Truyện và ký La Quan Miên - 15

xanh quấn quýt những mộ phần…”. Nỗi đau ấy được cụ thể hóa trong một câu chuyện “Ký ức người mẹ”: Hôn lễ chưa xong quân thù ập đến/ Nên vội cùng chồng cầm súng hành quân/ Hai trăm ngày chưa một lần làm vợ/Bom đạn quân thù cướp mất tình yêu/Ôm ngôi mộ người chồng chưa chăn gối/ Ngậm ngùi tiếng nấc vỡ thời gian…

Và người vợ ấy bảy mươi năm qua không thể đi bước nữa vì không thể quên được nỗi đau này:

Bảy mươi năm mẹ vẫn gọi tên chồng Vắt nỗi nhớ lên lưng còng tóc bạc…

Hai bài thơ của Lê Văn Hảo có cấu tứ chặt chẽ và ý tưởng độc đáo. Tiếc rằng lời thơ vẫn còn khô khan, thiếu sự đằm sâu của cảm xúc, nên chưa tạo được hiệu quả cao trong việc gây xúc động trong lòng người đọc, nên không thể xếp giải cao.

Cũng có ý thức tạo cách viết mới về Volgagrad, về chiến tranh, Triệu Lam Châu với 5 bài thơ của mình đưa ra những ý tưởng độc đáo, nhưng cách thể hiện còn gần với văn xuôi, khẩu ngữ khô cứng, thiếu sức thuyết phục. Tuy nhiên, các bài thơ khác của anh về nước Nga có hồn hơn. Nguyễn Minh Khiêm (Thanh Hóa), Nguyễn Bá Hòa (Quảng Nam), Hàn Phong Vũ (TPHCM)… cũng có tìm tòi cách nhìn mới. Nhưng tiếc rằng, cũng mắc nhược điểm chung ấy... Có lẽ nguyên nhân chính, là các tác giả trong nước và ở các nước khác viết về một mảnh đất xa lạ, lạ chưa từng đặt chân đến, mà viết qua sự hiểu biết trong tư liệu sách vở.

Bù lại, các tác giả đã từng sống tại Nga, đã từng đến Volgagrad, lại có thế mạnh hơn về cảm xúc.

Trong số các tác giả dự thi, nổi bật một gương mặt thơ: Nguyễn Đình Chiến.

“Bài ca sông Volga” chưa phải là bài thơ xuất sắc nhất trong chùm thơ của Nguyễn Đình Chiến (anh có nhiều bài thơ hay viết về nước Nga), nhưng là bài

gây được ấn tượng, nổi trội hơn so với thơ của các tác giả khác dự thi cùng đề tài. Anh đã tránh được lối mòn của nhiều người khi viết về chiến trận Stalingrad, Cấu tứ bài thơ hợp lý. Thể thơ tự do, nhịp thơ linh hoạt. Mở đầu là hình ảnh dòng Volga thanh bình, hùng vĩ, mênh mang “chở trời xanh về biển Caxpiên”, rồi tạo ra trường liên tưởng về Lịch sử Nga, khí phách anh hùng nhiều thế hệ đã hun đúc nên tính cách dân tộc Nga, lý giải cội nguồn của chiến thắng Stalingrad anh hùng. Bài thơ trở thành cao trào khi nhắc đến:

“Sự sống và cái chết/Tuyệt vọng và lòng tin/Tồn sinh và hủy diệt/Xác giặc trôi trên băng/Thây người vùi trong tuyết/Vol- ga trào dâng/Vol-ga gào thét/Lửa cháy trên đồi Mamaiep…”

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 129 trang tài liệu này.

Rồi gợi lên những suy tư sâu sắc về lịch sử, ngậm ngùi, bâng khuâng:

“…Mây trắng tần ngần/Hải âu mải miết/Giáp trụ xưa cuốn về đâu/Khiên giáo xưa vùi nơi đâu/Gươm súng xưa chìm nơi đâu/Chỉ thấy mênh mông hoa táo một màu/Như khói trắng xua nỗi buồn vạn kỷ”

Truyện và ký La Quan Miên - 15

Và lại quay về với Volga thanh bình của ngày hôm nay:

“…Ơi Vol- ga hùng vĩ/Chở trời xanh về biển Caxpiên/Hôm nay ta về bình yên/ Giữa trưa nắng sông ánh lên màu thép/Ta bước lên đồi Mamaiep/Cỏ vẫn xanh trên mộ những anh hùng/Nước mắt lưng tròng/Ta cúi xuống vốc lên từng nắm đất/Đất ở đây giống đất đồi A1/Giống đất thành Quảng Trị quê ta”

Cái kết của bài thơ thật là độc đáo. Người chiến sĩ nước mắt lưng tròng vốc lên từng nắm đất. Nắm đất trên đồi Mamaiev được so sánh với nắm đất trên Đồi A1 của Chiến dịch Điện Biên và Đất thành Quảng Trị quê ta. Không phải so sánh về quy mô, tầm vóc lịch sử nhân loại của trận đánh, mà so sánh tương đồng về sự hy sinh khốc liệt trả giá bằng máu cho tự do Tổ quốc, về lòng dũng cảm kiên cường của người chiến sĩ Hồng quân với người chiến sĩ QĐND VN. Cuộc đời của người chiến sĩ Nguyễn Đình Chiến đã từng tham gia những trận đánh máu lửa trên ba chiến trường Việt - Lào - Căm pu chia đã giúp nhà thơ Nguyễn Đình Chiến có cái kết độc đáo của bài thơ này.

Tốt nghiệp ĐHSP Leningrad, nhưng khi làm NCS, Trần Hậu lại có thời gian dài gắn bó với Volgagrad. Trần Hậu viết về Volgagrad thể hiện nỗi luyến tiếc của người phải chia tay mảnh đất này để trở về Tổ quốc. Thơ anh thấm đẫm chất hoài niệm, giọng thơ buồn man mác: “Giã biệt nhé, Volga, biết bao giờ trở lại/Ôi dòng sông gắn bó một phần đời/Chẳng lẽ nào rồi sẽ xa, xa mãi/Với cánh buồm, mây nước lững lờ trôi?... Ở lại nhé, những người con nước Việt/Trong nắng sương, tuyết lạnh quê người/Vai trĩu gánh cuộc mưu sinh cơm áo/Vẫn chống chèo mơ cập bến bờ vui…”

Và cháy bỏng, khắc khoải mong có một ngày trở lại:

Lòng thầm hẹn, sẽ có ngày trở lại Dù chân run, hay mái tóc phai sương Để thăm lại mảnh đất Nga hùng vĩ

Và Volga, dòng sông Mẹ yêu thương

Còn Bùi Quang Thanh đến với Volga và khai thác nó trong khía cạnh bình yên, lãng mạn, thơ mộng. Thơ anh gợi nhiều hơn tả, chỉ có một khổ thơ nhắc về Tượng đài nhưng sâu sắc: “mẹ sừng sững vung gươm chiều cao rộng/cho ta ngồi hòa nhịp bến sông reo/thảm cỏ biếc trên nền xương máu cũ/em liêu trai đôi mắt ướt nghiêng chiều”.

Thơ anh để lại ấn tượng với những hình ảnh đẹp:

Bạn phanh áo giọng cao chiều bến cảng Giọt rượu mềm ta lặn ngụp Volga

Em ý tứ khỏa tay vào dòng mát

Vạt nắng chiều đắm đuối phút chia xa...

(Chiều Volga)

Cả hai tác giả Trần Hậu và Bùi Quang Thanh là những người chắc tay nghề, lời thơ, ý thơ, nhịp thơ nhuần nhụy.

Cuộc sống đời thường của người Việt Nam tại Volgagrad cũng như người Việt tại Nga hầu như còn vắng bóng trong các tác phẩm dự thi. Có một

tác giả đã đề cập tới vấn đề này trong bài thơ, một bức thư thăm hỏi bạn cũ đang sống ở Volgagrad, với những lời mộc mạc giản dị: “Xưởng may, quán, "ốp”, ra sao?/Cánh đồng nông trại đã vào vụ chưa?/Năm nay, bắp cải, cà chua/Bí xanh, dưa chuột được mùa hay không?/Cúc vàng, thược dược, hoa hồng/Trong vườn, trước cửa đâm bông có nhiều?.”, và những lời nhắn gửi rất chân tình: “Giàu sang biết mấy cho vừa/Lòng nhân nghĩa tự ngàn xưa mãi còn!/Hướng về Tổ quốc, quê hương/Kết tình hữu nghị keo sơn. Trọn bề”. (Bài thơ “Lá thư mùa hè” của tác giả Đặng Hữu Trung). Một tác giả khác cũng đề cập tới sự vất vả của một cô gái bán hàng với lòng thương cảm: “Tuyết rơi bốn nẻo, tứ bề/Thương em đứng chợ, tái tê thân gầy/Hai mươi năm, bấy nhiêu ngày/Bao nhiêu tuyết đã vun đầy trước sân” (Vũ Văn Định, cư dân tại Volgagrad). Nguyễn Thị Thu (Cựu sinh viên Đại học Ykhoa Volgagrad – nay ở Thái Bình) có bài Tôi nhớ. Nỗi nhớ thời sinh viên rất cụ thể., chân thực. Lời thơ mộc mạc, chưa có sự đầu tư dụng công nghệ thuật

Thơ về nước Nga và các đề tài khác.

Những bài thơ của NĐC về nước Nga tràn ngập tình yêu với thiên nhiên cây cỏ, với con người và lịch sử Nga. Hồn thơ anh tinh tế. Đọc bài thơ Cuối Thu, cảm tưởng ngòi bút của anh có thần như nét cọ của Họa sĩ Levitan: “Sắc vàng như đốt, như thiêu/Như đem tất cả ráng chiều về đây/Biết là lá sắp lìa cây/Trời không lỡ gió để ngày lặng thêm/Có người ngồi thức qua đêm/Lặng im không muốn quét thềm sáng nay”.

Cảm xúc trong thơ anh dạt dào như dòng sông Volga cuộn chảy. Thơ anh viết tự nhiên, nhuần nhuyễn, giàu hình ảnh, mang phong vị của thơ Sergey Exenhin, nhà thơ đồng quê của nước Nga. Hồn thơ của anh, hồn thơ của một con người gắn bó máu thịt với nước Nga. Cứ mỗi lần nhắc đến nước Nga, anh lại nhớ, so sánh, liên tưởng tới quê hương chôn rau cắt rốn của mình. Tình yêu quê hương đất nước với tình yêu nước Nga hòa quyện, chân thành, không một chút gì gượng gạo, lên gân: “Những hồn quê mang nỗi niềm quê/Đã nhập vào

nắng mưa cây cỏ/Ôi! chiều nay mưa có về xứ cọ/Mưa có làm ướt áo mẹ già ta?” (Mưa Arion).

Trước giờ chia tay giã biệt, anh trở lại thăm ngôi trường xưa đã nhiều năm gắn bó: “Xe ai đó đưa ta về phố cũ/Căn phòng tôi, người khác đến thay rồi/Xin đừng bẻ cành Xiren trước cửa/Đã bao lần sương tỏa xuống thơ tôi”

Và cuộc chia tay với nước Nga để trở về quê Mẹ thật ngậm ngùi, luyến tiếc: “Giọt nước mắt chẳng vợi niềm ly biệt/Một miền quê xin gửi lại bên trời/Để mái tóc của mười năm gió tuyết/ Ngả vào lòng thương nhớ mẹ hiền tôi” (Tạm biệt nước Nga)

NĐC là một cây bút tài hoa bậc nhất của cộng đồng người Việt tại LB Nga. Cũng giống như Trần Hậu và Nguyễn Đình Chiến, Bùi Quang Thanh coi nước Nga như Tổ quốc thứ hai của mình. Thơ của anh còn nói nỗi cơ cực mưu sinh của đồng bào mình nơi đất khách, những được mất, trả giá của chính mình:

Bao lăn lộn tuyết sương, đêm vẫn hiện quê nhà Nhìn trăng lạnh, se lòng chen tiếc nuối

Câu thơ nào suốt đời ta theo đuổi

Đất quê người chưa một giấc tròn đêm


Ôi những ngày ngang dọc nước Nga Thời trai trẻ buồn - vui và được - mất

Đêm nhớ Mẹ, những câu thơ như khóc Vây quanh ta chan chứa những ly buồn

Nhưng vẫn đọng lại tình yêu không thể gì xóa nổi với nước Nga, nơi anh đã gắn bó một phần đời:


Xuzđan vang vọng tiếng chuông thờ Tháp vàng trải nghìn năm rồi vẫn chói Bao triều đại hóa thân vào cát bụi

Ta một mình thăm thẳm một chiều sương...


Ngang dọc nước Nga suốt bao năm rồi Khúc giã bạn ta hát bằng tiếng Mẹ

Cái mảnh đất có một thời trai trẻ Như một phần Tổ quốc của đời ta!

(Nước Nga cũng là Tổ quốc của tôi) Những bài thơ BQT viết về nước Nga giàu suy tưởng, ngôn ngữ thơ đẹp, nhưng cũng đôi khi lời thơ sa đà làm điệu, làm dáng kiểu cách. Triệu Lam Châu khi viết về tình yêu thiên nhiên, con người Nga thì hợp với chất thơ của mình hơn là khi viết về đề tài lịch sử. Quán Vi Miên khi viết về nước Nga, về LB Xô viết, luôn gắn với hình ảnh quê hương Việt Nam, với lời thơ mang đậm phong cách người Miền núi, mộc mạc, chân chất. Hoàng Thảo Chi viết về nước Nga với nỗi niềm chia ly da diết, xúc động. Nguyễn Quốc Lập (Cộng hòa Sec), Nguyễn Thanh Tùng (Đà Nẵng) với tư cách là một người du lịch, cũng có những vần thơ ca ngợi thiên nhiên Nga tươi đẹp

2. Văn xuôi

Nếu như ở mảng thơ, Sinh viên ĐH Volgagrad không có tác giả dự thi, thì ở mảng Văn xuôi, con số các bạn sinh viên tham gia thật đáng mừng. Có thể kể đến các bạn đều ở trường ĐHTHKT: Mai Trang với Volga trong tôi, Rainy (Trịnh Thị Thu Hường) với Một ngày mưa, Nguyễn Hồng Nhung với Cảm xúc ùa về, Du Du (Nguyễn Trọng Du) với Dành cho những đứa trẻ Volga… Các bạn vừa mới bước vào năm thứ nhất, thứ hai đời sinh viên, ghi lại những cảm xúc của mình khi lần đầu tiên đặt chân tới Volgagrad. Tất cả những cảm xúc ấy thể hiện sự bỡ ngỡ trước cảnh vật, con người, tình cảm tốt đẹp dành cho vùng đất mới. Cảm xúc của họ thật tươi mới, trong trẻo. Nỗi nhớ nhà, quê hương và người thân, người yêu đậm trên mỗi dòng văn. Hầu như các bài của sinh viên đều ở dạng Nhật ký, tùy bút, hợp với nội dung và tâm trạng của những người

lần đầu xa nhà. Giọng văn của một số bạn còn đậm chất học sinh phổ thông ngấp nghé bước vào giai đoạn trưởng thành. Tuy mới xuất hiện lần đầu, nhưng tin rằng, những cây bút này sẽ là những cây bút tài năng đầy hứa hẹn.


Tình yêu Volgagrad và nước Nga cũng thấm đẫm ở những cây bút chưa từng đặt chân tới một lần. Nguyễn Xuân Phúc ở Bắc Giang có Thư gửi con trai, lo lắng theo dõi mỗi bước đi của con hàng ngày, thông qua sự miêu tả và lời kể của con, cộng với việc tự tìm hiểu về thiên nhiên, lịch sử nơi con mình đang sống, tác giả đã hiểu và yêu Volgagrad không kém người đã từng gắn bó đó. Tác giả Thảo Nguyên (Doãn Thị Huế), giáo viên Văn ở TPHCM có những dòng tâm sự cuốn hút: Ban đầu ghét Volgagrad vì mảnh đất ấy đã làm cho chị phải xa cách người yêu, sợ khoảng cách sẽ đánh mất tình yêu. Rồi qua trao đổi thư từ, qua chat, được người yêu kể về những công việc hàng ngày của anh gắn bó với trường lớp, với thiên nhiên cây cỏ, con người Volgagrad, chị dần yêu mảnh đất tự lúc nào… Văn của chị trau chuốt, có chất thơ

Quán Vi Miên viết nhiều, cả thơ, văn. Bài tham gia của anh là những Hồi ký, kể lại những kỷ niệm trong thời gian học tập tại ĐHSP Volgagrad: Tình thầy trò Nga Việt cảm động, tình bạn trong học tập, cảnh sinh hoạt đời thường, tình yêu với con người Volgagrad, lòng biết ơn đối với nước Nga vẫn vẹn nguyên trong tâm hồn của con người đã rời xa gần ba chục năm qua. Những sự kiện trong Hồi ký của anh thật chi tiết, cụ thể. Văn của anh cũng giống thơ của anh, vẫn giữ vẻ mộc mạc, giản dị, có lúc thật thà, có gì kể nấy, không hề trau chuốt. Hoảng Thảo Chi, một cây bút văn xuôi, sau nhiều năm sống ở Nga, đã về nước, mới xuất hiện trên văn đàn gần đây với nhiều truyện ngắn hay. Nhưng ở mảng dự thi, anh viết không hay như trước. Tùy bút Tháng năm máu và hoa của anh có những sự so sánh liên tưởng hay giữa những sự kiện lịch sử vĩ đại

của Việt Nam và Nga, nhưng chưa thể hiện được hết bút lực của mình…

Hai cây bút văn xuôi nổi bật nhất trong cuộc thi này là Vũ Tuấn Hoàng

(Ucraina) và Phạm Thuận Thành (từng sống ở Nga và đã về nước), họ là những người có quá trình viết văn lâu năm, đã có nhiều đầu sách được in. Họ am hiểu cuộc sống của người Việt ở Nga sâu sắc. Hai tác giả Vũ Tuấn Hoàng và Phạm Thuận Thành ngang tài ngang sức cả về vốn sống lẫn bút lực.

Truyện Hoa sen trắng của Vũ Tuấn Hoàng kể về mối tình đẹp nhưng éo của một họa sĩ Nga với một cô gái công nhân Việt Nam sang hợp tác lao động đã có gia đình. Đây là một truyện ngắn hoàn chỉnh nhất và rất nhân văn. Truyện Lời thú nhận của Mùa Thu của anh với cái kết bất ngờ, cũng gây xúc động. Vũ Tuấn Hoàng viết có nghề, dẫn truyện tốt, lời văn trau chuốt

Phạm Thuận Thành lại thiên về miêu tả cuộc sống vất vả nhọc nhằn của người Việt Nam xuất khẩu lao động ở Nga và Liên Xô cũ. Đây là mảng đề tài còn ít được phản ánh trong văn xuôi Việt Nam, có thể nói còn rất trống. Truyện ngắn Con lật đật màu son là một truyện ngắn hay, một kỷ niệm đẹp, gây cảm giác trong sáng, bâng khuâng, tiếc nuối. Nhưng ấn tượng nhất vẫn là Nhật ký Cadan. Hiện thực cuộc sống trong Nhật ký của anh sinh động, thậm chí đau đớn, chua xót. Đội ngũ Văn xuôi người Việt tại Nga rất cần những người Thư ký chân thực như anh.

3. Tranh:

Mảng này ít có người tham gia. Có 1 tranh cổ động của Nguyễn Văn Minh

– Nguyễn Thanh Cầm sinh viên năm thứ nhất của trường ĐH Tổng hợp Kỹ thuật Volgograd. Bức Tranh mang tên “Volga ngày ấy, bây giờ” có ý tưởng tốt, bố cục tốt, nhưng nét vẽ vẫn còn vụng về.

Tạ Bạch Hưng, Trường ĐH Xây dựng Volgograd có 6 tranh ký họa chân dung bè bạn Nga. Những chân dung ấy chưa có gì đặc biệt và chưa phù hợp với tiêu chí cuộc thi, nên không xét xếp giải.

4. Ảnh:

Chùm 41 ảnh “Trong công viên Angel “ của Tạ Bạch Hưng đã được chọn giới thiệu 7 bức trên các trang website, tuy nhiên, trong 7 bức đó chỉ chọn ra

Xem tất cả 129 trang.

Ngày đăng: 27/10/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí