Tạp Chí Tri Tân Trong Những Công Trình Nghiên Cứu Về Văn Học.‌

thực hiện mục đích chính trị. Chủ thuyết của A.Sarraut là dựa vào sức mạnh của báo chí để tạo ra: “Một thứ huyền thoại độc tôn về nền văn minh Pháp và thứ mặc cảm tự ti nơi những nhà trí thức Việt Nam lúc bấy giờ” [188, 88]. Cho nên hầu hết, nội dung của các báo, tạp chí thời kỳ đầu tập trung đăng tải những thông tin mang tính thời sự, xoay quanh các vấn đề về kinh tế, chính trị, tuyên truyền văn hóa, văn minh nước Đại Pháp

… Các tờ báo tiếng Việt tiêu biểu buổi đầu như: Gia Định báo (1865), Lục tỉnh tân văn (1907), Đông Dương tạp chí (1913), Nam phong tạp chí (1917)… được ra đời trước hết để thực hiện chức năng và nhiệm vụ cụ thể đó.

Càng về sau, báo chí dần chuyên biệt và xuất hiện những tờ báo chuyên hẳn về văn chương nghệ thuật. Tờ Phong hóa (1932) - Ngày nay (1935) của nhóm Tự lực văn đoàn chủ yếu đăng bài và bàn luận xoay quanh phong trào Thơ mới. Tiểu thuyết thứ Bảy (1934), Tiểu thuyết thứ Năm (1937) là loại tạp chí chuyên về văn học, Thanh nghị (1941), Tri tân (1941) là loại tạp chí chuyên về khảo cứu. Rõ ràng, không thể phủ nhận vai trò của báo chí đối với sự phát triển của nền văn học hiện đại. Vai trò ấy lại: “Càng rõ rệt hơn vào thời kỳ sau năm 1930 khi chúng ta thấy xuất hiện những tờ báo dành hẳn cho văn học hoặc phần văn học là chủ yếu như: Ngày nay, Tiểu thuyết thứ Ba, Tiểu thuyết thứ Năm, Tiểu thuyết thứ Bảy, Tương lai, Hà Nội báo, Tao đàn, Tân văn (trước năm 1945)” [135, 29].

Đồng quan điểm với Bùi Đức Tịnh, nhà nghiên cứu Phong Lê trong bài: Báo chí và văn học trong chặng đầu của tiến trình hiện đại hóa đã viết: “Báo chí và văn học đã có cơ hội đến với nhau ngay từ Gia Định báo (1865) ở Nam Kỳ trong mục khảo cứu

- nghị luận và trong các thông tri yêu cầu bạn đọc viết bài phải bám chắc vào sự thật” [102, 55].

Đặc biệt trong các cuốn hồi ký của các nhà văn nhà báo như Đời viết văn của tôi (1994), Nguyễn Công Hoan; Bốn mươi năm nói láo (2008, in lần đầu 1969), Vũ Bằng; Hồi ký Thanh nghị (1997), Vũ Đình Hòe… các tác giả đã ghi lại chân thực sinh động gương mặt của báo chí và văn học giai đoạn giao thời. Báo chí và văn học có những điểm giao thoa, cộng hưởng, nhà báo và nhà văn không tách bạch: “Người viết báo nói thực ra là làm văn chớ không phải làm báo. Một cái đoản thiên ngắn bao giờ cũng bắt đầu bằng một đoạn tả cảnh biền ngẫu, kiểu Tuyết Hồng lệ sử; còn xã thuyết thì bàn về chữ tín, chữ nghĩa và thường là phải bắt đầu bằng câu Phàm người ta ở trên đời. Vì thế, người viết báo trước hết phải tập viết văn cho nhịp nhàng thánh thót” [12, 15].

Văn chương được bồi đắp từ cái nôi của báo chí, do đó, bản thân các nhà văn cũng không thể phủ nhận ý nghĩa, tác động của báo chí trong quá trình trưởng thành của họ: “Có thể rút ra rằng, chính làm báo đã giúp cho tôi làm văn. Nếu không có làm báo chắc chắn tôi sẽ không làm văn được và không thể trở thành nhà văn (…) Tôi cho rằng, không có nghề báo thì tôi sẽ không có vốn sống, không có nền tảng để tôi viết văn” [38, 9]. Quả thật, “Báo và tạp chí là nơi thử thách ngòi bút của nhiều người, trước khi trở thành nhà văn chuyên nghiệp”.

Tác giả Trần Thị Trâm trong chuyên luận Văn học và báo chí từ một góc nhìn (2003) thêm một lần nữa khẳng định mối quan hệ “đan xen, cộng hưởng, nâng đỡ, chuyển hóa” lẫn nhau giữa báo chí và văn học để “cùng phát triển với một gia tốc lớn”. Có khi tác giả lại “tuyệt đối hóa” vai trò của báo chí: “Tìm hiểu sự phát triển của báo chí cũng chính là nói đến đời sống của bản thân văn học bởi vì trong thời kỳ đầu, đặc biệt trước khi có sự ra đời của các nhà xuất bản thì hầu như báo chí là phương tiện duy nhất để truyền bá tác phẩm, nơi giới thiệu kinh nghiệm sáng tác, nghiên cứu phê bình. Có những lúc, báo chí là phương tiện duy nhất, quan trọng nhất để truyền bá tác phẩm văn chương, đồng thời còn là trung tâm văn hóa lớn của thời đại” [191, 196].

Đến nay, khi đã có khá đầy đủ tư liệu về báo chí và có đủ độ lùi về thời gian để nhìn lại thì rõ ràng cách đánh giá của tác giả Trần Thị Trâm chưa thật khách quan và thỏa đáng song cái đích cuối cùng mà tác giả hướng tới cũng là nhằm khẳng định vai trò “quan trọng, duy nhất” của báo chí và các nhà xuất bản đối với nền văn chương hiện đại Việt Nam.

Như vậy, khi nghiên cứu về lịch sử báo chí, các nhà nghiên cứu đều thống nhất khẳng định vai trò quan trọng của báo chí đối với tiến trình hiện đại hóa văn học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX:

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 185 trang tài liệu này.

Sự thật dần dần chứng tỏ: Báo chí cần sử dụng và mở rộng địa bàn cho văn chương (gồm cả sáng tác và nghiên cứu - dịch thuật) để phát triển số lượng người đọc. Còn văn chương cần dựa vào báo chí để rèn luyện và nâng cao khả năng diễn đạt, miêu tả, qua đó từng bước hoàn thiện các thể văn mới đến từ các ảnh hưởng phương Tây đồng thời đưa tiếng Việt - chữ Quốc ngữ lên tầm một ngôn ngữ phong phú, linh hoạt, có năng lực thể hiện mọi trạng huống sinh hoạt xã hội và tâm lý con người [102, 57].

Hay nói cách khác, báo chí như một bộ phận của tiến trình văn học. Đó là mối quan hệ biện chứng, thẩm thấu tạo nên nét đặc thù của báo chí cũng như của văn học Việt Nam.

Tìm hiểu văn trên Tri tân tạp chí - 3

1.2. Tạp chí Tri tân trong những công trình nghiên cứu về văn học.‌

Trong các tài liệu nghiên cứu về Lịch sử văn học Việt Nam như: Việt Nam văn học sử yếu (1944) của Dương Quảng Hàm, Lược thảo lịch sử văn học Việt Nam (1957) của nhóm Lê Quý Đôn, Sơ thảo lịch sử văn học Việt Nam của các tác giả Văn Tân, Hồng Phong, Nguyễn Đổng Chi, Vũ Ngọc Phan, Giáo trình lịch sử văn học Việt Nam (1961), tập 4 của nhóm Lê Trí Viễn, Phan Côn, Huỳnh Lý, Lê Hoài Nam, Nguyễn Đình Chú, Việt Nam văn học sử trích yếu (1949) của Hạo Nhiên Nghiêm Toản, Lược truyện các tác gia Việt Nam (1972) của Trần Văn Giáp, Nguyễn Tường Phượng, Nguyễn Văn Phú, Tạ Phong Châu hay bộ Lược khảo văn học của Nguyễn Văn Trung, Thanh Lãng … dù ít nhiều các tác giả đều đề cập đến vai trò của báo chí đầu thế kỷ XX đối với tiến trình lịch sử văn học dân tộc: “Trên mặt các báo chí thường là xuất hiện nhiều nhà văn và nhiều tác phẩm thuộc mọi xu hướng khác nhau, cho nên trước hết chúng ta cần điểm các báo chí bằng Quốc ngữ từ khi ra đời đến năm 1945” [52, 24].

Tác giả Phạm Thế Ngũ trong cuốn Việt Nam văn học sử giản ước tân biên (Ất tị) khi khái quát “Bộ mặt đặc biệt của mấy năm 1940-1945” đã rất chú ý đến sự hình thành của các báo phái: Nếu như năm 1918 Nam phong chiếm địa vị độc tôn đến 1932 địa vị ấy nhường lại cho Phong hóa (những ai có học cao phải đọc những báo này) thì từ sau 1940:

Người trí thức để tâm đến quốc văn nhiều hơn, công chúng có học cũng mở rộng hơn, cơn gió phục hưng lại thổi đến một không khí đua chen giữa những người làm văn nghệ cùng một trình độ và nhiệt huyết, chỉ khác nhau ở đường lối và họ tung ra những ấn phẩm khuynh hướng đa tạp, có thể làm phân vân độc giả sành sỏi đi lựa chọn. Tựu trung có ba khuynh hướng đáng nêu làm tiêu biểu cho mấy năm 1940-1945 này được đúc kết vào ba nhóm: Tri tân, Thanh nghị, Hàn Thuyên. Tri tân đại biểu cho khuynh hướng phục cổ, học cổ, lấy khẩu hiệu: “Ôn cố nhi tri tân” của Khổng Tử mà đặt tên cho tờ tuần báo của họ [125, 615].

Nhà nghiên cứu văn học Vũ Ngọc Phan trong cuốn Nhà văn hiện đại (1994, in lần đầu 1942) đã nói đến vai trò của chữ Quốc ngữ và văn học Quốc ngữ được khẳng định bởi các nhà văn tiên phong xuất thân từ báo chí: “Quốc văn bắt đầu thịnh, bắt đầu có cái giọng hoa mỹ, dồi dào và chú trọng về tư tưởng là công các nhà biên tập hai tờ tạp chí Bắc Hà: Đông Dương tạp chí và Nam phong tạp chí” [139, 33].

Chuyên luận Quá trình hiện đại hóa văn học Việt Nam 1900-1945 (2000) do Mã Giang Lân chủ biên là cuốn sách tập hợp được các bài viết quan trọng cung cấp cho ta những điểm nhìn gợi mở, có ý nghĩa khái quát về văn học Việt Nam trên tiến trình hiện đại hóa. Đặc biệt, các tác giả đều khẳng định vai trò không thể thiếu của báo chí đối với quá trình hiện đại hóa văn học: “Có thể nói, đối với công việc nghiên cứu văn học Việt Nam 30 năm đầu thế kỷ XX, những tờ báo Quốc ngữ xuất bản công khai đương thời mang ý nghĩa của những hoa thạch văn hoá” [94, 128].

Đồng thời, tác giả nhấn mạnh đến báo chí với tư cách là: “Môi trường lưu giữ những tác phẩm văn học Quốc ngữ viết theo lối mới, mà đặc biệt là các thể đoản thiên tiểu thuyết, ký… đều được đăng tải trên báo chí hoặc để lại dấu ấn trên báo chí qua những bài giới thiệu sách, phê bình văn học, tranh luận văn học. Những khuynh hướng khác nhau tác động đến sự ra đời của văn học hiện đại viết bằng Quốc ngữ đều hiện diện và quy tụ ở môi trường báo chí, từ những hoạt động dịch thuật cho đến việc kiểm kê, thức nhận lại kho tàng văn học truyền thống. Hoàn toàn có thể khẳng định ít nhất trong ba thập niên đầu thế kỷ (nếu thậm chí không muốn nói là một khoảng thời gian còn rất dài sau đó) các nhà văn hiện đại đã xuất hiện, định hình và trưởng thành trong môi trường báo chí” [94, 128-129].

Vì vậy, nghiên cứu quá trình hiện đại hóa văn học Việt Nam: “Cần phải khai thác mối quan hệ đặc thù giữa văn chương và báo chí” [94, 131]. Hơn nữa, cũng cần phải khẳng định: “Vị trí đặc biệt quan trọng của báo chí đối với sự nghiệp xây dựng quốc văn, quốc học lúc bấy giờ” [94, 14]. Có nghĩa việc nghiên cứu văn học hiện đại Việt Nam những năm nửa đầu thế kỷ XX không thể tách biệt khỏi môi trường báo chí . Từ đó cho thấy, ý nghĩa, tác động thiết thực của báo chí đối với văn học và ngược lại.

Khi nghiên cứu Tổng quan về văn học Quốc ngữ trên báo chí 30 năm đầu thế kỷ, tác giả Phạm Xuân Thạch xem báo chí là cầu nối gắn kết và giữ vai trò chuyển tiếp giữa văn học truyền thống và văn học hiện đại. Bởi quá trình cách tân văn học truyền thống chuyển động dần dần trên các mặt báo viết: “Trong bối cảnh khi cái cũ tiếp tục đi đến cùng những khả năng cách tân và cái mới vẫn đang trong một giai đoạn thể nghiệm, tìm đường, khẳng định khả năng tồn tại, cho phép hình dung về một lối phát triển điều hoà, thỏa hiệp mà sản phẩm tất yếu là hình thức pha tạp, không trọn vẹn, dứt khoát. Tất cả những hiện tượng cũng như những khuynh hướng đó, một phần cơ bản cũng đã hiện diện trên báo chí” [94, 150].

Chính môi trường báo chí đã tác động trực tiếp đến quá trình sinh thành các thể loại văn học mới, góp phần làm thay đổi bộ mặt của nền văn học dân tộc: “Mặt khác, chúng ta cũng thấy rõ hơn vai trò của báo chí trong việc xã hội hóa văn học, hiện đại hóa văn học, nhất là hiện đại hóa các thể loại văn học” [137, 29].

Đặc biệt, thành tựu của văn học hiện đại Việt Nam kết tinh ở giai đoạn 1930- 1945 phải kể đến sứ mệnh hết sức quan trọng của báo chí: “Giai đoạn hoàn thiện diện mạo hiện đại của nó, trên cơ sở một phong trào báo chí - xuất bản thực sự là bà đỡ, là mảnh đất nuôi dưỡng cho văn chương - học thuật có được một mùa màng bội thu, với các tác gia, tác phẩm đỉnh cao trên tất cả các khu vực: thơ, tiểu thuyết, truyện ngắn, các loại ký, phê bình khảo cứu, nghị luận… Đóng góp nổi bật và có vai trò quan trọng cho sự nuôi dưỡng đó là các tờ Phong hóa, Ngày nay của Tự lực văn đoàn, Tiểu thuyết thứ Bảy, Tao đàn, Ích hữu của ông chủ Tân Dân Vũ Đình Long và Tri tân, Thanh nghị…” [102, 62].

Phong Lê khi tìm hiểu về “Cuộc đồng hành ngoạn mục” của văn học và báo chí trước 1945 đã chỉ ra quá trình vận động của báo chí đã hình thành nên những phong trào và khuynh hướng đối với sáng tác văn chương, học thuật: “Nếu từ trong thế chiến thứ nhất đến đầu những năm 30, gương mặt báo chí nổi bật trên hai tờ Đông Dương tạp chí của Nguyễn Văn Vĩnh và Nam phong tạp chí của Phạm Quỳnh, thì chuyển vào những năm 30, trên nền rộng của nhiều loại báo chí đưa tới sự xuất hiện những tờ chuyên cho văn chương và học thuật như Phong hóa, Ngày nay, Tiểu thuyết thứ Bảy, Ích hữu, Tao đàn, Tiểu thuyết thứ Năm, Tri tân, Thanh nghị… ” [102, 63].

Đồng hướng nghiên cứu với chúng tôi có luận án Tiến sĩ của Nguyễn Đức Thuận với đề tài Tìm hiểu văn trên Nam phong tạp chí(2006) đã có ý nghĩa định hướng, gợi mở cho chúng tôi trong quá trình tiếp cận, thực thi đề tài. Tuy kế thừa thành tựu của người đi trước nhưng luận án không rập theo khuôn mẫu sẵn có. Người viết luôn cố gắng tạo một hướng tiếp cận riêng với Tri tân. Điều đó được quy định bởi những đặc điểm riêng mang tính thời đại về hoàn cảnh lịch sử cụ thể, bối cảnh tư liệu cũng như tâm lí của công chúng tiếp nhận... để giải mã Tri tân. Nam phong là một tờ tạp chí bề thế, có khuynh hướng tư tưởng khá phức tạp nên khi đánh giá về tờ tạp chí này, dù ít dù nhiều, người nghiên cứu vẫn phải giữ thái độ thận trọng, đôi khi phải né tránh. Tạp chí Tri tân ra đời độc lập, không chịu sự chi phối của tư tưởng chính trị mà hoàn toàn trên tinh thần tự chủ của các trí thức có tâm huyết trong việc gìn giữ, khôi phục

các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Cho nên, những nghiên cứu về Tri tân

đảm bảo tính khách quan, khoa học.

Những tham luận tại Hội thảo về Quá trình hiện đại hóa văn học Việt Nam diễn ra hai ngày 18 và 19 tháng 3 năm 2010 tại trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn thành phố Hồ Chí Minh mà chúng tôi cập nhật được từ trang web: khoavanhoc- ngonngu.edu.vn cũng đã đặt ra vấn đề cần nghiên cứu mảng văn chương trên báo chí đầu thế kỷ XX với mục đích xác nhận giá trị, ý nghĩa của mảng văn chương đó trong tiến trình hiện đại hóa văn học dân tộc cũng như khôi phục gìn giữ, bảo tồn kho tư liệu quý hiếm này để phục vụ cho các công trình nghiên cứu chuyên sâu.

Gần đây nhất là công trình nghiên cứu Những sự kiện văn học Việt Nam (từ 1865 đến 1945) của Vũ Tuấn Anh do Nhà xuất bản Khoa học xã hội phát hành vào tháng 11 năm 2012 đã ghi lại những nét cơ bản của diễn trình văn học Việt Nam theo trình tự thời gian từ năm 1865 (năm có tờ báo quốc ngữ đầu tiên) đến năm 1945 thông qua các sự kiện văn học. Có thể nói, đây là công trình chứa đựng khối lượng thông tin tư liệu phong phú, dù không phải là một chuyên khảo về báo chí nhưng cuốn sách đã: “Lựa chọn những tờ báo có vai trò nổi bật trong các sự kiện văn học, các tờ báo – tạp chí có sức tập hợp đông đảo các cây bút đương thời và ghi dấu ấn rõ nét trong lịch sử báo chí, văn học, chẳng hạn như: Gia Định báo, Nông cổ mín đàm, Phụ nữ tân văn, Tiếng dân, Đông Dương tạp chí, Nam phong tạp chí, Phong hóa, Ngày nay, Tiểu thuyết thứ Bảy, Tiểu thuyết thứ Năm, Tao đàn, Tri tân, Thanh nghị...” [6, 25]. Cuốn sách giúp cho người đọc có cái nhìn toàn cảnh nền báo chí tiếng Việt và bao quát tiến trình hiện đại hóa văn học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX. Đồng thời, nó cũng giúp cho độc giả “nhận ra những mối tương quan, ảnh hưởng và tác động của chính trị, xã hội, văn hóa đối với các sự kiện văn học” [6, 28].

Từ những vấn đề trên, có thể khẳng định: Nền văn học hiện đại Việt Nam sở dĩ có được tốc độ phát triển nhanh mạnh như vậy là do quá trình thai nghén, ấp ủ rồi bung nở từ báo chí. Mối quan hệ giữa báo chí và văn học là mối quan hệ hữu cơ, hai chiều đan xen, quyện hòa. Báo chí là mảnh đất gieo mầm cho văn học và văn học là chất kích thích tạo đà cho báo chí phát triển thêm phong phú, đa dạng. Vì vậy, khi bước sang thời đại mới, việc: “Nhìn nhận lại những thành tựu văn học thế kỷ XX là quan trọng cần thiết. Nhưng có được thành tựu ngày hôm nay rõ ràng không thể không có công của báo chí, nhất là báo chí giai đoạn 32-45 khá phong phú và đăng tải nhiều thể loại văn học” [43, 456].

Từ đó, cho thấy việc nghiên cứu văn học trên báo, tạp chí khu vực đầu thế kỷ XX là thực sự cần thiết. Bởi nó tạo ra cái nhìn đa chiều khi nghiên cứu văn học đồng thời đặt ra một vấn đề nghiêm túc là cần thức nhận lại kho tàng văn học quá khứ, phục dựng thêm đầy đặn khuôn diện của nền văn học sử, trả chúng về đúng vị trí trước khi bị lãng quên.

1.3. Những công trình sưu tầm, giới thiệu về tạp chí Tri tân

Nhìn lại lịch trình nghiên cứu Tri tân tạp chí, chúng tôi nhận thấy việc nghiên cứu tờ tạp chí này tựu chung lại đã được những người đi trước đề cập trên ba phương diện sau:

1.3.1. Công trình nghiên cứu tổng quan về tạp chí Tri tân‌

Công trình đầu tiên nghiên cứu một cách tổng quan về tạp chí Tri tân phải kể đến là Mục lục phân tích tạp chí Tri tân (1941-1945) (1998) của Hồng Nhuệ Nguyễn Khắc Xuyên. Với mục đích tổng hợp, thống kê, phân loại các đề mục xuất hiện trên Tri tân, nhà thư mục Nguyễn Khắc Xuyên đã phân chia một cách chi tiết và sắp xếp tương đối hệ thống về các đề mục xuất hiện trên Tri tân dựa trên hai tiêu chí: Mục lục các tác giả Mục lục các bộ môn .

Phần một, về Mục lục các tác giả, Nguyễn Khắc Xuyên đã tổng hợp, sắp xếp tên các tác giả theo thứ tự A, B, C… Đối với mỗi tác giả lại có phần thống kê cụ thể bài viết của họ được đăng trên các số của tạp chí Tri tân trong suốt 5 năm. Các bài viết này cũng được tác giả sắp xếp theo thứ tự A, B, C… dựa vào chữ cái đầu tiên của tiêu đề bài báo. Để tiện cho việc tra cứu, Nguyễn Khắc Xuyên đã đặt ra quy ước, kí hiệu rất rõ ràng: đặt số tạp chí đứng trước và số trang của bài viết đứng sau: Chẳng hạn, phần mục lục về tác giả Cây Thông, có các bài: 1- Ban kịch Hà Nội với Thế chiến quốc; Bóng giai nhân (68, 16); 2- Học thêm; (32, 19-21); 3- Nên luyện cho trẻ em tập đọc quốc văn (42, 4)… Với cách hệ thống, phân loại công phu, tỉ mỉ, Hồng Nhuệ Nguyễn Khắc Xuyên đã cung cấp cho độc giả một hình dung “tổng thể” về diện mạo của tờ tạp chí này.

Phần hai, về Mục lục các bộ môn được tác giả chia thành 21 bộ môn: Tôn giáo, Kinh tế, Mỹ thuật, Kịch, Chính trị, Triết học, Giáo dục, Du ký, Sách báo, Địa lý, Học đường, Thời sự, Khoa học, Ngữ học, Báo chí - thư viện – truyện, Tiểu thuyết dài – khảo cứu dài, Phê bình giới thiệu sách, Xã hội – phong tục – phụ nữ - thanh niên, Thơ, Văn học, Lịch sử. Với cách phân chia này, ta thấy các bài viết trong từng bộ môn chủ yếu được lựa theo tiêu chí đề tài và thể loại. Tuy nhiên, đây là cách phân chia còn

nhiều vấn đề cần luận bàn. Bởi nó chưa thật khoa học và chưa đồng nhất về tiêu chí phân loại: Có phần thuộc về các lĩnh vực trong đời sống (Kinh tế, chính trị, khoa học, xã hội…), phần thì thuộc về các môn học (Triết học, lịch sử, địa lý, văn học…), phần thì thuộc về các thể loại văn học (Thơ, truyện, kịch, phê bình…), có phần thuộc về thể loại báo chí (Thời sự), có phần lại thuộc về đề tài (Phong tục, phụ nữ, thanh niên…) hay các thể tài văn học (Du ký, tiểu thuyết dài, khảo cứu dài…). Vì vậy, nếu đặt là Mục lục các bộ môn thì tiêu chí, cơ sở phân loại chưa thật bình đẳng, thậm chí còn chồng chéo.

Cho đến nay, cuốn sách của Nguyễn Khắc Xuyên vẫn là công trình duy nhất khái quát một cách đầy đủ và tương đối hệ thống về diện mạo của tạp chí Tri tân. Với vai trò của người tiên phong phục dựng tổng quan về tạp chí Tri tân thì công trình của Nguyễn Khắc Xuyên có ý nghĩa tổng hợp bước đầu về diện mạo Tri tân tạp chí và là cuốn sách thực sự hữu dụng cho những ai quan tâm đến mảnh đất còn bỏ ngỏ này.

1.3.2. Công trình nghiên cứu về các tác gia‌

Với các công trình lựa chọn đối tượng là các tác giả lớn - những cây bút đắc lực làm nên linh hồn của Tri tân như Tiên Đàm Nguyễn Tường Phượng, Hoa Bằng, Nguyễn Văn Tố, Lê Thanh, Nguyễn Huy Tưởng, Phan Khắc Khoan… đã được các nhà nghiên cứu sưu tầm, tập hợp, tuyển chọn các tác phẩm của họ thành các tuyển tập lớn.

Các tác giả Băng Hồ, Hải Hồng, Hải Yến trong công trình Tuyển tập Nguyễn Tường Phượng (sưu tập, Nxb Văn học, 1996) đã giới thiệu những nét cơ bản về thân thế, cuộc đời, sự nghiệp của nhà văn, nhà nghiên cứu, phê bình Nguyễn Tường Phượng. Sau đó, tác giả tập hợp, giới thiệu các bài viết tiêu biểu của Nguyễn Tường Phượng về các lĩnh vực: Văn hóa, văn học, lịch sử chủ yếu đã được đăng trên tạp chí Tri tân. Cuốn sách đã giúp ích rất nhiều cho những ai quan tâm đến tác giả Nguyễn Tường Phượng đồng thời cũng có ý nghĩa định hướng, gợi mở cho những công trình nghiên cứu chuyên sâu về tác giả này.

Nguyễn Huy Tưởng là nhà văn danh tiếng đương thời, chính sự cộng tác của ông đã góp phần làm “sang” tên tuổi của tạp chí Tri tân. Với hai thể tài: Tiểu thuyết lịch sử Kịch lịch sử, Nguyễn Huy Tưởng đã xác lập vị trí, vai trò không thể thiếu trong nền văn học hiện đại Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX, đặc biệt là vào những năm 1940. Vì thế, ông là tác gia được giới nghiên cứu, phê bình văn học quan tâm, chú ý trong việc sưu tầm, biên soạn các sáng tác của ông thành các tuyển tập: Nguyễn Huy Tưởng, Tuyển tập ký sự (Nxb Văn học, 1963), Nguyễn Huy Tưởng, Tác phẩm chọn lọc (Nxb Hội

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 16/01/2023