Truyện ngắn Việt Nam sau 1975 - Nhìn từ góc độ thể loại - 1


ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI


TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN


NGUYỄN THỊ NĂM HOÀNG


TRUYỆN NGẮN VIỆT NAM SAU 1975


- NHÌN TỪ GÓC ĐỘ THỂ LOẠI

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 201 trang tài liệu này.


LUẬN ÁN TIẾN SĨ VĂN HỌC

Truyện ngắn Việt Nam sau 1975 - Nhìn từ góc độ thể loại - 1


ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI


TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN


NGUYỄN THỊ NĂM HOÀNG


TRUYỆN NGẮN VIỆT NAM SAU 1975


- NHÌN TỪ GÓC ĐỘ THỂ LOẠI


Chuyên ngành: Văn học Việt Nam Mã số: 62 22 34 01


LUẬN ÁN TIẾN SĨ VĂN HỌC


NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC:


1. GS. TS LÊ VĂN LÂN


2. PGS. TS HÀ VĂN ĐỨC


LỜI CẢM ƠN


Tôi xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới GS. TS Lê Văn Lân và PGS. TS Hà Văn Đức (Khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội), những người thầy đã tận tình hướng dẫn tôi trong quá trình nghiên cứu và thực hiện luận án này.

Xin được gửi lời cảm ơn trân trọng tới các thầy cô giáo đã đào tạo, dìu dắt tôi trong nhiều năm qua để tôi có được tri thức và phương pháp trong nghiên cứu khoa học.

Tôi cũng xin cảm ơn các thầy cô giáo và đồng nghiệp tại Khoa Văn học

– Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đã luôn luôn động viên, tạo điều kiện cho tôi trong quá trình học tập, công tác và hoàn thành luận án này.


NGHIÊN CỨU SINH


Nguyễn Thị Năm Hoàng


LỜI CAM ĐOAN


Tôi xin cam đoan rằng:


- Luận án Tiến sĩ này là kết quả nghiên cứu của riêng tôi dưới sự hướng dẫn của tập thể hướng dẫn khoa học, chưa từng được công bố trong các công trình nghiên cứu của người khác.

- Kết quả nghiên cứu của các nhà nghiên cứu khác đã được tiếp thu một cách trung thực, cẩn trọng trong luận án.


NGHIÊN CỨU SINH


Nguyễn Thị Năm Hoàng


MỞ ĐẦU

1. Lý do chọn đề tài


“Thể loại văn học trong bản chất phản ánh những khuynh hướng phát triển vững bền, vĩnh hằng của văn học, và các thể loại văn học tồn tại để gìn giữ, đổi mới thường xuyên các khuynh hướng ấy. Do đó mà thể loại văn học luôn luôn vừa mới, vừa cũ, vừa biến đổi, vừa ổn định” [150, tr.253]. Trong quá trình sáng tạo, mỗi nhà văn khi kiến tạo tác phẩm thuộc một thể loại nhất định, một mặt bảo lưu những đặc trưng cốt yếu của thể loại, mặt khác không ngừng tìm tòi, cách tân để tác phẩm của mình có được diện mạo, sức sống riêng, nhờ thế góp phần làm nên sự biến đổi, phát triển của thể loại ấy. Việc quan sát sự vận động của các thể loại trong mỗi nền văn học là một công việc cần thiết, có ý nghĩa quan trọng đối với nghiên cứu lịch sử văn học nói chung.

Văn học Việt Nam đầu thế kỷ XX đã thực hiện một công cuộc hiện đại hóa mau lẹ và phức tạp để tiến một bước dài từ phạm trù trung đại sang phạm trù hiện đại, từ quỹ đạo vùng Đông Á gia nhập vào quỹ đạo toàn thế giới. Một trong những biểu hiện rò nét nhất của công cuộc hiện đại hóa đó là sự phá vỡ mô hình thể loại truyền thống, hình thành cấu trúc thể loại mới với tự sự, trữ tình và kịch. Vận động trong dòng chảy chung đó của cả nền văn học, truyện ngắn hiện đại được hình thành và qua các giai đoạn 1932 – 1945, 1945 – 1975 đã đạt được nhiều thành tựu, đánh dấu những bước đi quan trọng của thể loại.

Năm 1975, chiến tranh kết thúc, miền Nam được giải phóng, đất nước thống nhất, cuộc sống trở về với quỹ đạo bình thường của nó. Hoàn thành sứ mệnh phục vụ kháng chiến, nền văn học từ năm 1975 đến nay vừa kế thừa thành tựu của giai đoạn trước, vừa vận động và phát triển với những nguyên tắc, những khuynh hướng, những đặc điểm mới. Nếu như thơ ca phải đợi đến sau năm 1986 mới thực sự có được những bước ngoặt quan trọng cho quá trình đổi mới thì trong văn xuôi, quá trình này đã được khởi tạo ngay sau năm 1975. Với một cách nhìn mới mẻ về con người và hiện thực, nhiều tác giả văn xuôi đã từng bước đổi mới phương thức


xây dựng hình tượng nghệ thuật và những đặc điểm thi pháp của tác phẩm, trong đó sớm nhất phải kể tới những tiểu thuyết của Lê Lựu (Thời xa vắng), Ma Văn Kháng (Mưa mùa hạ, Mùa lá rụng trong vườn), Nguyễn Mạnh Tuấn (Đứng trước biển, Cù lao Tràm), Nguyễn Khải (Cha và Con, và…, Gặp gỡ cuối năm) hay truyện ngắn của Thái Bá Lợi (Hai người trở lại trung đoàn), Xuân Thiều (Gió từ miền cát), Nguyễn Minh Châu (Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành, Bến quê)… Cuộc chiến tranh vừa đi qua của dân tộc và những vấn đề về thế sự, đời tư, số phận con người trong điều kiện lịch sử mới đã được tư duy, nhận thức một cách mới mẻ. Có thể nói, không đợi đến công cuộc đổi mới toàn diện đất nước được Đảng khởi xướng vào cuối năm 1986, nhu cầu đổi mới tư duy và những thể nghiệm đổi mới đã được các nhà văn hiện thực hoá mạnh mẽ trong văn chương ngay khi chiến tranh kết thúc, đất nước bước vào giai đoạn hòa bình, dựng xây. Những biến chuyển đó đã phác thảo nên một thời kỳ phát triển mới cho nền văn học: thời kỳ đương đại.

Trong bức tranh chung đó, những thành tựu đổi mới của truyện ngắn đã được xác lập rất sớm và sôi nổi. Có thể nói thể loại tự sự cỡ nhỏ năng động, linh hoạt này đã chứng tỏ sự nhạy bén cũng như ưu thế của nó trong bước chuyển và sự định hình của văn học Việt Nam bốn mươi năm qua. Thực tế trên đặt ra một nhiệm vụ: tìm hiểu diện mạo lịch sử của truyện ngắn Việt Nam sau năm 1975 từ góc nhìn thể loại.

Đã có những công trình nghiên cứu về truyện ngắn Việt Nam sau năm 1975 trên những mảng vấn đề, những khía cạnh khác nhau, chẳng hạn nghiên cứu về các tác giả và nhóm tác giả truyện ngắn tiêu biểu; về bộ phận truyện ngắn được đăng tải trên một số tờ báo, tạp chí; về đặc điểm truyện ngắn từng vùng miền, từng chặng đường phát triển cụ thể v.v… Theo quan sát của chúng tôi, nếu tiểu thuyết và thơ đã được quan tâm nghiên cứu một cách bao quát và chi tiết trong nhiều công trình khoa học về lý luận cũng như lịch sử thể loại, thì đến nay vẫn còn thiếu vắng những công trình soi rọi một cách có hệ thống truyện ngắn Việt Nam sau năm 1975 từ góc độ thể loại để thấy được sự vận động biến đổi của thể loại trong giai đoạn này so với các giai đoạn trước, cũng như trong tương quan với các thể loại khác của cùng giai


đoạn – tức là chỉ ra được những đặc điểm của thể loại xét từ cả hai chiều lịch đại và đồng đại.

Xuất phát từ những tiền đề lý luận và thực tiễn như trên, luận án này của chúng tôi lựa chọn đề tài nghiên cứu là Truyện ngắn Việt Nam sau 1975 - nhìn từ góc độ thể loại .

2. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu


2.1. Đối tượng nghiên cứu

Chúng tôi xác định đối tượng nghiên cứu của luận án là những đặc điểm cho thấy sự vận động và đổi mới của truyện ngắn Việt Nam sau năm 1975 xét trên phương diện thể loại, đó là những đặc điểm về dung lượng, tình huống, kết cấu, nhân vật, ngôn ngữ và giọng điệu.

2.2. Phạm vi nghiên cứu

Về phạm vi nghiên cứu, luận án khảo sát và nghiên cứu truyện ngắn Việt Nam trong giai đoạn từ năm 1975 đến nay. Tuy nhiên, đứng trước sự hiện diện vô cùng đa dạng và phong phú của truyện ngắn trong văn học Việt Nam giai đoạn này, với một số lượng lớn tác giả, tác phẩm và rất nhiều kiểu loại, nhiều khuynh hướng, phong cách, chúng tôi tập trung nghiên cứu nhiều hơn vào những tác phẩm thể hiện rò nhất sự vận động, đổi mới của thể loại, và phù hợp với hướng tiếp cận của chúng tôi. Đó là các tác phẩm đã đạt các giải thưởng văn học, các tác phẩm khi công bố đã tạo nên dư luận sôi nổi, và tác phẩm của những nhà văn đã định hình phong cách, được biết đến rộng rãi trong công chúng văn học, được các giáo trình, các bài viết có uy tín về văn học Việt Nam giai đoạn này đánh giá là tiêu biểu. Với giới hạn về quy mô và khả năng bao quát tư liệu, những sáng tác truyện ngắn bằng tiếng Việt ở nước ngoài giai đoạn này không thuộc phạm vi nghiên cứu của chúng tôi trong luận án.

Do đối tượng nghiên cứu vẫn đang tiếp tục vận động và phát triển, chúng tôi xác định mốc thời gian sau cùng cho những tác phẩm trong phạm vi khảo sát của luận án là những truyện ngắn được xuất bản năm 2014.


Chúng tôi hy vọng thông qua đó, có thể thấy được, tuy không phải tất cả, những đặc điểm nổi bật của truyện ngắn Việt Nam sau 1975 từ góc độ thể loại.

Bên cạnh đó, một số truyện ngắn tiêu biểu trong những giai đoạn phát triển trước đó và một số tác phẩm đồng đại thuộc các thể loại khác cũng sẽ được liên hệ, đối sánh tới khi cần thiết.

3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu


3.1. Mục đích nghiên cứu

Với đề tài Truyện ngắn Việt Nam sau 1975 – nhìn từ góc độ thể loại, luận án hướng đến mục đích nhận diện các đặc điểm thi pháp của truyện ngắn Việt Nam sau năm 1975, từ đó tổng kết, khái quát những thành tựu cũng như những điểm dừng, hạn chế của thể loại này trong bối cảnh chung của văn học Việt Nam đương đại.

3.2. Nhiệm vụ nghiên cứu

Trên cơ sở khảo sát đối tượng nghiên cứu, luận án tìm hiểu sự vận động về mặt thể loại của truyện ngắn Việt Nam sau 1975 trên các phương diện: sự co giãn về dung lượng tác phẩm, sự xâm nhập và giao thoa của các phương thức tự sự, sự vận động trong các kiểu tình huống chính, sự đa dạng hóa các hình thức kết cấu, nghệ thuật xây dựng nhân vật và ngôn ngữ.

Luận án cũng đặt truyện ngắn Việt Nam sau 1975 trong tiến trình vận động và phát triển của thể loại truyện ngắn ở Việt Nam, chỉ ra được tính kế thừa và những biến thiên, cách tân của thể loại trong giai đoạn này so với những giai đoạn trước.

Từ đó, chúng tôi đưa ra một số đánh giá về những thành tựu và lý giải những điểm dừng, giới hạn của truyện ngắn trong bối cảnh chung của các thể loại văn học đương đại Việt Nam.

Đạt được những mục đích trên, luận án sẽ đưa ra một cái nhìn tổng quan về truyện ngắn trong văn học Việt Nam sau 1975 nhìn từ góc độ thể loại, có thể trở thành một tài liệu tham khảo hữu ích cho việc nghiên cứu văn xuôi nói riêng, văn học Việt Nam nói chung.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 22/07/2022