Bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với tên thương mại theo quy định của pháp luật Việt Nam - 13

Trong trường hợp tách pháp nhân từ thành phần của pháp nhân đang tồn tại hình thành một pháp nhân mới, về mặt nguyên tắc các pháp nhân mới hình thành phải lựa chọn cho mình tên thương mại mới, bởi lý do tên thương mại cũ vẫn thuộc về pháp nhân đã tồn tại từ trước đó. Tương tự như trường hợp chia pháp nhân, ở đây cũng tồn tại trường hợp ngoại lệ phụ thuộc vào lĩnh vực, địa bàn hoạt động và việc bảo đảm lợi ích hợp pháp của các bạn hàng và người tiêu dùng.‌

3.2. Phương hướng và giải pháp cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động bảo hộ tên thương mại

3.2.1. Phương hướng

Phương hướng giúp nâng cao hiệu quả hoạt động tên thương mại dựa trên những nhiệm vụ cơ bản sau:

Cần tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ và có hiệu quả các quy định về xử lý các hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với tên thương mại.

Tăng cường trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp nói chung. Hoàn thiện cơ chế hoạt động của các cơ quan thực thi pháp luật.

Đẩy mạnh hoạt động bảo vệ tên thương mại nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với tên thương mại. Thực hiện việc xây dựng một quy trình chuẩn, quy trình mẫu để tiến hành xử lý những hành vi vi phạm.

Thường xuyên cập nhật cơ sở dữ liệu chung về tên thương mại phục vụ cho hoạt động quản lý việc đăng ký tên doanh nghiệp được bảo đảm chính xác, không trùng lặp.

3.2.2. Giải pháp cụ thể

Trên cơ sở những phương hướng trên, để nâng cao hiệu quả hoạt động bảo hộ tên thương mại cần tiến hành đồng bộ một số giải pháp sau:

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 104 trang tài liệu này.

Một là, áp dụng triệt để và phổ biến trình tự dân sự để điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh liên quan đến tên thương mại, đảm bảo thực thi theo hướng lấy trật tự dân sự làm biện pháp chủ yếu, còn chế tài hành chính chỉ được áp dụng như một biện pháp bổ sung cho trình tự dân sự khi có sự xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với tên thương mại.

Hai là, sắp xếp lại và tăng cường năng lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan thực thi pháp luật từ tòa án đến các cơ quan bảo đảm thực thi khác như: Thanh tra (nhà nước và chuyên ngành), cơ quan hải quan, Ủy ban nhân dân các cấp, cơ quan quản lý thị trường phải được tạo điều kiện áp dụng các biện pháp nhằm thực thi có hiệu quả, khắc phục sự chồng chéo, sắp xếp và phân định rõ ràng chức năng, quyền hạn của từng cơ quan theo hướng một cơ quan đầu mối, đó là thanh tra chuyên ngành, còn tòa án giải quyết các vụ kiện dân sự, Ủy ban nhân dân, thanh tra, quản lý thị trường quyết định xử phạt (tùy theo hình thức và mức phạt), hải quan kiểm soát ở biên giới về sở hữu trí tuệ. Cần phân định rõ chức năng của các cơ quan bảo vệ tên thương mại để tránh sự chồng chéo về thẩm quyền. Bên cạnh đó, đối với mỗi cơ quan cần phải sắp xếp, tinh gọn lại bộ máy tổ chức, xây dựng cơ chế hoạt động phù hợp, có hiệu quả, chú ý đến công tác bồi dưỡng nâng cao năng lực và nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác chuyên môn.

Bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với tên thương mại theo quy định của pháp luật Việt Nam - 13

Pháp luật cần phải có những biện pháp chặt chẽ, nghiêm khắc để lập lại trật tự trong việc phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước các cấp nhằm bảo đảm hiệu quả của công tác thi hành pháp luật về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với tên thương mại nói riêng.

Mặc dù tên thương mại ở Việt Nam được bảo hộ không qua thủ tục đăng ký và việc đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp không làm phát sinh

quyền đối với tên thương mại, nhưng theo pháp luật Việt Nam thì cá nhân, tổ chức chưa đăng ký kinh doanh thì không được phép hoạt động kinh doanh. Kinh doanh mà chưa đăng ký là vi phạm pháp luật. Như vậy, trên thực tế, chủ thể kinh doanh chỉ có thể sử dụng tên thương mại sau khi đã đăng ký kinh doanh. Vì vậy, vai trò của cơ quan đăng ký kinh doanh là rất quan trọng. Pháp luật cần phải tăng cường hơn nữa trách nhiệm của cơ quan này trong việc cấp đăng ký kinh doanh, cụ thể là: Khi tổ chức, cá nhân đến xin đăng ký kinh doanh thì cơ quan này có nghĩa vụ hướng dẫn cho họ tham khảo tên của các doanh nghiệp đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh trước đó lưu giữ tại hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia xem có trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với những tên đó không. Khi phát hiện có dấu hiệu trùng hoặc gây nhầm lẫn thì cơ quan đăng ký kinh doanh phải từ chối đăng ký tên cho doanh nghiệp đó và hướng dẫn, tư vấn họ lựa chọn tên khác. Để làm được điều này, Nhà nước cần phải quan tâm, chú trọng việc đào tạo nâng cao trình độ nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ của cơ quan đăng ký kinh doanh; Bố trí cán bộ đảm nhận việc kiểm tra, rà soát tên của các doanh nghiệp đã đăng ký với tên của doanh nghiệp xin đăng ký kinh doanh trước khi cấp đăng ký để tránh hiện tượng tên trùng và gây nhầm lẫn.

Để tránh việc tên thương mại (phần tên riêng) giữa các chủ thể kinh doanh không bị trùng nhau, bên cạnh việc lập hệ thống tra cứu riêng của từng cơ quan xác lập quyền nhãn nhiệu (Cục Sở hữu trí tuệ) và cơ quan cấp đăng ký (Phòng Đăng ký kinh doanh - công nhận tên doanh nghiệp), cần có sự phối hợp trao đổi thông tin và liên thông tra cứu giữa cơ quan đăng ký kinh doanh và Cục Sở hữu trí tuệ khi công nhận tên riêng của tên thương mại của doanh nghiệp. Đó là cơ quan cấp đăng ký kinh doanh cần tra cứu phần tên riêng của tên thương mại với nhãn hiệu đã được bảo hộ trước thời điểm đăng ký của các doanh nghiệp khác trong trường hợp cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh.

Có thể yêu cầu tổ chức, cá nhân khi đăng ký kinh doanh phải tra cứu tên riêng của mình dự định đặt cho doanh nghiệp xem có trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu của tổ chức, cá nhân khác đã đăng ký trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh. Nếu làm như vậy, có thể khắc phục được tình trạng tên riêng trong tên thương mại của doanh nghiệp đăng ký sau lại trùng với tên riêng được sử dụng làm nhãn hiệu đang được bảo hộ của doanh nghiệp khác.

Ba là, nhanh chóng xây dựng và hiện đại hoá mạng thông tin về sở hữu công nghiệp trên cả nước, đồng thời tiếp tục cải cách hệ thống thông tin sở hữu trí tuệ với mục tiêu nâng cao năng lực tài nguyên thông tin và năng lực vận hành của cả hệ thống. Mở rộng diện những người dùng tin, tạo sự gần gũi, hấp dẫn đối với toàn xã hội, nối mạng giữa trung tâm thông tin sở hữu trí tuệ của Cục Sở hữu trí tuệ với tất cả các bộ, ngành, địa phương nhằm bảo đảm thông tin nhanh, chính xác đáp ứng yêu cầu của tất cả các đối tượng có liên quan.

Bốn là, có chính sách, biện pháp khuyến khích, thúc đẩy các doanh nghiệp và chủ sở hữu tên thương mại áp dụng các biện pháp tự bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp của mình.

Năm là, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về sở hữu trí tuệ nói chung trong nhà trường, trong các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, các doanh nghiệp và mọi tầng lớp nhân dân. Đồng thời, Nhà nước cần có chính sách khuyến khích, động viên các đối tượng trong xã hội, nhất là thu hút các doanh nghiệp – chủ thể quyền sở hữu công nghiệp tham gia tích cực hơn vào bảo vệ sở hữu trí tuệ.

KẾT LUẬN

Tên thương mại thuộc tài sản trí tuệ, vì vậy cần chú ý xây dựng và bồi đắp ngay khi doanh nghiệp ra đời. Khi lựa chọn tên thương mại cần lưu ý: Phần phân biệt nên là tập hợp chữ, dễ phát âm, dễ nhớ với số đông người giao tiếp ở thị trường doanh nghiệp kinh doanh. Nếu có ý định hoạt động ở nước ngoài thì không nên chọn tập hợp chữ có dấu vì khó phát âm. Cần chú ý nghĩa của tập hợp các chữ, không có nghĩa xấu gây phản cảm. Tên thương mại của mình không trùng hoặc gây nhầm lẫn với doanh nghiệp khác trong cùng lĩnh vực kinh doanh, hoặc nhẫm lẫn với nhãn hiệu hàng hoá nổi tiếng của người khác, không vi phạm điều cấm. Lựa chọn dấu hiệu chữ tạo ấn tượng về phong cách (tin cậy, năng động). Để đảm bảo khả năng phân biệt phải rà soát tên thương mại của các doanh nghiệp khác hoạt động trong cùng lĩnh vực, cùng thị trường để tránh tên thương mại của mình xung đột (trùng, không có thể phân biệt) với các tên thương mại đã có.

Bảo hộ tên thương mại là một công cụ pháp lý hữu hiệu nhằm cá thể hóa hoạt động kinh doanh, chủ thể kinh doanh và ngăn chặn các hành vi sử dụng uy tín kinh doanh của người khác một cách không lành mạnh. Trong phạm vi đề tài nghiên cứu này, tác giả đề cập đến việc tìm hiểu khái quát về tên thương mại, những nội dung cơ bản của việc bảo hộ tên thương mại theo pháp luật Việt Nam, tìm hiểu thực trạng pháp luật và thực trạng hoạt động bảo hộ tên thương mại ở nước ta hiện nay. Trên cơ sở nghiên cứu thực tiễn bảo hộ tên thương mại ở Việt Nam và tham khảo kinh nghiệm của các nước trên thế giới về vấn đề này, tác giả đưa ra phương hướng, kiến nghị những giải pháp nhằm hoàn thiện pháp luật và nâng cao hiệu quả hoạt động bảo hộ tên thương mại.

Việt Nam đã là thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại Thế giới WTO, đây là cơ hội và là điều kiện thuận lợi cho nước ta hội nhập với

nền kinh tế thế giới để phát triển kinh tế đất nước, song đó cũng là thách thức lớn đối với Việt Nam trong vấn đề bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ mà trước hết là việc thực hiện các nghĩa vụ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đã cam kết, đồng thời phải tạo được môi trường cạnh tranh lành mạnh, công bằng để các nhà đầu tư nước ngoài có thể yên tâm đầu tư vào nước ta mà không sợ bị xâm hại bởi các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng. Đó là những việc làm hết sức cần thiết để thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam phát triển, vươn lên sánh vai với các quốc gia khác trong khu vực và trên thế giới.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO


1. Chính Phủ (1996), Nghị định số 63/CP ngày 24/10/1996 quy định chi tiết về sở hữu công nghiệp, Hà Nội.

2. Chính Phủ (2000), Nghị định số 54/2000/NĐ-CP ngày 3/10/2000 về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với bí mật kinh doanh, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại và bảo hộ quyền chống cạnh tranh không lành mạnh liên quan tới sở hữu công nghiệp, Hà Nội.

3. Chính Phủ (2006), Nghị định số 88/2006/NĐ-CP ngày 29/8/2006 hướng dẫn về đăng ký kinh doanh, Hà Nội.

4. Chính Phủ (2006), Nghị định số 105/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ, Hà Nội.

5. Chính Phủ (2006), Nghị định số 106/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính về sở hữu công nghiệp, Hà Nội.

6. Chính Phủ (2010), Nghị định số 43/2010/NĐ-CP ngày 15/4/2010 về đăng ký doanh nghiệp, Hà Nội.

7. Chính Phủ (2010), Nghị định số 97/2010/NĐ-CP ngày 21/9/2010 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính về sở hữu công nghiệp, Hà Nội.

8. Công ước Paris năm 1883 (sửa đổi, bổ sung năm 1976)

9. Đỗ Thị Mỹ Liên (2008), “Bảo hộ tên thương mại những bất cập từ thực tế”,

Tạp chí Doanh nghiệp và Hội nhập, (11).

10. Lê Tùng (2007), “Tên thương mại và nhãn hiệu - từ cách định nghĩa đến tình huống pháp lý có thể phát sinh”, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, (7).

11. Lê Văn Kiều (2008), “Hưng Thịnh là của ai?”, Báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh, (166).

12. Nguyễn Mạnh Hiền (2009), “Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ”, Báo Nhân dân,

(28/6).

13. Nguyễn Thị Quế Anh (2000), “Bảo hộ tên thương mại ở Việt Nam và một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật về bảo hộ tên thương mại”, Tạp chí Khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội, Chuyên san Kinh tế - Luật, (4).

14. Nguyễn Thị Quế Anh (2002), “Một số vấn đề về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với tên thương mại trên thế giới”, Tạp chí Khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội, Chuyên san Kinh tế - Luật, (2).

15. Phạm Duy Nghĩa (1999), Tìm hiểu Luật Thương mại Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.

16. Phan Thị Thanh Hà (2000), Báo cáo tại Hội thảo về bảo hộ các đối tượng sở hữu công nghiệp mới ở Việt Nam, Hà Nội.

17. Quốc hội (1995), Bộ luật Dân sự năm 1995, Hà Nội

18. Quốc hội (2005), Bộ luật Dân sự năm 2005, Hà Nội

19. Quốc hội (2005), Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2005, Hà Nội

20. Quốc hội (2005), Luật Doanh nghiệp năm 2005, Hà Nội

21. Quốc hội (2005), Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, Hà Nội

22. Quốc hội (2005), Luật Thương mại năm 2005 , Hà Nội

23. Trần Thanh Lâm (2008), “Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong bối cảnh hội nhập và xây dựng nền kinh tế tri thức”, Tạp chí Cộng sản, (18).

24. Trường Đại học Luật Hà Nội (2008), Giáo trình Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội.

25. Ủy ban Thường vụ Quốc hội (1999), Pháp lệnh Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 1999, Hà Nội.

Trang WEB:

26. www.International Intellectual Property/Alliance 2006/Special Report 301.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 22/11/2022