Thơ Từ Trong Kim Vân Kiều Truyện Với Vai Trò Khắc Họa Nội Tâm, Tính Cách, Tài Năng Nhân Vật Thúy Kiều


cũng thấy được tài năng ngầm ẩn số phận nhân vật của Thanh Tâm tài nhân, đúng như Kim Thánh Thán nhận định: “Chỉ cần một giấc mộng đoạn trường, chỉ mười khúc hát đoạn trường hoảng hoảng hốt hốt đã tả được quá nửa thân thế của một gái bồng phiêu” [57, tr. 20].

8 khúc từ Kinh mộng giác

Vào buổi tối sau khi quyết định bán mình, Thúy Kiều đã nằm mơ một giấc mơ không lành. Giấc mơ ấy được Thanh Tâm tài nhân kể lại rất tỉ mỉ: nàng gặp nạn ra sao, được Kim Trọng cứu như thế nào, kết quả ra sao. Sau khi tỉnh giấc, lo lắng về số phận và duyên phận, nàng khêu đèn cầm bút viết luôn 8 khúc từ Kinh mộng giác. Giống như những thơ từ ngầm ẩn số phận bạc mệnh của nàng trước đó, 8 khúc từ này cũng chứa đựng những hình ảnh thể hiện nỗi đau của kẻ bạc mệnh. Đó là tâm trạng buồn bã của kẻ “Ngậm sầu, ánh đuốc khi mờ tỏ/ Soi thấu lòng ai lúc héo hon”. Đó là nỗi hận sầu chất chứa trong tâm hồn người con gái lạc loài tha hương “Thương thay phận gái biết về đâu?/ Càng nghĩ càng thêm mối hận sầu!”. Đó là nỗi đau đớn cùng cực khi biệt ly “Ly biệt, mai đây phương trời nào?/../ Máu hòa nước mắt giục người đi/ Đi, về không hẹn, gọi mà chi?”. Thiên nhiên như cũng trở nên “hiu quạnh”, “u ám, sầu man mác!” với “sương gió thê lương”, còn con người hoảng hốt tới đau đớn bởi không còn cách nào để tự cứu bản thân “Lửa cháy, nước sôi đâu đó tá?/ Đốt thiêu miếu quỷ, đổ Lam Kiều”.

Như vậy, qua khúc ca bạc mệnh, 10 bài thơ Đoạn trường và 8 khúc từ Kinh mộng giác, Thanh Tâm tài nhân đã ngầm ẩn số phận hồng nhan bạc mệnh của Thúy Kiều. Nàng sẽ sống một cuộc sống nhiều gian truân khổ ải, phải chịu đựng nỗi đau ly biệt, phải sống kiếp sống của kẻ lạc loài tha hương mà không thể tự giải thoát cho bản thân mình như chính nàng đã viết trong bài ca bạc mệnh “Hồng nhan vẫn xưa nay bạc mệnh/ Thì đoạn trường há tránh được sao?”.


Nếu như thơ từ trong Kim Vân Kiều truyệncó tác dụng ngầm ẩn số phận bạc mệnh của Thúy Kiều thì thơ ca trong Hồng lâu mộng không những báo trước số phận một nhân vật mà còn báo trước số phận của cả một dòng họ. Sự suy tàn của dòng họ Giả ngay lúc đầu đã được khái quát trong bài Hảo Liễu ca của Mang Mang đạo sĩ và Chân Sĩ Ẩn. Trong những bài thơ nhân vật sáng tác, một số bài cũng có ngụ ý báo trước về số phận nhân vật đó, điển hình là những bài thơ của Lâm Đại Ngọc với những câu thơ ngụ ý về sự chết yểu của nàng “Sang năm hoa lại đâm bông/ Biết đâu người vắng lầu hồng còn trơ” (Táng hoa từ).

2.3.2. Thơ từ trong Kim Vân Kiều truyện với vai trò khắc họa nội tâm, tính cách, tài năng nhân vật Thúy Kiều

Chúng tôi chia nhóm các bài thơ từ có vai trò khắc họa nội tâm, tính cách, tài năng của Thúy Kiều thành 5 nhóm nhỏ như sau:

Thứ nhất là nhóm thơ từ thể hiện con người đa sầu đa cảm của Thúy Kiều. Khía cạnh con người này của nàng được khắc họa qua 3 bài thơ: 2 bài thơ nàng viếng, an ủi Đạm Tiên và bài thơ làm vào buổi tối sau khi gặp Kim Trọng lần đầu tiên.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 149 trang tài liệu này.

Thứ hai là nhóm thơ từ thể hiện niềm vui trong tình đầu của Thúy Kiều. Tâm trạng này được khắc họa qua 2 bài thơ: bài thơ làm sau khi nhận lễ vật tình yêu của Kim Trọng, bài thơ vịnh tranh tùng bách của Kim Trọng.

Thứ ba là nhóm thơ từ thể hiện nỗi đau đớn và xót xa về thân phận, nỗi nhớ nhà và người yêu của Thúy Kiều khi phải trải qua các biến cố, gian truân cuộc đời. Tâm trạng này được thể hiện ở phần lớn thơ từ nàng sáng tác, gồm 33 bài: bài thơ gửi Kim Trọng trước khi bán mình (trích trong lá thư thứ 2 nàng gửi Kim Trọng), 3 bài thơ làm trên đường đi với Mã Bất Tiến, 10 bài Chẳng cùng nhau, bài thơ vịnh cảnh lầu Ngưng Bích, 10 bài Đêm nay đêm gì,

Cách xử lý của Nguyễn Du đối với thơ và từ trong Kim Vân Kiều truyện - 6


6 bài Từ chàng ra đi, bài chú cầu trời, bản đàn đầu tiên gảy hầu vợ chồng Thúc Sinh - Hoạn tiểu thư

Thứ tư là nhóm thơ từ thể hiện con người quyết đoán, lý chí như trang nam nhi của nàng. Tính cách này được thể hiện qua phần lớn thơ từ nàng sáng tác, cụ thể gồm 24 bài: 9 bài Gặp phải đứa vô loài, bài Khóc trời, bài thơ cổ vũ Thúc Sinh lên đường, bản đàn thứ 2 gảy hầu vợ chồng Thúc Sinh - Hoạn tiểu thư, bài kệ viết trước khi trốn khỏi Quan Âm các, bài thơ viết trước khi tự vẫn trên sông Tiền Đường, 10 bài viết khi sum họp với Kim Trọng.

Thứ năm là nhóm thơ từ chủ yếu thể hiện tài năng thơ phú của Thúy Kiều. Tất nhiên mục đích chính của Thanh Tâm tài nhân khi trích thơ của Thúy Kiều vào văn bản là nhằm phô trương tài thơ của nàng, những bài thơ từ chúng tôi liệt kê sau đây không phải là có giá trị nghệ thuật cao mà chúng đã thể hiện tài năng của nàng ở chỗ: nhờ chúng mà nàng đã thực hiện được mục đích của mình hoặc tác động mạnh mẽ và được các nhân vật trong truyện công nhận tài năng. Nhóm thơ từ này gồm 5 bài: bài Xuân nhật văn cưu, 3 bài thơ làm ở Chiêu Ẩn am, khúc Hoàng oanh nhi. Tất nhiên, ngoài 5 bài thơ từ này ra, nhiều bài thơ từ khác do nàng sáng tác nên cũng thể hiện tài năng thơ từ của nàng nhưng vai trò chủ yếu của chúng không phải là thể hiện tài năng nhân vật nên chúng tôi đã nhóm chúng thành các nhóm thơ từ khác theo các vai trò riêng.

2.3.2.1. Nhóm thơ từ thể hiện con người đa sầu đa cảm của Thúy Kiều

2 bài thơ Thúy Kiều viếng và an ủi Đạm Tiên

Khi gặp ngôi mộ chơ vơ hiu quạnh của Đạm Tiên và nghe lời kể của Vương Quan về cuộc đời người kỹ nữ này, Thúy Kiều hết thở dài thương xót cho cuộc đời hồng nhan bạc mệnh “Sống làm vợ muôn người, chết làm ma không chồng” [57, tr. 13] lại bùi ngùi than thở cho sự hiu quạnh sau khi chết của người kỹ nữ tài sắc này nên đã sáng tác một bài thơ để “tỏ chút tình


thương xót” của mình. Bài thơ đã diễn tả tâm trạng xót xa, buồn rầu của nàng khi ngẫm về cuộc đời của người kỹ nữ này. Hiển hiện trước mắt nàng lúc ấy không phải là hình ảnh người kỹ nữ sống cảnh đời “phồn hoa” mà là hình ảnh người con gái tài sắc nhưng cuộc đời và tên tuổi dần bị thời gian xóa mờ và người đời lãng quên. Thế nhưng, người con gái đa sầu đa cảm này cũng khẳng định Đạm Tiên tuy không còn trên đời nhưng người đời sau vẫn biết và cảm thông cho cuộc đời đau khổ của cô bởi “Đất tuy vùi ngọc đấy/ Tuyết chưa lấp danh này”. Nhưng dù có biết thì ai là người tri kỉ, ai là người sẽ chăm sóc phần mộ của cô? Một người kỹ nữ tìm đâu được người tri âm tri kỉ? Bài thơ kết thúc bằng những câu thơ chất chứa nỗi xót xa thương cảm khiến người đọc không khỏi day dứt “Rượu nhiều như sông đó/ Nào ai tưới chốn đây?!”.

Kỳ là một yếu tố khá quan trọng trong tiểu thuyết chương hồi. Vì vậy không chỉ giấc mộng trong đó Thúy Kiều mơ sáng tác 10 bài ca bạc mệnh mà luồng gió Tây thê lương được coi là do Đạm Tiên hiển linh cũng được tác giả kể rất chi tiết. Cảm phục tấm lòng Đạm Tiên dành cho mình, Thúy Kiều cố làm thơ tạ lòng và từ biệt người kỹ nữ này trước khi ra về. Kết hợp tự sự và biểu cảm mạnh mẽ, bài thơ ghi lại tâm trạng buồn thảm, lưu luyến của Thúy Kiều khi thấy Đạm Tiên hiển linh qua ngọn gió Tây thê lương.

Bài thơ Thúy Kiều làm vào buổi tối sau khi gặp Kim Trọng lần đầu tiên

Con người đa sầu đa cảm của Thúy Kiều còn được thể hiện qua bài thơ nàng làm vào buổi tối sau khi gặp Kim Trọng lần đầu tiên ở mả Đạm Tiên. Với cảm hứng đề cao đạo đức của Thúy Kiều theo khuôn khổ đạo đức Nho giáo, tác giả đã để nàng thuyết giảng đạo đức cho Thúy Vân. Đặc biệt, ám ảnh mệnh bạc khiến nàng cho rằng Thúy Vân hợp với Kim Trọng hơn, còn nàng phúc bạc, phận hẩm duyên ôi, không xứng đáng cùng chàng. Nghĩ ngợi, lo lắng về duyên phận, nàng “trằn trọc buồn rầu, đứng dậy ngắm cảnh đêm khuya trời


rộng bất giác xúc động tâm tình nên đã đề một bài thơ để ngụ ý mình” [57, tr. 20]. Có sự đối lập giữa cảnh và người. Trời khuya vắng lặng, thoáng đãng, trong lành nhưng lòng người đang rối bời vì lo lắng về duyên phận!

2.3.2.2. Nhóm thơ từ thể hiện niềm vui trong tình đầu của Thúy Kiều

Bài thơ Thúy Kiều làm sau khi nhận tín vật tình yêu của Kim Trọng

Sau khi nhận tín vật tình yêu và cảm nhận được tình yêu của Kim Trọng dành cho mình, Thúy Kiều hết sức vui sướng. Niềm vui ấy khiến nàng không ngủ được, nàng nhìn trời mây, thấy bầu trời trong lắng, ánh trăng lọt vào cửa sổ, cảm kích cuộc gặp gỡ chàng Kim nên đã sáng tác một bài thơ. Bài thơ là lời giãi bày tình yêu, thể hiện mong muốn của nàng được kết thành phu phụ sống hạnh phúc trọn đời với Kim Trọng. Hôm cha mẹ đi mừng tiệc thọ bên ngoại, nàng cáo bệnh xin ở nhà, sửa soạn mấy món ăn và rượu ngon sang tìm gặp Kim Trọng. Khi gặp chàng, nàng tự nhận xét về thơ của mình: “Tình hiện ra lời, chàng cứ coi đây, đủ thấy tình thiếp trong ấy” [57, tr. 32]. Còn Kim Trọng thì vừa kinh ngạc, vừa vui mừng tấm tắc khen. Ta thấy bài thơ tứ tuyệt này không có gì đặc sắc về nội dung và nghệ thuật nhưng đặt trong hoàn cảnh này nó đã mang lại hiệu quả cao bởi nó đã thể hiện những rung động và niềm vui của người con gái đa sầu đa cảm Thúy Kiều trong tình đầu.

Bài thơ Thúy Kiều sáng tác để vịnh tranh tùng bách của Kim Trọng

Khi sang tâm tình cùng Kim Trọng, Thúy Kiều thấy bức tranh tùng bách “xanh nhạt vàng phai, nét bút rất khéo” của chàng chưa có lời đề vịnh, lúc ấy “rượu ngà ngà say, lòng khoan khoái, bất giác nguồn thơ lai láng khôn cầm”, nàng liền cầm bút đề ngay một bài tứ tuyệt. Mới đọc qua, người đọc tưởng như bài thơ thật xoàng xĩnh bởi chỉ đơn thuần tả lại bức tranh, nhưng ngẫm lại mới thấy hết ý tứ sâu xa của nó. Trời đất, cảnh vật kia hữu tình hay bởi chúng được nhìn bởi con mắt của kẻ đang yêu? Nghe thơ xong, Kim Trọng nức nở ngợi khen. Lời khen ấy của Kim Trọng dành cho bài thơ không lấy gì làm đặc sắc


của Thúy Kiều có thể chấp nhận được bởi nó được nói ra bởi một chàng trai đang say men tình đầu khen ngợi thơ của người yêu.

2.3.2.3. Nhóm thơ từ thể hiện nỗi đau đớn, xót xa về thân phận, nỗi nhớ nhà và người yêu của Thúy Kiều khi phải trải qua các biến cố, gian truân cuộc đời

Bài thơ Thúy Kiều gửi Kim Trọng trước khi bán mình

Ở ba hồi 4, 5, 6, Thanh Tâm tài nhân đã kể rất tỉ mỉ những suy nghĩ, toan tính và hành động của Thúy Kiều để bán mình cứu cha và em. Ngay sau khi quyết định bán mình, nàng đã trao duyên và đưa hết kỉ vật tình yêu cho Thúy Vân. Nàng đã viết ba phong thư gửi Kim Trọng, bức thư nào cũng chất chứa nỗi đau đớn. Trong lá thư thứ ba có một bài thơ ly biệt. Chuyện tình Kim - Kiều đang đầy hứa hẹn, nàng cũng đang độ tuổi xuân đẹp nhất của cuộc đời thì hai người lại phải chia phôi bởi gia biến. Bán mình chuộc cha, rồi đây nàng sẽ phải từ bỏ tình yêu để đi theo kẻ khác. Nàng mường tượng ra cảnh Kim Trọng trở về sẽ xót xa cho số phận của nàng nhưng hiện tại nàng không còn sự lựa chọn nào khác. Trong thơ, nàng cho rằng bài thơ của mình chỉ là “một vài lời quê, tình sầu cảnh khổ, thơ chẳng ra thơ, gọi là bày tỏ một chút máu đỏ trong lòng mà thôi. Người nhân nghĩa không nỡ bỏ, đặt ở đầu bàn, phảng phất như lời của gái ngu này ngỏ nỗi oán sầu biệt ly với người quân tử vậy” [57, tr. 77]. Tuy bài thơ này không có nét gì đặc sắc nhưng đặt vào hoàn cảnh Thúy Kiều khi đó, ta mới thấy hết ý nghĩa của nó. Một người con gái phải bán mình chuộc cha, vậy mà vẫn nghĩ tới người tình với một tấm lòng chân thành và tha thiết như vậy chẳng đáng quý lắm sao!

3 bài thơ Thúy Kiều sáng tác trên đường đi với Mã Bất Tiến

Sắp xếp việc gia đình xong xuôi, giây phút lưu luyến bên mẹ cha cũng hết, mặc dù rất đau đớn nhưng không thể trốn tránh thực tại, Thúy Kiều đã phải theo Mã Bất Tiến về Lâm Thanh. Khi mua nàng, hắn bảo đón nàng về


Lâm Thanh nhưng trên đường đi nàng vô tình phát hiện ra không phải như nên đã tự nhủ “Quả không ngoài ý liệu của ta. Dọc đường thấy cảnh thương tình, nước mắt khô, hơi thở mệt, liền từ từ làm thành một bài thơ để ghi nỗi oán sầu” [57, tr. 88]. Bài thơ mở ra một khung cảnh thiên nhiên mênh mông rợn ngợp “Quan san muôn dặm đường mênh mang”, nổi bật trên nền thiên nhiên ấy là hình ảnh con người cũng ngổn ngang trăm mối. Sở dĩ như vậy là vì khung cảnh thiên nhiên ấy được quan sát bởi một người con gái trẻ mang đang trong mình tâm trạng rối bời, một trái tim đau đớn: đó là nỗi đau, sự xót xa vì phải bán mình cho “đứa vô loài”, phải hy sinh mối tình đầu với Kim Trọng, đó là sự lo lắng về bước đường tương lai, đó là bởi “chút tình si khôn rũ sạch” bởi người thân nơi quê nhà, bởi mối tình đầu không thể quên. Kết thúc bài thơ là hình ảnh “Mây bay nắng xế khắp giang san”, có thể nói thiên nhiên mở đầu và kết thúc bài thơ hô ứng với nhau, tạo thành một tấm phông nền tô đậm nội tâm Thúy Kiều - kẻ mà nỗi đau về thân phận, duyên phận chưa thể phai mờ và hiện tại là sự bơ vơ, trôi nổi, tha hương.

Trông xung quanh bốn phía cảnh vật tiêu điều ở Lâm Thanh, Thúy Kiều bất giác lệ rơi. Cảnh vật ấy đã khơi nguồn cảm hứng để nàng sáng tác 2 bài thơ ngũ ngôn. Bài thơ thứ nhất mở đầu bằng nỗi nhớ, nỗi lo. Nàng vừa lo nghĩ cho cha mẹ và chàng Kim lại vừa lo cho thân phận mình “Xa xôi nơi khách xá/ Một lòng để đôi nơi”. Hết ngày này qua ngày khác, thời gian cứ nặng nề trôi, nàng chỉ biết gạt thầm giọt lệ, ngẫm về cuộc đời biến ảo và xót xa cho thân phận mình “Nắng hết trăng sao hiện/ Rừng mờ cảnh tả tơi/ Tiêu điều trời bể cách/ Ngao ngán nghĩ đường đời”. Nàng đã đi xa gia đình, người thân, quê hương nguồn cội, trở thành kẻ tha hương, chính thức dấn thân vào chốn đường đời đầy gian truân.

Bài thơ thứ hai vẫn tiếp tục mạch tâm trạng ấy. Giống như những cánh én, chim hồng, cá côn kia phải chấp nhận hoàn cảnh sống khó khăn, nàng phải


chấp nhận thực tại phũ phàng. Những tháng ngày êm đềm sống cùng cha mẹ, những lần gặp gỡ Kim Trọng chỉ mới đây thôi nay đã trở thành dĩ vãng, nàng giờ là kẻ tha phương. Nỗi nhớ ấy, những kí ức đẹp đẽ ấy và cả nỗi buồn, sự xót xa khi nghĩ về tình cảnh hiện tại như đang dâng lên mãi trong tim. Tiếng chuông ngân nga vang vọng khắp nơi cũng như nỗi nhớ, nỗi sầu, nỗi xót xa như đang xâm lấn vào từng ngóc ngách và gặm nhấm tâm hồn người con gái trẻ đơn độc này.

Trần Đình Sử nhận xét: “Kiều của Thanh Tâm tài nhân hầu như không có cảm giác thời gian, còn Kiều của Nguyễn Du thì tràn đầy cảm giác trôi chảy, thời gian vô tình. Kiều của Thanh Tâm tài nhân không có cảm giác lưu lạc, còn Kiều của Nguyễn Du luôn cảm thấy sự lênh đênh, trôi giạt của mặt nước cánh bèo” [54, tr. 63]. Qua 3 bài thơ này, ta thấy nhận định trên có phần không chính xác. Tuy cảm giác thời gian, cảm giác lưu lạc ở Thúy Kiều của Thanh Tâm tài nhân không được tô đậm như Thúy Kiều của Nguyễn Du nhưng ta vẫn nhận thấy rõ cảm giác ấy ở nàng. Ba bài thơ này không những thể hiện được tâm trạng buồn sầu, sự lo âu, xót xa khi nghĩ tới thân phận mà còn thể hiện nỗi nhớ quê hương gia đình tha thiết, tấm lòng nặng tình với chàng Kim của Thúy Kiều. Nhưng nàng đã lấy Mã Bất Tiến, theo hắn tới nơi đất khách quê người, sắp sửa dấn thân vào cõi đời đầy hiểm nguy, liệu nàng còn có thể trở về? Tình cảnh, tâm trạng lúc này của nàng lại khiến ta nhớ tới hai câu thơ trong 8 khúc từ nàng sáng tác vào cái đêm sau khi quyết định bán mình “Thương thay phận gái biết về đâu?/ Càng nghĩ càng thêm mối hận sầu”.

10 bài Chẳng cùng nhau và bài vịnh cảnh lầu Ngưng Bích

Sau chuyến đi ấy, nàng bị đưa vào lầu xanh của Tú bà, và để bảo toàn danh dự, nàng đã tự vẫn, nhưng do bị tác động bởi lời báo mộng của Đạm Tiên và lời hứa của Tú bà, nàng đã bình tĩnh nghĩ lại và nghe lời Tú bà, chuyển ra

Xem tất cả 149 trang.

Ngày đăng: 03/02/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí