Cơ Sở Luận Về Truyền Tải Chính Sách Tiền Tệ Qua Kênh Tín Dụng Của Ngân Hàng Thương Mại


nhận thấy CSTT thắt chặt dẫn tới sự giảm thay đổi trong các nguồn vốn bên ngoài của các doanh nghiệp lớn [100, 69]. Trong khi các khoản tín dụng của các doanh nghiệp nhỏ giảm xuống, các khoản tín dụng cho các doanh nghiệp lớn lại tăng lên nên tổng tín dụng ngân hàng không thay đổi khi CSTT thắt chặt. Việc giảm xuống trong tổng tín dụng được cho là do xuất phát từ nguyên nhân các doanh nghiệp lớn có xu hướng ít phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng hơn so với doanh nghiệp nhỏ. Một khi quy mô của doanh nghiệp được đưa vào mô hình phân tích, kết quả là các nguồn vốn của doanh nghiệp sau khi điều chỉnh không bị ảnh hưởng nhiều. Kashyap, Stein, và Wilcox (1993) và Romer và Romer (1993) cũng chỉ ra chênh lệch giữa lãi suất tín dụng và lãi suất thương phiếu tăng lên sau khi NHTW thực hiện CSTT thắt chặt. Do vậy, doanh nghiệp lớn với xếp hạng tín dụng tốt sẽ có xu hướng thay thế các khoản tín dụng từ ngân hàng với chi phí cao bằng nguồn vốn từ phát hành thương phiếu [87, 110]. Để xác định mức độ hiệu quả của kênh bảng cân đối tài sản tại Áo, Wesche (2000) đã sử dụng dữ liệu vi mô của 2000 doanh nghiệp phi tài chính trong khoảng thời gian từ 1979 đến 1998. Tác giả nhận thấy CSTT có tác động kiểm soát mức cung tín dụng của ngân hàng và làm ảnh hưởng tới việc vay vốn của doanh nghiệp nhỏ. Bên cạnh đó, DNNVV với mức chi phí lãi vay cao và tỷ lệ đầu tư trên doanh thu thấp có sự phản ứng mạnh hơn đối với các biến số tài chính [124].

2.2. Tông quan nghiên cứu trong nước

Chậm hơn so với xu thế nghiên cứu trên thế giới, tại Việt Nam, chỉ có một vài nghiên cứu về truyền tải CSTT từ giai đoạn những năm 2000 trở lại đây. Các nghiên cứu về truyền tải CSTT tại Việt Nam có thể đến đề tài nghiên cứu khoa học của tác giả Nguyễn Thị Kim Thanh (2005) về những vấn đề đặt ra và giải pháp hoàn thiện mục tiêu, cơ chế truyền tải của chính sách tiền tệ trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế, luận văn thạc sỹ của tác giả Trần Thị Lộc (2002) về giải pháp nâng cao hiệu quả kênh truyền tải các tác động của chính sách tiền tệ tới nền kinh tế, truyền tải chính sách tiền tệ qua kênh chấp nhận rủi ro của tác giả Hà Thị Sáu và các cộng sự (2014), bài báo khoa học của các giả Hung và Wade (2008), Nguyễn Phi Lân (2010) về cơ chế truyền tải tiền tệ dưới góc độ phân tích định lượng, hai tác giả Trần Ngọc Thơ và Nguyễn Hữu Tuấn (2013) về cơ chế truyền tải chính sách tiền tệ ở Việt Nam tiếp cận theo mô hình SVAR và nhiều nghiên cứu khác của các tác giả Tô Ngọc Hưng (2013), Phạm Thị Hoàng Anh (2013), Nguyễn Đức Trung (2013), Nguyễn Thị Thúy Vinh (2015)... Tuy nhiên, những nguyên cứu cụ thể về kênh tín dụng ngân hàng, đặc biệt là phân tích các kênh truyền tải nhỏ hơn bên trong kênh này, là tương đối ít mặc dù kênh tín dụng đóng vai trò quan trọng trong truyền tải điều hành CSTT của NHNN tới nền kinh tế Việt Nam.


Nghiên cứu của Camen (2006) về những thay đổi trong điều hành CSTT của Việt Nam trong bối cảnh nền kinh tế và thị trường tài chính có những bước phát triển mới như Hiệp định thương mại Việt Mỹ và quá trình chuẩn bị gia nhập WTO. Tác giả sử dụng mô hình BVAR gồm các biến tỷ giá, chỉ số giá tiêu dùng, cung tiền, tín dụng đối với nền kinh tế, hoặc lãi suất cho vay, chỉ số giá cả hàng hóa và cung tiền rộng của Mỹ. Kết quả nghiên cứu cho thấy trong giai đoạn từ tháng 2/1996 đến tháng 4/2003, tín dụng là nhân tố gây ra ảnh hưởng chính tới lạm phát sau khoảng thời gian 24 tháng [122].

Hung và Wade (2008) đã sử dụng mô hình VAR với các biến số tổng sản lượng quốc nội, chỉ số giá tiêu dùng, lãi suất thực, tín dụng và tỷ giá thực hiệu quả. Hai tác giả đã sắp xếp các biến số vĩ mô trong mô hình theo thứ tự sản lượng, chỉ số giá tiêu dùng, tín dụng và cung tiền trên cơ sở giả định sự tăng lên của cung tiền sẽ tạo điều kiện mở rộng tín dụng, từ đó ảnh hưởng tới nền kinh tế. Kết quả cho thấy kênh tín dụng đóng vai trò quan trọng trong truyền tải CSTT, thậm chí hơn cả kênh lãi suất truyền thống. Bên cạnh đó, tín dụng có tác động nhân quả tới cung tiền và nếu như loại bỏ vai trò của tín dụng thì mối quan hệ giữa cung tiền và sản lượng bị giảm đi nhiều [74].

Nguyễn Phi Lân (2010) đã sử dụng mô hình hồi quy SVAR với hai nhóm biến đại diện cho khu vực quốc tế và trong nước để mô hình hóa khuôn khổ chính sách tiền tệ tại một nền kinh tế thị trường với độ mở lớn như Việt Nam. Trong mô hình này, tác giả thiết lập các điều kiện cần thiết để tìm ra những cú sốc tiền tệ và tỷ giá của Việt Nam, sau đó đánh giá hiệu quả tác động của CSTTvà các kênh truyền tải khác nhau đến giá cả hàng hóa và các hoạt động sản xuất kinh doanh của nền kinh tế trong nước dựa trên cặp số liệu thu thập từ Thống kê tài chính quốc tế từ năm 1998 - 2009. Tác giả nhận thấy cung tiền có xu hướng tác động tích cực tới tăng trưởng kinh tế nhưng chưa lớn, bắt nguồn từ việc một phần tín dụng ngân hàng đã không được một số tổ chức kinh tế và dân cư sử dụng đúng mục đích sản xuất kinh doanh mà thay vào đó là đầu tư vào các lĩnh vực có mức độ rủi ro cao như chứng khoán hay bất động sản. Kết quả nghiên cứu còn chỉ ra việc thay đổi lãi suất VND trên thị trường tiền tệ thông qua sử dụng các công cụ tiền tệ như OMO hay tái cấp vốn... sẽ mất thời gian khoảng là 3 - 5 tháng để có hiệu lực [10].

Nghiên cứu khác của Chu Khánh Lân (2012) về thực trạng truyền tải CSTT tại Việt Nam trên cả phía cung và phía cầu tín dụng. Mặc dù NHNN đã điều hành CSTT theo hướng nới lỏng nhằm thúc đẩy các TCTD tăng cường cho vay thông qua bơm thanh khoản cho hệ thống TCTD và giảm lãi suất thị trường để khuyến khích nhu cầu vay vốn của nền kinh tế nhưng mức độ hiệu quả của chính sách chưa đạt mức kỳ vọng. Về cung tín dụng, thanh khoản được cải thiện đáng kể so với cuối năm 2011 và đầu năm 2012 nhưng vẫn tập trung tại hệ thống các TCTD và chủ yếu được sử dụng để đầu


Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 232 trang tài liệu này.

tư vào trái phiếu Chính phủ thay vì cho vay đối với nền kinh tế. Về phía cầu tín dụng, mặc dù lãi suất cho vay đã giảm mạnh nhưng trước những khó khăn chồng chất của doanh nghiệp, nhu cầu vay vốn sản xuất kinh doanh vẫn không được cải thiện do nhu cầu đầu tư trở nên đặc biệt thiếu nhạy cảm với sự thay đổi của lãi suất trong điều kiện tương lai bất ổn và khi niềm tin vào thị trường giảm xuống. Thực trạng này cho thấy, mức độ hiệu quả truyền tải CSTT của kênh tín dụng đã bị giảm đi đáng kể trong thực trạng suy yếu của hệ thống các TCTD, tình hình tài chính khó khăn của các doanh nghiệp và môi trường kinh doanh có nhiều biến động khó lường [1].

Nghiên cứu của Chu Khánh Lân (2013) về truyền tải CSTT qua kênh tín dụng sử dụng hai mô hình VAR để đo lường mối quan hệ giữa các biến mục tiêu vĩ mô và các biến số tiền tệ. Tác giả nhận định tại Việt Nam, mức độ khuếch đại của kênh tín dụng trong truyền tải CSTT là khá nhanh và mạnh. Cụ thể, để so sánh mức độ khuếch đại thông qua kênh tín dụng, mô hình VAR thứ hai được áp dụng với biến tín dụng là biến ngoại sinh. Thông qua phương pháp này, tác động của lãi suất và cung tiền sẽ được truyền tải thông qua biến nội sinh là tín trong khi mô hình VAR thứ hai bỏ qua cơ chế này. Với bộ số liệu từ quý 2/2000 đến quý 4/2011, tín dụng khuyến đại mạnh ảnh hưởng của cung tiền và lãi suất thực tới tăng trưởng kinh tế. Tương tự, phản ứng của CPI trước thay đổi cung tiền và lãi suất thực được khuếch đại khá nhanh và mạnh trong trường hợp có kênh tín dụng so với trường hợp không có kênh tín dụng. Khi có kênh tín dụng, biến động của tín dụng thể hiện vai trò đáng kể trong biến động của GDP. Tương tự, cung tiền, tăng trưởng tín dụng và lãi suất đóng góp vào biến động của lạm phát nhiều hơn trường hợp không có kênh tín dụng [2].

Truyền tải chính sách tiền tệ qua kênh tín dụng của các ngân hàng thương mại Việt Nam - 3

Nhóm tác giả Nguyễn Phúc Cảnh, Nguyễn Quốc Anh và Nguyễn Hồng Quân (2013) đã phân tích đặc điểm ngân hàng tác động như thế nào đến truyền tải CSTT qua kênh tín dụng ngân hàng tại Việt Nam. Bài viết phân tích cơ chế truyền tải của CSTT qua kênh tín dụng của NHTM giai đoạn 2003-2012 trên khía cạnh phản ứng của chính mỗi NHTM với sự thay đổi trong CSTT. Tác giả sử dụng mô hình hồi quy tổng thể cho dữ liệu bảng thu thập từ báo cáo tài chính của các NHTM giai đoạn 2003-2012. Kết quả cho thấy kênh tín dụng có tồn tại trong dẫn truyền CSTT tại Việt Nam và các đặc điểm về vốn chủ sở hữu, tài sản thanh khoản, rủi ro của mỗi NHTM tác động đến tính linh hoạt của mỗi NHTM khi phản ứng với thay đổi CSTT giai đoạn 2003 – 2012 [11].

Nghiên cứu Nguyễn Thị Thúy Vinh (2015) phân tích cơ chế truyền tải tiền tệ ở Việt Nam thông qua các kênh lãi suất, tỷ giá hối đoái, tài sản và tín dụng trong giai đoạn từ 1995 đến 2009. Nghiên cứu áp dụng mô hình VAR để đánh giá cơ chế truyền tải tiền tệ đến sản lượng và mức giá. Để so sánh tầm quan trọng của các kênh khác nhau trong quá trình truyền tải CSTT, nghiên cứu đã ước lượng hàm phản ứng và phân


rã phương sai của các biến số trong mô hình. Các kết quả thực nghiệm cho thấy những thay đổi trong cung tiền có tác động tới sản lượng hơn là tác động tới mức giá trong ngắn hạn. Những tác động của thay đổi cung tiền tới giá cả và sản lượng sẽ được đẩy mạnh thông qua kênh tỷ giá và tín dụng, Tuy nhiên, những tác động đó sẽ yếu đi thông qua kênh lãi suất. Đối với kênh tài sản, thông qua giá cổ phiếu, tác động của chính sách tiền tệ tới giá cả và sản lượng có thể bị “méo mó” do cấu trúc của thị trường chứng khoán còn mỏng và yếu [13].

Tóm lại, các nghiên cứu về truyền tải CSTT tại Việt Nam nói chung và truyền tải qua kênh tín dụng nói riêng, trên cả hai phương diện kênh truyền tải qua bảng cân đối tài sản và khả năng cấp tín dụng là tương đối ít, chưa toàn diện (không phân tích được các nhân tố ảnh hưởng tới quá trình truyền tải và mới chỉ tiếp cận kênh khả năng cấp tín dụng), và trong phạm vi thời gian nghiên cứu quá ngắn hoặc quá dài nên không được ra được kết luận phù hợp cho từng giai đoạn truyền tải khác nhau.

3. Mục tiêu nghiên cứu

- Tổng hợp và phân tích cơ sở lý luận về truyển tải CSTT, truyển tải CSTT qua kênh tín dụng với hai kênh bảng cân đối tài sản của người đi vay và kênh khả năng cấp tín dụng của ngân hàng. Tổng hợp phương pháp nghiên cứu định lượng và kết quả nghiên cứu về truyển tải CSTT qua kênh tín dụng từ các nghiên cứu trong và ngoài nước làm cơ sở cho nghiên cứu thực tiễn Việt Nam.

- Phân tích thực trạng truyền tải CSTT và hoạt động của hệ thống NHTM Việt Nam làm cơ sở để phân tích thực trạng truyển tải CSTT qua kênh tín dụng với hai kênh bảng cân đối tài sản của người đi vay và kênh khả năng cấp tín dụng của ngân hàng. Phân tích các nhân tố ảnh hưởng tới truyền tải CSTT qua kênh tín dụng của NHTM Việt Nam.

- Nghiên cứu định lượng về mức độ, chiều hướng truyền tải CSTT qua kênh tín dụng tại Việt Nam, xem xét mức độ đóng góp của kênh tín dụng vào diễn biến các mục tiêu của CSTT.

- Đề xuất giải pháp và kiến nghị nhằm tăng cường khả năng truyền tải CSTT qua kênh tín dụng của NHTM Việt Nam trong thời gian tới.

4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

4.1. Đối tượng nghiên cứu

Đối tượng chính của luận án là thực trạng truyền tải CSTT qua kênh tín dụng với hai kênh bảng cân đối tài sản của người đi vay và kênh khả năng cấp tín dụng của ngân hàng tại Việt Nam. Thực trạng truyền tải được thể hiện qua sự biến động của tín dụng (bên tài sản trên bảng cân đối tài sản của ngân hàng và nguồn vốn vay ngân hàng


trên bảng cân đối tài sản của người đi vay là doanh nghiệp). Ngoài ra, đề tài cũng phân tích thực trạng điều hành CSTT của NHNN và hoạt động của hệ thống NHTM.

4.2. Phạm vi nghiên cứu

Phạm vi nghiên cứu của luận án được giới hạn từ năm 2011 tới năm 2015. Đối với nghiên cứu định lượng, giai đoạn nghiên cứu kéo dài từ quý 1 năm 2000 đến quý 4 năm 2015.

5. Phương pháp nghiên cứu

Ngoài phương pháp triết học biện chứng và duy vật lịch sử thường được sử dụng trong nghiên cứu khoa học nói chung, luận án vận dụng các phương pháp khảo sát, thống kê, so sánh, phân tích - tổng hợp, diễn dịch, quy nạp.

Ngoài các sơ đồ, bảng, đồ thị, đề tài sử dụng mô hình kinh tế lượng SVAR để kiểm chứng sự tồn tại và đo lường mức độ khuếch đại CSTT của kênh tín dụng thông qua hàm phản ứng. Thông qua phân rã quá khứ, đề tài đánh giá tác động của tín dụng tới sự biến động của các biến số kinh tế vĩ mô trong nền kinh tế.

Đề tài khai thác các nguồn dữ liệu báo cáo tài chính từ năm 2010 đến năm 2015 của 201 doanh nghiệp niêm yết trong chỉ số VNINDEX; dữ liệu báo cáo tài chính từ năm 2010 đến năm 2014 của 29 NHTM; dữ liệu tiền tệ, ngân hàng từ Thống kê tài chính quốc tế của IMF; dữ liệu kinh tế vĩ mô từ Tổng cục Thống kê; dữ liệu khảo sát 306 doanh nghiệp năm 2013 của nhóm nghiên cứu thực hiện Báo cáo hoạt động ngân hàng năm 2013 và một số dự báo năm 2014 của Học viện Ngân hàng.

6. Kết cấu luận án

Ngoài phần mở đầu, kết luận, tài liệu tham khảo và phụ lục, luận án gồm ba chương:

Chương 1: Cơ sở luận về truyền tải chính sách tiền tệ qua kênh tín dụng của ngân hàng thương mại

Chương 2: Thực trạng truyển tải chính sách tiền tệ qua kênh tín dụng của các ngân hàng thương mại Việt Nam

Chương 3: Giải pháp tăng cường khả năng truyền tải chính sách tiền tệ qua kênh tín dụng của các ngân hàng thương mại Việt Nam


CHƯƠNG 1:

CƠ SỞ LUẬN VỀ TRUYỀN TẢI CHÍNH SÁCH TIỀN TỆ QUA KÊNH TÍN DỤNG CỦA NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI


1.1. TỔNG QUAN VÊ CHÍNH SÁCH TIỀN TỆ

1.1.1. Khái niệm chính sách tiền tệ

Hiện nay, trong các tài liệu nghiên cứu về CSTT thì thuật ngữ “Chính sách tiền tệ” được mô tả thông qua việc sử dụng các mục tiêu và công cụ điều hành. Theo PGS.TS. Tô Kim Ngọc (2012): “CSTT là một trong những chính sách kinh tế vĩ mô, mà trong đó NHTW, thông qua các công cụ của mình thực hiện việc kiểm soát và điều tiết khối lượng tiền cung ứng (hoặc lãi suất) căn cứ vào nhu cầu tiền tệ của nền kinh tế, nhằm đạt được các mục tiêu về giá cả, sản lượng và công ăn việc làm” [16]. Trong khi đó, chỉ có một số ít NHTW các quốc gia đưa ra định nghĩa về CSTT một cách chính thống trong các văn bản pháp luật:

Cục Dự trữ liên bang Mỹ: “CSTT là các hoạt động thực hiện bởi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ để tác động tới mức độ sẵn có và chi phí của tiền và tín dụng nhằm thúc đẩy quá trình thực hiện các mục tiêu kinh tế của quốc gia” [64].

NHTW Canada: “CSTT là một nhóm các quyết định được thực hiện bởi chính phủ, thường thông qua NHTW, liên quan tới lượng tiền lưu thông trong nền kinh tế” [106].

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam: “CSTT quốc gia là các quyết định về tiền tệ ở tầm quốc gia của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, bao gồm quyết định mục tiêu ổn định giá trị đồng tiền biểu hiện bằng chỉ tiêu lạm phát, quyết định sử dụng các công cụ và biện pháp để thực hiện mục tiêu đề ra” (Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành ngày 29/06/2010 quy định tại Khoản 1 Điều 3) [8].

Theo quan điểm của tác giả: “CSTT là một chính sách kinh tế vĩ mô được thực hiện bởi NHTW thông qua việc sử dụng hệ thống các công cụ để tác động tới lượng tiền lưu thông (hoặc lãi suất) trong nền kinh tế nhằm đạt được các mục tiêu kinh tế của quốc gia như bình ổn giá cả, tăng trưởng kinh tế, công ăn việc làm và các mục tiêu khác”.

Công tác điều hành CSTT của NHTW nhằm điều chỉnh nền kinh tế bao gồm hai giai đoạn, tuy tách biệt nhưng có mối quan hệ mật thiết, trước tiên là hành vi phản ứng của NHTW trước những sự biến động của mục tiêu (thông qua sử dụng các công cụ CSTT) và tiếp đó là quá trình truyền tải những thay đổi trong công cụ tới các mục tiêu CSTT (bao gồm mục tiêu hoạt động, mục tiêu trung gian, và mục tiêu cuối cùng). Nội dung sau đây tập trung vào phân tích các mục tiêu của CSTT, các công cụ CSTT, và các kênh truyền tải CSTT.


1.1.2. Mục tiêu của chính sách tiền tệ

Việc thực thi CSTT được bắt đầu từ việc xác định mục tiêu cuối cùng của CSTT (là các mục tiêu kinh tế vĩ mô); tiếp đến là các mục tiêu trung gian (như lãi suất hoặc lượng tiền cung ứng, tín dụng) thống nhất với mục tiêu cuối cùng; các mục tiêu hoạt động cần phải đạt được để tác động vào mục tiêu trung gian; và là xác định các công cụ mà NHTW có thể sử dụng nhằm đạt được các mục tiêu của CSTT.

1.1.2.1. Mục tiêu cuối cùng

Mục tiêu cuối cùng của CSTT là các biến số cuối cùng mà các nhà hoạch định chính sách (NHTW) muốn đạt được khi điều hành CSTT. Các mục tiêu cuối cùng của CSTT có thể hướng tới một mục tiêu hoặc nhiều mục tiêu như: giá cả ổn định, tỷ lệ thất nghiệp ở mức tự nhiên – công ăn việc làm cao, kinh tế tăng trưởng cao, thị trường tài chính ổn định, lãi suất ổn định và thị trường ngoại hối ổn định [95].

a/ Duy trì giá cả ổn định

Nhận thấy tác động tiêu cực của lạm phát tới tăng trưởng kinh tế và sự phát triển của xã hội, các nhà thực thi và nghiên cứu chính sách kinh tế đã đưa ra một nhận định chung là duy trì giá cả ổn định, thể hiện bởi tốc độ tăng giá chậm và ổn định, là mục tiêu hàng đầu của CSTT. Lập luận này được đưa ra dựa trên việc giá cả tăng cao và biến động bất thường sẽ gây ra sự mất ổn định trong nền kinh tế và làm giảm tốc độ tăng trưởng. Khi lạm phát ở mức cao, nền kinh tế phải dành các nguồn lực đáng ra có thể sử dụng vào sản xuất để đối phó với lạm phát, ví dụ như sử dụng nguồn lực để cập nhật mức giá mới hay các hộ gia đình và doanh nghiệp phải dành thời gian và nguồn lực để quản lý tài sản nhằm bảo vệ giá trị của tài sản. Ngoài ra, khi lạm phát biến động cao khác với dự kiến sẽ khiến quá trình phân phối lại thu nhập thực giữa người đi vay và người cho vay xảy ra, làm cho rủi ro đối với hai chủ thể này tăng lên và ảnh hưởng tiêu cực tới việc lập kế hoạch tài chính, hoạt động đầu tư và tiêu dùng.

Bên cạnh quan điểm về mục tiêu quan trọng nhất của CSTT là duy trì mức giá cả ổn định, các nhà thực thi và nghiên cứu chính sách kinh tế còn đưa ra năm mục tiêu khác gồm:

b/ Duy trì tỷ lệ thất nghiệp ở mức tự nhiên

Tỷ lệ thất nghiệp ở mức tự nhiên có nghĩa là nền kinh tế không có thất nghiệp chu kỳ (cyclical unemployment) mà chỉ có thất nghiệp chuyển đổi (frictional unemployment) và thất nghiệp cơ cấu (structural unemployment). Tuy nhiên, CSTT thường không thể tác động nhiều vào việc giảm hai loại thất nghiệp này. Vì vậy, mục tiêu của CSTT chỉ là hạn chế tối đa hiện tượng thất nghiệp chu kỳ thường xảy ra trong các đợt suy thoái kinh tế khi người lao động mất việc làm và không thể tìm được việc làm mới.


c/ Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và duy trì mức công ăn việc làm cao có mối quan hệ chặt chẽ với nhau bởi vì doanh nghiệp có xu hướng đầu tư nâng cao năng suất lao động và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khi tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp. Tuy nhiên, chính phủ có thể sử dụng các chính sách khác bên cạnh CSTT nhằm trực tiếp khuyến khích doanh nghiệp tăng đầu tư và dân chúng tăng tiết kiệm (như các ưu đãi về thuế) để tích lũy thêm vốn cho đầu tư. Do đó, vẫn có những tranh luận nhất định về vai trò của CSTT trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế như quan điểm của Keynes về sự thiếu hiệu quả của CSTT trong khôi phục lại tăng trưởng kinh tế khi nền kinh tế đang trong tình trạng suy thoái.

d/ Duy trì sự ổn định của thị trường tài chính

Khi thị trường tài chính rơi vào tình trạng bất ổn, các doanh nghiệp và người tiêu dùng cần vốn không thể tiếp cận được nguồn vốn từ các chủ thể thặng dư vốn, điều này dẫn tới tình trạng sản xuất kinh doanh bị đình đốn và nhu cầu tiêu dùng bị giảm sút, tác động tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế, làm tăng tỷ lệ thất nghiệp và kéo theo các bất ổn xã hội khác. Theo quan điểm của Hyman Minsky, NHTW với nhiệm vụ điều hành CSTT phải thực hiện vai trò là người cho vay cuối cùng nhằm hạn chế tối đa các vụ đổ vỡ trên thị trường tài chính và ngăn cản quá trình lan truyền sự bất ổn của thị trường tài chính tới nền kinh tế. Tuy nhiên, có một số lập luận phản bác lại quan điểm này. Ví dụ như việc lạm dụng các gói hỗ trợ đối với các tổ chức tài chính có thể dẫn tới vấn đề rủi ro đạo đức khi các tổ chức này tiếp tục chấp nhận mức rủi ro cao hơn trong hoạt động kinh doanh hay tác động của việc nới lỏng CSTT quá mức có thể dẫn tới lạm phát tăng cao trong tương lai, ảnh hưởng tới việc thực hiện các mục tiêu khác của CSTT.

e/ Ổn định lãi suất

Lãi suất biến động mạnh sẽ gây ra tính không chắc chắn trong nền kinh tế và làm giảm nhu cầu đầu tư của doanh nghiệp và tiêu dùng của hộ gia đình khi họ cần phải vay mượn. Lãi suất biến động cao cũng khiến cho các trung gian tài chính gặp khó khăn trong việc quản trị rủi ro này. Ví dụ, lãi suất tăng lên sẽ làm giảm giá trị các tài sản và tăng giá trị các nguồn vốn trên bảng cân đối kế toán của tổ chức tài chính có đặc điểm bảng cân đối tài sản giống với NHTM, dẫn tới sự giảm xuống của vốn chủ sở hữu, thậm chí đe dọa sự tồn tại của chúng (nhiều hiệp hội tiết kiệm và cho vay và các ngân hàng tại Mỹ đã gặp nhiều khó khăn nghiêm trọng trong những năm 1980 và 1990 do sự biến động liên tục của lãi suất). Hơn nữa, NHTW cũng có khả năng gặp phải các xung đột với các nhóm lợi ích khi tăng lãi suất, dẫn tới việc quyền lực của NHTW bị giảm xuống.

Xem tất cả 232 trang.

Ngày đăng: 01/12/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí