Bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với tên thương mại theo quy định của pháp luật Việt Nam - 2

3. Mục đích nghiên cứu của đề tài

Trên cơ sở tìm hiểu vấn đề lý luận về tên thương mại, bảo hộ tên thương mại; đánh giá thực trạng về bảo hộ tên thương mại ở Việt Nam hiện nay, luận văn đề xuất một số giải pháp nhằm hoàn thiện khung pháp luật và nâng cao hiệu quả của việc bảo hộ tên thương mại hiện nay ở Việt Nam.

Để thực hiện mục đích trên, trong khuôn khổ luận văn thạc sỹ luật học, tác giả tập trung vào những nhiệm vụ sau:

Phân tích cơ sở lý luận về bảo hộ tên thương mại

Phân tích, đánh giá thực trạng bảo hộ tên thương mại hiện nay ở ViệtNam

` Đề xuất các giải pháp nhằm hoàn thiện pháp luật và nâng cao hiệu quả bảo hộ tên thương mại ở Việt Nam.

4. Phạm vi nghiên cứu của đề tài

Luận văn tập trung tìm hiểu vấn đề bảo hộ tên thương mại trong phạm vi quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, cụ thể nghiên cứu những khía cạnh sau:

- Một số vấn đề lý luận và thực trạng về bảo hộ tên thương mại ở Việt Nam hiện nay. Cụ thể là về khái niệm, nội dung và vai trò của tên thương mại, bảo hộ tên thương mại trong hoạt động của doanh nghiệp, những ưu điểm, tồn tại và nguyên nhân của nó.

- Đề xuất một số giải pháp nhằm hoàn thiện pháp luật và nâng cao hiệu quả của việc bảo hộ tên thương mại.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 104 trang tài liệu này.

5. Phương pháp nghiên cứu

Luận văn được nghiên cứu trên cơ sở phương pháp luận chủ nghĩa duy vật lịch sử, chủ nghĩa duy vật biện chứng, phép biện chứng của chủ nghĩa Mác-Lênin, quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về pháp luật.

Bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với tên thương mại theo quy định của pháp luật Việt Nam - 2

Ngoài ra, trong quá trình nghiên cứu, luận văn đã áp dụng một số phương pháp cụ thể như sau: Phương pháp phân tích để làm sáng tỏ những nội dung thuộc phạm vi nghiên cứu; phương pháp so sánh được sử dụng để làm rõ mức độ tương quan giữa các quy định, quan điểm để từ đó có những đánh giá, nhận định khách quan về nội dung nghiên cứu; phương pháp tổng hợp được sử dụng để khái quát hóa nội dung nghiên cứu một cách có hệ thống, làm cho vấn đề nghiên cứu trở nên ngắn gọn, xúc tích, dễ hiểu; phương pháp thống kê đem đến một cách nhìn cụ thể hơn thông qua những con số và vụ việc cụ thể…

6. Những kết quả nghiên cứu mới của luận văn

Luận văn là chuyên khảo nghiên cứu tương đối toàn diện và có hệ thống về vấn đề tên thương mại và bảo hộ tên thương mại theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành. Vì vậy có những đóng góp khoa học mới như sau:

Thứ nhất, đưa ra và luận giải được những luận điểm cơ bản về tên thương mại, đặc biệt là: Khái niệm, đặc điểm, nội dung, ý nghĩa của việc bảo hộ tên thương mại đối với doanh nghiệp….

Thứ hai, từ những khó khăn và thực trạng trong việc thi hành pháp luật cũng như hoạt động xử lý hành vi xâm phạm quyền và vi phạm pháp luật về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với tên thương mại, phân tích nguyên nhân và những vấn đề còn tồn tại.

Thứ ba, trên cơ sở luận cứ khoa học và thực tiễn, đưa ra giải pháp, kiến nghị nhằm hoàn thiện khung pháp luật và nâng cao hiệu quả của hoạt động bảo hộ tên thương mại.

7. Cơ cấu của luận văn: Luận văn bao gồm 3 chương

Chương I: Một số vấn đề lý luận cơ bản về bảo hộ tên thương mại

Chương II: Thực trạng hoạt động bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với tên thương mại ở Việt Nam hiện nay

Chương III: Phương hướng và giải pháp nhằm hoàn thiện pháp luật và nâng cao hiệu quả của hoạt động bảo hộ tên thương mại

Chương 1‌‌

MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN CƠ BẢN VỀ BẢO HỘ TÊN THƯƠNG MẠI


1.1. Khái quát về tên thương mại

1.1.1. Khái niệm tên thương mại

Không phải là hàng hoá nhưng tên thương mại lại có ý nghĩa rất lớn trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Tên thương mại là một trong những đối tượng cơ bản của quyền sở hữu công nghiệp, vì vậy pháp luật rất nhiều quốc gia trên thế giới và pháp luật Việt Nam hiện nay luôn coi trọng việc bảo hộ tên thương mại. Tuy nhiên, khái niệm tên thương mại vẫn chưa được hiểu thống nhất ở các quốc gia.

Cho đến nay, chỉ có một điều ước quốc tế đa phương duy nhất đề cập trực tiếp đến vấn đề bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với tên thương mại

– đó là Công ước Paris năm 1883. Nhưng Công ước này không đưa ra một định nghĩa cụ thể về tên thương mại.

Tên thương mại là một khái niệm được sử dụng trong văn bản và trong thực tiễn pháp luật Việt Nam, nó tương tương với khái niệm tiếng Anh trong luật quốc tế là “Tradename”. Không nên nhầm lẫn tên thương mại với nhãn hiệu hàng hoá (Trademark), cũng không nên nhầm lẫn tên thương mại với thương hiệu. Tên thương mại được quy định trong một số văn bản pháp luật của Việt Nam như Bộ luật Dân sự, Luật Doanh nghiệp, Luật Sở hữu trí tuệ… Theo quy định tại khoản 21 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 thì tên thương mại được hiểu như sau:

Tên thương mại là tên gọi của tổ chức, cá nhân dùng trong hoạt động kinh doanh để phân biệt chủ thể kinh doanh mang tên gọi đó với chủ thể kinh doanh khác trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh (khu vực kinh doanh

là khu vực địa lý nơi chủ thể kinh doanh có bạn hàng, khách hàng hoặc có danh tiếng).

Tên thương mại phải là tập hợp các chữ phát âm được và có nghĩa.

Về cơ bản, do được sử dụng trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, nên tên thương mại sẽ phải đáp ứng các yêu cầu mà pháp luật doanh nghiệp dành cho tên doanh nghiệp. Hiện nay, theo quy định của Luật Doanh nghiệp thì doanh nghiệp được đăng ký ba tên: (i) Tên bằng tiếng Việt, (ii) Tên bằng tiếng nước ngoài (thường gọi là tên giao dịch hay đối ngoại), (iii) Tên viết tắt. Với quy định "tên giao dịch được dịch từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài tương ứng" [9], nhưng về thực chất doanh nghiệp chỉ còn hai tên là tên bằng tiếng Việt và tên viết tắt. Bởi vì, tên giao dịch không ổn định và tuỳ thuộc vào ngôn ngữ được dịch, ví dụ: Tên một doanh nghiệp khi được dịch sang tiếng Anh là A, dịch sang tiếng Pháp là B, còn dịch sang tiếng Nhật là C…

Luật Doanh nghiệp yêu cầu tên doanh nghiệp phải có ít nhất hai thành tố là loại hình doanh nghiệp và tên riêng, cũng như không được trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp đã đăng ký. Với quy định như vậy thì tên doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp có nhiều nét tương đồng với tên thương mại (vì Luật Sở hữu trí tuệ quy định tên thương mại sẽ được bảo hộ nếu: Có chứa thành phần tên riêng (trừ trường hợp đã được biết đến rộng rãi do sử dụng); không trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với tên thương mại mà người khác đã sử dụng trước trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh; không trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của người khác hoặc với chỉ dẫn địa lý đã được bảo hộ trước ngày tên thương mại đó được sử dụng). Đồng thời, Luật Doanh nghiệp và Luật Sở hữu trí tuệ đều không cho phép dùng tên của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ

chức xã hội - nghề nghiệp hoặc chủ thể khác để làm tên doanh nghiệp hay tên thương mại.

Chính vì có những điểm tương đồng như vậy nên tên thương mại hiện nay có xu hướng xác định thông qua tên của doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp. Tên thương mại do đó có thể là tên đầy đủ của doanh nghiệp hoặc tên viết tắt của doanh nghiệp. Phổ biến nhất, tên thương mại dùng để chỉ tên đầy đủ của một doanh nghiệp khi thực hiện hoạt động kinh doanh của mình.

Tên thương mại theo tên doanh nghiệp đầy đủ gồm hai phần: Phần mô tả và phần phân biệt. Phần mô tả là tập hợp các từ có nghĩa mô tả tóm tắt loại hình kinh doanh. Phần phân biệt là tập hợp các chữ cái phát âm được, có thể có nghĩa hoặc không có nghĩa. Phần mô tả không có khả năng tạo nên tính phân biệt cho tên thương mại (hai doanh nghiệp có tên thương mại khác nhau có thể có phần mô tả giống nhau). Ví dụ: với tên “Công ty Luật S & B”, phần mô tả là “Công ty Luật” không có khả năng phân biệt với các công ty luật khác, phần phân biệt là S&B; với tên Công ty TNHH xây dựng Thành Đô: Phần mô tả là “Công ty TNHH xây dựng”, phần phân biệt là “Thành Đô”, phân biệt với “Công ty TNHH xây dựng Tiến Thành”.

Tên thương mại theo tên doanh nghiệp dưới góc độ là tên viết tắt: Theo quy định của Luật Doanh nghiệp thì tên viết tắt của doanh nghiệp được viết tắt từ tên bằng tiếng Việt hoặc tên bằng tiếng nước ngoài. Ví dụ: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam có tên giao dịch quốc tế là Vietnam Bank of Agriculture and Rural Development, tên viết tắt là Agribank Như vậy, tên thương mại là tên gọi của tổ chức, cá nhân dùng trong

hoạt động sản xuất kinh doanh để phân biệt chủ thể kinh doanh mang tên gọi đó với các chủ thể khác trong cùng lĩnh vực kinh doanh.

1.1.2. Đặc điểm của tên thương mại

Từ phân tích ở phần trên, có thể nhận thấy tên thương mại bao gồm những đặc điểm sau đây:

Tên thương mại là tên gọi của cá nhân, tổ chức dùng trong hoạt động kinh doanh. Vì vậy, phải có sự tồn tại của cá nhân, tổ chức mang tên thương mại thì việc sử dụng tên thương mại mới có ý nghĩa về mặt pháp lý. Nói một cách khác thì tên thương mại luôn gắn liền với sự tồn tại của cá nhân và tổ chức. Để được xác lập, tên thương mại còn phải được sử dụng thông qua các hoạt động kinh doanh. Từ định nghĩa trên có thể coi tên thương mại là phương tiện giao tiếp đầu tiên giữa doanh nghiệp và các chủ thể khác.

Tên thương mại dùng để phân biệt chủ thể kinh doanh mang tên gọi đó với chủ thể kinh doanh khác trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh. Đặc điểm này của tên thương mại giúp chúng ta có thể phân biệt được với nhãn hiệu, bởi lẽ, nhãn hiệu là những dấu hiệu để phân biệt hàng hóa, dịch vụ cùng loại của các cơ sở sản xuất kinh doanh khác nhau.

Tên thương mại đầy đủ phải là tập hợp các chữ phát âm được và có

nghĩa.

Tên thương mại ở Việt Nam được hình thành theo nguyên tắc “tự do

lựa chọn”. Các cá nhân, tổ chức hoàn toàn tự do trong việc lựa chọn chỉ dẫn thương mại là tên thương mại mà dưới nó họ sẽ tiến hành hoạt động kinh doanh của mình. Tuy vậy, cũng tồn tại một số hạn chế nhất định đối với việc lựa chọn tên thương mại, chẳng hạn: Tên thương mại không được vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc; tên thương mại của doanh nghiệp Việt Nam phải được viết bằng tiếng Việt và có thể bổ sung thêm bằng một hoặc một số tiếng nước ngoài với khổ chữ nhỏ hơn; bắt buộc phải đưa vào thành phần tên thương mại những chỉ dẫn về tính chất, phạm vi trách nhiệm của chủ thể kinh doanh (ví dụ: “Trách nhiệm hữu

hạn”, “cổ phần”, “tư nhân”, “hợp danh”) (xem khoản 2, khoản 3 Điều 24 Luật Thương mại và khoản 1 Điều 24 Luật Doanh nghiệp).

1.1.3. Vai trò của tên thương mại trong hoạt động của doanh nghiệp

Tên thương mại là đối tượng điều chỉnh của pháp luật sở hữu công nghiệp, có vai trò quan trọng trong hoạt động của doanh nghiệp, có thể tạo ra khả năng cạnh tranh, góp phần làm tăng giá trị hàng hóa của doanh nghiệp trong khi giá trị vật chất không thay đổi, là một thành tố góp phần vào sự phát triển và sự thành đạt của doanh nghiệp. Đối tượng sở hữu công nghiệp này được coi là một trong những yếu tố đầu tiên và quan trọng trong chiến lược xâm nhập và mở rộng thị trường, trong nhiều trường hợp quyết định sự thành, bại của doanh nghiệp trên thị trường mới. Đối tượng sở hữu công nghiệp nói trên có tác dụng:

- Thực hiện chức năng nhận biết (phân biệt). Tên thương mại luôn được nhận biết bằng thị giác, thính giác (âm thanh) một cách rõ ràng để người tiêu dùng nhận biết và lựa chọn theo sở thích.

- Làm cho người tiêu dùng tiết kiệm thời gian và sức lực trong việc lựa chọn và mua sản phẩm theo mục đích và sở thích của họ.

- Đảm bảo hoặc sự tin cậy giúp người tiêu dùng tìm ra chất lượng ổn định của sản phẩm, dịch vụ mang tên thương mại quen thuộc dù mua ở bất kỳ đâu và bất kỳ lúc nào.

- Đảm bảo cho người tiêu dùng có thể mua sản phẩm hoặc thuê dịch vụ tốt nhất, đảm bảo nhất trong cùng một loại.

- Cá tính hoá, tính cách, hình ảnh riêng cho từng người tiêu dùng trong con mắt của người khác. Tạo phong cách riêng cho người tiêu dùng và từ đó làm cho họ yêu thích hàng hoá mang tên thương mại đó.

- Tính liên tục được quan niệm là người tiêu dùng hài lòng với một sản phẩm mang tên thương mại mà họ đang sử dụng nhiều năm.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 22/11/2022