Vấn đề bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể trên Báo và Đài Phát thanh Truyền hình Thừa Thiên Huế - 2

PHẦN MỞ ĐẦU

1. Lý do chọn đề tài

Huế - nơi đã từng là Thủ phủ của 9 đời Chúa Nguyễn ở Đàng trong, là Kinh đô của triều đại Tây Sơn và 13 triều vua Nguyễn trong gần 400 năm (1558 – 1945), cố đô Huế ngày nay còn lưu giữ trong lòng nó những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể chứa đựng nhiều giá trị biểu trưng cho trí tuệ và tâm hồn của dân tộc Việt Nam. Năm 1993, Quần thể di tích cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Năm 2003, Nhã nhạc cung đình Huế được ghi tên vào danh sách các Di sản văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại. Thông qua các kênh truyền thông, quảng bá và du lịch, Huế đã giới thiệu các giá trị văn hóa của quê hương và đất nước đến với bạn bè trong và ngoài nước. Đặc biệt, từ năm 2000, Huế bắt đầu tổ chức một lễ hội văn hóa nghệ thuật, du lịch có quy mô quốc gia và quốc tế đầu tiên ở Việt Nam – Festival Huế 2000. Thông qua các kỳ Festival Huế được tổ chức định kỳ vào năm chẵn và Festival làng nghề truyền thống tổ chức định kỳ vào năm lẻ, với sự hỗ trợ của các phương tiện truyền thông đại chúng, đặc biệt là báo chí, Huế - thành phố Festival của Việt Nam đã thu hút được sự quan tâm của hàng nghìn du khách trong nước và quốc tế.

Báo và Đài Phát thanh truyền hình (PT – TH) Thừa Thiên Huế là hai cơ quan báo chí lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương phải đảm nhiệm vai trò là cầu nối thông tin, truyền tải các giá trị văn hóa của địa phương đến công chúng trong và ngoài nước. Một trong những nét đẹp văn hóa có giá trị của Thừa Thiên Huế cần được truyền bá, lưu giữ và phát huy đó chính là văn hóa phi vật thể.

Tuy nhiên, có thể thấy rằng, sự hiểu biết của du khách, thậm chí của cả người dân địa phương về Huế phần nhiều chỉ dừng lại ở quần thể văn hóa vật thể bao gồm đền, chùa, lăng, tẩm, đại nội…trong khi đó kiến thức và hình ảnh về các lễ hội văn hóa, nhã nhạc cung đình Huế, các trò chơi dân gian….vẫn chưa thực sự nhiều và đầy đủ. Hiểu biết và yêu thích là một trong những nền tảng cơ bản để bào tồn và phát huy, chính vì vậy, để bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của Huế cần sự góp sức rất lớn của các phương tiện truyền thông đại chúng, trong đó báo chí


đóng vai trò quan trọng nhất trong việc tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu, cũng như phân tích, phê bình để công chúng có thể nắm bắt được cái hay, cái đẹp, cái đáng quý cần được lưu giữ.

Những năm qua, trên Báo Thừa Thiên Huế và Đài PT – TH Thừa Thiên Huế đã có khá nhiều các chuyên mục, bài viết…. liên quan đến vấn đề bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể của Huế. Thế nhưng, với sự phát triển đa dạng của các chương trình giải trí, cũng như nhịp sống đô thị với nhiều mối quan tâm như hiện nay, số lượng và chất lượng các bài viết cũng như các chuyên mục đó đã đủ để thu hút và tác động đến nhận thức của người dân đặc biệt là những bạn trẻ - thế hệ tương lai, những người sẽ nối tiếp việc lưu giữ và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể của quê hương hay chưa? Đó là câu hỏi, cũng như băn khoăn của những người làm văn hóa, du lịch và cả những người làm truyền thông, bởi lẽ nếu không làm tốt và có hiệu quả công tác này, các giá trị văn hóa phi vật thể của Huế sẽ có nguy cơ mai một dần, thậm chí biến mất trong dòng chảy của nền kinh tế thị trường và sự thờ ơ của người dân với văn hóa và truyền thống. Nhằm phát huy vai trò của báo chí địa phương trong công tác bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa phi vật thể của Huế cũng như đưa ra những kiến nghị, giải pháp để công tác này ngày càng đạt hiệu quả cao nhằm đưa văn hóa phi thể của Huế đến gần với công chúng hơn để ngày càng có nhiều loại hình văn hóa phi vật thể của cố đô được ghi nhận và đánh giá cao, đó là lý do tôi lựa chọn đề tài “ Vấn đề bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể trên Báo và Đài PT – TH Thừa Thiên Huế” để làm đề tài luận văn của mình.

2. Tình hình nghiên cứu liên quan đến đến tài

Việt Nam là một đất nước có lịch sử phát triển 4000 năm xây dựng và phát triển đã để lại nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể trên các vùng miền tổ quốc. Đã có rất nhiều công trình, sách nghiên cứu về di sản văn hóa, công tác bảo tồn và phát triển di sản văn hóa.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 150 trang tài liệu này.

Trong cuốn “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” [24], các tác giả xuất phát từ sự tiếp cận văn hóa, các yếu tố cấu thành nền văn


Vấn đề bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể trên Báo và Đài Phát thanh Truyền hình Thừa Thiên Huế - 2

hóa, những tiền đề lý luận và thực tiễn hoạt động văn hóa hơn nữa thế kỷ qua do Đảng ta lãnh đạo, đã phản ánh rò những nét chính yếu về tính tiên tiến của nền văn hóa mà nhân dân ta đang xây dựng, về bản sắc văn hóa dân tộc. Qua hoạt động thực tiễn và tham khảo kinh nghiệm xử lý vấn đề văn hóa ở một số nước trên thế giới, cuốn sách ghi nhận rò nét về thực trạng văn hóa Việt Nam, đề xuất một số giải pháp và kiến nghị để xây dựng nền văn hóa Việt Nam đáp ứng yêu cầu của tình hình mới. Từ đó, đưa ra những định hướng chiến lược cơ bản cho sự nghiệp xây dựng nền văn hóa “tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, để trở thành nền tảng tinh thần xã hội trên con đường thực hiện mục tiêu: “Dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.

GS.TS Ngô Đức Thịnh trong bài “Bảo tồn và phát huy văn hóa phi vật thể

[47] đã khẳng định: Văn hóa phi vật thể là một cách phân loại, chỉ ra các dạng chính thức của văn hóa phi vật thể, các đặc trưng của văn hóa phi vật thể và việc sưu tầm bảo tồn chúng. Qua đó, tác giả muốn gửi thông điệp rằng: Văn hóa phi vật thể là văn hóa trải dài trong cả không gian và thời gian, chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố, trong giai đoạn hiện nay với sự giao thoa, giao lưu văn hóa giữa các vùng miền, các quốc gia thì văn hóa phi vật thể mang tính mỏng manh, dễ bị thương tổn. Do đó, Nhà nước cần thông qua các cấp chính quyền, các nhà khoa học, giữ vai trò định hướng trong nhiệm vụ bảo tồn và phát huy văn hóa phi vật thể của dân tộc.

Chu Thái Thành trong bài “Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc” [43] khẳng định từ xưa đến nay, bản sắc văn hóa dân tộc đã làm nên sức sống mãnh liệt, giúp cộng đồng người Việt Nam vượt qua biết bao thử thách khắc nghiệt của lịch sử để không ngừng phát triển và lớn mạnh. Nhận thức được tầm quan trọng đó, Đảng ta đã ra nhiều chỉ thị, nghị quyết nhằm động viên tối đa nguồn lực nội sinh và ngoại sinh để giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội và con người trong điều kiện đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế.

Tác giả Nguyễn Chí Bền trong bài viết “Bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể ở nước ta hiện nay” [8] xuất phát từ khái niệm di sản văn hóa phi vật thể đến chính


sách đối với nó và các vấn đề đang đặt ra, tác giả đã khẳng định: Trong công cuộc xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, việc sưu tầm, nghiên cứu và bảo tồn, phát huy di sản văn hóa phi vật thể các dân tộc đang được đặt ra rất nhiều vấn đề đòi hỏi phải giải quyết cả ở tầm vĩ mô lẫn vi mô, cả ở phương diện lý luận lẫn thực tiễn.

Tác giả Ngô Phương Thảo trong bài “Bảo vệ di sản, cuộc chiến từ những góc nhìn” [44] đã đề cập trực tiếp đến vấn đề bảo vệ di sản văn hóa hiện nay. Theo tác giả thì “Mỗi ngày, di sản văn hóa càng đối mặt với nhiều nguy cơ, xuất phát từ những hệ lụy của cuộc sống hiện đại. Cũng mỗi ngày, ý thức về trách nhiệm phải gìn giữ các giá trị văn hoá đã tồn tại với thời gian càng lan toả sâu rộng trong toàn xã hội, trong mỗi cộng đồng để dẫn tới những chương trình dự án ngày càng có hiệu quả hơn trong việc gìn giữ các giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể”.

Riêng với mảng đề tài báo chí với công tác bảo tồn và phát triển di sản văn hóa cũng đã có khá nhiều các công trình nghiên cứu. Với các tên gọi khác nhau, rất nhiều luận văn, khóa luận của sinh viên ngành báo chí cũng đã tiếp cận đề tài này theo từng mảng khác nhau với các mức độ khác nhau. Đa dạng nhất là các công trình khảo sát và nghiên cứu về vai trò và tác động của báo chí với công tác phản ánh văn hóa làng xã, lễ hội truyền thống…Đáng kể có các công trình sau: Khóa luận Việc bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa dân tộc trên báo chí Việt Nam thời kỳ đổi mới (báo Văn hóa, Sài Gòn giải phóng 93 – 96) năm 1996 của sinh viên Nguyễn Nguyên Vũ do TSKH Đoàn Hương hướng dẫn; Khóa luận Báo chí với công tác bảo tồn và phát triển dân ca quan họ của sinh viên Vũ Thị Thu Thêm năm 1995 do PGS.TS Đinh Văn Hường hướng dẫn; Khóa luận Báo chí trong việc tuyên truyền và phát triển các giá trị văn hóa dân tộc của sinh viên Nguyễn Hồng Giang năm 1995 do TSKH Đoàn Hương hướng dẫn; Khóa luận Báo chí với nghệ thuật sân khấu của sinh viên Nguyễn Thục Hạnh năm 1995 do GS.TS Đỗ Quang Hưng hướng dẫn; Khóa luận Báo chí với vấn đề bảo tồn văn hóa dân tộc của sinh viên Đào Kim Anh năm 1996 do PGS.TS Đinh Văn Hường hướng dẫn; Khóa luận Lễ hội truyền thống Việt Nam phản ánh trên báo chí của sinh viên Trần Ngọc Dung năm 1998 do


TSKH Đoàn Hương hướng dẫn ; Khóa luận Báo chí với vấn đề giới thiệu và giữ gìn các giá trị văn hóa lễ hội của sinh viên Lê Ngọc Hà năm 1998 do GS Hà Minh Đức hướng dẫn; Khóa luận Báo chí với nghệ thuật truyền thống dân tộc của sinh viên Trần Thị Liễu năm 2001 do TS Hồ Xuân Sơn hướng dẫn; Khóa luận Báo chí với vấn đề bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa phi vật thể ở Hà Nội năm 2002 của sinh viên Nguyễn Thị Lan Hương do Th.s Nguyễn Sơn Minh hướng dẫn ….Trong số các công trình nghiên cứu đó, hai công trình gần với đề tài mà tác giả khóa luận này lựa chọn nhất là luận văn Báo chí Thừa Thiên Huế với công tác bảo tồn và phát triển di sản văn hóa Huế của thạc sĩ Trần Văn Thiện năm 2002 do PGS.TS Đinh Văn Hường hướng dẫn và luận văn Vấn đề bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam trên Báo chí của thạc sĩ Lê Vũ Điệp năm 2007 do GS Hà Minh Đức hướng dẫn.

Đối với đề tài luận văn Báo chí Thừa Thiên Huế với công tác bảo tồn và phát triển di sản văn hóa Huế của Ths.Trần Văn Thiện, ưu điểm của luận văn là đã đưa ra một hệ thống các quan niệm về di sản văn hóa, phân loại di sản văn hóa bao gồm: di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, công tác bảo tồn di sản văn hóa nói chung. Ngoài ra, luận văn đã nêu được vai trò của báo chí Huế cụ thể là Báo Thừa Thiên Huế, tạp chí Huế Xưa và nay, tạp chí Sông Hương trong tác bảo tồn di sản văn hóa đó là: tham gia thẩm định giá trị các di sản văn hóa Huế, giới thiệu và truyền bá các giá trị di sản văn hóa Huế, phản ánh quá trình Công tác bảo tồn – phát triển di sản văn hóa Huế. Ngoài ra, luận văn cũng đã đưa ra vấn đề sử dụng đội ngũ phóng viên, cộng tác viên trong công tác bảo tồn – phát triển di sản văn hóa Huế của báo chí Thừa Thiên Huế cũng như nêu một số hạn chế và giải pháp khắc phục cho vấn đề này. Tuy nhiên hạn chế của luận văn này là do luận văn nghiên cứu cả hai loại hình văn hóa là văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể nên chưa thể khai thác sâu về văn hóa phi vật thể nói riêng.

Hạn chế thứ hai là luận văn chỉ khảo sát trên báo in và tạp chí ở Huế mà bỏ qua hai loại hình báo chí có thể mang đến cho công chúng hình ảnh và âm thanh sống động về di sản văn hóa là truyền hình và phát thanh.


Một hạn chế nữa của luận văn này là phần hạn chế, nguyên nhân và các kiến nghị chỉ được tác giả đề cập trong phần Kết luận trong 6 trang từ trang 157 đến trang 162, chưa đưa ra được các giải pháp cụ thể để nâng cao vai trò của báo chí Huế trong công tác bảo tồn và phát triển di sản văn hóa.

Đối với luận văn Vấn đề bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam trên Báo chí của thạc sĩ Lê Vũ Điệp, ưu điểm của luận văn này là đã đưa ra một hệ thống khái niệm khá hoàn chỉnh về di sản văn hóa dân tộc và di sản văn hóa phi vật thể. Luận văn cũng nêu ra được quan điểm của Đảng và nhà nước đối với vấn đề bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể ở Việt Nam; Vai trò của UNESCO với phát triển văn hóa phi vật thể ở Việt Nam. Ngoài ra luận văn cũng nêu ra được hướng đi và giải pháp phát triển văn hóa phi vật thể ở Việt Nam nói riêng, các chính sách của nhà nước về văn hóa cũng như tương lai của văn hóa phi vật thể ở Việt Nam. Về vai trò của báo chí đối với công tác này, luận văn đã nêu lên được báo chí với nhiệm vụ truyền bá văn hóa, toàn cảnh văn hóa phi vật thể Việt Nam trên báo chí và nêu được cái khó trong việc lập hồ sơ đề cử lên UNESCO công nhận di sản văn hóa phi vật thể.

Bên cạnh những ưu điểm đó, hạn chế của luận văn này là mặc dù tên đề tài luận văn là Vấn đề bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam trên Báo chí nhưng tác giả luận văn lại quá đi sâu vào kiến thức chung về văn hóa, chương 1 của tác giả chiếm đến 42 trang từ trang 07 đến trang 48 trong khi phần thực sự nói về vai trò của báo chí đối với việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể chỉ có 40 trang trong tổng số 120 trang luận văn. Ngoài ra, chương 3 của tác giả đề cập đến hướng đi và giải pháp cho bảo tồn và phát triển di sản văn hóa phi vật thể ở Việt Nam thì hầu như chỉ đề cập đến chính sách và giải pháp văn hóa nói chung chứ chưa đưa ra được ưu điểm, hạn chế cũng như giải pháp riêng dành cho báo chí trong công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể. Mặc khác trong phần đề cập đến vai trò của báo chí đối với công tác này, tác giả luận văn cũng chưa có được những con số thống kê về số lượng các bài báo, các chuyên mục, các chương trình đề cập đến di sản văn hóa phi vật


thể trên báo chí Việt Nam một cách cụ thể mà chỉ đề cập chung chung cũng như đưa ra một số dẫn chứng trích dẫn các bài viết của các nhà nghiên cứu về văn hóa phi vật thể.Có thể nói rằng, vai trò của báo chí đối với công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể trong luận văn chưa được đề cập đúng mức và thích hợp với tên đề tài mà tác giả lựa chọn.

Xuất phát từ việc đánh giá ưu điểm và hạn chế của các công trình trước đó, tác giả sẽ có tham khảo, kế thừa và vận dụng những điểm cần thiết của các công trình trước đó, nhưng xin được nêu ra những nét mới của luận văn “ Vấn đề bảo tồn và phát huy văn hóa phi vật thể trên Báo và Đài PT – TH Thừa Thiên Huế giai đoạn 2012 – 2014” như sau:

Thứ nhất, luận văn được tác giả nghiên cứu dưới góc độ báo chí chứ không phải dưới góc văn hóa, chính vì vậy, ở phần lý luận chung tác giả chỉ đưa ra một số khái niệm văn hóa thực sự cần thiết phục vụ cho luận văn. Tác giả sẽ vận dụng các lý thuyết về cơ sở lý luận báo chí để giải quyết vấn đề mà luận văn đưa ra.

Thứ hai, luận văn dựa vào các cơ sở lý thuyết là chức năng thông tin, chức năng khai sáng, giải trí của báo chí và vai trò của báo chí địa phương trong công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể để phát triển luận văn.

Thứ ba, luận văn sẽ thống kê và đánh giá một cách cụ thể khách quan những ưu điểm và hạn chế của Báo và Đài PT – TH Thừa Thiên Huế trong việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể. Từ đó đưa ra những kiến nghị và giải pháp phù hợp với tình hình địa phương để nâng cao vai trò của báo chí địa phương trong công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của Huế

Thứ tư, luận văn có sử dụng phương pháp điều tra xã hội học và phỏng vấn sâu để lấy ý kiến của công chúng và các chuyên gia để đánh giá vai trò của báo chí Huế trong công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể, từ đó cũng cùng tìm ra các giải pháp phù hợp, đáp ứng đầy đủ nhất nhu cầu thông tin và giải trí của công chúng. Phương pháp điều tra xã hội học theo tác giả là rất cần thiết, bởi công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa của dân tộc không chỉ là việc


riêng của một cơ quan, tổ chức nào mà là vấn đề cần sự chung tay góp sức của cả cộng đồng và xã hội.

Bên cạnh đó, do đề tài chỉ tập trung vào mảng văn hóa phi vật thể của Huế nên sẽ đưa ra được những góc nhìn khác hơn, cung cấp những kiến thức mới hơn, phong phú hơn về hệ thống những loại hình văn hóa phi vật thể cố đô cho những người yêu thích và quan tâm đến văn hóa Huế. Đề tài cũng sẽ giới thiệu tổng quan về nền báo chí Huế, góp một phần nhỏ vào kiến thức về hệ thống báo chí địa phương của Việt Nam.

Với những điểm mới và khác biệt kể trên, tác giả hy vọng đề tài sẽ khai thác tốt để luận văn có thể đạt kết quả tốt và có tính ứng dụng cao vào hoạt động báo chí ở địa phương.

3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu

3.1 Mục đích nghiên cứu

Luận văn sẽ đưa ra những đánh giá, nhận xét về ưu và nhược điểm (thực trạng) của Báo và Đài địa phương trong việc thực hiện chức năng của mình để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể của Huế. Đồng thời đưa ra những kiến nghị và giải pháp để tiếp tục nâng cao chất lượng và hiệu quả của Báo và Đài PT – TH Thừa Thiên Huế trong công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể của Huế trong các giai đoạn tiếp theo.

3.2 Nhiệm vụ nghiên cứu

- Luận văn sẽ tìm hiểu và nghiên cứu những vấn đề lý luận chung về Quần thể văn hóa phi vật thể của Huế, vai trò và chức năng của báo chí nói chung trong việc tham gia công tác bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc, vai trò và chức năng của báo chí địa phương trong việc lưu giữ và quảng bá các giá trị văn hóa địa phương.

- Luận văn đi vào khảo sát cụ thể chi tiết, thống kê các bài viết, chuyên mục ở hai cơ quan báo chí là Báo Thừa Thiên Huế và Đài PT – TH Thừa Thiên Huế có liên quan đến văn hóa phi vật thể của Huế nhằm đưa ra những đánh giá nhận xét khách quan và chính xác về ưu điểm và hạn chế của báo chí địa phương trong công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể của Huế.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 24/07/2022