Thuyết Tam Tòng, Tứ Đức Tạo Ra Tâm Lý Thụ Động Phụ Thuộc Vào Chồng Làm Cản Trở Sự Phát Triển Của Người Phụ Nữ Hiện Nay


Trần Nhân Tông (1279 - 1293). Tháng 2 năm Ất dậu (1285), Thoát Hoan đánh thắng nhiều nơi, có một số vương hầu nhà Trần hàng giặc. Để ngăn chặn bớt tính hung hãn của giặc, vua Trần Nhân Tông đã sai Trần Dương và Đào Kiện đưa quốc muội là công chúa An Tư gả cho Thoát Hoan. Công chúa Nguyễn Phúc Ngọc Vạn là con của Sãi Vương Nguyễn Phúc Nguyên (chúa Nguyễn Đàng trong từ 1613 - 1635). Năm 1620, công chúa Ngọc Vạn kết hôn với vua Chân Lạp (Cambodia) và trở thành Hoàng Hậu vương quốc Chân Lạp, thủ đô lúc đó là Udong. Những tuỳ tùng của công chúa Ngọc Vạn đều được giữ những chức vụ quan trọng trong triều đình Chân Lạp [187].

Trong xã hội phong kiến Việt Nam, người đàn bà không được phép bỏ chồng dù người chồng có xấu, có tệ bạc như thế nào chăng nữa. Người chồng không những được phép bỏ vợ mà họ còn được phép bán vợ. Theo điều 332 của luật Gia Long cho rằng nếu người vợ mắc tội ngoại tình thì chồng có quyền gả bán vợ cho người khác. Tuy nhiên điều 254 của luật này, người chồng ngoại tình cũng bị xử nhưng nhẹ hơn ở mức phạt tiền hoặc bị đánh. Năm 1920, có trận đói lớn, người chồng đã tự ý bán vợ với giá một quan tiền (Đại Việt sử ký toàn thư). Như vậy, thân phận phụ nữ thời phong kiến được coi như một loại hàng hóa mà người ta sẵn sàng trao đổi qua tay.

Trong cuộc sống vợ chồng, người phụ nữ cũng không được tự do, quyết đoán tất cả các công việc mặc dù họ là người làm chính việc nhà. Họ không đẻ được hay không đẻ được con trai thì người đàn ông vẫn có quyền đi lấy vợ lẽ. Và khi chồng có vợ lẽ, vui thú bên vợ lẽ thì họ được khuyên là phải cam chịu coi đó là lẽ thường tình trong cuộc đời. Điều này được xem như một quy luật, là điều hiển nhiên mà người phụ nữ phải nghe, phải theo. Bên cạnh đó, những người làm vợ lẽ tuy được quyền làm vợ nhưng họ không khác gì là kẻ hầu không có quyền được hưởng hạnh phúc chân chính. Người đàn ông có quyền năm thê bảy thiếp nhưng người đàn bà thì chỉ được phép lấy một chồng. Bàn về vấn đề trọng nam khinh nữ trong Văn hóa Việt, Phan Kế Bính viết: “Tục ta trọng nam khinh nữ thì là một tục trái hẳn với cách văn minh... Tục ta thì phần nhiều áp chế đàn bà quá. Có người coi vợ như kẻ ăn người ở, nào là bắt sửa túi nâng khăn, nào là bắt cơm dâng nước tiến, nào là bẻ hành bẻ


tỏi, nào là bắt nhặt bắt khoan. Chồng ăn chơi như phá không sao, vợ xểnh ra một chút đã sinh ra ỏm tỏi; chồng chim chuột như quỷ thì chẳng hề gì, vợ động đi đâu một lúc thì sinh ra ngờ vực, ấy là trái với đạo công bằng. Tục ta buộc cho đàn bà một chữ trinh mới lại nghiệt nữa. Đã đành trinh tiết là một nết rất quý ở Á Đông ta, không có thể sao bỏ được, nhưng thủ trinh với chồng cốt ở trong bụng, chứ giữ gìn từng li thì tựa như đàn ông quá hà khắc” [56, tr.68].

Bàn về vấn đề hôn nhân gia đình, trong khoản 2 điều 4 của Luật hôn nhân gia đình ghi rõ “cấm tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, cản trở hôn nhân tiến bộ” [121]. Đó là quy định của luật pháp còn trong cuộc sống khi con người hành động vẫn chịu ảnh hưởng của phong tục, tập quán thì rất nhiều nơi, nhiều người vẫn ứng xử theo tập tục “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”.

Sự can thiệp quá mức của cha mẹ đã đẩy nhiều đôi nam nữ yêu nhau đến sự tuyệt vọng và họ chỉ còn tìm đến cái chết để không bị chia lìa. Theo cuộc điều tra Gia đình Việt Nam năm 2006 của Bộ Văn hóa thể thao và du lịch - Tổng Cục thống kê - Viện gia đình và giới - Quỹ nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), đối với những cuộc hôn nhân hiện tại của những người từ 61 tuổi trở lên có 28,5% (trong đó nông thôn cao hơn thành thị (32% so với 19,8%), nữ cao hơn nam (31% so với 25,9%) là do cha mẹ hoàn toàn quyết định. Đối với cuộc hôn nhân hiện tại của những người từ 18 đến 60 tuổi thì chỉ còn 7,3% (trong đó nông thôn là 8,3%, thành thị là 4,5%, nữ 8,6%, nam 5,9%). Đối với lứa tuổi vị thành niên từ 15 đến 17 tuổi (được hỏi về quan niệm), có 4,4,% ý kiến cho rằng cuộc hôn nhân của các em sau này là do cha mẹ hoàn toàn quyết định.

Những tiêu cực của tư tưởng “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”, con gái được cha mẹ gả bán cho nhà chồng vẫn còn có ảnh hưởng trong đời sống xã hội ở nước ta. Điều này được thể hiện ở tục thách cưới, tiền cheo của nhà gái đối với nhà trai. Nhiều gia đình nhà gái cho rằng, họ nuôi dưỡng con gái vất vả, sau khi con gái đi lấy chồng là phục vụ gia đình nhà chồng nên khi cưới nhà gái được quyền thách cưới cao để trả công cho họ- đó là tiền cheo. Chính vì vậy, có một số cặp nam nữ yêu nhau nhưng vì nhà gái thách cưới cao, nhà trai không có điều kiện đáp ứng nên việc hôn nhân của đôi nam nữ không thành. Hoặc nhà trai đi vay tiền để đáp ứng nhu cầu của nhà gái sau đó cưới


Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 177 trang tài liệu này.

xong đôi vợ chồng trẻ phải trả nợ số tiền ấy. Có nhiều cô gái do bố mẹ đẻ thách cưới cao quá mà nhà trai vẫn đáp ứng, hôn nhân vẫn được tiến hành nhưng sau khi về nhà chồng họ đã gặp phải sự dằn vặt, đay nghiến của nhà chồng. Điều này đã ảnh hưởng tiêu cực tới hôn nhân của cặp vợ chồng.

Tư tưởng trọng nam khinh nữ của Nho giáo đã gây ảnh hưởng tiêu cực trong vấn đề hôn nhân của người phụ nữ. Trong hôn nhân, người phụ nữ ít được tự do lựa chọn bạn đời. Trong hôn nhân, người phụ nữ không có sự bình đẳng so với nam giới, họ không được tự do cá nhân như nam giới. Luật hôn nhân gia đình đã quy định hôn nhân là tự nguyện, hôn nhân một vợ một chồng. Nhưng những tư tưởng bảo thủ tiêu cực của thời xưa vẫn có ảnh hưởng tới xã hội nay. Hiện nay, đối với người đàn ông ngoại tình thì dư luận sẽ mềm hơn đối với người phụ nữ ngoại tình. Thậm chí, ở một số vùng nông thôn (làng Vân Côn, Hoài Đức, Hà Nội) có hiện tượng người đàn ông có quyền lấy rất nhiều vợ, người vợ cả có trách nhiệm đi hỏi vợ cho chồng nếu mà chồng thích người ấy… Dư luận ở nơi đây nhìn nhận vấn đề này là bình thường vì đối với họ đây là tục tế có từ ngàn xưa và người phụ nữ phải chấp nhận điều đó. Đây là một tục lệ cần phải loại bỏ, nó đi ngược lại với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta về vấn đề hôn nhân gia đình. Nó đi ngược lại với xu hướng tiến bộ văn minh của sự phát triển xã hội hiện nay.

Thuyết tam tòng, tứ đức trong nho giáo và ảnh hưởng của nó đối với phụ nữ Việt Nam hiện nay - 11

3.1.1.3. Thuyết tam tòng, tứ đức tạo ra tâm lý thụ động phụ thuộc vào chồng làm cản trở sự phát triển của người phụ nữ hiện nay

Thuyết tam tòng, tứ đức đã gây nhiều ảnh hưởng tiêu cực đối với sự phát triển của người phụ nữ. Nó không những gây ra tâm lý coi thường, áp bức phụ nữ ở nam giới mà còn gây ảnh hưởng tiêu cực chính trong bản thân suy nghĩ và hành động của người phụ nữ. Một trong những suy nghĩ tiêu cực đó chính là tâm lý tự ti, thụ động vào chồng của họ.

Từ tư tưởng trọng nam khinh nữ, đề cao tuyệt đối vai trò của người đàn ông, người chồng trong gia đình mà người phụ nữ tự cho mình phải phụ thuộc vào chồng, chấp nhận lép về so với chồng.

Thứ nhất, người phụ nữ chấp nhận cách sống an phận thủ thường. Họ lao động vất vả, chăm lo vun vén gia đình, chăm sóc con cái để chồng có thời gian


nghỉ ngơi mà không một lời kêu ca vì họ chấp nhận phận đàn bà là thế. Ở các vùng nông thôn, phụ nữ là lao động chính làm kinh tế trong gia đình nhưng họ lại không có quyền quyết các công việc lớn của gia đình. Vấn đề mua sắm những thứ nhiều tiền, việc học hành, định hướng nghề nghiệp cho con cái, hôn nhân của con cái đều do người đàn ông quyết định và người vợ phải nghe theo.

Thứ hai, bản thân người phụ nữ phản ứng yếu ớt trước vấn đề bạo lực gia đình. Có nhiều người phụ nữ bị chồng bạc đãi đánh đập cũng đều nhẫn nhục chịu đựng vì đối với họ cha ông đã răn dạy từ xưa là, “nhịn chồng không có gì là xấu”, “xấu chàng thì hổ ai?”. Từ trước tới nay, người ta chỉ nói “nhịn chồng” chứ không ai nói là “nhịn vợ” cả. Chính vì tư tưởng đó nên ít người phụ nữ đứng lên bảo vệ cho quyền lợi của chính bản thân mình.

Thứ ba, bản thân người phụ nữ không đánh giá đúng được vị trí và vai trò của mình trong gia đình và xã hội nên họ ỷ lại, thụ động không chịu cố gắng và vươn lên trong học tập và công việc xã hội, trong việc đấu tranh đòi quyền bình đẳng về phía mình. Có nhiều người phụ nữ tự cho mình là phận nữ nên phải phụ thuộc vào chồng, họ không có quyền quyết định những việc to lớn. Họ cho rằng mình chỉ cần làm tốt công việc gia đình là được còn việc xã hội là việc của đàn ông. Hoặc nếu có tham gia công việc xã hội thì họ không phát huy hết khả năng của mình mà chỉ tham gia gọi là có để không bị tiếng là ăn bám chồng.

Đây là một hạn chế của tư tưởng tam tòng, tứ đức- tư duy trọng nam khinh nữ đã tồn tại từ bao đời nay đã ảnh hưởng không nhỏ đến sự nghiệp phát triển của phụ nữ nói riêng của xã hội nói chung. Hiện nay, nền kinh tế thị trường, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa yêu cầu mỗi cá nhân trong xã hội phải năng động sáng tạo, không ngừng học tập nghiên cứu để đóng góp sức mình vào vào sự nghiệp phát triển chung của đất nước. Như vậy, hậu quả tiêu cực của thuyết tam tòng, tứ đức đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến sự nghiệp phát triển của đất nước ta.

3.1.1.4. Thuyết tam tòng, tứ đức là một trong những nguyên nhân gây ra vấn đề bạo lực gia đình

Mặc dù Luật bình đẳng giới được ban hành vào ngày 1/07/2007 nhưng ở nhiều nơi trên đất nước ta đặc biệt là ở các vùng nông thôn, người phụ nữ


vẫn còn chịu nhiều bất công, bất bình đẳng. Tiêu biểu cho vấn đề này là bạo lực gia đình.

Theo điều tra, khảo sát của Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội năm 2006 với 2000 mẫu gồm người dân, nạn dân bạo lực gia đình, người gây bạo lực gia đình, cán bộ xã, cán bộ y tế, công an, phụ nữ, toà án nhân dân cấp huyện cho biết: hàng năm 2,3% số gia đình có hành vi bạo lực về thể chất (đánh đập), 25% số gia đình có hành vi bạo lực tinh thần, 30% số cặp vợ chồng có hiện tượng ép buộc quan hệ tình dục. Theo điều tra gia đình Việt Nam do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Thống kê, Viện Gia đình và Giới, UNICEF thực hiện năm 2006 [184] với 93.000 mẫu đưa ra kết quả là: khoảng 21,2% số cặp vợ/chồng xảy ra các hiện tượng bạo lực như đánh, mắng chửi, chấp nhận quan hệ tình dục khi không có nhu cầu. Và như vậy, 66% các vụ ly hôn ở Việt Nam liên quan đến bạo lực gia đình. Theo thống kê của Tòa án Nhân dân tối cao [184], trung bình một năm trên cả nước có tới

8.000 vụ ly hôn mà nguyên nhân do bạo lực gia đình. Cũng theo số liệu thống kê của bệnh viện, các trung tâm, phòng cấp cứu lớn của cả nước, có hơn 27% phụ nữ bị ngược đãi nhập viện, hơn 10% điều trị y khoa nghiêm trọng hằng năm do nguyên nhân bạo lực gia đình.

Nhiều thập kỷ qua, cùng với các chủ trương phát triển kinh tế, chính trị, an sinh xã hội Nhà nước và nhiều cấp ở địa phương chú trọng; vấn đề phụ nữ, giới và bình đẳng giới. Nhiều phụ nữ nay được tín nhiệm, đề cử vào nhiều vị trí quan trọng trong chính quyền và xã hội. Theo Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội, nguyên nhân sâu xa của bạo lực gia đình là do tư tưởng bất bình đẳng giới, lối xử sự gia trưởng từng tồn tại dai dẳng ở nước ta. Từ lâu nay, chế độ phụ hệ, tư tưởng “trọng nam, khinh nữ” kéo theo sự bất bình đẳng giữa phụ nữ và nam giới. Trước đây, người phụ nữ bị hành hạ do sống phụ thuộc chủ yếu vào chồng. Khi nền kinh tế thị trường, vai trò của phụ nữ có nhiều thay đổi và thành đạt hơn chồng thế nhưng họ vẫn bị chồng ngược đãi. Theo nghiên cứu của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, những trường hợp này chiếm 72% trong số những vụ xung đột gia đình mà nguyên nhân là một số ông chồng cảm thấy địa vị trụ cột gia đình bị lung lay.


Điều đặc biệt trong vấn đề bạo lực gia đình là có không ít phụ nữ chấp nhận hoặc phản ứng một cách thụ động trước những hành vi bạo lực và sự phân biệt đối xử trong gia đình. Những phụ nữ ấy có thể từ nhỏ đã được cha mẹ dạy dỗ theo lễ giáo Nho giáo, lại không hiểu biết pháp luật, e ngại dư luận, muốn gia đình êm ấm nên không nhờ pháp luật, Hội phụ nữ can thiệp vì họ xấu hổ do tư tưởng “vạch áo cho người xem lưng”. Họ chấp nhận không dám đấu tranh dù cho bị chồng đánh đập, đối xử bất công. Những người xung quanh biết nhưng không dám can thiệp vì sợ bị liên luỵ, còn một số cơ quan chức năng địa phương biết nhưng coi đó là chuyện va chạm thường xuyên trong gia đình nên chỉ khuyên hòa giải.

Như vậy, thuyết tam tòng, tứ đức đã gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến vị trí, vai trò và quyền lợi của người phụ nữ trong gia đình. Những ảnh hưởng tiêu cực đó là vị trí vai trò của người phụ nữ không được đề cao, họ phải phụ thuộc vào người đàn ông; họ là nạn nhân của nhiều vụ bạo lực gia đình; người phụ nữ không có nhiều sự lựa chọn trong hôn nhân của mình và đặc biệt là thuyết tam tòng, tứ đức đã tạo ra tâm lý thụ động, phụ thuộc vào chồng ở ngay chính bản thân người phụ nữ… Đây là một vấn đề quan trọng, là rào cản ngăn trở sự nghiệp giải phóng phụ nữ của Đảng, Nhà nước và xã hội ta.

3.1.2. Ảnh hưởng tiêu cực của thuyết tam tòng, tứ đức đối với người

phụ nữ Việt Nam ngoài xã hội hiện nay

3.1.2.1. Thuyết tam tòng, tứ đức đã hạn chế khả năng tham gia các

công việc xã hội của người phụ nữ

Một trong những ảnh hưởng tiêu cực của thuyết tam tòng, tứ đức đối với người phụ nữ Việt Nam hiện nay đó là đã hạn chế khả năng tham gia các công việc xã hội của người phụ nữ.

Người phụ nữ vẫn bị ảnh hưởng tư tưởng “trọng nam khinh nữ”, “nữ nhi an phận thủ thường” từ người chồng và những người thân trong gia đình. Theo điều tra, rất nhiều người chồng không muốn vợ hơn mình về trình độ học vấn, địa vị xã hội nên họ đã không tạo điều kiện giúp đỡ việc nhà để vợ được học tập, tham gia nhiều hơn vào công việc xã hội. Điều này có ở những người đàn ông thành đạt và không thành đạt trong xã hội. Nhìn chung, đa


phần người chồng chỉ muốn vợ an phận thủ thường, chăm lo tốt việc gia đình, nuôi dạy con cái.

Một điều đặc biệt là tư tưởng “an phận thủ thường” này còn có ảnh hưởng đến nhiều người phụ nữ. Có nhiều người phụ nữ đã ỷ lại, không chịu cố gắng vươn lên để thay đổi hoàn cảnh mà chấp nhận cuộc sống phụ thuộc vào chồng. Chính điều này đã làm cho họ tạo khoảng cách trong việc tham gia các công tác xã hội. Nhiều người phụ nữ chăm lo gia đình tốn nhiều thời gian đã rất vất cả và chịu ảnh hưởng từ những tư tưởng tiêu cực trên nên mặc dù họ có tố chất, chuyên môn tốt nhưng cũng không cống hiến hết sức mình cho công việc xã hội được.

Khi tham gia công tác xã hội, phần lớn phụ nữ thường chọn những nghề mang tính chất nhẹ nhàng như: giáo viên, bác sĩ, kế toán… để có thời gian chăm lo cho gia đình. Chính vì vậy, những ngành như cơ khí, xây dựng, tin học, các ngành công nghiệp nặng, công nghiệp khai thác… chủ yếu là nam giới. Đây là một hạn chế trong vấn đề phân bố nguồn lao động giới vào các ngành nghề. Vì thực trạng chọn nghề này ở phụ nữ đã làm cho chúng ta không khai thác hết các tiềm năng của phụ nữ.

Mức độ ảnh hưởng của thuyết tam tòng, tứ đức hạn chế khả năng tham gia vào công tác xã hội của người phụ nữ còn tùy thuộc vào thời gian và địa điểm sống của họ. Ở các thành phố lớn, người phụ nữ có điều kiện học hành, tham gia công tác xã hội. Ngược lại, ở nhiều vùng nông thôn, sự ảnh hưởng của tư tưởng tiêu cực này vẫn còn nặng nề. Ở lứa tuổi thanh niên hiện nay ít bị ảnh hưởng bởi tư tưởng này hơn so với thế hệ đi trước. Nhưng nhìn chung, hiện nay, ở nhiều nơi vẫn còn chịu ảnh hưởng bởi tư tưởng này.

3.1.2.2. Thuyết tam tòng, tứ đức đã hạn chế khả năng làm lãnh đạo ở các cơ quan của người phụ nữ

Với tư tưởng chủ đạo là “trọng nam khinh nữ”, “nam tôn nữ ti” thuyết tam tòng, tứ đức không chỉ là rào cản người phụ nữ tham gia các công tác xã hội mà còn là rào cản người phụ nữ làm lãnh đạo. Văn kiện Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ X nhận định: “Tỷ lệ nữ tham gia lãnh đạo quản lý, tham gia các cơ quan dân cử còn thấp, chưa bền vững, chưa tương xứng với


năng lực và sự phát triển của lực lượng lao động nữ, nguồn cán bộ nữ hẫng

hụt, ở một số lĩnh vực tỷ lệ cán bộ nữ sụt giảm” [41, tr.80].

Do những định kiến cũ mà việc tiếp nhận cán bộ nữ vào làm việc trong nhiều cơ quan nhà nước là rất khó khăn. Một số cán bộ lãnh đạo, quản lý chỉ chú trọng cất nhắc cán bộ nam trong khi có rất nhiều cán bộ nữ có khả năng, thành tích và phẩm chất đạo đức tốt. Theo họ, nam giới mới có khả năng nhìn xa trông rộng, đủ sức đảm đương những cương vị quan trọng. Do những định kiến sai lệch ấy mà việc bồi dưỡng, đánh giá, sử dụng lao động nữ còn nhiều bất hợp lý.

Trong đó, số nữ Uỷ viên Trung ương Ðảng khóa VII là 12, khóa VIII tăng lên 18 (tuy vậy khóa IX lại còn 12). Ở cấp tỉnh, tỉnh uỷ viên là nữ cũng tăng từ 182 ở khóa VII lên 280 trong khóa VIII. Phụ nữ tham gia các cấp uỷ địa phương đạt 10 - 11%, trong đó bí thư, phó bí thư, uỷ viên thường vụ đạt từ 3% đến 8%. Phần lớn các chị tham gia thường vụ cấp uỷ đều được phân công công tác kiểm tra và dân vận. Về chính quyền, trong khóa VIII, tỷ lệ nữ Bộ trưởng và tương đương chiếm 13,1%, nữ Thứ trưởng và tương đương chiếm 7,4%; nữ vụ trưởng, vụ phó và tương đương chiếm 13%. Chủ tịch UBND cấp tỉnh, huyện và xã có khoảng 1,6% là nữ. Phó Chủ tịch UBND là 2 - 4%. Khóa 1999 - 2004, số nữ là đại biểu HÐND cấp tỉnh chiếm 22,5%, cấp huyện chiếm 20,7%, cấp xã chiếm 17%. Nữ đại biểu QH khóa X là 26,22%, khóa XI là 27,31%. Việt Nam là nước có tỷ lệ nữ đại biểu QH cao thứ hai trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương (sau New Zealand) [184].

Sự gia tăng số lượng nữ tham gia quản lý nhà nước chứng tỏ chất lượng, trình độ cán bộ lãnh đạo của nữ giới ngày càng nâng cao. Theo đánh giá của Văn phòng Quốc hội, việc tham gia xây dựng pháp luật và chính sách, đóng góp ý kiến cho công tác quản lý nhà nước và toạ đàm với cử tri của các nữ đại biểu Quốc hội ngày càng có chất lượng. Vì vậy, chị em càng thêm tự tin, trình bày ý kiến đại diện cho người dân và cho chính giới nữ trong các kỳ họp của Quốc hội. Hiện nay, số cán bộ công chức nữ tham gia công tác quản lý nhà nước trong hệ thống chính quyền các cấp nhiều hơn so với trước: Một Phó Chủ tịch nước, ba Bộ trưởng, 26 thứ trưởng và tương đương, hai Chủ tịch

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 05/11/2022