Nghiên cứu Nguyễn Hữu Thụ trên 829 sinh viên từ K50 đến K53 của Trường Đại học Quốc gia Hà Nội đã chỉ ra các nhóm yếu tố đặc điểm cá nhân được xếp hàng thứ 2 trong các nhóm nguyên nhân gây stress ở sinh viên. Tác nhân năm học, là một trong những tác nhân chủ yếu gây nên stress ở sinh viên [28].
Nghiên cứu của Hamza M., Abdulghani sử dụng thiết kế cắt ngang trên tất cả học sinh từ năm 1 đến năm 4 của đại học King Saud, Ả Rập Saudi đã tìm ra năm học là một trong các yếu tố cá nhân liên quan đến stress. Mức độ stress giảm dần theo năm học, ngoại trừ năm cuối. Nguy cơ mắc stress ở sinh viên năm nhất, năm hai, năm ba, năm tư gấp lần lượt 3,96; 2,6; 1,9 và 0,82 lần so với sinh viên năm thứ năm (p<0,0001) [29].
Nghiên cứu cắt ngang của Mohamad Saiful Bahri Yusoff trên sinh viên trường đại học Sains, Malaysia được tiến hành trên 1058 sinh viên y khoa của trường năm 2010. Kết quả của nghiên cứu chỉ ra yếu tố năm học là yếu tố duy nhất tìm được mối liên quan với stress ở sinh viên y khoa (p<0,05) [30].
Nghiên cứu của Nuran Bayram và cộng sự năm 2008 trên 1617 sinh viên tại Thổ Nhĩ Kỳ đã chỉ ra sinh viên năm thứ nhất và năm hai có mức độ trầm cảm, lo âu và stress cao hơn sinh viên các năm còn lại [31].
Nghiên cứu của Ganesh S., Kumar và cộng sự năm 2012 trên 400 sinh viên y khoa tại Ấn Độ đã cho thấy yếu tố năm học có liên quan chặt chẽ với mức độ trầm cảm ở sinh viên, sự khác nhau giữa mức độ trầm cảm ở sinh viên các năm học khác nhau có ý nghĩa thống kê (p<0,001) [32].
Nghiên cứu của Tabassum Alvi và cộng sự trên 279 sinh viên y khoa đại học y Wah, Pakistan năm 2008 đã chỉ ra năm học là yếu tố liên quan chặt chẽ đến lo âu ở sinh viên [33].
Giới
Theo nhiều nghiên cứu trong và ngoài nước, tỷ lệ sinh viên nữ thường có khả năng bị trầm cảm, lo âu và stress cao hơn so với sinh viên nam.
Theo báo cáo của WHO năm 2015, tỷ lệ trầm cảm chung trong nhóm thanh thiếu niên từ 20 – 24 tuổi là 5,9% ở nữ và 4,2% ở nam [6].
Nữ sinh viên Y khoa tại Brazil năm 2017 có nguy cơ bị trầm cảm, lo âu và stress cao hơn so với nam sinh viên [34]. Các nghiên cứu trên sinh viên Y tại Hàn Quốc và Ấn Độ cũng cho kết quả rằng sinh viên nữ có nguy cơ bị stress cao hơn sinh viên nam (lần lượt p<0,05 và p<0,01) [11], [35].
Có thể bạn quan tâm!
- Thực trạng trầm cảm, lo âu, stress và một số yếu tố liên quan ở sinh viên trường Đại học Y dược – ĐHQGHN năm học 2021-2022 - 1
- Thực trạng trầm cảm, lo âu, stress và một số yếu tố liên quan ở sinh viên trường Đại học Y dược – ĐHQGHN năm học 2021-2022 - 2
- Sơ Đồ Tổng Hợp Một Số Yếu Tố Liên Quan Đến Trầm Cảm, Lo Âu Và Stress Của Sinh Viên Y Dược:
- Bảng Phân Bố Tỷ Lệ Sinh Viên Tham Gia Khảo Sát Theo Khối
- Mô Tả Thực Trạng Trầm Cảm, Lo Âu Và Stress Ở Sinh Viên Trường Đại Học Y Dược - Đhqghn Năm Học 2021-2022
Xem toàn bộ 106 trang tài liệu này.
Nghiên cứu của Đoàn Vương Diên Khánh trên sinh viên Y tế công cộng trường Đại học Y Dược Huế năm 2016 cho thấy tỷ lệ bị stress của sinh viên nữ cao gấp đôi so với sinh viên nam (OR=2,3; 95%CI: 1,10 – 4,83) [36].
Nghiên cứu của Nuran Bayram và cộng sự năm 2008 trên 1617 sinh viên tại Thổ Nhĩ Kỳ đã chỉ ra yếu tố giới là yếu tố liên quan đến stress và trầm cảm, nhóm sinh viên nữ có mức độ stress, trầm cảm cao hơn so với sinh viên nam [31].
Nghiên cứu của Daniel Eisenberg và cộng sự năm 2007 trên sinh viên các trường đại học công lập của Mỹ đã chỉ ra nguy cơ xuất hiện các dấu hiệu của lo âu ở nữ sinh viên cao hơn nam sinh viên [37].
Khu vực sinh sống và nơi ở hiện tại
Những sinh viên sinh sống ở nông thôn thường có nguy cơ xuất hiện các dấu hiệu của trầm cảm, lo âu và stress cao hơn những sinh viên sống ở thành thị.
Những sinh viên ở trọ thường có khả năng xuất hiện các dấu hiệu của trầm cảm, lo âu và stress cao hơn các sinh viên ở ký túc xá hoặc ở cùng gia đình. Việc ở trong ký túc xá hay ở cùng gia đình tạo điều kiện cho sinh viên dễ dàng duy trì các nếp sống, thói quen sinh hoạt đều đặn, lành mạnh. Điều này sẽ góp phần giúp sinh viên có được một sức khỏe tinh thần đầy đủ, giảm bớt nguy cơ xuất hiện các dấu hiệu của trầm cảm, lo âu và stress.
Nghiên cứu của Eisenberg và cộng sự năm 2007 thực hiện trên sinh viên Mỹ đã cho kết quả sinh viên ở ký túc xá có nguy cơ bị lo âu thấp hơn so với sinh viên không sống ở ký túc xá (OR=0,41; 95%CI: 0,21 – 0,78) [37].
Tại Việt Nam, nghiên cứu của Lê Thu Huyền trên sinh viên Y tế công cộng Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh năm 2010 cho thấy sinh viên sống ở nhà trọ và nhà người thân có nguy cơ bị stress cao gấp 4 lần so với sinh
viên sống ở ký túc xá (lần lượt OR=4,2; 95%CI: 1,3 – 13,2 và OR=4,2; 95%CI: 1,2 – 14,1) [38].
Nghiên cứu cắt ngang về một số rối nhiễu tâm lý của sinh viên đại học Y Dược Thành phố HCM của Lê Minh Thuận năm 2011 thực hiện trên sinh viên năm 1 và năm 2 chỉ ra mức độ stress ở sinh viên sống nhà trọ/ thuê cao gấp 2,52 lần so với sinh viên sống với cha mẹ (KTC95% từ 2,22 - 2,83, p<0,001). Rối nhiễu trầm cảm ở sinh viên ở nhà trọ và nhà riêng đều cao gấp lần lượt là 1,56 và 1,21 lần so với ở kí túc xá, nguy cơ trầm cảm ở sinh viên ở với gia đình chỉ bằng 0,77 lần so với sinh viên ở ký túc. Rối loạn lo âu ở sinh viên ở nhà trọ và ở nhà riêng cao gấp lần lượt là 1,9 và 1,17 lần sinh viên ở ký túc xá. Sinh viên ở nhà riêng cũng bị stress nhiều hơn sinh viên ở với cha mẹ là 1,31 lần (KTC 95% 1,21-1,41) p<0,001 [9].
Tình trạng tài chính
Khó khăn trong tài chính sẽ làm tăng nguy cơ bị trầm cảm, lo âu và stress ở sinh viên.
Nghiên cứu của Eisenberg và cộng sự năm 2007 tại Mỹ đã chỉ ra rằng sinh viên có các trở ngại về tài chính có nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe tâm thần cao hơn so với các sinh không bị trở ngại (OR=1,6 - 9,0) [37].
Nghiên cứu trên sinh viên Y tế công cộng năm 2017 chỉ ra sinh viên có thu nhập bình quân của gia đình (người/tháng) thấp hơn 2 triệu có nguy cơ bị stress và lo âu cao hơn từ 1,6 đến 3,4 lần so với sinh viên ở gia đình có thu nhập bình quân từ 2 triệu trở lên [17].
Nghiên cứu của Trần Quỳnh Anh trên sinh viên Y học dự phòng năm 2016 cũng chỉ ra rằng sinh viên có kinh tế gia đình mức nghèo có nguy cơ bị trầm cảm cao gấp 2,5 lần so với sinh viên có kinh tế gia đình không nghèo (OR=2,52; 95%CI:1,44 – 4,23) [43].
1.2.2.2.Yếu tố học tập
Áp lực học tập
Đối với sinh viên Y khoa, áp lực học tập là rất lớn. Họ không chỉ trau dồi kiến thức tại giảng đường mà còn tại bệnh viện hay các cơ sở thực tập. Kiến
thức luôn cập nhật cũng góp phần tạo nên sự quá tải trong học tập của sinh viên Y khoa. Trong môi trường cạnh tranh ngày càng tăng do cơ hội tìm kiếm được việc làm tốt ngày càng ít, sinh viên Y khoa luôn phấn đấu không ngừng để đạt được thành tích xuất sắc và tự trang bị cho bản thân những kỹ năng tốt nhất phục vụ cho nghề nghiệp tương lai. Tất cả những yếu tố trên đã làm tăng nguy cơ bị trầm cảm, lo âu và stress ở sinh viên.
Nghiên cứu tại Đại học Y Wah (Pakistan) năm 2008 đã chỉ ra rằng sự không hài lòng với bài kiểm tra và quá tải với lịch kiểm tra có liên quan đáng kể đến nguy cơ bị trầm cảm và lo âu ở sinh viên (p<0.05) [33].
Nghiên cứu cắt ngang của Mohamad Saiful Bahri Yusoff và cộng sự về thực trạng và các nguyên nhân stress của sinh viên trường đại học Sains Malaysia được tiến hành trên 1058 sinh viên y khoa của trường đã chỉ ra nhóm nguyên nhân liên quan đến học tập (bài thi, lượng bài tập nhiều, thiếu thời gian ôn tập, điểm kém, kỳ vọng cao từ bản thân, thiếu các kỹ năng thực tập y khoa, học chậm, khối lượng bài tập nhiều, không hiểu kiến thức được giảng dạy) là nguyên nhân chính gây nên stress [30]. Nghiên cứu khác trên sinh viên y khoa tiềm năng năm 2013, Yusoff chỉ ra trầm cảm có mối liên quan chặt chẽ với kết quả học tập trên lớp (p<0,001) [46].
Nghiên cứu của Nuran, Bayram và cộng sự năm 2008 trên 1617 sinh viên tại Thổ Nhĩ Kỳ đã chỉ ra yếu tố học tập là yếu tố liên quan đến stress, lo âu và trầm cảm, nhóm sinh viên hài lòng với kết quả học tập của bản thân có điểm trầm cảm, lo âu và stress thấp hơn nhóm sinh viên không hài lòng [31].
Nghiên cứu của Nguyễn Hữu Minh Trí năm 2013 trên sinh viên Đại học Y Dược Cần Thơ đã chỉ ra rằng áp lực học tập cao làm tăng nguy cơ bị trầm cảm của sinh viên hơn 4 lần (OR=4,35; 95%CI: 3,00 — 6,25) [47].
Nghiên cứu của Phan Thị Diệu Ngọc năm 2013 trên sinh viên Đại học Y khoa Vinh đã chỉ ra rằng sinh viên có áp lực học tập cao cũng tăng nguy cơ bị trầm cảm gấp 4,4 lần so với sinh viên không có áp lực học tập (p<0,001) [48].
Lập kế hoạch học tập
Việc lập kế hoạch học tập thường mang lại tính chủ động cho sinh viên trong việc học và chuẩn bị thi cử. Bên cạnh đó, lập kế hoạch cũng hỗ trợ sinh viên trong việc sắp xếp công việc, thời gian làm việc học tập một cách khoa học hợp lý, mang lại hiệu quả công việc tối ưu. Điều này sẽ mang lại sự tự tin cho sinh viên, làm giảm nguy cơ stress, lo âu và trầm cảm ở sinh viên.
Nghiên cứu của Lê Minh Thuận năm 2011 cũng cho kết quả những sinh viên có kế hoạch học tập theo tuần, tháng hoặc năm thi stress, lo âu, trầm cảm thấp hơn sinh viên không có kế hoạch học tập, sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê p<0,001 [49].
Sự hài lòng với ngành học
Khi một sinh viên không cảm thấy thích ngành mà mình đang học, hứng thú, động lực của họ trong học tập sẽ luôn ở mức thấp. Ở Việt Nam, ngành học của con cái thường được chọn bởi bố mẹ. Việc bị bắt buộc phải học ngành không mình không thích sẽ dẫn đến tác động tâm lý trái chiều, từ đó làm tăng nguy cơ xuất hiện các vấn đề trầm cảm, lo âu và stress trong sinh viên.
Kết quả nghiên cứu của Nuram Bayram và cộng sự năm 2008 đã cho thấy quan hệ chặt chẽ giữa trầm cảm, lo âu và stress với sự hài lòng về ngành học của sinh viên. Trong nghiên cứu này, những sinh viên y khoa không cảm thấy hài lòng với ngành học của bản thân thường có nguy cơ trầm cảm, lo âu và stress cao hơn nhóm cảm thấy hài lòng, thích thú với ngành học (p<0,05) [31].
Nghiên cứu của Lu Chen và cộng sự năm 2013 trên trên 5245 sinh viên Đại học ở Cáp Nhĩ Tân Trung Quốc đã cho thấy thỏa mãn với ngành học là yếu tố liên quan đến trầm cảm ở sinh viên. Sinh viên không hài lòng với ngành mình đang theo học có nguy cơ trầm cảm cao gấp 1,9 lần so với sinh viên hài lòng với ngành mình đang học [27].
Nghiên cứu của Nguyễn Thành Trung năm 2017 cho thấy sinh viên Y tế công cộng không hài lòng với ngành mình theo học có nguy cơ bị trầm cảm, lo
âu và stress lần lượt cao gấp 2,2 lần; 1,8 lần và 2,6 lần so với sinh viên hài lòng với ngành mình theo học (p<0,05) [17].
1.2.2.3.Yếu tố gia đình, bạn bè, xã hội
Thu nhập của gia đình
Trong thời buổi kinh tế thị trường hiện nay mức độ ảnh hưởng của thu nhập, tình trạng kinh tế đến sức khỏe tinh thần đang dần tăng lên. Những sinh viên sống trong gia đình nghèo thường phải trưởng thành sớm, phải lo nghĩ, quán xuyến nhiều hơn đến công việc của gia đình, chi tiêu và sinh hoạt hàng ngày của gia đình. Ngược lại, sinh viên sống trong gia đình khá giả ít phải lo nghĩ đến bữa ăn, cái mặc, chi tiêu, sinh hoạt hàng ngày của gia đình. Điều này dẫn đến những sinh viên nghèo, khó khăn thường có nguy cơ xuất hiện các dấu hiệu của trầm cảm, lo âu và stress cao hơn sinh ở những gia đình khá giả.
Nhóm nguyên nhân về gia đình là nhóm nguyên nhân đứng đầu trong gây nên stress ở sinh viên theo kết quả nghiên cứu của Nguyễn Hữu Thụ (2009). Trong nhóm nguyên nhân này, thu nhập của gia đình là tác nhân chính ảnh hưởng đến stress sinh viên [28].
Những sinh viên sống trong gia đình có thu nhập thấp thường có nguy cơ xuất hiện các dấu hiệu của stress, lo âu và trầm cảm cao hơn so với những sinh viên sống trong gia đình có thu nhập cao [37].
Mối quan hệ với gia đình
Mối quan hệ với gia đình là một cấu phần quan trọng trong sự ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần của sinh viên. Sự gắn kết, chia sẻ, quan tâm và chăm sóc của bố mẹ là hết sức quan trọng đối với việc phát triển nhân cách và tâm lý nhất là trong giai đoạn học sinh, sinh viên. Trong giai đoạn này, các em sẽ đối mặt với nhiều vấn đề, khó khăn mới xuất hiện trong cuộc sống. Việc có được sự chia sẻ, hỗ trợ và những lời khuyên bổ ích của gia đình là một trong yếu tố then chốt trong bảo vệ sức khỏe tâm thần cho sinh viên, giảm khả năng xuất hiện của trầm cảm, lo âu và stress. Bên cạnh đó, mâu thuẫn trong gia đình cũng được nhiều nghiên cứu chứng minh là yếu tố có ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tinh thần của sinh viên, làm tăng khả năng mắc trầm cảm, lo âu và stress ở sinh viên.
Nghiên cứu về mối quan hệ với gia đình và lo âu ở sinh viên của Michele
M. Carter và cộng sự năm 2001 cho thấy mối quan hệ trái chiều giữa tình trạng lo âu, trầm cảm ở sinh viên và sự quan tâm, chăm sóc của cha mẹ. Những sinh viên nhận được sự quan tâm chăm sóc của cha mẹ sẽ có ít nguy cơ xuất hiện các dấu hiệu lo âu và trầm cảm [50].
Nghiên cứu của Phạm Thị Huyền Trang thực hiện trên 404/440 sinh viên trường đại học Y Hà Nội thuộc tất cả các ngành và tất cả các năm học đã chỉ ra mối quan hệ gia đình là các yếu tố liên quan đến stress của sinh viên. Nếu như một sinh viên thường xuyên chia sẻ các vấn đề trong cuộc sống cũng như học tập với cha mẹ, người thân trong gia đình thì nguy cơ stress chỉ bằng 0,5 lần so với những sinh viên không có sự chia sẻ, tâm sự này với gia đình. Nếu những SV nào thường xuyên xảy ra mâu thuẫn với gia đình thì nguy cơ stress cao hơn 4,6 lần so với những sinh viên không hay mâu thuẫn với người thân trong gia đình [51].
Nghiên cứu của Lu Chen và cộng sự năm 2013 trên 5245 sinh viên đại học ở Cáp Nhĩ Tân Trung Quốc đã cho thấy mối quan hệ với bố mẹ là yếu tố gia đình liên quan đến trầm cảm ở sinh viên. Những sinh viên có mối quan hệ không tốt với bố mẹ có nguy cơ mắc trầm cảm cao gấp 1,4 lần so với nhóm có mối quan hệ tốt với bố mẹ [27].
Mối quan hệ với bạn bè
Có mối quan hệ tốt với bạn bè giúp sinh viên có nhiều lựa chọn để chia sẻ các vấn đề khó khăn trong cuộc sống. Mối quan hệ bạn bè tốt cũng là yếu tổ bảo vệ sinh viên trước nguy cơ bị trầm cảm, lo âu và stress.
Theo nghiên cứu của đại học California, mối quan hệ với bạn bè là một trong các nguyên nhân dẫn đến sự xuất hiện các dấu hiệu của lo âu ở sinh viên. Mối quan hệ với bạn bè luôn là mối quan tâm của sinh viên. Dấu hiệu của lo âu xuất hiện khi xảy ra các vấn đề trong mối quan hệ này. Các vấn đề thường bao gồm không có đủ bạn bè, không cùng lớp với bạn bè, gặp áp lực nhóm và xung đột với bạn bè [52].
Trong nghiên cứu của mình, Vũ Dũng cũng đã chỉ ra có bạn thân và thường đi chơi với bạn thân là những yếu tố bảo vệ sinh viên trước stress.
Những sinh viên có thói quen đi chơi với bạn thân có nguy cơ stress ở mức cao chỉ bằng 1/3 nhóm còn lại với p<0,01. Nguy cơ stress cao ở nhóm sinh viên không có bạn thân gấp 3 lần nhóm có bạn thân với p=0,05 [42].
Nghiên cứu của Nguyễn Thị Huyền về thực trạng hiện tượng stress trong đời sống của sinh viên trường ĐH KHXH & NV – ĐHQG HCM cũng chỉ ra bất ổn từ các mối quan hệ xã hội là một trong các nguyên nhân hàng đầu khiến sinh viên bị stress. Cụ thể là, những lời nói và thái độ ứng xử của người khác đối với bạn, những rắc rối trong quan hệ với người khác, sự xung đột hiểu lầm trong các quan hệ bạn bè là những nguyên nhân nổi lên hàng đầu [53].
Nghiên cứu về trầm cảm của Phan Thị Diệu Ngọc năm 2014 trên 395 sinh viên năm thứ nhất và hai tại Đại học Y khoa Vinh cho thấy sinh viên gặp rắc rối với các mối quan hệ có nguy cơ xuất hiện các dấu hiệu trầm cảm ở mức độ vừa và nặng cao gấp 1,9 lần so với sinh viên không có các rắc tối (p<0,05). Không có người tâm sự làm tăng nguy cơ biểu hiện trầm cảm vừa và nặng lên 3,1 lần so với sinh viên có người thân, bạn bè giúp đỡ (p<0,05) [48].