các phật tử khắp nơi về đây dâng hương cúng Phật. Lễ hội chùa được tổ chức vào 12/1 âm lịch hàng năm với các nội dung: Cầu phúc, cầu tài, các trò chơi chọi gà, đánh đu, cờ tướng, bình đọc thơ văn...
Không giống như các khu du lịch khác trong tỉnh, khu du lịch Trung tâm thành phố Thái Nguyên rất phù hợp cho loại hình du lịch vui chơi giải trí - nghỉ dưỡng cuối tuần với các khách sạn cao cấp như: Khách Sạn Dạ Hương (3 sao) số 50 Lương Ngọc Quyến - Phường Quang Trung, khách sạn Thái Nguyên (2 sao) số 02 đường Hoàng Văn Thụ, khách sạn Đông Á (2 sao), tổ 30B - phường Hoàng Văn Thụ… hoặc các khách sạn bình dân, phù hợp với nhiều đối tượng du khách như: Khách sạn Hữu Nghị 937 Dương Tự Minh, Khách sạn Minh Cầu tổ 12 - phường Phan Đình Phùng… Nếu quan tâm đến mua sắm, buổi tối, du khách có thể bách bộ hay chọn một cuốc xe, một chuyến taxi để dạo một vòng quanh thành phố, ghé vào một cửa hiệu nào đó để lựa chọn cho mình một món đồ ưng ý trong các siêu thị như: Siêu thị Khắc Vượng (trên đường Hoàng Văn Thụ), siêu thị Minh Cầu (trên đường Minh Cầu)… Một hoạt động vui chơi giải trí rất sôi động vào buổi tối đó là các quán cà phê, giải khát. Nếu muốn ngắm dòng sông Cầu thơ mộng về đêm, giao lưu ca nhạc, hay thể hiện giọng hát của chính mình, du khách có thể đến với quán cà phê Trung Nguyên 351, đường Bắc Kạn. Nếu muốn ngắm toàn cảnh thành phố về đêm, du khách có thể lựa chọn cho mình khá nhiều điểm lý tưởng như: Cà phê giải khát tầng 8 khách sạn Đông Á, tầng 10 khách sạn Dạ Hương…
Rời trung tâm thành phố Thái Nguyên chừng 10 km theo đường Đán - Hồ Núi Cốc, du khách sẽ bắt gặp ngay trước mắt một mầu xanh ngút ngàn của núi rừng, của những đồi chè đang đơm lộc biếc. Chè Tân Cương có hương thơm tự nhiên, đậm đà bởi vị ngọt chát mà chỉ có đất trời Tân Cương mới tạo ra được, là thức uống nổi tiếng khắp các vùng trong cả nước. Đến với khu du lịch sinh thái làng nghề chè truyền thống Tân Cương, du khách sẽ được tận mắt ngắm nhìn
những vạt chè xanh mơn mởn trải dài, du khách còn có thể được trực tiếp hái chè, sao chè và tìm hiểu từ khâu chăm sóc đến khâu chế biến thành phẩm.
Ngoài ra ở Thái Nguyên còn có nhiều điểm là di tích lịch sử, văn hoá, tín ngưỡng, nếu được đưa vào quy hoạch, sẽ trở thành những khu du lịch hấp dẫn đối với du khách như: Nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm khu công nghiệp gang thép Thái Nguyên (phường Cam Giá), địa điểm Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm trường thiếu nhi Rẻo cao khu tự trị Việt Bắc (phường Quang Vinh), chùa Hồng Long Tự, đền Xương Rồng (phường Phan Đình Phùng)…
2.2. ĐẠI TỪ
Ra khỏi làng nghề chè truyền thống Tân Cương, con đường quanh co uốn lượn mở ra trước mắt du khách một mầu xanh tinh khiết của núi rừng, Hồ Núi Cốc hiện ra với sóng nước bồng bềnh và không gian mát mẻ. Với một hệ thống nhà nghỉ đầy đủ tiện nghi, ẩn mình trong xanh mát bóng rừng và một loạt các công trình vui chơi giải trí, hấp dẫn như: “Chuyện tình ba cây thông”, “Huyền thoại cung”, “Công viên cổ tích”… Hồ núi Cốc đã thực sự chinh phục du khách gần xa.
Đó là một vùng trời nước mênh mông, cả một dải phía Tây Hồ là bức tường thành Tam Đảo thẳm xanh và bồng bềnh mây trắng, phía Đông Hồ, từ rừng chè đặc sản Tân Cương tới phía Nam Đại Từ là những cánh rừng xanh chạy dài theo sát mép hồ. Núi ôm ấp hồ, hồ lồng bóng núi!
Có thể bạn quan tâm!
- Tiềm năng du lịch Thái Nguyên nhìn từ góc độ lịch sử, văn hoá 1995 - 2007 - 2
- Địa Danh Thái Nguyên Qua Các Thời Kỳ Lịch Sử
- Tiềm năng du lịch Thái Nguyên nhìn từ góc độ lịch sử, văn hoá 1995 - 2007 - 4
- Tiềm năng du lịch Thái Nguyên nhìn từ góc độ lịch sử, văn hoá 1995 - 2007 - 6
- Tiềm năng du lịch Thái Nguyên nhìn từ góc độ lịch sử, văn hoá 1995 - 2007 - 7
- Tình Hình Khách Du Lịch Đến Thái Nguyên Qua Các Năm
Xem toàn bộ 122 trang tài liệu này.
Trong màu xanh ngăn ngắt của mặt hồ, trong cái tĩnh lặng của trời mây, sông nước, sự có mặt của 89 hòn đảo trên hồ lại góp thêm cho đầy chất thơ, chất huyền thoại, làm cho hồ càng đẹp hơn, quyến rũ hơn. Hòn đảo lớn nhất thuở chưa có hồ gọi là núi Tiên Nằm, giờ là đảo Tiên Nằm, ngày đêm bồng bềnh sóng vỗ. Xa xa hơn nữa là đảo Cò xanh thẫm. Mỗi buổi hoàng hôn, khi mặt trời từ đỉnh Tam Đảo rắc vàng lấp lánh mặt hồ, từng đàn cò trắng bay lượn rồi hạ xuống đậu trắng các vòm cây trên đảo. Núi Tương Tư, núi Đợi Chờ, đảo Dê, đảo
Hang Rắn… chỉ mới nghe tên thôi mà lòng những muốn một lần được đặt chân đến. Bức tranh toàn cảnh Hồ Núi Cốc thật đẹp nên thơ và câu chuyện tình huyền thoại về nàng Công, chàng Cốc cũng đẹp tựa như hồ. Chuyện kể rằng: Ngày xưa, dưới chân núi Tam Đảo có chàng trai nghèo sống bằng nghề kiếm củi, quanh năm, suốt tháng lam lũ lao động mà chẳng đủ ăn, nên dân làng gọi chàng là Cốc. Vì nghèo quá nên chẳng có cô gái nào dám lấy chàng. Lúc buồn, chàng chỉ biết ngồi thổi sáo. Cũng vào thuở ấy, ông quan Lang vùng núi Ba Lá có cô con gái rất xinh đẹp là nàng Công, quanh năm nàng chỉ ở trong nhà với bao nỗi buồn tẻ. Đã mấy lần quan Lang tổ chức kén rể nhưng rồi nàng vẫn phòng không cô quạnh. Vào một năm hạn hán, mất mùa, chàng Cốc tìm đến nhà quan Lang nọ để làm thuê, Quan Lang giao cho chàng việc chăn đàn trâu trong rừng. Vậy là cuộc đời chàng lại vẫn phải gắn với rừng sâu, núi thẳm. Nhớ quê hương, buồn cho thân phận, chàng chỉ biết gửi lòng mình vào cây sáo trúc. Tiếng sáo của niềm cô đơn, của nỗi lòng nhớ thương da diết làm nàng Công xúc động. Theo tiếng sáo, nàng đã tìm đến với chàng. Rồi đêm sau, đêm sau nữa, mái lều tranh xơ xác chốn rừng sâu chỉ có chàng và nàng. Nhưng rồi mọi chuyện vỡ lở, Quan Lang tìm mọi cách để hãm hại chàng. Chàng được lệnh vào khu rừng nhiều thú dữ để tìm ngà voi, sừng tê giác. Nhưng lạ thay, nghe tiếng sáo của chàng, chẳng có loài thú dữ nào dám ăn thịt chàng. Quan Lang lại hạ lệnh đốt rừng để cho chàng phải chết cháy. Nhưng trời đã đổ mưa, dập tắt ngọn lửa hung dữ. Trong mưa gào, gió quất, chàng chạy về túp lều của mình, lấy sáo ra thổi. Nghe tiếng sáo, nàng Công lén dắt ngựa đến, chàng và nàng lên ngựa chạy về quê chàng. Theo vết chân ngựa, lũ tôi tớ của Quan Lang truy đuổi gấp gáp. Khi chúng đuổi tới nơi, biết không thể trốn thoát, nàng Công trao ngựa cho chàng Cốc chạy về chân Tam Đảo, còn mình thì chịu bị bắt giam trong hang đá lạnh. Nhớ thương chàng Cốc, nàng than khóc ngày đêm, nước mắt thành dòng chảy mãi, rồi một ngày, thân nàng cũng hoá thành dòng nước, trở thành dòng sông Công chảy đến
tận quê chàng. Đau đớn vô cùng, than khóc suốt bao ngày, một ngày kia chàng Cốc gục xuống bên dòng sông và hoá thành núi. Từ đó, Thái Nguyên mới có sông Công, núi Cốc. Kể từ khi Thái Nguyên chặn dòng sông Công làm hồ núi Cốc thì chàng Cốc, nàng Công đã được bên nhau mãi mãi. Đồng thời, Hồ Núi Cốc trở thành điểm đến lí tưởng của du khách bốn phương.
Hồ Núi Cốc không chỉ là một thắng cảnh du lịch nổi tiếng của Thái Nguyên mà của cả cùng Việt Bắc. Đến với hồ núi Cốc, du khách sẽ được đắm mình trong không gian lãng đãng, bồng bềnh của mây trời, sông nước, được thả hồn trong thế giới huyền thoại nàng Công, chàng Cốc bất tử, đồng thời, được sống trong không gian văn hoá đặc sắc, đậm chất Việt.
Ngoài ra, đến với Đại Từ, du khách còn được thăm quan di tích lịch sử Núi Văn, núi Võ nằm dưới chân núi Tam Đảo thuộc 2 xã: Văn Yên và Ký Phú. Núi Văn là ngọn núi đá vôi, cao khoảng 100m, nằm trên đất Ký Phú và Văn Yên của huyện Đại Từ. Từ phía Đông nhìn lại, núi trông giống hình chiếc mũ cánh chuồn của quan văn ngày xưa. Lưng chừng núi có hang khá rộng và sâu. Đây là nơi Lưu Nhân Chú từng tụ họp với các nghĩa sĩ để chống giặc Minh. Từ 1416 đến 1418, cha con họ Lưu đã xây dựng được một đội quân vài trăm người, tổ chức khá quy củ, chờ đợi thời cơ theo Lê Lợi đánh giặc Minh. Cách núi Văn chừng 1km về phía Đông là núi Võ. Nhìn xa núi Võ giống hình mũ trụ của quan võ ngày xưa. Núi Võ thuộc địa phận xã Văn Yên, có những vách đá cao dựng đứng. Về phía Đông núi Võ chừng 200m là núi Quần Ngựa, có hình mâm xôi, cao so với mặt ruộng khoảng 70m, đỉnh đồi khá bằng phẳng, theo nhân dân địa phương, đây là nơi Lưu Nhân Chú và đội kị binh của ông luyện ngựa, bắn cung, đấu kiếm… Cách núi Võ, núi Quần Ngựa không xa là núi Xem, từ đỉnh núi, Lưu Nhân Chú và những vị chỉ huy thân tín thường ngồi xem binh sĩ tập đội ngũ, đánh trận giả… Giữa xóm Dưới 3 là đầm Sen mà trong truyền thuyết là đầm Tắm ngựa, nơi nghĩa quân của Lưu Nhân Chú luyện tập thuỷ binh, tắm giặt, bơi
lội sau mỗi ngày luyện tập gian khổ, đồng thời cũng là nơi tắm cho ngựa chiến của đội kị binh vào những chiều hè. Những cánh đồng của Văn Yên, Ký Phú khá rộng và màu mỡ, thóc lúa thu hoạch từ những cánh đồng này đủ nuôi dân trong vùng và nuôi đội nghĩa binh vài trăm người của Lưu Nhân Chú.
Những truyền thuyết đẹp gắn với danh tướng Lưu Nhân Chú và đội nghĩa binh của ông sáng mãi trong tâm thức người dân Thuận Thượng xưa, Văn Yên, Ký Phú ngày nay, tất cả đã tạo dựng nên một khu di tích lịch sử núi Văn, núi Võ, núi Xem… trên đất Đại Từ - Thái Nguyên để muôn đời con cháu chiêm ngưỡng, thời phụng.
Tại Đại Từ, du khách còn được tham quan địa điểm công bố ngày thương binh liệt sỹ toàn quốc 27/7/1947 tại xã Hùng Sơn, thăm địa điểm thành lập cơ quan chỉ huy chiến khu Nguyễn Huệ 10/10/1944 tại ngôi nhà sàn của gia đình ông Lâm Vạn Đại xã Yên Lãng, thăm nơi thành lập cơ sở Đảng đầu tiên của Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên xã La Bằng. Ngoài ra, theo thống kê của Sở Thương mại và Du lịch Thái Nguyên [51], trên đất Đại Từ còn có 39 di tích lịch sử, văn hoá và danh lam thắng cảnh khác, đây sẽ là nguồn tài nguyên du lịch phong phú cho Đại Từ nói riêng và Thái Nguyên nói chung.
2.3. ĐỊNH HOÁ - PHÚ LƯƠNG
Từ thành phố Thái Nguyên, ngược theo Quốc lộ 3 (Hà Nội - Thái Nguyên - Cao Bằng) khoảng 25 km về phía tây bắc, du khách sễ đến với đền Đuổm thuộc xã Động Đạt, huyện Phú Lương. Sách Đại Nam nhất thống chí viết “Điểm Sơn ở cách huyện Phú Lương 30 dặm về phía Tây Bắc, phía trước núi có phiến đá, có chỗ lên xuống như con rồng ngóc đầu, phía dưới có 2 phiến đá lớn như hình 2 con voi chầu vào. Đỉnh núi và sườn núi đều có đền” [28]. Điểm Sơn còn có tên gọi là Thạch Long, ngày nay nhân dân địa phương quen gọi là núi Đuổm.
Đây là nơi không những nổi tiếng bởi phong cảnh hùng vĩ, hữu tình, mà núi ấy, đất ấy còn gắn liền với tên tuổi của vị thủ lĩnh nổi tiếng phủ Phú Lương -
Dương Tự Minh. Theo sử sách, sắc phong và truyền thuyết dân gian để lại, Dương Tự Minh là người Tày, quê Quan Triều, phủ Phú Lương, thông minh, có đức, có tài, lại gặp đúng thời nhà Lý thực hiện chích sách “nhu viễn”, ông trở thành thủ lĩnh phủ Phú Lương. Ông ra sức chăm lo, xây dựng Phú Lương ngày càng phồn thịnh, đồng thời ông còn là người có công lớn trong việc giữ yên bờ cõi phía Bắc Đại Việt. Ông cũng là người duy nhất trong lịch sử dân tộc 2 lần được phong làm phò mã. Sau hơn 30 năm cống hiến, hoàn thành sự nghiệp, tuổi cao ông lui về ở ẩn dưới chân núi Điểm Sơn và mất ở đó. Khắp các tỉnh trong phủ Phú Lương cũ như Cao Bằng, Hà Giang, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên đều có đền thờ Dương Tự Minh. Trong đó đền Đuổm là ngôi đền chính.
Đền Đuổm ngày nay sát chân núi Đuổm, tương truyền được dựng năm 1180, gồm đền Hạ, đền Trung và đền Thượng. Đền Hạ ở dưới cùng thờ 2 vị phu nhân của Dương Tự Minh là công chúa Thiều Dung và công chúa Diên Bình, đền Trung thờ thánh Đuổm Dương Tự Minh, phía trên cùng là đền Thượng thờ Mẫu - mẹ Dương Tự Minh. Từ xa xưa, vào ngày 6 tháng Giêng âm lịch hàng năm, nhân dân trong vùng lại mở lễ hội đền Đuổm để tưởng nhớ công ơn vị anh hùng dân tộc, đồng thời cầu mong vị Thánh Đuổm ban cho một năm mới mọi sự tốt lành, mùa màng bội thu, no ấm. Ngoài lễ rước cỗ chay, còn nhiều trò chơi dân gian khác diễn ra trong lễ hội Đền Đuổm. Trai tài, gái sắc chen vai về dự hội. Hội Đuổm trở thành hội xuân lớn nhất vùng, thu hút hàng chục vạn lượt khách thập phương về dự, trở thành điểm du lịch tâm linh có tiếng của Thái Nguyên mỗi dịp xuân về. Ngoài đền Đuổm, Phú Lương còn được biết đến với các di tích nổi tiếng như: Địa điểm Đại hội chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ nhất (thị trấn Giang Tiên), Địa điểm Xưởng quân giới, nơi chế tạo thành công súng Bazôca, lễ hội Cầu mùa của dân tộc Sán Chí (xã Cổ Lũng) và hơn 20 di tích lịch sử, văn hoá và danh thắng khác [51], chắc chắn sẽ để lại cho du khách những ấn tượng đẹp đẽ về vùng đất lịch sử này.
Rời đền Đuổm, du khách tiếp tục hành trình trên Quốc lộ số 3, đến km 31 rẽ trái đi tiếp con đường quanh co uốn lượn trong rừng núi, len lỏi qua những đồi chè xanh mơn mởn và đồi cọ râm mát tạo cho du khách một tâm trạng thư dãn sau một hành trình dài đến với vùng ATK - Định Hoá. Đây là một địa điểm quan trọng trong tuyến du lịch về nguồn của Thái Nguyên.
Từ 1947 đến 1954, Bác Hồ, các cơ quan Trung ương Đảng, Tổng bộ Việt Minh, Tổng quân uỷ, Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng tư lệnh, Bộ Tổng tham mưu, Tổng cục chính trị, Tổng cục cung cấp và các đồng chí: Trường Chinh, Tổng Bí thư Đảng, Tôn Đức Thắng, Phó Chủ tịch thường trực Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Võ Nguyên Giáp, Bí thư Quân uỷ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tư lệnh Quân đội, Hoàng Quốc Việt, Chủ tịch Tổng bộ Việt Minh, Phạm Văn Đồng, Phó Thủ tướng Chính phủ… chủ yếu đều đặt đại bản doanh ở ATK Định Hoá để lãnh đạo cả nước kháng chiến chống Pháp. Từ ATK Định Hoá, nhiều quyết định quan trọng liên quan đến vận mệnh quốc gia đã ra đời. Đặc biệt cuối 1953, tại Tỉn Keo, dưới chân đèo De, núi Hồng thuộc xã Phú Đình, Hồ Chí Minh cùng Bộ chính trị đã họp bàn để thông qua kế hoạch Đông Xuân 1953 - 1954 và hạ quyết tâm mở chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử, biết bao tên xóm, tên làng, tên núi, tên sông của ATK Định Hoá như: Đèo De, núi Hồng, Khau Tý, Khuôn Tát, Tỉn Keo, Bảo Biên… đã trở thành thiêng liêng, sống mãi cùng lịch sử cuộc kháng chiến thần thánh chống Pháp của dân tộc, mãi là niềm tự hào vô bờ bến của đồng bào các dân tộc Thái Nguyên.
Ngày nay, ATK Định Hoá được đánh giá là khu du lịch đầy tiềm năng với 108 di tích nằm rải rác khắp núi rừng Định Hoá, trong đó có 8 di tích được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử văn hoá cấp Quốc gia, 4 di tích được Uỷ ban nhân dân tỉnh xếp hạng di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh. Ngoài ra, Định Hoá còn hấp dẫn du khách với nhiều cảnh quan thiên nhiên kì thú như: Thắng cảnh chùa Hang, thác Khuôn Tát 7 tầng, hồ Bảo Linh… Với tuyến du lịch về nguồn này,
du khách sẽ đến những điểm tham quan chính, nơi diễn ra các sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc đó là:
Di tích Lán Tỉn Keo nằm trên đồi Tỉn Keo thuộc xóm Nà Lọm, xã Phú Đình. Đây là nơi trong thời kì kháng chiến chống Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở và làm việc nhiều lần. Lần thứ nhất từ 5/9/1947 đến 1/5/1948, lần 2 từ 25/5/1948 đến 12/9/1948, lần thứ 3 cuối 1953. Tại đây, các đồng chí lãnh đạo cấp cao thường xuyên đến và làm việc với Bác Hồ, nhiều cuộc họp của Thường vụ Trung ương Đảng đã diễn ra ở đây như: Thông qua kế hoạch tác chiến Đông Xuân 1953 - 1954, hạ quyết tâm tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ…
Di tích Khuôn Tát bao gồm lán Khuôn Tát, hầm Khuôn Tát và những địa điểm gần gũi với Bác Hồ trong những năm 1947-1954. Lán Khuôn Tát nằm trên đồi Cọ thuộc xóm Khuôn Tát, xã Phú Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở đây 3 lần, lần thứ nhất: Từ 20/1 đến 28/11/1947, lần thứ 2: Từ 11/11/1947 đến 7/3/1948, và lần thứ 3: Từ 5/4 đến 1/5/1948. Tại đây, Chủ Tịch Hồ Chí Minh đã viết rất nhiều tài liệu để củng cố chính quyền hậu phương, động viên quân và dân ta kháng chiến. Cách lán Khuôn Tát không xa là một căn hầm nhỏ, tương đối chắc chắn và tiện lợi, đó là hầm Khuôn Tát. Cạnh lán Khuôn Tát có một bãi đất nằm dưới chân cây đa cành lá sum suê toả bóng mát, hàng ngày Bác vẫn ra đây tập thể dục.
Di tích Khau Tý xã Điềm Mặc, nơi ở đầu tiên của Bác Hồ khi đặt chân về ATK Định Hoá, thuộc xóm Bản Quyên, xã Điềm Mặc. Ngày 20/5/1947, Bác Hồ cùng các chiến sĩ bảo vệ, giúp việc xây dựng Phủ Chủ tịch đầu tiên tại đồi Khau Tý. Tại Khau Tý, bài thơ “Cảnh khuya” của Người đã ra đời. Đồng thời cũng tại “Phủ chủ tịch” đầu tiên này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết cuốn sách “Sửa đổi lối làm việc” với bút danh XYZ.
Di tích Nà Mòn, là nơi đồng chí Trường Chinh ở và làm việc trong những năm 1949, 1952-1953. Lán Nà Mòn được phục hồi, tôn tạo trên nền móng cũ.