với các doanh nghiệp kinh doanh du lịch. Tuy nhiên một số người học ngành du lịch sau khi ra trường vẫn khó khăn trong quá trình tìm việc do kiến thức trang bị không đáp ứng yêu cầu của công việc, đòi hỏi phài nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực ngành du lịch.
Trong bức tranh phát triển du lịch Việt Nam, Đồng bằng sông Cửu Long còn gọi là Tây Nam Bộ nổi lên như một điểm đến nhiều triển vọng. Đồng bằng sông Cửu Long có thế mạnh về nông nghiệp, có nhiều tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn đặc sắc tiêu biểu là đặc trưng văn hóa Nam Bộ, hệ sinh thái sông nước miệt vườn. Tuy nhiên, cho đến nay Đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn là “vùng trũng” về giáo dục đào tạo nguồn nhân lực. Các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực cho ngành du lịch ở Đồng bằng sông Cửu Long còn yếu và thiếu. Điều này là một trong những nguyên nhân chính ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành du lịch toàn vùng. Đến nay, từ các góc độ tiếp cận khác nhau (triết học, kinh tế, xã hội học, văn hóa…) có sự thu hút sự quan tâm đặc biệt của các nhà nghiên cứu cũng như những nhà hoạt động thực tiễn và đã có nhiều công trình nghiên cứu về phát triển du lịch Đồng bằng sông Cửu Long cũng như phát triển nguồn nhân lực ngành du lịch của vùng. Từ đó, bức tranh về đặc điểm du lịch cũng như thực trạng nguồn nhân lực du lịch của vùng cũng đã được phác họa tương đối rõ nét. Tuy nhiên, chưa có công trình nào nghiên cứu về lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực ngành du lịch Đồng bằng sông Cửu Long một cách hệ thống và chuyên sâu dưới góc độ triết học, nhằm góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực du lịch của vùng, phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và cả nước nói chung. Xuất phát từ tình hình đó, việc thực hiện đề tài“Vấn đề đào tạo nguồn nhân lực ngành du lịch ở Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay” không những có ý nghĩa về mặt lý luận mà còn có ý nghĩa thực tiễn, cấp bách.
2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu
2.1. Mục đích nghiên cứu
Trên cơ sở lý luận về nguồn nhân lực ngành du lịch, đào tạo nguồn nhân lực ngành du lịch, luận án khảo sát, phân tích về thực trạng đào tạo nguồn nhân lực ngành du lịch của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, trên cơ sở đó đề xuất một số giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo nguồn nhân lực ngành du lịch của vùng.
2.2. Nhiệm vụ nghiên cứu
Để đạt được mục đích trên, luận án giải quyết một số nhiệm vụ sau:
Thứ nhất: Nghiên cứu tổng quan những vấn đề liên quan đến đề tài luận án. Trên cơ sở đó, kế thừa những giá trị tích cực của các công trình nghiên cứu trước và chỉ ra những vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu.
Có thể bạn quan tâm!
- Vấn đề đào tạo nguồn nhân lực ngành du lịch ở Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay - 1
- Các Công Trình Nghiên Cứu Về Kinh Nghiệm Đào Tạo Nguồn Nhân Lực Ngành Du Lịch Của Một Số Quốc Gia Trên Thế Giới
- Các Công Trình Nghiên Cứu Liên Quan Đến Phương Hướng Và Giải Pháp Nâng Cao Hiệu Quả Đào Tạo Nguồn Nhân Lực Ngành Du Lịch Ở Đồng Bằng Sông Cửu
- Quan Niệm Về Nguồn Nhân Lực, Nguồn Nhân Lực Ngành Du Lịch Ở Việt Nam Hiện Nay
Xem toàn bộ 216 trang tài liệu này.
Thứ hai: Hệ thống hóa và luận giải những vấn đề lý luận có liên quan đến đề tài; Phân tích những khía cạnh có liên quan đến đào tạo nguồn nhân lực ngành du lịch ở Việt Nam hiện nay như: quan niệm về đào tạo nguồn nhân lực ngành du lịch, bản chất chất của việc đào tạo nguồn nhân lực ngành du lịch, những yêu cầu và nhân tố ảnh hưởng đến việc đào tạo nguồn nhân lực ngành du lịch.
Thứ ba: Phân tích thực trạng và những vấn đề đặt ra trong đào tạo nguồn nhân lực ngành du lịch vùng Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay.
Thứ tư: Đề xuất một số quan điểm và giải pháp góp phần nâng cao hiệu quả đào tạo nguồn nhân lực ngành du lịch Đồng bằng sông Cửu Long ở nước ta hiện nay.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
3.1. Đối tượng nghiên cứu
Luận án tập trung nghiên cứu về vấn đề đào tạo nguồn nhân lực ngành du lịch vùng Đồng bằng sông Cửu Long ở Việt Nam hiện nay.
3.2. Phạm vi nghiên cứu
Phạm vi về nội dung: Luận án tập trung nghiên cứu vấn đề đào tạo nguồn nhân lực ngành du lịch ở các đối tượng chủ yếu là chủ thể đào tạo (người làm công tác quản lý, giảng viên các trường trung cấp, cao đẳng, đại học có đào tạo ngành du lịch ở Đồng bằng sông Cửu Long), đối tượng đào tạo (những người đã tốt nghiệp trung học phổ thông, trúng tuyển vào và đang theo học ngành du lịch tại các trường trung cấp, cao đẳng, đại học ở Đồng bằng sông Cửu Long), nội dung, hình thức, phương pháp và môi trường đào tạo trong các trường trung cấp cao đẳng, đại học có đào tạo ngành du lịch ở Đồng bằng sông Cửu Long. Trong luận án khái niệm nguồn nhân lực ngành du lịch được tác giả luận án hiểu theo nghĩa hẹp là nguồn lao động ngành du lịch.
Phạm vi không gian: Nghiên cứu đào tạo nguồn nhân lực ngành du lịch trên địa bàn 13 tỉnh thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Phạm vi thời gian: Tác giả nghiên cứu, điều tra, sử dụng số liệu liên quan đến đào tạo nguồn nhân lực ngành du lịch của vùng từ năm 2015 đến nay.
4. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu
4.1. Cơ sở lý luận
Luận án dựa trên cơ sở lý luận của chủ nghĩa Mác-Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh và các quan điểm của Đảng ta về con người, vai trò của con người, nguồn nhân lực, nguồn nhân lực ngành du lịch, đào tạo nguồn nhân lực và đào tạo nguồn nhân lực ngành du lịch… Ngoài ra, luận án còn kế thừa các thành tựu của các công trình khoa học có liên quan đến đề tài.
4.2. Phương pháp nghiên cứu
Tác giả vận dụng phương pháp luận của chủ nghĩa duy vật biện chứng, duy vật lịch sử. Bên cạnh đó, tác giả có sử dụng các phương pháp như: phân tích, tổng hợp, so sánh, điều tra bằng bảng hỏi, phương pháp xử lý số liệu… Trong đó, phương pháp phân tích và phương pháp tổng hợp là chủ yếu.
5. Những đóng góp mới của luận án
Luận án luận giải, bổ sung những vấn đề lý luận để làm rõ quan niệm, vai trò, những khía cạnh cơ bản, yêu cầu và yếu tố ảnh hưởng đến đào tạo nguồn nhân lực ngành du lịch.
Luận án phân tích và đánh giá thực trạng công tác đào tạo nguồn nhân lực ngành du lịch vùng Đồng bằng sông Cửu Long từ 2015 đến nay, từ đó làm rõ những thành tựu, hạn chế và những vấn đề đặt ra từ thực tiễn đào tạo nguồn nhân lực ngành du lịch của vùng.
Luận án trình bày quan điểm và đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả đào tạo nguồn nhân lực ngành du lịch ở Đồng bằng sông Cửu Long.
6. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn của đề tài nghiên cứu
6.1. Ý nghĩa khoa học
Luận án góp phần hệ thống hóa quan niệm, chủ thể, đối tượng, nội dung, hình thức, phương pháp, môi trường đào tạo nguồn nhân lực ngành du lịch; Phân tích, đánh giá thực trạng, đồng thời trình bày những vấn đề đặt ra của thực trạng đào tạo cũng như đề xuất giải pháp chủ yếu nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực ngành du lịch ở Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay.
6.2. Ý nghĩa thực tiễn
Kết quả nghiên cứu của luận án có thể sử dụng làm tư liệu tham khảo trong việc hoạch định, thực thi chính sách đào tạo, phát triển nguồn nhân lực ngành du lịch ở nước ta hiện nay.
Luận án có thể dùng làm tài liệu tham khảo, phục vụ cho việc nghiên cứu và hoạt động thực tiễn về đào tạo nguồn nhân lực ngành du lịch Đồng bằng sông Cửu Long, nhất là các cơ sở đào tạo, các doanh nghiệp du lịch.
7. Kết cấu của luận án
Ngoài phần mở đầu, kết luận và danh mục tài liệu tham khảo, nội dung của luận án được chia thành 4 chương và 10 tiết.
Chương 1
TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI LUẬN ÁN
1.1. CÁC CÔNG TRÌNH NGHIÊN CỨU VỀ ĐÀO TẠO NGUỒN NHÂN LỰC NGÀNH DU LỊCH Ở ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG
1.1.1. Các công trình nghiên cứu về nguồn nhân lực và đào tạo nguồn nhân lực ngành du lịch
1.1.1.1. Các công trình nghiên cứu nguồn nhân lực và đào tạo nguồn nhân lực
Nguồn nhân lực và đào tạo nguồn nhân lực là một vấn đề đã được rất nhiều học giả trong và ngoài nước nghiên cứu dưới các góc nhìn khác nhau, từ góc độ kinh tế học, xã hội học đến triết học.
Tác giả Phạm Minh Hạc năm 2001 trong công trình “Nghiên cứu con người và nguồn nhân lực đi vào công nghiệp hóa, hiện đại hóa” Nxb Chính trị quốc gia, đã phân tích mối quan hệ giữa giáo dục - đào tạo, sử dụng với phát triển nguồn nhân lực; từ đó tác giả đề xuất, kiến nghị về chiến lược và chính sách phát triển toàn diện con người, nguồn nhân lực Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Bên cạnh đó, tác giả đã đưa ra khái niệm nguồn nhân lực: Đó là tổng thể các tiềm năng lao động của một nước hay một địa phương, tức là nguồn lao động được chuẩn bị (ở một mức độ khác nhau, sẵn sàng tham gia một công việc nào đó, tức là những người lao động có kỹ năng, hay khả năng nói chung), bằng con đường đáp ứng được yêu cầu của chuyển đổi cơ cấu lao động, chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa [41].
Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Nguồn nhân lực (thuộc Viện nghiên cứu Phát triển Giáo dục năm 2002, đã tập hợp các công trình nghiên cứu và bài báo khoa học của nhiều tác giả liên quan đến các vấn đề lý luận, thực tiễn
về chiến lược, chính sách phát triển nguồn nhân lực ở Việt Nam và trên thế giới trong quyển “Từ chiến lược phát triển giáo dục đến chính sách phát triển nguồn nhân lực”. Trong đó, các tác giả đã bàn đến một số vấn đề lý luận chung về nguồn nhân lực (như khái niệm, vai trò của nguồn nhân lực, mối quan hệ giữa chính sách đào tạo và chính sách phát triển nguồn nhân lực…). Đặc biệt, vấn đề đào tạo nguồn nhân lực đã được tác giả bàn luận chuyên sâu, như: Xã hội hóa đào tạo nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa Đất nước; gắn đào tạo theo địa chỉ… Đồng thời, nghiên cứu này cũng phân tích về chính sách giáo dục – đào tạo ở các nước ASEAN trong thời kỳ công nghiệp hóa [121].
Nhà nghiên cứu Bùi Văn Nhơn trong sách “Quản lý và phát triển nguồn nhân lực xã hội”, Nxb Tư pháp năm 2004, đã đi sâu phân tích về một số vấn đề cơ bản như: nguồn nhân lực và đặc điểm nguồn nhân lực Việt Nam; phát triển và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực xã hội; tổ chức tiền lương và bảo hiểm xã hội; phân bố dân cư và nguồn nhân lực xã hội… Bên cạnh đó, tác giả cũng đã đưa ra các khái niệm như: nguồn nhân lực xã hội, nguồn nhân lực doanh nghiệp; đồng thời tác giả cũng phân tích vai trò của nguồn nhân lực trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa [82].
Để phân tích thực trạng và đưa ra hệ thống giải pháp nhằm gắn đào tạo với sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đồng chủ biên Nguyễn Văn Nam và Nguyễn Văn Áng trong sách “Các giải pháp cơ bản gắn đào tạo với sử dụng nguồn nhân lực” (2007) đã phân tích vai trò quyết định của nguồn nhân lực được đào tạo đối với phát triển kinh tế, với việc giải quyết các vấn đề xã hội [77].
Giáo trình Quản trị nhân lực (Lê Thanh Hà – Chủ biên) (2009) [36] đã phân tích một cách hệ thống dưới góc nhìn kinh tế học các giai đoạn, hoạt động cơ bản của quá trình quản trị nhân lực, trong đó có nội dung đào tạo và
phát triển nhân lực. Theo đó, giáo trình đã phân tích các nội dung cơ bản như: khái niệm, mục đích, nguyên tắc, các hình thức và phương pháp đào tạo, kế hoạch và tiến trình đào tạo, vấn đề đào tạo cán bộ quản lý…
Trong bài viết “Trách nhiệm đào tạo nguồn nhân lực trong điều kiện kinh tế thị trường Việt Nam hiện nay” (2009) [44], tác giả Lương Đình Hải đã phân tích về vai trò chủ yếu và quyết định của nguồn nhân lực trong thời đại của kinh tế tri thức, cách mạng khoa học công nghệ và toàn cầu hóa, đặc biệt là 3 đỉnh của tam giác nhân lực – hay còn gọi là nguồn nhân lực chất lượng cao - là đội ngũ trí thức, tầng lớp chính khách và doanh nhân. Tác giả cho rằng: “Nguồn nhân lực là yếu tố hàng đầu trong sự phát triển của các quốc gia. Nó quyết định quy mô, tốc độ, tính chất và hiệu quả của sự phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia…” [44, tr.15]. Bài báo cũng đánh giá: “Khi tình hình đất nước thay đổi, ngành giáo dục và đào tạo Việt Nam đã không đáp ứng được đòi hỏi của sự phát triển” [44, tr.16]. Vì vậy, cần có một chiến lược quốc gia thống nhất về nguồn nhân lực chất lượng cao.
Tác giả Nguyễn Hữu Long (2010) trong giáo trình “Phát triển nguồn nhân lực” [62] đã trình bày khái quát những vấn đề như: khái niệm, vị trí vai trò của nguồn nhân lực, các loại hình giáo dục - đào tạo trong phát triển nguồn nhân lực. Theo đó, nguồn nhân lực được hiểu là toàn bộ những người trong độ tuổi (và một bộ phận người lao động về hưu nhưng vẫn tiếp tục lao động) của một nước, một vùng tham gia phát triển kinh tế- xã hội của đất nước, địa phương; nguồn nhân lực được nghiên cứu về số lượng, chất lượng, cơ cấu.
Tác giả Đoàn Xuân Thủy trong bài viết “Những vấn đề đặt ra đối với việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ở nước ta hiện nay” (2013) [104], đã phân tích đặc điểm con người Việt Nam theo phương diện nguồn nhân lực và những vấn đề đặt ra đối với đào tạo nhân lực chất lượng cao ở nước ta. Theo tác giả, Việt Nam có nguồn nhân lực dồi dào tương đối trẻ; tỷ
lệ lao động được đào tạo kỹ thuật, chuyên môn thấp, phần lớn là lao động thủ công; phân bố lao động đã qua đào tạo chuyên môn rất không đồng đều giữa các vùng và cơ cấu lao động theo ngành mặc dù đã có bước chuyển dịch tích cực song vẫn đang ở mức rất lạc hậu so với thế giới, đặc biệt so với các nước phát triển. Từ đó, tác giả đã đề cập đến những vấn đề đặt ra đối với đào tạo nhân lực chất lượng cao ở nước ta. Đó là sự mất cân đối rất lớn giữa cung và cầu lao động chất lượng cao; chất lượng thực tế của nhân lực chất lượng cao còn thấp và sự phân bố nguồn nhân lực chất lượng cao còn mất cân đối và tập trung trong khu vực quản lý nhà nước [104].
Tác giả Lương Công Lý và các cộng sự năm 2016 trong nghiên cứu “Phát huy vai trò của giáo dục – đào tạo với việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ở Việt Nam hiện nay” [67] đã trình bày những vấn đề lý luận về nguồn nhân lực chất lượng cao, phân tích vai trò, thực trạng và những vấn đề đặt ra cũng như đề xuất một số giải pháp chủ yếu nhằm phát huy vai trò của giáo dục - đào tạo với việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ở Việt Nam hiện nay.
Các công trình trên, dù tiếp cận ở những góc độ hay khía cạnh khác nhau đều có cách nhìn khác nhau về khái niệm nguồn nhân lực, nhưng điểm chung đều là sự khẳng định vai trò chủ đạo, quyết định của nguồn nhân lực đối với sự phát triển, dù là ở quy mô nào. Đồng thời, quá trình phát triển nguồn nhân lực luôn có sự tác động trực tiếp và quyết định của hoạt động đào tạo nguồn nhân lực. Đây là những vấn đề lý luận, những tư liệu quý giá giúp cho nghiên cứu sinh kế thừa về nguồn nhân lực, đào tạo nguồn nhân lực.
1.1.1.2. Các công trình nghiên cứu liên quan đến nguồn nhân lực ngành du lịch và đào tạo nguồn nhân lực ngành du lịch
Nguồn nhân lực ngành du lịch và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch là một vấn đề đã và đang được các nhà nghiên cứu trong nước, quốc tế bàn luận sôi nổi.