Đặt Nhân Vật Vào Những Tình Huống Truyện Giàu Kịch Tính

Tại hội nghị các Vương hầu ở Bình Than, họp bàn về kế sách đánh giặc Nguyên. Nhưng lúc đó Văn hầu Trần Quốc Toản còn nhỏ tuổi không được dự họp bàn, Quốc Toản trong lòng hổ thẹn, phấn khích tay cầm quả cam bóp nát lúc nào không biết. Một thời gian sau, Quốc Toản lui về huy động hơn nghìn gia nô và người thân, sắm vũ khí đóng thuyền chiến viết lên cờ sáu chữ: “Phá cường địch báo hoàng ân”. Khi đối mặt với giặc tự mình xông lên trước quân sỹ, giặc trông thấy phải tránh lui không dám đối địch. Rõ ràng chân dung nhân vật Trần Quốc Toản được các nhà sử học dựng lên bằng những hành động chọn lọc và ấn tượng. Tinh thần yêu nước, căm thù giặc sâu sắc, tích tụ, dồn nén, không thể kìm chế được đã được bộc lộ ra ngoài bằng hành động bộc phát “bóp nát quả cam” rồi sắm vũ khí đóng thuyền chiến viết lên cờ sáu chữ: “Phá cường địch báo hoàng ân”. Tinh thần yêu nước, ý thức tự tôn dân tộc của Trần Quốc Toản vốn bắt nguồn từ truyền thống tốt đẹp của con người Việt nam từ xa xưa. Lên ba tuổi chàng trai Phù Đổng đã nhổ tre diệt thù, tiếng nói đầu tiên của chàng là tiếng nói đánh giặc. “Con người Việt Nam vốn là những con người có ý thức độc lập dân tộc và lòng yêu nước rất mãnh liệt. Họ xem ranh giới quốc gia là rất đỗi thiêng liêng, khác hẳn với người phương Tây sống du mục, lang thang nay đây mai đó nên ranh giới quốc gia đối với họ không là vấn đề “sống còn” cần kíp giữ gìn bảo vệ. Đối với người Việt Nam hễ kẻ nào đến xâm phạm bờ cõi, lãnh thổ là “bị đánh tơi bời” và chống trả quyết liệt”(39,tr43)

Đại Việt sử ký toàn thư không chỉ là những trang sử hào hùng về lòng yêu nước căm thù giặc, mà còn là bài ca bất hủ về tư tưởng trung quân. Đứng trên quan điểm Nho giáo để nhìn nhận lịch sử, các sử gia luôn tôn thờ tư tưởng trung quân. Những tấm gương trung quân đã được các sử gia ca gợi hết lời. Tiêu biểu là nhân vật Phụng Hiểu đời Trần.

Trước những việc làm vô đạo đức, trái nhân luân, làm loạn kỷ cương, thì một con người giàu nghĩa khí như Phụng Hiểu không thể khoanh tay đứng nhìn. Khi

Lý Thái Tổ vừa băng hà, linh cửu chưa được an táng, thái tử vâng di chiếu chuẩn bị lên ngôi. Vậy mà ba anh em Đông Chinh, Dực Thánh, Vũ Đức đem quân phục sẵn trừ khử thái tử nhằm cướp đoạt ngôi báu. Phụng Hiểu – một bề tôi trung thành rất phấn khích tức giận rút gươm chạy thẳng đến cửa Quảng Phúc hô to rằng; “bọn Vũ Đức Vương ngấp nghé ngôi báu, không coi vua nối vào đâu, trên quên ơn tiên đế, dưới trái nghĩa con tôi”.(1,tr248) “Vì thế thần là Phụng Hiểu xin đem thanh gươm này để dâng, rồi xông thẳng đến chỗ ngựa của Vũ Đức Vương, Vương quay ngựa ngã khuỵ xuống bị Phụng Hiểu bắt giết. Phủ binh của ba vương thua chạy, quan quân đuổi theo chém giết không sót một mống chỉ có hai vương là Đông Chinh và Dực Thánh chạy thoát”(1,tr149).

Hành động lao đầu vào chốn loạn quân và bất chấp tính mạng của Phụng Hiểu là kết quả của sự phẫn uất trước đạo lý cương thường bị đảo lộn, anh em cốt nhục giết nhau để tranh dành ngôi báu, không coi di chiếu vua ban là gì. Hành động đó là đỉnh cao của tư tưởng trung quân, trung quân chính là một phẩm quan trọng nhất của bề tôi, không phải “vua bảo chết, thần chết” mà vì đạo lý, vì lẽ sống cương thường của Nho giáo đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân.

Chức năng của sử học là phản ánh lịch sử chính xác, cung cấp thông tin, sự kiện còn văn học thiên về chức năng thẩm mỹ, giáo dục. Nhưng qua những tấm gương yêu nước như Trần Quốc Toản, trung quân như Phụng Hiểu, thì những trang sử của Đại Việt sử ký toàn thư đã mang chức năng giáo dục, thẩm mỹ của văn chương. Điều này hoàn toàn phù hợp với mục đích viết sử của các bậc đại nho. Nhà sử học dựng lại chân dung nhân vật lịch sử giống như quá trình sáng tạo của nhà văn. Nhà văn chọn lọc, khái quát ghi nhận những hành động ấn tượng từ thực tế cuộc sau đó tái hiện vào trong tác phẩm của mình, còn nhà sử học chép lại có chọn lọc và sắp xếp những hành tiêu biểu để tạo dựng chân dung nhân vật lịch sử. Chính sự tương đồng trong quá trình sáng tác văn học và quá trình chép sử đã tạo lên giá trị văn học của Đại Việt sử ký toàn thư .

2.2.1.2. Những hành động phi đạo đức


Nhà nho trong xã hội phong kiến xưa là người có vị trí đặc biệt, là tầng lớp đứng đầu tứ dân (sỹ – nông – công – thương). Họ là tầng lớp trung gian giữa giai cấp thống trị và nhân dân. Khi cần họ thay mặt cho nhân dân nói lên tiếng nói của đại quần chúng, nhất là khi giai cấp thống trị rơi vào con đường ăn chơi xa hoa, truỵ lạc, không chăm lo cho cuộc sống của người dân.

Trong tư duy của những nhà sử học, giai cấp thống trị được phân thành hai loại: một là các đấng minh quân tài giỏi, nhân đức chăm lo cho dân cho nước, hai là những ông vua hoang dâm, tàn ác ăn chơi vô độ.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 132 trang tài liệu này.

Khi xã hội phong kiến bước vào giai đoạn suy đồi, bản chất phản động của giai cấp phong kiến đựơc thể hiện rõ. Văn học mang nặng tính chất phê phán hơn là ngợi ca.

Hai ông vua bị các thần sử phê phán gay gắt nhất đó là: Vua Uy Mục và vua Ngoạ Triều.

Tìm hiểu giá trị văn học của Đại Việt sử ký toàn thư - 7

Điều đặc biệt ở đây khi xây dựng chân dung hai nhân vật lịch sử này các nhà sử học không chỉ quan tâm đến thời điểm mà họ “sắm vai” lịch sử mà còn khắc hoạ tính cách theo cả một quá trình. Điều này làm cho con người trong lịch sử giống như nhân vật trong tác phẩm văn học. Bút pháp khắc hoạ nhân vật là bút pháp của nhà văn. Ngoạ Triều đã từng giết anh tự lập làm vua, còn Uy Mục Hoàng đế vốn là con của một tỳ thiếp được lập làm vua. Thái hậu e không nối được đạo thống nên không vui. Sau khi lên ngôi Uy Mục đã ngầm giết thái hậu rồi nghỉ chầu bảy ngày.

Trước khi Uy Mục lên ngôi Văn Lễ, Quang Bật cùng các đại thần nhận di chiếu lập Túc Tông lên ngôi Hoàng đế, Uy Mục oán thù sau này mượn mưu của Khương Chủng và Nhữ Vi đẩy hai người đi làm thừa tuyên sứ Quảng Nam “khi họ

đến sông lớn ở huyện Châu Phúc vua sai người đuổi theo bắt phải tự tử, cả triều đình ai cũng biết, vua đổ tội cho Nhữ Vi rồi giết y”(3,tr40).

Xưa nay trong xã hội phong kiến việc thái tử lên ngôi là do vua cha truyền lại hoặc chưa kịp viết di chiếu thì do các quan trong triều tôn lên. Nhưng qua những sự việc nêu trên cả hai vị vua này có sự kế vị không chính đáng, thậm chí có cả những hành động tàn ác giết cả anh trai của mình để tranh ngôi báu, hoặc giết cả cận thần để bịt đầu mối…

Việc đưa vào lịch sử những chi tiết trên làm cho tính cách nhân vật trở nên điển hình. Uy Mục và Ngoạ Triều là tiêu biểu cho loại vua “quỷ vương”.

Uy Mục hoàng đế từ khi lên ngôi: “Vua đêm nào cũng cùng cung nhân vui đùa uống rượu vô độ khi say liền giết cả cung nhân”(3,tr45). Các quan nào không lập Y làm vua thì giết đi, lại ngầm sai nội nhân Nguyễn Đình Khoa đi dò xét cả hai mươi sáu vương là các chú và anh em của vua, nếu còn thì trừng trị nốt. Anh em nội, ngoại, thích của Uy Mục cậy quyền thế giết hại cả nhân sinh: “kẻ thì dùng ngón kín mà yêu sách tiền của, mọi thứ súc vật, hoa màu của dân chúng đều cướp đoạt cả, nhà nào có đồ lạ, đồ quý chúng đánh dấu chữ vào đều đòi lấy”(3,tr45)

Bọn ngoại thích Nguyễn Đình Khoa: “ngầm sai người đến Thừa Hiến phủ huyện các xứ trong nước, tới cả dân gian, cưỡng bắt những con gái chưa chồng làm khốn khổ nhân dân”.(3,tr47)

Tội ác chồng chất của vua và bọn ngoại thích làm cho dân chúng không dám ló mặt ra, thấy chúng đã chạy trốn vào các nhà, phố xá hàng chợ. Vua chết do Giản Tu oán hận vì đã giết cha mẹ, anh chị em mình thảm khốc nên sai người dùng súng lớn cho nổ tan tành hết hài cốt. Sống không trách nhiệm, không lương tâm để người thân nội ngoại thích hoành hành nên chết bi thảm là tất yếu. Đây là quan hệ nhân quả.

Ngoạ Triều hoàng đế coi việc giết người là sở thích, coi tính mạng của người dân là thứ đùa vui. Các sử thần đã đưa vào lịch sử rất nhiều hành động giàu kịch tính, gay cấn, đậm màu sắc văn học “vua tính hiếu sát, phàm người bị hành hình, hoặc lấy cỏ danh cuốn vào người mà đốt cho lửa cháy gần hết hoặc sai kép hát người nước Tông là Liêu Thư Tâm lấy dao ngắn, dao cùn xẻo từng mảnh để cho không được chết chóng. Người ấy kêu gào thì Thư Tâm nói đùa rằng: “Nó không quen chịu chết”, vua cả cười. Đi đánh dẹp bắt được tù nhân thì giải đến bờ sông khi nước triều rút sai người làm lao dưới nước, dồn cả vào trong ấy đến nước triều lên ngập nước mà chết hoặc bắt người chèo lên ngọn cây cao rồi chặt gốc cho cây đổ, người rơi xuống chết, vua thân đi đến xem lấy làm vui. Có lần vua đi đến sông Ninh sông ấy nhiều rắn, vua sai trói người vào mạn thuyền đi lại giữa dòng muốn cho rắn cắn chết. Phàm bò lợn muốn làm thịt thì tự tay vua chọc tiết rồi mới đưa vào nhà bếp sau”(1,tr236). Ngỗ ngược hơn “vua róc mía trên đầu sư Quách Ngang giả vờ lỡ tay làm đầu vua bị thương chảy máu rồi cả cười hoặc nhân yến tiệc, giết mèo cho các vương ăn, ăn xong vua lấy đầu mèo giơ lên cho các vương xem, các vương đều sợ, vua lấy làm thích”(1,tr236). Sự tàn ác của Ngoạ Triều hoàng đế được sử thần Ngô Sỹ Liên so sánh với vua Kiệt nhà Hạ và vua Trụ nhà Thương. Chân dung vua Ngoạ Triều hiện lên bằng nghệ thuật sắp xếp chọn lọc hàng loạt các chi tiết, các sự việc sinh động, hấp dẫn. Những chuỗi hành động mà các thần sử đưa ra đều tập trung vào vẽ lên bộ mặt của một vị vua tàn ác nhất trong lịch sử. Thông thường khi lật một trang sử, ấn tượng đối với người đọc là sự kiện, nhưng có lẽ rằng qua những trang sử trên người đọc lại thấy hình bóng của một kiểu nhân vật trong văn học – nhân vật đế vương tàn ác, coi việc giết người là một thú vui. Như vậy qua việc taọ dựng chân dung nhân vật lịch sử bằng nghệ thuật sắp xếp các chi tiết các nhà sử học đã phản ánh được cái chung qua cái cụ thể mang tính đại diện. Đây là cách xây dựng nhân vật và phản ánh cuộc sống của nhà văn

Những vị vua như Uy Mục và Ngoạ Triều không đủ đạo đức để làm vua, xã hội phong kiến xưa được duy trì chủ yếu bằng đức trị. Người đứng đầu nhà nước là

vua đóng vai trò là “cha mẹ của dân”, thay trời trị dân và giáo hoá dân mà có những hành động tàn ác như trên quả thật là không xứng đáng, giáo dân, dân cũng không nghe. Một ông vua anh minh phải là một ông vua vừa tài giỏi vừa nhân hậu và phải biết chăm lo cho dân cho nước. Còn những ông vua “vương quỷ” như trên sẽ thất bại nhanh chóng. Trong xã hội phong kiến đạo đức là nhân tố quyết định sự thịnh suy trong công cuộc trị vì. Nhân đức vua chúa kém thì thần dân sẽ quay lưng. Nhân đức toả sáng thì thần dân sẽ quy phục thiên hạ đại định. Ngoài những tên “quỷ vương” các nhà nho chép sử còn lên án gay gắt những tên gian thần, phản tặc.

Tiêu biểu như Đỗ Thích thuộc kỷ nhà Đinh làm chức ở lại Đồng Quan: “đêm nằm trên cầu bỗng thấy sao sa rơi vào miệng” Thích cho là điềm tốt bèn nảy ra ý định giết vua. Đến đây, nhân vua ăn yến tiệc ban đêm, say rượu nằm trong sân. Thích bèn giết chết, lại giết luôn cả Nam Việt Vương Liễn, khi ấy lệnh lùng bắt hung thủ rất gấp, Thích phải nấp ở máng nước trong cung. Qua ba ngày khắt lắm, gặp lúc trời mưa thò tay hứng nước uống, cung nữ trong cung trông thấy liền đi báo. Đinh Quốc Công Nguyễn Bặc sai người bắt đem chém, đập nát xương ra từng mảnh chia cho người trong nước ăn”(1,tr214). Hành động giết vua của Đỗ Thích là mắc vào tội khi quân. Đây là tội nặng nhất trong xã hội phong kiến nên bị trừng phạt đích đáng. Ngai vàng phong kiến là địa vị cao nhất thiên hạ, người ngồi ở vị trí này có quyền lực tuyệt đối và được hưởng mọi thú ngon vật lạ trên đời, vây xung quanh họ là hàng trăm hàng nghìn những cung tần mĩ nữ “mặt hoa da phấn” “nghiêng nước nghiêng thành” ngày đêm thay nhau phục vụ…Địa vị cao quý và cuộc sống phù hoa nơi cung cấm tạo lên nỗi khát thèm mơ tưởng. Đây là nơi thường xuyên diễn ra cảnh “nồi da nấu thịt”. Nhiều bậc quần thần đã liều mạng để chiếm đoạt ngôi báu. Cuộc đời ngắn ngủi của Đỗ Thích được trích dẫn ở trên là minh chứng cho giấc mộng trở thành đế vương nhưng không thành .

Xây dựng chân dung nhân vật lịch sử bằng việc gợi ca những hành động chân chính và lên án, phê phán những hàng động phi nghĩa đã mang lại giá trị giáo dục sâu sắc cho Đại Việt sử ký toàn thư. Sử học nhưng lại mang chức năng văn chương(chức năng giáo dục) Vậy giá trị văn học của Đại Việt sử ký toàn thư là xuất phát từ mục đích chép sử của các bậc đại nho.‌

2.3. Nghệ thuật tạo tình huống truyện


2.3.1. Đặt nhân vật vào những mối mâu thuẫn


Cách chép sử của các tác giả Đại Việt sử ký toàn thư khác hẳn với cách chép sử của khoa học lịch sử hiện đại. Khoa học lịch sử hiện đại chép sử theo lối biên niên, sự kiện lịch sử được sắp xếp theo trật tự ngày tháng, sự kiện đưa ra càng chân thực bao nhiêu càng có giá trị bấy nhiêu. Nhưng ở Đại Việt sử ký toàn thư, Ngô Sĩ Liên đã vận dụng tổng hợp cả hai phương pháp viết sử của Trung Quốc. Đó là lối viết biên niên của bộ Xuân Thu và lối viết kỷ truyện theo bộ Sử ký của Tư Mã Thiên.

Đại Việt sử ký toàn thư có sự đan xen giữa lối viết biên niên và kỷ truyện. Những phần được viết theo lối kỷ truyện, Ngô Sỹ Liên đã khéo léo chọn lọc, sắp xếp các chi tiết để tạo dựng chân dung nhân vật. Thậm chí ông còn đặt nhân vật lịch sử vào mối mâu thuẫn để nhân vật bộc lộ tính cách.

Tiêu biểu như nhân vật Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn- kỷ nhà Trần.


Khi xây dựng nhân vật Trần Quốc Tuấn, Ngô Sĩ Liên đặt nhân vật vào mối mẫu thuẫn giữa chữ hiếu và chữ trung. Trần Quốc Tuấn sẽ lựa chọn thực hiện tròn bổn phận làm con hay là một bề tôi trung thành. Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn vốn là con trai của An Sinh Vương. Trước khi mất, An Sinh Vương trăng trối với con rằng: “con mà không vì cha lấy được thiên hạ thì dưới suối vàng cũng không nhắm được”(2,tr79). Trong thâm tâm, An Sinh Vương mong con đoạt được ngôi báu từ tay Chiêu lăng về mình (ông và Chiêu Lăng vốn có hiềm khích với

nhau). Sau khi nghe xong lời cha dặn Trần Quốc Tuấn ghi điều đó ở trong lòng nhưng ông không cho là phải. Trần Quốc Tuấn thương cha nhưng đã đặt lợi ích triều đại, lợi ích đất nước cao hơn lợi ích cá nhân. Khi vận nước nằm trong tay ông đem lời trăng trối của cha ra để thử gia nô và các con, hơn nữa đây cũng là lần thử thách cuối cùng để kiểm nghiệm lòng mình. Trước hết ông hỏi hai gia nô Yết Kiêu và Dã Tượng, họ cho rằng: “làm như thế tuy được phú quý một thời nhưng để lại tiếng xấu ngàn năm. Nay Đại Vương há chẳng đủ phú quý hay sao”. Câu trả lời của hai gia nô khiến ông không những hài lòng mà còn cảm động đến phát khóc. Câu trả lời của con trưởng khiến ông ưng ý: “Dẫu khác họ cũng còn không nên huống chi là người cùng một họ”(2,tr80). Con thứ đồng ý với phép thử, điều này khiến cho Trần Quốc Tuấn có phản ứng quyết liệt. Ông cho đây chính là kẻ phản nghịch định chém đầu để trừng trị và dặn người nhà không cho phép nhìn mặt sau khi ông chết.

Sau phép thử ông đã giải toả được mối mâu thuẫn giữa chữ “trung” và chữ “hiếu” đã giải quyết được mối giằng co, day dứt trong lòng. Cuối cùng ông đã đặt chữ “trung” lên trên chữ “hiếu”, đặt nợ nước lên trên tình nhà. Trần Quốc Tuấn là hình mẫu lý tưởng của thời đại, là mẫu người mà xã hội phong kiến tôn thờ, là sản phẩm của Nho giáo. Tư tưởng trung quân của Trần Quốc Tuấn là tư tưởng chủ yếu của Nho gia. Tấm gương trung quân ở Trần Quốc Tuấn luôn được đề cao nhằm mục đích giáo hoá, tuyên truyền bảo vệ trật tự xã hội phong kiến.

Như vậy, việc đặt nhân vật vào các mối mâu thuẫn, hay chính là các mối quan hệ (vua – tôi, cha – con, gia nô - chủ tướng) để thể hiện tính cách là cách sử dụng nghệ thuật viết văn vào khắc hoạ chân dung nhân vật lịch sử. Vì vậy những trang sử này mang giá trị văn học sâu sắc.

2.3.2. Đặt nhân vật vào những tình huống truyện giàu kịch tính

Xem toàn bộ nội dung bài viết ᛨ

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 19/02/2024