Cơ Sở Lý Luận Về Xây Dựng Văn Hóa Nhà Trường Ở Trường Trung Học Phổ Thông


Bước 2: Cá nhân hoặc nhóm người sáng lập đưa vào một số nhân vật chủ chốt, tạo ra nhóm cốt lõi để chia sẻ tầm nhìn về ý tưởng.

Bước 3: Nhóm cốt lõi bắt đầu hành động trong sự phối hợp để thực hiện ý tưởng

Bước 4: Thêm nhiều người tham gia vào tổ chức và lịch sử chung của họ bắt đầu được xây dựng.

Bước 5: Đánh giá và điều chỉnh văn hóa tổ chức

1.2.3. Văn hóa nhà trường

Từ những nghiên cứu các quan điểm về văn hóa nhà trường khác nhau, tác giả Lê Thị Ngọc Thúy (2014) cho rằng: “Văn hóa nhà trường là những nhất trí cơ bản, niềm tin và các giá trị được chia sẻ tạo nên cái tôi và cách làm việc của nhà trường, cũng như định hướng cách cư xử giữa các thành viên của nhà trường với nhau, được phản ánh qua các hiện thực văn hóa”.

Quản lí nhà trường (QLNT) là quá trình tác động của chủ thể quản lý nhà trường (Hiệu trưởng, Cán bộ phụ trách phòng ban) đến các đối tượng quản lý (giảng viên, sinh viên, các quá trình dạy học và giáo dục) để đạt được mục tiêu giáo dục mà nhà trường đề ra. Trong nội dung quản lý nhà trường thì phát triển văn hóa là một nội dung quan trọng (Vũ Thị Quỳnh, 2018).

Văn hóa nhà trường là tập hợp các giá trị cơ bản, chuẩn mực đạo đức, phương tiện và các mẫu hành vi quy định cách thức mà cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh trong nhà trường tương tác với nhau và đầu tư năng lực vào công việc của mình và vào việc thực hiện nhiệm vụ của nhà trường nói chung (Trần Thị Tuyết Mai et a1., 2013).

Văn hóa nhà trường được biểu hiện thông qua các mặt trong các mối quan hệ của các thành viên trong nhà trường với nhau và với các bên liên quan và với công việc chung của nhà trường.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 136 trang tài liệu này.

- Nhận thức

- Hành vi

Xây dựng văn hóa nhà trường ở các trường trung học phổ thông tại quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh - 4

- Thái độ


Văn hóa tổ chức phản ánh toàn bộ đời sống vật chất, tinh thần của một nhà trường. Phản ánh cụ thể các điểm:

- Tầm nhìn

- Sứ mạng

- Giá trị

- Triết lý

- Phong cách lãnh đạo, quản lý

- Bầu không khí tâm lý của nhà trường…

Đây là những giá trị, chuẩn mực, quy tắc ứng xử tốt đẹp và được mỗi thành viên trong nhà trường chấp nhận, gìn giữ và phát triển.

Từ những nghiên cứu của mình, chúng tôi thống nhất xác định văn hóa nhà trường là hệ thống giá trị, niềm tin, truyền thống được nhất trí, chia sẻ trong quá trình làm việc giữa các thành viên của nhà trường với nhau và được thể hiện trong các hình thái vật chất, hình thái tinh thần, từ đó tạo nên bản sắc riêng biệt để phân biệt nhà trường này với nhà trường khác.

1.2.4. Khái niệm xây dựng văn hóa nhà trường‌

Xây dựng là tạo bằng trí tuệ những yếu tố mà trí tuệ sắp xếp, trên cơ sở thực tiễn, lý luận hay thẩm mỹ, thành một thể thống nhất. Xây dựng là tạo hoàn cảnh sống vật chất hay tinh thần, hoặc cho một cộng đồng trên cơ sở một đường lối chủ trương nhất định, một hệ thống tư tưởng hoặc cho cá nhân theo một ý định có suy nghĩ, cân nhắc (Nguyễn Lân, 1997).

Xây dựng là quá trình hình thành một chỉnh thể về xã hội, chính trị, kinh tế, văn hóa theo một phương hướng nhất định. Tạo ra, sáng tạo ra cái có giá trị tinh thần, có ý nghĩa trừu tượng.

Phát triển VHNT tức là quá trình mà chủ thể quản lý (Hiệu trưởng) thực hiện chức năng quản lý thông qua thực hiện các hoạt động tác động đến văn hóa nhà trường nhằm kế thừa, gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa tích cực tồn tại trong nhà trường, đồng thời giúp nhà trường phát triển ổn định và đạt được mục đích giáo dục. Phát triển văn hóa nhà trường là một quá trình lâu dài, đòi hỏi sự nỗ lực đóng góp của tất cả các thành viên trong nhà trường trong đó nhấn mạnh vai trò đi đầu của


cán bộ quản lý nhà trường.

Chúng tôi cho rằng: Xây dựng văn hóa nhà trường là quá trình chủ thể quản lý tác động đến các đối tượng quản lý và các cá nhân, tổ chức có liên quan nhằm kế thừa, gìn giữ và hình thành những giá trị văn hóa mới trên cơ sở phát huy những giá trị văn hóa tích cực, loại bỏ các giá trị văn hóa không còn phù hợp trong nhà trường, giúp nhà trường phát triển ổn định, thực hiện mục đích và nhiệm vụ giáo dục nhà trường đề ra.

Các bước để xác định VHNT:

- Xác định giá trị văn hóa nhà trường đang tồn tại

- Phân tích, đánh giá văn hóa nhà trường đang tồn tại

- Xây dựng ý tưởng về thể chế văn hóa mới

- Góp ý, hoàn thiện ý tưởng

- Thực hiện ý tưởng nhằm thay đổi văn hóa nhà trường

- Đánh giá và điều chỉnh trong quá trình thực hiện

1.3. Cơ sở lý luận về xây dựng văn hóa nhà trường ở trường trung học phổ thông

1.3.1. Tầm quan trọng của văn hóa nhà trường‌

Văn hóa quyết định sự trường tồn của một tổ chức, đó là ý nghĩa, tầm quan trọng lớn nhất của văn hóa tổ chức. Đối với nhà trường, văn hóa càng có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt, bởi lẽ, tính văn hóa là một tính chất đặc thù của nhà trường, hơn bất kỳ một tổ chức nào. Điều này được xác định dựa trên những căn cứ sau:

1.3.1.1. Văn hóa nhà trường tác động đến suy nghĩ, nhận thức của từng thành viên trong nhà trường

Văn hóa nhà trường thể hiện các giá trị và niềm tin của tổ chức, được các thành viên trong nhà trường chia sẻ. Khi những thành viên trong nhà trường có giá trị, niềm tin như nhau tạo nên sự nhất trí, đồng cảm và tạo nên văn hóa nhà trường tích cưc. Văn hóa nhà trường giúp cho các thành viên trong tổ chức thống nhất về cách nhận thức vấn đề, cách đánh giá, lựa chọn, định hướng và hành động. Nó tựa như chất keo gắn kết các thành viên lại thành một khối, tạo ra những dư luận tích cực, hạn chế những biểu hiện tiêu cực, trái với quy tắc của tổ chức. Nó hạn chế


những nguy cơ mâu thuẫn, xung đột và khi xung đột là không thể tránh khỏi thì văn hóa nhà trường tạo ra hành lang pháp lý, đạo lý phù hợp để góp phần khắc phục, giải quyết xung đột trên nguyên tắc không phá vỡ chỉnh thể của tổ chức nhà trường.

1.3.1.2. Văn hóa nhà trường tạo ra môi trường làm việc tích cực cho CB, GV, NV

Văn hóa nhà trường khuyến khích mối quan hệ hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau giữa CB, GV, NV. Cán bộ, giáo viên, nhân viên cảm thấy thoải mái dễ dàng thảo luận về những vấn đề hay những khó khăn, vướng mắc mà họ đang gặp phải trong công việc hoặc trong cuộc sống. CB, GV, NV sẵn sàng chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm chuyên môn; CB, GV, NV tích cực trao đổi phương pháp và kỹ năng dạy học; CB, GV, NV quan tâm đến công việc của nhau, cùng hợp tác với lãnh đạo nhà trường để thực hiện mục tiêu giáo dục đã đề ra.

1.3.1.3. Văn hóa nhà trường tạo ra môi trường học tập tích cực cho học

sinh


Văn hóa nhà trường tạo ra môi trường học tập có lợi nhất cho học sinh:

- Học sinh cảm thấy thoải mái, vui vẻ; ham học;

- Học sinh được tôn trọng, được thừa nhận và cảm thấy mình có giá trị;

- Học sinh thấy rõ được quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của mình;

- Học sinh tích cực khám phá, liên tục trải nghiệm và tích cực tương tác với

giáo viên và nhóm bạn;

- Học sinh nỗ lực để đạt thành tích tốt nhất trong học tập, rèn luyện;

Văn hóa nhà trường tạo ra môi trường thân thiện cho học sinh:

- Học sinh cảm thấy được an toàn;

- Cởi mở và chấp nhận các nhu cầu, hoàn cảnh khác nhau của học sinh;

- Khuyến khích học sinh phát biểu, bày tỏ quan điểm cá nhân;

- Xây dựng mối quan hệ ứng xử văn hóa, tôn trọng, hiểu biết lẫn nhau, học hỏi lẫn nhau giữa thầy và trò.

1.3.1.4.Văn hóa nhà trường thúc đẩy CB,GV,NV và HS hành động theo hướng tích cực

Động lực sư phạm được tạo nên bởi nhiều yếu tố, trong đó văn hóa nhà trường


là một động lực vô hình nhưng có sức mạnh kích cầu hơn cả các biện pháp kinh tế hay pháp lý, cụ thể: Văn hóa nhà trường giúp cho cán bộ, giáo viên, nhân viên thấy rõ mục tiêu, định hướng và bản chất công việc mình làm. Văn hóa nhà trường phù hợp, tích cực tạo ra bầu không khí sư phạm thoải mái, các mối quan hệ tích cực, tốt đẹp giữa các cán bộ, giáo viên, nhân viên trong tập thể sư phạm, giữa giáo viên và học sinh, học sinh với học sinh. Đồng thời tạo ra môi trường làm việc thoải mái, vui vẻ, lành mạnh. Đó là nền tảng tinh thần cho sự sáng tạo – điều vô cùng quan trọng đối với hoạt động sư phạm mà đối tượng là tri thức và con người. Văn hóa nhà trường tích cực giúp cho người dạy, người học và mỗi người trong lực lượng xã hội xung quanh có cảm giác tự hào, hãnh diện vì được là thành viên của tổ chức nhà trường. Và được làm việc, học tập, cống hiến vì những mục tiêu cao cả của nhà tường.

Muốn tạo động lực cần khơi dậy nhu cầu và đáp ứng nhu cầu chính đáng của mọi người. Khi khả năng đáp ứng nhu cầu thấp, động lực với người lao động sư phạm là đồng lương, thu nhập và những giá trị vật chất. Khi nhu cầu đạt đến mức nào đó, nhu cầu vật chất được thỏa mãn một mức nào đó, người lao động nói chung, nhà sư phạm nói riêng sẵn sàng đánh đổi, chọn mức thu nhập thấp hơn để được làm việc trong một môi trường hòa đồng, thân thiện. Để họ được thừa nhận và được tôn trọng, được cống hiến, sáng tạo và được tự khẳng định.

1.3.1.5. Văn hóa nhà trường giảm thiểu mâu thuẫn, xung đột, tiêu cực trong nhà trường

Văn hóa nhà trường hỗ trợ điều phối và kiểm soát hành vi của các cá nhân bằng các chuẩn mực, thủ tục, quy trình, quy tắc và bằng dư luận, truyền thuyết do những thế hệ con người trong tổ chức nhà trường xây dựng lên. Khi nhà trường phải đối mặt với một vấn đề phức tạp, chính văn hóa nhà trường là điểm tựa tinh thần, giúp cho nhà quản lý trường học và đội ngũ giáo viên hợp tác, phát huy trí lực để có những quyết định và sự lựa chọn đúng đắn.

1.3.1.6.Văn hóa nhà trường khuyến khích mối quan hệ hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm, học hỏi lân nhau giữa các thành viên trong nhà trường

Văn hóa nhà trường làm cho CB, GV, NV cảm thấy thoải mái dễ dàng thảo


luận về những vấn đề hay những khó khăn, vướng mắc mà họ đang gặp phải trong công việc hoặc trong cuộc sống; văn hóa nhà trường làm cho các thành viên trong nhà trường sẵn sàng chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm chuyên môn; văn hóa nhà trường làm cho CB, GV, NV tích cực trao đổi phương pháp và kỹ năng dạy học; văn hóa nhà trường làm cho các thành viên trong nhà trường quan tâm đến công việc của nhau; cùng hợp tác với lãnh đạo nhà trường để thực hiện những mục tiêu giáo dục mà nhà trường đã đề ra.

1.3.1.7.Văn hóa nhà trường tạo ra bầu không khí tin cậy thúc đẩy CB,GV quan tâm đến chất lượng và hiệu quả giảng dạy, học tập của nhà trường

Văn hóa nhà trường tạo bầu không khí tâm lý cởi mở, tin cậy thúc đẩy cán bộ, giáo viên quan tâm đến chất lượng và hiệu quả giảng dạy và học tập; cùng nhau hợp tác, chia sẻ, giúp đỡ nhau để thực hiện mục tiêu giáo dục nhà trường đã đề ra; cải thiện thành tích giảng dạy và học tập của nhà trường.

1.3.1.8.Văn hóa nhà trường đẩy mạnh và nâng cao chất lượng các hoạt động của nhà trường

Tổng hợp tất cả các yếu tố trên, từ sự gắn kết, tạo động lực, điều phối kiểm soát và hạn chế những nguy cơ làm giảm sức mạnh của tổ chức, rõ ràng là văn hóa nhà trường đã làm tăng hiệu quả các hoạt động trong nhà trường. Trên cơ sở đó mà dần dần tạo nên những phẩm chất đặc trưng khác biệt cho tổ chức trường học. Đó là cơ sở nâng cao uy tín, “thương hiệu” của nhà trường, tạo đà cho các bước phát triển tốt hơn.

1.3.2. Các thành tố cơ bản của văn hóa nhà trường ở trường trung học phổ thông‌

Văn hóa nhà trường ở trường trung học phổ thông là một loại hình của văn hóa tổ chức, do đó các thành tố cơ bản của nó tương đồng với văn hóa của một tổ chức nói chung. Có khá nhiều quan điểm trong phân chia các thành tố của văn hóa nhà trường hay văn hóa của một tổ chức, tiêu biểu có thể kể đến các tác giả sau:

Theo nhóm tác giả Nguyễn Bá Dương, Nguyễn Cúc, Đức Uy (2004) lại cho rằng, có 6 thành tố chính trong văn hóa của một tổ chức, đó là:

- Triết lý, mang lại ý nghĩa tồn tại của tổ chức và quan hệ của tổ chức đối với


các cán bộ và những người liên quan.

- Các giá trị chủ đạo mà tổ chức dựa vào đó để xác định các mục tiêu hoặc các phương tiện đạt được các mục tiêu đó.

- Chuẩn mực được chia sẻ bởi các thành viên trong tổ chức và quy định các nguyên tắc quan hệ qua lại trong tập thể.

- Các quy tắc của “trò chơi” diễn ra trong tập thể.

- Bầu không khí tồn tại trong tập thể.

- Các nghi thức ứng xử, ký hiệu, dấu hiệu được sử dụng trong tổ chức.

Theo Edgar Henry Schein (2012) văn hóa tổ chức gồm nhiều lớp với nhiều thành phần:

- Lớp bề mặt: đồ vật, phương tiện do con người tạo ra và các mẫu hành vi (ăn mặc, bảng hiệu, lễ hội, tập quán, thói quen, thần tượng, anh hùng) của tổ chức.

- Lớp tiếp theo (lớp giữa): giá trị cốt lõi, được diễn đạt cụ thể làm chuẩn mực và nền tảng đạo đức chi phối hành vi của các thành viên trong tổ chức.

- Lớp sâu nhất: bao gồm những giả định ngầm, tiền đề trừu tượng về bản chất con người, chân lý và hiện thực, mối quan hệ liên nhân cách, quan hệ với môi trường trong tổ chức.

Theo Nguyễn Thị Ngọc Thúy (2014) cho rằng có ba thành tố chính của văn hóa nhà trường, đó là:

- Yếu tố thực hiện bao gồm các thành tố như biểu tượng, nghi lễ, giai thoại, các mẫu hành vi nhìn và nghe thấy (cái gì cũng tin hiển nhiên là đúng).

- Các giá trị văn hóa (ý thức về cái phải làm).

- Các nhất trí cơ bản và niềm tin, hiển nhiên là đúng

Từ những lý giải về các thành phần của văn hóa tổ chức, ngày nay các nhà nghiên cứu cơ bản thống nhất xác định văn hóa nhà trường bao gồm các yếu tố sau (Trần Thị Tuyết Mai et a1., 2013):

- Phần nổi (có thể quan sát được): khung cảnh trường học, cảnh quan sư phạm, các bài trí lớp học, logo, khẩu hiệu, biểu tượng, trang phục của cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh, nghi lễ, tập quán, thói quen, nhân vật lịch sử của nhà trường.

- Phần chìm (khó quan sát được):


+ Các giá trị làm chuẩn mực nền tảng, làm thước đo đúng và sai, xác định những gì nên làm và không nên làm trong cách hành xử chung và riêng của con người trong nhà trường. Các giá trị trong nhà trường bao gồm những giá trị đã được nhà trường hình thành và vun đắp, gìn giữ trong quá trình phát triển và những giá trị mới do cán bộ quản lý, tập thể giáo viên, học sinh mong muốn nhà trường mình có và tạo lập từng bước để đem đến sự phát triển phù hợp.

+ Phong cách ứng xử hàng ngày (niềm nở, thân mật hay giữ khoảng cách, nghiêm túc; xuề xòa, vui nhộn hay trang trọng; nhiệt tình, quan tâm hay lạnh nhạt, bàng quan); phương pháp ra quyết định (dân chủ, tự do hay độc đoán), phương pháp truyền thông (rộng rãi đến các thành viên hay giới hạn trong một bộ phận)

+ Những giả định ngầm trong văn hóa nhà trường: Đó là các nền tảng gồm niềm tin, niềm tự hào, những quy ước bất thành văn, có tính đương nhiên, những suy nghĩ và trạng thái xúc cảm, tình cảm đã ăn sâu vào trong tiềm thức mỗi cá nhân và tạo nên nét chung trong tập thể nhà trường. Như vậy, văn hóa nhà trường được biểu hiện thông qua nhận thức, thái độ, hành vi và thói quen hành vi của các thành viên nhà trường trong quan hệ nội bộ hoặc với các lực lượng bên ngoài nhà trường cũng như những giá trị của cơ sở vật chất, cảnh quan trong một nhà trường. Chúng tôi cho rằng, từ những thành tố của văn hóa nhà trường phân tích trên, để đánh giá về văn hóa nhà trường chúng tôi đưa ra các tiêu chí sau:

- Không gian trường học, lớp học

+ Nhà trường xanh – sạch – đẹp, thoải mái

+ Các phòng óc được bố trí phù hợp.

+ Lớp học gọn gàng ngăn nắp

+ Cơ sở vật chất, trang thiết bị đảm bảo cho hoạt động dạy và học.

+ Không gian nhà trường rộng rãi, đúng chuẩn

+ Khuôn viên nhà trường an toàn

- Mối quan hệ giữa giáo viên – giáo viên

+ Các thành viên ứng xử nhân văn.

+ Các thành viên hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong công việc.

+ Các thành viên đối xử công bằng

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 14/06/2023