mình, nó luôn sợ hãi nhìn xung quanh, chiếc mũ rơm bao giờ cũng che sụp gần hết mặt” [4, tr.51]. Sự nhẫn nhục, cam chịu ấy chính là lời tố cáo đanh thép những định kiến hẹp hòi, những suy nghĩ ấu trĩ, sai lầm một thời của người dân làng Đồng.
Chân dung – ngoại hình cũng được nhà văn sử dụng để miêu tả những nhân vật là nạn nhân của thù hận và bi kịch. Xuất hiện nhiều trong những trang văn của Tạ Duy Anh là chân dung của những con người khổ đau, bế tắc vì những mối hận thù truyền kiếp. Dấu ấn của thời gian, những ám ảnh thù hận trong quá khứ đã in hằn trên gương mặt họ. Nhân vật người cha trong Bước qua lời nguyền được tác giả miêu tả: “Tóc ông bạc như cước, xơ xác trên chiếc trán bị thời gian đào rãnh lô xô”. “Mặt ông bị vò nát bởi hàng trăm nếp gấp khắc nghiệt. Trên khuôn mặt ấy tôi thấy lại cái quá khứ vật vã đẫm máu và nước mắt mà bố tôi vừa căm ghét vừa hãnh diện. Trên khuôn mặt ấy như vừa thoáng hiện hình ảnh ông tôi, chú tôi, bị xé nát trong tiếng kêu cứu tuyệt vọng” [4, tr.81]. Người cha trong Vòng trầm luân trần gian cũng có khuôn mặt “bị vằm nát bởi hàng trăm ý nghĩ không được giải tỏa” [4, tr.84], vẻ mặt của người cha trong Ngôi nhà của cha tôi toát ra “nỗi khổ tâm ghê gớm”, lão Đình trong Tội tổ tông lại có “khuôn mặt nhăn nhúm hệt pho tượng Tuyết Sơn”... Qua cách miêu tả của nhà văn, người đọc có thể hình dung được sự khổ đau, dằn vặt trong từng suy nghĩ, luôn ám ảnh, đeo đẳng họ suốt cả cuộc đời khiến họ không có được một phút giây thanh thản. Những khuôn mặt khắc khổ của họ chính là hiện thân cho những nỗi đau khổ của kiếp người trong “vòng trầm luân trần gian”. Mặc dù các nhân vật không phải không có lúc nhận ra những ấu trĩ, sai lầm nhưng họ không có đủ sức mạnh để “bước qua lời nguyền” vượt qua những u mê tăm tối. Họ cứ mãi trăn trở, dằn vặt nhưng rồi cũng không tìm ra được lối thoát cho chính mình. Và kết quả, họ mãi mãi là những nạn nhân của thù hận, của bi kịch.
Khai thác con người trong đời sống hiện đại, Tạ Duy Anh cũng dựng nên những chân dung điển hình gắn với quan niệm của nhà văn về sự tha hóa của con người trong xã hội. Dưới ngòi bút của nhà văn, chân dung của những kẻ hám danh, hám lợi vì những lợi ích trước mắt mà bất chấp tất cả, đánh mất bản ngã của chính mình hiện lên thật thảm hại. Đó là viên thư kí Bùi Bằng Hữu với vẻ ngoài: “dong dỏng cao, mặt mũi nhợt nhạt, thiếu đường nét có thể đâm thủng những tâm hồn dễ xúc động nhất bằng ấn tượng. Anh ta rất sợ tiếng động, tâm thần dễ hoảng loạn. Bệnh nghề nghiệp còn in đậm trên cơ thể anh ta ở dáng đi hơi khom về phía trước” [2, tr.216]. Chỉ bằng một vài chi tiết mà nhà văn đã tái hiện trước mắt người đọc hình ảnh của một kẻ hám danh, hám lợi, vì ham muốn tiến thân mà sẵn sàng “khom lưng uốn gối” bị “biến dạng” về hình dáng trở thành những quái nhân, dị dạng.
Nhân vật “chàng” trong truyện ngắnCon Ruồi được đặc tả với những chi tiết thật lố bịch, kệch cỡm. “Chàng” vốn xuất thân trong một hoàn cảnh bình thường nhưng lại thích giao du với tầng lớp bề trên nên “chàng cần phải được coi là một trí thức”. Ngoại hình của “chàng” được nhà văn quan sát, miêu tả khá hài hước: “Chàng có bộ mặt điển trai, hàng ria xén tỉa rất kĩ. (Thói quen tỉa râu chàng “cóp” được của một tài tử xi nê có biệt danh “người công phá các thành trì” mà chàng quen ở quán rượu nghệ sĩ). Chàng ăn mặc rất mốt, theo thẩm mĩ của giới thượng lưu hiện đại. Nó gồm đủ cả: Sự thiếu mực thước của nghệ sĩ, sự nghiêm trang của chính khách, chút chút kiểu cách kí giả. Điệu bộ của chàng y hệt nhà ngoại giao. Tóm lại chàng là món nộm hợp thời trang và ưa thích của các bà mà phẩm chất luôn luôn phải tương xứng một cách quá sức với vị thế” [2, tr.260]. Qua cách miêu tả này, nhà văn bộc lộ thái độ mỉa mai, châm biếm với một bộ phận trí thức giả danh đang tồn tại trong xã hội.
Như đã nói ở trên, miêu tả ngoại hình không phải là thủ pháp chính của Tạ Duy Anh trong việc miêu tả nhân vật. Nhưng với những gì mà nhà văn đã thể hiện trong miêu tả ngoại hình các nhân vật đã cho thấy Tạ Duy Anh là cây bút
rất có tài năng. Chỉ bằng một vài đoạn ngắn, thậm chí chỉ một vài câu, tác giả đã dựng dậy một cách sống động ngoại hình nhân vật, qua đó thể hiện quan niệm, thái độ, sự đánh giá của mình về nhân vật đó. Điều này cho thấy một phong cách truyện ngắn sắc sảo đến tinh quái của Tạ Duy Anh.
2.3.2. Xây dựng nhân vật qua hành động
Hành động thường biểu hiện tính cách nhân vật. Do đó nó là một trong những phương diện cơ bản để miêu tả, khắc họa nhân vật. Trong Truyện Kiều, chỉ thông qua một chi tiết miêu tả hành động của Mã Giám Sinh “Ghế trên ngồi tót sỗ sàng” mà Nguyễn Du đã làm nổi bật rất rõ những nét bản chất của nhân vật này. Đối với thể loại tự sự nói chung và truyện ngắn nói riêng, hành động là yếu tố quan trọng giúp nhà văn xây dựng nhân vật.
Trong thế giới nhân vật của Tạ Duy Anh xuất hiện những nhân vật có cá tính, mong muốn cải tạo hiện thực. Họ đều là nạn nhân của lòng thù hận và những cấm đoán phi lí. Họ mang trong mình khát vọng thay đổi, ước mơ vươn tới một cuộc sống tràn ngập yêu thương nhưng lại bị thù hận kìm hãm, đè nén, luôn phải sống trong tình trạng dằn vặt, khổ đau. Các nhân vật “tôi” trong Bước qua lời nguyền, Vòng trầm luân trần gian, Truyền thuyết viết lại, Luân hồi, Hóa kiếp… luôn cố gắng hành động để cải tạo hiện thực, luôn vùng vẫy để chống trả lại những quan niệm phi nhân, phi lí. Không ít lần nhân vật “tôi” trong Bước qua lời nguyền đã cãi vã, tranh luận với cha mình để bảo vệ Quý Anh, khẳng định tình yêu chân chính của mình. “Tôi” trong Truyền thuyết viết lại đã có lần “làm náo loạn cả làng khi hét lên: “Đàn ông trong đất này chả ra gì” để bảo vệ chị Thư… Và hành động chống trả quyết liệt nhất của họ là bỏ làng ra đi, thoát khỏi sự ngột ngạt, bế tắc. Họ ra đi với hi vọng tìm kiếm sự đổi thay, mang lại chút ánh sáng của yêu thương, hi vọng xóa đi những u mê, tăm tối vì định kiến, thù hận. Sau bảy tám năm lang thang, phiêu bạt gần khắp các xứ sở, nhân vật “tôi” trong Truyền thuyết viết lại trở lại làng Đồng với một quyết định bất ngờ: “Tôi nhẩm tính: năm nay chị Thư ba sáu, chưa phải đã già
mà tôi tuy mới ba mươi cũng không còn trẻ nữa. Chúng tôi sẽ băng qua cả ngàn năm để viết lại một truyền thuyết. Không, tất cả vẫn nguyên vẹn – sự mê đắm và những giấc mơ thiên thần. Chỉ cần thêm vào đó lòng dũng mãnh. Tôi cả quyết bước về phía nhà chị Thư với ý nghĩ, hẳn là trời đã mách bảo cho ngày tôi trở về” [2, tr.319]. Đó là sự lựa chọn khó khăn nhưng không kém phần quyết liệt. Nó thể hiện một “cái tôi” đầy bản lĩnh, với nhiều khát vọng tự do, tìm kiếm con đường tự giải phóng.
Có thể bạn quan tâm!
- Sự Đổi Mới Quan Niệm Nghệ Thuật Về Con Người Trong Văn Học Sau Năm 1975
- Nhân Vật Mang Bi Kịch Của Sự Tha Hóa
- Nhân Vật Đối Diện Với Những Ẩn Số Về Thời Thế Và Nhân Thế
- Sự Dịch Chuyển Và Đan Cài Điểm Nhìn Trần Thuật
- Truyện ngắn Tạ Duy Anh nhìn từ thi pháp thể loại - 10
- Ngôn Ngữ Đối Thoại Và Độc Thoại Nội Tâm
Xem toàn bộ 104 trang tài liệu này.
Bản tính cương nghị, thẳng thắn của chú Hổ trong Vòng trầm luân trần gian cũng được thể hiện qua những hành động mạnh mẽ, táo bạo: “Ở đầu làng có chiếc gò rắn thấy bảo thiêng lắm. Mỗi năm gò rắn được đắp thêm một lớp đất, lù lù như chiếc mả voi. Mấy ông cán bộ làng còn cho vào sổ chi cả khoản tế thần xà” [4, tr.87]. Chú Hổ thấy “ngứa mắt”, quyết tâm tìm cho ra sự thật. Chú “nai nịt như thợ phòng độc, quật một thôi mười ngày đi bay cái gò rắn”. Không chỉ có thế, chú Hổ còn “chết tại cái miệng”. “Thấy cái gì trái mắt chú cứ nói chẻ hoe ra” [4, tr.87]. Chính vì vậy chú bị cánh chức sắc trong làng liệt kê vào “phần tử nguy hiểm”. Chú trở thành nạn nhân cho sự đấu đá, trả thù. Một mình chú đơn độc trên con đường tìm kiếm những giá trị tốt đẹp của cuộc sống. Chú không đủ sức chống trả lại những thủ đoạn thâm hiểm của cánh ông Hương nên đành bất lực trước thời cuộc. Thế nhưng tâm trạng bất mãn, khổ đau vẫn luôn thường trực trong con người chú. Mặc dù đã “đội mũ che tai” trước mọi chuyện nhưng chú vẫn không thôi dằn vặt, đau khổ. “Để không phải nghe tiếng rên xiết của chúng sinh, chú Hổ tìm đến rượu. Chú uống li bì, uống như đốt ruột đốt gan. Người chú ướt đẫm rượu. Có hôm người ta thấy chú trần truồng vừa chạy vừa ngửa mặt hú lên trời, chú chửi trăng, chửi sao cứ sáng một cách vô tâm, không biết mặt đất âm u, nhầy nhụa. Chú tâm sự chuyện đời với con bò. . . Có lần, trước mặt bố tôi, chú ôm mặt khóc rưng rức” [4, tr.90]. Qua một loạt những hành động ấy, chứng tỏ chú Hổ là con người chính trực,
ngay thẳng, luôn mang khát vọng cải thiện hiện thực nhưng đành bất lực trước thời cuộc.
Viết về chân dung con người trong đời sống hiện đại, Tạ Duy Anh tỏ ra rất tinh quái trong việc quan sát đối tượng, cho nên ông có thể “điểm trúng huyệt” tính cách, bản chất của từng loại người thông qua hành động của họ. Trong truyện ngắn Con vẹt, mặc dù nhà văn đã dùng rất nhiều những “mỹ từ” để ngợi ca tài đức của giáo sư Bạch, nhưng bản chất thực sự của “vị giáo sư đáng kính” này vẫn bị lật tẩy ngay trong những hành động rất thiếu văn hóa của mình: “Ông rất hay ngoáy mũi, móc răng đưa lên ngửi ngay cả khi đang nói chuyện trước đám đông” [2, tr.6]. Sự lố lăng, rởm đời của nhân vật “Chàng” trong truyện ngắn Con Ruồi cũng được thể hiện qua một loạt những hành động: “Chàng đi tới đi lui, bắt tay, vỗ vai, hôn gió, gật đầu, hello, xin mời, ấy chết, không dám, tuyệt vời…” [2, tr.264]. Một loạt những cử chỉ, lời nói kiểu cách được đặt liền kề nhau khiến “chàng” càng trở nên lố bịch.
Tâm trạng cô đơn của các nhân vật trong Luân hồi cũng được nhà văn miêu tả qua những hành động rời rạc. Họ là những thành viên trong một gia đình nhưng không mấy khi giao tiếp với nhau. Điều để chứng tỏ sự tồn tại của họ chủ yếu thông qua những hành động:
“Toàn bộ cuộc đối thoại của chúng tôi qua nhiều ngày cộng lại chỉ gồm: Bà tôi: đu đưa chân phải khi chân trái co lên
Bố tôi: vặn vẹo từ phần vai trở xuống
Mẹ tôi: đùa với bọ chó và nhìn mưa thở dài Tôi: mơ một thiếu nữ” [4, tr.185].
Những hành động rời rạc, thiếu sự liên kết ấy đã thể hiện rõ nỗi cô đơn của con người trong đời sống hiện đại. Họ không có sự giao tiếp, chia sẻ bằng ngôn ngữ mà chỉ có những hành động hờ hững, không mục đích.
Tóm lại, trong truyện ngắn Tạ Duy Anh, hành động nhân vật đã góp phần thể hiện tính cách, bản chất của nhân vật. Nó giúp người đọc có sự hình dung đầy đủ, trọn vẹn hơn về nhân vật.
2.3.3. Xây dựng nhân vật qua đời sống nội tâm
Đi sâu khai thác thế giới nội tâm chính là con đường mà văn xuôi tự sự hiện đại lựa chọn nhằm khám phá và thể hiện con người một cách chân thực và sâu sắc. Bởi thế giới nội tâm chính là nơi thể hiện rõ nét nhất bản chất thật sự của con người. Con người hiện đại hay giấu mình đi, hay tạo nhiều “mặt nạ” cho mình, nhiều khi họ “nghĩ một đằng nhưng làm một nẻo”, vì thế qua ngoại hình, diện mạo, nhiều khi không thể thấy được chuẩn xác bản chất đích thực của con người. Cho nên, chỉ có thể hiểu và diễn tả con người một cách đích thực khi khám phá và biểu đạt thế giới nội tâm của họ.
Trong truyện ngắn Tạ Duy Anh xuất hiện nhiều nhân vật với những diễn biến tâm lí phức tạp. Họ luôn phải sống trong trạng thái tinh thần căng thẳng, luôn phải cố gồng mình lên để chống chọi với những biến đổi của thời cuộc. Nhà văn thường đặt nhân vật vào trong những tình huống lựa chọn căng thẳng, qua đó hé mở về cuộc đời, tính cách, số phận nhân vật. Nhân vật “tôi” trong Bước qua lời nguyền luôn bị dằn vặt trong sự lựa chọn giữa tình yêu và thù hận, giữa hạnh phúc riêng tư và nghĩa vụ trả thù. Chính vì vậy, “tôi” luôn phải sống trong tình trạng ngột ngạt, căng thẳng, phải gồng mình lên để “che chắn tứ bề”, phải sống sao cho “ba vuông bảy tròn giữa những con người luôn cứng đờ vì thiên kiến”. Ngay cả khi lựa chọn tình yêu, “tôi” cũng không tránh được trạng thái tâm lí dằn vặt, đau khổ: “Một đêm nào đó, tôi úp mặt lên gối khóc nức nở, quằn quại trong nỗi ân hận đành mang tội với ông và chú Hai tôi” [4, tr.66].
Nhân vật “tôi” trong Vòng trầm luân trần gian cũng được xây dựng chủ yếu qua đời sống nội tâm. Nhà văn không chú trọng miêu tả ngoại hình nhân vật mà chủ yếu hướng tới những suy nghĩ sâu sắc của nhân vật về cuộc đời:
“Con người thật khốn khổ. Đời nọ làm tội đời kia, người này làm tội người khác… tạo thành cái vòng trầm luân ngay trên trền gian” [4, tr.97]
Trong truyện ngắn Tạ Duy Anh đời sống nội tâm nhân vật thường được thể hiện rõ trong những hồi ức, hoài niệm. Các nhân vật của ông thường sống trong tâm trạng hồi tưởng về quá khứ với những suy tư, trăn trở về một thời “huy hoàng” nhưng cũng đầy đau khổ. Lão Đình trong Tội tổ tông Lão Quán trong Gã Thọt, nhân vật “nguời cha” trong Một câu chuyện cười, Ngôi nhà của cha tôi …đều có những suy nghĩ, ám ảnh về quá khứ. Qua thế giới nội tâm đầy ẩn ức ấy, người đọc hiểu hơn về số phận con người trước những biến cố thăng trầm của lịch sử.
Khảo sát truyện ngắn Tạ Duy Anh có thể nhận thấy, nhà văn ít chú ý miêu tả ngoại hình nhân vật mà chủ yếu khắc sâu đời sống nội tâm nhân vật. Thông qua những diễn biến tâm lí, nhân vật hiện lên chân thực, sống động và có chiều sâu. Bằng việc khai thác thế giới nội tâm nhân vật, Tạ Duy Anh tỏ ra là nhà văn có biệt tài trong việc nắm bắt tâm lí con người, khả năng quan sát miêu tả tinh tế, thấu suốt chiều sâu tâm hồn con người.
Như vậy, qua việc tìm hiểu nghệ thuật xây dựng nhân vật trong truyện ngắn Tạ Duy Anh (từ miêu tả chân dung, ngoại hình, hành động, đến khai thác thế giới nội tâm) có thể khẳng định Tạ Duy Anh là nhà văn rất sắc sảo trong cảm nhận và miêu tả về con người. Điều đó phần nào lí giải sự hấp dẫn mạnh mẽ của những trang truyện ngắn của ông. Tạ Duy Anh thực sự đã mê hoặc người đọc bằng phong cách văn chương độc đáo và tinh tế của mình.
Chương 3
NGHỆ THUẬT TRẦN THUẬT
TRONG TRUYỆN NGẮN TẠ DUY ANH
Trần thuật là phương diện cơ bản của phương thức tự sự. Nó có tác dụng soi sáng nội dung tư tưởng và thể hiện sự sáng tạo độc đáo cả nhà văn. Nghệ thuật trần thuật được thể hiện trên nhiều phương diện, tuy nhiên trong khuôn khổ của một luận văn thạc sĩ, chúng tôi không đủ điều kiện để khảo sát được tất cả các phương diện của nghệ thuật trần thuật trong truyện ngắn Tạ Duy Anh mà chỉ tập chung vào một số phương diện nổi bật như: điểm nhìn trần thuật, kết cấu trần thuật, ngôn ngữ và giọng điệu trần thuật.
3.1. Điểm nhìn trần thuật
“Điểm nhìn trần thuật chính là vị trí mà từ đó người trần thuật nhìn ra và miêu tả sự vật trong tác phẩm” [29, tr.113]. Nó là yếu tố vô cùng quan trọng trong sáng tạo nghệ thuật, góp phần đáng kể vào sự thành công của tác phẩm và góp phần khắc họa nên chân dung sáng tạo của nhà văn.
Đối với văn học Việt Nam trước đây, nghệ thuật tổ chức điểm nhìn trần thuật dường như là điều không cần thiết. Bởi hầu hết các tác phẩm tự sự đều được trần thuật bởi một điểm nhìn duy nhất – điểm nhìn người kể chuyện, và người kể chuyện này luôn đồng nhất với nhà văn. Tác phẩm luôn vang lên một tiếng nói duy nhất, phê phán hay ngợi ca đều được định hướng bởi quan điểm của tác giả, chịu sự chi phối của tư tưởng chủ đề tác phẩm.
Cùng với quá trình đổi mới văn học, các nhà văn Việt Nam bắt đầu nói về hiện thực phức tạp, chưa hoàn thiện với cái nhìn từ nhiều phía. Một số tác phẩm thành công với nghệ thuật trần thuật đa tuyến, tạo nên tính đối thoại, cởi mở giữa các tư tưởng khác biệt, thậm chí đối lập nhau.
Khảo sát truyện ngắn Tạ Duy Anh, chúng tôi nhận thấy có một số kiểu điểm nhìn trần thuật sau: