1.1.3.2. Trợ cấp phi nông nghiệp
Trên thực tế, Luật đầu tư 2005 có hiệu lực từ 1/7/2006 đã bỏ đi những trợ cấp bị WTO cấm. Chính phủ cũng chuyển Quỹ Hỗ trợ phát triển thành Ngân hàng phát triển và chuyển các trợ cấp bị WTO cấm thành các loại trợ cấp được phép. Tuy nhiên, sau khi gia nhập WTO, 2/7/2007 Bộ Thương Mại (nay là Bộ Công Thương) đã chính thức công bố việc bãi bỏ cơ chế xét thưởng thành tích xuất khẩu. Hội đồng xét thưởng thành tích xuất khẩu cũng bị giải thể. Đồng thời, các khoản trợ cấp bị WTO cấm đối với hàng dệt may đã bị xóa bỏ ngay từ thời điểm gia nhập. Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định 126/2006/QĐ-TTg về việc chấm dứt hiệu lực quyết định số 55/2001/QĐ-TTg về Chiến lược phát triển và một số cơ chế chính sách hỗ trợ thực hiện Chiến lược phát triển ngành dệt may Việt Nam đến năm 2010 đối với trợ cấp hàng dệt may. Việc bãi bỏ quyết định này nhằm mục đích đảm bảo cạnh tranh bình đẳng giữa các ngành và các doanh nghiệp đồng thời đáp ứng được nhu cầu hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta. Tuy nhiên, một số biện pháp trợ cấp cho ngành dệt may như hỗ trợ vốn cho các dự án quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu, xây dựng cơ sở hạ tầng các cụm công nghiệp dệt vẫn được áp dụng. Các dự án mới được thành lập ngay sau khi Việt Nam gia nhập WTO đều không được hưởng các hình thức trợ cấp như ưu đãi đầu tư cho xuất khẩu, thay thế hàng nhập khẩu theo đúng cam kết.
1.1.4. Tình hình thực thi các cam kết khác
1.1.4.1. Hiệp định vệ sinh kiểm dịch động thực vật (SPS)
Đây là một trong những hiệp định quan trọng nhất của WTO. Tham gia vào hiệp định này, Việt Nam phải đảm bảo rằng tất cả các quy định, tiêu chuẩn và quy trình đánh giá chuẩn bảo vệ động thực vật phải được áp dụng phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế. Vì thế, sau khi gia nhập WTO, chúng ta đã tham gia các khóa học đào tạo ở nước ngoài về hiệp định SPS, tuyên truyền, phổ biến nội dung của hiệp định. Cục bảo vệ thực vật đã tiến hành
việc chuyển dịch các tiêu chuẩn quốc tế thành các tiêu chuẩn Việt Nam về kiểm dịch động thực vật. Ngoài ra, chúng ta cũng xây dựng các tiêu chuẩn, quy trình kỹ thuật dựa theo hệ thống quốc tế, tiến hành Việt hóa 24 tiêu chuẩn quốc tế in thành sách cung cấp cho các đơn vị trong cục tham khảo. Hơn thế nữa, chúng ta cũng thành lập văn phòng SPS để giải đáp thắc mắc cho các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế, hoàn chỉnh chương trình hành động quốc gia thực hiện Hiệp định SPS trong năm 2007.
1.1.4.2. Hiệp định về các hàng rào kỹ thuật đối với thương mại (TBT)
Ngay sau khi gia nhập WTO, Việt Nam đã thực hiện ngay lập tức các nghĩa vụ với WTO. Chúng ta đã thành lập các đề án, mạng lưới, ban liên ngành về TBT để tuyên truyền phổ biến hiệp định TBT và các vấn đề có liên quan. Bên cạnh đó, chúng ta cũng tổ chức huấn luyện nghiệp vụ để giải đáp các vướng mắc cho các doanh nghiệp, tổ chức cá nhân trong nước. Được nguồn vốn tài trợ bởi dự án Mutrap, ta đã xây dựng thành công cổng thông tin điện tử về TBT để đáp ứng các nghĩa vụ về minh bạch hóa trong hiệp định TBT. Việt Nam cũng liên tục cập nhật các thông báo của các nước thành viên WTO để chuyển tin cảnh báo đến các điểm TBT trong mạng lưới.
Việt Nam cũng tăng cường rà soát các văn bản pháp quy kỹ thuật, quy chuẩn kỹ thuật phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của Hiệp định TBT và luật tiêu chuẩn kỹ thuật. Hệ thống tiêu chuẩn quốc gia cũng từng bước được hoàn chỉnh. Kể từ khi gia nhập WTO, nước ta cũng thường xuyên tham gia vào các cuộc họp về trao đổi thông tin TBT giữa các nước và cuộc họp của ủy ban TBT tại WTO.
1.1.4.3. Hiệp định về trị giá hải quan (CVA)
Có thể bạn quan tâm!
- Các Cam Kết Của Việt Nam Với Wto Trong Lĩnh Vực Thương Mại Hàng Hóa.
- Các Cam Kết Thực Hiện Hiệp Định Tự Do Hoá Theo Ngành
- Các Mặt Hàng Nông Nghiệp Đã Được Giảm Thuế Ngay Đầu Năm 2007
- Tác Động Chung Đối Với Nền Kinh Tế
- Đề Án Phát Triển Thương Mại Trong Nước Đến Năm 2010 Và Định Hướng Đến Năm 2020.
- Một Số Định Hướng Nhằm Thực Thi Tốt Hơn Các Cam Kết Của Việt Nam Với Wto Trong Lĩnh Vực Thương Mại Hàng Hóa.
Xem toàn bộ 108 trang tài liệu này.
Để thực hiện cam kết, chúng ta đã bỏ cách tính thuế nhập khẩu theo bảng giá tối thiểu, đồng thời xây dựng trình tự, thủ tục và phương pháp trị giá tính thuế hải quan của Việt Nam tuân thủ các nguyên tắc của Hiệp định CVA. Ngày 16/3/2007, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 40/2007/NĐ-CP quy
định về việc xác định trị giá hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Theo đó, để tính toán chính xác trị giá tính thuế hàng hóa nhập khẩu có sáu phương pháp chính: xác định theo trị giá giao dịch của hàng hóa nhập khẩu, xác định theo trị giá giao dịch của hàng hóa nhập khẩu giống hệt, xác định theo trị giá giao dịch của hàng hóa nhập khẩu tương tự, xác định theo trị giá khấu trừ, theo trị giá tính toán và phương pháp suy luận xác định tính thuế.
1.2. Một số vấn đề rút ra từ quá trình thực thi
1.2.1. Kết quả đạt được
Hơn hai năm mở cửa thị trường, hòa nhập vào trào lưu chung của thế giới, Việt Nam đã nắm bắt được những cơ hội lớn. Việc điều chỉnh thể chế kinh tế, hoàn thiện từng bước khung pháp lý, xóa bỏ các rào cản và nâng cao tính minh bạch trong chính sách kinh tế, thương mại, cải thiện môi trường kinh doanh đã làm tăng hiệu quả và thúc đẩy kinh tế nước ta phát triển bền vững. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2008 của nước ta vẫn tăng trưởng ở mức 6,23%. Trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 3,79%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,33%; khu vực dịch vụ tăng 7,2%. Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước năm 2008 tuy thấp hơn tốc độ tăng 8,48% của năm 2007 và mục tiêu kế hoạch điều chỉnh là tăng 7%, nhưng trong bối cảnh tài chính thế giới khủng hoảng, kinh tế của nhiều nước suy giảm mà nền kinh tế nước ta vẫn đạt tốc độ tăng tương đối cao như trên là một thành tựu lớn, tạo điều kiện thuận lợi để giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.
Bên cạnh đó, nhiều sản phẩm của chúng ta đã khẳng định được chỗ đứng trên thị trường toàn cầu. Năng lực sản xuất và kinh doanh của các ngành hàng cũng tăng lên rõ rệt. Mặc dù bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động phức tạp, hầu hết các ngành hàng của nước ta đều đạt mức tăng trưởng cao so với nhiều nước trong khu vực. Thị trường xuất khẩu được mở rộng đến 150 quốc gia và khu vực. Theo số liệu ước tính năm 2008, tổng mức bán lẻ hàng
hóa và doanh thu dịch vụ của ta tăng 31% so với năm 2007 (nếu loại trừ yếu tố tăng giá, mức tăng còn 7%). Năm 2008, chúng ta cũng một phần khắc phục được tình trạng nhập siêu. Kim ngạch xuất khẩu năm 2008 đạt 62,9 tỉ USD, tăng 29,5% so với năm 2007. Kim ngạch nhập khẩu đạt 79,9 tỉ, tăng 27,5% so với năm 2007.
Ngành nông nghiệp cũng đạt được những thành tựu đáng kể. Năm 2008, sản lượng lương thực đạt 43,2 triệu tấn, tăng 3 triệu tấn so với năm 2007. Riêng lúa đạt 38,6 triệu tấn, tăng 2,7 triệu tấn so với năm 2007, đạt sản lượng cao nhất từ trước đến nay. Sản xuất nông, lâm, thủy sản được mùa đã góp phần quan trọng vào việc kiềm chế lạm phát, ổn định giá cả, đưa kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 16,24 tỉ USD, tăng 22,7% so với năm 2007, mức tăng trưởng cao nhất từ trước đến nay. Trong đó các mặt hàng nông sản đạt 8,42 tỉ USD, tăng 34%. Lâm sản và gỗ đạt 3,0 tỉ USD, tăng 13,4%. Mặt hàng thủy sản đạt 4,5 tỉ USD, tăng 19,6%. Xuất khẩu các mặt hàng chủ lực nông nghiệp cũng tăng đáng kể. Sáu mặt hàng đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD là gạo 2,87 tỉ USD, cà phê 2,0 tỉ USD, cao su 1,6 tỉ USD, đồ gỗ 2,8 tỉ USD, tôm gần 1,5 tỉ USD, cá tra trên 1 tỉ USD. Đặc biệt, mặt hàng điều có kim ngạch xuất khẩu tăng nhanh, đạt trên 908 triệu USD, tăng 38,8% so với năm 2007. Chăn nuôi gia súc, gia cầm đang từng bước được khôi phục sau những thiệt hại do thiên tai và dịch bệnh. Theo kết quả điều tra tại thời điểm 01/10/2008, đàn lợn cả nước có 26702 nghìn con, tăng 0,5%; đàn gia cầm 247,3 triệu con, tăng 9,4%. Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc ổn định đời sống và nâng cao thu nhập của nông dân.
Ngành công nghiệp Việt Nam thì phát triển theo hướng tích cực, sản xuất công nghiệp đạt năng suất tương đối cao. Năm 2007, giá trị sản xuất công nghiệp đạt trên 574 nghìn tỉ đồng, tăng 17,1% so với năm 2006. Năm 2008 ước tính đạt 650 nghìn tỉ đồng, tăng 14,6% so với năm 2007 trong đó khu vực kinh tế Nhà nước tăng 4%; khu vực kinh tế ngoài Nhà nước tăng
18,8%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 18,6%. Các ngành sản xuất sử dụng nhiều lao động như thủy sản, may mặc, giày dép, đồ nội thất, thủ công cũng có tốc độ tăng trưởng cao. Thực thi các cam kết với WTO, chúng ta đã giảm thuế nhập khẩu rất nhiều mặt hàng. Vì thế gánh nặng thu thuế sẽ chuyển sang thuế nội địa. Tổng thu ngân sách Nhà nước năm 2008 ước tính tăng 26,3% so với năm 2007 và bằng 123,8% dự toán năm, trong đó thu nội địa bằng 110,9%.
Vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện năm 2008 theo giá thực tế ước tính đạt 637,3 nghìn tỷ đồng, bằng 43,1% GDP và tăng 22,2% so với năm 2007, bao gồm vốn khu vực Nhà nước 184,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 28,9% tổng vốn và giảm 11,4%; khu vực ngoài Nhà nước 263 nghìn tỷ đồng, chiếm 41,3% và tăng 42,7%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 189,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 29,8% và tăng 46,9% [19]
Luồng vốn FDI vào Việt Nam cũng tăng lên rõ rệt kể từ sau khi chúng ta mở cửa hội nhập và thực thi các cam kết với WTO. Năm 2007, Việt Nam đã thu hút trên 20,3 tỉ USD, tăng 69,2% so với năm 2006. Đặc biệt, năm 2008 là năm đánh dấu kỉ lục về lượng vốn FDI đổ vào Việt Nam trong hơn 20 năm kể từ khi nước ta bắt đầu nỗ lực thu hút FDI. Tính chung cả vốn đăng ký cấp mới và vốn đăng ký tăng thêm, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký tại Việt Nam năm 2008 đạt hơn 64 tỷ USD, gấp gần 3 lần con số của năm 2007. Điều này phản ánh niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài vào tiến trình hội nhập, mở cửa thị trường cũng như vào triển vọng và tiềm năng phát triển kinh tế của Việt Nam. Lượng vốn giải ngân năm 2008 cũng đạt con số ấn tượng 11,5 tỷ USD, tăng 43,2% so với năm 2007. Trong năm 2008, một loạt các dự án đầu tư lớn trong lĩnh vực công nghiệp, bất động sản, du lịch cũng ra đời. Sự gia tăng các dự án và lượng vốn đăng ký đã làm tăng quy mô hoạt động của khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ở Việt Nam. Với hơn 9.800 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký gần 150 tỷ USD, năm qua hơn
4.000 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam đã đóng góp 40% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Khối doanh nghiệp này còn tạo ra trên 200.000 việc làm mới, nâng tổng số lao động làm việc trong các dự án FDI lên gần 1,47 triệu người, góp phần quan trọng vào giải quyết vần đề việc làm vốn rất nóng bỏng của Việt Nam hiện nay.
Hơn hai năm thực thi các cam kết với WTO trong lĩnh vực thương mại hàng hóa, nền kinh tế Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, vừa đảm bảo được tăng trưởng kinh tế, vừa kiềm chế lạm phát và bình ổn giá cả trong nước.
1.2.2. Một số khó khăn còn tồn tại
Việt Nam gia nhập WTO trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động khiến tình hình kinh tế trong nước cũng gặp rất nhiều khó khăn. Lạm phát và nhập siêu tăng cao (14,2 tỉ USD năm 2007 và 17 tỉ năm 2008), kinh tế vĩ mô diễn biến xấu. Để thực thi các cam kết trong lĩnh vực thương mại hàng hóa với WTO, Việt Nam phải tiến hành giảm thuế và xóa bỏ các rào cản bảo hộ. Mặc dù thuế nhập khẩu nhiều mặt hàng đã giảm nhưng giá của các sản phẩm vẫn chưa giảm như mong muốn do chưa có sự phù hợp giữa cung - cầu.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, việc bảo hộ thị trường nông sản nội địa bằng hàng rào thuế quan giảm khiến khả năng cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp giảm. Tình trạng nuôi trồng và chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún cũng như thiếu sự hỗ trợ từ phía nhà nước khiến giá nhiều mặt hàng nông sản thực phẩm của Việt Nam cao hơn thế giới. Chính vì thế, nhiều mặt hàng nông sản ngoại đã tràn vào nước ta khiến một số ngành sản xuất của nông dân bị đe dọa.
Trong lĩnh vực công nghiệp, lợi thế cạnh tranh của nước ta chủ yếu dựa trên nguồn lao động rẻ và tài nguyên có sẵn. Tuy nhiên, lợi thế này đang có xu hướng giảm dần. Đồng thời, việc gia nhập vào WTO đã làm giảm khả năng bảo hộ của Nhà nước cho các ngành công nghiệp. Vì thế, chúng ta phải chịu sức ép gay gắt và phải nỗ lực tối đa để không bị biến thành thị trường tiêu thụ hàng hóa của các nước khác.
Lượng hàng hóa nước ngoài xuất hiện càng nhiều cùng tâm lý chuộng hàng ngoại của người tiêu dùng đã gây khó khăn cho các doanh nghiệp trong nước. Hầu hết doanh nghiệp Việt Nam chưa tận dụng được các cơ hội do gia nhập WTO mang lại để thâm nhập mạnh mẽ, có hiệu quả vào thị trường quốc tế; chưa phát huy được lợi thế của các doanh nghiệp quy mô lớn; nhiều dự án đầu tư lớn triển khai chậm gây lãng phí; chưa có sự đột phá về sản phẩm, công nghệ; khả năng quản lý doanh nghiệp trong điều kiện mới còn hạn chế dẫn đến chi phí cao, hiệu quả sản xuất kinh doanh còn thấp; tiến độ cổ phần hóa các doanh nghiệp còn chậm. Doanh nghiệp Việt Nam vẫn chú trọng đầu tư ngắn hạn nhiều hơn là có tầm nhìn dài hạn. Các doanh nghiệp trong nước cũng chưa đủ sức cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài. Nhiều doanh nghiệp mới thành lập, ít kinh nghiệm kinh doanh, thiếu và yếu về vốn, nhân lực, thiết bị - công nghệ, vật tư, quản trị doanh nghiệp và tiếp cận thị trường. Những doanh nghiệp lớn thì lại chưa có được những sản phẩm uy tín và mang thương hiệu toàn cầu. Nói về sản phẩm của Việt Nam, người ta chỉ biết đến các sản phẩm nông nghiệp như cà phê, hồ tiêu...chứ chưa một sản phẩm công nghiệp nào được nhắc đến. Kinh tế thị trường, kinh tế cạnh tranh toàn cầu hiện nay là cả một mạng sản xuất, cả một chuỗi giá trị khổng lồ, bên cạnh biết cạnh tranh, các doanh nghiệp phải biết liên kết, hiện nay mới chỉ một số ít doanh nghiệp làm được điều này. Các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu các mặt hàng dệt may, giày da, chế biến thuỷ sản... sang thị trường EU, vẫn duy trì khả năng cạnh tranh dựa trên những mặt hàng truyền thống mà Việt Nam có lợi thế về sử dụng nhiều tài nguyên và lao động. Cách thức cạnh tranh này phần lớn dựa vào giá. Tuy nhiên khi dựa vào giá thì chúng ta dễ mắc phải hàng rào thương mại, như chống bán phá giá. Còn dựa vào tài nguyên dễ mắc phải hàng rào về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Tuy việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài FDI năm 2008 của ta đã đạt được những kết quả ngoài mong đợi nhưng Việt Nam vẫn gặp nhiều khó khăn
trong việc giải ngân nguồn vốn này. Những vấn đề về kết cấu hạ tầng, thiếu hụt năng lượng và chất lượng nguồn nhân lực vẫn chưa được giải quyết. Các thủ tục đầu tư sau cấp phép, nhất là thủ tục đền bù giải phóng mặt bằng, chưa được cải thiện cũng đang là những rào cản lớn đối với nhiều dự án. Chính vì thế nền kinh tế vẫn chưa có khả năng hấp thụ hết các nguồn vốn.
Việc áp dụng trị giá tính thuế hàng nhập khẩu theo GATT là một vấn đề mới và phức tạp, triển khai và quản lý còn thiếu kinh nghiệm, đã xuất hiện hiện tượng gian lận thương mại về giá hàng nhập khẩu khá đa dạng, tinh vi nhất là những mặt hàng có thuế suất cao, giá trị lớn. Việt Nam cũng đang gặp khó khăn trong việc thực hiện hai thỏa ước quan trong về hàng rào kỹ thuật đối với thương mại (TBT) và hiệp định vệ sinh kiểm dịch động thực vật (SPS) do thiếu chuyên viên có trình độ và kinh nghiệm cao.
Trong năm 2009, chúng ta tiếp tục phải đối mặt với những khó khăn, thách thức trong thời kỳ khủng hoảng tài chính thế giới. Các nước ngày càng mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu đồng thời bảo hộ mạnh mẽ nền kinh tế quốc dân đang bị tổn thương. Đối với Việt Nam, đó sẽ là sức ép lớn buộc chúng ta phải tự do hóa thị trường nhanh hơn, rộng hơn, cắt giảm nhanh hơn và mạnh hơn thuế nhập khẩu, đặt biệt với mặt hàng nông sản thực phẩm.
II. TÁC ĐỘNG CỦA VIỆC THỰC THI CÁC CAM KẾT CỦA VIỆT NAM VỚI WTO TRONG LĨNH VỰC THƯƠNG MẠI HÀNG HÓA
Hơn hai năm thực thi các cam kết với WTO trong lĩnh vực thương mại hàng hóa đã tác động tích cực và cả tiêu cực đến mọi mặt đời sống kinh tế, chính trị, xã hội nước ta. Tuy nhiên, xét một cách tổng thể thì tác động tích cực nhiều hơn tiêu cực. Gia nhập WTO một mặt giúp chúng ta mở rộng thị trường, gia tăng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa. Mặt khác, thị trường trong nước cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh của hàng hóa và dịch vụ từ các nước thành viên WTO. Bên cạnh đó, Việt Nam gia nhập WTO cũng đúng vào lúc cuộc khủng hoảng tài chính thế giới lan trên diện rộng dẫn tới suy thoái