Văn hóa của cư dân vùng biển đảo Vân Đồn, Quảng Ninh - 2

3. Phạm vi nghiên cứu

+Về thời gian: Luận án nghiên cứu văn hóa của cư dân vùng biển đảo Vân Đồn trong quá trình lịch sử, đặc biệt là giai đoạn gần đây, khi Vân Đồn có sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế và du lịch theo chủ trương của Chính phủ khi xây dựng Vân Đồn thành khu kinh tế du lịch trọng điểm

+ Về không gian: Luận án tập trung chủ yếu vào nghiên cứu văn hóa của cư dân vùng biển đảo Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh. Bên cạnh đó, luận án đặt đối tượng nghiên cứu này trong mối tương tác với cả khu vực ven biển Đông Bắc nói riêng cũng như trong hệ thống văn hoá của các cư dân ven biển Việt Nam nói chung.

+ Về nội dung: Vì văn hóa của cư dân biển đảo Vân Đồn là vấn đề khá rộng nên luận án tập trung vào việc làm rõ diện mạo văn hóa của cư dân biển đảo Vân Đồn ở các khía cạnh như thực hành sinh kế, phong tục tập quán, tín ngưỡng, lễ hội; đồng thời chỉ ra các chiều tương tác trong văn hóa của cư dân vùng biển đảo Vân Đồn.

4. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu

4.1. Mục đích nghiên cứu:

Qua việc nghiên cứu diện mạo của văn hóa cư dân vùng biển đảo Vân Đồn trên các khía cạnh cơ bản sinh kế, phong tục, tập quán, tín ngưỡng, lễ hội; phân tích các chiều tương tác thể hiện trong văn hóa của cư dân vùng biển đảo Vân Đồn; luận án hướng đến việc khẳng định Vân Đồn là một không gian văn hóa đặc thù, là đầu mối của sự giao lưu, kết nối văn hóa.

4.2 Nhiệm vụ nghiên cứu

Để đạt được mục tiêu nghiên cứu nêu trên, luận án tập trong vào một số nhiệm vụ sau:

Thứ nhất, tổng quan những công trình nghiên cứu liên quan đến đề tài luận án và chỉ ra những vấn đề luận án cần tiếp tục nghiên cứu, làm sáng tỏ thêm.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 195 trang tài liệu này.

Thứ hai, làm rõ cơ sở lý luận về văn hóa, văn hóa biển; đặc trưng của văn hóa biển ở Việt Nam.

Thứ ba, phân tích diện mạo văn hóa của cư dân vùng biển đảo Vân Đồn trên các khía cạnh như sinh kế, phong tục tập quán, tín ngưỡng, lễ hội.

Văn hóa của cư dân vùng biển đảo Vân Đồn, Quảng Ninh - 2

Thứ tư, phân tích các chiều tương tác thể hiện trong văn hóa của cư dân vùng biển đảo Vân Đồn.

5. Phương pháp nghiên cứu

Hướng tiếp cận: Do tính chất của đề tài nghiên cứu về văn hoá biển là một chủ đề rộng liên quan đến nhiều chuyên ngành khoa học như: lịch sử, văn hóa học, nhân học văn hóa, xã hội học… nên đề tài đi theo hướng tiếp cận liên ngành để vấn đề nghiên cứu được làm sáng rõ hơn, từ nhiều chiều cạnh khác nhau.

Phương pháp nghiên cứu:

- Phương pháp điền dã: Tác giả luận án đã thực hiện nhiều đợt diền dã tại Vân Đồn; đã quan sát tham dự, ghi chép, chụp ảnh, thu thập tối đa các tài liệu thực tế về các thành tố cơ bản trong văn hóa biển của vùng biển đảo Vân Đồn.Trong các đợt điền dã, tác giả luận án cũng đã tham dự trực tiếp vào các hoạt động sinh hoạt văn hóa của cư dân Vân Đồn, nhất là các hoạt động cộng đồng, lễ hội. Đồng thời, tác giả cũng phỏng vấn sâu những người cao tuổi am hiểu về văn hóa cộng đồng, những người có tri thức dân gian phong phú. Tác giả luận án phỏng vấn những ngư dân, người buôn bán để hiểu về sinh kế của họ. Ngoài ra, tác giả cũng phỏng vấn các lãnh đạo địa phương, nhất là những người làm công tác quản lý văn hóa… qua đó giúp cho tác giả luận án hiểu được cuộc sống của người dân và cách mà người dân thực hành văn hóa của họ.

Tác giả luận án đã phỏng vấn sâu 20 người, chủ yếu ở đảo Cái Bầu và Quan Lạn. Bên cạnh đó, tác giả luận án còn tham gia vào các hoạt động khai thác thủy hải sản, tham gia lễ hội của cư dân Quan Lạn, trực tiếp di chuyển trên các tàu đến với một số đảo trong Vịnh Bái Tử Long nhằm trải nghiệm không gian địa lý và văn hóa của địa bàn nghiên cứu.

- Phương pháp chuyên gia: Tác giả đã tham khảo ý kiến của một số chuyên gia nghiên cứu về văn hóa biển, cũng như chuyên gia nghiên cứu về

khu vực biển Vân Đồn và cả ý kiến của những trí thức tại địa phương. Trong đó, tác giả luận án tham khảo ý kiến các chuyên gia về lịch sử Việt Nam để hiểu hơn quá trình di cư của cư dân Vân Đồn từ trong đất liền ra vùng ven biển này và họ đã mang theo những yếu tố văn hoá gốc khi ra đảo như thế nào. Mặt khác, tác giả đặc biệt chú ý các ý kiến của các chuyên gia Nhân học văn hoá để nhận diện rõ hơn những biến chuyển về sinh kế của người dân, những phong tục tập quán để thấy được sự khác biệt của văn hóa khu vực này với các khu vực khác.

- Phương pháp phân tích nguồn tài liệu thứ cấp: Tác giả luận án tiến hành thu thập và phân tích trên các công trình nghiên cứu đã công bố dưới dạng sách báo hoặc tạp chí về văn hóa biển nói chung và văn hóa vùng biển đảo Vân Đồn nói riêng.

Bên cạnh đó, tác giả cũng tập hợp tài liệu là những báo cáo của các cơ quan quản lý địa phương như Phòng Văn hóa thông tin huyện Vân Đồn, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ninh, những tài liệu lưu giữ ở các di tích và các gia đình cư dân vùng biển Vân Đồn.

Sau khi thu thập tư liệu, tác giả đã tiến hành phân loại, đánh giá vị trí và tầm quan trọng của từng loại tư liệu để có thể tham khảo được tốt nhất trong luận án.

- Ngoài ra, luận án cũng sử dụng một cách linh hoạt các phương pháp thống kê, so sánh, phân tích, tổng hợp…

6. Đóng góp của luận án

Đóng góp về khoa học: Tìm hiểu văn hóa của cư dân biển đảo Vân Đồn góp thêm nguồn tư liệu quan trọng, phong phú cho ngành Văn hoá học. Từ đó, làm rõ hơn một số vấn đề lý luận về văn hóa biển nói chung và văn hoá biển đảo Vân Đồn nói riêng cũng như việc thực hành văn hoá biển trong bối cảnh mới tại khu vực này.

Đóng góp về thực tiễn: Kết quả nghiên cứu của luận án là nguồn tài liệu tham khảo quan trọng trong nghiên cứu và giảng dạy về văn hóa biển và

văn hóa vùng biển đảo Vân Đồn. Tài liệu này là căn cứ khoa học quan trọng để tham mưu, tư vấn cho các cấp, các ngành xây dựng các chương trình, kế hoạch cụ thể nhằm khai thác có hiệu quả văn hóa biển Vân Đồn trong phát triển cũng như giữ gìn và phát triển di sản văn hóa biển ở nước ta trong giai đoạn hiện nay.

7. Bố cục luận án

Ngoài phần Mở đầu, Kết luận, Tài liệu tham khảo và Phụ lục, luận án gồm các nội dung chính:

Chương 1: Tổng quan tình hình nghiên cứu, cơ sở lý luận và khái quát vùng biển đảo Vân Đồn

Chương 2: Sinh kế của cư dân vùng biển đảo Vân Đồn

Chương 3: Phong tục tập quán của cư dân vùng biển đảo Vân Đồn Chương 4: Tín ngưỡng, lễ hội của cư dân vùng biển đảo Vân Đồn Chương 5: Văn hóa của cư dân vùng biển đảo Vân Đồn trong các chiều

tương tác

Chương 1

TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU, CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ KHÁI QUÁT VÙNG BIỂN ĐẢO VÂN ĐỒN


1.1. Tổng quan tình hình nghiên cứu liên quan đến đề tài luận án

Việt Nam là một quốc gia biển nên văn hóa biển, văn hóa của cư dân vùng biển nhận được sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài nước. Theo đề tài của luận án, tác giả tổng quan những công trình nghiên cứu có liên quan thành hai nhóm vấn đề chính như sau:

1.1.1. Những công trình nghiên cứu liên quan đến văn hóa biển, văn hóa biển đảo và văn hóa của cư dân vùng biển

* Những công trình nghiên cứu nước ngoài

Đã từ lâu, chủ đề biển Việt Nam nhận được sự quan tâm của nhiều học giả nước ngoài. Trong số đó, có nhiều công trình nghiên cứu liên quan đến biển Đông, Trường Sa, Hoàng Sa và được xuất bản bằng nhiều thứ tiếng khác nhau như Anh, Pháp, Đức, Ý, Hà Lan… Vấn đề biển đảo Việt Nam đương đại được nghiên cứu ở nhiều chiều cạnh khác nhau như vấn đề chủ quyền biển, thương mại biển, văn hóa biển… Tiêu biểu là những công trình nghiên cứu của các tác giả như Li Tana “Về góc nhìn từ biển với vùng ven biển Bắc Bộ và Trung Bộ” (A View from the Sea: Pespectives on the Northern and Central Vietnamese Coast, 2006); hay tác giả Whitmore, J với bài viết “Vươn lên từ biển: Thương mại, quốc gia và văn hóa của nước Đại Việt xưa” (The rise of the Coast: Trade, State and Culture in Early Dai Viet, 2006)… Những công trình đó đã phác thảo bức tranh về biển Việt Nam nói chung và văn hóa biển nói riêng dưới góc nhìn của các học giả nước ngoài.

Đặc biệt, từ những năm 2010 trở lại đây, các học giả nước ngoài đã đi sâu nghiên cứu về văn hóa biển của Việt Nam. Đáng chú ý là những công trình nghiên cứu sau:

Luận án tiến sĩ: “Tục thờ cá Voi: một di sản đa văn hóa của vùng biển Việt Nam” của Nguyễn Quốc Thanh - một nghiên cứu sinh người Pháp gốc Việt hoàn thành năm 2017. Trong phần kết luận của Luận án, tác giả khẳng định: Việt Nam là một vùng văn hóa thuận lợi cho các tín ngưỡng về biển như tín ngưỡng thờ cá Ông, thờ cá Voi và những điệu hò của ngư dân vùng biển. Đó là nét đặc sắc trong văn hóa biển Việt Nam.

Trong số các công trình nghiên cứu về biển Việt Nam và văn hóa biển Việt Nam, có nhiều công trình tập trung nghiên cứu về các cảng thị Việt Nam như Hội An, Lý Sơn… như Luận án tiến sĩ “Thương mại liên văn hóa và mạng lưới liên vùng ở Cảng thị Hội An; hàng hải Việt Nam giai đoạn tiền hiện đại” của tác giả Chales Wheeler (năm 2001). Trong luận án, tác giả đã tổng quan về đặc điểm vùng biển Việt Nam, đi sâu phân tích vùng cảng thị Hội An. Tác giả đã đưa ra những dẫn chứng thuyết phục để khẳng định Hội An là một đô thị cổ, một trung tâm thương mại quốc tế lớn của miền Trung. Nơi đây đã kết tinh những giá trị văn hóa nổi bật của vùng biển miền Trung Việt Nam.

Có thể nói, biển Việt Nam nói chung và văn hóa biển Việt Nam nói riêng nhận được sự quan tâm của không ít nhà khoa học nước ngoài. Những công trình đó có giá trị tham khảo nhất định với tác giả luận án khi trình bày những vấn đề về văn hóa biển Việt Nam.

* Những công trình nghiên cứu trong nước

Đến nay, các công trình nghiên cứu về biển của các học giả trong nước được tiếp cận ở nhiều góc độ như khảo cổ học, sử học, dân tộc học, văn hóa dân gian, văn hóa học, khu vực học…; trong đó nhiều nhất là những nghiên cứu thuộc chuyên ngành văn hóa học, dân tộc học và sử học. Tiêu biểu là những công trình nghiên cứu sau:

Cuốn sách Văn hóa dân gian làng ven biển (Ngô Đức Thịnh chủ biên, 2000). Trong bài dẫn luận, tác giả đã đưa ra quan điểm về văn hóa biển Việt Nam như sau: “Việt Nam không có một nền văn hóa biển điển hình, mà chỉ là

những yếu tố văn hóa biển đan xen với văn hóa nông nghiệp tạo nên một sắc diện văn hóa đặc thù của cư dân ven biển. Đó chính là một mảng mầu văn hóa riêng- văn hóa cận duyên, góp phần làm cho văn hóa Việt Nam đa dạng và phong phú hơn” [116; tr.69]. Như vậy, theo tác giả, ở Việt Nam không có một nền văn hóa biển theo đúng nghĩa mà có sự đan xen với văn hóa nông nghiệp để góp phần tạo nên dấu ấn của văn hóa biển Việt Nam.

Bài viết “Văn hóa biển miền Đông Nam Bộ- nhìn từ lễ hội dân gian của ngư dâncủa tác giả Đinh Văn Hạnh (năm 200) [41]. Bài viết khái quát đặc điểm của văn hóa biển miền Đông Nam Bộ qua không gian địa lý, lịch sử-văn hóa miền Đông Nam Bộ, vùng duyên hải miền Đông Nam Bộ với hàng chục lễ hội dân gian: Lễ hội thờ cúng Thành hoàng làng (hay hội đình), Lễ hội Nghinh Ông (tức tục thờ cá ông-cá voi, hay Nam hải Đại tướng quân, Lễ hội thờ Mẫu/Nữ thần. Lễ hội dân gian của ngư dân miền Đông Nam Bộ là loại hình lễ hội của một nhóm cộng đồng sinh sống trên cùng một địa bàn với nghề nghiệp nhất định, phản ánh đặc điểm riêng có về quá trình hình thành, về nghề nghiệp, về điều kiện lao động sản xuất, gắn liền với nghề đánh bắt thủy, hải sản. Bài viết có giá trị tham khảo nhất định với tác giả luận án trong việc khái quát đặc điểm của văn hóa biển các vùng miền trên đất nước ta.

Trong bài viết “Truyền thống văn hóa biển cận duyên của người Việt” của Ngô Đức Thịnh (năm 2010) [120], tác giả đã đi sâu nghiên cứu về văn hóa biển, chủ thể của văn hóa biển, đặc trưng cấu thành nền văn hóa biển cận duyên truyền thống của người Việt, cộng đồng ngư dân và các hình thức tổ chức xã hội; hệ thống tri thức bản địa; hệ thống tôn giáo, tín ngưỡng, nghi lễ và phong tục… Bài viết đã chỉ ra những nội hàm cơ bản của văn hóa biển nước ta, có giá trị tham khảo với tác giả luận án trong việc trình bày đặc điểm của văn hóa biển Việt Nam.

Bài viết “Phác thảo yếu tố biển trong văn hóa Việt Nam” của Trần Thị Mai An (năm 2010) [5] đã nhấn mạnh vai trò và vị trí văn hóa biển trong tổng thể của nền văn hoá Việt. Từ những hình thức kinh tế nông nghiệp đầu tiên

như trồng khoai lang trên bãi cát đến các mảnh vỡ “dân tộc học” trong dòng tri thức dân gian, hay các dấu ấn đã từng thịnh vượng của các cảng thị/thương cảng Việt xưa như Vân Đồn, Phố Hiến, Hội An... Bức tranh văn hoá biển Việt Nam ngày càng lộ diện và không thể không được nhắc đến trong các yếu tố cấu thành văn hoá Việt.

Bài viết “Người Việt với biển” của tác giả Nguyễn Văn Kim (năm 2011) [65] đề cập đến ba nội dung chính: Cơ tầng văn hoá biển; Quan hệ giao thương; Chủ quyền và an ninh biển và khẳng định vị trí, tầm quan trọng của biển, tiềm năng phong phú đa dạng của biển đồng thời góp phần xây dựng luận cứ khoa học cho việc hoạch định chủ trương, chính sách khai thác tài nguyên biển, phát triển kinh tế biển và bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Khác với một số ý kiến cho rằng người Việt “xa rừng, nhạt biển”, tác giả Nguyễn Văn Kim dựa vào nhiều nguồn tư liệu khác nhau đã chỉ ra rằng trong hành trình lịch sử - văn hoá của dân tộc từ thời dựng nước, biển có một vị trí khá quan trọng trong tâm thức và tư duy của nhiều tộc người ở Việt Nam. Vị trí của biển trong tâm thức và tư duy của các cộng đồng tộc người, đặc biệt là người Việt, không chỉ được thể hiện rõ trong các truyền thuyết, huyền thoại như truyện Lạc Long Quân, Âu Cơ, Sơn Tinh - Thủy Tinh, Tiên Dung - Chử Đồng Tử mà còn biểu hiện rõ trong niềm tin, thực hành tín ngưỡng dân gian của nhiều cộng đồng.

Bài viết “Văn hóa biển đảo và văn hóa biển đảo Khánh Hòa” của tác giả Trần Ngọc Thêm (năm 2012) [108] đã chỉ ra 4 yếu tố nhận diện văn hóa biển: không gian đủ rộng, thời gian đủ dài, dân số đủ đông và kết quả hoạt động kinh tế đủ nhiều trở thành nguồn sống chính. Đây là cách tiếp cận mới về văn hóa biển để qua đó tác giả chỉ ra sự khác biệt của văn hóa biển với các khía cạnh văn hóa khác.

Bài viết “Quốc gia biển và chính sách bảo tồn văn hóa biển” của Trần Đức Anh Sơn (năm 2012) [99]. Trong bài viết, tác giả nêu lên nguồn gốc và mối quan hệ của người Việt với biển và chỉ ra một thực tế Tuy sống cạnh

Xem tất cả 195 trang.

Ngày đăng: 24/02/2024
Trang chủ Tài liệu miễn phí