Vai Trò Của Nhân Viên Công Tác Xã Hội Trong Việc Thực Hiện Chính Sách Xã Hội

(Bộ LĐ-TB&XH), đa phần nhân viên làm CTXH hiện nay của nước ta chưa được đào tạo cơ bản. Đội ngũ nhân viên CTXH phát triển có tính tự phát, chủ yếu là của các tổ chức đoàn thể, đôi khi là những người dân tự nguyện tham gia. Đa số làm việc theo kinh nghiệm, chưa được đào tạo kỹ năng nghề cần thiết về CTXH.

1.3. Vai trò của nhân viên công tác xã hội trong việc thực hiện chính sách xã hội

1.3.1. Khái niệm

Theo tác giả Phạm Tất Dong - Lê Ngọc Hùng trong cuốn sách Xã hội học (2001) [61]: Vai trò là những đòi hỏi của xã hội đặt ra với các vị thế xã hội. Những đòi hỏi này được xác định căn cứ vào các chuẩn mực xã hội. Các chuẩn mực này thường không giống nhau trong các loại xã hội.Vì vậy, ở các xã hội khác nhau cùng một vị thế xã hội nhưng mô hình hành vi được xã hội mong đợi rất khác nhau.Tức là các vai trò xã hội cũng khác nhau[18].

Theo Từ điển Xã hội học (1999), nhà xuất bản Le robert và Seuil, Paris [60]: Vai trò bao gồm vai trò kỳ vọng, vai trò khách quan và vai trò chủ quan. Vai trò kỳ vọng là những mong đợi của người thực hiện vai trò; Vai trò chủ quan là sự đánh giá của người thực hiện vai trò về vai trò của mình; Vai trò khách quan là sự đánh giá của người khác về vai trò của chủ thể thực hiện vai trò.

Vai trò là tập hợp các chuẩn mực hành vi, nghĩa vụ và quyền lợi gắn liền với vị thế nhất định.

Vai trò xã hội là một mô hình hành vi được xác lập một cách khách quan căn cứ vào đòi hỏi xã hội đối với các vị thế, các đòi hỏi này được xác định căn cứ vào các chuẩn mực xã hội, các chuẩn mực này không giống nhau giữa các xã hội. Ở các xã hội khác nhau cùng một vị thế xã hội nhưng mô hình hành vi của các vai trò xã hội rất khác nhau.

Vai trò của nhân viên công tác xã hội là một mô hình hành vi được xác lập một cách khách quan căn cứ vào đòi hỏi xã hội đối với người làm việc trong các lĩnh vực đặc thù nhằm thực hiện các chức năng xã hội đối với các nhóm người yếu thế cần được trợ giúp.

Từ cách tiếp cận trên, luận văn thống nhất cách hiểu, vai trò của nhân viên công tác xã hội trong việc thực hiện chính sách là một mô hình hành vi được xác lập một cách khách quan căn cứ vào đòi hỏi xã hội đối với người làm việc trong các lĩnh vực đặc thù nhằm hỗ trợ việc triển khai các chính sách của nhà nước cho các nhóm người yếu thế cần được trợ giúp.

1.3.2. Nội dung vai trò nhân viên công tác xã hội trong giải quyết chính sách xã hội

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 106 trang tài liệu này.

1.3.2.1. Lý thuyết vai trò tham chiếu

Nhân viên công tác xã hội có môi trường làm việc hết sức phong phú. Họ có thể làm việc trong các cơ quan nhà nước ở các cấp, ở cộng đồng và trong các cơ sở cung cấp dịch vụ, trong các trung tâm như cơ sở bảo trợ xã hội, trường giáo dưỡng, mái ấm, nhà mở hay các tổ chức phi chính phủ. Khi nhân viên công tác xã hội làm việc ở những vị trí khác nhau thì vai trò và các hoạt động của họ cũng rất khác nhau, tùy theo chức năng và nhóm đối tượng mà họ làm việc.

Vai trò nhân viên công tác xã hội trong hỗ trợ thực hiện chính sách ưu đãi người bị nhiễm chất độc hóa học đang sinh sống ở huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương - 5

Theo quan điểm của Feyerico người nhân viên xã hội có những những vai trò sau đây: [57]

Vai trò là người vận động nguồn lực: Là người trợ giúp đối tượng tìm kiếm nguồn lực cho giải quyết vấn đề. Nguồn lực có thể bao gồm cả con người, về cơ sở vật chất, về tài chính, chính trị và quan điểm.

Vai trò là người kết nối – còn gọi là trung gian: Nhân viên xã hội là người có được những thông tin về các dịch vụ, chính sách và giới thiệu cho đối tượng các chính sách, dịch vụ, nguồn tài nguyên đang sẵn có từ các cá nhân, cơ quan tổ chức để họ tiếp cận với những nguồn lực, chính sách, tài chính, kỹ thuật để có thêm sức mạnh trong giải quyết vấn đề.

Vai trò là người biện hộ: Là người bảo vệ quyền lợi cho đối tượng để họ được hưởng những dịch vụ, chính sách, quyền lợi của họ, đặc biệt trong những trường hợp họ bị từ chối những dịch vụ, chính sách lẽ ra họ được hưởng. Ví dụ như trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS thường bị kỳ thị và không được nhà trường ủng hộ việc các em tới trường học cùng với những em

khác. Trong trường hợp này, nhân viên xã hội cần biện hộ đấu tranh để quyền được tới trường của các em được thực hiện.

Vai trò là người vận động/hoạt động xã hội: Là nhà vận động xã hội tổ chức các hoạt động xã hội để biện hộ, bảo vệ quyền lợi cho đối tượng, cổ vũ, tuyên truyền.

Vai trò là người giáo dục: Là người cung cấp kiến thức, kỹ năng liên quan tới vấn đề họ cần giải quyết, nâng cao năng lực cho cá nhân, gia đình, nhóm hay cộng đồng qua tập huấn, giáo dục cộng đồng để họ có hiểu biết, tự tin và tự mình nhìn nhận vấn đề, đánh giá vấn đề phân tích và tìm kiếm nguồn lực cho vấn đề cần giải quyết. Nhân viên xã hội có thể tổ chức các khóa tập huấn cho người dân trong cộng đồng để cung cấp thông tin, kiến thức để bảo vệ môi trường, về phòng chống bạo lực gia đình.

Vai trò người tạo sự thay đổi: Người nhân viên xã hội được xem như người tạo ra sự thay đổi cho cá nhân, giúp họ thay đổi suy nghĩ, thay đổi hành vi tiêu cực hướng tới những suy nghĩ và hành vi tốt đẹp hơn. Nhân viên xã hội tham gia vào các hoạt động phát triển cộng đồng để tạo nên sự thay đổi về đời sống, cũng như tư duy của người dân trong cộng đồng nghèo là một ví dụ.

Vai trò là người tư vấn: Nhân viên xã hội tham gia như người cung cấp thông tin tư vấn cho các đối tượng cần có những thông tin như thông tin về chăm sóc sức khỏe sinh sản, thông tin về bảo vệ môi trường, dinh dưỡng cho trẻ nhỏ hay người già… Nhân viên xã hội tư vấn, cung cấp thông tin cho cá nhân, gia đình cộng đồng, làm việc với những nhà chuyên môn khác để giúp họ có được những dịch vụ tốt hơn.

Vai trò là người tham vấn: Nhân viên xã hội trợ giúp gia đình và cá nhân tự mình xem xét vấn đề và tự thay đổi.

Vai trò là người trợ giúp xây dựng và thực hiện kế hoạch cộng đồng: Trên cơ sở nhu cầu của cộng đồng đã được xác định, nhân viên xã hội giúp cộng đồng xây dựng chương trình hành động phù hợp với điều kiện hoàn cảnh, tiềm năng của cộng đồng để giải quyết vấn đề của cộng đồng. Nhân viên xã hội được xem như người trợ giúp, xúc tác để tăng năng lực cho người dân tự đánh giá nhu cầu, tự thiết kế chương trình hành động của cộng đồng

một cách rõ ràng, như mục tiêu đạt được tới gì, làm gì, ai làm, nguồn lực cần có gì và ai tham gia đánh giá theo dõi. Với phương châm đi từ dưới lên, không áp đặt các hoạt động trợ giúp mới có sự tham gia tích cực và trách nhiệm của người dân.

Vai trò là người chăm sóc, người trợ giúp: Nhân viên xã hội còn được xem như người cung cấp các dịch vụ trợ giúp cho những cá nhân, gia đình không có khả năng tự đáp ứng được đầy đủ nhu cầu của mình và giải quyết vấn đề.

Vai trò là người xử lý số liệu: Với vai trò này, nhân viên xã hội nhiều khi là người nghiên cứu, thu thập thông tin và phân tích thông tin trên cơ sở đó tư vấn cho đối tượng để họ đưa ra những quyết định đúng đắn.

Vai trò là người quản lý hành chính: Nhân viên xã hội lúc này thực hiện những công việc cần thiết cho việc quản lý các hoạt động, các chương trình, lên kế hoạch và triển khai kế hoạch các chương trình dịch vụ cho cá nhân, gia đình và cộng đồng. Thực hiện công tác đánh giá và báo cáo về sự thực hiện công việc, chất lượng, dịch vụ…

Người tìm hiểu, khám phá cộng đồng: Nhân viên xã hội đi vào cộng đồng để xác định vấn đề của cộng đồng để đưa ra những kế hoạch trợ giúp, theo dõi, giới thiệu chuyển giao những dịch vụ cần thiết cho các nhóm đối tượng trong cộng đồng.

1.3.2.2. Về nội dung vai trò

Từ cách tiếp cận nói trên, nội dung vai trò của nhân viên công tác xã hội trong giải quyết chính sách xã hội được xác định tập trung ở các vấn đề:

Vai trò là người trợ giúp xây dựng kế hoạch triển khai chính sách xã hội ở địa phương

Trong quá trình xây dựng kế hoạch triển khai chính sách của cấp trên, các cấp hành chính địa phương đều phải xác định mục tiêu cần hướng đến trong ngắn hạn và dài hạn. Vì vậy, với vai trò là người xử lý số liệu, nhân viên xã hội dựa trên kinh nghiệm thực tế công tác và hoạt động nghiên cứu đã thu thập và phân tích các thông tin có giá trị, là cơ sở tư vấn cho các cá nhân, cơ quan có thẩm quyền để họ đưa ra những quyết định đúng đắn.

Vai trò là người vận động nguồn lực thực hiện chính sách

Để đưa các giải pháp chính sách vào thực tiễn cuộc sống, bên cạnh nguồn lực hạn chế của nhà nước, việc chung tay của cộng đồng hướng đến các công tác thiện nguyện từ các doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ hay mạnh thường quân… cũng là một nguồn lực rất lớn trong xã hội cần được huy động. Do đó, nhân viên công tác xã hội trong thực tiễn hỗ trợ việc giải quyết chính sách cho người nhiễm chất độc hóa học cũng cần thực hiện tốt chức năng này.

Quá trình vận động nguồn lực xã hội góp phần thực hiện tốt chính sách đang triển khai, đòi hỏi, nhân viên công tác xã hội cần đặt ra nhiều câu hỏi khác nhau để tìm câu trả lời như: chủ thể xã hội tham gia thực hiện chính sách đã đa dạng chưa? có sáng kiến nào khác không để huy động thêm các nguồn lực hỗ trợ trong xã hội? phương pháp truyền thông đã hiệu quả chưa?

Vai trò là lực lượng hỗ trợ thực hiện kế hoạch

Bởi vì, nhân viên công tác xã hội có đầy đủ những thông tin về các dịch vụ, chính sách, nguồn tài nguyên sẵn có từ các cơ quan, tổ chức, cá nhân làm việc trong lĩnh vực can thiệp, hỗ trợ, chăm sóc cho người bị nhiễm chất độc hóa học. Họ có thể ở vào vị trí trung gian để giới thiệu các dịch vụ, chính sách, nguồn tài nguyên của các cơ quan, tổ chức, cá nhân này tới cộng đồng người nhiễm chất độc hóa học và giúp họ tiếp cận với chúng một cách dễ dàng nhằm giải quyết những vấn đề, những khó khăn mà họ gặp phải trong cuộc sống, trong công việc. Do đó, là lực lượng hỗ trợ thực hiện chính sách, nhân viên công tác xã hội có thể đóng vai trò người người kết nối – còn gọi là trung gian giữa người bị nhiễm chất độc hóa học với cơ quan chức năng giải quyết chính sách cho người bị nhiễm chất độc hóa học.

Bên cạnh đó, nhân viên công tác xã hội cũng có thể đóng vai trò là người tư vấn để cung cấp thông tin tư vấn cho các đối tượng về các thông tin có liên quan đến quyền, lợi ích của họ, các thủ tục cần thực hiện để hưởng lợi ích… Nhân viên xã hội tư vấn, cung cấp thông tin cho cá nhân, gia đình cộng đồng, làm việc với những nhà chuyên môn khác để giúp họ có được những dịch vụ tốt hơn.

Vai trò đánh giá việc thực hiện chính sách

Vì là người bảo vệ quyền lợi cho đối tượng để họ được hưởng những dịch vụ, chính sách, quyền lợi của họ, đặc biệt trong những trường hợp họ bị từ chối những dịch vụ, chính sách lẽ ra họ được hưởng. Do đó, trong quá trình sơ kết tổng kết việc thực hiện chính sách ở địa phương, các thông tin phản hồi của nhân viên công tác xã hội về chất lượng chính sách nhất là những bất cập của chính sách so với thực tiễn, số lượng đối tượng thụ hưởng chính sách, mức độ đáp ứng nhu cầu cho đối tượng nhiễm chất độc hóa học của chính sách,… sẽ góp phần tạo cơ sở thực tiễn cho cấp có thẩm quyền điều chỉnh chính sách một cách phù hợp, hướng đến thực hiện tốt chủ trương an sinh xã hội mà Đảng và nhà nước đã xác định.

1.3.3. Các yếu tố ảnh hưởng

1.3.3.1. Yếu tố bản thân người nhân viên công tác xã hội

Nhân viên công tác xã hội chính là chủ thể thực hiện nhiều vai trò khác nhau đối với việc giải quyết chính sách cho người bị nhiễm chất độc hóa học, chính vì vậy các yếu tố thuộc về bản thân người nhân viên CTXH như nhận thức, khả năng chuyên môn, kinh nghiệm, thái độ...sẽ có ảnh hưởng không nhỏ đến vai trò của họ trong hỗ trợ giải quyết chính sách. Trong đó, yếu tố thái độ nhiệt tình, sự tâm huyết, lòng yêu nghề và hứng thú với công việc của nhân viên công tác xã hội là một trong những yếu tố quyết định. Khi nhân viên công tác xã hội không yêu nghề, không hứng thú với công việc, họ sẽ không có sự nhiệt tình, sự tâm huyết, họ chỉ làm cho xong việc, còn kết quả như thế nào họ không quan tâm. Ngược lại nếu họ yêu nghề và hứng thú với công việc, họ sẽ nhiệt tình và tâm huyết với công việc, cái họ muốn đạt được là kết quả hoàn thành tốt nhiệm vụ kết nối, người khuyết tật có thể có công việc phù hợp với bản thân và hài lòng với công việc đó.

1.3.3.2. Yếu tố từ người bị nhiễm chất độc hóa học

Để thực hiện tốt được vai trò kết nối của nhân viên công tác xã hội trong hỗ trợ giải quyết chính sách cho người bị nhiễm chất độc hóa học thì cần phải có cả sự cố gắng, đồng lòng của cả hai bên (người kết nối và người được kết nối). Người nhiễm chất độc hóa học chính là người được hỗ trợ, nhân vật

chính tiếp nhận sự hỗ trợ nhằm mục đích thực hiện tốt chính sách của nhà nước, nếu người nhiễm chất độc hóa học có nhận thức tốt, tình trạng tâm sinh lý ổn định thì nhân viên công tác xã hội sẽ rất thuận lợi kết nối họ với những chương trình hỗ trợ. Nhưng nếu họ không chủ động và có tâm lý “chờ chính sách” thì nhân viên công tác xã hội sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc vận động, tuyên truyền, tham vấn và thực hiện các nhiệm vụ khác trong vai trò kết nối, từ đó mà kết quả của việc thực hiện vai trò sẽ không hiệu quả, hoặc có thể bị bỏ dở giữa chừng. Chính vì vậy, một mình nhân viên công tác xã hội không thể làm nên thành công nếu không có sự hợp tác, chủ động và mong muốn của người bị nhiễm chất độc hóa học.

1.3.3.3. Yếu tố cơ chế chính sách

Để thực hiện tốt được vai trò của nhân viên công tác xã hội thì không thể thiếu được tầm quan trọng của yếu tố cơ chế, chính sách. Có thể kể đến một số yếu tố thuộc về cơ chế, chính sách ảnh hưởng đến vai trò của nhân viên công tác xã hội trong hỗ trợ giải quyết chính sách cho người nhiễm chất độc hóa học như sau:

Chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với phát triển nghề công tác xã hội: Chỉ khi có chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước phát triền nghề công tác xã hội thì mới có được đội ngũ nhân viên công tác xã hội đầy đủ kiến thức, kỹ năng, phẩm chất tốt để thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ các đối tượng yếu thế nói chung và nhiệm vụ kết nối trong hỗ trợ người nhiễm chất độc hóa học nói riêng.

Sự quan tâm của lãnh đạo địa phương, nhất là ở cấp xã: Để thực hiện tốt vai trò kết nối của nhân viên công tác xã hội trong hỗ trợ giải quyết chính sách cho người bị nhiễm chất độc hóa học thì rất cần sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo cơ sở. Lãnh đạo cơ sở có quan tâm thì mới có các kế hoạch triển khai chính sách phù hợp cho các đối tượng thụ hưởng ở địa phương. Lãnh đạo địa phương có quan tâm thì công tác hỗ trợ của nhân viên công tác xã hội mới thuận lợi, nhất là trong công việc khảo sát đối tượng cần trợ giúp.

Chính sách hỗ trợ người bị nhiễm chất độc hóa học nói chung: Các chính sách của Nhà nước tác động rất lớn đến thành công của quá trình tổ chức thực

thi. Bởi chính sách cho người nhiễm chất độc hóa học là nội dung mà nhân viên công tác xã hội cần quán triệt thực hiện đúng vai trò của mình đối với đối tượng thụ hưởng. Nếu chính sách không đầy đủ sẽ gây khó khăn trong quá trình thực thi, nếu chính sách không phù hợp sẽ không thể áp dụng được và mang lại hiệu quả ngược lại, nếu chính sách không kịp thời cũng khiến mọi công việc vướng mắc không thể giải quyết. Nếu chính sách tốt, đi vào thực tế thì sẽ là cơ hội lớn của người nhiễm chất độc hóa học, họ như có được một bàn đẩy tốt giúp họ vươn lên trong cuộc sống.

Tiểu kết chương 1

Trong chương này, tác giả đã tổng quan lại những nghiên cứu, tài liệu, bài viết có liên quan đến đề tài để có cái nhìn tổng thể, toàn diện về người bị nhiễm chất độc hóa học trên địa bàn huyện Phú Giáo; tác giả làm rõ các khái niệm liên quan đến đề tài nghiên cứu như: khái niệm CĐHH, chính sách , CTXH. Tác giả sử dụng một số định nghĩa như: định nghĩa Thomas Dye; William Jenkins để nghiên cứu người bị nhiễm chất độc hóa học/Dioxin, phát hiện những nhu cầu, khó khăn mà người bị nhiễm chất độc hóa học/Dioxin đang gặp vài khó khăn trên địa bàn huyện. Bên cạnh đó, làm rõ vai trò quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước liên quan đến người bị nhiễm chất độc hóa học/Dioxin trong thời gian qua. Trên cơ sở đó, đề xuất những chính sách hỗ trợ cho đối tượng người bị nhiễm chts đọc hóa học/Dioxin trên địa bàn huyện trong thời gian tới.

Xem tất cả 106 trang.

Ngày đăng: 13/03/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí