Tiềm năng, thực trạng và định hướng phát triển du lịch tỉnh Tiền Giang - 16


phù hợp nhất trong các giải pháp bảo vệ môi trường trong du lịch, có thể giải pháp này là một trong những giải pháp được áp dụng cho nhiều tỉnh, nhiều vùng. Bởi vì, các loại môi trường du lịch có thể cho phép biến đổi ở mức độ cho phép, miễn là không ảnh hưởng đến các hoạt động tiếp theo, thế hệ trong tương lai. Từ đó, từng bước khắc phục, tôn tạo ở mức độ vừa phải trong quá trình khai thác phát triển du lịch.

- Tôn tạo cảnh quan: là hoạt động thay đổi cảnh quan theo hướng nâng cao giá trị của cảnh quan. Những hoạt động tôn tạo cảnh quan rất đa dạng như trồng cây, trồng hoa, tạo thảm cỏ, xây dựng, lắp đặt công trình hoặc kiến tạo cảnh quan nhân tạo như hồ nước, sông,... Đây là phương thức cần được tiến hành thận trọng, có sự tính toán kỹ lưỡng để tạo ra giá trị thẩm mỹ cao nhất mà không làm tổn hại những giá trị đã có. Giải pháp này, thường được áp dụng trong các điểm, khu du lịch của Tiền Giang. Tuy nhiên, muốn thực hiện được điều này đòi hỏi các ngành chức năng thường xuyên giám sát, thanh kiểm tra trong các hoạt động du lịch của từng tổ chức hay cá nhân làm kinh doanh du lịch. Đặc biệt công tác này có sự phối hợp giữa các cấp chính quyền và cộng đồng người dân cư trú tại các điểm, khu du lịch rất cao.

Các phương thức bảo vệ cảnh quan như đã đề cập chỉ có thể áp dụng khi xác định được phạm vi bảo vệ của cảnh quan môi trường. Phạm vi này có thể trùng với phạm vi của khu, tuyến, điềm du lịch, nhưng thông thường là rộng hơn. Trong phạm vi bảo vệ của cảnh quan, với mỗi một khu, tuyến, diềm du lich cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng để xác định phương thức bảo vệ phù hợp. Đặc biệt, đối với mỗi khu, tuyến, điểm du lịch đều phải có một đồ án kiến trúc cảnh quan tổng thể, trong đó xác định phối cảnh chung, những yếu tố cần bảo tồn, những yếu tố có thể thay đổi, kiểu dáng kiến trúc công trình, mức độ xây dựng, màu sắc, chất liệu sử dụng phù hợp để giữ gìn được giá trị của cảnh quan. Trong một số trường hợp, yêu cầu bảo vệ cảnh quan có thể sẽ làm hạn chế ở một mức độ nhất định quyền của những tổ chức, cá nhân sống trong hoặc lân cận các khu, tuyến, điểm du lịch, chẳng hạn như hạn


chế chiều cao công trình, hạn chế một số loại hình hoạt động làm xấu cảnh quan, sử dựng kiểu kiến trúc được ấn định, sử dụng màu sắc phù hợp...

Các biện pháp bảo vệ cảnh quan môi trờng như đã đề cập cần phải được thể hiện thành những cơ chế pháp lý cụ thể. Hiện nay, Luật Bảo vệ môi trường 2005 đã có những nội dung đề cập đến bảo vệ cảnh quan môi trường. Điều 45 về bảo vệ môi trường trong hoạt động du lich quy định “không được xâm hại cảnh quan". Luật Bảo vệ môi trường cũng đã dành riêng một điều (Điều 31) quy định về bảo vệ và phát triển cảnh quan thiên nhiên.

Bên cạnh Luật Bảo vệ môi trường, Luật Di sản văn hóa cũng đã xác lập một cơ chế pháp lý quan trọng cho việc bảo vệ cảnh quan với việc coi danh lam thắng cảnh là một loại di sản văn hóa vật thể và có những cơ chế pháp lý để bảo vệ. Khoản 4 Điều 4 Luật Di sản văn hóa quy định “danh lam thắng cảnh là cảnh quan thiên nhiên hoặc địa điềm có sự kết hợp giữa cảnh quan thiên nhiên với công trình kiến trúc có giá trị lịch sử, thẩm mỹ, khoa học”. Danh lam thắng cảnh, cùng với các di tích khác, được xếp hạng cấp tỉnh, cấp quốc gia và cấp quốc gia đặc biệt. Danh lam thắng cảnh đã xếp hạng được thiết lập các khu vực bảo vệ 1, bảo vệ 2 trong đó khu vực bảo vệ 1 phải được bảo tồn nguyên trạng và khu vực bảo vệ 2 “có thể xây dựng những công trình phục vụ cho việc phát huy giá trị của di tích nhưng không làm ảnh hưởng tới kiến trúc, cảnh quan thiên nhiên và môi trường - sinh thái”. Các quy định của Luật Di sản văn hóa cho thấy vấn dề cảnh quan môi trường được bảo vệ ở hai khía cạnh. Thứ nhất, bản thân cảnh quan đó là một loại hình di sản văn hóa được bảo vệ và thứ hai, cảnh quan thiên nhiên xung quanh khu vực di tích cũng được bảo vệ bởi các quy định của Luật. Tuy nhiên, nếu như danh lam thắng cảnh được thể hiện ở ba giá trị là lịch sử, thẩm mỹ và khoa học thì việc xếp hạng di tích lại chỉ căn cứ vào "giá tri lịch sử, văn hóa, khoa học", không căn cứ vào giá trị thẩm mỹ. Điều này có nghĩa là giá trị thẩm mỹ không phải 1 yếu tố quyết định để xếp hạng danh lam thắng cảnh và do vậy không phải là yếu tố để quyết định mức độ được bảo vệ của danh lam thắng cảnh. Bên cạnh đó, việc bảo vệ cảnh quan thiên nhiên khu vực xung quanh di tích cũng chỉ thông qua cơ chế cho phép hay không


cho phép xây dựng các công trình ở khu vực bảo vệ 2, không có những nguyên tắc hay cơ chế bảo vệ cụ thể như căn cứ để cho phép, hay quy trình cho phép.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 138 trang tài liệu này.

Trong Luật Du lịch, yêu cầu bảo vệ môi trường được đặt ra là "xanh, sạch, đẹp, an toàn, lành mạnh và văn minh" - điều này có nghĩa là yêu cầu bảo vệ cảnh quan đã được đặt ra, song với tư cách là một đạo luật chuyên ngành du lịch, Luật chưa và không thể đề cập đến những cơ chế cụ thể cho vấn dề bảo vệ cảnh quan môi trường.

Một cơ chế hữu hiệu cho việc bảo vệ cảnh quan môi trường cần được hình thành đồng bộ từ tất cả các văn bản liên quan, bao gồm cả Luật Bảo vệ môi trường, Luật Di sản văn hóa, Luật Du lich và Luật Xây dựng. Cảnh quan cần được bảo vệ với tư cách là một di sản văn hóa theo quy định của Luật Di sản văn hóa, bảo vệ với tư cách là một thành phần môi trường theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường và điều quan trọng là, khi một địa điểm đã được công nhận là khu, tuyến, điểm du lịch theo quy định của Luật Du lịch thì các hoạt động của các tổ chức, cá nhân liên quan, nhất là hoạt động xây dựng, cần tuân thủ các yêu cầu về bảo vệ cảnh quan để giữ gìn sự hấp dẫn về mặt du lịch.

Tiềm năng, thực trạng và định hướng phát triển du lịch tỉnh Tiền Giang - 16

Nhận thức về cảnh quan môi trường như một thành tố độc lập hình thành môi trường xung quanh cho hoạt động du lịch là cơ sở để có những biện pháp bảo vệ hữu hiệu cho một thành phần môi trường hết sức quan trọng đối với hoạt động du lịch. Chỉ với nhận thức đó, chúng ta mới có thể có được những giải pháp bảo vệ môi trường đầy đủ hơn, tổng thể hơn và môi trường du lịch mới có thể được bảo vệ một cách hữu hiệu hơn.

3.3.4.3. Nhóm giải pháp về xã hội‌

Cần lập quy hoạch phát triển tổng thể, đồng thời lập kế hoạch phát triển một cách cụ thể đối với từng cụm, điểm du lịch một cách khoa học và có những đánh giá đầy đủ đối với các tác động về mặt văn hóa - xã hội cũng như môi trường. Đặc biệt cần lắng nghe ý kiến của cộng đồng địa phương cũng như các cá nhân, tổ chức trong việc xây dựng và quá trình triển khai thực hiện các quy hoạch nhằm giảm tối đa các tác động tiêu cực và đảm bảo sự phát triển du lịch bền vững.


Cần xác định các tài nguyên du lịch (tự nhiên, nhân văn) là một tài sản vô cùng quý giá của tỉnh. Cho nên khai thác du lịch từ các loại tài nguyên này, cần phải giữ gìn, tôn tạo không ảnh hưởng đến tính nguyên vẹn của nó. Đồng thời không gây ảnh hưởng đến cộng đồng, cũng như tính giáo dục cho các thế hệ mai sau trong các di tích lịch sử - văn hóa. Bên cạnh đó, bảo tồn tính đa dạng sinh học, về mặt sinh thái, không làm đảo lộn đến đời sống cư dân đang sống ở các khu, điểm du lịch.

Xác định du lịch là ngành tham quan, học tập, nghiên cứu, giao lưu, học hỏi, trao đổi đời sống đời thường của các cộng đồng dân cư. Cho nên khai thác tốt các tài nguyên du lịch của tỉnh góp phần giúp cho người dân đoàn kết hơn, yêu quê hương Tiền Giang nói riêng và nước Việt Nam nói chung. Cho thấy đây là ngành không những có giá trị về mặt kinh tế mà nó còn có giá trị về mặt nhân văn sâu sắc. Điều này cho thấy, ngành du lịch nên tạo ra các hoạt động cộng đồng tại các điểm, khu du lịch, đây là hoạt dộng vừa mang lại nét mới cho du lịch vừa góp phần nâng cao tính hợp tác không những trong du lịch mà nó còn tác động đến các ngành nghề khác.

3.3.5. Các giải pháp quảng bá – tiếp thị, thu hút khách du lịch quốc tế‌

- Ngành du lịch Tiền Giang đã tăng cường quảng bá các ấn phẩm du lịch qua các hãng lữ hành trong và ngoài nước tại Việt Nam và nước ngoài. Nâng chất lượng hình thức và nội dung quảng bá tuyên truyền tại chỗ và trực tiếp cho khách du lịch quốc tế và trong nước.

- Chương trình, chiến dịch xúc tiếp quảng bá phải được xây dựng và thực hiện trên cở sở kết quả nghiên cứu thị trường và gắn chặt với chiến lược sản phẩm – thị trường và chiến lược phát triển thương hiệu. Nội dung xúc tiến quảng bá chuyển sang tập trung vào điểm đến, sản phẩm và thương hiệu du lịch theo từng thị trường mục tiêu.

- Kê hoạch xúc tiến quảng bá nên lập cho giai đoạn 5 năm và kế hoạch hàng năm; việc tổ chức thực hiện có đánh giá, kế thừa và duy trì liên tục theo thị trường; thông tin xúc tiến quảng bá phải đảm bảo tin cậy, thống nhất tạo dựng hình ảnh đến vùng, địa phương, doanh nghiệp và sản phẩm.


- Xây dựng Website ngành Thương mại Du lịch Tiền Giang để quảng bá các hoạt động trong lĩnh vực thương mại và du lịch Tiền Giang. Đồng thời liên liên nhiều thông tin trên Website của Tổng cục Du lịch và nhiều trang thông tin du lịch khác trong cả nước.

- Tổ chức cho các doanh nghiệp du lịch trong tỉnh tham gia Liên hoan du lịch thông qua các hội trợ về du lịch tại các địa phương trên cả nước, nhất là thành phố Hồ Chí Minh.

- Quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng, báo, đài của địa phương và trung ương.


KẾT LUẬN‌


Cùng với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, Tiền Giang sỡ hữu một tiềm năng du lịch hết sức phong phú, với các sản phẩm đậm đặc bản sắc Nam bộ, gắn bó mật thiết với sông nước, sinh thái miệt vườn, đờn ca tài tử, làng nghề truyền thống… . Do vị trí địa lí thuận lợi, nằm cách thành phố Hồ Chí Minh hơn 1 giờ chạy xe, Tiền Giang còn thuận lợi hơn trong thu hút du khách. Tuy nhiên, thời gian qua, ngành công nghiệp không khói tại địa phương vẫn chưa tương xứng tiềm năng.

Với tiềm năng phong phú, đa dạng và nhu cầu du lịch ngày càng cao, tỉnh Tiền Giang đang phát triển du lịch theo hướng du lịch sinh thái sông nước miệt vườn kết hợp du lịch văn hóa trên cả 3 vùng sinh thái. Đó là vùng sinh thái nước ngọt, sinh thái ngập mặn và vùng sinh thái ngập phèn.

Với lợi thế về tài nguyên thiên nhiên và bề dầy về lịch sử văn hóa, tỉnh Tiền Giang đang trở thành điểm đến đầy hấp dẫn của du khách. Việc khai thác hợp lý du lịch sinh thái sông nước miệt vườn kết hợp tham quan di tích lịch sử văn hóa sẽ tạo điều kiện cho du lịch Tiền Giang phát triển một cách bền vững nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách trong thời kỳ hội nhập.

Tiền Giang hiện nay đang là điểm sáng về du lịch của khu vực đồng bằng sông Cửu Long với lượng khách bình quân đón từ 50 - 70 đoàn/ngày. Vấn đề đặt ra không phải do lượng khách tăng khả quan mà chỉ chú trọng đến cái lợi trước mắt, để phục vụ tốt du lịch, yêu cầu cấp thiết là cần có định hướng để xây dựng chiến lược phát triển lâu dài, trong đó cần chú trọng đảm bảo môi trường văn hóa du lịch, bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên… Du lịch đã và đang được “công nghiệp hóa”, có tiềm năng lớn và có tính hấp dẫn mạnh mẽ đối với nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước, phát triển du lịch là cơ hội mang lại lợi ích kinh tế lớn cho các nhà đầu tư, cho địa phương và cho cả cộng đồng cư dân tại chỗ. Tuy nhiên ở một mặt khác, phát triển du lịch cũng đã và đang cho thấy những ảnh hưởng, đôi khi rất nghiêm trọng đối với tài nguyên, môi trường tại chỗ và xung quanh khu du lịch.


Thời gian tới, Tiền Giang xác định mục tiêu phát triển du lịch trở thành một trong những ngành kinh tế quan trọng của địa phương, vận dụng ưu thế môi trường thiên nhiên, cơ sở vật chất hiện có để nâng sức cạnh tranh thông qua việc nâng cao chất lượng sản phẩm, thiết kế nhiều chương trình du lịch đặc thù gần gũi thiên nhiên, quy hoạch lại khu miệt vườn du lịch, xây dựng các nhà nghỉ theo mô hình nhà nông thôn truyền thống, tạo điều kiện để khách được hòa mình vào cuộc sống sinh hoạt của người dân; đa dạng hóa các mặt hàng lưu niệm, đặc sản và nghề truyền thống. Bên cạnh đó, ngành du lịch tỉnh đang đẩy mạnh phát huy vai trò cộng đồng trong khai thác, bảo tồn tài nguyên, môi trường du lịch, nâng cao nhận thức cộng đồng và tăng cường tính phối hợp liên ngành, liên vùng để mang lại hiệu quả trong kinh doanh du lịch sinh thái sông nước, miệt vườn, một loại hình du lịch mang tính cộng đồng cao, nhằm phục vụ khách được tốt nhất.

Việc phát triển bền vững văn hóa du lịch kết hợp với công tác an toàn giao thông đường thủy trong du lịch không chỉ góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch, tìm kiếm và xây dựng sản phẩm mới, độc đáo của du lịch địa phương mà còn tạo sự an toàn, thoải mái cho du khách khi đến với Tiền Giang.


TÀI LIỆU THAM KHẢO‌

1. Minh Anh, Hải Yến (2008), Cẩm nang du lịch Việt Nam, NXB Hồng Đức.

2. Lê Huy Bá (2006), Du lịch sinh thái, NXB Khoa học – kỹ thuật.

3. Lê Huy Bá (2006), Sinh thái môi trường ứng dụng, NXB Khoa học – kỹ thuật.

4. Lê Huy Bá (2006), Tài nguyên môi trường và phát triển bền vững, NXB Khoa học – kỹ thuật

5. Cục thống kê Tiền Giang (2011), Niên giám thống kê 2010.

6. Thế Đạt (2003), Du lịch và du lịch sinh thái, NXB Lao động.

7. Thế Đạt (2005), Tài nguyên du lịch Việt Nam, NXB Chính trị quốc gia.

8. Nguyễn Trọng Đàn (2009), Tổng quan du lịch, NXB Lao động

9. Nguyễn Văn Đính (2008), Giáo trình kinh tế du lịch, NXB Đại học kinh tế quốc dân.

10. Nguyễn Đình Hòe, Vũ Văn Hiến (2001), Du lịch bền vững, NXB Đại học quốc gia Hà Nội.

11. Lê Văn Khoa (chủ biên) (2010), Môi trường và sự phát triển bền vững, NXB Giáo dục.

12. Phạm Trung Lương (1997), Du lịch sinh thái, NXB Giáo dục.

13. Luật Du lịch Việt Nam (2005), NXB Chính trị quốc gia.

14. Vũ Đức Minh (1999), Tổng quan về du lịch, NXB Giáo dục

15. Đặng Văn Phan (2010), Giáo trình: Địa lý kinh tế - xã hội Việt Nam thời kỳ hội nhập.

16. UBND tỉnh Tiền Giang (2006), Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Tiền Giang đến năm 2020

17. Sở Văn hóa, Thê thao và Du lịch Tiền Giang (2009), Cẩm nang du lịch Tiền Giang, NXB Thông tấn.

18. Sở Văn hóa, Thê thao và Du lịch Tiền Giang (2006), Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Tiền Giang, giai đoạn 2006 – 2020.

19. Lê Thông (chủ biên) (2000), Tổ chức lãnh thổ du lịch, NXB Giáo dục.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 20/04/2023