Lịch sử các học thuyết kinh tế - 2

đời, phát sinh, phát triển và thay thế lẫn nhau của tư tưởng kinh tế. Sự chín muồi của những điều kiện vật chất cho phép sự chín muồi của nhận thức kinh tế.

Tư tưởng kinh tế bao giờ cũng là kết quả nhận thức của một người, một tầng lớp, một giai cấp nhất định trong lịch sử, là vũ khí lý luận nhằm bảo vệ lợi ích trước mắt hoặc lâu dài cho tầng lớp, giai cấp sinh ra nó.

Bản chất giai cấp của tư tưởng kinh tế liên hệ chặt chẽ với tính khoa học của nó. Sự phát triển khoa học và áp dụng khoa học đến mức nào tùy thuộc ở chỗ giai cấp đó đóng vai trò tiến bộ đối với sự phát triển của sản xuất hay không? Giai cấp có đóng vai trò tiến bộ, cách mạng trong lịch sử đều có đóng góp to lớn cho sự phát triển khoa học của tư tưởng kinh tế. Giai cấp đó dùng khoa học để đạt mục đích của nó vì vậy tư tưởng của họ mang tính tiến bộ và khoa học. Nhìn chung nó phản ánh đúng đắn quá trình hình thành và phát triển khách quan của các quan hệ kinh tế. Song khi đã hết vai trò tiến bộ trong lịch sử, tư tưởng kinh tế của các giai cấp này sẽ trở thành bảo thủ, kìm hãm sự phát triển của khoa học.

Mặt khác, các tư tưởng kinh tế tuân theo các quy luật về mặt nhận thức. Mỗi một bước phát triển của tư tưởng kinh tế, là một bước gần đến chân lý khách quan; mỗi một học thuyết kinh tế là một nấc thang, một viên gạch để dựng nên tòa lâu đài tri thức kinh tế. Về mặt này, lịch sử phát triển của tư tưởng kinh tế là lịch sử của quá trình nhận thức từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp, từ kém hoàn thiện đến hoàn thiện hơn. Không có một lý luận kinh tế nào tuyệt đối, hoàn mỹ và cuối cùng cả. Tất cả chỉ là những mắt khâu trong dây chuyền tiến tới chân lý tuyệt đối, cho nên xem xét lại những khái niệm, phạm trù là công việc tất yếu, thường xuyên, là đòi hỏi khách quan của sự phát triển. Với tư cách này, lịch sử các tư tưởng kinh tế đã tạo ra cơ sở cho sự thống nhất của tư tưởng kinh tế, là tư tưởng kinh tế nói chung của loài người.

Như vậy, lịch sử các học thuyết kinh tế chỉ nghiên cứu những quan điểm kinh tế đã phát triển thành một hệ thống nhất định. Hệ thống các quan điểm kinh tế và tổng hợp những tư tưởng kinh tế giải thích các hiện tượng kinh tế trong mối liên hệ sản xuất nhất định. Những quan điểm kinh tế chưa thành hệ thống, nhưng có ý nghĩa lịch sử, được trình bày kế tiếp nhau theo tiếp trình lịch sử thuộc về môn lịch sử tư tưởng kinh tế. Mặt khác, lịch sử các học thuyết kinh tế không chỉ nghiên cứu hệ thống các quan điểm kinh tế của các nhà tư tưởng thuộc lĩnh vực kinh tế chính trị học, mà còn nghiên cứu hệ thống các quan điểm về những vấn đề kinh tế hiện đại.

1.1.2. Nhiệm vụ của môn học

- Nghiên cứu, đánh giá quan điểm kinh tế của các đại biểu, các trường phái khác nhau trên quan điểm cụ thể. Từ đó cung cấp cho người học những hiểu biết khái quát về lịch sử phát triển kinh tế của nhân loại, những học thuyết kinh té chủ yếu, chi phối sự phát triển kinh tế trong những thời kỳ khác nhau

- Những quan điểm kinh tế phát sinh, phát triển trong những điều kiện kinh tế - xã hội nhất định, gắn với giai cấp nhất định, phục vụ quyền lợi cho giai cấp đó, không có kinh tế phi giai cấp, lịch sử các học thuyết phản ánh tư tưởng kinh tế của các giai cấp khác nhau trong những giai đoạn lịch sử nhất định.

- Lịch sử các học thuyết kinh tế ra đời và phát triển cùng với sự phát triển của nền kinh tế hàng hóa và nền kinh tế thị trường của nhân loại từ thế kỷ XV đến nay, nó phản ánh sự tồn tại và phát triển xã hội về mặt kinh tế. Mặt khác, nó còn là sự khái quát thực tiễn để trở lại chỉ đạo sự phát triển của bản thân nền kinh tế thị trường.

- Với vai trò là môn khoa học có phương pháp luận, lịch sử các học thuyết kinh tế cung cấp một cách có hệ thống các quan điểm, các lý luận kinh tế làm cơ sở cho các khoa học kinh tế khác, đặc biệt là các môn học kinh tế liên quan đến nền kinh tế thị trường.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 169 trang tài liệu này.

1.2. Phương pháp nghiên cứu của môn lịch sử các học thuyết kinh tế

1.2.1. Phương pháp biện chứng duy vật

Lịch sử các học thuyết kinh tế - 2

Cũng như các môn khoa học khác, Lịch sử các học thuyết kinh tế sử dụng phép biện chứng duy vật - học thuyết về những mối liên hệ, những quy luật chung nhất của sự phát triển của tồn tại và tư duy, làm cơ sở của việc nghiên cứu khoa học.

Đây là phương pháp chung xuyên suốt trong quá trình nghiên cứu một cách có hệ thống các quan điểm kinh tế, đồng thời đánh giá đúng đắn công lao và hạn chế của các nhà kinh tế trong lịch sử.

Mặt khác, phản ánh một cách khách quan tính phê phán vốn có của các học thuyết kinh tế, không phủ nhận tính độc lập tương đối của các học thuyết kinh tế và vai trò, vị trí lịch sử của nó.

1.2.2. Phương pháp trừu tượng hóa khoa học

Khi nghiên cứu các hiện tượng, quá trình kinh tế cần gạt bỏ đi những yếu tố ngẫu nhiên, tạm thời. Tập trung nghiên cứu những yếu tố mang tính bản chất, quy luật, thường xuyên lặp đi lặp lại.

1.2.3. Phương pháp lôgíc kết hợp với lịch sử

Hệ thống các quan điểm kinh tế là kết quả phản ánh các quan hệ kinh tế vào ý thức con người trong giai đoạn lịch sử nhất định. Nguồn gốc ra đời, sự phát triển và diệt vong của các lý luận kinh tế do cơ sở kinh tế xã hội quyết định. Vì vậy, việc nghiên cứu hệ thống các quan điểm kinh tế đòi hỏi phải tuân thủ một cách triệt để nguyên tắc lôgic - lịch sử.

1.2.4. Một số phương pháp khác

Phương pháp phê phán, phân tích và tổng hợp: nhằm đánh giá đúng công lao, đóng góp, hạn chế, tính kế thừa và phát triển của các trường phái kinh tế trong lịch sử.

Phương pháp tiếp cận có hệ thống: theo dòi quá trình phát sinh, phát triển của các phạm trù, quy luật kinh tế qua các trường phái, ảnh hưởng của chúng tới sự phát triển kinh tế - xã hội.

Nguyên tắc chung cho các phương pháp nghiên cứu môn học lịch sử các học thuyết kinh tế

1.3. Ý nghĩa của việc nghiên cứu lịch sử các học thuyết kinh tế

Trước hết, Lịch sử các học thuyết kinh tế với tư cách là một môn khoa học có tính độc lập thực hiện chức năng nhận thức. Chức năng này yêu cầu phải nghiên cứu, đánh khía các quan điểm kinh tế của các đại biểu, các trường phái khác nhau trong quan điểm lịch sử cụ thể.

Là một môn khoa học xã hội nghiên cứu những quan điểm kinh tế phát sinh, phát triển trong những điều kiện kinh tế xã hội nhất định gắn liền với lợi ích của các giai cấp nhất định nên lịch sử các học thuyết kinh tế có chức năng tư tưởng. Không có tư tưởng kinh tế phi giai cấp.

Với chức năng thực tiễn, lịch sử các học thuyết kinh tế cho phép chúng ta nắm vững tính khoa học, của các quan điểm kinh tế, tiếp thu những bài học của lịch sử để đẩy nhanh tiến trình phát triển kinh tế - xã hội hiện nay.

Lịch sử các học thuyết còn có chức năng phương pháp luận. Nó cung cấp một cách hệ thống các quan điểm, các lý luận kinh tế là cơ sở lý luận cho khoa học kinh tế chính trị và các khoa học kinh tế khác. Đặc biệt là những môn nghiên cứu những vấn đề có liên quan đến kinh tế thị trường.

Với những chức năng trên, việc nghiên cứu lịch sử các học thuyết kinh tế là rất cần thiết, là bộ phận không thể tách rời của việc nghiên cứu các khoa học kinh tế trong giai đoạn hiện nay.

Việc nghiên cứu nguồn gốc các phạm trù cơ bản, các quy luật các vấn đề khác của kinh tế chính trị không thể bỏ qua tính lịch sử của chúng. Do vậy, chỉ có thể hiểu một cách sâu sắc và hoàn chỉnh môn kinh tế chính trị sau khi nghiên cứu lịch sử các học thuyết kinh tế.

Trong điều kiện hiện nay, việc nghiên cứu lịch sử các học thuyết kinh tế giúp người học nâng cao hiểu biết về nền kinh tế thị trường và những kiến thức cần thiết để nắm vững và thực hiện thành công đường lối chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước ta.

TỔNG KẾT CHƯƠNG


Lịch sử các học thuyết kinh tế là môn khoa học xã hội nghiên cứu quá trình phát sinh, phát triển, đấu tranh và thay thế lẫn nhau của các hệ thống quan điểm kinh tế của các giai cấp cơ bản trong các hình thái kinh tế - xã hội khác nhau.

Đối tượng nghiên cứu của môn lịch sử các học thuyết kinh tế là hệ thống các quan điểm kinh tế của các giai cấp khác nhau trong hình thái kinh tế - xã hội khác nhau gắn với các giai đoạn lịch sử nhất định.

Lịch sử các học thuyết kinh tế chỉ nghiên cứu những quan điểm kinh tế đã được hình thành như một hệ thống nhất định. Những quan điểm kinh tế chưa thành hệ thống nhưng có ý nghĩa lịch sử thuộc môn Lịch sử tư tưởng kinh tế.

Phương pháp nghiên cứu lịch sử các học thuyết kinh tế là phương pháp duy vật biện chứng. Việc nghiên cứu hệ thống các quan điểm kinh tế đòi hỏi phải thực hiện một cách triệt để nguyên tắc lịch sử. Không nên xem xét di sản của quá khứ bằng tiêu chuẩn hiện tại, không thể đánh giá ý nghĩa của chúng căn cứ vào trình độ khoa học hiện nay. Ngoài ra, việc nghiên cứu lịch sử các học thuyết kinh tế cần sử dụng tổng hợp nhiều phương pháp khác nhau, như: phương pháp trừu tượng hóa khoa học, phương pháp phê phán, phân tích tổng hợp và tiếp cận có hệ thống… để thấy rò được vai trò lịch sử, đóng góp và hạn chế của các quan điểm kinh tế của các đại biểu khác nhau.

Đối với sinh viên thuộc khối chuyên ngành kinh tế, việc nghiên cứu lịch sử các học thuyết kinh tế là rất cần thiết, là bộ phận không thể tách rời của việc nghiên cứu các khoa học kinh tế trong giai đoạn hiện nay.

CÂU HỎI ÔN TẬP


1. Phân tích đối tượng và phương pháp nghiên cứu của môn lịch sử các học thuyết kinh tế.

2. Phân tích các phương pháp nghiên cứu của môn lịch sử các học thuyết kinh tế.

3. Tư tưởng kinh tế là gì? Trình bày đặc điểm của tư tưởng kinh tế.

4. Tại sao nói việc nghiên cứu môn lịch sử các học thuyết kinh tế là rất cần thiết đối với các khoa học kinh tế trong giai đoạn hiện nay?

5. Trình bày ý nghĩa của việc nghiên cứu môn lịch sử các học thuyết kinh tế.

6. Vai trò của môn lịch sử các học thuyết kinh tế là gì?

7. Tại sao nghiên cứu môn học lịch sử các học thuyết kinh tế lại có vai trò quan trọng trong việc tìm hiểu về nền kinh tế thị trường?

CHƯƠNG 2: HỌC THUYẾT KINH TẾ CỦA CHỦ NGHĨA TRỌNG THƯƠNG


2.1. Hoàn cảnh lịch sử ra đời chủ nghĩa trọng thương

2.1.1. Cơ sở kinh tế - xã hội

Chủ nghĩa trọng thương (CNTT) là hệ thống tư tưởng kinh tế đầu tiên của giai cấp tư sản ra đời trong thời kỳ tan rã của phương thức sản xuất phong kiến, phát sinh phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa (TBCN). CNTT tồn tại từ cuối thế kỷ XV đến cuối thế kỷ XVII ở nhiều nước châu Âu mà điển hình là ở Anh và Pháp.

Sự xuất hiện của chủ nghĩa trọng thương gắn liền với những chuyển biến lịch sử to lớn trong thời kỳ này, có thể tóm lược như sau:

- Kinh tế hàng hóa phát triển mạnh, thị trường trong nước mở rộng và thống nhất dần, đồng thời phát triển về hàng hải cũng thúc đẩy giao thương quốc tế và xâm lấn thuộc địa phát triển nhanh. Từ đó thế lực của tầng lớp thương nhân được tăng cường và dần trở thành bá chủ trong xã hội. Lý tưởng ôn hòa của thời Trung cổ đi vào bóng tối của thời gian, người ta xác định chỉ có giầu sang là điều mong ước duy nhất trên còi đời và lăn xả vào mọi hoạt động để làm giầu, tiền được dùng như là một phương tiện trung gian trao đổi với tư cách là tư bản để mưu lợi (theo công thức T-H-T’).

- Bộ mặt chính trị - xã hội cũng thay đổi khác hẳn với thời Trung cổ: Chế độ quân chủ được củng cố, mọi quyền hành tập trung về tay trung ương, guồng máy cai trị được tăng cường, sử dụng lực lượng quân sự khổng lồ, và nhà vua phải dựa vào sựa giúp đỡ tài chính của tầng lớp thương gia tư sản trong xã hội. Giai cấp phong kiến có sự phân hóa: các vương hầu quí tộc lớn mạnh không chịu khuất phục ngai vua. Nông nô muốn thoát khỏi ách thống trị của lãnh chúa, và tầng lớp nhân dân thành thị ( gồm thợ thủ công, tiểu thương, tiểu chủ… ở thị trấn) cũng muốn chấm dứt sự đô hộ của giới quí tộc, do đó địa vị của giai cấp phong kiến bắt đầu lung lay. Sự phân hóa giầu nghèo ngày càng sâu sắc. Do có khối lượng vàng bạc khổng lồ tràn ngập thị trường Châu Âu, nhu cầu và sức mua của người tiêu thụ tăng trong khi sức sản xuất không thay đổi, thậm chí có khuynh hướng giảm, nhưng tư bản thương nhân được lợi làm giàu nhanh chóng.

2.1.2. Cơ sở phương pháp luận

+ Xuất hiện phong trào phục hưng chống lại những tư tưởng đen tối thời Trung cổ: xuất hiện những tư tưởng mới về chủ nghĩa nhân đạo tư sản, chủ nghĩa duy vật trong triết học, các ngành khoa học tự nhiên phát triển mạnh như thiên văn học, cơ học, hóa học …(Đại diện là các nhà khoa học thiên tài như Galile, Kopecnic, Kepsler…)

+ Người dân có mơ ước về công bằng xã hội và có sự chuyển biến cơ bản trong tâm lý: trước kia con người chỉ nghĩ đến tôn giáo, đạo lý. Giờ họ nghĩ đến thực tiễn, hướng tới các môn khoa học và quyền lợi vật chất. Các quan niệm tích cực không cấm đoán giầu sang, xem sự thành công là vật chất là phép lành do Chúa ban cho. Đây là điều khích lệ đối với những người có óc kinh doanh làm giầu, tạo điều kiện thúc đẩy những hành vi tích lũy theo kiểu tư bản chủ nghĩa.

+ Về quan điểm chính trị: nổi bật là 2 ý niệm căn bản:

Một là, phải củng cố nền độc lập và chủ quyền từng quốc gia.

Hai là, xem con người như là một thực thể, một công dân của quốc gia, một thành phần của nhân loại, đề cao cá tính và vai trò của mỗi cá nhân.

Từ đó khuynh hướng chính trị lập quốc và phát triển kinh tế theo hướng TBCN được đẩy mạnh.

+ Đặc biệt là những phát kiến địa lý (thể kỷ XV - XVI) tìm ra châu Mỹ, đường biển qua châu Phi, từ châu Âu sang ấn Độ… tạo điều kiện mở rộng thị trường xâm chiếm thuộc địa, làn sang du thương chuyển vàng từ châu Mỹ về châu Âu… Vai trò của tư bản thương nghiệp được nêu cao, nó đòi hỏi phải có lý thuyết kinh tế chỉ đạo.

2.2. Tư tưởng và đặc điểm cơ bản của chủ nghĩa trọng thương

2.2.1. Tư tưởng cơ bản của chủ nghĩa trọng thương

- CNTT đánh giá cao vai trò của tiền tệ:

CNTT coi tiền tệ là nội dung căn bản của của cải, một nước càng có nhiều tiền (vàng) thì càng giàu. Hàng hóa chỉ là phương tiện làm tăng khối lượng tiền tệ. Do đó mục đích chủ yếu trong chính sách kinh tế của mỗi quốc gia là phải gia tăng được khối lượng tiền tệ.

- CNTT lấy tiền làm tiêu chuẩn để đánh giá mọi hình thức hoạt động nghề nghiệp:

Họ cho rằng chỉ có hoạt động ngoại thương mới là nguồn gốc thật sự của của cải. Trong hoạt động ngoại thương phải thực hiện xuất siêu. “Nội thương là hệ thống ống dẫn, ngoại thương là máy bơm. Muốn tăng của cải phải có ngoại thương nhập dẫn của cải qua nội thương”

- CNTT cho rằng lợi nhuận là do lĩnh vực lưu thông mua bán, trao đổi sinh ra:

Lợi nhuận thương nghiệp là kết quả của sự trao đổi không ngang giá, là sự lừa gạt. Trong trao đổi phải có bên thua để bên kia được, dân tộc này làm giàu bằng cách hy sinh lợi ích của dân tộc khác.

- Tính chất dân tộc là một trong những đặc điểm nổi bật của hệ tư tưởng của CNTT:

Những người theo CNTT chú trọng chủ yếu đến việc xây dựng thị trường dân tộc, ở mỗi nước có những biện pháp tích lũy tiền tệ khác nhau. Họ không những nói đến sự

tăng của cải nói chung, mà còn nói đến sự tăng của cải ở mỗi nước nhất định bằng cách làm phá sản nước khác.

2.2.2. Đặc điểm cơ bản của chủ nghĩa trọng thương

- Đối tượng nghiên cứu:

Đối tượng nghiên cứu CNTT là lĩnh vực lưu thông trao đổi K.Marx đã chỉ ra rằng: chủ nghĩa trọng thương thế kỷ XVI - XVII đã đi theo “Cái hình thái chói lọi của giá trị trao đổi và đứng trên lĩnh vực thô sơ lưu thông hàng hóa để xem xét nền sản xuất TBCN”.

- Tính lý luận còn yếu:

Hệ thống quan điểm của CNTT còn yếu về tính lý luận, họ chưa biết đến quy luật kinh tế, không thừa nhận quy luật kinh tế. Những đề xuất trong chính sách kinh tế của họ thường được nêu ra dưới hình thức lời khuyên thực tiễn, mang nặng tính chất kinh nghiệm.

- Đề cao vai trò của Nhà nước:

CNTT đánh giá cao các chính sách kinh tế của Nhà nước, dựa vào chính quyền Nhà nước để tích lũy tiền tệ. Họ cho rằng chỉ có dựa vào Nhà nước mới có thể phát triển được kinh tế.

- CNTT tạo điều kiện cho việc phát triển kinh tế hàng hóa và kho học kinh tế:

Những quan niệm của CNTT kinh tế là một bước tiến bộ to lớn so với thời trung cổ. Nó đoạn tuyệt với nền kinh tế tự cung, tự cấp và giáo lý phong kiến để phát triển nền kinh tế hàng hóa TBCN, mở đường cho sự phát triển của khoa học kinh tế

2.3. Các giai đoạn phát triển của Chủ nghĩa trọng thương

2.3.1. Giai đoạn thế kỷ XV-XVI

Thời kỳ này được coi là thời kỳ “Chủ nghĩa tiền tệ” hay “ chủ nghĩa vàng”.Tư tưởng trung tâm của thời kỳ này là: bản cân đối (hệ thống) tiền tệ:

- Theo họ cân đối tiền tệ là ngăn chặn không cho đem tiền ra nước ngoài, khuyến khích mang tiền từ nước ngoài về.

- Phải cân đối tiền tệ theo hướng “Thu” phải lớn hơn “Chi”, phải đem tiền về càng nhiều càng tốt bằng con đường ngoại thương, phải giữ tiền tệ trong nước không “chảy” ra nước ngoài, và phải bằng mọi cách thu hút tiền nước ngoài vào trong nước.

- Chủ trương hạn chế tối đa nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài về, cấm xuất khẩu tiền. Khuyến kích xuất khẩu hàng ra nước ngoài, và sau khi bán hàng ở nước ngoài phải đem tiền về.

- Lập hàng rào thuế quan, giảm lợi tức cho vay để bảo vệ và khuyến khích sản xuất trong nước.

- Giai đoạn này chính là giai đoạn tích lũy về tiền của chủ nghĩa tư bản có sự tham gia của Nhà nước.

Xem tất cả 169 trang.

Ngày đăng: 16/07/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí