Đối Tượng Thờ Tự Và Cơ Sở Thờ Tự


Do cuộc sống hoàn toàn phụ thuộc vào biển, đời sống tín ngưỡng của cư dân xã đảo Nghi Sơn mang những đặc trưng của vùng biển đảo gắn với tín ngưỡng thờ các vị thần biển. Ngoài ra, nơi đây cũng có tín ngưỡng thờ tiên hiền, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên. Gắn liền với những di tích lịch sử văn hóa là sự đa dạng các lễ hội: lễ hội cầu ngư, lễ hội Quang Trung, lễ kỵ Thánh Bà,...đây là những lễ lớn được tổ chức trọng thể, có phạm vi rộng và tầm ảnh hưởng lớn trong cộng đồng. Trong lễ hội có các trò chơi, trò diễn mang đậm sắc thái riêng của vùng biển đảo, các sắc thái sinh hoạt văn hoá tinh thần này của cộng đồng cư dân xã đảo Nghi Sơn góp phần tạo nên bản sắc văn hoá ven biển Thanh Hóa, và là một bộ phận của bản sắc văn hoá dân tộc Việt Nam.

Về mặt xã hội, do đặc thù của môi trường sống là đảo, nên cộng đồng cư dân nơi đây luôn đoàn kết gắn bó với nhau trong cuộc sống thường ngày, cũng như trong lao động sản xuất để có thể sinh tồn giữa môi trường sống với ba bề bốn bên là biển. Các tổ nhóm trong lao động sản xuất được thành lập để hỗ trợ nhau, thông thường là các thành viên trong cùng gia đình hoặc dòng họ. Các vấn đề mang tính chung trong cộng đồng làng xã luôn được đưa ra bàn luận để thống nhất vì lợi ích chung của cộng đồng.

Bước sang thời kỳ CNH-HĐH đất nước, cùng với những thay đổi về mặt kinh tế, các đặc điểm về văn hóa, xã hội ở xã đảo Nghi Sơn cũng có những thay đổi, nhất là từ khi xã nằm trong quy hoạch phát triển của KKT Nghi Sơn cộng đồng cư dân trong xã có nhiều cơ hội giao lưu tiếp xúc với bên ngoài nhiều hơn nên các giá trị văn hóa truyền thống có những thay đổi nhất định cả ở khía cạnh tích cực và tiêu cực. Ở khía cạnh tích cực: các hình thức sinh hoạt văn hóa, giải trí ngày càng đa dạng, cộng đồng cư dân trong xã có nhiều điều kiện giao lưu bên ngoài hơn, các vấn đề an ninh xã hội được quan tâm hơn, nhiều tổ nhóm sản xuất được thành lập nhằm hỗ trợ nhau trong lao động, sản xuất... Ở khía cạnh tiêu cực: nổi bật là việc thu gom và xử lý rác


thải còn nhiều bất cập và ảnh hưởng nhiều đến môi trường sống của bà con trong xã, nhiều tệ nạn xấu đã xuất hiện như đánh nhau, gây mất trật tự, xa rời các sinh hoạt văn hóa truyền thống, lễ hội hàng năm của xã không còn là niềm mong mỏi duy nhất của bà con trong xã, nhất là tầng lớp thanh niên. Đó là một trong những nguyên nhân làm cho các hoạt động, nghi lễ truyền thống bị xao nhãng, đơn giản hóa và có xu hướng mai một nếu không có được đội ngũ kế nhiệm, khi những thế hệ tiếp nối không còn mặn mà với nó, kết nối cộng đồng lỏng lẻo hơn trước do phương thức mưu sinh thay đổi...

Tiểu kết

Vốn là một cù lao ngoài biển, cách đất liền khoảng 1000m, trải qua quá trình bồi đắp tự nhiên và dưới tác động của bàn tay con người, ngày nay cù lao Nghi Sơn đã nối với đất liền và trở thành một xã ven biển tỉnh Thanh Hóa. Quá trình sinh tồn và thích nghi của cộng đồng cư dân với môi trường sống với những đặc điểm riêng về địa sinh thái đã tạo cho xã đảo Nghi Sơn những sắc thái văn hóa riêng bên cạnh những nét tương đồng với các xã ven biển khác của Thanh Hóa. Yếu tố đó hiện hữu đậm nét trong đời sống cộng đồng cư dân nơi đây và in dấu trong các thành tố văn hóa, nhất là trong các thực hành tín ngưỡng.

Là điểm tựa tinh thần trong đời sống của cộng đồng cư dân xã đảo Nghi Sơn, tín ngưỡng luôn có một vị trí và vai trò quan trọng đối với cộng đồng cư dân nơi đây. Không chỉ vậy, trong quá trình sinh tồn và phát triển, tín ngưỡng của cộng đồng cư dân xã đảo Nghi Sơn luôn vận động và biến đổi. Để làm rõ diện mạo, vị trí, vai trò của tín ngưỡng trong đời sống của cộng đồng cũng như hiện trạng và sự biến đổi của tín ngưỡng trong quá trình CNH-HĐH, luận án dựa trên một số khái niệm công cụ là tín ngưỡng xã đảo và lý thuyết chức năng để phân tích vị trí, cũng như vai trò của từng thành tố của tín ngưỡng của cộng đồng cư dân nơi đây.


Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 219 trang tài liệu này.

Chương 2

DIỆN MẠO TÍN NGƯỠNG CỦA CƯ DÂN XÃ ĐẢO NGHI SƠN

Tín ngưỡng của cư dân xã đảo Nghi Sơn, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa - 7

Do sinh sống trong điều kiện bấp bênh, nguy hiểm của vùng biển, cũng như phải đối đầu với sự nhọc nhằn, thách thức khó khăn về sinh kế trên một hòn đảo nhỏ nên cộng đồng cư dân xã đảo Nghi Sơn luôn cảm thấy mình thật nhỏ bé trước biển cả mênh mông tiềm ẩn những hiểm nguy không báo trước. Để có thể vượt qua những khó khăn, thách thức của cuộc sống, cư dân nơi đây đã tìm cho mình điểm tựa về mặt tinh thần đó là tín ngưỡng-là niềm tin, sự ngưỡng mộ, sùng bái vào lực lượng thiêng, lực lượng mà họ cho rằng có sức mạnh tiềm ẩn đủ lớn để bảo vệ họ trước những nguy cơ của cuộc sống. Niềm tin đó được thể hiện thông qua những nghi lễ, những tập tục được người dân thực hiện đối với những vị thần của mình với ước vọng và cầu mong nhận được sự che chở, bảo hộ từ thần. Điều này đúng như quan điểm mà Malinowski đưa ra được NCS đề cập ở chương 1: "môi trường càng bất trắc và kết quả càng bấp bênh thì con người càng cần đến lễ nghi phù phép" [42, tr.159] để trấn an chính mình về mặt tâm lý, mong được an toàn. Và những vị thần mà người dân nơi đây gửi gắm niềm tin chính là những vị thần biển-những người mà theo quan niệm của họ là những người có quyền năng, sức mạnh có thể làm chủ được biển, luôn bảo vệ họ trước những hiểm nguy từ biển, giúp họ mưu sinh, tránh được sự rủi ro, bất trắc, bất an trong cuộc sống. Cùng với đó, cư dân xã đảo Nghi Sơn cũng gửi gắm niềm tin của mình vào ông bà, tổ tiên-những người luôn mong muốn con cháu của họ có cuộc sống tốt đẹp; vào những bậc tiên hiền đã có công với vùng đất này.

2.1. Tín ngưỡng thờ các vị thần biển

2.1.1. Đối tượng thờ tự và cơ sở thờ tự

2.1.1.1. Tứ Vị thánh nương

Tứ Vị thánh nương hay còn được gọi là Đại càn quốc gia Nam Hải Tứ


Vị thánh nương, được thờ phụng ở nhiều nơi, trong đó nhiều nhất là ở vùng biển Thanh Hóa và Nghệ An. Có rất nhiều những phân tích, lý giải về truyền thuyết cũng như tục thờ Tứ Vị thánh nương, các lớp văn hóa được bóc tách phân tích để tìm ra được nguồn gốc về thần cũng như lý do vì sao thần được người Việt thờ cúng, đặc biệt là cộng đồng cư dân vùng ven biển nước ta. Và từ những phân tích đánh giá qua các nguồn tư liệu khác nhau cho chúng ta thấy Tứ Vị thánh nương là một trường hợp độc đáo trong tín ngưỡng thờ mẫu của người Việt. Trải qua thời gian, các lớp văn hóa liên tục được bồi đắp để rồi Tứ Vị thánh nương trở thành một trong những vị thần biển có vai trò quan trọng đối với cộng đồng cư dân vùng duyên hải nước ta.

Ở xã đảo Nghi Sơn, Tứ Vị thánh nương cũng được thờ với tư cách là một vị thần biển có chức năng là phù trợ cho những người đi biển tránh được sự rủi ro, bất trắc trong công cuộc mưu sinh trên biển và trong cuộc sống. Trong hệ thống các vị thần được thờ tại đây, Tứ Vị thánh nương là vị thần có vị trí và vai trò rất quan trọng đối với cộng đồng cư dân. Qua những lần khảo sát điền dã tại xã đảo Nghi Sơn NCS thấy rằng, bất kể khi làm việc gì liên quan đến sự cầu xin từ các vị thần, thì Tứ Vị thánh nương là vị thần đầu tiên mà cộng đồng cư dân xã đảo Nghi Sơn tìm đến và thực hành các nghi lễ đối với thần với cầu mong, hy vọng sự giúp đỡ từ thần rồi sau đó mới đi đến những nơi thờ tự khác trong xã.

Sự tích về thần cũng như nguồn gốc của thần đã có rất nhiều những nghiên cứu, nhận định cũng như ghi chép trong sử sách. Tuy nhiên, khi đến đây người dân luôn kể một huyền tích về thần rằng: Tứ Vị thánh nương vốn là ba mẹ con hoàng hậu nước Tống cùng tàn quân triều đình phải chạy tan tác sau khi bị quân Nguyên đánh úp vào năm Thiệu Bảo thứ nhất (1279). Đoàn thuyền của quan quân triều Tống sau đó gặp bão chìm đắm hết. Ba mẹ con hoàng hậu ôm lấy cột buồm sống sót trôi dạt vào bờ biển cạnh một ngôi chùa. Sư trụ trì ở chùa cứu vớt đem ba mẹ con vào chùa chăm sóc. Được mấy tháng


mấy mẹ con lại sức, sắc đẹp hoàng hậu trở lại, Vị sư kia đi tu “chưa trót”, động lòng muốn tư thông nhưng bị cự tuyệt. Sư xấu hổ gieo mình xuống biển chết, người mẹ thấy thế than rằng: “Chúng ta vì sư mà được sống, nay sư vì chúng ta mà phải chết, sao nỡ yên tâm”, rồi cả mẹ con cùng lao xuống biển chết cả. Xác ba mẹ con dạt vào cửa Càn Hải, xã Quỳnh Phương, xác vị sư nọ trôi vào Hòn Ói (núi Quí Lĩnh) xã Quỳnh Lương, mặt mũi hồng hào như người sống. Dân làng Hương Cần và Phú Lương thương xót lo liệu chôn cất, dựng thảo am để thờ cúng. Vì thờ cả 4 người nên dân quanh vùng gọi là Tứ vị. Sau khi mất đi các vị thần rất linh thiêng, luôn hiển linh để trợ giúp ngư dân khi họ gặp nạn. Năm Hưng Long thứ 19 (1311), vua Trần Anh Tông thân chinh đi đánh Chiêm Thành, thuyền đi đến cửa Càn Hải (Cửa Cờn, xã Quỳnh Phương), đêm đến, được thần nhân hiện lên báo mộng. Vua sai làm lễ kính tế, sau đó lên đường, kéo quân thẳng đến Chà Bàn và thắng trận lớn. Năm sau trở về, vua sai quan Hữu ty mở đền thờ cho thêm rộng rãi, bốn mùa cúng tế và phong là “Quốc gia Nam hải đại càn thánh nương”. Từ đó về sau có rất nhiều nơi người dân nhất là ngư dân vùng biển đều phụng thờ Tứ vị.

Việc Tứ Vị thánh nương được thờ tự ở xã đảo Nghi Sơn từ khi nào không có tư liệu nào ghi chép lại, chỉ thấy người dân địa phương kể rằng: Năm xưa có một khúc gỗ dạt vào đảo. Ngư dân thấy khúc gỗ lạ liền cầm dao chặt và thấy có mủ màu đỏ chảy ra. Thấy vậy, những ngư dân này sợ và họ đẩy khúc gỗ trôi đi. Vào thời điểm gió mùa Tây Nam, khúc gỗ bị gió thổi trôi ra ngoài biển và dạt vào cửa Cờn (Quỳnh Lưu, Nghệ An). Ngư dân cửa Cờn cũng lấy dao chặt và thấy mủ đỏ chảy ra từ khúc gỗ. Thấy hiện tượng lạ, họ liền lập bàn thờ và thắp hương. Một thời gian sau, các chuyến đi biển của ngư dân luôn đầy cá tôm. Ngư dân Nghi Sơn thấy vậy liền bảo nhau chèo thuyền vào trong cửa Cờn lấy trộm bát hương mang về đảo đựng đền miếu và thờ cúng từ đó.


Có thể thấy, từ những truyền thuyết được lưu truyền trong cộng đồng cư dân ở các vùng biển có tục thờ Tứ Vị thánh nương, cộng đồng cư dân xã đảo Nghi Sơn cũng có những lý giải riêng cho mình về lý do mà cộng đồng cư dân nơi đây lựa chọn Tứ Vị thánh nương là vị thần bảo hộ cho họ trong công cuộc mưu sinh của mình trước môi trường sống đầy những bất an và thử thách. Cùng với những vị thần khác được cư dân tôn thờ, Tứ vị Thánh nương trở thành vị thần có vị trí, vai trò và là điểm tựa quan trọng trong đời sống tinh thần của cư dân nơi đây.

Đền thờ Tứ Vị thánh nương hiện nay được xây dựng trên địa phận thôn Bắc Sơn, quay mặt về phía Tây Nam [PL7, ảnh 1, tr.182]. Ban đầu, đền được xây dựng quy mô rất lớn, nguy nga, tráng lệ với kết cấu gồm 3 tòa nhà lớn. Đến năm 1959, khi bộ đội biên phòng sử dụng vị trí này để xây dựng đồn trạm, vị trí của đền thờ được di dời xuống phía dưới (ngay dưới chân của đồn biên phòng hiện nay). Khi đó, chiến tranh mới kết thúc, đời sống bà con còn nhiều khó khăn, nên sau khi di chuyển nơi thờ tự chỉ là một cái miếu nhỏ gần với biển [PL7, ảnh 3, tr.183]. Ngôi đền hiện nay mới được phục dựng lại đầu những năm 90 của thế kỷ XX với kiến trúc khá đơn giản. Cổng chính của đền theo cấu trúc kiểu nghi môn. Trên 2 trụ cổng có đôi câu đối ca ngợi về vị thần được thờ. Cổng chính của đền ngay sát mép nước thuận tiện cho các thuyền ghé vào hoặc bái vọng trước mỗi chuyến ra khơi. Để thuận tiện cho việc đi lại trên bờ của bà con khi đến đền, ở phía Bắc của đền có một cổng nhỏ (cổng này nhìn thẳng ra trục đường chính của xã). Cổng này chỉ là một cổng kéo bằng sắt không có kiến trúc hay trang trí gì. Sân đền với diện tích khá rộng là nơi thực hành các nghi lễ của bà con, đặc biệt là các hoạt động liên quan đến những lễ hội diễn ra tại đền. Ở dưới sân trước cửa chính điện có để một bát hương đá to cho bà con và dân chúng thập phương đến thắp hương cùng hai cây đèn đá. Bên cạnh 2 cây đèn đá và 02 con voi đá nhỏ (2 con voi đá và 01


sập gỗ trong chính điện là những di vật ít ỏi còn lại của đền Tứ Vị thánh nương trước kia). Chính điện có kiến trúc đơn giản, cấu trúc theo dạng 3 gian 2 chái, mái lớp ngói đỏ, trên đỉnh nóc trang trí lưỡng long chầu nhật. Đi thẳng vào trong là khu vực thờ tự với các ban thờ được sắp xếp theo thứ tự: trên cùng là Đức vua cha Ngọc hoàng, đến tam tòa thánh mẫu, Tứ Vị thánh nương cuối cùng là ban thờ vua Quang Trung. Bên phải và bên trái là các ông hoàng [PL7, ảnh 7,8,9, tr.185-186].

2.1.1.2. Quan Sát Hải đại vương Hoàng Tá Thốn

Tương truyền, Quan Sát Hải tên thật là Hoàng Tá Thốn, sinh năm Giáp Dần-1254 đời vua Trần Thái Tông, ở làng Vạn Phần, phủ Diễn Châu, nay là xã Diễn Vạn, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Văn bia dẫn tích và phả tộc họ Hoàng (ở Vạn Tràng) có ghi: “Đời vua Trần Nhân Tông, năm Mậu Tý niên hiệu Trùng Hưng (1288), tướng giặc Nguyên Mông là Ô Mã Nhi sang xâm lược Thăng Long. Tướng quân Hoàng Tá Thốn được cấp ấn phù, thống lĩnh hàng vạn quân cùng tàu thuyền phục kích ở sông Bạch Đằng để đại phá quân giặc....” [116]. Quân ta đại thắng, Ô Mã Nhi bị bắt sống. Tin thắng trận báo khẩn về triều đình. Vua Trần Nhân Tông phong cho Hoàng Tá Thốn là “Sát Hải Chàng Lại Đại tướng quân”, cho thống lĩnh thuỷ binh (hải quân) trông coi 12 cửa sông và bảo vệ vùng duyên hải của cả nước. Là vị tướng có dũng khí và nhiều mưu lược, ông được cử làm Nội Thư gia (lo bàn kế mật quân cơ, binh pháp). Sau đại thắng quân Nguyên, ông cho sắm thêm thuyền, tuyển mộ và huấn luyện đội quân thuỷ binh tinh nhuệ, chỉ huy và đánh tan nhiều lần quân Chiêm Thành đến quấy rối hải phận nước ta. Trong các trận đánh thuỷ quân, ông cho quân lặn xuống sâu đục thủng một loạt thuyền rồi nút lại, khi lên bờ cho tháo nút đồng loạt, nước ào vào đột ngột nhấn chìm tàu thuyền địch, mà quân ta không bị hao tổn gì [116].


Năm Mậu Dần (1338), Hoàng Tá Thốn đi tuần thú đường biển Thanh Hoá, đến Hà Trung, không may lâm bệnh đột ngột, rồi từ trần vào đúng ngày mồng một Tết. Nhà vua thương tiếc cho thuyền rồng chở linh cữu về an táng ở quê nhà làng Vạn Phần (Diễn Vạn, Diễn Châu), cho lập đền thờ và tặng ông “Sát Hải đại tướng quân, Thiên Bồng nguyên soái chi thần”. Đến đời Hậu Lê, ông được phong Đoan trực, Hoằng nghị anh lược Quang ý dực bảo trung hưng, Trác vì thượng thượng đẳng tôn thần, đệ nhất tối linh Đại vương [116].

Trong tâm thức dân gian sở tại, Quan Sát Hải là vị thần giúp ngư dân mỗi khi sóng gió, giặc giã, cứu giúp dân khi hoạn nạn gian truân. Người dân xã đảo Nghi Sơn xem ông như là vị phúc thần, cùng với Tứ Vị thánh nương che chở, bảo vệ ngư dân mỗi khi ra khơi đánh bắt nên đã lập đền thờ tự ngài.

Trước kia, khi chưa bị phá hủy vị trí của đền cách vị trí hiện nay khoảng 200m (vị trí cũ nằm ở phía bên trên và quy mô nhỏ. Bà con nơi đây hay gọi là miếu). Vị trí của đền hiện nay cũng sát với biển để thuận tiện cho thuyền bè đi qua có thể bái vọng. Trên bờ có một con đường nhỏ dẫn vào đền. Đền được xây dựng lại cùng với đền thờ Tứ Vị thánh nương. Đền có kiến trúc tương tự như đền Tứ Vị thánh nương nhưng quy mô bé hơn, gồm Cổng - Sân

- Chính điện. Cổng chính của đền theo cấu trúc theo kiểu tam quan. Trên 2 trụ cổng có đôi câu đối ca ngợi về vị thần được thờ (Cổng này mới được người dân đóng góp xây dựng lại vào năm 2017) [PL7, ảnh 13-14, tr.188-189]. Phía bên trong chính điện thờ là ban thờ Quan Sát Hải đại vương.

2.1.1.3. Thánh Bà Trần Quý Phi

Thánh Bà Trần Quý Phi vốn là một người con của địa phương, nhưng sau khi chết, luôn hiển linh giúp đỡ người dân trên đảo nên Bà đã được cộng đồng cư dân tôn lên thành Thần và trở thành một trong những vị thần bảo hộ cho dân làng. Tương truyền, Thánh Bà Trần Quý Phi là vợ Long Vương; là vị thần bảo vệ cho ngư dân có thể vượt sóng gió trùng khơi, mang về những

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 13/09/2023