Các Công Trình Nghiên Cứu Về Tín Ngưỡng Cư Dân Biển, Đảo Ở Việt Nam


Chương 1

TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU, CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ ĐỊA BÀN NGHIÊN CỨU

1.1. Tổng quan tình hình nghiên cứu

1.1.1. Các công trình nghiên cứu về tín ngưỡng cư dân biển, đảo ở Việt Nam

1.1.1.1. Các công trình nghiên cứu của các học giả nước ngoài

Công trình đầu tiên có thể kể đến là Văn hóa, tín ngưỡng và thực hành tôn giáo người Việt 3 tập [29] của Léopold Cadière do Đỗ Trinh Huệ dịch. Trong tập 2 của công trình, trong phần bàn về tục thờ cúng các con vật thần kỳ, Cadière có đề cập đến tục thờ Cá Voi của cư dân vùng biển Việt Nam. Ông đã viết rằng: "Những người Việt thờ cúng Cá Voi là do công đức của nó. Không làng chài nào gần bờ biển mà không có miếu thờ các xương cốt của Cá Voi...". Tác giả không bàn luận nhiều về tục thờ này, nhưng thông qua việc miêu tả tục thờ cá Voi ở làng chài Thanh Hà ở cửa sông Gianh cũng giúp cho chúng ta phần nào hiểu về một trong những tín ngưỡng của cư dân biển, đảo Việt Nam.

Hippolyte Le Breton, trong công trình khảo cứu về vùng đất Nghệ An, Hà Tĩnh mang tên Le Vieux An Tinh (An Tĩnh cổ lục) [19], được đăng lần đầu tiên bằng tiếng Pháp trong tập san Đô Thành Hiếu Cổ (Bulletin des Amis du Vieux Huế) vào năm 1936, đã liệt kê hệ thống các đền thờ của cộng đồng cư dân nơi đây, trong đó có Tứ Vị thánh nương, Sát Hải đại vương Hoàng Tá Thốn......

Lantz, Sandra (2009), Whale Worship in Vietnam [113] đây là công trình nghiên cứu về tín ngưỡng và thực hành tín ngưỡng thờ cá Voi của cư dân vùng biển Việt Nam, trong đó tác giả tập chung chủ yếu vào khu vực biển miền Trung Việt Nam, trọng tâm chính ở khu vực Đà Nẵng và Hội An.


Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 219 trang tài liệu này.

Có thể thấy, đa phần các công trình thường tập trung nghiên cứu về một hình thái tín ngưỡng đặc trưng của người Việt là tín ngưỡng thờ Cá Voi, và khu vực nghiên cứu chủ yếu tập trung ở vùng Nam Trung Bộ và Nam Bộ. Tuy nhiên, những nghiên cứu này sẽ cho NCS có cái nhìn toàn diện hơn về tín ngưỡng của cộng đồng cư dân vùng biển, đảo Việt Nam.

1.1.1.2. Các công trình nghiên cứu của các học giả trong nước

Tín ngưỡng của cư dân xã đảo Nghi Sơn, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa - 3

Trước năm 1945, những nghiên cứu về tín ngưỡng của cư dân biển và hải đảo ở Việt Nam còn khá hiếm hoi và các nghiên cứu mới chỉ tập trung chủ yếu vào tín ngưỡng thờ cá Voi. Những công trình có thể kể đến như: Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức [25], Đại Nam nhất thống chí - phần tỉnh Thừa Thiên Huế [59] của Quốc sử quán Triều Nguyễn đã đề cập đến vai trò quan trọng của cá Voi trong đời sống ngư dân Trung Bộ và Nam Bộ. Cũng bàn về tín ngưỡng thờ cá Voi có thể kể đến công trình: Góp phần nghiên cứu văn hóa Việt Nam của Nguyễn Văn Huyên [44], Việt Nam văn hóa sử cương của Đào Duy Anh [3]... Ở giai đoạn này, có một số công trình đề cập đến tục thờ một vị thần biển được thờ chủ yếu từ khu vực Nghệ An trở ra phía Bắc đó là Tứ Vị thánh nương như: Việt điện u linh [107], Lĩnh Nam chích quái [61], Lịch triều hiến chương loại chí [99]... Sau năm 1945, việc nghiên cứu tín ngưỡng của cư dân vùng biển và hải đảo được quan tâm hơn, nhưng nội dung chủ yếu vẫn tập trung vào tục thờ cá Voi. Tiêu biểu như: Kẻ thừa tự của ông Nam Hải của Cung Giũ Nguyễn [57] và Tục thờ cá voi của Thái Văn Kiểm. Nếp cũ của Toan Ánh [7].... Từ năm 1975 bắt đầu xuất hiện những nghiên cứu rộng hơn về tín ngưỡng của cư dân ven biển, tiêu biểu nhất là công trình Thần, người và đất Việt (2006) của Tạ Chí Đại Trường [85]. Ở công trình này ông dành hẳn một tiểu mục về "hệ thống thần linh biển", trong đó ông điểm tên các vị thần như Tứ Vị thánh nương, cá Ông, Po Rayak - thần sóng biển của người Chăm.


Đến những năm cuối của thế kỷ XX và đầu XXI, nghiên cứu về biển và văn hóa biển đảo đã thu hút sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu dưới nhiều khía cạnh khác nhau, giúp cho chúng ta có được bức tranh về văn hóa biển Việt Nam nói chung và tín ngưỡng nói riêng ngày càng rõ nét.

Trước hết, là các công trình nghiên cứu về các giá trị văn hóa biển Việt Nam trong đó có tín ngưỡng như Văn hóa dân gian làng ven biển do Ngô Đức Thinh chủ biên (2000)[72], Cộng đồng cư ngư dân Việt Nam của Nguyễn Duy Thiệu (2002) [69], Văn hóa cư dân ven biển Quảng Ngãi của Nguyễn Đăng Vũ (2003) [103], Văn hóa biển miền trung của Lê Văn Kỳ (2015) [49], Đời sống kinh tế - xã hội - văn hóa của ngư dân và cư dân vùng biển Nam Bộ của Phan Thị Yến Tuyết (2014) [89], Một góc nhìn về văn hóa biển của Nguyễn Thành Lợi (2014) [53], Biển trong văn hóa người Việt của Nguyễn Thị Hải Lê (2009)[51], Văn hóa biển đảo Việt Nam của Vũ Quang Dũng (2017) [20], Đời sống xã hội và văn hóa của cộng đồng ngư dân ven biển và hải đảo từ Đà Nẵng đến Khánh Hòa góc nhìn Dân tộc học của Bùi Xuân Đính và Nguyễn Thị Thanh Bình (2018) [24]... Trong các công trình trên, các tác giả đa phần đi vào miêu thuật lại các thành tố văn hóa nổi bật của cộng đồng cư dân ven biển ở một địa phương cụ thể.

Chưa có nhiều nghiên cứu chuyên biệt về tín ngưỡng của cư dân biển, đảo Việt Nam nhưng năm gần đây đã chứng kiến sự xuất hiện ngày nhiều các công trình nghiên cứu về tín ngưỡng của cộng đồng cư dân ven biển. Tiêu biểu có thể kể đến công trình như Tín ngưỡng cư dân ven biển Quảng Nam- Đà Nẵng của Nguyễn Xuân Hương (2009) [43], Những vị thần bảo vệ biển đảo và ngư dân Việt Nam của Lê Minh và Phạm Đăng (2014) [55], Biến đổi tín ngưỡng của cư dân ven biển Đà Nẵng trong quá trình đô thị hóacủa Lê Thị Thu Hiền (2017) [40], Phong tục - tín ngưỡng dân gian làng biển Đông Tác của Lê Thế Vinh, Nguyễn Hoài Sơn (2012)[102], Lễ hội cổ truyền cư dân


ven biển Hải Phòng và sự biến đổi trong giai đoạn hiện nay của Lê Thanh Tùng (2012) [81],...

Ngoài các chuyên khảo còn có rất nhiều những bài báo, bài tham luận viết về tín ngưỡng của cư dân vùng biển Việt Nam như “Tục thờ cá voi và lễ hội cầu ngư ở miền Trung Việt Nam: Vấn đề phát huy giá trị văn hóa biển trong bối cảnh xã hội đương đại” của Nguyễn Phước Bảo Đàn (2015), “Lễ hội đền Lê Khôi trong đời sống văn hoá của cư dân ven biển Thạch Hà, Lộc Hà - Hà Tĩnh” của Đặng Thị Thúy Hằng (2010), “Lễ hội Quan Lạn - nét văn hóa độc đáo của ngư dân biển đảo Vân Đồn”của Nguyễn Thị Phương Thảo (2009), “Những đặc trưng của lễ hội truyền thống ven biển Quảng Ninh” của Nguyễn Thị Phương Thảo (2014), ...

Đây là những nguồn tư liệu quan trọng giúp NCS có được cái nhìn toàn diện hơn về tín ngưỡng cư dân biển, đảo Việt Nam.

1.1.2. Các công trình nghiên cứu về tín ngưỡng cư dân ven biển Thanh Hóa

Tính đến nay có không ít công trình nghiên cứu về các giá trị văn hóa biển Thanh Hóa. Tuy nhiên, chưa có nhiều công trình đi sâu nghiên cứu về tín ngưỡng của cư dân vùng biển Thanh Hóa. Một số công trình liên quan đến tín ngưỡng cư dân ven biển Thanh Hóa có thể được phân loại thành các nhóm sau đây:

Nhóm các công trình thống kê, liệt kê những vị thần được cộng đồng cư dân vùng biển Thanh Hóa thờ tự và các địa điểm thờ tự. Đầu tiên, phải kế đến cuốn Thanh Hóa chư thần lục, được viết vào năm Thành Thái thứ 15 (1905) [60], là cuốn sách thống kê các vị thần được thờ ở Thanh Hóa (837 nam thần và 165 nữ thần), nơi thờ và huyền tích về các vị thần được thờ, trong đó bao gồm cả các vị thần biển. Đại Nam nhất thống chí (1960) tập Thượng và tập Hạ (2006) [100] là một công trình có nhiều dữ liệu về Thanh


Hóa bao gồm vị trí, địa giới, các điều kiện tự nhiên và nhân văn, hệ thống các đình, đền, chùa, miếu mạo và những vị thần được thờ ở địa phương này. Đây là một nguồn tài liệu quý cho những nhà nghiên cứu muốn khảo cứu riêng về địa lý và lịch sử tỉnh Thanh Hóa thời phong kiến. Công trình Tỉnh Thanh Hóa của học giả người Pháp là Charles Robequain (đã được Nguyễn Xuân Dương và Lâm Phúc Giáp dịch ra tiếng Việt-2012) [62] là công trình nghiên cứu về Thanh Hóa trên các lĩnh vực sử học, văn học, nghệ thuật, kiến tạo địa hình, dân tộc học, phong tục học, dân cư và các luồng di dân... Trong cuốn sách có một phần miêu tả khá chi tiết về vùng biển Thanh Hóa từ sự hình thành các vùng đất ven bờ, nghề đánh cá biển, chế biến nước mắm, cách thức thực hành tín ngưỡng của cộng đồng cư dân ở vùng biển. Hệ thống các công trình địa chí của tỉnh, của các huyện và xã vùng biển như: Địa chí tỉnh Thanh Hóa tập 1 (2000) [77], Địa chí huyện Tĩnh Gia(2010) [38], Địa chí huyện Quảng Xương (2010) [36], Địa chí văn hóa huyện Quảng Xương (2015), Địa chí văn hóa Hoằng Hóa (2000) [35], Địa chí Hậu Lộc (1990) [34], Địa chí Nga Sơn (2012), Địa chí xã Ngư Lộc (1992 ) [23], Địa chí xã Hải Thanh (2006) [8], Địa chí xã Quảng Nham (2008) [22]... đã giới thiệu khái quát về hệ thống các vị thần biển, nơi thờ, lễ hội và những giá trị liên quan đến sinh hoạt tín ngưỡng của cộng đồng cư dân ven biển Thanh Hóa nói chung và của từng huyện, xã ven biển nói riêng. Nhìn chung, các công trình trên mới chỉ dừng lại ở hình thức thống kê mô tả một cách khái quát nhất những tín ngưỡng của cộng đồng cư dân vùng biển Thanh Hóa. Đây chính là nguồn tư liệu cần thiết giúp NCS có được cái nhìn tổng thể, từ đó xác định được rõ đối tượng và phạm vi nghiên cứu của đề tài.

Thứ hai là nhóm các công trình nghiên cứu chuyên sâu về tín ngưỡng cộng đồng cư dân ven biển Thanh Hóa. Ở những công trình này, các tác giả đa phần đi vào miêu thuật các thành tố văn hóa tại một địa danh cụ thể và cố


gắng làm nổi bật đặc điểm riêng của địa phương. Những thành tố được lựa chọn thường là di tích, các sinh hoạt tín ngưỡng, lễ hội, phong tục, diễn xướng, văn hóa dân gian, tri thức bản địa... Tiêu biểu là các công trình: Văn hóa dân gian làng ven biển do Ngô Đức Thịnh chủ biên (2000) [72] đã miêu tả một cách toàn diện về làng Mom (nay là xã Quảng Nham, huyện Quảng Xương); công trình Văn hóa biển miền Trung Việt Nam của Lê Văn Kỳ (2005) [49] có đề cập đến địa danh làng biển Cự Nham hay còn gọi là làng Mom với tục thờ Tứ Vị thánh nương trong ngôi đền lớn nhất của làng (gọi là đền Cả) và coi lễ hội làng Cự Nham là một trong những lễ hội tiêu biểu của cư dân vùng biển Thanh Hóa để tưởng nhớ công ơn của các vị thần biển. Một loạt các công trình khác nữa có thể kể đến là các luận án tiến sĩ và luận văn cao học: Luận án tiến sĩ của Phạm Văn Tuấn mang tiêu đề Cơ cấu tổ chức xã hội truyền thống của làng Việt ven biển huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa (2010) [88], luận văn thạc sỹ của Phạm Thị Hà Xuyên Nghiên cứu Tri thức dân gian trong đánh bắt hải sản hiện nay của cư dân xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa (2015) [106], luận văn thạc sỹ của Nguyễn Xuân Trà nghiên cứu về Tín ngưỡng cư dân ven biển huyện Quảng Xương, Thanh Hoá (2010) [82],...

Nhóm các công trình nghiên cứu chuyên sâu về một tín ngưỡng cụ thể của cộng đồng cư dân ven biển. Ở nhóm công trình, này các tác giả đi sâu vào miêu tả, phân tích một tín ngưỡng của cộng đồng cư dân ven biển, từ đó chỉ ra được vai trò của tín ngưỡng này trong đời sống của cộng đồng. Trước hết phải kể đến các công trình tiêu biểu của Hoàng Bá Tường là Tục thờ thần Độc Cước ở làng Núi Sầm Sơn (2005)[90] và Tục thờ Thần Độc Cước ở một số làng ven sông biển tỉnh Thanh Hoá (luận án tiến sĩ, 2010)[91]. Tục thờ thần Độc Cước là một tín ngưỡng điển hình của cư dân ven biển Thanh Hóa. Dưới góc nhìn văn hóa dân gian, các công trình này đã phác thảo diện mạo của tục


thờ thần Độc Cước ở làng núi Sầm Sơn và một số làng ven sông biển tỉnh Thanh Hoá đồng thời chỉ ra các tín ngưỡng cổ truyền và các lớp văn hoá tích hợp trong tục thờ thần Độc Cước, những giá trị và sự biến đổi của tục thờ này trong bối cảnh đương đại. Thần Độc Cước là một trong những vị thần được coi là khởi nguồn ở Thanh Hóa và nay được thờ phụng ở nhiều nơi. Trước đây, tục thờ này cũng đã được nhắc đến trong các công trình của tác giả người Pháp J.I. Claeys trong một nghiên cứu của ông năm 1941 mang tên Người An Nam và biển (1941) [28]. Học giả này đã ghi chép về kỹ thuật đóng bè mảng đánh cá của làng Lương Nhiệm và nhân vật huyền thoại thần Độc Cước. Cuốn Những vị thần bảo vệ biển đảo và ngư dân Việt do các tác giả Lê Minh và Phạm Đăng biên soạn (2014) [55] đã luận bàn sơ bộ về mối quan hệ của người Việt với biển rồi từ đó thống kê và phân loại các vị thần có vai trò bảo vệ biển đảo và ngư dân Việt Nam. Trong nhóm thần biển ở Việt Nam được các tác giả này thống kê có 2 vị thần được xem là có nguồn gốc xuất phát từ Thanh Hóa là Bà Triều và thần Độc Cước. Các tác giả đã khảo cứu về nguồn gốc cũng như miêu thuật tục thờ hai vị thần này. Đề tài khoa học cấp Bộ mang tiêu đề Hệ thống thần linh biển và ý nghĩa của việc thực hành tín ngưỡng này đối với việc khai thác biển và xác lập ý thức chủ quyền về biển của người Việt ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ (2015) [6] do Trần Thị An làm chủ nhiệm đã phác họa hệ thống thần linh biển và thực hành tín ngưỡng thờ thần biển của người Việt ở khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, trong đó bao gồm cả Thanh Hóa. Nhóm tác giả đã thống kê sơ bộ hệ thống thần biển Thanh Hóa và bàn luận sâu về một số vị thần tiêu biểu ở như thần Độc Cước, Bà Triều và tập hợp lễ hội ở vùng biển Sầm Sơn, lễ cầu Ngư Diêm Phố (Hậu Lộc). Công trình Văn hóa biển đảo Việt Nam dưới góc nhìn văn hóa dân gian (2017) [20] của Vũ Quang Dũng là công trình tập hợp các bài viết của nhiều nhà nghiên cứu về biển đảo và văn hóa biển đảo. Trong công trình này có 5 bài viết của


TS Hoàng Bá Tường luận bàn về các hoạt động tín ngưỡng của cộng đồng ngư dân Thanh Hóa như bài "Bà Triều - tổ nghề dệt xăm xúc và các lớp văn hóa, tín ngưỡng hội tụ trong một mẫu thần", "Tín ngưỡng thờ thần Độc Cước sự tiếp biến giữa các yếu tố văn hóa bản địa và ngoại sinh", "Lễ hội cầu ngư - đậm sắc thái văn hóa tín ngưỡng biển",...

Bàn về những thực hành tín ngưỡng của cộng đồng cư dân ven biển còn có các công trình như Lễ hội dân gian Thanh Hóa (2016) [93] do TS Hoàng Bá Tường chủ biên, Lễ tục, lễ hội truyền thống Thanh Hóa (2006) [56]của Hoàng Anh Nhân hay cuốn Lễ hội truyền thống Xứ Thanh (2 tập) của Ban Quản lý di tích và Danh thắng tỉnh Thanh Hoá. Ở những công trình này, các tác giả chủ yếu đi vào giới thiệu và phân tích về những lễ hội gắn với các vị thần tiêu biểu của cộng đồng cư dân ven biển như: lễ hội cầu ngư của các xã ven biển Thanh Hóa gắn với tục thờ Cá Ông, lễ hội bơi ở vùng cửa sông Lạch Bạng, lễ hội Quang Trung, tục Tải Mã của làng biển Như Áng,... gắn liền với hệ thống các di tích và danh thắng - nơi thờ tự các vị thần. Những giá trị về lịch sử, văn hóa kiến trúc và tín ngưỡng tại các di tích được các nhà nghiên cứu của Bảo tàng tổng hợp Thanh Hóa và Ban quản lý di tích và danh thắng Thanh Hóa nghiên cứu, miêu tả và phân tích trong bộ sách Di tích và danh thắng Thanh Hóa (1994-2009) 7 tập; Nguyễn Thanh Lợi, trong bài Tục thờ cá Ông ở Việt Nam (trong cuốn Một góc nhìn về văn hóa biển (2014) của ông), có bàn về tục thờ cá ông ở làng Diên Phố (Hậu Lộc) và đã khẳng định rằng về niên đại, đền thờ cá Ông được xây dựng lâu nhất là đền thờ Diêm Phố (xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa) được xây vào năm 1739. Cứ liệu này cho thấy tục thờ cá Ông vốn có trong dân gian từ trước khi Nguyễn Ánh lên ngôi (1802) và bác bỏ ý kiến của một số nhà nghiên cứu như: Cadière, Thái Văn Kiểm, Sơn Nam... cho rằng tục thờ cá Ông chỉ có từ khu vực đèo Ngang (Quảng Bình) trở vào [46, tr.235].

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 13/09/2023