Phân Biệt Tên Thương Mại Với Nhãn Hiệu Và Thương Hiệu

1.1.4. Phân biệt tên thương mại với nhãn hiệu và thương hiệu

* Phân biệt tên thương mại với nhãn hiệu

Tên thương mại và nhãn hiệu cùng là đối tượng của sở hữu công nghiệp, có rất nhiều người lầm tưởng rằng hai đối tượng trên là một. Tuy nhiên, giữa chúng có sự khác biệt có thể nhận biết thông qua những dấu hiệu sau đây:

Tên thương mại được điều chỉnh chính bởi Luật Sở hữu trí tuệ và Luật Doanh nghiệp, trong khi nhãn hiệu chỉ được điều chỉnh chủ yếu bởi Luật Sở hữu trí tuệ.

Về chức năng, tên thương mại là tên gọi của tổ chức, cá nhân dùng trong hoạt động kinh doanh để phân biệt chủ thể kinh doanh mang tên gọi đó với chủ thể kinh doanh khác trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh. Còn nhãn hiệu là những dấu hiệu để phân biệt hàng hóa, dịch vụ cùng loại của các cơ sở sản xuất kinh doanh khác nhau.

Về thành phần, tên thương mại phải bao gồm các từ ngữ, chữ số phát âm được; nhãn hiệu có thể là chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, kể cả hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc.

Về số lượng, chỉ có một tên thương mại cho một doanh nghiệp, nhưng một doanh nghiệp có thể có một hoặc nhiều nhãn hiệu.

Thời gian bảo hộ, pháp luật không quy định thời gian bảo hộ đối với tên thương mại, còn nhãn hiệu là 10 năm kể từ ngày nộp đơn, có thể gia hạn nhiều lần, mỗi lần gia hạn là 10 năm.

Quyền sở hữu công nghiệp đối với tên thương mại được xác lập trên cơ sở sử dụng hợp pháp tên thương mại đó, nhưng quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu được xác lập trên cơ sở quyết định cấp văn bằng bảo hộ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo thủ tục đăng ký quy định tại Luật Sở hữu

trí tuệ hoặc công nhận đăng ký quốc tế theo quy định của điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, đối với nhãn hiệu nổi tiếng thì quyền sở hữu được xác lập trên cơ sở sử dụng, không phụ thuộc vào thủ tục đăng ký.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 104 trang tài liệu này.

Ví dụ, Công ty TNHH Ngọc trai Phú Quốc, có địa chỉ xã Dương Tơ, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, đăng ký nhãn hiệu là “PHU QUOC PEARLS”. Ở ví dụ này, tên thương mại gồm có yếu tố phân biệt là “Phú Quốc”, yếu tố xác định hình thức doanh nghiệp là “Công ty TNHH” và yếu tố chỉ rõ lĩnh vực kinh doanh là “Ngọc trai”; Công ty cổ phần Chế biến dịch vụ thủy sản Cát Hải, địa chỉ huyện Cát Hải, thành phố Hải Phòng, đăng ký nhãn hiệu là “CAT HAI”. Ở đây, tên thương mại gồm có yếu tố phân biệt là “Cát Hải”, yếu tố xác định hình thức doanh nghiệp là “Công ty cổ phần” và yếu tố chỉ rõ lĩnh vực kinh doanh là “Chế biến dịch vụ thủy sản”.

Qua những phân tích và ví dụ trên, có thể khẳng định rằng, tên thương mại và nhãn hiệu hàng không phải là một mà giữa chúng có sự khác biệt và có khả năng phân biệt được.

Bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với tên thương mại theo quy định của pháp luật Việt Nam - 3

* Phân biệt tên thương mại và thương hiệu

Thương hiệu là khái niệm trong người tiêu dùng về sản phẩm đối với dấu hiệu của nhà sản xuất gắn lên hàng hóa, lên bao bì hàng hoá, biển chỉ dẫn dịch vụ… nhằm khẳng định chất lượng và xuất xứ sản phẩm. Thương hiệu thường gắn liền với quyền sở hữu (mà cụ thể là quá trình sử dụng và tạo dựng thương hiệu) của nhà sản xuất và thường được uỷ quyền cho người đại diện thương mại chính thức.

Theo định nghĩa của website wikipedia.com thì:

"Thương hiệu là những dấu hiệu được các cá nhân, công ty, các tổ chức hoặc các thực thể sử dụng để đặc biệt hóa, tạo nên nét riêng biệt cho sản phẩm hàng hóa mà họ cung cấp tới khách hàng,

phân biệt với các loại sản phẩm hàng hóa của các thực thể khác. Thương hiệu là một loại tài sản của công ty, thường được cấu thành từ tên thương mại, hay các chữ, các cụm từ, một logo, một biểu tượng, một hình ảnh hay sự kết hợp của các yếu tố trên" [34].

Tuy nhiên, trên thực tế cũng có các kí hiệu cấu thành nên thương hiệu không nằm trong số được liệt kê ở trên.

"Thương hiệu - theo định nghĩa của Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) là một dấu hiệu đặc biệt để nhận biết một sản phẩm hàng hoá hay một dịch vụ nào đó được sản xuất hay được cung cấp bởi một cá nhân hay một tổ chức".

Hiện nay ở Việt Nam chưa có định nghĩa về thương hiệu, còn tên thương mại đã được quy định trong các văn bản pháp luật, theo đó tên thương mại là tên gọi của tổ chức, cá nhân dùng trong hoạt động kinh doanh để phân biệt chủ thể kinh doanh mang tên gọi đó với các chủ thể kinh doanh khác trong cùng lĩnh vực kinh doanh và khu vực kinh doanh. Do đó, chỉ có tên thương mại mới là đối tượng được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam. Qua đây có thể thấy rằng, tên thương mại được nhìn nhận dưới góc độ pháp lý, còn thương hiệu được nhìn nhận dưới góc độ quản trị tiếp thị của doanh nghiệp. Thương hiệu do doanh nghiệp xây dựng và được công nhận bởi khách hàng không phải là đối tượng của sở hữu công nghiệp, tên thương mại là một đối tượng sở hữu công nghiệp được bảo hộ bởi hệ thống các văn bản pháp luật quốc tế và pháp luật của mỗi quốc gia.

Một nhà sản xuất có thể được đặc trưng bởi nhiều thương hiệu nhưng ông ta chỉ có một tên thương mại phục vụ cho hoạt động kinh doanh của mình.

Tên thương mại là dấu hiệu dùng để phân biệt chủ thể kinh doanh này với chủ thể kinh doanh khác, còn thương hiệu là dấu hiệu đặc biệt để nhận

biết một sản phẩm hàng hoá hay một dịch vụ nào đó được sản xuất hay được cung cấp bởi một cá nhân hay một tổ chức.

Có thể nói, thương hiệu rộng hơn tên thương mại, nó không chỉ đơn thuần là dấu hiệu phân biệt các chủ thể kinh doanh mà cao hơn nhiều khi có thể gồm cả hình ảnh về hàng hoá hoặc hình tượng về doanh nghiệp trong tâm trí của khách hàng, gắn liền với chất lượng hàng hoá, phong cách kinh doanh và phục vụ của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, nội hàm của thương hiệu là tương đối rộng và phức tạp, nó là toàn bộ các dấu hiệu được sử dụng trong thương mại để chỉ nguồn gốc, nhà sản xuất, đặc trưng của hàng hoá, dịch vụ. Bởi vậy, thương hiệu bao gồm cả tên thương mại và hàm chứa cả các đối tượng sở hữu trí tuệ khác như xuất xứ hàng hoá, chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu.

Thuật ngữ thương hiệu đôi khi cũng được sử dụng để đề cập tới bất cứ đặc tính khác biệt nào của hàng hóa đã được xác nhận, đặc biệt là các tính chất đặc trưng của sản phẩm được nhiều người biết tới, ví dụ thời trang Gucci, kính râm Elton John's... Cần phải chú ý rằng, quyền bảo hộ thương hiệu chỉ thực sự có được khi đã sử dụng và đăng kí thương hiệu đó cho một dòng sản phẩm hoặc dịch vụ nhất định.

Hiện nay ở nước ta, hai thuật ngữ này vẫn còn nhiều trường hợp hiểu không rõ ràng ảnh hưởng đến việc sử dụng tên thương mại, thương hiệu, cũng như trong hoạt động kinh doanh nói chung.‌

1.2. Bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với tên thương mại

1.2.1. Khái niệm bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với tên thương

mại

Bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với tên thương mại là việc Nhà

nước thừa nhận và bảo vệ những quan hệ xã hội phát sinh khi con người tạo ra tên thương mại thông qua việc Nhà nước ban hành các quy phạm pháp luật về tên thương mại và tổ chức các cơ quan có thẩm quyền bảo vệ quyền và lợi

ích hợp pháp của các chủ sử dụng hợp pháp tên thương mại và những chủ thể khác liên quan đến việc sử dụng tên thương mại.

Bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với tên thương mại gồm: Nhà nước ban hành các văn bản pháp luật về tên thương mại; vấn đề xác lập quyền; các phương thức, biện pháp khác nhau để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu tên thương mại (bảo vệ quyền).

Việc bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp nhằm đảm bảo cho chủ sở hữu có vị trí độc quyền về sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp, để bồi hoàn công sức của họ và thu lợi nhuận.

Với ý nghĩa này, quyền sở hữu công nghiệp đối với tên thương mại là quyền, nghĩa vụ của các chủ thể liên quan đến việc xác lập quyền đối với tên thương mại, dựa trên hành vi sử dụng tên thương mại của các chủ thể. Các quyền chủ quan này phải phù hợp với pháp luật quyền sở hữu công nghiệp nói chung và pháp luật về tên thương mại nói riêng.

* Vai trò của bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với tên thương mại

Tên thương mại là sản phẩm trí tuệ và tài sản vô hình của doanh nghiệp, bởi vậy việc bảo hộ tên thương mại có ý nghĩa rất lớn. Bảo hộ tên thương mại tạo nên một công cụ hữu hiệu cho các doanh nghiệp quảng bá và lưu thông hàng hoá một cách có hiệu quả trên thị trường cũng như bảo vệ và phát triển thị phần của mình, bảo đảm một môi trường cạnh tranh lành mạnh nhằm thúc đẩy sự phát triển nền kinh tế.

Việc bảo hộ tên thương mại đầy đủ và có hiệu quả là cơ sở để chúng ta tham gia vào các sân chơi lớn, các thị trường song phương, khu vực và toàn cầu, thu hút đầu tư và công nghệ nước ngoài, từ đó tạo ra những bước khởi sắc mới cho nền kinh tế. Bảo hộ sở hữu công nghiệp nói chung và bảo hộ tên thương mại nói riêng đã trở thành một cam kết quan trọng mà Việt Nam phải thực hiện trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.

1.2.2. Điều kiện bảo hộ tên thương mại

Tên gọi của các chủ thể kinh doanh chỉ được coi là tên thương mại và các chủ thể này được hưởng các quyền chủ thể đối với tên thương mại của mình khi đáp ứng được các yêu cầu và điều kiện bảo hộ cụ thể. Tên thương mại muốn được bảo hộ phải đáp ứng các điều kiện sau:

Tính phân biệt của tên thương mại: Không phải bất kỳ tên thương mại nào cũng được pháp luật bảo hộ, để được bảo hộ theo pháp luật sở hữu trí tuệ, nhìn chung, tên thương mại phải có khả năng phân biệt chủ thể kinh doanh mang tên đó với chủ thể kinh doanh khác trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh. Sự phân biệt này cần thiết được đặt ra trong cùng một lĩnh vực kinh doanh và khu vực kinh doanh với các yếu tố phân biệt chủ yếu như: Phân biệt về hàng hoá, dịch vụ, hoạt động, cơ sở kinh doanh. Thông qua những yếu tố này để cá thể hoá chủ thể kinh doanh này với chủ thể kinh doanh khác. Điều này cũng có thể được hiểu là nếu tên thương mại của hai chủ thể kinh doanh trùng nhau hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn nhưng hai chủ thể kinh doanh trong hai lĩnh vực khác nhau, thuộc hai lãnh thổ khác nhau thì vẫn được chấp nhận bảo hộ. Cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh là hai điều kiện song song đi đôi với nhau, nếu thiếu một trong hai yếu tố đó thì tên thương mại sẽ không được bảo hộ. Chẳng hạn như, hai tên thương mại trùng nhau nhưng hai chủ thể kinh doanh lại không hoạt động trên một khu vực địa lý tuy rằng họ kinh doanh trong cùng một lĩnh vực hoặc hai chủ thể kinh doanh ở trên cùng một khu vực địa lý nhưng lại không kinh doanh trên cùng một lĩnh vực cũng không được pháp luật chấp nhận bảo hộ. "Điều kiện bảo hộ này của tên thương mại cũng đơn giản hơn so với nhãn hiệu" [24] (theo quy định của pháp luật, một nhãn hiệu muốn được bảo hộ còn phải đáp ứng cả điều kiện: Phải không trùng và không tương tự tới mức gây nhầm lẫn với các hàng hoá,

dịch vụ không trùng và tương tự nếu các nhãn hiệu đó được công nhận là nổi tiếng hay được thừa nhận rộng rãi, được nhiều người biết đến).

Tên thương mại được coi là có khả năng phân biệt nếu đáp ứng được các điều kiện sau đây:

- Chứa thành phần tên riêng, trừ trường hợp đã được biết đến rộng rãi: Nếu tên thương mại chỉ có phần mô tả thì không được bảo hộ, bởi lẽ phần mô tả không có khả năng tạo nên tính phân biệt cho tên thương mại (hai doanh nghiệp có tên thương mại khác nhau có thể có phần mô tả giống nhau), vì vậy tên thương mại bắt buộc phải chứa thành phần tên riêng để tạo ra sự phân biệt giữa các chủ thể kinh doanh [20].

- Tên thương mại không trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với tên thương mại mà người khác đã sử dụng từ trước trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh.

Tên trùng là trường hợp tên của doanh nghiệp yêu cầu đăng ký được viết và đọc bằng tiếng Việt hoàn toàn giống với tên của doanh nghiệp đã đăng ký.

Các trường hợp sau đây được coi là gây nhầm lẫn với tên của các doanh nghiệp khác: Tên bằng tiếng Việt của doanh nghiệp yêu cầu đăng ký được đọc giống như tên doanh nghiệp đã đăng ký; tên bằng tiếng Việt của doanh nghiệp yêu cầu đăng ký chỉ khác tên doanh nghiệp đã đăng ký bởi ký hiệu “&”; ký hiệu “-”; chữ “và”; tên viết tắt của doanh nghiệp yêu cầu đăng ký trùng với tên viết tắt của doanh nghiệp khác đã đăng ký; tên bằng tiếng nước ngoài của doanh nghiệp yêu cầu đăng ký trùng với tên bằng tiếng nước ngoài của doanh nghiệp khác đã đăng ký; tên riêng của doanh nghiệp yêu cầu đăng ký khác với tên riêng của doanh nghiệp đã đăng ký bởi một hoặc một số số tự nhiên, số thứ tự hoặc một số chữ cái tiếng Việt (A, B, C…) ngay sau tên

riêng của doanh nghiệp đó, trừ trường hợp doanh nghiệp yêu cầu đăng ký là doanh nghiệp con của doanh nghiệp đã đăng ký; tên riêng của doanh nghiệp yêu cầu đăng ký khác với tên riêng của doanh nghiệp đã đăng ký bởi từ “tân” ngay trước, hoặc “mới” ngay sau tên của doanh nghiệp đã đăng ký; tên riêng của doanh nghiệp yêu cầu đăng ký chỉ khác tên riêng của doanh nghiệp đã đăng ký bởi các từ “miền Bắc”, “miền Nam”, “miền Trung”, “miền Tây”, “miền Đông” hoặc các từ có ý nghĩa tương tự; trừ trường hợp doanh nghiệp yêu cầu đăng ký là doanh nghiệp con của doanh nghiệp đã đăng ký; tên riêng của doanh nghiệp trùng với tên riêng của doanh nghiệp đã đăng ký.

- Không trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của người khác hoặc với chỉ dẫn địa lý đã được bảo hộ trước ngày tên thương mại đó được sử dụng. Tên thương mại và nhãn hiệu đều có chức năng chỉ dẫn cho người tiêu dùng về hàng hoá, dịch vụ đó của cơ sở sản xuất kinh doanh nào, đều đưa ra một kết quả chung rằng ai là người chịu trách nhiệm về những hàng hoá, dịch vụ đó, bởi vậy nếu đã có nhãn hiệu thuộc quyền của người khác đã được xác lập trước thời điểm tên thương mại được bắt đầu thì đương nhiên chủ thể kinh doanh sẽ không được sử dụng tên thương mại đó nữa.

Cũng do tên thương mại thường là tên doanh nghiệp hoặc được sử dụng thường xuyên trong hoạt động kinh doanh của mỗi chủ thể kinh doanh, nên quyền sở hữu tên thương mại được xác lập trên cơ sở thực tiễn sử dụng hợp pháp tên thương mại đó tương ứng với khu vực và lãnh thổ kinh doanh, mà không cần thực hiện thủ tục đăng ký tên thương mại đó tại Cục Sở hữu trí tuệ. Điều này khác với việc xác lập quyền sở hữu trí tuệ đối với các chỉ dẫn đầu thương mại khác như nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, những đối tượng này cần phải đăng ký mới được bảo hộ.

Quyền sở hữu công nghiệp đối với tên thương mại theo quy định của pháp luật Việt Nam được xác lập trên cơ sở sử dụng hợp pháp tên thương mại

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 22/11/2022