Nhân Vật Mang Bi Kịch Của Sự Tha Hóa

cũng không ngừng phải vật lộn để lựa chọn đấu tranh với chính mình để bảo vệ thiện lương, không bị trượt dốc sang bờ vực của sự tha hóa. Xã hội ngày càng hiện đại, con người luôn dễ bị cám dỗ bởi những hư danh, thói xa hoa, phù phiếm. Nhưng từ tận sâu bên trong con người vẫn luôn có những suy nghĩ, trăn trở, dằn vặt trước sự tha hóa của bản thân. Nhân vật “tôi” trong Người khác, Bùi Bằng Hữu trong Dịch quỷ sứ, sau khi bị tha hóa thành người khác vẫn mang trong mình nỗi ăn năn, dày vò lương tâm: “Nhưng kì lạ làm sao, từ khi tôi chỉ ú ớ trong cổ họng, tôi thấy lương tâm đỡ bị cắn xé hơn. Tôi thấy thanh thản hơn khi tôi chỉ “cảm” mà không phải diễn đạt lại điều đó bằng thứ ngôn ngữ trái ngược” [2, tr.224]. Trong hành trình gian nan để đi đến cái đích của sự thiện lương thì những trạng thái dằn vặt tinh thần ấy là điều cần thiết. Nó giúp cho con người trở nên Người hơn.

Tóm lại, sự tồn tại của loại nhân vật “giữa hai lằn ranh Thiện – Ác” trong truyện ngắn của Tạ Duy Anh một mặt phản ánh hiện thực cuộc sống, sự đổ vỡ của những giá trị. Mặt khác đề cập đến niềm tin, hi vọng vào sự hướng thiện, về những giá trị tốt đẹp của con người. Dù viết về cái thiện hay cái ác thì mỗi trang văn của Tạ Duy Anh vẫn lấp lánh những niềm lạc quan và sự tin tưởng vào bản tính thiện và sự hoàn lương của mỗi con người. Đó chính là tinh thần nhân ái, mong muốn con người tin vào điều tốt đẹp, hướng con người đến với Chân – Thiện – Mĩ.

2.2.2. Nhân vật mang bi kịch của sự tha hóa

Cùng với kiểu nhân vật giữa hai lằn ranh Thiện – Ác thì những bi kịch tha hóa cũng thường xuất hiện nhiều trong truyện ngắn Tạ Duy Anh. Cuộc sống ngày càng phát triển kéo theo những nguyên nhân khiến con người không làm chủ được hoàn cảnh, bị mua chuộc, bị lôi kéo, bị biến chất, tự đánh mất chính bản thân mình. Một trong số những điều nhức nhối mà Tạ Duy Anh đề cập đến chính là thực tế một số không nhỏ con người đang ngày càng biến chất, tha hóa nhân cách vì mải mê chạy theo chủ nghĩa vật chất, chủ nghĩa danh lợi.

Trong sáng tác của Tạ Duy Anh, ta bắt gặp hình ảnh những con người tha hóa, “vì cái lợi trước mắt đang hèn đi, tầm thường đi” (Ma Văn Kháng). Một trong những nguyên nhân của tình trạng tha hóa ấy là sức mạnh của đồng tiền. Đồng tiền chi phối đời sống vật chất và đời sống tinh thần của con người. Đứng trước sự cám dỗ của đồng tiền, con người không biết kìm hãm lòng tham và dễ dàng trở thành nô lệ của nó, trở nên tha hóa về nhân cách. Đọc truyện ngắn Vàng, người đọc không khỏi xót xa trước sự thay đổi nhanh chóng của Đào – một cô gái hiền lành, phúc hậu, nặng tình, nặng nghĩa nhưng đã bị sức mạnh của đồng tiền làm cho mù quáng. Đào vốn là người yêu của Vương – con trai bà Phước. Hai người đã tính đến chuyện trăm năm, nhưng rồi chiến tranh đã cướp đi người con trai mà Đào yêu thương hết mực. Chị trở nên héo úa, tàn tạ. Tất cả tình yêu chị dành cho Vương giờ đây chuyển thành lòng hiếu thảo với người mẹ già còm cõi, đơn độc. Mặc dù chưa có lễ hỏi cưới xin nhưng chị ăn ở với bà chẳng khác dâu con trong nhà. Đào luôn ấp ủ một suy nghĩ sẽ xây cho mẹ Vương một căn nhà thật lớn, sẽ tìm mọi cách để đưa anh về an táng tại núi Bạc – nơi trước đây anh vẫn thường ngồi thổi sáo đợi chị. Thế nhưng mọi chuyện đã thay đổi khi Đào may mắn nhặt được một “cục vàng”. Đào nhanh chóng trở thành một con người ích kỉ và cô độc. Bao nhiêu ý nghĩ tốt đẹp, thiện lương của chị đều tan biến, thay vào đó là tâm trạng bất an, lo sợ. Căn buồng của Đào bỗng dưng “giống như một nấm mồ”. “Chị dùng giấy bịt cả những chiếc lỗ chỉ con ruồi chui vừa”. Ngay cả những người thân nhất cũng không được đặt chân vào căn buồng của chị. Và “Đêm ấy, Đào mơ một giấc mơ toàn vàng”. Sự thay đổi của Đào là một minh chứng tiêu biểu cho sự tha hóa của con người trước những cám dỗ của tiền bạc, vật chất.

Không chỉ tha hóa vì những tham vọng vật chất, các nhân vật trong truyện ngắn Tạ Duy Anh còn bị tha hóa bởi tham vọng, quyền lực, những hư danh giả dối. Nó khiến con người ta đôi khi đánh mất bản chất người, trở về sống như một loại “động vật”. Bùi Bằng Hữu trong Dịch quỷ sứ là một điển hình cho

kiểu con người phóng thể đánh mất bản thể của riêng mình. Là thư kí của ông Bùi N nhiều năm, Bùi Bằng Hữu luôn “hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, vượt lên trên vai trò của một thư kí”. Bởi lẽ, anh ta “được giáo dục rất tốt những phẩm chất tối ưu của một con người luôn phải biết thủ trưởng của mình cần gì” [2, tr.214]. Nhưng rồi một ngày, anh ta thấy “yết hầu to dần ra, lưỡi tuồng như đầy cả khoang miệng” – anh ta bị mắc bệnh câm. Nguyên nhân của căn bệnh là do “thói quen cố tình gọi sai tên các sự vật hiện tượng, lập tức cơ chế sinh học thay đổi và về mặt nào đó anh ta bị tước mất tư cách sinh vật người” [2, tr.233]. Dấu ấn nghề nghiệp còn in đậm trên cơ thể anh ta ở “dáng đi hơi khom về phía trước”. Như vậy Bùi Bằng Hữu đã bị tha hóa thành một người khác, dần dần mất khả năng giao tiếp bằng ngôn ngữ bình dân. Câu chuyện giàu tính ẩn dụ này nói với chúng ta về sự tha hóa của con người trong xã hội hiện đại vì những tham vọng quyền lực, địa vị. Bùi Bằng Hữu bao lâu bị trói chặt vào vị trí của một kẻ “ăn theo, nói leo”, “chuyên làm láo, báo cáo hay”… anh ta đã “bị tước đi tư cách sinh vật người” cũng coi như trở thành một loài cầm thú! Tạ Duy Anh gọi đó là “dịch quỷ sứ” và “có quá nhiều người” mắc bệnh ấy trong cõi đời này. Khát khao tiến thân, làm nô lệ cho quyền lực, bao người đã mắc bệnh câm theo nghĩa bóng, trở thành những biến dạng, quái dị.

Không bị mắc bệnh câm như Bùi Bằng Hữu nhưng hình phạt “nghiêm trang trong vai diễn mình là người khác” của nhân vật “tôi” trong Người khác xem ra lại thêm một nghiệt án khủng khiếp hơn nữa về tình trạng tha hóa của con người. Tác phẩm là bi kịch dở khóc dở cười của những người trí thức không được là chính mình. Bị đám đông lăng xê thoát khỏi cuộc sống bình dân, nhân vật “tôi” đã rộng đường thăng tiến, nhưng suốt đời phải đeo chiếc mặt nạ, giấu bộ mặt thật của mình. Mong muốn lớn nhất của nhân vật là được trở lại là mình. Nhưng oái oăm thay, điều đơn giản nhất lại là điều khó nhất. Trong khi luôn bị hối thúc bởi ý muốn một lần dứt khoát sòng phẳng với chính mình, đoạn tuyệt với cuộc đời phải làm một “người khác”. “Tôi” luôn tự nhủ: “Nhất

định có lúc mình phải cho mọi người biết mình không giống như họ đang nghĩ. Nhưng rồi thời gian trôi đi, vì mưu sinh, vì không đủ gan chối từ những mĩ từ ca ngợi của đám đông mà tôi cư chần chừ giữa việc nói bây giờ hay chầm chậm một chút” [4, tr.408]. Nỗi dằn vặt rằng mình là người khác cứ ngày càng đè nặng lên cuộc sống tinh thần của “tôi” và anh ta nhận ra cái nghịch lí của cuộc đời: “Trớ trêu thay khi tôi quyết tâm nói rõ sự thật về mình thì cái hình ảnh người khác ấy đã ăn quá sâu vào đám đông, đến nỗi trái với mục đích, mỗi lần như vậy tôi lại được gán cho những điều khác xa mình” [4, tr.408]. Ba lần cố gạt chiếc mặt nạ giả dối là ba lần phải trả giá đau đớn. Bởi lẽ, ở đời này, nhiều khi cái giả lại dễ được chấp nhận hơn khi sự thật không thuộc về quan niệm của đám đông. Không một ai tin những điều “tôi” nói là sự thật. Thậm chí đã có người phải gánh chịu tai họa bởi việc giúp “tôi” nói ra “một tí ti” sự thật về mình. Chính vì vậy “tôi” chỉ còn cách “đeo cái mặt nạ son phấn ấy và cố quên đi nó là mặt giả”. Và suốt cuộc đời “tôi sẽ lại phải nghiêm trang trong vai diễn mình là người khác, như một nghiệt án” [4, tr.420]. Đó là cái giá mà “tôi” phải ghánh chịu vì đã không dám mạnh mẽ dứt khoát với chính mình, với những hư danh, những mĩ từ ca ngợi. “Tôi” sẽ phải vĩnh viễn chui sau chiếc “mặt nạ son phấn” để không bao giờ được là chính mình. Truyện ngắn mang tính chất luận đề này là sự cảnh tỉnh chúng ta về hiện tượng đáng xấu hổ “bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo”. Qua đó kêu gọi mọi người hãy luôn sống đúng với lương tri, luôn là chính mình trong mọi điều kiện, mọi hoàn cảnh.

Có thể nói, hiện thực cuộc sống đầy những bất trắc, con người dễ bị tha hóa trước những hư danh, quyền lực và vật chất là sự phản ánh cuộc sống độc đáo trong các sáng tác của Tạ Duy Anh. Nhà văn đã có cái nhìn đa chiều, đa diện hơn về cuộc sống và con người trong xã hội hiện đại. Không đánh bóng hiện thực, không ngợi ca con người, cuộc sống hiện lên trần trụi như nó vốn có. Như vậy, xét ở phương diện thi pháp, Tạ Duy Anh đã góp phần vào công cuộc đối mới văn chương trên bình diện quan niệm nghệ thuật về con người.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 104 trang tài liệu này.

2.2.3. Nhân vật là nạn nhân của thù hận

Văn xuôi Việt Nam thời kì đổi mới đã ghi danh nhiều tác phẩm xuất sắc viết về đề tài nông thôn, trong đó nổi bật là những tác phẩm viết về những xung đột dòng họ như: Mảnh đất lắm người nhiều ma (Nguyễn Khắc Trường), Bến không chồng (Dương Hướng), Cuốn gia phả để lại (Đoàn Lê), Nỗi đau dòng họ (Sương Nguyệt Minh)… Tạ Duy Anh cũng tiếp tục khai thác đề tài này nhưng chủ ý của ông không nhằm tái hiện lại các sự kiện, xung đột mà có sự quan tâm sâu sắc đến số phận những con người là nạn nhân của thù hận.

Truyện ngắn Tạ Duy Anh nhìn từ thi pháp thể loại - 6

Dưới cái nhìn của nhà văn, con người luôn bị nhấn chìm trong lòng hận thù: hận thù dòng họ, hận thù giai cấp, hận thù truyền kiếp từ đời này sang đời khác tạo nên những hệ lụy xót xa đau đớn. Con người tự gây ra thù hận, định kiến, biến những người quanh mình trở thành nạn nhân, rồi đến lượt kẻ gây đau khổ cho người khác cũng phải chịu nỗi khổ sở, dằn vặt. Người ta không tìm được sự hả hê trong cơn khát trả thù mà ngược lại, cả người thù hận và người bị thù hận đều khốn khổ như nhau. Giữa họ không có người thắng, kẻ thua, chỉ có đau khổ và cái chết.

Biết bao nhân vật “người cha” trong Bước qua lời nguyền, Vòng trầm luân trần gian, Ánh sáng nàng… luôn phải gồng mình lên để chống đỡ, để ghi nhớ những mối thù truyền kiếp. Nỗi ám ảnh của những lời nguyền độc đã in hằn trên khuôn mặt khắc khổ của họ: “Mặt ông bị vò nát bởi hàng trăm nếp gấp khắc nghiệt. Trên khuôn mặt ấy, tôi thấy lại cái quá khứ vất vả, đẫm máu và nước mắt mà bố tôi vừa căm ghét, vừa hãnh diện” [4, tr.81]. “Tóc ông bạc như cước, xơ xác trên chiếc trán bị thời gian đào rãnh lô xô” [4, tr.53]. Lão Hứa, lão Tuế một thời là lí trưởng, địa chủ, nắm quyền sinh, quyền sát đến khi cải cách ruộng đất phải “sống lủi thủi như con chó lạc loài”, “hiền lành, nhu mì như một hòn đất”, “gặp đứa trẻ lên sáu cũng nhất nhất đều lên tiếng chào trước” [4]. Rồi đến cái chết của họ cũng thật khốn khổ: “Làng không cho lão vào nghĩa địa. Hôm đưa tang lão thối khắp cả làng đến nỗi ruồi xanh đuổi theo

quan tài đông hơn ong vỡ tổ. Mấy ngày sau, thán khí vẫn còn chưa hết khiến mấy chục con chó hóa dại một lúc rồi theo lão cả” [4, tr.59]. Đau khổ, tủi nhục nhưng họ không thể quên được quá khứ, không thể tha thứ cho nhau, cùng “bước qua lời nguyền” để vươn tới một cuộc sống tốt đẹp hơn. Ám ảnh về những lời nguyền độc cứ đeo đẳng họ suốt cả kiếp người và được truyền từ đời này sang đời khác: “Mẹ muốn chính tôi – người kế nghiệp cụ tổ bốn đời của tôi nhận lại vật gia bảo mà cụ tôi gửi vào đấy tất cả những ước vọng đời cụ không làm được” [4, tr.97].

Như vậy, không khí tăm tối thù hận không chỉ bủa vây một lớp người, một thế hệ mà nó còn bao trùm lên cả làng Đồng từ thế hệ này sang thế hệ khác. Những nhân vật như Quý Anh, Quý Hương, chú Hổ, cậu Tư và biết bao nhân vật “tôi” khác đã sống gồng mình, muốn “gào to lên lời nguyền rủa độc địa cho cái mảnh đất đầy thù hận này chìm lặng đi” [4, tr.56]. Họ muốn xóa bỏ cuộc sống tối tăm, ấu trĩ, đầy thù hận để sống một cuộc sống khác chỉ có tình yêu thương, hạnh phúc và sự tươi đẹp. Nhưng rồi họ lại vô tình bị cuốn vào vòng xoáy của sự thù hận, phải chứng kiến nhiều cảnh tang thương vì thù hận. Họ được huấn thị để trả thù cho dòng họ, cho giai cấp của mình. Nhân vật “tôi” trong Bước qua lời nguyền từ năm lên bảy tuổi đã được “giáo dục khá cẩn thận về vị trí mà tôi đang chiếm một khoảng tí teo giữa cuộc đời mênh mông này. Tôi phải nhớ rằng thành phần gia đình mình bần nông” [4, tr.50]. Và nhiệm vụ của “tôi” là phải “làm sáng danh cha anh mình”. Không chỉ có vậy “tôi” còn phải ghi thêm mối thù vào xương tủy với lão Hứa. Lúc nào cũng phải ghi nhớ rằng: “Lão Hứa và con cháu lão là kẻ thù truyền kiếp”. Tâm hồn ngây thơ non nớt của một đứa trẻ còn chưa hiểu chuyện luôn bị vây chặt trong “mê hồn trận” của những mối thù dòng họ, mối thù giai cấp. Nó khiến tâm hồn “tôi” “luôn thấm đẫm những hồi ức kinh hoàng không bao giờ còn hong khô được” [4, tr.53].

Không chỉ riêng mình cậu Tư, nhân vật Quý Anh cũng phải trải qua một tuổi thơ cay đắng, tủi nhục. Suốt thời con trẻ, Quý Anh không ngớt bị tra tấn, hành hạ. Nó sống “lủi thủi như một con chó bị đàn ruồng bỏ” chỉ bởi một lẽ “cha của Quý Anh là lão địa chủ nòi”. “Sự ruồng rẫy của người đời đã in hằn trong tâm hồn nó nỗi mặc cảm rằng nó đang phải trả nợ cho những việc bố nó từng làm” [4, tr.113]. Tuy mới chỉ là một đứa trẻ nhưng Quý Anh đã có sự già dặn trước tuổi – một sự già dặn đến xót xa, đau đớn. Nó mang một khuôn mặt “tái mét”, mắt “trống rỗng, vô hồn câm lặng và nhẫn nhục”. Có thể nói, chính lòng thù hận, cơn khát trả thù của người lớn đã cướp đi tuổi thơ hồn nhiên, trong trẻo của những đứa trẻ như cậu Tư, Quý Anh, Quý Hương… Không biết đến bao giờ lòng thù hận, sự ngu muội, tăm tối mới buông tha cho những con người vô tội, những nạn nhân đáng lẽ ra đến thế hệ của họ phải được biết đến ấm no, hạnh phúc, tình yêu thương, che chở, nâng niu của cộng đồng.

Viết về những nạn nhân của thù hận, Tạ Duy Anh muốn gửi gắm một thông điệp: con người cần phải bước qua lời nguyền, vượt lên thù hận để tiến tới một tương lai tốt đẹp hơn. Và giải pháp mà nhà văn đưa ra là dùng tình yêu để xóa đi thù hận: “Cậu và tôi … và những mùa vàng rực nắng, chúng ta cùng là con đẻ của một cuộc đời không thù hận” [4,tr.66]. Câu nói của Quý Anh phải chăng cũng chính là “lời khẩn nguyện dâng lên từ mặt đất”. Tình yêu như những mầm xanh dịu ngọt làm tươi mát tâm hồn con người, xoa dịu đi nỗi đau thù hận từ bao thế hệ. Nó giúp con người ta có đủ sức mạnh để “băng qua cả ngàn năm để viết lại một truyền thuyết”. Sử dụng mô típ Tình yêu và Thù hận, Tạ Duy Anh muốn khẳng định sức mạnh của tình yêu trong việc cứu rỗi tâm hồn con người. Trong Bước qua lời nguyền mối tình trong sáng giữa cậu Tư và Quý Anh được nảy nở và nuôi dưỡng ngay trong lòng những định kiến. Thế nhưng tình yêu ấy không rơi vào bi kịch mà ngược lại nó lại có sức mạnh cứu rỗi hai dòng họ đang quầy quật nhau trong u mê, thù hận và tội ác. Trong tác phẩm, nhân vật “tôi” – cậu Tư, đã hơn một lần “bước qua lời nguyền” để bảo

vệ tình yêu của mình. Thuở nhỏ, cậu cởi trói cho Quý Anh khi đang bị trói vào cọc phi lao và cùng chạy trốn. Đến tuổi thiếu niên, cậu sẵn sàng lao vào những cuộc cãi vã với bố mình để bênh vực Quý Anh, thẳng thắn thừa nhận tình yêu của mình với mẹ. Và điều lớn nhất trong tình yêu của nhân vật cậu Tư dành cho Quý Anh là một sự can đảm bước qua mọi lời nguyền độc địa của “mảnh đất chết tiệt”. Cậu thừa nhận tình cảm của mình, chính là bước qua lời nguyền dòng họ (“Còn làng Đồng thì còn mối thù với thằng Hứa và con cháu hắn”), lời nguyền của của cả làng Đồng (Trai gái trong làng không được phép lấy nhau) và vượt qua sự thù hận để bảo vệ tình yêu của mình. “Tôi và Quý Anh, hai kẻ trong trắng như nhau, tội lỗi như nhau đã bước qua lời nguyền đã ân xá cho nhau trong sự chứng kiến của các thiên thần” [4, tr.80]. Tình yêu của họ không chỉ có ý nghĩa xóa bỏ thù hận giữa hai dòng họ mà còn thay đổi cách nghĩ, cách hành xử của người dân làng Đồng. “Bước qua lời nguyền” chính là bước qua những định kiến sai lầm, những nhận thức công thức, phiến diện về con người. Tạ Duy Anh đã nói rất nhiều về thù hận nhưng không phải để thù hận nhiều hơn mà là mong muốn về sự tha thứ trong mỗi con người, để tương lại sáng sủa hơn, con người đối xử với nhau công bằng hơn, nhân văn hơn.

Dùng tình yêu để xóa đi thù hận chính là chủ ý của nhà văn khi xây dựng tác phẩm. Nhà văn muốn gửi gắm thông điệp đến các thế hệ tương lai hãy sống bứt phá, loại bỏ những hủ tục lạc hậu, những định kiến chết người để cùng nhau mang khát vọng “bước qua lời nguyền”. Đó là ý nghĩa nhân bản sâu sắc trong các tác phẩm của Tạ Duy Anh. Mặc dù các nhân vật chịu sự ruồng bỏ của gia đình, dòng tộc, dân làng nhưng họ đã dũng cảm vượt qua tất cả để bảo vệ tình yêu, vươn tới tự do, hạnh phúc. Vì vậy các nhân vật trong tác phẩm của Tạ Duy Anh bên cạnh là nạn nhân của thù hận, họ cũng là những nhân vật của khát vọng tự do và tình yêu chân chính.

Xem tất cả 104 trang.

Ngày đăng: 27/10/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí