Văn xuôi Trương Tửu trong tiến trình văn học Việt Nam đầu thế kỷ XX - 9


phê bình văn học, có công lý thuyết hóa việc nghiên cứu văn học sử ở nước ta. Ông đã đưa ra nhiều ý kiến, nhiều nhận định khá mới mẻ về cục diện văn học lúc bấy giờ.

Ở địa hạt phê bình, ông bắt đầu bằng bài báo Triết lý Truyện Kiều trên Đông Tây tuần báo khi mới 18 tuổi. Sau đó là một loạt bài phê bình văn học Việt Nam đương đại in trên báo Loa. Tìm hiểu trong cuốn Khảo cứu văn học Việt Nam 1932 - 1945, Trương Tửu đã phê bình sáng tác của các giả như Tản Đà; Song An, Khái Hưng, Nhất Linh,Thế Lữ, Lan Khai và ông chỉ ra sự kế thừa và đổi mới của họ với nền văn chương dân tộc. Theo đánh giá của tác giả cuốn sách “Lời phê bình của ông (Trương Tửu) thời bấy giờ hãy còn lại một nhà phê bình trên quan niệm cổ điển, dựa trên những nguyên tắc giáo điều để đánh giá cái sự nghiệp văn chương. Ông đã ca ngợi các nhà văn thuộc nhóm Tự lực văn đoàn, mà sau nầy ông đả kích trên hai tờ Tri Tân và Ích Hữu” [125, tr. 221]. Đi sâu vào tác phẩm văn chương, ở góc độ này, ông phân tích và so sánh Tố Tâm, Nửa chừng xuân Đoạn tuyệt để chỉ ra diễn tiến tư tưởng trong quan niệm nghệ thuật về con người của các tác giả, đồng thời Trương Tửu chỉ ra những cống hiến và hạn chế của các tác giả đó. Qua những trang văn diễm tình của Tố Tâm, Trương Tửu khen ngợi: “Trong văn giới, ông Song An là người có công to. Ông đứng đầu những nhà văn tả cảnh, tả tình như Khái Hưng, Thế Lữ…” (Tuần báo Loa số 75), Trương Tửu tiếp tục đưa ra những đánh giá mà theo tác giả cuốn Khảo cứu Văn học Việt Nam 1932-1945 là “phân tách, ca tụng theo chủ quan của mình” [125, tr. 223], Trương Tửu không ngần ngại bộc bạch khi phê bình cuốn Nửa chừng xuân “văn ông Khái Hưng cũng đáng liệt vào hàng giá trị. Ông có công bồi bổ quốc văn, khêu gợi cho người sau một tin tưởng mạnh mẽ về tương lai văn học nước nhà.

Địa vị ông trong văn học kể cũng cao lắm rồi! Tôi chỉ mong rằng khi viết văn ông Khái Hưng không chỉ nên nghĩ đến những người đồng thời”(Tuần báo Loa số 76), tiếp tục dành những lời khen ngợi khi phê bình cuốn Đoạn Tuyệt “có thể coi là một tiểu thuyết hay nhất trong văn học Việt Nam hiện đại…Đoạn tuyệt là tiếng nói cuối cùng của tấn kịch thời đại. Nó được hoan nghênh như một hành vi tốt. Ngày


nay đang làm sách gối đầu giường của nam nữ thanh niên, mà sao nó sẽ được lưu truyền như một kho tài liệu phong tục cho xã hội học.

Chúng ta nên cảm tạ ông Nhất Linh” (Tuần báo Loa số 77). Tấn kịch của thời đại là xung đột giữa cá nhân và gia đình, cái mới và cái cũ, Trương Tửu nhận thấy những nét khác biệt đáng kể giữa các tác phẩm, các nhà văn. Với cuốn Vàng và Máu của Thế Lữ, có nhiều đoạn Trương Tửu khen ngợi tác giả “Một khi đặt bút viết câu chuyện đường rừng, toàn thân ông say sưa sống lại những phút của một tâm hồn cổ lộ. Mà chỉ những phút ấy, tôi mới thấy được biệt tài của ông”; “Vàng và Máu là một bài hùng ca của nhân loại chạy theo hạnh phúc và ánh sáng. Nó có thể được chứng nghiệm ở ba phạm vi khoa học, tôn giáo và nhân sinh” (Tuần báo Loa số 80). Ưu ái và ca tụng, có lẽ Trương Tửu thấy được những nét mới trong sáng tạo nghệ thuật của những nhà văn này. Đến với cuốn Đường rừng của Lan Khai cũng không ngoại lệ. Trên tuần báo Loa số 82, “không ai yêu rừng núi tha thiết như Lan Khai, ông cho nó một linh hồn, ông theo nó vào nét vẽ…Tôi thành thực mong rằng ông Lan Khai cứ đi vào hai con đường quen thuộc rừng rú và lịch sử… để hiến cho độc giả những tiểu thuyết kiệt tác” [125, tr 224]

Xét các tác phẩm của Trương Tửu về lý luận - phê bình văn học kể đến là: Địa vị Vũ Trọng Phụng trong văn học Việt Nam cận đại in trong Tao đàn – Số đặc biệt về Vũ Trọng Phụng, tháng 12-1939. Ông đã đánh giá đúng thái độ chính trị yêu nước và giá trị những tác phẩm của Vũ Trọng Phụng đối với thời đại. Trong khi đó, vào thời điểm này, giá trị tác phẩm của Vũ Trọng Phụng còn nhiều ý kiến tranh cãi, có ý kiến phủ nhận. Tiếp đến Những thí nghiệm của ngòi bút tôi (1940), Tính sổ 10 năm văn học (1940), Kinh thi Việt Nam (1940), Nguyễn Du và Truyện Kiều (1942), Văn chương truyện Kiều (1942), Tâm lý và tư tưởng Nguyễn Công Trứ (1945), Nhân loại tiến hóa sử (1945), Nguồn gốc văn minh (1945), Văn minh sử (1945), Văn nghệ Bình dân Việt Nam (1951), Truyện Kiều và thời đại Nguyễn Du (1956) và Mấy vấn đề Văn học sử Việt Nam (1958),…


Ở lĩnh vực lý luận phê bình, Trương Tửu đã phải trải qua những trận “búa rìu dư luận” vì tư tưởng dân chủ của mình. Viết phê bình, Trương Tửu không chạy theo tác phẩm cũng không muốn định giá nhà văn. Ông quan niệm: “nhà phê bình, dựa theo những khuynh hướng hoặc đã rò rệt, hoặc còn tiềm ẩn, vạch một con đường cho văn học ngày mai”. Phê bình vì vậy mang tính “động” (ở năng lực dự báo và định hướng), trái với tính “tĩnh” (ở khả năng khái quát và đúc kết kinh nghiệm) của văn học sử khi “xếp đặt những khuynh hướng văn học vào những hình kỷ hà đã vạch sẵn”. Nhà phê bình phải “tìm những định luật, dẫn những chứng cớ” làm căn cứ để minh xác điều mình nói, giảng giải điều mình nghĩ. Nghĩa là ngoài năng lực thẩm thấu văn chương, phương pháp phê bình là một điều tiên quyết. Nó làm nên tính khách quan và khoa học của hoạt động phê bình văn học. Nó không câu chấp vào “những tình cảm riêng, những thành kiến và dư luận” để chối bỏ lối bình tán chủ quan. Nó đánh giá, nhận định văn học một cách thực chứng bằng cách vận dụng thành quả của các nghiên cứu khoa học xã hội nhân văn như xã hội học, tâm lý học, di truyền học… vào nghiên cứu, phê bình văn chương. Nhất quán bởi tư tưởng đó, phê bình văn học của Trương Tửu đi sâu tìm hiểu cá tính làm nên “sở trường” và những “khuynh hướng” của mỗi tác giả. Ông chịu ảnh hưởng sâu sắc phương pháp văn hoá - lịch sử của nhà triết học, nhà phê bình văn học Pháp H. Taine. Dựa vào thuyết chủng tộc - địa lý - lịch sử của Taine, Trương Tửu đi tìm cá tính của nhà văn Việt ở huyết thống, môi trường địa văn hoá và tình trạng văn hóa - tư tưởng bao bọc đời sống họ. Bằng phương pháp phê bình này, ông đã có những phân tích lý thú về cách tả cảnh của Thế Lữ, Lan Khai và Lưu Trọng Lư. Phân tích những tác động của địa - văn hoá vùng Lạng Sơn với Thế Lữ, Tuyên Quang với Lan Khai và Quảng Bình với Lưu Trọng Lư. Đến những công trình dài hơi như Nguyễn Du và Truyện Kiều, Văn chương Truyện Kiều, Tâm lý và tư tưởng Nguyễn Công Trứ… Trương Tửu thể hiện khá đầy đủ khả năng khai thác vấn đề văn học trên lập trường áp dụng khoa học. Từ cái thế chân kiềng nòi giống - thời điểm - địa điểm, Trương Tửu khai thác và vận dụng thuyết chủng tộc - địa lý của H. Taine, thuyết tâm phân học của S. Freud và phản ánh luận của K. Marx để phát triển phương pháp phê bình khoa học

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 177 trang tài liệu này.


của mình. Hippolyte Taine (1828 - 1893) đã có ảnh hưởng mạnh tới tư tưởng của Trương Tửu. Ông là nhà triết học, sử học, phê bình văn học Pháp. “Taine cho rằng mọi nhà văn và tác phẩm văn học đều chịu ảnh hưởng của ba yếu tố: chủng học, môi trường xã hội, thời đại lịch sử. Ông cho rằng các yếu tố tâm sinh lý của nhà văn cùng các yếu tố về hoàn cảnh xã hội, về lịch sử của thời đại mà trong đó nhà văn sinh sống, đều có vai trò quyết định đến tính chất và giá trị của tác phẩm văn học” [24, tr, 186]. Tác giả cuốn Phương pháp luận nghiên cứu văn học đưa ra nhận xét về Taine: “có thể nói phương pháp nghiên cứu của Taine cũng là một mầm mống của phương pháp xã hội học hiện đại”[24, tr. 187], tiếp đến là sự khẳng định “chúng ta không thể không nhắc đến vai trò mở đầu của ông (H. Taine) đối với phương pháp xã hội học” [24, tr. 187]. Trương Tửu cũng như nhiều nhà nghiên cứu, nhà văn khác ở Việt Nam đã tiếp thu sự ảnh hưởng của Taine, tuy nhiên Trương Tửu “vẫn phê phán Taine là đã không chú ý đến tâm lý cá nhân của nhà văn” [24, tr.188]. Chính lý do đó mà Trương Tửu đã tiếp thu nhiều sự ảnh hưởng khác từ Sigmund Freud, K. Marx.. S. Freud là người khởi xướng nghiên cứu phân tâm học đối với một số hiện tượng tinh thần như trong các lĩnh vực tôn giáo, văn học, nghệ thuật, đạo đức, “trong lĩnh vực lý giải hiện tượng văn học và nghệ thuật, Freud cũng có mối quan tâm đặc biệt. Theo Freud, ở đây xuất hiện cái vô thức trong sự va chạm với cái ý thức, mơ mộng có quan hệ thân thiết với huyền thoại, với văn học và nghệ thuật” [24, tr.149], “Freud quan niệm nội dung đích thực (được ghi nhận từ thời ấu thơ) bao giờ cũng mang bản chất tính dục và cá nhân mỗi con người đều có bản năng tính dục từ thời ấu thơ. Cùng thời gian bản năng đó bị dồn nén vào tầng vô thức; khi lớn lên, các ẩn ức vô thức thỉnh thoảng lại tái hiện trong những giấc mơ và trong những hành vi ứng xử của cá nhân; và đối với nhà văn chúng được thể hiện bằng các hình tượng văn học trong tác phẩm” [24, tr. 149-150]. S. Freud đưa ra quan điểm thuyết phục, độc đáo nhưng cũng bộc lộ hạn chế nhất định như “quan niệm coi mơ mộng và sáng tác nghệ thuật là giống nhau, coi sự tham gia của ý thức vào quá trình sáng tác là không cốt yếu bên cạnh vai trò cốt yếu của cái vô thức” [24, tr.151]. Trương Tửu là người ham học hỏi, vì vậy khi được tiếp cận với những

Văn xuôi Trương Tửu trong tiến trình văn học Việt Nam đầu thế kỷ XX - 9


lý thuyết mới ông nhanh chóng vận dụng để gắn vào sứ mệnh của nhà văn. Hơn thế, thực tế cho thấy Trương Tửu luôn dũng cảm đấu tranh cho chính nghĩa, cho sự tiến bộ như tham gia bãi khóa ở Hà Nội để đòi thực dân pháp thả Phạm Tất Đắc vào năm 1927, đến năm 1930 ông vận động học sinh Trường Kỹ nghệ thực hành Hải Phòng phản đối ban giám đốc bỏ các môn lý thuyết về kỹ thuật… Trương Tửu đã rất phấn khởi khi gặp được những luồng tư tưởng mới mang đến sinh khí mới cho văn học. Sự ủy mị, bi quan, phóng đãng và phóng túng trong văn học bị ông bài trừ, đả kích và thay vào đó ông thể hiện khả năng nắm bắt về một loại văn chương mạnh mẽ, phản ánh, lên án những cái xấu xa tồn tại trong xã hội. Ông là nhà văn tiếp nhận phương pháp khoa học tức là xã hội học mác xít, đồng thời kết hợp với tư tưởng thực chứng H.Taine và phân tâm học Freud để đi đến cái “Tôi” riêng mặc dù cái “Tôi” riêng ấy đôi chỗ không tránh khỏi khiếm khuyết.

Trương Tửu đã đưa ra những kiến giải riêng, nhiều điểm khá thuyết phục về cá tính sáng tạo của Nguyễn Du, tâm lý và tư tưởng Nguyễn Công Trứ mà phần cốt lòi thuộc về “còi tiềm thức” của nhà văn. Với một hướng đi có phần cực đoan, nhà nghiên cứu đưa ra nhiều nhận định còn mang tính áp đặt, khô cứng. Điều này cho thấy phê bình văn học của nước ta lúc đó thường nặng về bình tán, trong khi những tiếp xúc cần thiết với lý luận phương Tây vẫn còn quá dè dặt. Nhưng Trương Tửu đã thể nghiệm và nói lên quan điểm riêng dù không tấu cùng bản nhạc với nhiều nhà nghiên cứu cùng thời. Trương Tửu đã có công trong việc đổi mới nghiên cứu phê bình văn chương, trả lại cho phê bình văn chương cái thuộc tính khoa học thiết yếu của nó. Đây là một bước tiến quan trọng trong phê bình văn học. Trong sự tiến bộ đáng được ghi nhận mà Trương Tửu mang đến cho bộ môn này cũng tồn tại những mặt chưa hoàn thiện, thậm chí là sự máy móc, áp đặt của một người đem tư tưởng khoa học vào nghiên cứu, mổ xẻ những vấn đề văn học. Trong thời gian trước Cách mạng Trương Tửu đã viết Triết lý Truyện Kiều (1931), Nguyễn Du và Truyện Kiều (1942), Văn chương Truyện Kiều (1944). Năm 1956 Trương Tửu cho in Truyện Kiều và thời đại Nguyễn Du nhằm bàn lại về vấn đề Truyện Kiều.


Năm 1957, Trương Tửu hoàn thành bản thảo công trình Mấy vấn đề văn học sử Việt Nam. Đây là công trình có ý nghĩa quan trọng đối với Trương Tửu, mở ra thời kỳ chuyển biến mạnh mẽ, hoàn thiện thế giới quan và tư duy khoa học của ông. Trịnh Bá Đĩnh và Nguyễn Hữu Sơn đánh giá: Mấy vấn đề văn học sử Việt Nam “là một nỗ lực quan trọng của Trương Tửu trong việc tự ý thức về tiến trình lịch sử văn học dân tộc”. Trong quá trình tham gia vào công tác văn hóa văn nghệ chín năm kháng chiến đã tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ trong tư duy của Trương Tửu về các vấn đề phương pháp luận mác xít cho việc xây dựng một nền móng của khoa học nghiên cứu lịch sử văn học nước nhà và khoa phê bình văn học với tư cách là một khoa học.Về thái độ đối với các vấn đề cấp bách của thực tiễn văn nghệ, Trương Tửu đặc biệt quan tâm đến sự vận dụng học thuyết Mác Lênin vào công tác lãnh đạo văn nghệ của Đảng Lao động Việt Nam. Đặc biệt khi nhìn kỹ lại bối cảnh xã hội miền Bắc cũng như thế giới những năm đầu hòa bình lập lại mới hiểu đúng động cơ trong cách làm việc và sáng tạo nghệ thuật của Trương Tửu trước những vấn đề phức tạp đó.

Trương Tửu đã gặp phản ứng gay gắt khi phát biểu quan điểm trên các tập “Giai phẩm” về văn nghệ với một động cơ mà theo ông là hoàn toàn trong sáng. Trong bối cảnh xã hội lúc đó, có những con đường đan nhau mà nhiều người cầm bút còn đang phân vân không biết nên chọn cho mình đường đi nào, nếu không bền tâm vững chí họ có thể lạc lối giữa những nguồn ảnh hưởng phức tạp. Trong hoàn cảnh ấy, Trương Tửu đã chọn một con đường đầy gian khó. Sự “dấn thân” của Trương Tửu khi vận dụng nhanh chóng cái mới của văn hóa, văn học phương Tây vào vào văn học Việt Nam đã gây tranh cãi suốt một thời gian dài với những quan điểm trái chiều. Nếu ở miền Bắc sau vụ Nhân Văn Giai Phẩm, tên tuổi và tác phẩm của Trương Tửu bị loại trừ, thì ở miền Nam, ảnh hưởng Trương Tửu - Nguyễn Bách Khoa trong các trường đại học rất lớn. Miền Nam có Nguyễn Văn Trung và Thanh Lãng đánh giá rất cao về phê bình của Trương Tửu. Như vậy, để hiểu và đánh giá đầy đủ, sâu sắc về các tác phẩm lý luận - phê bình văn học của Trương Tửu, có lẽ phải cần có những công trình nghiên cứu chuyên sâu.


Tiểu kết


Văn học Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX đã tiến nhanh trên con đường hiện đại hoá. Quá trình đổi mới và hiện đại hoá diễn ra dưới những ảnh hưởng của các trào lưu văn học, triết học phương Đông và phương Tây, nhất là sự ảnh hưởng của văn học Pháp. Những nhà văn tên tuổi xuất hiện, họ là đại diện tiêu biểu cho cả một thế kỷ trong quá trình vận động, tổng hợp những thành tựu của nền văn học dân tộc truyền thống và chắt lọc tinh hoa văn hoá nhân loại.

Văn học Việt Nam hiện đại đầu thế kỷ XX gắn với sự phát triển của văn xuôi hiện đại mà thành tựu đỉnh cao nằm ở giai đoạn 1930-1945. Văn xuôi giai đoạn này gắn với tên tuổi của những nhà văn như Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng, Nam Cao, Trương Tửu, Nguyên Hồng,... Mỗi nhà văn một phong cách với khả năng phát hiện, tái hiện đầy đủ, sâu sắc đời sống xã hội đương thời. Riêng Trương Tửu, ông đã tạo cho mìnhmột dấu ấn riêng, một lối đi riêng. Trương Tửu và các sáng tác của ông đã nhận được nhiều ý kiến đánh giá khác nhau, điều này cho thấy sự ảnh hưởng của nhà văn trong đời sống văn học là không thể phủ nhận.

Trương Tửu với một cuộc đời trải qua nhiều thăng trầm nhưng luôn là nhà văn, là người thầy đầy tâm huyết và trách nhiệm. Ông say mê với mỗi công việc, để thời gian, công chúng là thước đo đúng đắn nhất về con người và những tác phẩm văn xuôi, các sáng tác nghiên cứu lý luận phê bình mà ông từng cho xuất bản. Những nhận định thiếu khách quan về ông rồi cũng qua đi. Hôm nay trong xu thế xã hội mới Trương Tửu được nhìn nhận, đánh giá lại một cách đúng đắn và khoa học hơn.


Chương 3‌‌‌‌

HỆ THỐNG ĐỀ TÀI VÀ CẢM HỨNG SÁNG TÁC CHỦ ĐẠO CỦA NHÀ VĂN TRƯƠNG TỬU

3.1. Đề tài

Trong văn học, đề tài thuộc phương diện nội dung tác phẩm. Trong cuốn 150 thuật ngữ văn học khái niệm đề tài được định nghĩa là: “Phạm vi các sự kiện tạo nên cơ sở chất liệu đời sống của tác phẩm (chủ yếu là tác phẩm tự sự và kịch), đồng thời gắn với việc xác lập chủ đề của tác phẩm. Đối với phần lớn sáng tác thơ trữ tình, khái niệm đề tài gần như đồng nhất vào khái niệm chủ đề. (Ở các hệ thuật ngữ Châu Âu, khái niệm “théma” bao gồm cả hai nét nghĩa đề tài và chủ đề).

Những thuộc tính chung về đề tài (và chủ đề) là căn cứ để tập hợp tác phẩm theo nhóm thể tài…”[ 5, tr. 127].

Theo Từ điển thuật ngữ văn học: Đề tài là “Khái niệm chỉ các loại hiện tượng đời sống được miêu tả, phản ánh trực tiếp trong sáng tác văn học. Đề tài là phương diện khách quan của nội dung tác phẩm” [44, tr. 110].

Các hiện tượng đời sống có thể liên kết với nhau thành loại theo mối liên hệ bề ngoài giữa chúng hoặc thành loại theo mối quan hệ bên trong của chúng. Ở giới hạn bề ngoài của đề tài, các phạm trù xã hội, lịch sử giữ vai trò quan trọng. Nhiều khi đề tài gắn liền với một hiện tượng xã hội, lịch sử, xuất hiện và trở thành phổ biến trong đời sống tinh thần của một thời hay một giới nào đó. Như vậy, đề tài có thể xem là phương diện khách quan của nội dung tác phẩm, chỉ các loại hiện tượng đời sống được miêu tả, phản ánh trực tiếp trong sáng tác văn học. Các hiện tượng đời sống đó có thể liên kết nhau thành loại theo mối liên hệ bề ngoài và bên trong. Ở giới hạn bên trong thì bản chất xã hội của cuộc sống, của tính cách và số phận con người giữ vai trò quan trọng. Sự xác định giới hạn bề ngoài và giới hạn bên trong như trên có ý nghĩa tương đối. Đề tài của một tác phẩm thường là cả một hệ thống các hiện tượng đời sống liên quan với nhau, bổ sung cho nhau, là đối tượng của nhận thức, lựa chọn gắn liền với dụng ý, thế giới quan, lập trường tư tưởng, quan điểm thẩm mĩ của nhà văn.

Xem tất cả 177 trang.

Ngày đăng: 20/07/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí