Truyện ngắn Việt Nam sau 1975 - Nhìn từ góc độ thể loại - 2


4. Phương pháp nghiên cứu


Luận án áp dụng thi pháp học và tự sự học vào việc phân tích, tìm hiểu những đặc trưng của truyện ngắn Việt Nam sau 1975. Với ý nghĩa là một công trình nghiên cứu về một giai đoạn phát triển của một thể loại, trước hết, chúng tôi vận dụng phương pháp thực chứng lịch sử để mô tả, khái quát về tình hình vận động và phát triển của truyện ngắn trên những phương diện cơ bản làm nên đặc trưng của thể loại. Từ đó, luận án vừa là một sự tổng kết về đối tượng, vừa đưa ra được những so sánh, liên hệ về đối tượng với truyện ngắn Việt Nam các giai đoạn trước.

Bên cạnh đó, phương pháp loại hình được vận dụng trong chương mở đầu của luận án nhằm phân chia đối tượng nghiên cứu thành những kiểu, loại với những tiêu chí nhận diện cụ thể. Phương pháp này cũng sẽ giúp cho luận án, ở các chương tiếp theo, nhìn nhận những phương diện làm nên đặc trưng thể loại của truyện ngắn giai đoạn này (tình huống, kết cấu, nhân vật, ngôn ngữ) như một tổng thể với nhiều nhóm đối tượng được phân loại và khảo sát một cách độc lập tương đối, vừa thống nhất, vừa đa dạng.

Các thao tác khoa học cụ thể được vận dụng trong luận án như sau:

Thao tác thống kê, phân loại, hệ thống hoá: nhằm nhận diện các nhóm đối tượng và khảo sát đặc điểm của chúng như các kiểu truyện, các kiểu tình huống, kết cấu, nhân vật.

Thao tác phân tích, tổng hợp, khái quát: nhằm đưa ra những nhận định khoa học, những minh chứng về các đối tượng khảo sát, từ đó đánh giá, lý giải về các kết luận thu được.

Thao tác so sánh: là một thao tác khoa học quan trọng để nhìn nhận đối tượng nghiên cứu trong sự liên hệ, trong thế tương quan, đối sánh, trong sự soi rọi từ nhiều góc độ, qua đó có thể chỉ ra sự tương đồng và khác biệt trong truyện ngắn ở các kiểu khác nhau, các tác giả khác nhau… Sự vận động của thể loại so với các giai đoạn trước đó và những biến chuyển bên trong bản thân đối tượng giai đoạn này, nhờ thế, sẽ được làm rò.


Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 201 trang tài liệu này.

5. Đóng góp mới của luận án

Luận án là một công trình khoa học áp dụng lý thuyết tự sự học và thi pháp học vào việc nghiên cứu thể loại truyện ngắn Việt Nam sau 1975. Tuy đã có một số công trình đi theo hướng nghiên cứu này, nhưng với phạm vi nghiên cứu rộng lớn và hướng triển khai của mình, luận án là công trình đầu tiên khảo sát đối tượng để đi đến những nhận định, tổng kết khái quát nhất về các đặc điểm thi pháp, sự vận động và những thành tựu của truyện ngắn Việt Nam bốn mươi năm qua. Vì thế, luận án không chỉ góp phần làm sáng tỏ những vấn đề có tính lý luận về thể loại, mà còn là một khảo sát gắn với những quan điểm về việc phân kỳ và tổng kết văn học sử.

Truyện ngắn Việt Nam sau 1975 - Nhìn từ góc độ thể loại - 2

Cùng với những công trình nghiên cứu tổng quan về các thể loại khác (tiểu thuyết, thơ...), luận án góp phần đưa ra một hình dung khái quát về chặng đường bốn mươi năm vận động và phát triển của nền văn học Việt Nam trong thời kỳ đương đại.

Luận án cung cấp một tài liệu tham khảo hữu ích cho việc nghiên cứu, giảng dạy và học tập ngành Văn học trong các trường Đại học, Cao đẳng, và cho những độc giả quan tâm về văn học Việt Nam sau 1975.


6. Cấu trúc của luận án


Luận án bao gồm Mở đầu, Nội dung, Kết luận và Tài liệu tham khảo. Nội dung chính được chia thành bốn chương:

- Chương 1: Tổng quan về vấn đề nghiên cứu.

- Chương 2: Tình huống và kết cấu truyện ngắn Việt Nam sau 1975.

- Chương 3: Nhân vật truyện ngắn Việt Nam sau 1975.

- Chương 4: Ngôn ngữ truyện ngắn Việt Nam sau 1975.


CHƯƠNG 1: TỔNG QUAN VỀ VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU


1.1. TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU VỀ TRUYỆN NGẮN VIỆT NAM SAU 1975


Trước sự phát triển đa dạng, phong phú của truyện ngắn Việt Nam sau năm 1975, các nhà nghiên cứu, phê bình, giới báo chí và công chúng đã dành sự quan tâm đáng kể tới thể loại này. Trong phạm vi quan sát của mình, chúng tôi nhận thấy các kết quả nghiên cứu về truyện ngắn Việt Nam sau 1975 có thể phân chia một cách tương đối thành mấy nhóm chính sau đây: Thứ nhất, nhóm công trình nghiên cứu lý luận về truyện ngắn; thứ hai, nhóm công trình khảo sát, bình luận, giới thiệu tổng quát về truyện ngắn Việt Nam sau 1975; thứ ba, nhóm công trình nghiên cứu về từng hệ vấn đề trong truyện ngắn Việt Nam sau 1975: tác giả, nhóm tác giả, vùng miền, chủ đề, khuynh hướng, kiểu truyện, sự tương tác của truyện ngắn với các thể loại khác; và thứ tư, nhóm bài viết về những tác phẩm truyện ngắn cụ thể trong giai đoạn này.

Dưới đây chúng tôi sẽ mô tả tổng quan các kết quả nghiên cứu của từng nhóm công trình.


1.1.1. Nghiên cứu lý luận về truyện ngắn


M. Bakhtin từng nêu lên những khó khăn đặc biệt trong nghiên cứu tiểu thuyết – thể loại văn chương “đang biến chuyển và còn chưa định hình”, khiến cho “Các nhà nghiên cứu không chỉ ra được một dấu hiệu xác định và chắc chắn nào của tiểu thuyết mà lại không phải đính chính, để rồi sự đính chính ấy lại bác bỏ ngay cái dấu hiệu ấy như chính là một dấu hiệu thể loại” [12, tr.29]. Nhà thơ B. Dimitrova thì thốt lên: “Ôi, nếu tôi biết thơ là gì thì cả đời tôi, tôi chẳng đau khổ thế này”. Có lẽ đó cũng là nỗi niềm chung của những ai muốn đi tìm một định nghĩa chính xác nhất, toàn vẹn nhất về bất cứ thể loại, loại hình nghệ thuật nào, bởi lẽ nghệ thuật trong bản chất là cái chủ quan, và sự định hình nó phụ thuộc một phần quan trọng vào chủ thể sáng tạo. Không như trong các ngành khoa học khác, các nhà lý luận


văn học nghệ thuật khó có thể đưa ra một khái niệm duy nhất chính xác và chặt chẽ về từng thể loại, mà dựa trên thực tế tồn tại và phát triển của thể loại để khái quát nên những vấn đề khả dĩ bao quát nhất. Đối với thể loại truyện ngắn, cũng có rất nhiều định nghĩa, quan niệm khác nhau đã ra đời, và thật khó có thể xác định được một định nghĩa đúng với mọi trường hợp trong thực tiễn sáng tác. Điều đó khiến cho việc nghiên cứu mang tính lý luận về thể loại này vẫn không ngừng hấp dẫn, đồng thời cũng không ngừng là một thử thách đối với giới chuyên môn. Thuật ngữ truyện ngắn và những vấn đề lý luận liên quan đã xuất hiện trong không ít các công trình nghiên cứu sau năm 1975.

Trong Từ điển Văn học do nhà xuất bản Khoa học Xã hội ấn hành năm 1984, truyện ngắn được quan niệm là một loại “truyện” một “hình thức tự sự loại nhỏ. Truyện ngắn khác với truyện vừa ở dung lượng nhỏ hơn, tập trung mô tả một mảnh của cuộc sống: một biến cố hay một vài biến cố xảy ra trong một giai đoạn nào đó của đời sống nhân vật, biểu hiện một mặt nào đó của tính cách nhân vật, thể hiện một khía cạnh nào đó của vấn đề xã hội” [11, tr.457]. Truyện ngắn được định tính là “thể loại tự sự cỡ nhỏ” trong Từ điển thuật ngữ văn học do Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi chủ biên. Các soạn giả của cuốn từ điển này nhấn mạnh đến một số đặc điểm mấu chốt làm nên thể loại truyện ngắn về dung lượng, nội dung, nhân vật, cốt truyện, kết cấu, bút pháp và chi tiết. Thể loại này cũng được đánh giá là “gần gũi với đời sống hàng ngày, súc tích, dễ đọc, lại thường gắn liền với hoạt động báo chí, do đó có tác dụng, ảnh hưởng kịp thời trong đời sống” [52, tr.314 – 315]. Từ điển văn học bộ mới do Đỗ Đức Hiểu, Nguyễn Huệ Chi, Phùng Văn Tửu, Trần Hữu Tá chủ biên, xuất bản năm 2004 định nghĩa truyện ngắn là “Thể loại tự sự cỡ nhỏ, thường được viết bằng văn xuôi, đề cập đến hầu hết các phương diện của đời sống con người và xã hội. Nét nổi bật của truyện ngắn là sự giới hạn về dung lượng; tác phẩm truyện ngắn thích hợp với việc người tiếp nhận (độc giả) đọc nó liền một mạch không nghỉ” [112, tr.1846].

Không chỉ được đề cập đến với tư cách là một khái niệm, một thuật ngữ, thể loại truyện ngắn, cùng với các thể loại khác, đã được các nhà lý luận và phê bình


văn học thời kỳ đổi mới quan tâm phân tích từ nhiều góc độ, nhiều phương pháp tiếp cận khác nhau.

Hầu hết các giáo trình Lý luận văn học do tập thể tác giả của các trường đại học biên soạn đều nêu lên định nghĩa cũng như những vấn đề liên quan đến bản chất, đặc trưng của truyện ngắn với tư cách là một thể loại văn học độc lập.

Từ góc độ ngôn ngữ học, công trình Ngôn ngữ với sáng tạo và tiếp nhận văn học của Nguyễn Lai khi bàn về Phong cách thể loại qua đặc trưng ngôn ngữ đã lấy các thể loại văn học, trong đó có truyện ngắn, làm đối tượng khảo sát. Tác giả đi sâu vào ranh giới giữa các thể loại, tìm hiểu cơ chế sáng tạo khác nhau giữa chúng gắn với chức năng và chất liệu của ngôn ngữ, từ đó bàn về sắc thái riêng của từng phong cách thể loại trong mối quan hệ với ngôn ngữ.

Trong cuốn sách Những vấn đề thi pháp của truyện, tác giả Nguyễn Thái Hòa đã đi sâu phân tích nội hàm khái niệm “truyện” trong sự phân biệt với khái niệm “chuyện”, từ đó “miêu tả những khái niệm cơ sở của Thi pháp học thể loại Truyện ở góc nhìn ngôn ngữ học” [59, tr.3]. Tác giả không đặt ra vấn đề phân loại truyện ngắn, truyện vừa, tiểu thuyết mà đặt các thể loại này trong một khái niệm chung là “truyện kể hiện đại” với tư cách là một bộ phận trong loại hình tự sự văn học để nghiên cứu về mặt thi pháp qua các phương diện: “Chuyện của con người và con người trong truyện”, “Lời kể và lời thoại trong truyện”, “Không gian như một nhân tố nghệ thuật của truyện”.

Văn học Việt Nam sau 1975 – Những vấn đề nghiên cứu và giảng dạy là cuốn sách tập hợp các báo cáo khoa học từ hội thảo cùng tên do Khoa Ngữ văn - Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức. Trong cuốn sách này có hai bài viết trực tiếp bàn về lý luận truyện ngắn: Phùng Ngọc Kiếm với bài Quan niệm về thể tài truyện ngắn trong văn học Việt Nam sau 1975 đã mô tả tổng quan về tình hình nghiên cứu lý luận truyện ngắn sau năm 1975 đồng thời phân tích một số quan niệm cơ bản, đi sâu bàn luận về những vấn đề cốt yếu của thể loại này; Nguyễn Thanh Hùng trong bài Nghiên cứu và giảng dạy truyện ngắn hiện đại thì đưa ra một quan niệm về truyện ngắn hiện đại, từ đó đề xuất những phương pháp, thao tác cần thiết


để đọc hiểu, nghiên cứu và giảng dạy truyện ngắn trong nhà trường. Cũng nhà nghiên cứu Nguyễn Thanh Hùng trong cuốn Văn học và nhân cách đã bàn về tính hàm xúc (khả năng biểu cảm cao), chính xác và đa nghĩa cũng như độ kết dính và khả năng liên kết trong lời văn nghệ thuật như là “ánh kim sa trong truyện ngắn”.

Ý thức đi tìm một định nghĩa khả dĩ tiếp cận gần nhất với thực tế vận động của thể loại cũng như đặt ra những vấn đề lý luận căn cốt về truyện ngắn còn được thể hiện trong một số cuốn sách, chuyên luận dành riêng cho việc nghiên cứu thể loại này. Sổ tay truyện ngắn do Vương Trí Nhàn sưu tầm, biên soạn, dịch đã tập hợp 37 ý kiến của các nhà văn, giới báo chí trong và ngoài nước xoay quanh những đặc điểm, đặc trưng của truyện ngắn, những yêu cầu đối với quá trình sáng tạo truyện ngắn, những bí quyết, kinh nghiệm và chuyện “bếp núc” trong thực tế sáng tác truyện ngắn. Cuốn Nghệ thuật viết truyện ngắn và ký do Tạ Duy Anh chủ biên trong Phần I. Nghệ thuật truyện ngắn cũng tập hợp 10 bài viết của các nhà nghiên cứu, giới sáng tác về quan niệm truyện ngắn, một số đặc điểm của truyện ngắn, kỹ thuật viết truyện ngắn… Hai cuốn sách kể trên đã giúp độc giả tiếp cận với những cách nhìn nhận khá phong phú và sinh động về truyện ngắn, tuy nhiên, những ý kiến được tập hợp là riêng lẻ, thường mang tính chủ quan, xuất phát từ kinh nghiệm cá nhân của người viết nên chưa tạo ra một hệ thống tri thức lý luận khách quan với một hệ quy chiếu nhất quán và toàn diện về đối tượng.

Bổ sung thêm những nghiên cứu lý luận về thể loại này, có thể kể đến hai công trình Truyện ngắn – những vấn đề lý thuyết và thực tiễn thể loại của Bùi Việt Thắng và Truyện ngắn: lý luận, tác gia và tác phẩm của Lê Huy Bắc. Công trình của tác giả Bùi Việt Thắng bao gồm hai phần chính: Phần thứ nhất Truyện ngắn – những vấn đề lý thuyết và thực tiễn thể loại được triển khai qua năm nội dung chính: Định nghĩa truyện ngắn, Nguồn gốc truyện ngắn, Đặc trưng thể loại truyện ngắn, Các kiểu truyện ngắn Khái quát sự phát triển của truyện ngắn Việt Nam thế kỷ XX; Phần thứ hai Bàn về truyện ngắn tập hợp một số ý kiến của các nhà văn về truyện ngắn. Là người giảng dạy và nghiên cứu văn học Việt Nam, tác giả đã đúc kết các vấn đề lý luận chủ yếu dựa trên và gắn với thực tế phát triển của truyện ngắn


trong lịch sử văn học Việt Nam. Công trình của tác giả Lê Huy Bắc lại chủ yếu khảo sát các tác phẩm truyện ngắn nước ngoài, trên cơ sở đó mong muốn “cố gắng hình thành một hệ thống lí luận về truyện ngắn nói chung, truyện ngắn của từng giai đoạn và của từng tác giả,…” [18, tr.6] với cấu trúc gồm ba phần: Tổng luận: bao gồm các vấn đề lí luận về thể loại; Truyện ngắn khu vực và tác giả: bao gồm các bài viết giới thiệu khái quát truyện ngắn từng châu lục, các quốc gia tiêu biểu và phong cách riêng của một số tác giả nổi tiếng bậc nhất; Giải phẫu tác phẩm: phân tích, bình giảng các tác phẩm cụ thể.

Năm 2007, công trình Truyện ngắn Việt Nam, Lịch sử - Thi pháp – Chân dung do Phan Cự Đệ chủ biên lần đầu tiên đưa ra một cái nhìn toàn cảnh về thể loại truyện ngắn Việt Nam từ thời trung đại đến nay qua các giai đoạn phát triển, các đặc điểm thi pháp và các tác giả, tác phẩm tiêu biểu. Trong chương IX Đặc trưng của thể loại truyện ngắn hiện đại, tác giả Phan Cự Đệ sau khi phân tích các quan điểm của nhiều nhà lý luận, nhà văn trong và ngoài nước, đã tổng kết thành một định nghĩa “bao gồm một hệ thống đặc điểm nhằm phản ánh những đặc trưng về hình thức, về chủ đề, về kết cấu và cốt truyện, về ngôn ngữ và các thủ pháp nghệ thuật của thể loại truyện ngắn”[38, tr.443]. Trên cơ sở đó, ở chương X Thi pháp truyện ngắn hiện đại, ông bàn đến kết cấu và cốt truyện, tình huống và khoảnh khắc, chủ đề và chi tiết trong truyện ngắn hiện đại.

Những cuốn sách kể trên là những công trình mang lại một hệ thống tri thức có tính lý luận hơn cả, cung cấp cho người đọc cái nhìn khá bao quát và khách quan về thể loại truyện ngắn.

Dù xuất phát từ những cách tiếp cận khác nhau, với những quan niệm khác nhau, song mối quan tâm chung trong những bài viết, những công trình nghiên cứu về lý luận truyện ngắn được công bố trong các bộ từ điển, các giáo trình, chuyên luận và sách báo, đó là đi vào giải quyết một số phương diện chủ yếu sau đây: Thứ nhất, cố gắng đưa ra một định nghĩa, một quan niệm tối ưu nhất về truyện ngắn, để trả lời cho câu hỏi: Truyện ngắn là gì?; thứ hai, nêu lên cách đánh giá về vai trò của truyện ngắn trong cấu trúc thể loại của nền văn học; phân biệt truyện ngắn với


truyện, tiểu thuyết; mối quan hệ giữa truyện ngắn với các thể loại văn học khác; thứ ba, xác định những đặc điểm cơ bản của truyện ngắn, những yêu cầu quan trọng trong sáng tạo tác phẩm truyện ngắn; và thứ tư, phân loại truyện ngắn thành một số kiểu cơ bản.

Những quan niệm thuộc bốn hệ vấn đề cơ bản trên thường không mang tính lý luận thuần túy mà gắn với thực tế phát triển của truyện ngắn trong nước và thế giới. Lý luận được khái quát từ một nền văn học cụ thể, một kinh nghiệm sáng tác cụ thể hoặc một số tác giả, tác phẩm cụ thể; và lý luận đó sẽ được ứng dụng để tiếp cận và giải mã các hiện tượng cụ thể trong đời sống văn học.

Sẽ là sơ suất khi mô tả kết quả nghiên cứu lý luận về truyện ngắn mà không đề cập đến lĩnh vực dịch thuật. Để đáp ứng nhu cầu vận dụng các thành tựu lý luận văn học hiện đại thế giới của giới nghiên cứu trong nước, nhiều công trình lý luận có giá trị về văn xuôi nói chung, truyện ngắn nói riêng đã được dịch và giới thiệu, tiêu biểu là các công trình của M. Bakhtin: Lý luận và thi pháp tiểu thuyết (Phạm Vĩnh Cư dịch), Những vấn đề thi pháp Đoxtoiepxki (Trần Đình Sử dịch); của R. Barthes: Độ không của lối viết (Nguyên Ngọc dịch), Nhập môn phân tích cấu trúc truyện kể (Đỗ Lai Thúy giới thiệu, Tôn Quang Cường dịch), Những huyền thoại (Phùng Văn Tửu dịch); của M. Kundera: Tiểu luận (Nguyên Ngọc dịch, trong đó bao gồm phần Nghệ thuật tiểu thuyết); của Iu. Lotman: Cấu trúc văn bản nghệ thuật (Trần Ngọc Vương, Trịnh Bá Đĩnh, Nguyễn Thu Thủy dịch); của K. Hamburger: Logic học về các thể loại văn học (Vũ Hoàng Địch, Trần Ngọc Vương dịch); của Meletinsky: Thi pháp của huyền thoại (Trần Nho Thìn, Song Mộc dịch); của Grojnovski: Đọc truyện ngắn (Trần Hinh, Phùng Ngọc Kiên dịch), v.v… Hầu hết dịch giả của các công trình trên đều là những giảng viên chuyên ngành văn học, những nhà nghiên cứu, phê bình, sáng tác văn học, những thành tựu mà họ chuyển ngữ và giới thiệu kể trên đã cung cấp một hàm lượng tri thức khoa học, hiện đại và hữu ích cho khoa nghiên cứu văn học trong nước những năm qua. Trong những công trình này, nhiều vấn đề chung của các thể loại tự sự đã được luận bàn từ các lý thuyết, các khuynh hướng tiếp cận khác nhau. Và dù có trực tiếp bàn về lý luận

Xem tất cả 201 trang.

Ngày đăng: 22/07/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí