phong cách của tác giả, và do sự thúc đẩy nội tại của hình tượng, tình huống cụ thể của tác phẩm.
Ở trường hợp thứ nhất, có thể kể đến trường hợp điển hình là Nguyễn Quang Thiều. Đây là tác giả thành công ở cả hai thể loại: truyện ngắn và thơ, và sự giao thoa giữa hai thể loại này thể hiện rò nét trong sáng tác của ông. Trong truyện ngắn, ngôn ngữ của Nguyễn Quang Thiều kết hợp hài hòa, nhuần nhị giữa yếu tố tự sự và yếu tố trữ tình. Truyện của ông hướng tới miêu tả và biểu hiện một thế giới dù có những thử thách của hoàn cảnh, dù có sự nghiệt ngã bao vây con người, nhưng trên hết vẫn là sự ngự trị của cái đẹp: cái đẹp của tạo vật, của thiên nhiên và cái đẹp của tình yêu, của những rung động, khát khao bền bỉ, cao thượng trong tâm hồn con người. Nhà văn thường dùng những trang đẹp nhất để diễn tả những cảm xúc, cảm giác bay bổng của nhân vật hòa quyện trong vẻ đẹp thơ mộng của thiên nhiên trong trẻo và tinh khiết. Trong Người đàn bà tóc trắng, cảm nhận ban sơ, ngây ngất của cô gái thôn quê với thân phận nghèo khổ lần đầu biết tới tình yêu được miêu tả bằng những câu văn tràn đầy cảm giác, sử dụng dày đặc biện pháp so sánh: “Gừng cảm thấy cánh tay Mô như hai cánh vòng mềm mại đang dịu dàng đỡ lấy cơ thể cô. Gừng vẫn khóc. Cô thấy tiếng lá khô đang giãn ra dưới tấm lưng cô. Cô thấy ánh trăng đêm như một dòng nước đang tan chảy trên da thịt cô. Bỗng cô run lên. Cô như mê đi. Cô thấy một dòng sông lấp lánh ánh mặt trời ấm nóng đang cuồn cuộn cuốn Mô và cô vào một niềm cực lạc”. Những rung động nơi tâm hồn và thể xác ở cô gái trẻ trong niềm hoan lạc của lần đầu ái ân đã được nhà văn nâng niu trân trọng không phải bằng sự miêu tả trần trụi mà bằng lối viết tinh tế, chắt lọc những ấn tượng (“cảm thấy”, “thấy”, “như mê đi”), những liên tưởng (về cánh tay Mô, về ánh trăng đêm) và những tưởng tượng (về dòng sông lấp lánh ánh mặt trời)… Tất cả khiến cho người đọc quên đi câu chuyện nhục thể để hướng tới những gì cao khiết, thuần phác, thiêng liêng. Câu chuyện về Hai người đàn bà xóm Trại được bao bọc bởi một không gian vừa rất thực, vừa huyền ảo như trong cổ tích, với mở đầu là cơn mưa cuối đông: “Gió từ bãi sông rộng thổi hắt từng lan mưa bụi về phía chân đê. Tiếng mưa mỏng và nhẹ như tiếng người thì thào đâu đó” và kết thúc là “những
ngọn gió sông đã chơm chớm xuân vẫn rạo rực thổi qua ngôi nhà bé bỏng”. Trong ngôi nhà nhỏ được bao bọc bởi những làn gió chuẩn bị mang mùa xuân đến ấy, câu chuyện về sự chờ đợi dằng dặc của hai người phụ nữ đối với hai người chồng đi mặt trận được diễn tả trong sự đan xen giữa hiện tại và quá khứ, giữa những cuộc đối thoại vụn vặt và nỗi khắc khoải triền miên, cả những khoảng lặng của cảm xúc và ký ức. Chất thơ len lỏi vào cả kết cấu văn bản, cả hình tượng và đặc biệt là vào từng câu chữ. Những dòng văn miêu tả, kể chuyện luôn lấp lánh hình ảnh: “Má họ rực đỏ trong gió lạnh cuối đông. Tiếng cười họ trong trẻo và rạo rực vang trên mặt sông mùa nước cạn yên tĩnh. Nhất là vào đêm luộc bánh, cả hai đều thấy hồi hộp lạ lùng. Họ cảm thấy da thịt họ thấm đầy hơi lửa bếp”, và những khoảnh khắc quan trọng trong tâm lý nhân vật hiện diện bằng ngôn từ một cách sống động, tài tình: “Một vật gì đó vô hình rơi vào ký ức bà tựa như cái quẫy của đuôi cá. Và rồi những vòng sóng kỷ niệm xưa loang ra, loang mãi”. Cứ như thế, những mảnh chập chờn hồi ức đan xen với bối cảnh hiện tại, vừa đứt quãng, vừa liền mạch được nhà văn kết nối trong một văn bản đẹp như một bài thơ – bài thơ về nỗi nhung nhớ, đợi chờ của những người phụ nữ, vừa rất thật, vừa như bước ra từ giấc mơ, từ trong cổ tích. Ở một truyện ngắn khác gắn liền với tên tuổi của Nguyễn Quang Thiều – Mùa hoa cải bên sông, tình yêu của Chinh và Thao tuy vấp phải những rào cản nghiệt ngã hữu hình và vô hình do lời nguyền xuất phát từ một nỗi đau và xác tín mù quáng của người cha, nhưng luôn mạnh mẽ, trong trẻo và bền chặt. Chất thơ của truyện toát lên từ cảm nhận của Thao về vẻ đẹp mát lành, trinh nguyên của Chinh hòa quyện trong vẻ đẹp của thiên nhiên: “Chợt những làn mây mỏng tan đi. Ánh trăng trong veo đỏ tràn gương mặt cô. (…). Chiếc áo tối màu và ánh trăng làm ngời lên đôi bàn tay, cái cổ thon và gương mặt đẹp. (…). Dưới lớp trăng mỏng, dưới lớp áo tối màu, là tuổi dậy thì nóng hổi, dịu dàng và phập phồng thở”. Giữa sự cấm đoán nghiệt ngã đến độc ác của ông Lư, tình yêu của họ vẫn nảy nở như một lẽ tự nhiên: “Cả hai đều nhận thấy có một cái gì đó mỏng, trong suốt đan quấn vào họ như tơ nhện”, để rồi “Những đêm trên dòng sông dịu dàng chảy, họ quấn quýt với nhau như một đôi cá thần. Dòng sông bí mật truyền vào cuộc đời họ sức mạnh hạnh phúc và sự khổ
đau”. Tình yêu thơ mộng ấy cuối cùng đã không chiến thắng được hoàn cảnh khốc liệt, Thao và Chinh mãi mãi xa lìa, và nỗi tuyệt vọng, nỗi đau chia cắt của chàng trai ở cuối truyện cũng được diễn tả gắn với thiên nhiên, gắn với hình ảnh hoa cải vàng nhức nhối như một định mệnh đã được tiên lượng từ buổi ban đầu: “Cho đến một buổi sáng Thao dậy sớm. Suốt cả bãi sông làng anh rực vàng hoa cải. Những bông cải nhỏ nhắn, mềm mại, ấm áp đung đưa trong gió. Thao bỗng thấy trái tim rung lên, đập hối hả. (…). Trước mắt anh, trên mặt phù sa rụng lấm tấm những cánh hoa mỏng và từ đó kéo dài xuống bến sông là những dấu chân mỏng và nhỏ nhắn”. Cả thiên truyện là sự va đập mạnh mẽ giữa tính cách và hoàn cảnh, giữa khát vọng và thực tại, giá trị hiện thực của tác phẩm rất sâu sắc, nhưng tác giả đã khéo léo biến lời tố cáo hiện thực ấy thành một hình thức giả cổ tích, giả huyền thoại, với ngôn ngữ có tính tạo hình, biểu cảm cao, khiến câu chuyện trở thành một bài thơ về tình yêu và nỗi đau, tình yêu và định mệnh. Nguyễn Quang Thiều là nhà văn tiêu biểu cho phong cách ngôn ngữ truyện ngắn giàu chất thơ. Dù viết về đề tài nào, xây dựng kiểu hình tượng nào, ngôn ngữ truyện của ông vẫn thể hiện đậm nét đặc điểm đó.
Sự giao thoa giữa ngôn ngữ văn xuôi và ngôn ngữ thơ trong truyện ngắn gắn với phong cách ngôn ngữ còn được thể hiện ở các tác giả khác như Bảo Ninh, Hòa Vang, Nguyễn Ngọc Tư, Phạm Duy Nghĩa, Đỗ Bích Thúy… Những truyện Hà Nội lúc không giờ, Ba lẻ một, Gió dại (Bảo Ninh), Sự tích những ngày đẹp trời (Hòa Vang), Dòng nhớ, Cải ơi, Cái nhìn khắc khoải, Hiu hiu gió bấc (Nguyễn Ngọc Tư), Cơn mưa hoa mận trắng (Phạm Duy Nghĩa), Sau những mùa trăng, Tiếng đàn môi sau bờ rào đá, Ngải đắng ở trên núi, Mần tang mọc trong thung lũng (Đỗ Bích Thúy)… là những tác phẩm tiêu biểu cho đặc điểm ngôn ngữ giàu tính trữ tình của các tác giả này. Có thể quan sát thấy đặc điểm này trong ví dụ về sự gần gũi giữa ngôn ngữ truyện ngắn của Phạm Duy Nghĩa và ngôn ngữ thơ của Xuân Quỳnh khi cùng diễn tả những suy tư của người phụ nữ về bản thân trong tình yêu, trong cuộc đời:
Nói cùng anh (Xuân Quỳnh) | |
Đêm yên lặng quá. Thuận nghe thấy tiếng máu chảy giần giật trong người mình. Chị biết mình không còn ở cái tuổi lãng mạn, vin bám vào những tín điều thiêng liêng mà sống như Kiên. Chị chỉ biết mình là đàn bà. Một người đàn bà đã có chồng cần đến thú vui trần thế như cỏ ngải xanh rờn cần mưa, thảo quả cần miếng đất lầy nhầy, ẩm ướt giữa rừng sâu hay những thân vầu, thân nứa tốt tươi cần hít thở sương mù. Đàn bà gần với mặt đất. Đàn bà đồng nghĩa với tự nhiên và dòng đời sinh hoạt bình dị, phàm trần. | Chẳng có gì quan trọng lắm đâu Như không khí như màu xanh lá cỏ Nhiều đến mức tưởng như chẳng có Trước cuộc đời rộng lớn mênh mang Nhưng lúc này anh ở bên em Niềm vui sướng trong ta là có thật Như chiếc áo trên tường như trang sách Như chùm hoa nở cánh trước hiên nhà Em hiểu rằng mỗi lúc đi xa Tình anh đối với em là xứ sở Là bóng rợp trên con đường nắng lửa Trái cây thơm giữa miền đất khô cằn. |
Có thể bạn quan tâm!
- Truyện ngắn Việt Nam sau 1975 - Nhìn từ góc độ thể loại - 16
- Ngôn Ngữ Gần Gũi Với Ngôn Ngữ Đời Sống Thông Tục
- Sự Giao Thoa Giữa Ngôn Ngữ Truyện Ngắn Và Ngôn Ngữ Thơ
- Sự Giao Thoa Giữa Ngôn Ngữ Truyện Ngắn Và Ngôn Ngữ Báo Chí
- Nghiên Cứu Truyện Ngắn Việt Nam Sau Năm 1975 Từ Góc Độ Thể Loại, Cùng Với Những Phương Thức Tiếp Cận Khác, Sẽ Góp Phần Khẳng Định Vị Trí, Vai Trò Và
- Truyện ngắn Việt Nam sau 1975 - Nhìn từ góc độ thể loại - 22
Xem toàn bộ 201 trang tài liệu này.
Từ những cảm giác, xúc cảm mang tính cá nhân của bản thân, Thuận trong Cơn mưa hoa mận trắng đã đi đến những suy tư, chiêm nghiệm về bản tính của người đàn bà như một cách để tự giãi bày, tự biện hộ, tự cảm thông. Và nhà văn đã diễn đạt tâm tư của nhân vật bằng một ngôn ngữ vừa giàu tính tự sự, vừa thấm đẫm chất trữ tình với tính hình tượng cao, sử dụng một loạt so sánh và phép lặp cú pháp mà nếu so sánh, chúng ta có thể thấy rất gần với cách mà nhân vật “em” sẻ chia tâm sự với “anh” trong Nói cùng anh. Rất nhiều trang viết của các tác giả vừa nêu khiến người đọc có cảm giác như đang đọc một bài thơ văn xuôi nhờ ngôn ngữ gợi hình, gợi cảm, giàu tính liên tưởng và khả năng diễn tả thế giới phong phú của tâm hồn con người một cách bay bổng, trữ tình.
Ở trường hợp thứ hai, có những tác giả vốn không chuyên viết lối văn giàu chất trữ tình, nhưng trong một số tác phẩm cụ thể, do một ý đồ nghệ thuật nào đó, hoặc do sự thúc đẩy của tình huống, hình tượng, chất thơ được bộc lộ qua những đơn vị ngôn ngữ nhất định. Gió dại của Bảo Ninh, Dòng suối cạn nguồn của Trần Thuỳ Mai, nhiều truyện của Nguyễn Huy Thiệp (Chảy đi sông ơi, Con gái thủy thần, Những người thợ xẻ, Không có vua, Trương Chi), Kỷ niệm của Nguyễn Trí… hoặc đặt lời đề từ bằng thơ hoặc đan xen những bài thơ, bài ca vào văn bản tác phẩm. Những truyện Màu xanh man trá, Đồ cũ, Lãng mạn nửa mùa, Một mình của Lê Minh Khuê; Tân cảng, Một trăm linh tám cây bằng lăng, Còn lại một vầng trăng của Nguyễn Thị Thu Huệ, Mười ngày, Hoa muộn của Phan Thị Vàng Anh… có những khoảnh khắc chứa đựng một xúc cảm, một ấn tượng chủ quan, một giây phút suy tư về đời sống của nhân vật được diễn tả qua ngôn ngữ bay bổng, cho thấy truyện ngắn có thể xích lại gần thơ như một quy luật tất yếu trong sự vận động của thể loại.
4.2.2. Sự giao thoa giữa ngôn ngữ truyện ngắn và ngôn ngữ kịch
Một thể loại nữa cũng xâm nhập vào truyện ngắn với hàm lượng lớn trong giai đoạn này là kịch. Sự giao thoa về ngôn ngữ giữa kịch và truyện ngắn thể hiện ở tính đối thoại. Trên bề mặt, đó là sự xuất hiện dày đặc của đối thoại giữa các nhân vật trong truyện, còn ở bề sâu, đó là tính đối thoại, đa âm của bản thân văn bản tác phẩm với các cấu trúc ngoài nó: các tác phẩm khác, các quan niệm thẩm mỹ, đạo đức, xã hội…
Cùng với xung đột thì trên phương diện ngôn ngữ, “Đặc trưng số một của kịch bản là đối thoại. (…). Tác giả kịch bản kể một câu chuyện bằng lời nói của nhiều nhân vật – câu chuyện diễn biến nhanh, với những sự cố liên tiếp và liên kết với nhau thành hành động kịch”; “Ngoài đối thoại, kịch bản còn có phần không đối thoại, tác giả xuất hiện để “hướng dẫn” bài trí không gian, thời gian, việc ra vào sân khấu của nhân vật, đôi khi giọng nói, dáng điệu của nhân vật trên sân khâu [58, tr.37,38]. Đó là thi pháp kịch. Nếu ứng chiếu vào truyện ngắn, ta sẽ thấy trong văn
học đương đại có nhiều truyện ngắn gần gũi với văn bản kịch, ở đó người kể chuyện chỉ thực hiện vai trò giới thiệu bối cảnh không gian, thời gian, nhân vật, sự kiện, còn câu chuyện chủ yếu diễn biến qua đối thoại và hành động của các nhân vật. Nguyễn Huy Thiệp có nhiều truyện như vậy. Tướng về hưu là cuộc đối thoại mà không tìm được tiếng nói chung giữa tướng Thuấn với con trai, con dâu, với họ hàng, người thân. Không có vua được trình bày như một vở kịch được tạo nên bởi bảy hồi: “1.Gia cảnh”, “2. Buổi sáng”, “3. Ngày giỗ”, “4. Buổi chiều”, “5. Ngày tết”, “6. Buổi tối”, “7. Ngày thường”, hồi nào, cảnh nào cũng dày đặc đối thoại kèm lời dẫn (nhưng không bình luận, phân tích) của người kể chuyện. Sang sông mang dáng vẻ một màn kịch ngắn, ở đó lời của người kể chuyện được tiết chế tối đa, chỉ để giới thiệu tình huống và sự kiện, nổi lên trên bề mặt văn bản chủ yếu là những lời đối thoại của các nhân vật – ban đầu còn tản mát, phân tán, sau chỉ tập trung xoay quanh phương án giải quyết xung đột chính của truyện khi thằng bé thò tay vào trong chiếc bình và không sao rút tay ra được, và cuối cùng là đối thoại đầy tính triết lý của nhà sư với chị lái đò. Tập Bãi vàng, Đá quý, Trầm hương của Nguyễn Trí có rất nhiều truyện (Bãi vàng, Giã từ vàng, Đá quý, Kỷ niệm, Có biết không, Ngọc Liên Thành, Trại viên cũ quay lại đông lắm) mật độ đối thoại dày đặc. Tiêu biểu nhất là truyện Đá quý: có thể quan sát điều đó ngay từ đoạn mở đầu:
Cái đầu thò ra cửa sổ, ria mép tỉa tót cực cẩn thận. Thu, thường gọi Thu Râu kẽm hỏi:
- Ai? Ủa… hai vợ chồng mày hả? Vô đi, chờ tao tí.
Cửa lớn mở. Gia chủ xuống nhà sau, vừa đi vừa làu bàu:
- Mẹ ơi… tao ngủ đã đời luôn, không có hai vợ chồng mày chắc tao về dưới luôn quá.
Quần soóc, ở trần. Râu vạm vỡ, ngực nở eo thon. Bếp ga mini đặt lên bàn, tay cầm bình trà:
- Có gì không? Sao hai đứa biết tao về mà tới?
- Dạ… em…
- Tiền phải không? Cần bao nhiêu? Để làm gì? Con Vân nói tao nghe.
Cứ như thế, những đoạn đối thoại không ngừng nối tiếp nhau trong suốt câu chuyện dài 35 trang sách. Sự xuất hiện của ngôn ngữ người kể chuyện là hết sức khiêm nhường với những câu ngắn gọn có tác dụng tường thuật hành động nhân vật, dẫn dắt sự chuyển đổi bối cảnh không gian, thời gian như trong văn bản văn học của một vở kịch. Đáng chú ý là, cũng rất giống như trong văn bản kịch, ở những lời dẫn cho ngôn ngữ đối thoại của nhân vật, sau khi tường thuật hành động, người kể chuyện cũng thường dùng dấu hai chấm trước khi xuống dòng dựng lại lời thoại, hạn chế những từ mô tả hành động phát ngôn như “nói”, “bảo”, “hỏi”, “trả lời”, v.v…
Trong truyện cực ngắn, ngôn ngữ cũng rất gần gũi với ngôn ngữ kịch. Những truyện Vua và Hoàng hậu, Nhà thờ Đức Bà, Nhang đèn, Vu lan, Phân công hợp lý, Sống… của Nguyễn Thị Hậu trong tập 101 truyện 100 chữ được kiến tạo bởi vài lời dẫn chuyện ngắn gọn và những đoạn đối thoại như được trích ra từ một vở kịch nào đó. Ở một tập truyện mini khác, Tí ti thôi nhé, Ai bảo phụ nữ nói nhiều, chiếm số lượng lớn là những truyện mang hình thức một mẩu đối thoại, và nhan đề cũng nói lên điều đó: Đối thoại gái già, Đối thoại tiền hôn nhân, Đối thoại về việc dùng chung một số thứ trên máy tính, Hoạt cảnh thang máy, Cuộc điện thoại nghe được trên xe khách…, thậm chí không có cả lời dẫn, chỉ những câu nói qua lại cũng đủ để người đọc hiểu được câu chuyện.
Bên cạnh đối thoại như một hình thức của diễn ngôn, thì trong nhiều truyện ngắn, tính đối thoại của ngôn ngữ còn được thể hiện ở tinh thần giao tiếp của văn bản tác phẩm với những niềm tin, những lề thói suy nghĩ, những quan niệm thẩm mỹ, đạo đức phổ biến trong cộng đồng. Bức tranh, Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành là những văn bản đối thoại của Nguyễn Minh Châu với chính sáng tác của ông giai đoạn trước (tiêu biểu là Mảnh trăng cuối rừng), là sự phá vỡ quan niệm về cái đẹp toàn bích, không tì vết, về con người lý tưởng, hoàn hảo như những “siêu
nhân”. Bước qua lời nguyền là cuộc đối thoại của Tạ Duy Anh để vượt qua những định kiến hẹp hòi, ấu trĩ về giai cấp, thành phần xã hội làm cản trở sự nảy nở những tình cảm tốt đẹp, thiêng liêng của con người. Ngôn ngữ trong một số tác phẩm còn chứa đựng cả một tinh thần giễu nhại đối với những niềm tin xưa cũ: “Thế là hai ông hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau xông vào cuộc đào mồ đào mả, chốc dây mơ rễ má nhà nhau lên bằng miệng lưỡi” (Chồng tôi – Y Ban), “Thượng đế chẳng qua chỉ là một gã đàn ông xỏ lá nhất chứ chẳng chơi” (Đàn bà sinh ra từ bóng đêm - Y Ban), “Sứ mệnh đế vương thật là sứ mệnh khốn nạn, chỉ được quyền cao cả, không được quyền đê tiện” (Phẩm tiết – Nguyễn Huy Thiệp), “Sao đế vương khổ thế!? Ta muốn sống như một người dân bình thường không được ư? (…) Ta là chúa vương tối cao, ta thích sang trọng sẽ được sang trọng, ta muốn dân dã, lấm láp là được lấm láp” (Dị hương – Sương Nguyệt Minh). Và đây là một đoạn đối thoại đầy tính giễu nhại giữa cha – con, anh – em nhà lão Kiền trong Không có vua:
Cái ổ cắm bếp điện bị hở, chữa nhiều lần nhưng cứ ít hôm lại có người bị điện giật đến thót, lão Kiền bị điện giật, bèn chửi: “Cha chúng mày, chúng mày ám hại ông. Chúng mày mong ông chết, nhưng trời có mắt, ông còn sống lâu”. Đoài nằm trong giường nói vọng ra: “Ở đâu không biết, chứ ở nhà này thì lá vàng còn ở trên cây, lá xanh rụng xuống là chuyện thường tình”. Lão Kiền chửi: “Mẹ cha mày, mày ăn nói với bố thế à? Tao không hiểu thế nào người ta lại cho mày làm việc ở Bộ giáo dục!”. Đoài cười: “Họ xét lý lịch, họ thấy nhà mình truyền thống, ba đời trong sạch như gương”. Lão Kiền lẩm bẩm: “Chứ không à? Chúng mày thì tao không biết, nhưng từ tao ngược lên, nhà này chưa có ai làm gì thất đức”. Đoài bảo: “Phải rồi. Một miếng vá xăm đáng một chục nhưng tương lên ba chục thì có đức đấy”. Lão Kiền bảo: “Mẹ cha mày, thế mày nâng bát cơm lên miệng hàng ngày mày có nghĩ không?”. Khảm rên rỉ: “Thôi thôi, anh Đoài ơi, anh thương em với, hôm nay em phải thi vấn đáp môn triết học đây”. Đoài bảo: “Triết học là thứ xa xỉ của bọn mọt sách. Chú có thấy cái chuỗi hạt nhựa đeo cổ của chị Sinh không. Nó là triết học đấy”. Khảm không trả lời.