nhanh chóng. Chính vì vậy Nhật Bản đã nhận ra rằng cần phải sửa đổi hệ thống đảm bảo xã hội để phù hợp với với sự chuyển hóa sang xã hội người già thế kỷ 21. Trước tiên, trong gia đoạn suy thoái ngay sau cuộc khủng hoảng dầu lửa, Luật Bảo hiểm việc làm (1974) được ban hành thay thế cho Luật Bảo hiểm thất nghiệp năm 1947. Luật này đã đề cập toàn diện đến các khía cạnh của vấn đề việc làm, ngoài việc cung cấp lợi ích thất nghiệp còn ngăn chặn vấn đề thất nghiệp, ổn định công việc và giúp đỡ việc phát triển kỹ năng nghề nghiệp.
Vào đầu những năm 1980 bắt đầu có những cuộc cải cách bảo hiểm xã hội, chú trọng đến việc cải cách chế độ chăm sóc y tế và chế độ hưu trí, thắt chặt lợi ích, hạn chế việc tăng thuế và gánh nặng chi trả bảo đảm xã hội, và đề ra kế hoạch chiến lược 10 năm tăng cường sức khỏe và phúc lợi cho người già (Kế hoạch vàng) vào năm 1989. Chương trình đặt ra là mở rộng các cơ sở cho người già cần được chăm sóc và các dịch vụ tại nhà. Tiếp theo là Kế hoạch vàng mới vào năm 1994 nhằm khắc phục những hạn chế của Kế hoạch vàng. Tháng 4 năm 2000 chế độ bảo hiểm chăm sóc lâu dài ra đời đánh dấu một bước phát triển quan trọng trong việc chăm sóc người già. Từ đó đến nay, Nhật Bản tiến hành nhiều cuộc cải cách nhằm điều chỉnh hệ thống BHXH cho phù hợp với tình hình thực tiễn. Hiện nay, hệ thống BHXH của Nhật Bản đã tương đối hoàn thiện và phát huy hiệu quả trong việc đảm bảo an sinh xã hội cho nhân dân. [8, 14, 15].
2.2. Các chế độ cơ bản của bảo hiểm xã hội Nhật Bản
2.2.1. Chế độ hưu trí
Chế độ hưu trí Nhật Bản là chế độ đa tầng, bao gồm các chế độ của nhà nước và của tư nhân. Sự khác biệt giữa chế độ hưu trí nhà nước và của tư nhân thể hiện ở chỗ người đứng ra bảo hiểm là nhà nước hay tư nhân. Chế độ
hưu trí Nhật Bản bao gồm 3 loại: Loại 1 gọi là Hưu trí cơ bản, cung cấp mức tiền hưu như nhau đối với mọi đối tượng. Vì mức tiền hưu không liên quan đến mức thu nhập nên mục đích của chế độ này là cung cấp phần thu nhập đảm bảo cho tuổi già và áp dụng cho mọi đối tượng dân cư. Loại thứ hai là Bảo hiểm hưu trí cho người làm công ăn lương áp dụng với tất cả các đối tượng làm công ăn lương và mức chi trả tùy theo thu nhập. Chế độ này bắt buộc mọi công ty quy mô vừa trở lên đều phải tham gia và phí bảo hiểm được chia sẻ ngang nhau giữa chủ doanh nghiệp và người lao động. Cả loại 1 và loại 2 đều do nhà nước điều hành, quản lý, do đó gọi là hưu trí công cộng. Loại thứ ba là Hưu trí tự nguyện, do các công ty tư nhân đóng cho công nhân hoặc những quỹ hưu trí tập thể đóng cho những người làm cá thể và nhà nước là người đứng ra bảo hiểm. Ngoài ra còn có loại hình hoàn toàn tư nhân do các công ty bảo hiểm cuộc sống đưa ra cung cấp những dịch vụ bảo hiểm phụ thêm cho những người muốn mua bảo hiểm này.
Các chương trình trong loại 1 và loại 2 đối với người làm công ăn lương được điều hành chung và tỉ lệ đóng góp cá nhân bao gồm sự đóng góp cho cả hai chương trình. Do vậy, trong nhiều trường hợp, cụm từ “bảo hiểm hưu trí người làm công ăn lương” đề cập đến cả hai. Bảo hiểm hưu trí cho người làm công ăn lương chi trả cả cho người lao động lẫn vợ/chồng của họ. Hưu trí cơ bản cho người kinh doanh cá thể, nông dân và những người thất nghiệp do các địa phương đảm nhiệm và do đó gọi là hưu trí theo khu vực. Để được nhận tiền hưu này, đòi hỏi phải có ít nhất 25 năm đóng bảo hiểm. Những người phục vụ công chúng có chương trình hưu trí riêng gọi là hưu trí hỗ trợ song phương, bao gồm cả tỉ lệ lương cơ bản lẫn tỉ lệ thu nhập liên quan. Do vậy về cơ bản, toàn bộ người đã trưởng thành đều được bảo hiểm bởi quỹ bảo hiểm hưu trí quốc gia hoặc quỹ hỗ trợ song phương.
Có thể bạn quan tâm!
- Lịch Sử Ra Đời Và Phát Triển Của Bảo Hiểm Xã Hội
- Những Nhân Tố Ảnh Hưởng Tới Việc Xây Dựng Và Thực Hiện Các Chế Độ Bảo Hiểm Xã Hội
- Quá Trình Hình Thành Và Phát Triển Của Bhxh Nhật Bản
- Chi Phí Chăm Sóc Y Tế Theo Nghĩa Vụ Pháp Lý (1990 – 2003)
- Cải Cách Chế Độ Bảo Hiểm Việc Làm
- Chế Độ Bảo Hiểm Chăm Sóc Lâu Dài
Xem toàn bộ 102 trang tài liệu này.
Hưu trí quốc gia
Tất cả mọi công dân Nhật Bản tuổi từ 20 đến 60 đều có thể và yêu cầu tham gia vào chương trình Hưu trí quốc gia. Người làm công ăn lương đương nhiên là thành viên của Chương trình hưu trí quốc gia khi họ có bảo hiểm hưu trí người làm công ăn lương. Đối tượng tham gia Hưu trí quốc gia chủ yếu là nông dân và người lao động tự do. Mức phí bảo hiểm của đối tượng này cố định ở mức 13.300 yên mỗi tháng, đóng tối thiểu là 25 năm. Tuy nhiên những người có thu nhập thấp và vợ/chồng của người làm công không đi làm được miễn giảm mức phí đóng, một phần hoặc toàn bộ. Lợi ích được hưởng hiện nay được chi trả bằng nguồn thu phí bảo hiểm hiện tại (chế độ pay-as-you- go), nhưng 1/3 của mức thụ hưởng phải lấy từ ngân sách chung của chính phủ. Mức thụ hưởng như nhau đối với tất cả mọi người.
Hiện tại chỉ có từ 1 đến 2% những người trong diện đóng bảo hiểm Hưu trí cơ bản không tham gia, và 96% số người già 60 tuổi trở lên nhận tiền hưu trí cơ bản. Do vậy có thể nói chương trình này đã đạt được mức phổ biến đối với toàn dân. Mức thụ hưởng tối đa sau 40 năm đóng góp là 66.200 yên/tháng cho những người ở tuổi 65. Mức hưởng này có thể được điều chỉnh dựa vào biến động giá cả. Người tham gia hệ thống có thể yêu cầu được chi trả trong độ tuổi từ 60 đến 70 và mức hưởng sẽ ít hơn nếu bắt đầu nhận trước tuổi 65, nhiều hơn nếu nhận từ 65 tuổi trở lên [7, tr.67-69].
Bảo hiểm hưu trí người làm công ăn lương
Bảo hiểm hưu trí người làm công ăn lương tạo nên phần cơ bản trong đảm bảo thu nhập của người về hưu. Tất cả các chủ lao động của cơ sở sản xuất có từ 5 công nhân trở lên bắt buộc phải đóng loại bảo hiểm này cho người lao động. Mức phí bảo hiểm đối với cả người lao động lẫn chủ lao động là 8,675% mức lương của người lao động (gồm cả phí bảo hiểm cho chương trình hưu trí quốc gia), và mức hưởng lợi ích hưu trí liên quan đến thu nhập của họ. Không có chế độ miễn giảm đối với người/hộ gia đình hoặc chủ lao động có thu nhập thấp, nhưng chủ lao động của những người nghỉ sinh con (tính cho đến khi đứa trẻ 1 tuổi) thì được miễn đóng phí bảo hiểm. Tuy nhiên,
mức phí trần được tính bằng tỉ lệ phí bảo hiểm nhân với 590.000 yên (lương tháng tối đa). Trung bình mức thụ hưởng hàng tháng của người già là 176.000 yên, bằng 56% lương trung bình hàng tháng của người tham gia bảo hiểm.
Hưu trí kết hợp và những phụ cấp hưu trí
90% số công ty Nhật Bản thực hiện chế độ hưu trọn gói đối với công nhân của mình. Chế độ hưu trọn gói có thể hiểu là chế độ phụ cấp hưu trí dứt điểm một lần hoặc cả đời hoặc hưu trí trong quãng thời gian nhất định, hoặc cả hai. Mặc dù tiền hưu tăng dần theo tỉ lệ thu nhập, phụ cấp hưu trí một lần theo truyền thống vẫn là nguồn chính và hầu hết người làm công ăn lương lựa chọn kiểu nhận một phần hoặc toàn bộ số tiền một lần. Do vậy, hưu trí công cộng, hưu trí tư nhân và trợ cấp về hưu trọn gói đã trợ giúp người về hưu đảm bảo duy trì thu nhập.
Có hai loại chương trình hưu trí kết hợp: Loại chương trình hưu trí với mức hưởng xác định (defined-benefit, DB) và loại chương trình hưu trí mức đóng góp xác định (defined-contribution, DC). Chương trình hưu trí với mức hưởng xác định bao gồm Quỹ hưu trí người làm công ăn lương và Hưu trí hưởng theo thuế đóng góp (có thời hạn trong 10 năm). Quỹ hưu trí người làm công ăn lương là quỹ được lập ra ở các công ty có hơn 500 lao động để giúp người lao động đảm bảo mức hưởng lợi cao hơn từ quỹ hưu dựa trên sự đóng góp của chủ lao động là 1,6% và người lao động là 1,9% mức lương của người lao động. Hiện nay có khoảng 36% số công nhân tham gia vào chương trình này. Mức hưởng tùy thuộc vào từng cơ sở lao động, nhưng thường có giá trị bằng 39 đến 46 tháng lương của người lao động đối với người làm hết thời hạn. Bảo hiểm hưu trí người làm công ăn lương và Quỹ hưu trí người làm công ăn lương liên quan mật thiết với nhau. Và mặc dù đây là một quỹ hưu trí kết hợp, bán công và được hưởng ưu đãi về thuế, nhưng đồng thời chịu sự điều hành chặt chẽ của nhà nước. Chương trình hưu trí hưởng theo thuế đóng góp là hình thức phổ biến thư hai sau trợ cấp hưu trí cả cục. Theo chương
trình này, chủ lao động được phép miễn thuế hợp tác. Hiện tại, có khoảng 31% công nhân tham gia vào chương trình này. Chương trình hưu trí hưởng theo thuế đóng góp có dạng có thời hạn cố định (thường là 10 năm).
Các chương trình hưu trí đóng góp xác định có hai loại: dựa trên cơ sở cá nhân và dựa trên cơ sở hợp tác. Chương trình đóng góp xác định trên cơ sở cá nhân dành cho người làm tư và được đề ra nhằm áp dụng với những người tự doanh có nguyện vọng hưởng hưu trí. Chương trình này do Hội quỹ hưu trí quốc gia điều hành và phí đóng góp do cá nhân tự trả. Hưu trí đóng góp xác định dựa trên cơ sở hợp tác là một kiểu hưu trí hợp tác. Các hợp tác xã có thể đưa ra kiểu hưu trí này cho người lao động, phí bảo hiểm hoàn toàn do các chủ lao động trả. [8, 14].
2.2.2. Chế độ bảo hiểm việc làm
Trước tình hình kinh tế hỗn loạn sau chiến tranh thế giới thứ hai, chính phủ Nhật Bản đã ban hành Luật Bảo hiểm thất nghiệp vào năm 1947 nhằm đảm báo cuộc sống của những người thất nghiệp. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ lớn lao trong chương trình khắc phục tình hình thất nghiệp quốc gia, luật này chính thức được hủy bỏ vào năm 1975 và được thay thế bằng Luật Bảo hiểm việc làm nhằm đảm bảo mức thu nhập cơ bản cho người thất nghiệp và cũng đồng thời để ngăn chặn tình trạng thất nghiệp trong điều kiện việc làm khó khăn sau cuộc khủng hoảng dầu lửa năm 1973.
Bảo hiểm việc làm ở Nhật Bản có hai chức năng. Chức năng thứ nhất là cấp tiền cho người làm công ăn lương trong trường hợp họ bị mất việc. Chức năng thứ hai là hỗ trợ chủ lao động để tránh tình trạng sa thải lao động. Chức năng thứ nhất gọi là Lợi ích thất nghiệp, và chức năng thứ hai bao gồm ba yếu tố gọi là: Dịch vụ ổn định việc làm, Dịch vụ phát triển nguồn nhân lực và Dịch vụ phúc lợi người làm công ăn lương. Ba dịch dịch vụ bảo hiểm việc làm trên là để ngăn chặn tình trạng thất nghiệp và để những công nhân đã bị
thất nghiệp tìm được việc làm lại nhanh chóng bằng sự phối hợp giữa các chương trình lợi ích bảo hiểm. Chi phí cho việc duy trì chế độ bảo hiểm việc làm lấy từ sự đóng góp của nơi đứng ra bảo hiểm, các chủ lao động và ngân sách quốc gia.
a) Trợ cấp thất nghiệp
Đây là loại trợ cấp phổ biến nhất trong chế độ bảo hiểm việc làm. Lợi ích thất nghiệp cũng rất đa dạng như lợi ích cho người nộp đơn tìm việc làm, lợi ích về đào tạo và tập huấn, lợi ích tiếp tục thuê mướn. Nếu người đóng bảo hiểm bị thất nghiệp thì được nhận trợ cấp cơ bản trong những ngày không có việc làm. Trong trường hợp người đủ tiêu chuẩn nhận trợ cấp tham gia vào đào tạo hướng nghiệp chung theo yêu cầu của Văn phòng đảm bảo việc làm thì cũng được trả phụ cấp đào tạo kỹ năng. Khi không có khả năng làm việc do ốm đau hoặc bị thương thì được nhận phụ cấp ốm đau, bị thương thay cho trợ cấp cơ bản.
Đối với người làm công bình thường, điều kiện cần thiết để được hưởng trợ cấp là đã được bảo hiểm ít nhất 6 tháng trong năm trước khi bị thất nghiệp. Thời hạn nhận trợ cấp tùy thuộc vào tuổi của người được hưởng và số năm đóng bảo hiểm. Từ tháng 4 năm 2001, thời gian được hưởng trợ cấp phụ thuộc vào lý do thất nghiệp, nghĩa là thất nghiệp tự nguyện hay bắt buộc (do bị sa thải hay công ty bị phá sản).
b) Dịch vụ ổn định việc làm
Dịch vụ ổn định việc làm được tiến hành đối với những người có bảo hiểm đang làm việc hoặc trong thời gian chuyển đổi công việc nhằm tăng thêm cơ hội việc làm hoặc ổn định việc làm. Dịch vụ ổn định việc làm được tiến hành thông qua trợ cấp cho các chủ doanh nghiệp trong các trường hợp sau:
Một là, trong trường hợp chủ lao động buộc phải cắt giảm các hoạt động kinh doanh do sự biến động kinh tế thì chủ lao động được nhận trợ cấp để tranh việc sa thải hay để tiến hành đào tạo nghề cho công nhân, hoặc tiến hành các biện pháp cần thiết khác để ổn định việc làm cho họ.
Hai là, những chủ lao động mở rộng việc làm cho người già bằng cách tăng tuổi về hưu, giúp những người về hưu được tuyển dụng lại hoặc thuê người già. Những chủ lao động tiến hành các biện pháp cần thiết để ổn định việc làm cho người già cũng được nhận trợ cấp để đưa ra các chế độ thuê mướn liên tục, để khuyến khích tuyển dụng nhiều người già.
Ba là, các chủ lao động mới tuyển lao động do chuyển công việc tới các khu vực có nhiều người cần việc làm, các chủ lao động thuê lao động suốt cả năm ở những vùng có nhiều người thất nghiệp theo thời vụ sinh sống… được nhận loại trợ cấp phát triển việc làm địa phương và trợ cấp để khuyến khích tuyển dụng quanh năm.
Bốn là, những chủ lao động tiến hành các biện pháp cần thiết để tăng cường thuê mướn những người tàn tật về thể chất và những người gặp khó khăn trong việc tìm việc làm khác…được nhận loại trợ cấp phát triển việc làm đặc biệt.
c) Dịch vụ phát triển nguồn nhân lực
Các dịch vụ phát triển khả năng giúp cho những người được bảo hiểm nâng cao năng lực, để giúp họ có thể đánh giá và tìm được việc nào phù hợp với khả năng của mình. Để làm được điều này, nhà nước đã tiến hành các dịch vụ cụ thể sau: giúp đỡ đào tạo nghề qua các chủ lao động; hưởng lợi ích phát triển khả năng suốt đời; tăng cường và củng cố đào tạo nghề công; đào tào chuyên môn phù hợp với nơi làm việc; thực hiện và giúp đỡ việc đánh giá kỹ năng.
d) Dịch vụ phúc lợi cho người làm công
Các dịch vụ phúc lợi cho người làm công bao gồm các nội dung cần thiết để cải thiện các điều kiện môi trường trong đời sống công việc của người được bảo hiểm, giúp đỡ họ tìm việc làm và các dịch vụ khác để nâng cao phúc lợi. Các hình thức dịch vụ đặc biệt bao gồm:
- Thiết lập và đưa vào hoạt động nơi ở tạm thời cho những người di chuyển chỗ ở do công việc.
- Giúp đỡ tư vấn và các dịch vụ khác cho công nhân để có việc làm, chuyển đổi công việc và thiết lập, đưa vào hoạt động các cơ sở nhằm mục đích trên.
- Trợ giúp khi cần thiết, kể cả việc cho vay và đưa ra ý kiến tham khảo cá nhân nhằm giúp người tìm việc kiếm được việc làm.
- Chủ trì việc nghiên cứu và học hỏi, thu nhập và phân tích các tài liệu liên quan, đảm bảo việc làm, kể cả việc thích ứng với công việc mới. [8, 14].
2.2.3. Chế độ bảo hiểm y tế
Bắt đầu từ năm 1961, Nhật Bản đã thực hiện chế độ bảo hiểm y tế toàn dân. Bảo hiểm y tế toàn dân chia thành 2 loại hình lớn: Bảo hiểm y tế quốc gia và Bảo hiểm y tế người làm công ăn lương. Mọi người đều bắt buộc phải tham gia vào một trong hai loại bảo hiểm này.
Bảo hiểm y tế quốc gia
Bảo hiểm y tế quốc gia áp dụng cho các đối tượng: không được thuê mướn (phụ nữ mang thai, học sinh, người về hưu…), người làm tư, người làm nông nghiệp… Trong hầu hết các trường hợp, chính quyền thành phố là nơi đứng ra bảo hiểm. Tất cả các chương trình bảo hiểm y tế công được trang trải bởi phí bảo hiểm, trợ cấp từ ngân sách chung của chính phủ, và cùng chi trả của bệnh nhân. Đối với Bảo hiểm y tế quốc gia, mức phí bảo hiểm khác nhau giữa các địa phương và luôn dựa trên cơ sở thu nhập, tài sản và số người trong mỗi hộ. Bảo hiểm y tế quốc gia được trang trải bởi trợ cấp của chính