Các Kiểu Truyện Tiếp Tục Những Khuynh Hướng Vận Động Trước Năm 1975


Thứ nhất, những vấn đề cơ bản trong lý luận về truyện ngắn đã bước đầu được một số nhà nghiên cứu đặt ra và giải quyết, song để có một bộ khung lý luận phong phú và chi tiết hơn thì vẫn cần những nỗ lực lớn để bổ sung và hoàn thiện.

Thứ hai, thành tựu của truyện ngắn Việt Nam sau 1975, những xu hướng chính, những chặng đường vận động và phát triển, những tác giả tiêu biểu đã được nhìn nhận, đánh giá tương đối thống nhất. Nhiều vấn đề cụ thể trong sự phát triển của thể loại đã được bàn luận, phân tích khá kỹ lưỡng từ nhiều góc độ khác nhau, đặc biệt là những tác giả, tác phẩm tạo được ấn tượng mạnh đối với công chúng và giới phê bình.

Thứ ba, số lượng các bài viết về truyện ngắn sau 1975 khá lớn và phong phú, song ít những công trình dài hơi, quy mô lớn và có hệ thống. Các công trình đi vào những vấn đề cụ thể chiếm số lượng lớn hơn là những công trình tổng quan, khái quát về truyện ngắn giai đoạn này.

Thứ tư, các công trình nghiên cứu những vấn đề chung của truyện ngắn sau 1975 thường tập trung sự quan tâm vào truyện ngắn theo từng chặng: từ 1975 đến 1995 hoặc từ 1986 đến nay. Do đó, cần thiết phải có những công trình tổng quan về truyện ngắn từ 1975 đến nay.

Thứ năm, trong sự phong phú, đa dạng của các hướng tiếp cận, các phương pháp nghiên cứu, vẫn còn những hứa hẹn cho hướng tiếp cận truyện ngắn Việt Nam sau 1975 từ góc độ thể loại, để mô hình hóa, hệ thống hóa các xu hướng vận động cơ bản của truyện ngắn trên phương diện thể loại, trong sự tương tác qua lại với các thể loại khác của nền văn học, trong một thời đại khác với các giai đoạn trước, từ đó phân tích những đặc điểm nổi bật của các dạng thức truyện ngắn về mặt tình huống, kết cấu, nhân vật, ngôn ngữ - những nhân tố quan trọng nhất làm nên diện mạo của thể loại.

Và đó chính là những nhiệm vụ mà chúng tôi xác định sẽ thực hiện trong luận án này, trên cơ sở kế thừa các thành tựu nghiên cứu đã được xác lập, và nhu cầu nhận thức đối tượng trong cả tính toàn vẹn và sự chuyển động, trong cả những


nguyên tắc nội tại và sự vận động theo những quy luật chung của quỹ đạo văn học mà nó tham dự và cấu thành.


Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 201 trang tài liệu này.

1.2. CÁC KIỂU TRUYỆN NGẮN VIỆT NAM SAU 1975


Truyện ngắn Việt Nam sau 1975 - Nhìn từ góc độ thể loại - 5

Như chúng tôi đã trình bày ở trên, việc phân chia và định danh một số kiểu loại truyện ngắn Việt Nam đã được thực hiện trong một số công trình nghiên cứu về thể loại này. Tuy nhiên, việc phân chia này thường không dựa trên một hệ quy chiếu thống nhất nên dẫn đến tình trạng chồng chéo giữa các kiểu truyện ngay trong một công trình, một chủ thể phân chia.

Từ những góc nhìn, những cách tiếp cận khác nhau, chúng ta có thể có nhiều phương án phân chia các kiểu (type) truyện ngắn Việt Nam đương đại. Nếu xét từ nội dung phản ánh, có thể kể đến truyện ngắn về đề tài chiến tranh, truyện ngắn về đề tài lịch sử, truyện ngắn thế sự. Nếu xét trên những yếu tố cấu thành tác phẩm, có thể bàn về truyện ngắn giả cổ tích, truyện ngắn kỳ ảo, kinh dị, truyện ngắn dòng ý thức. Nếu căn cứ vào tính chất và mục đích tự sự, có thể kể đến truyện ngắn tâm lý, truyện ngắn luận đề (triết luận). Nếu dựa trên độ dài văn bản, ta có truyện ngắn, truyện vừa, truyện cực ngắn (truyện mi ni), v.v. Dĩ nhiên, mỗi phương án đem đến một hướng nhận thức khác nhau về đối tượng, giúp người nghiên cứu, từ góc nhìn và phương pháp của mình, đi sâu tìm hiểu các nhóm, các xu hướng phát triển của truyện ngắn đương đại một cách chuyên biệt, song sẽ không có phương án nào khả dĩ bao quát toàn bộ thực tế vận động đa dạng và phong phú của đối tượng.

Luận án của chúng tôi tiếp cận truyện ngắn Việt Nam sau năm 1975 từ góc độ thể loại. Từ thực tế quan sát, chúng tôi nhận thấy trong văn xuôi đương đại Việt Nam, các thể loại đang vận động một cách mềm dẻo, uyển chuyển, linh hoạt, có sự ảnh hưởng, xâm nhập lẫn nhau, và trong nhiều trường hợp đã phá vỡ khung lý thuyết truyền thống về từng thể loại. Truyện ngắn vừa có những đặc điểm khu biệt, vừa gần gũi với các thể loại tự sự khác. Bên cạnh đó, dù về lý thuyết, phương thức tái hiện hiện thực của truyện ngắn là tự sự, nhưng trong thực tế phát triển, truyện ngắn lại có những phẩm chất rất gần với thơ. Điều đó là hết sức bình thường, bởi


mỗi thể loại luôn luôn tồn tại trong quan hệ biện chứng với các thể loại khác; hơn nữa, dựa trên một cái khung chung, mỗi nhà văn lại có cách vận dụng, ứng xử, biến hóa riêng của mình đối với thể loại. Vì thế, bên cạnh những truyện ngắn cổ điển (theo nghĩa tuân theo những tiêu chí, những chuẩn mực lý luận mang tính truyền thống về truyện ngắn), thì trong một số lượng không nhỏ truyện ngắn khác, sự xâm nhập, thẩm thấu của các thể loại khác vào tác phẩm là một hiện tượng khá rò nét. Nhiều truyện ngắn được viết với cảm hứng và cấu trúc bay bổng, trữ tình, giàu chất thơ. Có những truyện tái hiện hiện thực với dung lượng khá lớn lao, bề bộn, thể hiện cả quá trình và cuộc đời nhân vật, có xu hướng vươn tới tính chất đa thanh của tiểu thuyết. Nhiều truyện lại có xu hướng tự do và giàu giá trị thông tin, tri thức về văn hóa, lịch sử, địa lí… như là những bút ký. Bên cạnh đó, tính nhất quán về thời gian, không gian, hành động và những xung đột gay gắt trong nhiều truyện cũng khiến người đọc có cảm giác như đang chứng kiến một vở kịch. Điều đó chứng minh nghệ thuật bao giờ cũng sinh động, uyển chuyển hơn lý luận, và sự vận động đi ra ngoài, thậm chí phá vỡ các công thức, chính là khởi phát cho những sáng tạo không ngừng nghỉ của các nghệ sĩ để người nghiên cứu tiếp tục tìm hiểu, tổng kết, bởi lẽ “Văn bản nghệ thuật không bao giờ thuộc về chỉ một hệ thống hoặc một khuynh hướng đơn nhất nào đó: tính quy luật và sự băng hoại của nó, sự hình thức hóa, và trong chung cục – là sự tự động hóa và giải tự động hóa cấu trúc của văn bản thường xuyên đấu tranh lẫn nhau” [90, tr.182]. Nó cũng phản ánh sự phát triển hết sức đa dạng, cởi mở, và dân chủ của truyện ngắn nói riêng, văn học nói chung trong thời đương đại. Xuất phát từ thực tế trên, từ góc độ thể loại, chúng tôi nhận thấy truyện ngắn Việt Nam sau 1975, một cách tương đối, có thể phân chia thành các kiểu loại cơ bản sau đây: truyện ngắn truyền thống, truyện ngắn trữ tình, truyện ngắn mang tư duy tiểu thuyết, truyện ngắn – kịch, truyện – ký và truyện cực ngắn. Các kiểu loại trên thực chất cho thấy truyện ngắn đương đại vận động theo hai khuynh hướng: sự tiếp tục các khuynh hướng đã có từ trước năm 1975 (truyện ngắn truyền thống, truyện ngắn trữ tình, truyện – ký) và sự kiếm tìm, xác lập những khuynh hướng đương đại (truyện ngắn mang tư duy tiểu thuyết, truyện ngắn – kịch và truyện cực


ngắn). Việc phân chia này có liên quan chặt chẽ đến những phân tích của chúng tôi trong các chương tiếp theo về tình huống, kết cấu, nhân vật và ngôn ngữ của truyện ngắn Việt Nam giai đoạn này.


1.2.1. Các kiểu truyện tiếp tục những khuynh hướng vận động trước năm 1975


Cho đến năm 1975, trong văn học Việt Nam, bên cạnh những truyện ngắn có tính chất mẫu mực, cổ điển (classic), cũng đã tồn tại những kiểu truyện thể hiện sự vận động uyển chuyển của thể loại này. Đó là truyện ngắn trữ tình và truyện – ký. Truyện ngắn trữ tình xuất hiện từ trước Cách mạng tháng Tám 1945 với tác phẩm của Thạch Lam, Hồ Dzếnh, Thanh Tịnh… và trong giai đoạn kháng chiến đã phát triển mạnh mẽ. Tác giả của chuyên luận Truyện ngắn hiện đại Việt Nam 1945 – 1975 nhận thấy trong văn học 1945 – 1954, cảm hứng lãng mạn đã mở đường cho sự phát triển của hình thức truyện ngắn trữ tình, và hình thức này nở rộ vào các năm 1955 – 1964. Cũng từ những năm sau Cách mạng tháng Tám 1945, với quan niệm hiện thực thời đại tự nó đã là nghệ thuật và “sống đã rồi hãy viết”, trong nền văn học diễn ra “khuynh hướng truyện ngắn bị ký hóa và vị trí ưu trội của thể “già” ký “non” truyện” [146, tr.99]. Những truyện ở hình thức này đã cho thấy khả năng áp sát của thể loại tự sự cỡ nhỏ với tình hình thời sự nóng bỏng của đất nước. Có thể nói truyện ngắn truyền thống, truyện ngắn trữ tình và truyện – ký là những kiểu truyện đã tương đối định hình trong văn học trước năm 1975. Bước sang thời kỳ hậu chiến và đổi mới, các kiểu truyện này vẫn tiếp tục được duy trì, phát triển, và đạt được nhiều thành tựu mới, cho thấy sức sống và tính kế thừa của chúng trong văn học đương đại.

Trước hết là Truyện ngắn truyền thống. Kiểu truyện này đảm bảo những tiêu chí lý thuyết cổ điển, mẫu mực của thể loại. Những truyện ngắn thuộc khuynh hướng này thường có dung lượng ngắn, tái hiện hiện thực trong một thời gian và không gian hạn chế, chú trọng biểu hiện một tình huống đặc biệt, một lát cắt quan trọng trong cuộc đời để làm nổi bật hành động, tính cách, số phận nhân vật, tính hấp dẫn của cốt truyện được đề cao và các thành phần cơ bản của cốt truyện (trình bày,


thắt nút, phát triển, cao trào, mở nút) đều được đảm bảo. Khuynh hướng truyền thống tuy không mới nhưng cũng chưa bao giờ cũ đối với tất cả các cây bút truyện ngắn. Khuynh hướng này không phải là lựa chọn hàng đầu để trổ tài những lối kết cấu phức tạp, những thao tác kỹ thuật cầu kỳ hoa mỹ, nhưng tính chất cổ điển, mẫu mực về thể loại của nó luôn có sức hấp dẫn các nhà văn bởi chính trong cái bề mặt tưởng như giản đơn ấy, nét đặc sắc trong nghệ thuật tạo tình huống, cái duyên của việc kể chuyện và sức sống của những chi tiết nghệ thuật đặc biệt sẽ lôi cuốn người đọc, và tài năng của tác giả được khẳng định. Hầu hết các nhà văn khi viết truyện ngắn đều có những tác phẩm ở kiểu truyện này. Những truyện như Chiếc thuyền ngoài xa, Đứa ăn cắp, Hương và Phai, Một lần đối chứng, Dấu vết nghề nghiệp của Nguyễn Minh Châu; Một người Hà Nội, Luật trời của Nguyễn Khải; Nợ đời của Ma Văn Kháng; Tướng về hưu, Những người thợ xẻ, Những bài học nông thôn của Nguyễn Huy Thiệp… là những truyện ngắn truyền thống tiêu biểu.

Với kiểu Truyện ngắn trữ tình, tác giả không chú trọng xây dựng một cốt truyện đặc sắc mà hướng đến biểu hiện dòng chảy tâm lý của nhân vật, vì thế các truyện thuộc khuynh hướng này còn được gọi là truyện không có cốt truyện hoặc truyện ngắn có cốt truyện tâm lý hoặc truyện ngắn tâm tình. Truyện được viết với cảm hứng tự do, phóng khoáng, với những liên tưởng bất chợt, phi logic. Trữ tình – phương thức tái hiện hiện thực thường được vận dụng chủ yếu trong thơ ca – được tác giả của loại truyện này sử dụng để biểu đạt tâm trạng, cảm xúc của nhân vật thông qua hệ thống lời văn nghệ thuật tinh tế, nhiều miêu tả, gợi tả, liên tưởng, biểu cảm, giàu hình ảnh, nhịp điệu, xuất hiện nhiều đoạn trữ tình ngoại đề. Truyện ngắn trữ tình có cấu trúc lỏng lẻo, kết cấu tuân theo quy luật tâm lý, ngôn ngữ đậm chất thơ. Ở nhiều truyện, tác giả còn đan xen thơ vào cấu trúc văn bản nghệ thuật.

Loại truyện này được các nhà văn Đỗ Chu, Nguyễn Thành Long, Nguyễn Quang Thiều tiếp tục phát triển; và gần đây có thể kể đến truyện ngắn trữ tình của một loạt các nhà văn nữ. Với Nguyễn Huy Thiệp, người đọc còn nhớ đến nhiều truyện có đan xen những bài thơ, bài ca vào bề mặt văn bản như Nguyễn Thị Lộ,


Trương Chi, Thiên văn, Thương nhớ đồng quê, Mưa Nhã Nam, Thương cả cho đời bạc, Không khóc ở California…

Cũng là một thể loại tự sự nhưng điểm khác biệt của ký so với truyện ngắn và tiểu thuyết là ký tôn trọng tính xác thực của hiện thực đời sống được phản ánh trong tác phẩm. Sự việc và con người trong ký phải là người thật việc thật, mang tính cá biệt để phản ánh đời sống một cách sinh động, chân xác. Nhiều truyện ngắn, tuy thực chất vẫn là một hư cấu nghệ thuật, song do cách tác giả gọi tên sự việc và con người một cách cụ thể, với những địa chỉ, mốc thời gian xác định nên người đọc có cảm tưởng đó là câu chuyện về người thật việc thật. Ngoài ra, lối viết giàu liên tưởng cùng với sự phong phú những thông tin, tri thức về văn hóa, lịch sử cũng khiến tác phẩm mang bóng dáng của một bài ký. Chúng tôi tạm gọi loại truyện này là Truyện – ký với nghĩa truyện ngắn có sự giao thoa một số đặc điểm của thể ký. Trong các tập truyện của Đỗ Bích Thúy, Phạm Duy Nghĩa, Nguyễn Ngọc Tư, ở nhiều truyện, người đọc cảm nhận được dư vị của thể ký trong những trang viết thấm đẫm cảm thức văn hóa về vùng đất mà các nhân vật sinh sống, nghĩ suy, yêu thương, đau khổ. Truyện của Dili mang hơi hướng của những ghi chép báo chí với cách đặt vấn đề và những bình luận dí dỏm, sắc sảo…


1.2.2. Các kiểu truyện mang khuynh hướng đương đại

Sau khi đất nước hòa bình, thống nhất và bước vào một giai đoạn lịch sử mới, hiện thực đời sống sau năm 1975 đã đặt con người trước những yêu cầu mới về tư duy, cảm xúc và lối sống. Các thể loại văn học cũng không ngừng tìm kiếm, xác lập những hình thức, khuynh hướng vận động phù hợp với cách nghĩ, cách sống của con người thời đại. Hướng tới thể hiện quá trình chuyển biến của thời cuộc và những đổi thay lớn lao trong tư duy, nhận thức của các nhân vật, một số tác giả đã cho ra đời những truyện ngắn mang tư duy tiểu thuyết. Khi đời sống xã hội bộc lộ một số xung đột giữa cái mới và cái cũ, giữa nhu cầu đổi mới và thói quen tư duy bảo thủ, lạc hậu, giữa nhu cầu, khát vọng và những ràng buộc của hoàn cảnh, giữa hình thức bên ngoài và bản chất bên trong, hoặc những mâu thuẫn về thế hệ, về lối


sống…, nhiều truyện ngắn chứa đựng xung đột căng thẳng như những vở kịch đã xuất hiện. Bên cạnh đó, khi các loại hình truyền thông hiện đại và mạng Internet phát triển mạnh và cuộc sống của con người đương đại ngày càng bận rộn, thì truyện cực ngắn cũng là một kiểu truyện phát triển, đáp ứng nhu cầu về văn hóa đọc trong bối cảnh hạn hẹp về thời gian của độc giả. Đó là những kiểu truyện cho thấy quá trình tìm tòi và xác lập những khuynh hướng đương đại của thể loại này trong văn học Việt Nam sau 1975.

Xét trên góc độ lý thuyết, truyện ngắn và tiểu thuyết là hai thể loại cơ bản của hư cấu văn xuôi và giữa chúng có sự phân biệt trên một số phương diện cơ bản: Về độ dài, truyện ngắn thường được viết từ vài đến vài chục trang giấy trong khi tiểu thuyết thường từ vài trăm đến hàng nghìn trang; truyện ngắn chú trọng sự cô đọng, súc tích trong khi tiểu thuyết có thể dàn trải; truyện ngắn khai thác một thời điểm, một khoảnh khắc trong khi tiểu thuyết diễn tả một quá trình; truyện ngắn thường xây dựng ít nhân vật hơn, và câu chuyện thường diễn ra trong bối cảnh nhỏ hẹp hơn trong khi tiểu thuyết thường tái hiện hiện thực ở quy mô rộng lớn hơn; truyện ngắn tạo ra một hiệu quả nhận thức nào đó trong khi tiểu thuyết hướng đến nhiều hiệu lực. Nhà nghiên cứu người Pháp Daniel Grojnowski – tác giả cuốn Đọc truyện ngắn - từng viết “Truyện ngắn cô lại điều mà tiểu thuyết có thể dùng làm chất liệu cho mình” [48, tr.96], ông cũng dẫn lại nhận định của Paul Bourget trong Khảo cứu và chân dung để phân biệt truyện ngắn và tiểu thuyết: “Cách thức của một thể loại này với một thể loại kia là rất khác nhau. Với truyện ngắn đó là tình tiết, với tiểu thuyết, đó là phần tiếp theo của tình tiết. Truyện ngắn nếu có dự định miêu tả tình tiết này, thì phải cách ly nó, rời khỏi nó. Cũng với những tình tiết này mà phần tiếp theo của nó làm thành đối tượng của tiểu thuyết, thì tiểu thuyết phải gắn kết chúng. Tiểu thuyết vận hành bằng sự phát triển, truyện ngắn thì rút gọn lại. Truyện ngắn là một khúc solo, còn tiểu thuyết lại là một bản giao hưởng” [48, tr.17]. Tuy nhiên, trong thực tế phát triển của văn học, ở đây cụ thể là trong văn học Việt Nam đương đại, sự khác biệt giữa hai thể loại này không phải lúc nào cũng rò rệt như vậy. Từ sau năm 1975, nếu như trong thể loại tự sự cỡ lớn, người đọc chứng


kiến sự xuất hiện một loạt tiểu thuyết được viết theo “xu hướng ngắn, thu hẹp bề ngang, vừa khoan sâu theo chiều dọc, đa thanh hóa sự đối thoại, nhiều vỉa nghĩa” [2], thì nhiều truyện ngắn lại nỗ lực mở rộng biên độ và quy mô phản ánh hiện thực, không chỉ tái hiện những khoảnh khắc mà còn tái hiện những cuộc đời, những quá trình, phát hiện và giải quyết những vấn đề của cộng đồng, của lịch sử thông qua số phận những cá nhân; nhân vật được xây dựng trong chiều dài của thời gian, chiều rộng của không gian và có quá trình phát triển tính cách; gia tăng tính đối thoại của tác phẩm đối với những xác tín về hiện thực. Dĩ nhiên, tính cô đọng, hàm súc vẫn được các tác phẩm này đề cao, vì thế mà chúng chưa trở thành những tiểu thuyết thực thụ. Có thể hình dung những tác phẩm này là những Truyện ngắn mang tư duy tiểu thuyết. Ở một số truyện, tư duy tiểu thuyết được thể hiện trong độ dài nhiều chục trang, thậm chí gần một trăm trang, và thường được gọi là truyện vừa; song cũng có những truyện, sức nặng ngang tầm một cuốn tiểu thuyết được gói gọn trong độ dài rất khiêm tốn như một truyện ngắn thông thường. Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành, Cỏ lau, Khách ở quê ra, Mùa trái cóc ở miền Nam, Phiên chợ Giát của Nguyễn Minh Châu, Vàng lửa, Phẩm tiết, Giọt máu của Nguyễn Huy Thiệp, Bước qua lời nguyền, Vòng trầm luân trần gian, Luân hồi của Tạ Duy Anh, Luật trời của Nguyễn Khải, Người sót lại của rừng cười, Hồn trinh nữ của Vò Thị Hảo, Thiếu phụ chưa chồng của Nguyễn Thị Thu Huệ, Bóng đè, Vu quy của Đỗ Hoàng Diệu, Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư, Xe Camry ba chấm, Đồ cũ, Nhiệt đới gió mùa… của Lê Minh Khuê là những tác phẩm tiêu biểu của khuynh hướng này.

Một kiểu truyện đáng chú ý là Truyện ngắn – kịch. Kiểu truyện này thường có một cốt truyện điển hình được kết cấu theo chiều tuyến tính, chứa đựng những xung đột căng thẳng, gay gắt, hành động của nhân vật mang tính ước lệ, tượng trưng; nhịp điệu kể chuyện nhanh; ngữ pháp câu văn chặt chẽ, nhiều câu ngắn. Kịch tính được xây dựng trong truyện ngắn để biểu thị những mâu thuẫn, xung đột căng thẳng về mặt xã hội hoặc tâm lý khi các nhân vật trải qua những giai đoạn gay cấn của cuộc đời mà ở đó có sự giằng co, tranh đấu giữa các mặt đối lập giữa tính cách

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 22/07/2022