Các Quy Định Pháp Luật Liên Quan Đến Việc Giải Quyết Án Về Hn&gđ

Đối với hoạt động xét xử của Tòa án thì uy tín, tín nhiệm của người dân đối với Tòa án từ lâu đã trở thành thước đo chính xác nhất. Khi nói đến Tòa án, người dân hoàn toàn tin tưởng vào sự công minh và khách quan, là nơi có các thủ tục nghiêm ngặt nhưng nhanh chóng và tiện lợi, là địa chỉ tin cậy của nhân dân về việc thực hiện công lý thì chứng tỏ việc ADPL trong giải quyết án HN&GĐ của TAND đạt hiệu quả cao.

Cùng với Tòa án, uy tín, tín nhiệm của người dân đối với Thẩm phán, Hội thẩm, thư ký tòa án và những người trực tiếp thực hiện việc ADPL có ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả ADPL trong giải quyết án HN&GĐ. Nếu TAND thực sự là địa chỉ tin cậy của nhân dân, được nhân dân tôn trọng và tin tưởng thì chắc chắn rằng hiệu quả hoạt động ADPL được ghi nhận và đánh giá cao. Bởi vì, chính hoạt động xét xử công bằng, nghiêm minh, bảo vệ pháp luật, bảo vệ kịp thời và chính xác các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân với kỹ năng nghề nghiệp cao, với phẩm chất và trách nhiệm đầy đủ của Thẩm phán, Hội thẩm và cán bộ công chức ngành Tòa án thì mới có thể xác lập được niềm tin ấy trong nhân dân.

Để hoạt động ADPL của TAND trong giải quyết án HN&GĐ đạt chất lượng và hiệu quả tốt thì cần phải có một số những điều kiện nhất định. Đó chính là những điều kiện chủ quan và khách quan tạo ra cơ sở vững chắc cho việc ADPL được tiến hành thuận lợi. Các yếu tố bảo đảm hiệu quả của việc ADPL trong giải quyết án HN&GĐ khá nhiều, có thể kể ra một số yếu tố cơ bản như: pháp luật, tình hình kinh tế - chính trị, truyền thống văn hóa, ý thức pháp luật của người dân, trình độ năng lực của người ADPL... Những yếu tố này một mặt tác động đan xen lẫn nhau, một mặt lại có những vai trò, tác dụng riêng đối với hoạt động ADPL trong giải quyết án HN&GĐ.

1.3.1. Các quy định pháp luật liên quan đến việc giải quyết án về HN&GĐ

Chất lượng của hệ thống pháp luật về tổ chức Tòa án, về HN&GĐ, về tố tụng dân sự, các văn bản hướng dẫn thi hành... có vai trò rất quan trọng đối với hoạt động ADPL của TAND trong giải quyết án HN&GĐ. Đây chính là một trong những cơ sở để đảm bảo cho việc ADPL đạt được kết quả cao trong thực tiễn, đồng thời cho phép dự báo được khả năng hiện thực hóa các quy định của pháp luật trong đời sống xã hội. Nếu chất lượng của pháp luật thấp thì việc thực hiện gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc, thậm chí có nhiều quy định của pháp luật không thể thực hiện trên thực tế hoặc chỉ được áp dụng trong một thời gian ngắn. Do vậy, nếu hệ thống pháp luật đầy đủ, rò ràng từ những quy định chung đến những điều khoản hướng dẫn thi hành thì việc áp dụng trên thực tế sẽ dễ dàng và đạt hiệu quả cao hơn.

Để làm được điều đó thì hệ thống pháp luật về HN&GĐ phải được xây dựng đúng trình tự, thủ tục, đúng thẩm quyền, tên gọi phù hợp với nội dung, có hình thức sáng sủa, rò ràng. Nội dung của những văn bản này phải có được sự liên kết chặt chẽ, logic, các thuật ngữ pháp lý được sử dụng chính xác, một nghĩa, lời văn trong sáng, ngắn gọn, dễ hiểu, phù hợp với trình độ nhận thức của quảng đại quần chúng nhân dân. Nói cách khác hệ thống pháp luật có chất lượng cần đảm bảo những yêu cầu cơ bản như: tính toàn diện, đồng bộ; tính thống nhất; tính phù hợp; tính khả thi, đáp ứng được những nhu cầu, đòi hỏi của cuộc sống đang ngày một phát triển.

1.3.2. Tình hình kinh tế, chính trị - xã hội của đất nước

Từ đầu năm 2009 đến nay, nền kinh tế của Việt Nam tuy bị ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, tài chính thế giới nhưng với tinh thần chủ động sáng tạo của các doanh nghiệp, cơ sở kinh tế và nhờ việc thực hiện đồng bộ các chính sách, giải pháp đúng đắn và kịp thời của Trung ương Đảng, Chính phủ nên đang phát triển theo hướng tích cực và đang có dấu hiệu phục hồi. Sản xuất

công nghiệp từng bước ổn định và tiếp tục tăng, nhiều sản phẩm quan trọng vẫn giữ được mức tăng cao. Hầu hết các mặt hàng xuất khẩu đều tăng về lượng. Chỉ số giá tiêu dùng tăng ở mức hợp lý. Đời sống nhân dân tiếp tục được quan tâm và cải thiện.

Hiện nay Việt Nam có quan hệ ngoại giao với 176 quốc gia, quan hệ kinh tế thương mại với trên 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó khoảng 80 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam... Chưa bao giờ mối quan hệ ngoại giao và kinh tế của Việt Nam lại phát triển sâu rộng và đa dạng như ngày nay. Điều đó ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng và hiệu quả ADPL của TAND trong giải quyết án HN&GĐ.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 113 trang tài liệu này.

Chính trị là mối quan hệ giữa các giai cấp, đẳng cấp, tập đoàn người, các lực lượng xã hội thông qua nhà nước [42, tr.110]. Đường lối chính trị của Đảng cầm quyền có ý nghĩa chủ đạo trong việc xây dựng pháp luật, tuyên truyền, giáo dục và tổ chức thực hiện pháp luật trên thực tế, do vậy nó giữ vai trò chủ đạo đối với cả hoạt động ADPL. Hơn nữa, quan hệ HN&GĐ ở mỗi giai đoạn lịch sử khác nhau đều chịu tác động của những quan điểm, đường lối chính trị của lực lượng cầm quyền của giai đoạn ấy, nó luôn mang dấu ấn tư tưởng chính trị của thời đại ấy.

Ngày nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam, nhà nước ta đang từng bước xây dựng và hoàn thiện chế độ HN&GĐ mới, tiến bộ, phù hợp với nguyện vọng của đông đảo nhân dân lao động. Do đó, chế độ chính trị là một trong những nhân tố ảnh hưởng sâu sắc đến hệ thống pháp luật về HN&GĐ nói chung và hoạt động ADPL của TAND trong giải quyết án HN&GĐ nói riêng.

Áp dụng pháp luật của Tòa án nhân dân trong giải quyết án hôn nhân và gia đình qua thực tiễn tỉnh Thái Nguyên - 5

Bên cạnh đó, những điều kiện xã hội khác như trình độ văn hóa, mặt bằng dân trí, lối sống, thói quen của người dân, hạ tầng, cơ sở vật chất của xã hội... cũng ảnh hưởng đến hoạt động ADPL của TAND trong giải quyết án HN&GĐ.

1.3.3. Yếu tố đạo đức, truyền thống văn hóa dân tộc

Theo nghĩa tổng quát, đạo đức là những tiêu chuẩn, nguyên tắc được xã hội thừa nhận, quy định hành vi của con người đối với nhau và đối với xã hội. Còn gia đình là hạt nhân của xã hội, là nơi con người được sinh ra và lớn lên, là nơi hình thành và phát triển nhân cách của con người. Bởi vậy, đạo đức gia đình là vấn đề luôn được đặt ra ở bất cứ giai đoạn lịch sử nào. Đối với người phương Đông, quan hệ gia đình được coi là quan hệ trọng tâm, cốt yếu trong tất cả quan hệ giữa con người với con người.

Bất kỳ hệ thống pháp luật nào cũng ra đời, tồn tại và phát triển trên nền tảng đạo đức nhất định. Những quan niệm, chuẩn mực đạo đức là tiền đề tư tưởng cho pháp luật. Tuy nhiên, không có ngành luật nào có mối quan hệ mật thiết với đạo đức như luật HN&GĐ. Pháp luật HN&GĐ và đạo đức đều có chung mục tiêu là đảm bảo cho quan hệ HN&GĐ tồn tại và phát triển ổn định, hành vi xử sự của con người trong các mối quan hệ giữa vợ và chồng, giữa cha mẹ và con, giữa ông bà và cháu, giữa anh, chị, em với nhau ngày càng tốt đẹp, gia đình bền vững, quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân được bảo vệ và trật tự xã hội được giữ vững. Với mục tiêu đó, có thể thấy pháp luật HN&GĐ được xây dựng không trái với đạo đức hoặc có thể thống nhất và phù hợp với đạo đức, bên cạnh đó, pháp luật HN&GĐ quy định việc áp dụng pháp luật trong giải quyết các tranh chấp, yêu cầu về HN&GĐ cũng phải dựa trên nền tảng đạo đức. Điều này cho thấy pháp luật HN&GĐ đã thừa nhận tập quán đạo đức, thuần phong mỹ tục trong quan hệ HN&GĐ của người Việt Nam.

Dù ở bất cứ giai đoạn lịch sử nào, dân tộc Việt Nam luôn có truyền thống tôn trọng phụ nữ, trẻ em, đề cao tình cảm trong gia đình. Đó là một nét văn hóa lâu đời và không thay đổi. Chúng ta là một trong số ít dân tộc có tục thờ mẹ, dân tộc Việt Nam luôn thể hiện khát vọng, mong muốn được hưởng quyền dân chủ hơn, bình đẳng hơn trong gia đình. Hơn nữa, Việt Nam là đất

nước chịu ảnh hưởng bởi nhiều tôn giáo và tín ngưỡng khác nhau, trong đó, đức hy sinh của người phụ nữ vì gia đình, sự phụ thuộc giữa các thế hệ, sự trọng nam – khinh nữ... đã trở thành nguyên tắc phổ biến về ứng xử và xác định quyền trong gia đình truyền thống ở Việt Nam. Do vậy, trong quá trình ADPL để giải quyết án HN&GĐ của TAND luôn phải đảm bảo các nguyên tắc cơ bản đã được quy định trong Luật HN&GĐ năm 2000, đặc biệt là nguyên tắc tôn trọng và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ và trẻ em. Qua đấy, ta thấy rò hơn đạo đức và truyền thống văn hóa dân tộc đã ảnh hưởng không nhỏ đến ADPL trong việc giải quyết các vụ án HN&GĐ qua thực tiễn tại tỉnh Thái Nguyên.

1.3.4. Ý thức pháp luật của đội ngũ cán bộ, công chức của Tòa án và các tầng lớp nhân dân

Trình độ văn hóa nói chung và trình độ văn hóa pháp lý nói riêng của công dân có ảnh hưởng rất lớn tới quá trình ADPL. Riêng đối với hoạt động ADPL của TAND trong việc giải quyết án HN&GĐ thì trình độ, ý thức pháp luật của người áp dụng như: Thẩm phán, HTND, Thư ký tòa án là điều kiện cực kỳ quan trọng bảo đảm cho việc ADPL được thực hiện chính xác và triệt để trên thực tế. Bên cạnh đó, ý thức pháp luật của chủ thể bị áp dụng cũng ảnh hưởng rất lớn đến kết quả của hoạt động ADPL, bởi vì khi đã có những tri thức pháp luật cần thiết, các chủ thể sẽ biết sử dụng pháp luật vào việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình cũng như lợi ích chung của nhà nước và xã hội.

Trình độ văn hóa cao là điều kiện đầu tiên, cơ bản để có những hành vi xử sự hợp pháp. Với người có trình độ văn hóa cao họ sẽ dễ dàng hiểu biết pháp luật, nhận thức đúng pháp luật dẫn đến việc ADPL tốt. Còn đối với những người có trình độ văn hóa thấp, điều đó sẽ ngược lại, thật khó khăn cho họ trong việc hiểu biết cũng như ADPL. Theo thống kê, hiện nay ở nước ta có

khoảng 1,7 triệu người mù chữ và chủ yếu là các dân tộc ít người. Trình độ văn hóa thấp, họ ít tiếp thu được các chuẩn mực xã hội mới trong đó có pháp luật. Không biết chữ, họ không thể đọc được văn bản Luật, có được tiếp thu thì cũng chỉ qua hình thức truyền miệng. Từ đó, họ sẽ không hiểu được sâu sắc bản chất, thậm chí còn có thể hiểu sai, điều đó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc ADPL của họ, đôi khi còn dẫn đến tình trạng vi phạm pháp luật.

Như vậy, ta thấy để việc ADPL được thuận lợi đòi hỏi hệ tư tưởng pháp luật trong xã hội luôn phải đảm bảo tính đúng đắn, khoa học. Ý thức pháp luật của mọi người nói chung và của những người áp dụng, người bị áp dụng pháp luật nói riêng phải không ngừng được cải thiện, củng cố và nâng cao. Có làm được như vậy thì hoạt động ADPL của TAND trong việc giải quyết án HN&GĐ mới đạt được chất lượng và hiệu quả tốt nhất, phù hợp nhất.

1.3.5. Năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ, thẩm phán, hội thẩm nhân dân, thư ký của tòa án

Thực tiễn giải quyết các vụ án về HN&GĐ cho thấy tính chất ngày càng phức tạp của loại án này. Tính chất phức tạp thể hiện ở việc tranh chấp tài sản hoặc việc giao con cho một bên nuôi dưỡng khi vợ, chồng ly hôn, việc công nhận một bên mất tích hoặc đã chết để người còn lại có điều kiện kết hôn, việc vợ chồng muốn chấm dứt quan hệ HN&GĐ… Từ thực tiễn như trên đòi hỏi người cán bộ, thẩm phán, thư ký khi giải quyết các tranh chấp phải có nghiệp vụ chuyên sâu, nắm vững các quy đinh của pháp luật về tố tụng dân sự để xây dựng hồ sơ vụ án có chất lượng. Cụ thể, xác định đúng các quan hệ pháp luật đang có tranh chấp, tư cách năng lực của các bên đương sự, những người có liên quan, thu thập đánh giá chứng cứ… Thực tế cho thấy, nhiều vụ án bị sửa, hủy nhiều lần ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân, thiệt hại về kinh tế cho nhà nước, cho người dân một phần cũng là do trình độ chuyên môn của các cán bộ, thẩm phán còn chưa cao, chưa đáp ứng được yêu cầu giải

quyết các vụ án HN&GĐ có tính chất ngày càng phức tạp. Do vậy, việc bồi dưỡng, nâng cao trình độ nghiệp vụ đối với cán bộ Tòa án trong lĩnh vực giải quyết án HN&GĐ là hết sức quan trọng và có ý nghĩa to lớn. Bên cạnh đó, HTND cũng phải đáp ứng được những tiêu chuẩn nhất định về kiến thức pháp lý, về đạo đức, lối sống… Có làm được như vậy thì hoạt động ADPL nói chung và ADPL trong giải quyết án HN&GĐ nói riêng mới đạt được chất lượng và hiệu quả tốt.

1.3.6. Một số yếu tố khác

Bên cạnh những yếu tố chủ yếu đã nêu ở trên, ADPL của TAND trong giải quyết án HN&GĐ còn chịu ảnh hưởng của một số yếu tố khác như: Chất lượng và hiệu quả của công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, điều kiện cơ sở vật chất – kỹ thuật cần thiết... Thực tiễn cho thấy, để hoạt động ADPL được đảm bảo thì cần phải quan tâm đến việc tăng cường cơ sở vật chất, phương tiện làm việc, phải có đầy đủ trang thiết bị vật chất – kỹ thuật nhất định phục vụ cho công tác xét xử như trụ sở Tòa án phải là nơi trang nghiêm, uy nghi, kỷ luật, hội trường xét xử phải to, rộng, đầy đủ micro, camera giám sát....

Đồng thời, nhà nước phải chú trọng đến việc hoàn thiện các chế độ chính sách đối với thẩm phán và cán bộ ngành tòa án. Bởi lẽ, đây là một nghề có tính đặc thù riêng, vất vả, khó khăn, phức tạp, chịu nhiều áp lực, đôi khi còn gặp những nguy hiểm cho bản thân và gia đình. Do vậy, cần xây dựng cơ chế bảo vệ đối với thẩm phán và gia đình họ, xây dựng những quy định về chế độ bảo hiểm để họ được hưởng bồi thường khi gặp rủi ro trong cuộc sống và nghề nghiệp. Chỉ khi nào các điều kiện sống và làm việc của họ được bảo đảm, thì họ mới có điều kiện tận tâm, dồn hết thời gian, sức lực, trí tuệ cho công việc, giữ được thái độ vô tư, khách quan trong công việc cũng như có thể đưa ra được những quyết định đúng đắn, hiệu quả trong quá trình ADPL để giải quyết các vụ án HN&GĐ.

Ngoài ra, vai trò lãnh đạo của các tổ chức Đảng đối với ADPL, sự tham gia của các tổ chức, đoàn thể quần chúng như: Hội liên hiệp phụ nữ, Hội liên hiệp thanh niên Việt Nam, Uỷ ban bảo vệ và chăm sóc trẻ em... hay tác động của các yếu tố đạo đức, tôn giáo, tập quán...cũng ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình ADPL của TAND trong giải quyết án HN&GĐ.


Kết luận Chương 1

ADPL là một trong những hình thức quan trọng của việc thực hiện pháp luật. ADPL là hoạt động thường xuyên của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong quá trình thực hiện chức năng nhiệm vụ và quyền hạn của mình góp phần thực hiện thành công chức năng nhiệm vụ của Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Áp dụng pháp luật mang tính thực tiễn cụ thể và sinh động, được tiến hành theo một trình tự nhất định do pháp luật quy định, có vai trò rất to lớn và quan trọng trong việc thực hiện quyền lực nhà nước trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa và an ninh quốc phòng...

ADPL của TAND trong giải quyết án HN&GĐ là một lĩnh vực của ADPL nói chung. Do vậy, ADPL của TAND trong giải quyết án HN&GĐ vừa mang những đặc điểm nói chung của ADPL vừa có những đặc điểm riêng của ADPL trong giải quyết án HN&GĐ về chủ thể, về quy trình và nội dung ADPL trong giải quyết án HN&GĐ. Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả ADPL của TAND trong giải quyết án HN&GĐ, trong đó có các yếu tố quan trọng như pháp luật, tình hình kinh tế - chính trị, truyền thống văn hóa, ý thức pháp luật của người dân, trình độ năng lực của người ADPL...

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 26/06/2022