Truyện Kiều nhìn trong hệ thống tiểu thuyết tài tử giai nhân - 17

vì vậy có thể dẫn đến những câu chuyện tình yêu tự do đích thực. Tiêu chí tình yêu ở đây khác với truyền thống, họ không sống cho gia đình, dòng tộc, không sống trong vòng kiềm toả của lễ giáo, quan hệ dựa trên tiền bạc giữa họ không còn nữa mà chỉ có một tiêu chí duy nhất là đồng cảm, là tình yêu, là sống cho bản thân. Do vậy chúng ta thấy rất rõ mối tình của Thúc Sinh và Thuý Kiều nảy sinh từ cơ chế này, hay nói cách khác nó chính là sự thăng hoa từ “tính” đến “tình”, cơ chế của sự thăng hoa đó là niềm đồng cảm giữa họ. Như vậy, chính môi trường lầu xanh và quan hệ kĩ nữ và tài tử là có tình yêu đích thực và hiện thực duy nhất trong xã hội truyền thống. Như trên chúng tôi đã trình bầy, xã hội Việt Nam thời kỳ này, kĩ nữ xuất hiện ngày càng nhiều và việc kĩ nữ đi từ “hiến nghệ” đến “hiến thân” cho các tài tử là chuyện hoàn toàn bình thường. Nguyễn Du miêu tả mối tình tự do Thuý Kiều và Thúc Sinh là bắt nguồn từ hoàn cảnh thực tế của xã hội Việt Nam thời kỳ này. Như vậy, ông lấy hiện thực cuộc sống làm đối tượng nghệ thuật.

Nhưng Nguyễn Du không chỉ miêu tả, ngợi ca mối tình Thuý Kiều -Thúc Sinh mà dường như ông còn thường xuyên nhắc nhở Kiều một mối đe doạ ghê gớm đến từ Hoạn Thư. (Dễ dò rốn bể, khôn lường đáy sông; lại mang những việc tày trời về sau). Mối lo lắng này chỉ thực sự bắt đầu từ nhu cầu Thúc Sinh muốn cưới Thuý Kiều làm Thiếp. Nếu Kiều lấy Thúc Sinh thì thân phận Thuý Kiều chuyển từ kĩ nữ trở thành thiếp, danh giá hơn. Nhưng cũng chính từ đây mối lo tiềm thức luôn bám riết lấy Kiều. ở đây chúng tôi dừng lại một chút nói về mối quan hệ giữa thê thiếp trong xã hội truyền thống. Thê làm nhiệm vụ và được vinh dự là sinh con trai cho gia đình nhà chồng. Đồng nghĩa với nhiệm vụ này là quyền lực của thê cũng được tăng thêm. Thê có quyền to nhất trong quan hệ với thiếp, lẽ của chồng và thậm chí có quyền nhất định đối với chồng. Quyền đó thể hiện ở chỗ có toàn quyền dạy bảo thiếp, hoặc lẽ. Thê còn có tiếng nói nhất định trong việc đồng ý cho chồng lấy thiếp lẽ, nhưng với điều kiện phải công khai và hỏi qua ý kiến vợ. Thiếp lẽ phải phục vụ cả phu và thê. Nếu thê không sinh được con trai mà thiếp hoặc lẽ sinh được con trai thì quyền nuôi dạy thuộc về thê chứ không thuộc về thiếp hoặc lẽ, cho dù thiếp lẽ đẻ ra. Đồng nghĩa với quyền của thê lớn như vậy thì thiếp hoặc lẽ hầu như không có quyền

hành gì. Trong quan hệ với chồng, về cơ bản chỉ phục vụ nhu cầu “tính” của người chồng mà thôi, bởi sinh con đã có thê lo. Do vậy quan hệ giữa thiếp lẽ với chồng về bản chất là quan hệ giữa chủ và nô, giữa chủ và bộc. Nhưng đau khổ hơn nữa là nếu thiếp có sinh được con trai mà thê không sinh được con trai thì con trai của thiếp, thiếp không được phép nuôi, thậm chí không được mắng mỏ, toàn quyền nuôi dạy thuộc về vợ cả. Vì thế hệ quả đau xót là con mình không biết mình sinh ra, lại không có quyền hành với nó. Đặc biệt, bất nhân nhất là con mình còn có thể mắng chửi lại mình ( dẫn theo Trung Quốc đích nam nhân hòa nữ nhân, Dịch Trung Thiên chủ biên, Thượng Hải văn nghệ xuất bản hội, năm 2008 tr.130 ). Vấn đề này trong gia đình quyền quý thì càng nghiêm trọng. Trong Hồng lâu mộng, chúng ta từng thấy người tình của Giả Liễn phải chết như thế nào. Trong Truyện Kiều, Hoạn Thư lại là con quan Lại Bộ Thượng Thư trong triều. Việc trừng phạt Kiều và Thúc Sinh chẳng qua là thể hiện quyền hành của mình và vai trò vợ chính thức của Thúc Sinh mà thôi, đồng thời gửi thông điệp đến Kiều là thiếp thì phải chấp nhận cảnh làm thiếp, đừng tự ý qua mặt thê - vợ chính thức. Điều này cho chúng ta lý giải tại sao Kiều luôn lo sợ tai hoạ đến từ Hoạn Thư và quả thật tai hoạ đã đến. Thời gian này, Kiều có sự mâu thuẫn rất lớn giữa ý thức và tiềm thức. Về lý trí, Kiều chấp nhận tất cả để được sống với Thúc Sinh, đương nhiên với thân phận làm thiếp. Nhưng từ trong tiềm thức, Kiều không yên tâm với lối sống “bưng mắt bắt chim”. Kiều chưa từng sống qua cảnh làm lẽ, có thể Kiều hiểu hậu quả của nó, nhưng lo lắng của Kiều cho ta thấy nó như một người chí ít cũng là đã từng chứng kiến qua cảnh đó. Chúng tôi cho rằng, Nguyễn Du nói bằng nỗi sợ hãi từ trong tiềm thức của Nguyễn Du, bởi mẹ ông là lẽ trong gia đình có quyền thế bậc nhất thời bấy giờ và nó không khác mấy gia đình Hoạn Thư (chúng tôi sẽ nói rõ hơn ở phần dưới). Càng thuyết phục hơn nữa là vấn đề này còn nằm trong mạch lôgíc của nó khi “báo ân báo oán” Kiều tha bổng cho Hoạn Thư, trong khi nguyên tác lại miêu tả Kiều cho lột hết quần áo Hoạn Thư. Điều này chứng tỏ Nguyên Du ý thức rất rõ mối quan hệ, quyền và bổn phận giữa thê thiếp. Ông hiểu hành động của Hoạn Thư là xuất phát từ, không chỉ là “thói nữ nhi thường tình" mà còn là thể hiện vai trò của thê trong gia đình quyền quý. Và rõ ràng Kiều là người hiểu và

ửng xử đúng đắn nhất khi tha cho Hoạn Thư, bởi xét về bản chất, Hoạn Thư không có dã tâm hại Kiều, để cho Kiều một lối thoát. Chúng tôi đồ rằng, người mẹ Nguyễn Du là vợ lẽ của cụ Nguyễn Nghiễm hẳn có ám ảnh nhiều tới ông. Bởi chúng ta nhìn lại sáng tác bằng chữ Hán của ông. Độc Tiểu Thanh ký, Tiểu Thanh là vợ lẽ, ông khóc cho Tiểu Thanh, Dương Quý Phi là phi của Đường Huyền Tôn, oan ức, bị cả chiều đình đổ oan, Kiều là vỡ lẽ của Thúc Sinh và cuối cùng lại là thiếp, lẽ, đóng vai phụ của chính người tình cũ của mình Kim Trọng. Dường như, hầu hết những nhân vật nữ mà chúng tôi vừa nêu trên họ đều “đóng vai phụ”. Mẹ Nguyễn Du đóng vai phụ trong gia đình quyền quý, Tiểu Thanh đóng vai phụ, Đạm Tiên đóng vai phụ (Sống làm vợ khắp người ta, hại thay thác xuống làm ma không chồng), đặc biệt là Kiều đóng vai phụ cho chính người yêu và em gái mình. Cảm nghiệm được điều này có lẽ do chính ông cũng là vai phụ trong gia đình quyền quý. Nếu nhìn theo tiêu chí này thì Dương Quý Phi cùng tiêu chí với Tiểu Thanh, Kiều. Nhìn rộng ra văn học giai đoạn này, Hồ Xuân Hương uất ức với thân phận làm thiếp : Làm lẽ, Lấy chồng chung, Khóc ông Tổng Cóc….Cung oán ngâm khúc, cung nữ thân phận còn thấp hơn phi, thiếp nhưng cùng bản chất là phục vụ nhu cầu tính dục cho ông vua. Rõ ràng, thê thiếp là vấn đề nóng của thời đại Nguyễn Du sống.

Như vậy, Nguyễn Du không nhìn con người trên quan điểm truyền thống, phê phán con người từ quan điểm đạo đức. Bởi nếu nhìn con người theo quan điểm đạo đức, ân trả ân, oán báo oán thì chắc chắn Nguyễn Du bám sát nguyên tác để Kiều hành hạ Hoạn Thư cho hả giận. Nhưng ngược lại ông tha bổng cho Hoạn Thư. Hơn nữa, Thúc Sinh nhìn từ con người đạo đức thì rất bạc nhược, nhưng nhìn từ con người tự nhiên thì Thúc Sinh là người mà Nguyễn Du vẫn gọi là tài tử “thật là tài tử giai nhân - Châu Trần còn có Trâu Chần nào hơn”. Rõ ràng, quan niệm về cái đẹp đến Nguyễn Du đã thay đổi. Đẹp là khi con người ta là con người thật, sống với tình yêu thật và cảm xúc thật, và đương nhiên tình yêu đó không thể thiếu thân xác. Cái đẹp là khi con người cởi trói khỏi những giáo lý, sống bằng và với cảm xúc tự nhiên, nhân bản của con người.

Hiện thực hoá tình yêu tài tử giai nhân là mô hình kết cấu hằng định ba bước và bước cuối cùng là đại đoàn viên. Đây là mô hình lý tưởng, trong đó đại đoàn viện là hoàn hảo nhất, tài tử giai nhân được sống trong tình yêu trọn đời. Nó sẽ là mô hình trọn vẹn nếu tài tử giai nhân của nó là những tài tử và giai nhân lý tưởng nhất. Kiều không còn là giai nhân tầng lớp trên, sắc đẹp, tài hoa, quanh năm ngày tháng đàn hát làm thơ, chờ tài tử đến nữa, Kiều là một kĩ nữ. Tài tử không còn thuần tài tử nữa, tài tử đa dạng hơn, tài tử tài hoa có, phong lưu có, anh hùng có…Hệ thống nhân vật lý tưởng trung tâm thay đổi, đương nhiên mô hình tự sự cố định tồn tại nghìn năm, cùng tư duy cố hữu ăn vào tiêm thức nghìn năm cũng dần thay đổi theo. Từ trong hiện thực, trên bình diện hình thức, mô hình tự sự, Nguyễn Du cố “gò” theo nguyên tác và tư duy tiểu thuyết tài tử giai nhân và truyện thơ tài tử giai nhân truyền thống nhưng từ trong vô thức, mô hình truyền thống này, tư duy truyền thống này đã bị “bẻ cong”, sụt đổ. Nếu trước đây mô hình tự sự là : nhất kiếm chung tình (vừa gặp đã yêu) - tiểu nhân phá hoại - đại đoàn viên, thì mô thức này biến đổi, nhất kiến chung tình - tiểu nhân phá hoại - giả đoàn viên (đoàn viên bi kịch) ( phần trên chúng tôi đã dẫn chứng và chứng minh nhiền lần nên xin không trích dẫn nữa, đoạn cuối tuy đoàn viên nhưng sắc thái chua xót, nhục nhã ê chề là rất rõ, trong khi Kim vân Kiều truyện nặng về mô tả hành động tình tiết). Theo chúng tôi, ông lựa chọn Kim Vân Kiều truyện, nhân vật kĩ nữ là lựa chọn tất yếu, (chúng tôi đã trình bầy ở trên), nên bi kịch trong Truyện Kiều là bi kịch mà ông đã lường trước, và bi kịch này cho thấy sự nhất quán trong tư duy Nguyễn Du: hệ thống nhân vật nữ trong tác phẩm của ông đều bất hạnh, bi kịch: cô Cầm bất hạnh, Tiểu Thanh chết yểu, Đạm Tiên chết yểu, người mẹ ông chết trẻ, co gái gày đàn ở La Thành, những cô gái: “liều tuổi xuân buôn nguyệt bán hoa” (Chiêu hồn)…Kiều nằm trong hệ thống nhân vật bi kịch này, đặc biệt liên hệ với sự bất hạnh trong cuộc đời ông, Truyện Kiều kết thúc bi kịch là tất yếu. Hơn nữa, nếu nhìn kết thúc của mô hình này trong tâm thức truyền thống (chúng tôi đã trình bầy trong phần : số phận của tài tình), tức là bi kịch tình yêu Mĩ Châu - Trọng Thuỷ, Trương Chi, Quan ÂÂm Thị Kính.. thì mô hình kết thúc bi kịch của Nguyễn Du thuộc hệ thống này, và nó dường như là sự trở lại của tâm thức bi kịch truyền thống.

Chính việc phá vỡ tư duy truyền thống tiểu thuyết tài tử giai nhân và truyện Nôm tài tử giai nhân làm Truyện Kiều bất hủ. Bởi mô hình tình yêu lý tưởng, đại đoàn viên là mơ ước, nó không thực tế, tình yêu nhiều bất hạnh, bi kịch là thực tế của thời đại Nguyễn Du. Thực chất cái đẹp là cái kết thúc không hoàn hảo, nó đẹp vì nó đúng với thực tế, tình yêu đẹp vì tình yêu hoà hợp cả văn hoá và bản năng, bi kịch tình yêu với người phụ nữ cũng là thực tế. Quan niệm của Nguyễn Du bắt nguồn từ chiêm nghiệm, nghiêm sinh từ chính cuộc đời ông, gia đình, người mẹ ông, thời đại, tâm thức dân tộc, văn chương sách vở và cả thực tế khi ông đi sứ Trung Quốc. Ông không lấy lý tưởng làm hiện thực nữa, mà lấy hiện thực làm đối tượng nghiệm sinh, đối tượng nghệ thuật. Chính vì vậy Kiều của ông mãi đẹp tự nhiên. Nguyễn Du cũng như Tào Tuyết Cần đưa tình yêu về với mặt đất, sau một thời gian dài nó “thiên mã hành không”. Tóm lại, kết cấu trong tiểu thuyết tài tử giai nhân và truyện Nôm tài tử gian nhân là kết cấu lý tưởng, Kết cấu trong Truyện Kiều là kết cấu hiện thực. Nhân vật trong nhóm truyện tài tử giai nhân là lý tưởng, Kiều trong Truyện Kiều là nhân vật hiện thực - nhân vật quan trọng của hiện thực xã hội Việt Nam cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX.

Phần Kết luận


1. Vấn đề tiểu thuyết tài tử giai nhân Trung Hoa là vấn đề lớn, đã có nhiều công trình lớn của Trung Quốc đã và đang còn được tiếp tục nghiên cứu, do vậy, một phần tổng thuật nhỏ trong luận văn ( khoảng 50 trang) chắc chắn sẽ không thể đề cập sâu và toàn diện được. Nhưng với những gì nêu ra trong luận văn, đặc biệt là chương I, người viết thấy rằng nó thật sự là những kiến thức cập nhật, khá thú vị, cần thiết đối với những ai quan tâm đến tiểu thuyết tài tử giai nhân Trung Hoa, truyện Nôm Việt Nam và văn học trung đại Việt Nam, bởi lẽ nói cho cùng tiểu thuyết tài tử giai nhân Trung Hoa cũng là tiểu thuyết nguồn cho nhiều truyện Nôm lớn của Việt Nam. Do vậy theo người viết, muốn hiểu cho có cơ sở truyện Nôm tài tử giai nhân Việt Nam, ngoài nghiên cứu tỉ mỉ, khoa học nguồn tư liệu trong nước thì nguồn tư liệu không thể thiếu được là loại truyện tài tử giai nhân Trung Hoa.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 158 trang tài liệu này.

2. Từ trước nay, trong nhận thức chung của giới nghiên cứu đều thống nhất cho rằng Truyện Kiều có nhiều dấu ấn truyện tài tử giai nhân nhưng theo quan sát của chúng tôi chưa thấy có một bài viết và một công trình nào chứng minh Truyện Kiều là truyện tài tử giai nhân nhìn Truyện Kiều với tư cách là truyện tài tử giai nhân nhìn từ đặc trưng thể loại. Với việc nhìn Truyện Kiều từ đặc trưng thể loại tài tử giai nhân lần đầu tiên chúng tôi chứng minh dấu ấn tài tử giai nhân của Truyện Kiều từ đặc trưng của thể loại.

3. Tiếp cận vấn đề tài tử giai nhân Trung Quốc và Việt Nam từ góc nhìn liên văn bản, chúng tôi quan sát thấy rằng, câu chuyện Vương Thuý Kiều là một câu chuyện có thật, được ghi chép trong sử sách Trung Hoa, sau đó được các tác giả cải biên thành truyện, trong đó có Thanh Tâm Tài Nhân (xem thêm nghiên cứu câu chuyện Vương Thuý Kiều, thư mục tham khảo luận văn này). Như vậy, câu chuyện Thuý Kiều đã có từ trước trào lưu tài tử giai nhân Trung Hoa, đến khi trào lưu sáng tác tài tử giai nhân bùng phát, câu chuyện Thuý Kiều được tác giả Thanh Tâm Tài Nhân cải biên, sáng tạo thành câu chuyện tình yêu tài tử giai nhân. Cần nói ngay rằng, các học giả Trung Quốc đều thống nhất cho rằng Kim Vân Kiều truyện không phải là tác phẩm tầm thường mà là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất trong trào lưu tài tử giai nhân. Như vậy, Thanh Tâm Tài

Truyện Kiều nhìn trong hệ thống tiểu thuyết tài tử giai nhân - 17

Nhân có công sức sáng tạo rất lớn đưa một câu chuyện từ sự thật lịch sử biến thành một tác phẩm văn học nổi tiếng, mang đậm cảm hứng tài tử giai nhân. Gần đây ông Trần ích Nguyên còn cho rằng nó còn ảnh hưởng không nhỏ đến Hồng lâu mộng .

Xét Truyện Kiều của Nguyễn Du từ góc nhìn liên văn bản, chúng ta thấy rằng, từ câu chuyện tình đượm màu sắc tài tử giai nhân của Thanh Tâm Tài Nhân mà Nguyễn Du tiếp cận đến khi nó được cải biên đi thành Đoạn trường tân thanh thì màu sắc tài tử giai nhân tuy còn nhưng nhạt dần, thay vào đó là một cảm hứng khác, cảm hứng về thân phận người kĩ nữ, người ả đào, người vợ lẽ là vấn đề mang tính thời đại mà ông sống và trải nghiệm qua. Do vậy, nếu chúng ta kể lại hai câu chuyện Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân và Truyện Kiều của Nguyễn Du thì về cơ bản là như nhau, nhưng nếu đọc trực tiếp văn bản thì chúng ta thấy sắc thái tài tử giai nhân và sắc thái đau xót của thân phận kĩ nữ, ả đào, vợ lẽ là cực kỳ đậm nét. Do vậy, từ lâu người Việt yêu và đọc Truyện Kiều và coi đó là “quốc hồn” của dân tộc là vì lẽ mọi người Việt đều cảm nghiệm được những giọng điệu đau xót của nó. Còn người nước ngoài thực sự cầu thị muốn hiểu Truyện Kiều thì không còn cách nào khác là học và thẩm thấu được tiếng Việt.

Danh mục tài liệu tham khảo

Tiếng Việt

1. Ca trù nhìn từ nhiều phía (2003), Nguyễn Đức Mậu giới thiệu và biên soạn, Nxb Văn hoá thông tin, Hà Nội.

2. Tào Tuyết Cần (2002), Hồng lâu mộng, Vũ Bội Hoàng, Trần Quảng dịch, 2 tập, Nxb Văn học, Hà Nội.

3. Claudine salamon (2004), Tiểu thuyết truyền thống Trung Quốc ở Châu á (Từ thế kỷ XVII - Thế kỷ XX), Trần Hải Yến dịch, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.

4. Nguyễn Văn Dân (2003), Lí luận Văn học so sánh, Nxb Đại học quốc gia, Hà Nội.

5. Xuân Diệu (2000), Ba thi hào dân tộc, Nxb Thanh niên, Hà Nội.

6. Nguyễn Du (1978) Thơ chữ Hán, Lê Thước, Trương Chính, sưu tầm, chú thích, phiên dịch, sắp xếp, Nxb Văn học, Hà Nội.

7. Nguyễn Du về tác gia và tác phẩm (2001), Trịnh Bá Đĩnh và các cộng sự Nguyễn Hữu Sơn - Vũ Thanh tuyển chọn và giới thiệu, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

8. Nguyễn Du (2007), Truyện Kiều, Trần Nho Thìn chủ biên, Nguyễn Tuấn Cường (Khảo dị, chú thích, bình luận), Nxb Giáo dục, Hà Nội.

9. Dương Ngọc Dũng (2006), Kinh dịch cấu hình tư tưởng Trung Quốc, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.

10. Dương Ngọc Dũng (2008), Nhật Bản học, Nxb Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh.

11. Thích Nhất Hạnh (2007), Thả một bè lau Truyện Kiều dưới cái nhìn thiền quán, Nxb Văn hoá Sài Gòn.

12. Kiều Thu Hoạch (2007), Truyện Nôm và lịch sử phát triển và thi pháp thể loại, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

13. Cát Kiếm Hùng chủ biên (2004), Bước thịnh suy của các triều đại phong kiến Trung Quốc, 3 tập, Nxb Văn hoá thông tin, Hà Nội.

14. Hồ Xuân Hương về tác gia và tác phẩm (2003), Nguyễn Hữu Sơn - Vũ Thanh tuyển chọn và giới thiệu, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

15. Hồ Xuân Hương thơ và đời (2004), Lữ Huy Nguyên, Tuyển, soạn, giới thiệu, Nxb Văn học, Hà Nội.

Xem tất cả 158 trang.

Ngày đăng: 30/03/2024
Trang chủ Tài liệu miễn phí