Từ Ngữ Nghề Chè Góp Phần Thể Hiện Phong Cách Sống Của Người Việt


Điệu hát ghẹo Phú Thọ cho thấy chè còn là xúc tác se duyên trăm năm trong đời sống lứa đôi Việt: “Em về sắm sọt buôn chè/ Để anh buôn bán ngồi kề một bên/ Chè ngon sánh với ấm bền/ Chè ngon được ấm, ấm bền được lâu”. Một cuộc tình thật bình dị mà ấm áp tình người nhờ “bà mối chè” se tơ. Đặc biệt, so sánh sự nhớ nhung trong tình yêu được ví von: “Nhớ em như nhớ nước chè/ Ngắt xanh vị đậm anh mê uống rồi/ Làm sao quên được em ơi/Đóng quân lại ngỡ mình người Thái Nguyên”. (Ca dao)

Chén trà đã trở thành biểu tượng, trở thành cái gì đó thân thương nhất trong nếp sống của người dân Việt. Bát nước chè xanh mát giọng buổi trưa hè xua tan đi mệt mỏi sau một ngày làm việc. Bát nước chè xanh cũng gợi cho bao kỉ niệm về người mẹ hiền: “Mỗi lần nấu chè xanh/Lại nhớ mẹ da diết/ Âm dương thời cách biệt/ Ta biết làm sao đây.” (Khuyết danh) ; “Bát nước chè xanh/Mẹ dành mỗi sáng/Con thường uống cạn/ Trước khi đến trường” (Tùy Anh).

4.4. Từ ngữ nghề chè góp phần thể hiện phong cách sống của người Việt

Nếu như khi thưởng trà, người Nhật phải tuân giữ đúng nghi thức nên gọi là trà đạo thì thưởng trà của người Việt chỉ được coi như là nghệ thuật, không quá khuôn sáo, công thức. Nhưng tuy giản dị, gần gũi, trà Việt cũng rất đỗi tinh tế. Thưởng một chén trà mang phong cách Việt là việc mang nhiều ý nghĩa. Màu nước vàng sánh trong xanh với hương trà dìu dịu, kết hợp với hương hoa tự nhiên (trà hoa) là hình ảnh Việt Nam với rừng vàng biển bạc, tài nguyên phong phú. Vị đắng chát của trà gợi lên nỗi vất vả của những người làm trà truyền thống. Hậu vị ngọt mát, thơm đượm của trà chính là tâm hồn của người Việt giàu tình nghĩa, thủy chung. Nghệ thuật thưởng trà phản ánh phong cách ứng xử của người Việt.

Ngày xưa trà hương chỉ được dùng trong lớp quyền quý cao sang. Tác phong mời trà một cách cung kính, nâng tách trà bằng hai tay tỏ ra rất thanh tao lịch lãm. Qua cung cách này người được mời có thể thấy được phần nào cốt cách sống và hiểu phần nào chịu ảnh hưởng gia phong của người mời trà. Trước khi uống người ta nhẹ nhàng đưa tách trà lên thưởng thức hương trà rồi từ tốn


nhấp từng ngụm nhỏ để thưởng thức vị ngon của trà. Từ chất lượng của tách trà người uống sẽ thấy được cái tâm, cái tình của người đã pha chung trà.

4.4.1. Thể hiện sự tinh tế, cầu kì trong chế biến và thưởng thức trà

Văn hóa uống trà của người Việt đã có rất lâu đời. Những cánh trà sau khi làm ra để trở thành chén trà màu vàng đẹp, mùi thơm mát và hương vị ngọt hậu còn đọng lại là cả một quy trình nghệ thuật. Cách chế biến chè, cách pha trà, cách thưởng thức của người việt rất cầu kì và không kém phần tinh tế. Việt Nam không có trà đạo như Nhật Bản nhưng trong từng nguyên liệu, dụng cụ, cách pha, cách rót và cách thưởng thức đã thể hiện những nét văn hóa vô cùng đặc sắc của người Việt.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 245 trang tài liệu này.

Đầu tiên phải kể đến sự cầu kì trong thu hái chè. Chè đến lứa phải được thu hái kịp thời, thường hái vào lúc sáng sớm khi mặt trời chiếu rọi làm khô những hạt sương trên búp chè. Chè hái về đưa lên chảo gang nóng đảo cho chè ngót lại, đổ ra nia và dùng tay vò kĩ cho sẵn cánh chè lại. Nia dùng để vò chè phải khít nan để nhựa chè bám trong búp chè khi vò rồi đưa lên chảo nóng sao ngay, sao liên tục đến khi thành phẩm để tránh ôi, ngốt chè. Lấy hương cho chè phải đạt tiêu chuẩn “nửa mùi hương hoa, nửa mùi hương cốm”.

Sản phẩm Túy trà hồng huỳnh Công ti chè Vạn Hạnh - Thái Nguyên lại được thu hái vào lúc nửa đêm, dưới ánh trăng tỏ do các nam thanh nữ tú hái. Đó là những cánh chè trung du - cánh chè đậm đà hơn, gọi là Túy. Hồng huỳnh là ánh sáng đom đóm cầu vồng. Túy trà hồng huỳnh là trà mang ánh sáng màu hồng.

Từ ngữ về nghề chè trong tiếng Việt - 19

Cách chế biến chè 5 cực là một ví dụ cho sự cầu kì trong chế biến. Chè 5 cực là sản phẩm được làm từ chè Shan tuyết Suối Giàng nổi tiếng của tỉnh Yên Bái. Nguyên liệu làm loại chè này là búp chè shan tuyết ngậm sương, bề mặt búp phủ một lớp óng ánh bạc như tuyết. Gọi là chè 5 cực bởi đó là loại chè cực khổ, để hái được là một kì công, do chỉ hái nó được một vụ trong năm và mỗi vụ chỉ được hái trong vài ngày viên mãn nhất của mùa thu hoạch. Người hái phải thức dậy lúc tinh


mơ, trước khi ánh nắng rọi lên lá kích thích quá trình quang hợp làm tăng vị chát, mất mùi hương, giảm chất lượng chè. Chè 5 cực là loại chè cực ngon bởi được tuyển lựa cực kì kĩ lưỡng, chỉ chọn búp non duy nhất (gọi là một tôm), búp phải mẩy, căng, đậm tuyết. Chè này cực sạch bởi trên độ cao gần 1.400 mét, chè shan tuyết Suối Giàng không hề biết đến thuốc trừ sâu hay phân hóa học. Chè này cực đẹp vì từ thu hái, chọn lựa, sao chế đều có công thức riêng: sao bằng than củi sến vì than cho nhiệt lượng cao để cho chè dậy hương. Búp chè dày tuyết được ủ gọn trong túi bóng được xử lí chân không. Chính vì cực khổ, cực ngon, cực sạch, cực đẹp nên giá nó cực đắt.

Theo các nghệ nhân sao chế trà, trà ngon cũng như bạn hiền, chỉ có thể may mắn gặp chứ không thể cầu mà có được. Bởi các yếu tố như thời tiết không khí nặng nhẹ, mưa nắng mạnh yếu, độ ẩm, bàn tay người chăm sóc, thậm chí hướng gió và hướng trồng chè (chè trồng hướng Đông sẽ ngon hơn chè trồng hướng Tây) cũng ảnh hưởng đến chất lượng trà. Trà ngon, nước phải trong xanh, ngửi như có hương cốm non, dư vị đọng mãi trong cổ. Còn để bảo quản trà, theo các cụ sành trà, trà mạn phải để trong bình gốm hay sứ, mà phải là bình tối màu, sao cho hạn chế tối thiểu ánh sáng vào vì chính ánh sáng là nguyên nhân làm giảm hương vị trà.

Nước dùng để pha trà phải là thứ nước mưa được hứng giữa trời hay từ các nguồn suối thiên nhiên, cầu kì hơn nữa là nước hứng từ những lá sen vào buổi sớm mai. Nói về phẩm chất nước để pha trà ngon, giới sành trà thường truyền tụng nhau câu: “Sơn Thủy thượng, Tĩnh Thủy hạ, Giang Thủy trung” có nghĩa là nếu lấy nước suối thì lấy nước đầu nguồn, lấy nước giếng thì lấy dưới đáy, lấy nước sông thì lấy nước giữa dòng. Đặc biệt, giới thưởng trà rất yêu thích dùng nước mưa được hứng từ cây cau để lâu ngày hay nước sương đọng trên lá sen để pha những ấm trà cực phẩm.

Chất đốt để đun nước không được cẩu thả, vì chất đốt sẽ quyết định đến mùi vị của thứ nước được đun sôi. Không thể sử dụng thứ củi ướt, củi tạp để đun nước


vì như vậy sẽ khiến cho nước có mùi khói ảnh hưởng đến hương vị của ấm trà. Than hoa là thứ mà những “chân trà nhân” lựa chọn, vì than hoa giữ được nhiệt tốt, không có khói làm hỏng vị nước. Than phải chắc để đượm lửa, ít phải cho than mới vào gây khói ám vào nước. Than cây nhãn dùng rất tốt nhưng người Việt thời trước còn có loại than đặc biệt: trái ổi xanh phơi khô dùng để đun.

Khâu đun nước cũng cầu kì không kém. Khi đun nước, người pha trà phải đảm bảo giữ được độ thanh tĩnh để không làm ảnh hưởng đến hương vị của trà. Đun bằng ấm đất trên bếp lò. Đun đủ sôi (với trà xanh thì đun sôi sủi tăm, với trà ướp hương thì đun ở độ sôi đầu nhang). Nếu không đủ sôi thì trà không phai, nếu sôi quá thì trà lại nồng, gọi là “cháy trà”.

Bàn về trà cụ, dân gian Việt Nam có câu “nhất thủy, nhì trà, tam pha, tứ ấm”. Xưa phải có hai ấm đồng, bên trong có năm kim hỏa, nước mới mau sôi. Hai ấm thay nhau giữ nước sôi trên lò than. Ấm trà phải bằng đất sét như chu sa hoặc gan gà hay bằng sứ Bát Tràng, vừa đủ một “tuần” trà. Ấm được nặn bằng tay, mỗi ấm là một tác phẩm nghệ thuật. Khi thả ấm không vào chậu nước sẽ nổi đều, mua về phải luộc bằng nước tinh khiết mấy lần để khử hết mùi đất. Người pha trà tuyệt đối không dùng tay bốc trà mà dùng thìa tre hoặc gỗ để múc. Trà cụ phải được rửa thật sạch, thật tinh khiết, nên dùng ấm đất hoặc ấm sành sứ, không dùng ấm kim loại để pha trà. Họ cũng không dùng những loại thìa bằng chất liệu như sắt hay inox hiện nay. Bởi người Việt “sợ” những chất liệu này sẽ làm giảm hương vị của trà. Họ hạn chế tối đa nhất để có thể giữ được hương vị trà. Người pha trà không được sử dụng các loại nước hoa hoặc mĩ phẩm. Cả những người có mùi mồ hôi cũng làm hỏng trà.

Khi chuẩn bị được đầy đủ nguyên liệu và dụng cụ, người Việt thực hiện pha trà. Đây là công đoạn đòi hỏi sự tinh tế, tâm huyết của người pha. Trà ngon nhờ cách pha. Dù chỉ mấy phút nhưng không được học và thiếu thành tâm thì cả đời làm hỏng. Cách pha trà rất cầu kì. Trước khi pha trà phải dùng nước sôi để tráng chén và bình, tưới nước lên bình trà, rồi đổ nước ấm lên các chén trà để làm nóng và sạch. Cho trà vào ấm phải đủ lượng: Nếu ít quá thì nhạt, nhiều quá


thì đắng chát. Rót nước phải vừa ngập trà rồi đổ đi để “rửa trà”. Sau đó rót nước đầy bình và đậy nắp, rồi rót thêm lên trên nắp bình một ít nước nóng để giữ hương trà. Đợi 1 - 2 phút để trà chín và rót ra để thưởng thức.

Trà khi pha xong không phải rót ào ạt, tràn trề ra bát uống ừng ực mà cách rót trà cũng rất cầu kì và riêng biệt. Nếu có chén tống (chén to) thì rót chén tống trước rồi chia ra các chén quân. Nếu không có chén tống, rót thẳng vào các chén quân, rót lần lượt ít một rồi quay ngược lại. Như vậy các chén đều đậm đà như nhau không có chén nào nước bị loãng quá hoặc đặc quá. Rót trà nên rót thấp tay một chút cho nước trà chảy vào chén. Lần đầu, ấm kề sát với miệng chén, lần tiếp theo, đưa lên cao,vừa đủ để có tiếng róc rách mà không bắn ra ngoài. Rót sao cho các chén phải đều nước ngang nhau. Từng thao tác phải thuần thục, nét mặt phải tươi vui, ánh mắt chăm chú, miệng cười hoa nụ, duyên dáng và uyển chuyển.

Nâng chén trà, ít ai uống vội vàng, uống một hơi như người cày đồng về nhà, khát nước, “kéo gáo” bên chum nước mưa, mà thường uống khoan thai, chậm rãi để lắng nghe hương vị của trà: trà có vị đậm đà, có hương thơm, trà lài hay trà sen, trà ngâu hay trà sói, trà Lâm Đồng hay trà Thái Nguyên, Mạn Hảo hay Ô long... Khi cầm chén, lòng bàn tay quay vào trong, dâng chén sát mũi để thưởng hương trà, tay che miệng hớp một hớp nhỏ; mím miệng, nuốt nhẹ cho hương trà thoát ra mũi và đọng lại trong cổ, rồi nuốt nước bọt lần lượt để cảm nhận hết vị trà. Người Việt uống trà không chỉ để giải khát mà còn là để chiêm nghiệm cuộc sống. Vì vậy chén trà khi pha xong có nhiều hình thức thưởng thức khác nhau. Thưởng trà độc ẩm là một người ngồi uống trà với chiếc ấm pha trà nhỏ xíu xinh xắn với gam màu trầm gợi về nỗi ưu tư, một nỗi niềm riêng của người thưởng thức. Nhiều khi độc ẩm chính là một cách để cho người ta gỡ bỏ được những khó khăn trong tâm thức để đạt đến sự thanh thản, nhẹ nhõm.

Thưởng trà đối ẩm là hình thức uống trà gồm có hai người. Người Việt rất cẩn trọng trong việc lựa chọn ấm để pha trà. Số lượng người bao nhiêu sẽ có loại


ấm như vậy để sử dụng đảm bảo có một ấm trà ngon. Ấm to quá nếu pha nhiều nước sẽ làm nhạt trà hoặc pha nhiều trà thì uống không hết lại nhanh nguội. Ấm bé quá lại không đủ. Chính vì vậy việc lựa chọn loại ấm là vô cùng quan trọng.

Thưởng trà quần ẩm là hình thức nhiều người (từ ba đến năm) cùng ngồi uống trà trong một bàn trà. Nét độc đáo của thưởng trà quần ẩm là mọi người có thể họp mặt, ngồi chơi uống trà ngắm hoa, đàm đạo văn chương hay chuyện đời với nhau. Khi thưởng trà, người thưởng thức phải chọn không gian thưởng trà là địa điểm ngồi uống trà. Những người sành trà thường chọn cho mình một không gian thưởng trà thật hợp lí. Có khi cả gia đình ngồi uống trà quanh bàn trà đặt trong phòng khách của gia đình. Nhưng khi có những người bạn đồng niên hay hội bạn trà thì họ có thể ngồi thưởng trà tại một bàn trà đặt tại góc vườn có những chậu cảnh và những lồng chim cảnh. Không gian thưởng trà cũng là thứ không liên quan trực tiếp tới trà nhưng lại là yếu tố tác động mạnh vào tâm lí của người uống trà. Để có một buổi thưởng trà cùng mọi người có thể bình thơ, hay đàm đạo chuyện đời chủ nhà đã phải chuẩn bị thật chu đáo không gian thưởng trà. Thưởng trà cần một không gian tĩnh lặng, có vẻ đẹp của thiên nhiên, có sự hòa bình dung dị của con người, sự hài hòa của đất trời. Trên bàn trà người thưởng trà thường chuẩn bị một chậu hoa để mọi người vừa thưởng trà vừa ngắm hoa. Ngoài ra, một số gia đình làm riêng phòng trà. Trong phòng trà đó sẽ có những bức thư pháp treo trên tường tạo nên một phòng trà vừa ấm cúng, yên tĩnh, không khí trong lành vừa gần gũi mà cũng hết sức thanh cao, sang trọng. Người thưởng trà cần phải rũ bỏ mọi buồn phiền, tâm lí phải trầm ổn, thư thái. Sự cảm nhận một tách chè liên quan chặt chẽ với tâm trạng. Khi tham gia buổi thưởng trà, người thưởng trà bao giờ cũng ăn mặc kín đáo, cẩn trọng trong từng hành động, từng ánh mắt, từng lời nói với nhau. Các cụ xưa thường thưởng trà vào buổi sáng sớm tinh mơ hay những buổi chiều tàn, buổi tối trăng thanh gió mát. Tại những lúc đó tâm trạng con người thường chất chứa nhiều nỗi niềm nên ngồi thưởng trà sẽ là cách thú vị nhất để tỉnh táo và tĩnh tâm.


Hiện nay, văn hóa thưởng trà của người Việt cũng được xem như đạt đến mức độ trà đạo. Để thực hiện một nghi thức trà đạo, người hành lễ phải cần đầy đủ các yếu tố và đạo cụ pha chế và thưởng thức như: Trà thất: một căn phòng có kích thước nhỏ. Trong phòng trải chiếu tre. Bài trí các đạo cụ trong trà thất gồm: 1/tranh: là những bức tranh về phong cảnh thiên nhiên hay những bài thơ, câu liễn được treo, dán trong phòng; 2/hoa: thường được cắm trong bình, lọ hay đĩa nhỏ, được đặt giữa phòng hoặc dưới bức tranh treo trong phòng. Nó có tác dụng làm cho căn phòng thêm sinh động, tạo cảm giác thoải mái, gần gũi với thiên nhiên; 3/lư trầm: thường đặt ở giữa phòng hoặc dưới bức tranh treo trong phòng. Nó có tác dụng làm cho căn phòng có mùi hương nhẹ nhàng, phảng phất, khiến cho mọi người được thư giãn tinh thần, thoải mái dễ chịu.

Trà viên: là một khu vườn được thiết kế phù hợp với việc ngắm hoa và thưởng trà. Loại hình này ít được thông dụng như trà thất bởi tính cầu kì của nó đòi hỏi cách bài trí khu vườn thật khéo, làm sao cho khu vườn vẫn còn được nét tự nhiên để người thưởng trà không có cảm giác bị rơi vào một cảnh giả do bàn tay con người tạo ra.

Các đạo cụ dùng trong pha trà và thưởng thức trà như: ấm nước, lò nấu nước, hũ đựng nước, chén trà, muỗng múc trà, gáo múc nước, cây đánh trà, bình trà, tách trà nhỏ, ấm chuyên, chén tống,..

Nước pha trà: là yếu tố quyết định, cộng hưởng ấm trà ngon. Các vị tiền nhân đã nghiệm có 4 loại nước dùng để pha trà tốt đó là: sơn thủy thượng: nước đầu nguồn từ trong núi chảy ra; giang thủy trung: nước giữa lòng sông; tĩnh thủy hạ: nước giếng khơi sạch, không bị ô nhiễm; thiên hạ thủy: nước mưa, dùng vải nilong hứng, hoặc dùng bẹ cau, bẹ dừa quấn quanh cây cau, cây dừa thành vòi rồi hứng vào vại để đun pha trà. Những người có điều kiện, cầu kì thì sáng sớm, dùng thuyền len lỏi giữa hồ sen để chắt những giọt sương đêm đọng lại trên lá sen. Khi đun nước pha chè, nước chỉ để sủi mắt cua (lăn tăn), nếu sủi mắt cá (sủi to hơn) hoặc sủi ùng ục thì chè dễ bị mất hương.


Ấm trà: cũng có hàng ngàn kiểu ấm, loại ấm, dáng ấm phụ thuộc vào nhu cầu, mục đích, số lượng người thưởng trà như ấm to, ấm nhỏ, ấm mỏng, ấm dày,ấm gan gà, ấm bạch định, ấm bách phúc, ấm màu chu sa, ấm màu đỏ, màu xanh, màu nâu đất, ấm đồng thau, ấm gang, ấm nhôm có cán gỗ chuôi ngang (của đồng bào dân tộc miền núi), ấm siêu, ấm tích (của đồng bào miền đồng bằng trung du), ấm pha trà nụ, ấm pha trà cám, ấm pha trà bồm, ấm pha trà búp, ấm đực, ấm cái, ấm bà, ấm chuyên, ấm hai lòng, …Để pha chè, người ta thường dùng loại ấm chuyên nhỏ màu gan gà, ấm có nhiều cỡ khác nhau: loại độc ẩm dành cho một người, loại đối ẩm cho hai người, loại quần ẩm cho nhiều người.

Nghệ thuật thưởng trà Việt thấy rất rõ trong sự độc đáo của các bát/bình trà: thời Bắc thuộc là màu xanh bích ngọc, còn tới thế kỉ XV, đời Lý-Trần là các bát màu xác trà mang thần thái đặc thù Đại Việt. Kĩ thuật đồ gốm của người Việt thời Lý-Trần đã đạt đến độ tinh xảo, nhiều chén bình trà Đại Việt đã trở thành đồ quốc bảo khi nhập vào Nhật Bản.

Chén trà cũng rất phong phú như chén hương, chén chế, chén hạt mít, chén tống, chén quân, chén vại, …

Chén được làm bằng men, công phu, tỉ mỉ và mỗi chén có những họa tiết độc đáo riêng. Vì thế, trong khi làm một buổi tiệc trà không có hai chén trà giống nhau. Các nghệ nhân làm chén cũng đưa chủ đề thiên nhiên, thời tiết vào trong tác phẩm của mình, vậy nên có thể dùng chén phù hợp cho 4 mùa: xuân, hạ, thu, đông. Mùa xuân dùng chén có những hoa văn mùa xuân: hoa đào, hoa mai; mùa hạ nóng nên miệng của chén trà có độ cao thấp hơn, miệng rộng hơn chén trà mùa xuân để dễ thoát hơi nóng; mùa thu: chén có hình dáng giống mùa xuân, có hoa văn đặc trưng mùa thu như là phong, hoa cúc; mùa đông: là mùa lạnh nên chén có độ dày và cao hơn các chén mùa khác để giữ nóng lâu hơn. Màu sắc của chén cũng mang gam màu lạnh. Chậu đựng nước rửa chén khi pha trà: được làm bằng men và to hơn chén trà một chút.

Xem tất cả 245 trang.

Ngày đăng: 15/09/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí