Truyện ngắn Tạ Duy Anh nhìn từ thi pháp thể loại - 12

hút trong sự lãng quên khắc nghiệt” [4, tr.79]. Nó ngắn vì nó quá nhiều hệ lụy, thế mà con người chẳng biết thương nhau, lại dùng quá nhiều thời gian, tâm sức vào chuyện đào bới quá khứ, nuôi dưỡng hận thù. “Tôi” trong Vòng trầm luân trần gian cũng có suy nghĩ: “Con người thật khốn khổ. Đời nọ làm tội đời kia; người này làm tội người khác… tạo thành cái vòng trầm luân ngay trên trần gian” [4, tr.97]. Cuộc đời con người là một “vòng trầm luân” với đầy những nỗi khổ đau bất hạnh. Những dòng tự bạch chân thành ấy giúp chúng ta hiểu hơn về hiện thực cuộc sống và tâm trạng nhân vật.

Giọng điệu chiêm nghiệm, triết lí còn được sử dụng khi các nhân vật suy nghĩ, triết lí về những khái niệm trừu tượng: Chiến tranh, nỗi cô đơn của con người, những giá trị văn hóa…. Bằng chính những trải nghiệm của mình, người lính chỉ huy trong Xưa kia chị đẹp nhất làng hiểu rất rõ rằng: “Chiến tranh là may rủi. Là cuộc chơi đỏ - đen tàn khốc: phải được cả hoặc mất tất”. Bà giáo góa trong Vòng trầm luân trần gian cũng có những triết lí về nỗi cô đơn: “Tâm trạng cô đơn, bản chất của nó là khát khao cái đẹp. Bà nghiệm điều đó từ chính cuộc đời bà. Có thể hoàn toàn tin ở một người cô đơn”…

Trong truyện ngắn của Tạ Duy Anh còn xuất hiện những triết lí mà thoạt nghe tưởng chừng như vô lí nhưng lại có lí trong những hoàn cảnh cụ thể, đặc biệt là trong thời đại ngày nay. Nhân vật “tôi” trong Mê hồn trận đã có lúc cảm thấy hoang mang về những triết lí được chị Yến đúc rút từ chính những kinh nghiệm của mình: “Em phải nhớ điều này, làm tốt quá được thủ trưởng khen là em tự hại em đấy nhé. Anh Tầm không chấp nhận điều đó đâu. Nhưng em cũng không có quyền làm dở bởi điều đó tạo cớ cho những kẻ thù của anh Mạnh chống lại anh ấy và đương nhiên là cản trở cho việc nhận em(…). Làm việc trong một tập thể như vậy tốt nhất cho em là không nghe, không biết, không thấy, không bài xích và không hưởng ứng. Em phải hiểu điều đó một cách cụ thể như thế nào? Nghĩa là ai làm gì cũng mặc họ, coi như mình bị mù, ai nói gì cũng nghe nhưng sau đó quên ngay, ai hỏi gì về người khác, nói gì về người

khác cũng không tỏ ra thờ ơ mà cũng đừng ra vẻ quan tâm… Và không biết luôn là phương sách tối ưu nhất trong mọi trường hợp… Chưa xong. Còn nữa. Thủ trưởng cơ quan đang cần đồng minh để chống lại đám nhân viên công thần. Đương nhiên là ông ấy muốn thấy ở em một sự trung thành, nhưng nếu em để lộ ra mình là tay chân của ông ấy thì sẽ có người đập cho không ngóc đầu lên được. Em phải tự suy nghĩ mà tìm ra cách dấu mình”…[4, tr.210 – 211] Trong những điều mà chị Yến suy ngẫm đều hàm chứa những sự mâu thuẫn, nghịch lí. Nhưng đó phải chăng lại chính là nghệ thuật sống và tồn tại trong cái xã hội với nhiều điều thị phi và hỗn độn.

Có thể nói, giọng triết lí, chiêm nghiệm trong truyện ngắn Tạ Duy Anh luôn chứa đựng những nỗi niềm suy tư về đời sống thế sự và con người. Nó giúp người đọc chìm sâu vào thế giới nội tâm của nhân vật để cùng băn khoăn, suy nghĩ, cùng tâm sự và cùng giãi bày, chia sẻ. Với giọng điệu này, người đọc dường như cũng tìm được sự đồng cảm về cảnh ngộ, về tâm trạng, về những thăng trầm, chìm nổi của kiếp người.

3.4.2. Giọng điệu châm biếm, giễu nhại

Giọng điệu châm biếm, giễu nhại thường gắn với cảm hứng về cái hài. Nó biến thành trò cười tất cả những gì có vẻ bề ngoài nghiêm túc bằng cách tô đậm sự lố bịch, kệch cỡm hay vô nghĩa của nó. Văn xuôi sau 1975 đang dần ý thức “phá bỏ cái nghiêm nghị mực thước, phá đổ các thần tượng ngôn từ. Nó đang đi đến chỗ tự mỉa mai, tự chế giễu, và ta biết điều này là hết sức quan trọng trong tự vấn” [49].

Trong truyện ngắn Tạ Duy Anh, giọng điệu châm biếm, giễu nhại cũng được nhà văn quan tâm sử dụng. Với giọng điệu này, nhà văn không nhằm tạo ra tiếng cười giòn giã, khoái trá mà dường như đằng sau tiếng cười giễu ấy là cả một sự xót xa, chua chát, khiến người đọc phải suy tư, trăn trở trước những vấn đề bức xúc của cuộc sống. Đó là tiếng cười giễu về một “thế giới bị lộn trái” đầy những hiện tượng chướng tai, gai mắt.

Nhà văn dùng tiếng cười để lật tẩy, hạ bệ những hình tượng “đức cao vọng trọng”, phanh phui bản chất xấu xa, dối trá của họ. Trong Dịch quỷ sứ, sự giả tạo của cụ Thụy được lật tẩy bằng giọng văn hài hước: “Hôm về huyện, việc đầu tiên là cụ đòi xem huyện đổi mới đến đâu. Chính cụ tận tay bưng bát tiết canh đánh với sụn nướng cho lão ăn mày cứ thấy huyện có khách là mò đến. Giọng cụ ứa nước mắt mọi người: “Tôi là đầy tớ của dân, được dân nuôi béo để phục vụ dân được nhiều mà thôi”. Lão ăn mày thấm cái ơn ấy đến nỗi nghẹn không nuốt được”.[2, tr.223]

Bản chất dâm dục của một nữ bác sĩ khi khám chữa cho bệnh nhân cũng được Tạ Duy Anh lật tẩy bằng giọng châm biếm: “cô hẹn hắn cứ cách ngày lại đến gặp cô bằng vẻ mặt không có chút gì của một thầy thuốc. . . Thường khi đó, cô khéo léo đuổi hết bệnh nhân ra ngoài để được tự do áp tai vào ngực hắn, nắn bụng hắn, bí mật quan sát những phản ứng của hắn do va chạm da thịt. Tất cả đều cho thấy hắn không chỉ có một thể trạng tốt, mà còn hoàn toàn là một người tình tuyệt vời. Điều đó thì chỉ vài tháng sau cô đã có cơ sở thực tế để khẳng định lại phỏng đoán của mình”. “Nhưng cô làm thế với hắn như một sự hi sinh vì khoa học, của nhà chuyên môn chân chính, để khám phá một loại bệnh mới, giống như hành vi nuốt vi trùng tả hoặc tự tiêm vi rút bệnh dại vào người mà cô luôn ghi nhớ như một biểu hiện lớn lao của y đức”. Chính nhờ “sự hi sinh” đó mà “cô được hưởng trọn vẹn một niềm vui kép: Hạnh phúc của một người tình không có chỗ nào đáng phàn nàn và niềm sung sướng của một kẻ đang gặt hái thành công trong nghiên cứu khoa học” (Gã lộn ngược). [6]

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 104 trang tài liệu này.

Trong truyện ngắn Con ruồi, Tạ Duy Anh cũng phơi bày bản chất kiểu cách rởm đời của một bộ phận trí thức thông qua tiếng cười châm biếm. Nhân vật “chàng” quyết tâm từ bỏ cuộc sống “xuất thân nghèo hèn” để trở thành một trí thức. Chàng không cần miệt mài học tập, trau dồi kiến thức, hoàn thiện bản thân mà chỉ cần đánh bóng tên tuổi, tạo cho mình cái vỏ bọc đài các ở hình thức bên ngoài: “Trước hết chàng theo học lớp ngoại ngữ cấp tốc, thuộc lòng mấy

câu sang trọng: “Thưa bà! Thưa quý cô nương! Xin lỗi! Cảm ơn! Rất hân hạnh…”. Ngần ấy, chàng tự nhủ - không thể ít hơn một phần mười…”. Là trí thức, tất nhiên chàng phải có giá sách: “Chàng đến mười quầy sách khuân về đúng mười bao tải và chàng có thêm một phần mười nữa. Cặp kính gọng vàng thêm hẳn một phần mười, cùng với ngần ấy phần mười do đôi giày lười nhãn Pháp đem lại. Cả thảy còn sáu phần mười nữa khiến chàng văng tục. Sau khi bực tức, lục lọi cũng được thêm hai phần mười, chàng quyết định chàng là trí thức theo thói quen biểu quyết đa số. Nhẩm tính chàng thốt lên: “Ồ, quá rẻ, chưa bằng số tiền cải táng một bộ xương khô nào đó” [2, tr.262]. Con đường để trở thành trí thức của “chàng” xem ra thật đơn giản. Chỉ cần tạo một vỏ bọc hào nhoáng bên ngoài thì “chàng” nghiễm nhiên trở thành trí thức được mọi người công nhiên thừa nhận không chút nghi ngờ. Phải chăng trong số những con người thuộc tầng lớp “trí thức” mà “chàng” đang giao du có không ít những kẻ như “chàng”. Thông qua cái nhìn hài hước, Tạ Duy Anh đã cho chúng ta thấy phần nào sự phù phiếm, giả tạo của cả một lớp người trong xã hội hiện đại.

Truyện ngắn Tạ Duy Anh nhìn từ thi pháp thể loại - 12

Tiếng cười châm biếm, giễu nhại còn được Tạ Duy Anh dùng để vạch trần những góc khuất trong lĩnh vực khoa học, văn học nghệ thuật. Phát hiện của giáo sư Bạch trong truyện ngắn Con vẹt đã khiến không ít người phải giật mình. Ông cho rằng: Chỉ cần dạy cho con vẹt một trăm từ thì nó “có thể trở thành một nhà ngôn ngữ, thậm chí một nhà thơ”, “Chỉ cần nó thành thạo một trăm từ có tần suất cao nhất trong ngôn ngữ giao tiếp hàng ngày là coi như nó ăn đứt vô khối đồng nghiệp của ông. Ông đã từng thử làm một phép thống kê để tìm số từ của một nhà thơ, một nhà báo, một nhà phê bình… và đi đến kết luận: chỉ cần 100 từ là có thể làm luôn một lúc cả ba nhà… và thực chất của sự sáng tạo ở ta phần lớn chỉ là bắt trước cho khéo, cho điêu luyện” [2, tr.11]. Có thể thấy, đằng sau tiếng cười mỉa mai, châm biếm, giễu nhại là sự xót xa, đau đớn của nhà văn trước thực trạng của nền văn học nước nhà.

Như vậy thông qua giọng điệu châm biếm, giễu nhại, nhà văn đã phanh phui, lật tẩy bản chất của những hiện tượng chướng tai gai mắt trong xã hội, hạ bệ những hình ảnh vốn được coi là thần tượng. Cái nhìn của nhà văn đôi lúc có phần khắt khe, gay gắt nhưng đó chính là cách để ông gửi gắm những lời cảnh báo cấp thiết trước nguy cơ bị biến dạng, tha hóa của con người. Tiếng cười trong truyện ngắn Tạ Duy Anh vì vậy là một tiếng cười ngậm ngùi, chua xót. Nó có tác dụng thanh lọc tâm hồn con người khi nhìn thẳng vào hiện thực.

3.4.3. Giọng điệu lạnh lùng, khách quan

Là nhà văn thiên về miêu tả cái xấu cái ác để cảnh tỉnh con người, cho nên Tạ Duy Anh thường sử dụng giọng điệu lạnh lùng khách quan khi miêu tả, phản ánh hiện thực. Nhà văn không chấp nhận những sự thật nửa vời mà luôn có xu hướng đi đến tận cùng hiện thực, cho dù hiện thực ấy nghiệt ngã, cay đắng, xót xa. Tạ Duy Anh luôn tìm đến nguyên nhân sâu xa của mọi biểu hiện đời sống, bày lên trang giấy những điều người khác kiêng kị, nói những điều người khác chưa dám nói. Ông không né tránh những hiện thực buồn, cũng không có ý mơn man cho dịu bớt nỗi đau. Ngòi bút của Tạ Duy Anh mổ xẻ, phanh phui đến tận cùng của cái xấu, cái ác với mong muốn loại bỏ nó ra khỏi đời sống xã hội. Nhà văn không né tránh hiện thực mà nhìn thẳng vào hiện thực với cái nhìn tỉnh táo, khách quan đôi lúc có vẻ “tàn nhẫn” khiến người ta phải rùng mình, kinh sợ.

Trong truyện ngắn Tạ Duy Anh, ta bắt gặp đầy rẫy những cái ác, cái xấu, sự thù hận, sẵn sàng chém giết lẫn nhau. Từ cái ác ở mỗi cá nhân đến cái ác của tập thể đều được nhà văn phản ánh chân thực qua giọng văn lạnh lùng, khách quan. Trong truyện ngắn Ánh sáng nàng, nhà văn miêu tả cảnh cả làng chôn sống một đưa bé yếu đuối vì nghi nó lây bệnh hủi từ cha mẹ. Người ta “nô nức” rủ nhau đi xem, “nóng lòng” chờ đợi giây phút con bé bị trôn sống, họ nhiệt tình tham gia vào hành động tàn nhẫn ấy như việc “hoàn thành nghĩa vụ với làng xóm”. Không một ai trong số họ xót thương cho đưa trẻ tội nghiệp. Sự tàn

nhẫn, vô lương tâm của cả cộng đồng đã được đẩy lên đỉnh điểm thông qua cách miêu tả lạnh lùng của tác giả.

Trong truyện ngắn Vòng trầm luân trần gian, ta cũng bắt gặp giọng văn ấy. Khi miêu tả cái chết của bà Mịch, nhà văn cũng khéo léo che giấu cảm xúc của cá nhân mà thay vào đó là giọng điệu khách quan, lạnh lùng:

Một buổi sáng thằng Tế mở mắt đã thấy ông Mịch đang liệm bà Mịch bên cối giã gạo. Ông dựng bà dậy, loay hoay buộc nút cuối cùng. Thấy mẹ trắng toát từ đầu đến chân, thằng Tế há miệng ú ớ, liền bị bố quát:

- Câm mồm! Ra đây giúp tao một tay.

Ông Mịch một đầu, thằng Tế một đầu khiêng bà Mịch nhét vào quan tài. Ông Mịch đậy ván thiên, táng liền hai chục cái đinh. Khi dân làng đổ đến, ông Mịch nói thác vì bà Mịch cùi, không nỡ phiền hàng xóm”. [4, tr.95]

Người đọc thực sự ngỡ ngàng trước sự hiện diện của cái ác trong những trang văn của Tạ Duy Anh: Lão Quán đánh con tới mức bị thần kinh (Gã thọt), người khách làng chơi giết chết một nhân viên phục vụ chỉ vì đã làm cho anh ta cảm thấy xấu hổ (Rỗng), một người yêu âm nhạc, có khả năng cảm thụ âm nhạc nhưng trong lúc tức giận đã vô tình gây nên cái chết cho cô nhân viên trực tổng đài (Giai điệu đen), bà ngoại “tôi” lập mưu hãm hại ông ngoại (Vô ngôn)…. Tất cả đều được nhà văn miêu tả qua giọng điệu lạnh lùng, khách quan. Cái tài của nhà văn chính là ở khả năng che giấu cảm xúc một cách tài tình. Người đọc không dễ gì nhận ra được tâm trạng của nhà văn trong những trường hợp đó. Có lẽ vì vậy mà nhiều người nhận xét rằng Tạ Duy Anh có cái nhìn bi quan, tàn nhẫn về cuộc sống và con người. Tuy nhiên đó lại chính là một dụng ý nghệ thuật của nhà văn khi xây dựng tác phẩm. Bằng giọng văn lạnh lùng, khách quan, tác giả đưa người đọc tiếp cận với hiện thực một cách trần trụi và nghiệt ngã nhất để cảnh tỉnh con người trước nguy cơ của cái ác.

Có thể nói, giọng điệu lạnh lùng khách quan là một nét đặc trưng trong phong cách nghệ thuật của Tạ Duy Anh. Nếu như Hồ Anh Thái rung chuông

cảnh báo ngày tận thế của cõi người, Nguyễn Khắc Trường khiến người đọc ghê sợ trước “Mảnh đất lắm người nhiều ma”, thì Tạ Duy Anh lại dùng chính cái ác để lay thức cái thiện. Giọng văn của ông là giọng gây hấn nhưng chủ ý của ông lại không khác gì ngoài việc đánh thức cái thiện trong mỗi con người. Đó chính là chiều sâu nhân văn trong các tác phẩm của Tạ Duy Anh

3.4.4. Giọng trữ tình, giàu cảm xúc

Là một nghệ sĩ chân chính cho nên Tạ Duy Anh tất yếu không chỉ có phản bác cái xấu xa nhăng nhố trong đời sống mà trên hết ông luôn khát khao và mong muốn thay đổi và cải tạo lại các hiện thực đó. Chính vì vậy, cho dù có đặt đời sống trong cái nhìn “suồng sã”, trong nụ cười chua chát, trong mọi khổ đau, ta vẫn thấy nhà văn không mất đi niềm tin đối với điều thiện, với con người. Mọi sự giác ngộ, lí tưởng và khát vọng yêu thương vẫn được ông thiết tha bày tỏ trong các tác phẩm của mình. Do vậy, giọng điệu trữ tình, giàu cảm xúc cũng thường xuất hiện trong truyện ngắn Tạ Duy Anh.

Trong truyện ngắn Lãng du, ta bắt gặp một giọng văn trong sáng, mượt mà, giàu hình ảnh khi nhân vật hồi tưởng về những kí ức tuổi thơ: “Hồi bé anh vẫn thường đứng ở bờ bên này nhìn hút sang bờ bên kia, nơi bóng núi đổ xuống khiến mặt hồ đen thẫm. Vào từng quãng thời gian trong ngày, bức tranh sơn thủy lại có gam màu khác nhau. Đẹp nhất vẫn là lúc sáng sớm và khi mặt trời khuất sau dãy núi. Đây là những khoảnh khắc phi phàm, kích thích trí tưởng tượng ghê gớm. Hình ảnh một nàng tiên cá bất ngờ bay vút lên từ đáy hồ luôn bám theo anh. Đêm đêm, nhất là vào những hôm có trăng, nàng ngồi vắt vẻo bên một tảng đá, hát lên những giai điệu đẹp và buồn”.[6, tr.223]

Đối lập với không khí ngột ngạt, khắc nghiệt của chiến tranh là những tâm sự giàu cảm xúc của anh lính chỉ huy trong Xưa kia chị đẹp nhất làng: “Giờ này trăng vừa lên. Thật kì lạ khi tôi có cảm giác tất cả đều bình yên, tưởng như chiến tranh bị đẩy lùi mãi chỉ còn như một dư âm. Và tôi chờ đợi. Em có biết tôi chờ đợi điều gì không? Tôi … chờ em bước ra từ vầng trăng. Em sẽ băng bó

những vết thương, làm nguội mặt đất bởi vì em là vị Phúc thần của những người lính trận như tôi…” [4, tr.27]. Những dòng tâm sự đậm chất trữ tình, thơ mộng ấy đã làm dịu bớt những đau thương, mất mát do chiến tranh gây ra. Nó giúp con người tìm được niềm tin, sự bình yên trong tâm hồn để tiếp tục cố gắng, phấn đấu vì những lí tưởng cao cả.

Giọng văn trữ tình, giàu cảm xúc còn được Tạ Duy Anh sử dụng nhiều trong những đoạn văn miêu tả kí ức tuổi thơ, ngợi ca vẻ đẹp của người phụ nữ… Trong Bước qua lời nguyền, đối lập với không khí ngột ngạt tù túng, đối lập với những lời chửi thề, văng tục là những câu hát “Thánh ca”: “Cậu và tôi và những mùa vàng rực nắng… chúng ta là con đẻ của một cuộc đời không thù hận…”, “Đêm ấy không có trăng nhưng đầy sao và hương thơm mùa màng tỏa ra từ đất. Lần đầu tiên trong đời, trái tim tôi nóng như hòn than cháy ngùn ngụt trong ngực, khi tôi biết cảm nhận sự kì diệu của da thịt… Tôi và Quý Anh, hai kẻ trong trắng như nhau, tội lỗi như nhau đã bước qua lời nguyền, đã ân xá cho nhau trong sự chứng kiến của các thiên thần” [4]. Những thanh âm trong trẻo ấy đã góp phần làm dịu mát không khí ngột ngạt, tăm tối trong tác phẩm. Nó giúp con người ta có thêm niềm tin vào những điều tốt đẹp ở tương lai.

Có thể nói truyện ngắn Tạ Duy Anh là sự kết hợp của nhiều giọng điệu. Bên cạnh giọng lạnh lùng, khách quan là những câu văn mượt mà, trong sáng, giàu cảm xúc. Nó góp phần phản ánh một hiện thực đa chiều, đa diện. Sự đan xen kết hợp nhiều giọng điệu trong sáng tác chính là minh chứng cho tài năng nghệ thuật của Tạ Duy Anh. Ông không chỉ là nhà văn thiên về miêu tả cái xấu, cái ác mà còn là nhà văn của tình người, của những điều bình dị trong cuộc sống.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 27/10/2023