và niềm tin của tín đồ Việt Nam đối với Đức Mẹ Maria, qua đó cho thấy sự chủ động hội nhập hình tượng Đức Mẹ Maria vào văn hóa Việt Nam qua cách bản địa hóa tên gọi, hình tượng trong văn học nghệ thuật, kiến trúc điện thờ, sự hiển linh và niềm tin về quyền năng, sự thờ kính của người dân ở các địa phương và các tộc người ở Việt Nam.
Hai là, Đức Mẹ Maria là biểu tượng tinh thần của tín đồ Việt, trong suốt chiều dài truyền nhập Công giáo tại Việt Nam, đặc biệt trong những hoàn cảnh lịch sử khó khăn nhất của Công giáo Việt Nam, thì Đức Mẹ Maria trở thành chỗ dựa tinh thần, là nơi tìm đến và là chỗ ẩn nấu của tín đồ Việt trước những nghịch cảnh của lịch sử xã hội…Nghiên cứu vấn đề này góp phần cung cấp thêm một khía cạnh về tâm lý học tôn giáo, cụ thể là Công giáo Việt Nam, biểu hiện qua sự mến mộ, yêu kính có phần cuồng nhiệt của tín đồ Việt dành cho Đức Mẹ Maria đặc biệt là thông qua các thực hành nghi lễ tôn thờ Đức Maria.
3.2. Phạm vi thời gian nghiên cứu:
- Thời gian đối tượng được nghiên cứu: Nghiên cứu đối tượng qua các tư liệu thứ cấp, tư liệu hồi cố và tư liệu thực địa thu thập qua các địa bàn nghiên cứu cụ thể…
- Thời gian tập trung điền dã: Từ tháng 6/2017 đến tháng 1/2021.
3.3. Phạm vi địa bàn nghiên cứu:
Đề tài lựa chọn năm điểm nghiên cứu chính thuộc 3 khu vực miền Bắc, miền Trung, miền Nam là:
- Giáo xứ Vỉ Nhuế (trọng tâm là Giáo dân tại làng Vỉ Nhuế) - thôn Nấp, xã Yên Đồng, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định.
- Giáo xứ Quy Chính (trọng tâm là Giáo dân tại làng Quy Chính) - thuộc xã Vân Diên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An).
- Giáo xứ Đức Mẹ Hằng cứu Giúp - Số 38 Đường Kỳ Đồng, phường 9, quận 3 - Tp. Hồ Chí Minh.
Có thể bạn quan tâm!
- Bản địa hóa Đức mẹ Maria tại Việt Nam - 1
- Nghiên Cứu Về Bản Địa Hóa Công Giáo
- Nghiên Cứu Về Đức Mẹ Maria Và Bản Địa Hóa Đức Mẹ Maria
- Những Vấn Đề Còn Bỏ Ngỏ Và Nhiệm Vụ Đặt Ra Cho Đề Tài
Xem toàn bộ 238 trang tài liệu này.
- Giáo Xứ La Vang, địa chỉ: Thôn Phú Hưng, xã Hải Phú, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị.
- Giáo xứ Khmer Trung Bình – địa chỉ: Ấp Chợ, xã Trung Bình, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng.
Ngoài ra chúng tôi còn khảo sát tại một số địa điểm khác như: Đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp tại Giáo xứ Thái Hà, địa chỉ: 180/2 Đường Nguyễn Lương Bằng, quận Đống Đa. Tp. Hà Nội; Vương cung thánh đường Phú Nhai, địa chỉ: Làng Phú Nhai, xã Xuân Phương, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định; Trung tâm hành hương Fattima Bình Triệu (Giáo xứ Bình Triệu), địa chỉ: Số 52 đường số 5, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, Tp. Hồ Chí Minh; Giáo xứ Hòa Nam - Địa chỉ: Xã Ea nuôi, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đăk Lăk; Trung tâm Thánh Mẫu Tà Pao, địa chỉ: Xã Đồng Kho, huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận; Núi Đức Mẹ tại Giáo xứ của Giáo dân Khme Trung Bình, địa chỉ: Ấp Chợ, xã Trung Bình, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng …
4. Phương pháp nghiên cứu
Để thực hiện mục đích và nhiệm vụ của đề tài, luận án tiếp cận phương pháp nghiên cứu chuyên ngành văn hóa dân gian và phương pháp nghiên cứu liên ngành trong nghiên cứu Khoa học xã hội. Cụ thể trong đề tài này là vận dụng nghiên cứu liên ngành Dân tộc học, Xã hội học, Văn hóa dân gian, Tôn giáo học... để lý giải, phân tích các biểu hiện của việc bản địa hóa Đức Mẹ Maria thông qua điện thờ, các nghi thức nghi lễ thờ kính Đức Mẹ Maria…
Trong luận án này, chúng tôi chủ yếu sử dụng phương pháp nghiên cứu định tính thông qua các phương pháp cụ thể sau:
4.1. Phương pháp điền dã dân tộc học
Đây là phương pháp được sử dụng phổ biến trong nghiên cứu văn hóa dân gian. Với phương pháp này chúng tôi có thể tận mắt thấy, tai nghe và xem mình như người trong cuộc (insider) để có thể tham dự và quan sát các hiện tượng văn hóa diễn ra quanh mình. Cụ thể, chúng tôi đã trực tiếp tham gia vào hoạt động dâng hoa Đức Mẹ tại Giáo xứ Quy Chính, tham gia rước kiệu Đức Mẹ tại Giáo xứ Vỉ Nhuế, tham gia giờ cầu nguyện Đức Mẹ tại Vương cung thánh đường Đức Mẹ La Vang - Quảng trị … Trên cơ sở đó, chúng tôi sẽ xử lý và sắp xếp thông tin theo các lớp ý nghĩa từ người cung cấp thông tin liên quan đến nội dung của luận án. Với phương pháp này, tại thực địa chúng tôi sẽ sử dụng các thao tác sau:
- Quan sát tham dự, mô tả: Tham dự, quay phim, chụp ảnh các hoạt động nghi thức nghi lễ thờ kính Đức Mẹ Maria tại gia đình của tín đồ, tại Nhà Thờ, tại đền thờ Đức Mẹ, quan sát các bàn thờ Đức Mẹ tại gia đình tín đồ, trong nhà thờ và tại các đền thờ Đức Mẹ ngoài nhà thờ… Từ đó có thể phân tích và mô tả kỹ các hành động, hành vi thực hành nghi lễ thờ kính Đức Mẹ Maria và bối cảnh mà các hiện tượng văn hóa đó diễn ra.
Trong các năm qua chúng tôi đã tiến hành các đợt điền dã sưu tầm tư liệu tại địa điểm nghiên cứu sau: Tại Giáo xứ Quy Chính - Nghệ An 8 đợt điền dã, có những đợt ở tại đây hơn 40 ngày (vì đây là quê hương của tôi), tại Giáo xứ Đức Mẹ Hằng cứu giúp có 5 đợt điền dã, Giáo xứ Vỉ Nhuế 1 đợt, Giáo xứ La Vang - Quảng Trị 1 đợt, Giáo xứ Khmer 1 đợt, một số Giáo xứ ở Đăk lak 2 đợt…Ngoài ra trong quá trình thực hiện luận án chúng tôi không ngừng tương tác với nhiều cá nhân tại các điểm khảo sát để cập nhập thêm các tư liệu mới. Trong thời gian này chúng tôi đã được tham gia các hoạt động thờ kính Đức Mẹ như: Dâng hoa, dâng hương Đức Mẹ, tham gia sinh hoạt hội đoàn Đức Mẹ Mân Côi, tham gia đêm nhạc hát về Đức Mẹ, tham gia hoạt động rước kiệu Đức Mẹ quanh làng Quy Chính, quanh nhà thờ Vỉ Nhuế… Tham dự buổi lễ cùng với hội những người được ơn Đức Mẹ tại Đền Đức Mẹ Hằng cứu giúp Thái Hà - Hà Nội; tham dự một buổi lễ hành hương tại Vương cung thánh đường Đức Mẹ La Vang - Quảng Trị… Các địa điểm khác số lần điền dã trung bình từ 1- 3 lần, trong mỗi đợt điền dã chúng tôi thường nghỉ tại nhà Giáo dân, tại nhà khách Giáo xứ …
- Phương pháp phỏng vấn sâu, hồi cố: Chúng tôi tập trung vào hai nhóm đối tượng chính gồm:
Nhóm thứ nhất là các vị cao niên trên 60 tuổi: Tại Giáo xứ Quy Chính, Giáo xứ Vỉ Nhuế, Giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp… Đề tài đã tiến hành phỏng vấn hồi cố, phỏng vấn sâu được trung bình mỗi nơi từ 5 đến 10 cụ…
Nhóm thứ hai là các vị chức sắc trong Giáo xứ gồm: Linh mục quản xứ, hội đồng ban hành giáo, trưởng phó các hội đoàn, đặc biệt là các hội đoàn Đức Mẹ.
Tại 5 giáo xứ (Quy Chính, Vỉ nhuế, La Vang, Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, Khmer Trung Bình) đã tiến hành phỏng vấn được tổng cộng: Linh mục 13 người, hội đồng ban hành giáo 15 người, trưởng phó các hội đoàn và hội đoàn Đức Mẹ 18 người
Với thao tác nghiên cứu này chúng tôi sẽ có điều kiện đi sâu tìm hiểu về quá trình du nhập Đức Mẹ Maria tại nơi khảo sát, vai trò của Đức Mẹ Maria trong cuộc sống của họ và gia đình họ, các nghi thức nghi lễ thờ kính Đức Mẹ Maria xưa và nay, các yếu tố văn hóa dân gian tại địa phương được đưa vào sử dụng trong hoạt động thờ kính Đức Mẹ, các công trình tượng đài, đền thờ Đức Mẹ Maria được xây dựng như thế nào và ý nghĩa của các công trình đó … Từ đó làm cơ sở phân tích, đánh giá, tổng hợp và diễn giải các vấn đề đặt ra cho nhiệm vụ của luận án.
4.2. Phương pháp xử lí văn bản, thông tin
Sau quá trình thu thập tài liệu, chúng tôi đọc và xử lí các văn bản và tài liệu liên quan đến luận án; xử lí các thông tin sau quá trình khảo sát thực tế thông qua các ghi chép phỏng vấn, mô tả, hồi cố, tài liệu phim ảnh...Từ đó phân tích, đánh giá, rút ra các luận điểm trọng tâm của luận án.
4.3. Bên cạnh những phương pháp nghiên cứu trên, chúng tôi còn sử dụng các phương pháp khác như phân tích hệ thống; tổng hợp; so sánh đồng đại và lịch đại giữa các nguồn tư liệu, giữa các điểm nghiên cứu với nhau.
5. Đóng góp của luận án
5.1. Về mặt khoa học
- Luận án cung cấp các tư liệu tin cậy về những biểu hiện của việc bản địa hóa Đức Mẹ Maria tại một số địa bàn cụ thể ở Việt Nam, …Từ đó đóng góp cho việc nghiên cứu về sự phong phú, đa dạng của hiện tượng bản địa hóa hình tượng Đức Mẹ Maria ở Việt Nam.
- Thông qua nghiên cứu trường hợp bản địa hóa Đức Mẹ Maria, luận án đóng góp cơ sở lý luận cho việc nghiên cứu về sự hội nhập của đạo Công giáo nói chung, của Đức Mẹ Maria nói riêng vào văn hóa truyền thống Việt Nam.
5.2. Về mặt thực tiễn
- Nhận diện các xu hướng bản địa hóa và những biểu hiện của bản địa hóa, tác động của các yếu tố nội sinh và ngoại sinh trong đời sống của tín đồ Công giáo tại Việt Nam
- Luận án sẽ là tài liệu tham khảo cần thiết để các nhà quản lý văn hóa, các nhà hoạch định chính sách đề xuất các kiến nghị và giải pháp trong quản lý các hoạt động tôn giáo tại Việt Nam đặc biệt là đạo Công giáo.
6. Bố cục của luận án
Ngoài phần Mở đầu, Kết luận, Tài liệu tham khảo, Phụ lục, luận án gồm 04 chương, kết cấu như sau:
Chương 1: Tổng tình hình nghiên cứu, cơ sở lý luận và địa bàn nghiên cứu. Chương 2: Đạo Công giáo, Đức Maria và quá trình du nhập vào Việt Nam
Chương 3: Những biểu hiện của bản địa hóa hình tượng Đức Mẹ Maria trong cộng đồng người Công Giáo ở Việt Nam
Chương 4: Bản địa hóa Đức Mẹ Maria trong cộng đồng người Công giáo tại Việt Nam: Một số vấn đề bàn luận
CHƯƠNG 1
TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU, CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ ĐỊA BÀN NGHIÊN CỨU
1.1. Tổng quan tình hình nghiên cứu
1.1.1. Các nghiên cứu về bản địa hóa các tôn giáo tại Việt Nam
- Về bản địa hóa Phật giáo
Phật giáo là một trong những tôn giáo có vị thế và sức ảnh hưởng lớn tại Việt Nam, Phật giáo ghi dấu ấn mạnh mẽ trong văn hóa Việt, góp phần tạo nên diện mạo của văn hóa Việt Nam, điều này đã được khẳng định trong các nghiên cứu về Phật giáo và văn hóa Việt Nam:
Một trong những cuốn sách tiêu biểu viết về Phật giáo Việt Nam là cuốn Việt Nam Phật giáo lược sử của tác giả Thích Mật Thể gồm 10 chương. Trong đó tác giả cho ta thấy cái nhìn tổng thể về Phật giáo Việt Nam từ những ngày đầu được truyền vào Việt Nam và đặc biệt là quá trình hòa mình trong văn hóa Việt, qua từng giai đoạn, Phật giáo đã ghi dấu ấn mạnh mẽ trong văn hóa Việt, mang tinh thần người Việt Nam [66, tr 502].
Ngoài ra có thể kể đến cuốn Lịch sử Phật giáo Việt Nam của tác giả Lê Mạnh Thát gồm trọn bộ 3 cuốn và 12 chương, trình bày quá trình du nhập Phật giáo Việt Nam và sự đồng hành cùng dòng chảy lịch sử văn hóa của dân tộc Việt Nam [65].
Tác giả Nguyễn Duy Hinh trong cuốn Lịch sử đạo Phật Việt Nam cho rằng: “Phật giáo Việt Nam là Phật Giáo dân gian mang nặng lòng Mẹ, lòng từ Từ Bi của truyền thống dân tộc, đã thấm sâu vào văn hóa nghệ thuật tâm tư tình cảm người Việt, đã Việt hóa. Không nên coi Phật giáo Việt Nam là Phật giáo Ấn Độ hay Trung Hoa dù đều có chịu ảnh hưởng của các tông phái đó...”. [43, tr 51).
Trong cuốn Sự kiện tôn giáo, tác giả Đỗ Quang Hưng cho rằng: “Phật giáo Việt Nam không những gắn bó với dân tộc mà còn là một yếu tố quan trọng của bản sắc văn hóa dân tộc” [40, tr.169], đồng thời khẳng định Phật giáo đóng vai trò rất quan trọng trong văn hóa Việt Nam, trong quá trình hội nhập và phát triển cùng xã hội Việt Nam Phật giáo luôn đồng hành cùng dân tộc, hòa nhập sâu rộng vào nhiều lĩnh vực của xã hội Việt Nam, đặc biệt là lĩnh vực văn hóa [37, tr 170]. Ngoài ra, tác
giả còn đưa ra khái niệm “nhập thế chính trị” của Phật giáo và xem đây là cách Phật giáo hòa nhập và tạo nên vị thế trong xã hội Việt Nam, cùng với quá trình này là sự thay đổi để phù hợp với văn hóa xã hội Việt nam, tạo nên những dấu ấn sâu sắc của Phật giáo Việt Nam [39, tr. 138-154].
Trong cuốn Phật giáo Hòa Hảo một tôn giáo cận nhân tình trong lòng dân tộc do Trần Văn Chánh – Bùi Thanh Hải (chủ biên), các tác giả cho rằng: “Phật giáo Hòa Hảo không chỉ là một tôn giáo ra đời để đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của người dân miền Tây Nam bộ... Phật giáo Hòa Hảo là sự dung hợp các giá trị truyền thống của dân tộc với các tôn giáo trong tính cách của đại đa số quần chúng nông dân miền Tây Nam bộ, giá trị lớn nhất của Phật giáo Hòa Hảo là tính dung hợp các giá trị, là sự kế thừa và phát huy các giáo trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc” [10, tr. 42].
Đi vào cụ thể, sự ảnh hưởng của văn hóa Việt Nam trong quá trình truyền nhập Phật giáo tại Việt Nam còn được nhìn nhận thông qua tín ngưỡng thờ Mẫu, sự xuất hiện Mẫu trên điện thờ Phật và trong các ngôi chùa tại Việt Nam là minh chứng rò ràng cho điều này.
Trong kho tàng văn học dân gian, sự bản địa hóa Phật giáo Ấn Độ vào tín ngưỡng bản địa Việt Nam được thể hiện khá sớm qua truyền thuyết “Man nương” ở chùa Dâu (huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh). Theo đó, tục thờ các vị Phật Tứ pháp (Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện) có thể xem như là kết quả của sự kết hợp giữa người cha tinh thần là nhà sư (Phật giáo) đến từ Ấn Độ với người mẹ bản địa (Man Nương) thuộc tín ngưỡng thờ cây, thờ đá, vì vậy mà trong dân gian Man Nương được tôn là Phật Mẫu (mẹ của các vị Tứ pháp) [74].
Trong cuốn Đạo Mẫu Việt Nam tác giả Ngô Đức Thịnh đã dành phần 3 trong chương 2 để nói về Đạo Mẫu trong hệ thống tôn giáo tín ngưỡng tại Việt Nam. Khi viết về quá trình du nhập và hòa nhập của Phật giáo tại Việt Nam tác giả cho rằng: “Trong quá trình đạo Phật du nhập vào nước ta khoảng đầu Công nguyên và một bộ phận quan trọng của nó đã phát triển theo khuynh hướng dân gian hóa... Trong sự hình thành phái Mật Tông ở nước ta, có sự ảnh hưởng nhất định của sự giao thoa Phật – Mẫu, điều dễ nhận biết là ở hầu hết các ngôi chùa hiện nay ở Bắc Bộ và bắc
Trung Bộ đều có điện thờ Mẫu. Trong đó phổ biến nhất là dạng “tiền Phật hậu Mẫu” (phía trước thờ Phật, phía sau thờ Mẫu)... “ [74, tr.63].
Trong cuốn Cơ sở văn hóa Việt Nam, khi bàn về vấn đề giao lưu tiếp biến văn hóa Việt với văn hóa Ấn Độ về phương diện Phật giáo, tác giả Trần Ngọc Thêm cho rằng: Phật giáo vào Việt Nam đã có sự tiếp xúc với các tín ngưỡng truyền thống và văn hóa Việt … Phật giáo Việt Nam là khuynh hướng thiên về nữ, là một bộ phận của văn hóa nông nghiệp. Đức Phật được đồng nhất với các vị thần truyền thống của cư dân nông nghiệp Việt Nam …[67, tr 253].
Cũng tác giả Trần Ngọc Thêm trong cuốn Cơ sở văn hóa Việt Nam đã đưa ra nhận định: “Khi vào Việt Nam Phật giáo đã được tiếp xúc ngay với tín ngưỡng truyền thống của dân tộc ta và đã được tổng hợp chặt chẽ ngay với chúng... Mang đặc trưng của văn hóa nông nghiệp là khuynh hướng thiên về nữ vì thế người Việt đã tạo ra các Phật Bà riêng của mình, người Việt vốn linh hoạt nên trong cách thực hành Phật giáo đã linh hoạt biến đổi để Phật giáo trở thành tôn giáo của người Việt...”[67, tr.248 -255]
- Về bản địa hóa Đạo giáo
Trong cuốn Đạo gia và văn hóa tác giả Trần Nghĩa cho rằng: “ …nhờ dung hợp được với tín ngưỡng tập quán bản địa mà Đạo giáo ngày càng được hoan nghênh và phát triển tại Việt Nam...Ngay từ thời Lý Trần đã xuất hiện những Đạo sĩ lừng danh như: Thông Huyền, Hoàn Nguyên, Huyền Vân...Tìm hiểu kỹ ta thấy hai phái Đạo gia “Phủ lục” và “Đan đỉnh” đều tìm được đất sống tại Việt Nam. Phái Phù lục nghiêng về bùa chú gọi là “ Đạo giáo phù thủy” đã đi sâu vào dân gian theo hướng dùng phép thuật, niệm chú, cầu cơ, vẽ bùa...Phái Đan đỉnh thì nghiêng về tu luyện đan, gọi là “Đạo gia thần tiền”, với các Đạo sĩ, Đạo cô sẵn sàng rời gia đình để rong du còi ngoại...” [7, tr. 251- 252]. Như vậy Đạo giáo khi du nhập vào Việt nam đã chịu ảnh hưởng của văn hóa dân gian truyền thống Việt Nam và biển đổi để phù hợp tại Việt Nam, nhờ đó Đạo giáo phát triển và có sự ảnh hưởng nhất định trong văn hóa Việt.
Tác giả Tôn Diệc Bình trong bài viết “Bàn về sự truyền bá và giao thoa Đạo giáo ở Đông Nam Á” (lấy Đạo giáo Nam truyền vào Việt Nam làm ví dụ) đăng trên