sự khi hành vi đó gây hậu quả nghiêm trọng có dấu hiệu cấu thành tội phạm hình sự hoặc người thực hiện hành vi đó đã bị xử phạt hành chính nay còn vi phạm.

Việc khởi tố vụ án hình sự xâm phạm tên thương mại không phụ thuộc vào ý chí của chủ sở hữu tên thương mại (trừ khi pháp luật quy định). Khi xác định hành vi xâm phạm quyền đối với tên thương mại có dấu hiệu tội phạm, các cơ quan tố tụng có có thẩm quyền sẽ ra quyết định khởi tố vụ án hình sự. Cơ quan đó có thể là cơ quan điều tra, viện kiểm sát hoặc cơ quan hải quan.

- Biện pháp dân sự:

Biện pháp dân sự được áp dụng để giải quyết tranh chấp theo yêu cầu của chủ thể quyền đối với tên thương mại hoặc của tổ chức, cá nhân bị thiệt hại do hành vi tranh chấp gây ra, kể cả hành vi đó đã hoặc đang bị xử lý bằng các biện pháp hành chính hoặc hình sự. "Thủ tục yêu cầu áp dụng biện pháp dân sự, thẩm quyền, trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp dân sự tuân theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự" [20].

Tranh chấp thương mại phát sinh khi có hành vi sử dụng chỉ dẫn thương mại (như nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại) trùng hoặc tương tự với tên thương mại của người khác mà không được sự đồng ý của chủ thể có quyền đối với tên thương mại.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 104 trang tài liệu này.

Các tranh chấp sở hữu trí tuệ nói chung và tranh chấp liên quan đến tên thương mại nói riêng là loại tranh chấp dân sự, bởi vậy, về nguyên tắc tranh chấp này được giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự do Bộ luật Tố tụng dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành quy định. Tuy nhiên, xuất phát từ nhiều đặc thù của vi phạm, tranh chấp sở hữu trí tuệ, Luật Sở hữu trí tuệ quy định nhiều nội dung cụ thể hơn so với Bộ luật Tố tụng dân sự với mục đích giải quyết tốt loại vi phạm, tranh chấp này. Ví dụ, quy định về quyền và nghĩa vụ chứng minh của đương sự (Điều 203), theo đó nguyên đơn và bị đơn trong vụ kiện xâm phạm quyền có quyền và nghĩa vụ chứng minh theo quy định tại Điều 79 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 và theo quy định tại Điều 203 Luật Sở hữu trí tuệ. Nguyên đơn chứng minh mình là chủ thể quyền đối với tên

thương mại bằng một trong các chứng cứ sau: Chứng cứ cần thiết để chứng minh quyền đối với tên thương mại (chứng minh điều kiện xác lập quyền và phạm vi quyền của mình; nêu rõ tên, địa chỉ của người đã thực hiện hành vi xâm phạm; cung cấp các chứng cứ về phạm vi, mức độ của việc xâm phạm đó). Trường hợp có yêu cầu bồi thường thiệt hại thì chủ sở hữu quyền sở hữu công nghiệp đối với tên thương mại phải chứng minh thiệt hại thực tế đã xảy ra và nêu căn cứ xác định mức bồi thường thiệt hại theo quy định tại Điều 205 của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005.

Bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với tên thương mại theo quy định của pháp luật Việt Nam - 9

Khi bị xâm phạm quyền đối với tên thương mại, thì chủ sở hữu tên thương mại có quyền yêu cầu toà án bảo vệ quyền của mình. Theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 (Điều 25, Điều 27, Điều 33, Điều 34), thẩm quyền giải quyết các tranh chấp này được xác định như sau: (1) Nếu tranh chấp tên thương mại thuần tuý là tranh chấp dân sự thì thuộc thẩm quyền của toà án nhân dân cấp huyện; (2) Nếu tranh chấp tên thương mại thuần túy là tranh chấp dân sự nhưng có đương sự hoặc đối tượng sở hữu trí tuệ ở nước ngoài, thuộc thẩm quyền của toà án nhân dân cấp tỉnh; (3) Nếu tranh chấp tên thương mại giữa cá nhân, tổ chức với nhau và đều có mục đích lợi nhuận được coi là tranh chấp thương mại, kinh doanh và thuộc thẩm quyền của toà án nhân dân cấp tỉnh.

Thủ tục tố tụng dân sự cho phép chủ sở hữu tên thương mại được quyền khởi kiện yêu cầu toà án công nhận quyền của mình; buộc người có hành vi xâm phạm quyền đối với tên thương mại phải chấm dứt hành vi xâm phạm; buộc người có hành vi xâm phạm phải bồi thường thiệt hại… Theo biện pháp dân sự, toà án buộc cá nhân, tổ chức xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với tên thương mại phải bồi thường thiệt hại cho chủ sở hữu tên thương mại đó.

Ở nước ta, biện pháp chủ yếu được áp dụng để xử lý các hành vi xâm phạm quyền đối với tên thương mại là biện pháp hành chính. Trong nhiều năm gần đây, các hành vi xâm phạm quyền đối với tên thương mại chủ yếu được giải quyết bằng biện pháp hành chính. Thực tế ở nước ta cho thấy rằng, so với biện pháp hình sự và biện pháp dân sự, thì áp dụng biện pháp hành chính để xử lý những hành vi xâm phạm đem lại hiệu quả cao do không tốn thời gian, tiền bạc. "Số vụ việc được giải quyết bằng biện pháp dân sự và đặc biệt là biện pháp hình sự còn rất ít" [24]. Điều này xuất phát từ một số nguyên nhân cơ bản sau:

Thứ nhất, trước đây cơ sở pháp lý để giải quyết tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ nói chung bằng biện pháp dân sự chưa đầy đủ.

Thứ hai, pháp luật quy định phạm vi rất rộng các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có thể xử lý bằng các biện pháp hành chính.

Thứ ba, cá nhân, tổ chức bị xâm phạm quyền chưa tin tưởng vào khả năng giải quyết vụ việc của các thẩm phán.

Thứ tư, do tâm lý hầu hết người Việt Nam là ngại kiện ra toà vì nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan.

Cho đến nay, mặc dù đã có nhiều tiến bộ trong việc hoàn thiện pháp luật sở hữu trí tuệ cũng như cơ chế thực thi quyền sở hữu trí tuệ, tuy nhiên Việt Nam vẫn bị coi là quốc gia có hệ thống bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ chưa tốt ("đến năm 2007, Hiệp hội Sở hữu trí tuệ quốc tế vẫn xếp Việt Nam trong danh sách các nước có hệ thống sở hữu trí tuệ chưa tốt và cần phải theo dõi" [26]). Để nâng cao hiệu quả bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ nói chung, đòi hỏi sự nỗ lực và hợp tác chặt chẽ của Nhà nước và mọi tổ chức, cá nhân.

2.2. Thực trạng hoạt động bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với tên thương mại ở Việt Nam hiện nay

Hoạt động bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở nước ta được bắt đầu triển khai từ những năm 80, nhưng chỉ từ khi Quốc hội ban hành Bộ luật Dân sự năm 1995 thì hoạt động này mới bắt đầu tiến triển. Đặc biệt từ khi Quốc hội ban hành Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 và Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) thì hoạt động này trở nên sôi động với tất cả các dạng tài sản trí tuệ, trong đó có tên thương mại.

Hoạt động bảo hộ quyền đối với tên thương mại bao gồm hai nội dung quan trọng là: Hoạt động xác lập quyền đối với tên thương mại của các doanh nghiệp và hoạt động bảo vệ quyền đối với tên thương mại.

2.2.1. Thực trạng hoạt động xác lập quyền đối với tên thương mại của các doanh nghiệp

Quyền sở hữu công nghiệp được tự động xác lập khi có đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật mà không cần phải đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Tuy nhiên, trên thực tế việc xác lập quyền đối với tên thương mại của các doanh nghiệp hiện nay gặp rất nhiều khó khăn. Điều này xuất phát từ việc nhầm lẫn giữa tên thương mại và thương hiệu, trùng nhau giữa tên thương mại và nhãn hiệu, thiếu căn cứ pháp lý để tách bạch rõ ràng giữa tên doanh nghiệp và tên thương mại. Từ đó dẫn đến những khó khăn cụ thể như:

Vấn đề đặt tên cho doanh nghiệp: Khi một cá nhân, tổ chức muốn thành lập một doanh nghiệp thì họ phải tìm cho doanh nghiệp của mình một cái tên. Vấn đề là các chủ thể này đặt tên cho doanh nghiệp theo nguyên tắc “tự do lựa chọn” chứ không qua một cơ chế kiểm tra nào, nên các doanh nghiệp khi đặt tên không thể nhận thấy sự trùng nhau, tương tự nhau giữa tên của doanh nghiệp mình với doanh nghiệp khác. Vì vậy, trên thực tế phát sinh vấn đề tên của các doanh nghiệp trùng nhau, tương tự đến mức gây nhầm lẫn giữa các chủ thể kinh doanh. Việc tên của doanh nghiệp này trùng với tên doanh

nghiệp khác có thể do khi lựa chọn tên cho doanh nghiệp mình, chủ sở hữu không biết là tên đó đã được doanh nghiệp khác sử dụng trước, hoặc có thể là đã biết nhưng cố ý đặt tên cho doanh nghiệp mình trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với tên thương mại danh tiếng của doanh nghiệp khác nhằm mục đích thu lợi nhuận từ uy tín của doanh nghiệp sử dụng tên thương mại trước đã tạo dựng được.

Trên thực tế, việc xác định thời điểm quyền đối với tên thương mại được xác lập cũng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Có ý kiến cho rằng, quyền đối với tên thương mại được xác lập khi chủ thể kinh doanh đăng ký tên của doanh nghiệp mình tại cơ quan nhà nước. Vậy nên hiểu vấn đề này như thế nào? Theo Điều 21 Luật Doanh nghiệp năm 2005 thì tên thương mại được xác định chính thức ngay trong giấy đăng ký kinh doanh của chủ thể kinh doanh, nhưng điều đó không có nghĩa là quyền đối với tên thương mại được phát sinh ngay tại thời điểm thủ tục đăng ký kinh doanh hoàn thành. Hay nói cách khác, đó chỉ là thời điểm khẳng định ý định của chủ thể sẽ sử dụng tên thương mại đó, còn theo Luật Sở hữu trí tuệ thì quyền đối với tên thương mại chỉ phát sinh khi nó được đưa vào sử dụng trên thực tế. Nghĩa là, sau khi đăng ký kinh doanh chủ thể kinh doanh phải sử dụng tên thương mại vào mục đích kinh doanh (bằng cách dùng tên thương mại để xưng danh trong các hoạt động kinh doanh, thể hiện tên thương mại trong các giấy tờ giao dịch, biển hiệu, sản phẩm, hàng hóa, bao bì hàng hóa và quảng cáo) thì khi đó quyền đối với tên thương mại mới được xác lập. Như vậy, không phải bất kỳ tên doanh nghiệp nào khi đã đăng ký kinh doanh cũng là tên thương mại, mà sau khi đăng ký chủ thể có quyền phải sử dụng tên này vào mục đích kinh doanh thì khi đó tên doanh nghiệp mới trở thành tên thương mại.

Qua thực trạng đăng ký kinh doanh tại Sở kế hoạch - Đầu tư các địa phương trong thời gian qua, có thể thấy một số vấn đề pháp lý đang nảy sinh như sau:

"Xác định đâu là tên thương mại để làm cơ sở cho việc huỷ bỏ hiệu lực của một nhãn hiệu đang được bảo hộ còn là vấn đề hết sức mơ hồ" [10]. Như đã nói ở trên, thực trạng tên doanh nghiệp trong giấy đăng ký kinh doanh có thể chỉ khác nhau về loại hình sản xuất, kinh doanh, các bổ ngữ, còn vẫn trùng nhau về tên riêng.

Trong hoạt động thương mại tên gọi của một doanh nghiệp thường được người tiêu dùng tiếp nhận một cách ngắn gọn, ví dụ “Vigracera”, “Trung Nguyên”, “Metro”... mà ít ai biết được tên gọi đầy đủ của doanh nghiệp đó điều này khiến chúng ta nhầm lẫn giữa tên doanh nghiệp và tên sản phẩm chủ yếu mà doanh nghiệp đó tung ra thị trường và đây chính là điểm có thể gây tranh cãi trong tương lai. Đây là sự trùng nhau giữa tên thương mại và nhãn hiệu. Do vậy, các quy định của luật pháp cần phải tính đến một thực tế trong thương mại về cách hiểu và tiếp nhận của người tiêu dùng đối với tên gọi của tổ chức dùng trong kinh doanh.

Sự phụ thuộc lẫn nhau giữa tên thương mại và nhãn hiệu có thể thấy qua tiêu chí quy định về khả năng phân biệt của tên thương mại và nhãn hiệu. Tên thương mại và nhãn hiệu muốn được bảo hộ thì phải có khả năng phân biệt. Theo điểm k khoản 2 Điều 74 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 thì nhãn hiệu bị coi là không có khả năng phân biệt nếu có “dấu hiệu trùng hoặc tương tự với tên thương mại đang được sử dụng của người khác, nếu việc sử dụng dấu hiệu đó có thể gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về nguồn gốc hàng hoá, dịch vụ”. Ngược lại, theo khoản 3 Điều 78 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 thì tên thương mại chỉ được coi là có khả năng phân biệt nếu “không trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của người khác”. Chính quy

định này đã không làm rõ thế nào là “không trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của người khác” mà trên thực tiễn vấn đề này phải qua các chuyên viên thẩm định của Cục Sở hữu trí tuệ. Chính sự phụ thuộc lẫn nhau này cũng sẽ là vấn đề pháp lý phát sinh trong tương lai và là điều mà các doanh nghiệp cần lường trước trong hoạt động thương mại của mình. Thực tế thẩm định các đơn nhãn hiệu tại Phòng Nhãn hiệu - Cục Sở hữu trí tuệ cũng chưa thể áp dụng quy định liên quan đến tên thương mại vì rõ ràng là thiếu quá nhiều điều kiện (không có cơ sở dữ liệu chung, không có cơ sở pháp lý để xác định tên thương mại, khu vực kinh doanh, danh tiếng v.v.. Luật Sở hữu trí tuệ quy định khu vực kinh doanh là khu vực địa lý nơi chủ thể có bạn hàng, khách hàng hoặc có danh tiếng. Theo quy định này thì khu vực kinh doanh có thể được xác định là phạm vi một tỉnh, toàn quốc hay thậm chí vượt ra ngoài phạm vi lãnh thổ quốc gia, điều này hoàn toàn phụ thuộc vào việc thúc đẩy hoạt động kinh doanh của chủ thể kinh doanh đến đau như chiến lược mở rộng tiếp thị, quảng cáo, mở các chi nhánh hay các văn phòng đại diện hoặc sáp nhập giữa các chủ thể kinh doanh để trở thành các tập đoàn đa quốc gia lớn mạnh trên thế giới. Như vậy, việc quy định khu vực kinh doanh có cần thiết không và nếu quy định thì nên hiểu khu vực kinh doanh như thế nào? Vì theo quy định của pháp luật hiện hành thì việc xác định khu vực kinh doanh hạn chế hay rộng lớn sẽ là vấn đề tranh chấp trong tương lai và chính là vấn đề pháp lý sẽ phát sinh. Việc áp dụng (nếu có thể) sẽ kéo dài thời gian thẩm định lên rất nhiều (đi ngược với tiêu chí rút gọn thời gian xử lý). Vì vậy, pháp luật cần phải quy định rõ ràng thế nào là khu vực kinh doanh, nếu không sự phụ thuộc giữa tên thương mại và nhãn hiệu vẫn sẽ được áp dụng (do đã được quy định trong Luật Sở hữu trí tuệ) và đây là quy định mà các doanh nghiệp cần tính đến và vận dụng sao cho linh hoạt trong các tranh chấp.

Xem tất cả 104 trang.

Ngày đăng: 22/11/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí