Theo quy định Luật THADS sửa đổi 2014 thì “Khi kê biên quyền sử dụng đất, chấp hành viên yêu cầu người phải thi hành án, người đang quản lý giấy tờ về quyền sử dụng đất phải nộp các giấy tờ đó cho cơ quan thi hành án dân sự”. Sau khi có được giấy tờ về quyền sử dụng đất Chấp hành viên đến UBND địa phương tiến hành tách thửa đất để thi hành án. Nhưng nếu diện tích đất đề nghị tách thửa không đáp ứng yêu cầu về diện tích tối thiểu mà pháp luật đất đai quy định thì sẽ bị UBND từ chối dẫn tới việc thi hành án chỉ nằm trên giấy tờ mà không đem lại hiệu quả trên thực tế. Trường hợp diện tích đất đủ để tách thửa, thì vấn đề xác định vị trí của thửa đất bị kê biên sẽ xác định như thế nào? Nếu hai bên không thống nhất được thì sẽ giải quyết như ra sao? … hiện pháp luật chưa có hướng dẫn cụ thể, dẫn đến việc kê biên trong thực tế bị kéo dài, không bảo đảm được quyền lợi của người được thi hành án.
3.1.2.4. Khó khăn trong việc cưỡng chế buộc chuyển giao vật, chuyển giao quyền tài sản, giấy tờ
Trong các biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự được quy định tại Điều 71 Luật thi THADS sửa đổi 2014 thì buộc chuyển giao quyền tài sản, giấy tờ là một trong những biện pháp không phức tạp nhưng lại rất khó khăn khi áp dụng vào thực tiễn. Đó là vấn đề thu hồi giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản của đối tượng phải thi hành án sau khi cưỡng chế thi hành án mà không thu hồi được. Điều 116 Luật THADS sửa đổi 2014 quy định: khi bản án tuyên trả giấy tờ mà người phải thi hành án không tự nguyện thực hiện thì:
Chấp hành viên ra quyết định cưỡng chế buộc người phải thi hành án trả giấy tờ cho người được thi hành án. Trường hợp người phải thi hành án không thực hiện thì Chấp hành viên cưỡng chế buộc người đó trả giấy tờ để thi hành án. Trường hợp xác định người thứ ba đang giữ giấy tờ phải trả thì Chấp hành viên yêu cầu người đó giao
giấy tờ đang giữ, nếu người thứ ba không tự nguyện giao thì Chấp hành viên cưỡng chế buộc người đó giao giấy tờ để thi hành án.
Tuy nhiên khi thực thi trên thực tế thì việc cưỡng chế gần như không đạt được mục đích, đa phần người phải thi hành án che dấu hoặc hủy hoại giấy tờ, Chấp hành viên không thể nào lấy được giấy tờ trả lại cho người được thi hành án. Trong trường hợp này Chấp hành viên căn cứ vào tình hình thực tế mà xử lý như sau:
- Đối với giấy tờ không thể thu hồi được nhưng có thể cấp lại: Chấp hành viên yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền ra quyết định hủy giấy tờ đó và cấp giấy tờ mới cho người được thi hành án. Giải pháp này đã khắc phục được tình trạng bất hợp tác của người phải thi hành án nhưng lại gặp phải một khó khăn khác đó là yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền ra quyết định hủy giấy tờ đó và cấp giấy tờ mới của Chấp hành viên có thể không được cơ quan có thẩm quyền chấp nhận. Cụ thể là UBND địa phương sẽ căn cứ khoản 2 Điều 106 Luật Đất đai 2013 và khoản 6 Điều 87 nghị định 43/2013/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều luật Đất đai 2013:“Việc thu hồi Giấy chứng nhận đã cấp không thuộc trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 106 của Luật Đất đai chỉ được thực hiện khi có bản án hoặc quyết định của Tòa án nhân dân đã được thi hành”. Như vậy, cơ quan THADS căn cứ đoạn 1 khoản 2 Điều 116 Luật THADS để thi hành án là không có tác dụng.
- Đối với giấy tờ không thể thu hồi và cũng không thể cấp lại được: Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định trả đơn yêu cầu thi hành án và hướng dẫn đương sự khởi kiện yêu cầu Toà án giải quyết. Tuy nhiên, vì giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản bao gồm: giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở; giấy đăng ký xe mô tô, xe máy; giấy đăng ký xe ô tô… không phải là giấy tờ có giá theo quy định tại Điều 163 BLDS 2005 nên người dân có khởi kiện Tòa án cũng không thụ lý
giải quyết. Với quy định của pháp luật như vậy, vụ việc cưỡng chế trả lại giấy tờ gần như bế tắc, quyền và lợi ích của người được thi hành án sẽ không được khôi phục. Vì vậy, việc sử dụng biện pháp này chỉ được thực hiện khi không còn giải pháp nào khác.
3.1.2.5. Khó khăn trong việc Buộc người phải thi hành án thực hiện hoặc không được thực hiện công việc nhất định
Có thể bạn quan tâm!
- Bảo Đảm Quyền Và Lợi Ích Hợp Pháp Của Người Được Thi Hành Án Từ Phía Chấp Hành Viên Trong Quá Trình Thi Hành Án Dân Sự
- Bảo Đảm Quyền Và Lợi Ích Hợp Pháp Của Người Được Thi Hành Án Từ Phía Cá Nhân, Cơ Quan, Và Các Tổ Chức Khác
- Thực Tiễn Bảo Đảm Quyền Và Lợi Ích Hợp Pháp Của Người Được Thi Hành Án Thông Qua Biện Pháp Tạm Dừng Việc Đăng Ký, Chuyển Quyền Sở
- Bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người được thi hành án theo pháp luật thi hành án dân sự Việt Nam hiện hành - 12
Xem toàn bộ 100 trang tài liệu này.
Một trong những hình thức thường xuyên áp dụng trong biện pháp cưỡng chế thi hành án này là buộc giao người chưa thành niên cho người khác nuôi dưỡng. Luật THADS 2014 quy định:
Chấp hành viên ra quyết định buộc giao người chưa thành niên cho người được giao nuôi dưỡng theo bản án, quyết định. Trước khi cưỡng chế giao người chưa thành niên cho người được giao nuôi dưỡng, Chấp hành viên phối hợp với chính quyền địa phương, tổ chức chính trị - xã hội tại địa phương đó thuyết phục đương sự tự nguyện thi hành án.
Mục đích của biện pháp này mang tính đạo đức và nhân văn rất cao, hướng tới lợi ích tốt nhất của người chưa thành niên, tuy nhiên trong thực tế, việc giao người chưa thành niên cho người khác nuôi dưỡng gặp rất nhiều khó khăn. Phần lớn biện pháp này áp dụng trong án ly hôn, cha mẹ người chưa thành niên đều muốn dành quyền nuôi con nên người phải thi hành án không tự nguyện, cố tình đem người chưa thành niên trốn tránh và bản thân người phải thi hành án có biểu hiện chống đối thái quá Chấp hành viên gây khó khăn cho việc thi hành án.
3.2. Nguyên nhân của những khó khăn trong việc bảo đảm quyền và lợi ích của người được thi hành án
3.2.1. Nguyên nhân khách quan
- Thứ nhất, người phải thi hành án có thái độ bất hợp tác, chây ỳ, chống
đối. Khi người phải thi hành án không tự nguyện thi hành nghĩa vụ thì chấp thành viên sẽ áp dụng những biện pháp cưỡng chế buộc họ thực hiện đúng nội dung bản án, quyết định của Tòa án vì lợi ích của người được thi hành án. Lúc này quyền nhân thân, quyền tài sản và những lợi ích thiết thực của người phải thi hành án bị tác động trực tiếp. Do đó, trong giai đoạn này người phải thi hành án thường trì hoãn, trốn tránh làm cho việc thi hành án khó khăn, phức tạp, nhất là những trường hợp người phải thi hành án chưa thỏa mãn với kết quả giải quyết vụ việc của cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp.
- Thứ hai, chưa có sự phối hợp tốt giữa các ban ngành trong công tác thi hành án. Mặc dù Luật THADS đã dành riêng chương VIII (Điều 166 đến Điều 180) quy định trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, trong công tác thi hành án, tạo hành lang pháp lý cho việc phối hợp trong triển khai thi hành án dân sự. Tuy nhiên, việc phối hợp giữa các cơ quan đôi lúc chưa thống nhất, gắn kết. Nhiều trường hợp quy định của pháp luật THADS không được thực hiện đầy đủ, song không có chế tài cụ thể, đủ mạnh để các cơ quan hữu quan nghiêm chỉnh chấp hành.
- Thứ ba, chế đội đãi ngộ với Chấp hành viên, cán bộ, công chức làm công tác THADS chưa hợp lý. Trước tình hình kinh tế thị trường trong nước có nhiều chuyển biến phức tạp, sự xã hội hóa các lĩnh vực trong đời sống xã hội đã tác động không nhỏ đến bộ phận cán bộ làm công tác thi hành án. Trong những năm gần đây, tình trạng Chấp hành viên của cơ quan thi hành án các địa phương xin nghỉ việc, chuyển công tác có xu hướng gia tăng. Đặc biệt, trong tình hình phát triển thừa phát lại như hiện nay, chấp hành viên chuyển sang làm việc cho các tổ chức thừa phát lại rất nhiều. Điều này dẫn tới nguy cơ thiếu hụt đội ngũ chấp hành viên có năng lực và kinh nghiệm.
3.2.2. Nguyên nhân chủ quan
- Thứ nhất, một bộ phận cán bộ, công chức làm công tác THADS có
trình độ chuyên môn chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Đây là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến bản án, quyết định chưa được thi hành, bị tồn đọng. Do đó, công tác nâng cao trình độ cho cán bộ, công chức cơ quan thi hành án cần được chú trọng hơn nữa.
- Thứ hai, nhiều trường hợp Chấp hành viên chưa thật sự tích cực, quyết liệt với công việc. Đối với những án khó, việc thi hành án yêu cầu sự quyết liệt của Chấp hành viên nhưng điều này chưa được thể hiện nhiều, vẫn còn tình trạng Chấp hành viên ngại khó, ngại va chạm dẫn đến bức xúc cho đương sự.
- Thứ ba, vẫn còn trường hợp chấp hành viên vòi vĩnh, sách nhiễu đương sự, gây cản trở hoạt động thi hành án, làm xói mòn lòng tin của nhân dân vào pháp luật. Những năm qua, hàng loạt tiêu cực trong THADS đã được phát hiện và xử lý, có những trường hợp vi phạm bị xử lý hình sự, có những trường hợp người vi phạm là cán bộ lãnh đạo cấp cục,… Đây là một trong những nguyên nhân góp phần làm số lượng án tồn đọng chưa được thi hành nhiều.
3.2.3. Những bất cập đến từ quy định của pháp luật
Những phân tích về tình hình thực tiễn thi hành án thời gian qua ở phần trên đã cho thấy rất nhiều quy định của pháp luật hiện hành còn thiếu, chồng chéo, không có tính khả thi,... Vấn đề này đã trực tiếp hoặc gián tiếp làm hạn chế kết quả THADS nói chung và kết quả bảo vệ quyền lợi của người được thi hành án nói riêng. Chẳng hạn như: việc kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án đã bán, chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho người thứ ba gặp nhiều khó khăn do thiếu cơ sở pháp lý cho Chấp hành viên hủy bỏ giao dịch chuyển nhượng, tặng cho hợp pháp; Mâu thuẫn giữa pháp luật về THADS và pháp luật đất đai trong vấn đề thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp; Các quy định về cưỡng chế buộc chuyển giao vật, chuyển giao quyền tài sản, giấy tờ gần như không thực hiện được trên thực tế; …
3.3. Một số kiến nghị nâng cao hiệu quả bảo đảm quyền và lợi ích của người được thi hành án dân sự
3.3.1. Một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật thi hành án dân sự
Theo Luật THADS sửa đổi 2014, các quy định về biện pháp bảo đảm thi hành án cũng như biện pháp cưỡng chế thi hành án đã được hoàn thiện hơn. Các quy định về thời hiệu yêu cầu đã được điều chỉnh lại cả về thời gian và mốc tính; Bổ sung quy định về phong tỏa tài sản ở nơi gửi giữ... Tuy nhiên pháp luật THADS hiện hành vẫn tồn tại một số hạn chế nhất định, làm ảnh hưởng đến hiệu quả thi hành án. Để bảo đảm tốt hơn nữa quyền lợi cho người được thi hành án, tác giả kiến nghị cần hoàn thiện các quy định pháp luật về THADS ở một số điểm như sau:
3.3.1.1. Hoàn thiện quy định về biện pháp bảo đảm phong tỏa tài khoản, tài sản ở nơi gửi giữ
- Cần có quy định cụ thể để nhận biết các hành vi tẩu tán tiền trong tài khoản của người phải thi hành án. Hiện nay, giữa Chấp hành viên, nhân viên tổ chức tín dụng và người có tài khoản đang tồn tại các ý kiến tranh luận về việc phân định hành vi tẩu tán tiền trong tài khoản và các giao dịch thông thường để phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh của khách hàng. Sự phân định đó có ý nghĩa rất quan trọng trong việc áp dụng biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự và các chế tài cần thiết. Do đó, cần có quy định cụ thể về các hành vi tẩu tán tiền trong tài khoản để thực hiện việc phong tỏa tài khoản được chính xác, thuận tiện và tránh các khiếu nại của người phải thi hành án, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
- Cần có quy định tạo cơ sở pháp lý để đương sự tự mình có thể xác minh, thu thập thông tin về tài khoản của người phải thi hành án. Trong thi hành án dân sự, người được thi hành án có nghĩa vụ xác minh điều kiện thi
hành án của người phải thi hành án. Tuy vậy, như đã phân tích ở trên, hiện nay chưa có cơ chế để người được thi hành án thực hiện được việc xác minh, thu thập thông tin về tài khoản của người phải thi hành án. Vì vậy, trong điều kiện có thể, cần thành lập một cơ quan có thẩm quyền thu thập thông tin về tài khoản của các khách hàng tại các tổ chức tín dụng. Cơ quan này có nhiệm vụ cung cấp thông tin cho người được thi hành án hay cơ quan thi hành án dân sự theo quy định của pháp luật. Việc cập nhật và sử dụng số liệu, thông tin về tài khoản của khách hàng phải bảo đảm nguyên tắc bảo mật thông tin khách hàng, bảo đảm quyền lợi khách hàng và chỉ được cung cấp trong một số trường hợp nhất định theo quy định của pháp luật. Đây là cơ quan đặc biệt, do vậy, về quy chế tổ chức và hoạt động phải chặt chẽ, đồng thời yêu cầu cung cấp thông tin phải được thực hiện theo quy trình kiểm tra một cách chặt chẽ, nghiêm ngặt, tránh việc yêu cầu tùy tiện, lợi dụng việc khai thác thông tin để trục lợi, vi phạm pháp luật.
- Trước mắt, cần bổ sung các quy định cụ thể về trách nhiệm phối hợp kịp thời với Chấp hành viên, Cơ quan thi hành án dân sự để cung cấp đúng, đầy đủ và kịp thời các thông tin, số liệu về tài khoản của người phải thi hành án và các chế tài đặt ra nếu có vi phạm. Việc quy định chế tài đối với cơ quan, tổ chức đang quản lý tài khoản của người phải thi hành án phải hợp lý và đủ mạnh để đảm bảo tính răn đe.
3.3.1.2. Hoàn thiện quy định về thủ tục tạm giữ tài sản, giấy tờ
Đối với trường hợp đương sự đang giấu tài sản, giấy tờ trong thân thể hoặc đeo trang sức và kim khí quý, đá quý trên thân thể hiện nay chưa có quy định cụ thể về thủ tục tạm giữ. Do đó, khi Chấp hành viên thực hiện tạm giữ bị cho là xâm phạm đến thân thể của người phải thi hành án. Vì vậy, phải quy định cụ thể thủ tục tạm giữ giấy tờ, tài sản trong những trường hợp này, có thể yêu cầu sự tham gia của các cơ quan chức năng trong trường hợp cần thiết.
3.3.2. Một số kiến nghị nâng cao hiệu quả hoạt động thi hành án dân sự
3.3.2.1. Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền phổ biến pháp luật THADS
Một trong những nguyên nhân dẫn tới việc chấp hành các quyết định trong thi hành án dân sự là do đương sự, các tổ chức cá nhân có liên quan chưa nhận thức đúng vị trí của Chấp hành viên. Trong quá trình thực thi nhiệm vụ, chấp hành viên chính là đại diện cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, nhân danh quyền lực Nhà nước, thế nhưng những quyết định của chấp hành viên trong thời gian qua chưa được thực hiện một cách nghiêm túc.
Công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật và các giải pháp nâng cao nhận thức về pháp luật THADS có thể bao gồm các hoạt động sau đây:
- Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng nhất là báo, đài phát thanh, vô tuyến truyền hình, xây dựng các trang web hướng dẫn đầy đủ các thông tin liên quan đến pháp luật THADS, trả lời thắc mắc của độc giả một cách nhanh chóng và chính xác.
- In ấn và phát hành các tờ rơi về pháp luật THADS.
- Tiếp tục phối hợp với các cơ quan báo, đài, các hội, đoàn thể và trung tâm thông tin các ban ngành tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật THADS trên các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức các hoạt động tuyên truyền miệng thông qua các buổi sinh hoạt tập thể tại địa phương.
3.3.2.2. Nâng cao trình độ chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp cho chấp hành viên
Chấp hành viên là người trực tiếp thực hiện các hoạt động thi hành án dân sự. Do đó việc nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ cho đối tượng này có ý nghĩa rất quan trọng trong thực tiễn. Cần phải đảm bảo các chấp hành viên khi được giao và thực hiện nhiệm vụ có đủ trình độ, bản lĩnh để giải quyết các tình huống thực tế phát sinh, đủ khả năng thuyết phục, thậm chí là cưỡng chế tổ chức, cá nhân tuân thủ quyết định thi hành án. Muốn thực hiện điều này,