Bản sắc văn hóa Mường trong sáng tác của Hà Thị Cẩm Anh - 11

được chức quyền, điạ vị. Lão đã từng “ăn lá Cứt Chim để ỉa ra phân có màu đen thẫm rồi đi nằm viện, đút tiền cho bác sĩ khám bệnh, rồi lấy giấy chứng nhận bị bệnh kiết lị kinh niên để tránh nhập ngũ” [3, tr.37]. Lão từng bỏ rơi vạ Cát để cưới con ông cán bộ tổ chức dưới tỉnh vừa già vừa xấu để tiến thân. Không những vậy, để có bằng cấp, lão còn sửa cả bằng tốt nghiệp của người em, sửa tên Giác thành tên Giáp. Lão Giáp chính là “con thú ác bao giờ cũng có bộ lông rất đẹp !” [3, tr.39]. Quả thật, bộ mặt đểu giả của hắn luôn được che đậy bằng những hành động ra vẻ tốt bụng, hào hiệp bên ngoài. Chính lão đã từng giăng bẫy để người làng Côốc Vàn nghĩ rằng vạ Cát ngoại tình rồi lại giơ lưng ra che những nắm cứt trâu, những hòn đá cho vạ Cát. Lão đã ngồi trên mười bẩy tấn cá của vạ Cát mà tiến thân, leo lên chiếc ghế chủ tịch huyện Mường Yến. Có thể nói rằng bộ mặt giả dối, đểu cáng, hám lợi của nhân vật Giáp đã được đẩy lên đến cực điểm.

Như chúng ta đã biết, xây dựng nhân vật phân tuyến đối lập là một nét nổi bật và mang đậm dấu ấn của truyện cổ dân gian trong sáng tác của Hà Thị Cẩm Anh. Đọc Con đường dài lắm, người đọc ghê tởm trước sự độc ác của nhân vật Vạ Sáu. Những hành động của vạ đã khắc hoạ rõ hình ảnh một con người tham lam và tàn nhẫn. Đến cả những đứa trẻ non nớt phải chịu cảnh mồ côi mà vạ cũng không buông tha cho chúng. Vì bố mẹ của thằng Trong và cái Đục không còn nên già làng, trưởng bản giao tiền, giao gạo của thằng Trong, con Đục cho vạ. Nhưng lòng tham đã khiến vạ có những hành động thô bạo với hai đứa trẻ. Vạ không những không cho hai đứa ăn no mà còn bớt phần gạo đó để nuôi con riêng của mình. Đáng sợ hơn, vạ còn chửi rủa và doạ sẽ ném con Đục xuống suối Ly Lai nếu thằng Trong hé răng kể chuyện với già làng. Đối lập với tính cách xấu xa, tàn nhẫn và độc ác của vạ Sáu là tâm hồn trong sáng và nghị lực sống mạnh mẽ của hai anh em thằng Trong. Vì thương em nên nó quyết định cõng em đi chữa mắt. Dù con đường còn dài lắm nhưng hai anh em vẫn tin tưởng vào một tương lai tốt đẹp phía trước.

Còn rất nhiều các truyện ngắn của Hà Thị Cẩm Anh cũng xây dựng nhân vật theo hai tuyến đối lập thiện ác như Những đứa trẻ mồ côi, Đứa con trai, Ậu Mây, Mùa xuân này đào không thể ra hoa, Lão thần rừng nhỏ bé...Những nhân vật tốt, thiện đều trải qua một quá trình thử thách đầy cam go nhưng qua những càng được thách thức trước khó khăn thì phẩm chất tốt đẹp của họ lại càng toả sáng. Bút pháp xây dựng nhân vật của Hà Thị Cẩm Anh cũng có nhiều nét tương đồng với Cao Duy Sơn, Vi Hồng ở chỗ có sự kế thừa nghệ thuật truyền thống của văn xuôi các dân tộc thiểu số.

3.2.2. Miêu tả ngoại hình

Các nhà văn dân tộc thiểu số thường ít chú ý miêu tả nội tâm nhân vật mà chủ yếu khắc hoạ ngoại hình. Miêu tả ngoại hình của nhân vật cũng chính là một yếu tố quan trọng để thể hiện tính cách nhân vật. Đó cũng là một thủ pháp nghệ thuật quen thuộc và quan trọng trong sáng tạo nghệ thuật.

Khi xây dựng những nhân vật phản diện đại diện cho cái xấu xa và tàn bạo, Hà Thị Cẩm Anh thường tập trung miêu tả kĩ ngoại hình. Những chi tiết miêu tả mái tóc và ánh mắt của gã Gấu Ngựa trong Đứa con trai đã cho ta thấy hắn là một kẻ sống hai mặt, đầy dã tâm, độc ác và mưu mô: “Những bếp không có cồng, không có chiêng thì gã đàn ông da đen cháy, tóc xoăn tít, mắt trắng dã, cao to như con gấu ngựa, tự xưng là ông Gấu Ngựa tỏ ra thương xót lắm” [6, tr.97]. Ông Gấu Ngựa hiện lên chẳng khác nào con quỷ dữ với “hàm răng trắng dài như răng ngựa” “đôi môi dầy thâm xịt” lúc nào cũng chỉ muốn làm hại những đứa trẻ hiền lành ở bản mường. Lão luôn coi tiền là đạo lí sống của lão. Sự lạnh lùng và tàn nhẫn của lão được thể hiện ngay trong giọng nói “lạnh ngắt như vang lên từ một khu nhà mồ hoang phế trong buổi chiều mưa gió” [6, tr.120]. Dường như tính cách của các nhân vật phản diện không thể nào giấu được qua dáng vẻ bề ngoài. Bên cạnh đó những câu văn miêu tả ngoại hình của người đàn bà gian xảo, thủ đoạn và ghê tởm trong Của hồi môn đã đạt đến độ chân xác, trần trụi và thô tháp như những gì đang diễn ra trong cuộc

sống này: “Đôi vú chảy xệ. Da bụng bầy nhầy. Mặt bự phấn son nhưng cặp giò và đôi tay thì vẫn còn rất đẹp” [7, tr.111]. Những chi tiết đó đã lột trần bộ mặt của người phụ nữ chuyên sống bằng nghề kinh doanh thân xác người khác, kiếm những đồng tiền bẩn thỉu để trở nên giàu có. Ta thấy rùng mình trước dáng vẻ của người đàn bà đã từng lang chạ với bao người đàn ông nhưng vẫn muốn lấy một nhà thơ tử tế làm chồng.

Ngoại hình nhân vật trong các sáng tác của Hà Thị Cẩm Anh đã giúp cho người đọc nhận diện phần nào đặc điểm con người của nhân vật. Một con người có tính cách không đơn giản và khó hiểu như khá Chồi (Khá Chồi) cũng hiện lên qua ngoại hình có vẻ rất khác thường: “Mặt khá rộng. Cái miệng cũng rộng lại tròn xoay như đồng bạc trắng nhưng đôi môi lại mỏng một cách dị thường, vì thế mỗi khi khá cười, đôi môi mỏng dính lại cong lên, khiến cho người ta cảm thấy sờ sợ, ghê ghê” [6, tr.6]. Nhà văn đặc biệt nhấn mạnh chi tiết khá thường “nhếch cái miệng đồng xu lên cười”. Cái cười của khá khiến cho người trong bản Mường đều nghĩ khá là người xấu. Khá xấu bởi khá mang tiếng là người đi mua nhà sàn với giá rẻ như cướp không. Vì thế, mọi người đều cho khá là tên mường hôi, là thằng kẻ cướp, là đứa không biết đạo mường là gì. Khá đã trở thành một ông chủ lớn, một tay buôn nhà sàn chuyên nghiệp. Thật sự, nụ cười của khá đã có sức mạnh uy hiếp những kẻ giữ trọng trách nặng nề trong mường. Con người khá Chồi không hề đơn giản. Bởi khá là một nhân vật lưỡng diện. Đây cũng là một sáng tạo và sự đột phá trong nghệ thuật xây dựng nhân vật của Hà Thị Cẩm Anh. “Khá lột xác từ một thầy lang, từ một nghệ nhân hiền lành, chân chất, hay giang tay giúp những kẻ nghèo khó khi gặp ốm đau, bệnh tật để trở thành một gã lái buôn xảo trá, mưu mô và đầy tham vọng nhanh đến nỗi chính khá cũng không hiểu nổi” [6, tr.15]. Ai có ngờ đâu một kẻ bị coi là tay buôn nhà sàn lại là một kẻ yêu quý nhà sàn đến vậy. Khá thấy xót xa cho những ngôi nhà sàn ở thung lũng Si Dồ đang bị chảy máu ồ ạt khi người ta thay những ngôi nhà sàn bằng những ngôi nhà hình hộp nghèo

nàn và đơn điệu. Nhìn văn hoá Mường đang bị tàn phá, bị huỷ diệt mà khá đau lòng. Nhưng khá có làm gì được. Khá chỉ còn biết đi mua những ngôi nhà sàn đó để bảo lưu lại cho bản Mường. Rõ ràng, những chi tiết miêu tả ngoại hình của Khá Chồi cũng để lại trong lòng người đọc ấn tượng về một con người không hề đơn giản, một chiều trong tính cách.

Như vậy, giống như bao nhà văn dân tộc thiểu số khác, Hà Thị Cẩm Anh cũng có quan niệm về mối tương quan thống nhất giữa ngoại hình và tính cách con người. Qua dáng vẻ bề ngoài thì tính cách tốt - xấu, thiện - ác, ngay thẳng - gian xảo, thật thà - dối trá…đều được lộ diện. Tuy nhiên, bên cạnh những nhân vật có ngoại hình và tính cách thống nhất, trong sáng tác của nhà văn vẫn có những kiểu nhân vật được xây dựng theo môtip truyền thống của các truyện cổ dân gian: những nhân vật không có ngoại hình đẹp nhưng lại có tấm lòng thơm thảo, tâm hồn vị tha, nhân ái. Đây cũng là điểm gặp gỡ giữa Hà Thị Cẩm Anh với các nhà văn khác như Cao Duy Sơn, Vi Hồng, Hà Trung Nghĩa, Triều Ân... Khác với các truyện cổ, những nhân vật xấu xí đều là nhân vật đội lốt và cuối cùng đều được hoá thân để trở thành những chàng trai tuấn tú và những cô gái xinh đẹp thì nhân vật xấu xí trong sáng tác của Hà Thị Cẩm Anh không hề có yếu tố kì ảo để biến đổi ngoại hình. Song, vì có những phẩm chất tốt đẹp nên họ vẫn được hưởng hạnh phúc. Đó là cô gái có khuôn mặt dị thường trong Gốc gội xù xì, là chú Đỏ Khờ trong Làng tôi có chú Đỏ Khờ. Kiểu nhân vật có ngoại hình dị dạng, xấu xí cũng được Hà Thị Cẩm Anh đặc biệt quan tâm. Đọc hai truyện ngắn trên, ta lại nhớ đến nhân vật Ò Lình (Nơi đây không một bóng người) có thân hình kì dị đầy lông lá giống như một con khỉ trong tác phẩm cùng tên của Cao Duy Sơn. Tuy nhiên, số phận của Ò Lình bất hạnh hơn khi anh bị loài người dồn đuổi vào chỗ chết vì họ cho rằng anh là con quái vật gây hại cho làng bản. Còn cô gái có khuôn mặt dị dạng và chú Đỏ Khờ có dáng người bé nhỏ trong các truyện ngắn của Hà Thị Cẩm Anh thì vẫn được loài người đón nhận và được hưởng hạnh phúc. Điều đó cho thấy quan niệm nghệ

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 114 trang tài liệu này.

thuật của nhà văn về con người, chúng ta đừng có nhìn mặt mà đã vội bắt hình dong. Đồng thời nhà văn muốn gửi gắm một tư tưởng rất giàu tính nhân đạo: dù con người có xấu xí thế nào thì họ vẫn có quyền được ước mơ, được hưởng hạnh phúc và công bằng trong xã hội.

3.2.3. Miêu tả nội tâm

Bản sắc văn hóa Mường trong sáng tác của Hà Thị Cẩm Anh - 11

Thông thường các nhà văn dân tộc thiểu số thường chú ý khắc hoạ nhân vật qua bức tranh thiên nhiên, qua ngoại hình, hành động và lời nói của nhân vật. Bởi hầu hết các sáng tác của họ thường chịu ảnh hưởng sâu sắc của văn học dân gian truyền thống. Do đó, một hạn chế cơ bản trong nghệ thuật xây dựng nhân vật của các nhà văn dân tộc thiểu số là nhân vật ít có thế giới nội tâm phong phú, sinh động. Đọc những sáng tác của Hà Thị Cẩm Anh, ta thấy ít nhiều nhà văn cũng đã chú ý khắc hoạ nội tâm nhân vật khá chân thực và sinh động.

Cuộc sống của người Mường luôn gắn bó chan hoà với thiên nhiên nên khi vui hay buồn, tâm trạng của họ lại gửi gắm vào những hình ảnh thiên nhiên. Nỗi đau đớn của ông Đán khi trở về cái bến sông có hoa cải nở vàng rực - nơi đã từng ghi dấu kỉ niệm tình yêu nồng nàn của ông và Niên - đã hiện lên qua hình ảnh dòng sông. Tâm trí không còn để ý đến cảnh vật nên “ông đi ngược với dòng chảy của con sông, ông thờ ơ với những con sóng nhỏ lao xao và những cuộn nước đang hối hả lôi nhau chảy xuôi về ngã ba Bông, nơi ba con sông lớn được bắt nguồn từ ba hướng núi của xứ Thanh hẹn hò, gặp gỡ trước khi đổ ra cửa biển. Những kỉ niệm của một thời trai trẻ trên bãi sông này cứ xối xả ập đến, khiến ông đau đớn. Nỗi nhớ thương bị dồn nén” [6, tr.53]. Nỗi nhớ người yêu của ông Đán gắn liền với mùi thơm “ngai ngái của cỏ dại toả ra bao bọc lấy chỗ hai người nằm để yêu nhau da diết”. Những câu văn thấm đẫm dư vị triết lí đã làm nổi bật sự đối lập giữa cái vô hạn của đất trời và sự hữu hạn của kiếp người. Giữa không gian sông nước bao la, ông Đán thấy trơ trọi, ngậm ngùi, xót xa vì người ông yêu năm xưa đã vĩnh viễn vắng bóng. Dòng sông vẫn chảy vĩnh hằng, màu vàng của hoa cải ngàn năm không đổi nhưng chỉ có số phận con người là thay đổi.

Đọc các sáng tác của Hà Thị Cẩm Anh, ta bắt gặp nhiều tâm trạng khác nhau của con người trước thiên nhiên. Ngòi bút của nhà văn khá tinh tế khi miêu tả bức tranh thiên nhiên thấm đẫm tâm trạng của con người. Trước cuộc sống nghèo nàn của gia đình và nỗi đau của mế, thằng In trong Lão thần rừng nhỏ bé vô cùng nghẹn ngào, xót xa. Một đứa trẻ mới mười hai như In nhưng đã chứng kiến bao nỗi bất hạnh, bao nghịch cảnh trong cuộc đời thì không đau đớn sao được ? Sự đồng cảm giữa người và cảnh đã trở thành quy luật tất yếu trong văn học như đại thi hào Nguyễn Du đã từng khái quát trong Truyện Kiều “Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu. Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. Bởi vậy, cái bến sông dường như cũng nhuốm nỗi buồn của In và trở nên ảm đạm, hiu hắt: “Cậu bé đứng trên bờ nhìn ra ngoài xóm Nổi. Sao lại nghèo nàn xơ xác thế này

? Bến sông ảm đạm và buồn hiu hắt. In cảm thấy nghẹn ngào khi nghe tiếng khóc của đứa em gái lên ba, cùng cha khác mẹ với nó” [5, tr.36].

Thế giới nội tâm của nhân vật không chỉ được biểu hiện qua hình ảnh thiên nhiên mà còn thông qua lời kể. Nỗi đau của nhân vật được hiện lên rõ nét qua lời của người trần thuật. Đó là nỗi đau của người cha khi nhìn đứa con đang bị huỷ hoại dần về sự sống trong Ngôi nhà sàn cũ kĩ: “Ông Phần đau đớn nhìn con rồi nhìn ra phía cửa thang. Ông vẫn thường nhìn như thế nếu lâu lâu không thấy Thà về” [3, tr.69]. Trước sự việc bị khai trừ khỏi Đảng, nhân vật ông Lình rơi vào trạng thái tuyệt vọng, suy sụp. Với ông Lình, việc đánh mất lý tưởng là nỗi mất mát không gì có thể so sánh bằng. Cảm giác của một con người đang có tất cả rồi mất tất cả đã được nhà văn miêu tả trực tiếp: “Nhưng việc làm ông Lình bàng hoàng, rồi khiến ông tuyệt vọng mà suy sụp hoàn toàn là việc ông bị khai trừ khỏi Đảng…Ông như người bị mất vía, suốt ngày cứ ngơ ngơ, ngác ngác” [3, tr.93]. Bằng những lời kể chứa đầy tâm trạng, nỗi lo lắng của nhân vật Đa trong Con tấc được khắc sâu: “Cậu bé không sợ thú hoang. Không sợ bóng tối, không sợ rừng già cũng không sợ những cơn mưa rừng sầm sập chợt đến, chợt đi. Nó chỉ sợ duy nhất một thứ mà chưa bao

giờ nó được trông thấy ngoài Hĩm em và bố mế. Đó là con người” [7, tr.35]. Tội nghiệp cho cậu bé khi tất cả những người thân đều qua đời, bỏ lại mình em cô độc giữa rừng xanh. Nỗi đau mất bố và mế khiến cậu bé tưởng chừng trở nên chai lì: “Đa không còn sợ cả những con người lạnh lùng và độc ác đang sống trong các ngôi làng đông đúc và xa lạ ở đâu đó rất xa khu rừng mà Đa đã sống cùng với cha mẹ và đứa em gái nhỏ” [7, tr.35].

Nội tâm nhân vật còn được thể hiện qua hành động, ngoại hình và ngôn ngữ. Trạng thái bàng hoàng, bất ngờ của Cầm khi gặp lại mẹ của người yêu năm xưa đã được thể hiện qua thái độ “ngạc nhiên, thảng thốt nhìn bà lão” và sắc mặt “nhợt nhạt”, “xanh xao”. Giờ nghe bà lão kể lại về việc bà đã chia rẽ mối tình giữa chị và Lâm thì “cảm giác đau đớn, mệt mỏi ấy bây giờ lại ập đến”. Cuộc đời luôn đầy nghịch lí và nỗi đau. Trước nỗi oan của người mẹ chồng đã từng bị đánh cắp tất cả những gì quý giá trong cuộc đời, cô con dâu ôm tro cốt của bà về bến sông quê hương không giấu nổi nỗi đau đớn. Qua tiếng khóc, ta hiểu được tình thương cũng như nỗi xót xa của cô đối với người mẹ chồng đã mất: “Người phụ nữ lại trào nước mắt. Những giọt nước mắt đau đớn của thiếu phụ rơi lã chả xuống cái hộp các tông mà cô ta vẫn ôm chặt trong lòng” [6, tr.33].

Khác với Cao Duy Sơn và Vi Hồng, Hà Thị Cẩm Anh ít vận dụng ưu thế của ngôn ngữ độc thoại nội tâm để miêu tả những trạng thái diễn biến tâm lí phức tạp của người miền núi. Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là ngôn ngữ độc thoại không xuất hiện trong các trang viết của bà. Khi thằng In trong Lão thần rừng nhỏ bé đi đến gặp ông Gấu Ngựa để đem tin tốt lành đến cho lão, cậu bé vừa đi vừa nói một mình như để trấn an tâm lí sợ hãi: “Không ! Tao không khóc ! Rõ là thế rồi mà ! Tao có khóc đâu ? Tao đang đi đấy chứ ? Đi nhanh lên nào ! Một hai ! Một hai…! Sắp đến rồi ! Sắp đến rồi In à ! Đến đó mày sẽ có tiền ! Mày sẽ có rất nhiều tiền. Ông Gấu Ngựa bảo thế! Ông Gấu Ngựa đã hứa rồi ! Mày cứ đem tin tốt lành này đến, nhất định ông Gấu Ngựa

sẽ đổi cho mày cả một thông nhãng đầy tiền” [5, tr.3]. Người phụ nữ Mường lúc nào cũng chỉ biết sống vì con và dù cho hoàn cảnh có đau khổ đến đâu, họ vẫn hy sinh tất cả cho đứa con yêu quý của mình. Nỗi lòng xót xa đẫm nước mắt của người mẹ nghĩ về đứa trẻ khi sinh ra không có cha được thể hiện thật cảm động qua những lời độc thoại: “Con à! Mế phải sống. Gặp bất cứ hoàn cảnh nào mế vẫn phải sống vì con...Mế sẽ làm ruộng, làm rẫy để nuôi con. Mế sẽ cho con đi học. Con hãy học lấy cái chữ để sau này lớn lên con sẽ trở thành một người tử tế. Con à ! Bây giờ thì con hãy ngủ đi. Con ngủ ngoan rồi mế con ta sẽ trở về mường Ca Da” [7, tr.118].

Có những đoạn miêu tả nội tâm nhân vật bằng lời nửa trực tiếp, nhà văn đã thâm nhập sâu vào những uẩn khúc trong dòng ý thức của nhân vật. Trước sự ra đi của người bạn thân, ông Nênh không chỉ đau đớn mà còn dằn vặt, khổ tâm, đay đả tự trách mình vì đã từng nghĩ oan cho bạn. Những câu văn cảm thán và câu hỏi tu từ như xoáy vào dòng tâm trạng bộn bề trong lòng ông Nênh: “Ông Nênh không biết thật mà ? Ông Nênh không biết ông Lình bị thương như thế ở trận đánh nào ?....Nhớ làm sao được ? Ông Nênh không thể nhớ được ! Ông khóc. Ông vừa đi vừa khóc. Vừa khóc, ông Nênh vừa làu bàu chửi rủa, dằn hắt người đã chết. Ông chửi rủa chính bản thân ông” [3, tr.76]. Ông Nênh trách người bạn thân đã không giãi bày với ông tất cả những oan khuất. Những dòng suy nghĩ xáo trộn trong tâm lí của ông Nênh được hiện lên rõ nét qua những lời nửa trực tiếp: “Thế mà cũng đòi là bạn! Thế mà cũng gọi là đồng ngũ ! Đồ lính già xấu xa !” [3, tr.77].

Ưu thế của việc sử dụng lời nửa trực tiếp là có thể làm sống dậy thế giới nội tâm nhân vật sinh động đến nỗi ta tưởng như mọi suy nghĩ của nhân vật đang hiện hình trước mắt. Những đấu tranh giằng xé trong nội tâm của In được thể hiện qua lời nửa trực tiếp: “Có một thông nhãng đầy tiền mình sẽ làm gì nhỉ? Trước tiên phải chữa bệnh cho mế. Mế khỏi bệnh rồi thì lập tức nhờ người vào rừng kiếm gỗ về dựng một ngôi nhà. Phải làm một cái nhà sàn thật to. Ông

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 24/10/2023