Thực hiện chính sách tôn giáo trên địa bàn tỉnh Cao Bằng hiện nay - 2

trọng tính khoa học trong quản lý; một số cán bộ làm quản lý nhà nước về tôn giáo ở cấp tỉnh, huyện làm không đúng chuyên môn được đào tạo, không ổn định thường xuyên; cán bộ cấp cơ sở vừa thiếu, vừa yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; quan điểm giải quyết các vấn đề tôn giáo thiếu thống nhất; việc tuyên truyền chính sách tôn giáo đến với nhân dân chưa rộng khắp và chưa đến trực tiếp với đối tượng tuyên truyền. Ngoài ra còn gặp phải một số khó khăn mang tính khách quan là xu hướng du nhập tôn giáo mới, các thế lực thù địch lợi dụng tôn giáo để hoạt động chống phá cách mạng; một số chức sắc, người dân lách luật, xé rào các quy định về đất đai, cơ sở thờ tự, công tác từ thiện, nhân đạo để thực hiện các hành vi trái pháp luật.

Đến thời điểm hiện nay, chưa có các công trình nghiên cứu về thực hiện chính sách tôn giáo ở Cao Bằng, nhất là tiếp cận từ góc độ chính sách công. Tất cả những vấn đề trên đang đặt ra yêu cầu phải đổi mới và tăng cường công tác tôn giáo ở địa phương Cao Bằng. Việc tổng kết, khái quát thực tiễn công tác tôn giáo để tìm ra phương hướng và giải pháp nhằm phát huy vai trò của chính quyền địa phương để tăng cường hiệu quả thực hiện chính sách tôn giáo là việc làm cần thiết. Vì vậy, tác giả chọn đề tài “Thực hiện chính sách tôn giáo trên địa bàn tỉnh Cao Bằng hiện nay” để làm luận văn cao học.

2. Tình hình nghiên cứu liên quan đến đề tài

Chính sách tôn giáo chủ yếu được nghiên cứu diễn ra trong thời gian 30 năm trở lại đây, sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 16/10/1990 về tăng cường công tác tôn giáo trong tình hình mới; Chỉ thị số 37-CT/TW ngày 02/7/1998 của Bộ Chính trị Về công tác tôn giáo trong tình hình mới; Nghị quyết số 25 NQ/TW ngày 12/3/2003 của ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX Về công tác tôn giáo; Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo, số 18/2004/L/CTN, công bố ngày 29/6/2004; Luật tín ngưỡng, tôn giáo được Quốc hội thông qua ngày 18/11/2016. Các văn kiện trên đây thể hiện quan điểm đổi mới của Đảng và Nhà nước ta đối với công tác tôn giáo, tạo

môi trường pháp lý thông thoáng, thuận lợi cho các hoạt động tôn giáo và công tác tôn giáo, do đó tình hình tôn giáo nói chung đã có những chuyển biến mới theo hướng tích cực hơn.

Cuốn Những vấn đề lý luận và thực tiễn tôn giáo ở Việt Nam của tác giả Đặng Nghiêm Vạn [47], sách bàn đến những vấn đề cơ bản của tôn giáo; thái độ và phương pháp khi nghiên cứu các tác phẩm của Mác, Ăngghen, Lênin và Hồ Chí Minh về tôn giáo; phương pháp luận nghiên cứu xã hội học tôn giáo; lý giải một số hiện tượng tôn giáo tín ngưỡng ở Việt Nam (Công giáo, Phật giáo...). Cuốn Lý luận về tôn giáo và tình hình tôn giáo ở Việt Nam của tác giả Đặng Nghiêm Vạn [48] giới thiệu những vấn đề cơ bản về tôn giáo: Định nghĩa tôn giáo trong lịch sử; yếu tố cấu thành một hình thức tôn giáo; nhu cầu, vai trò của tôn giáo trong đời sống và một số đặc điểm, tình hình, vai trò của tôn giáo Việt Nam; một số vấn đề cơ bản về chính sách tự do tôn giáo ở Việt Nam.

Cuốn Nghiên cứu tôn giáo - Nhân vật và sự kiện của tác giả Đỗ Quang Hưng [30] sách đã trình bày tương đối tổng thể các vấn đề liên quan đến tôn giáo, từ vấn đề tôn giáo trong tư tưởng Hồ Chí Minh, ý kiến của Lê Hồng Phong, Nguyễn Văn Cừ về tôn giáo đến nhận thức của Nguyễn An Ninh, Đào Duy Anh, Nguyễn Văn Nguyễn... về tôn giáo. Tác giả cũng đặt ra, gợi mở và định hướng nhiều vấn đề thời sự về tôn giáo hiện nay như: Toàn cầu hóa tôn giáo; tôn giáo và xã hội ở Việt Nam hiện nay; xu thế đa dạng hóa, hiện tượng tôn giáo mới; quan hệ nhà nước và giáo hội; cách mạng và tôn giáo; hoạt động của Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam; vấn đề "Tự do tôn giáo" - Nhân quyền ở Việt Nam và một số vấn đề tôn giáo cụ thể liên quan đến Công giáo, lễ hội Công giáo và Phật giáo Việt Nam trong hội nhập và toàn cầu hóa...

Liên quan trực tiếp đến đề tài có công trình Chính sách tôn giáo và Nhà nước pháp quyền của tác giả Đỗ Quang Hưng. Nội dung trong cuốn sách, tác

giả đã khẳng định: “Chính sách tôn giáo là một chính sách công. Chính sách tôn giáo ở Việt Nam đều thể hiện được hai yêu cầu là chuyên nghiệp và dân chủ, "bằng cách tiếp cận chính trị học và khoa học về chính sách, chúng tôi cố gắng làm rõ hơn bản chất, tính cách của chính sách tôn giáo hay nói một cách khác, chính sách tôn giáo phải là một chính sách công. Đây cũng không chỉ là vấn đề thuật ngữ mà còn hàm chứa những suy nghĩ về một mảng rất quan trọng của lộ trình tiến tới "một nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa về tôn giáo" [26, tr.45].

Cuốn Tìm hiểu về tôn giáo và chính sách đối với tôn giáo của Đảng, Nhà nước Việt Nam hiện nay của tác giả Nguyễn Đức Lữ, tác giả đã nhìn nhận chính sách tôn giáo là "phương tiện, công cụ" của quản lý Nhà nước đối với hoạt động tôn giáo [31].

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 84 trang tài liệu này.

Cuốn sách kỷ yếu Hội thảo Khoa học Chính sách, pháp luật về tôn giáo, tín ngưỡng của Việt Nam: 25 năm nhìn lại của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (2016), Nxb Lý luận Chính trị [24]. Cuốn sách là kết quả của cuộc hội thảo lớn do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức nhằm đánh giá, làm rò thành tựu và hạn chế của chính sách, pháp luật về tôn giáo, tín ngưỡng của nước ta từ năm 1990 đến nay. Trong đó có nhiều bài viết đề cập đến quá trình phát triển tư duy lý luận của Đảng Cộng sản Việt Nam về vấn đề tôn giáo và công tác tôn giáo; chủ nghĩa xã hội và tôn giáo ở Việt Nam; nhà nước pháp quyền và tôn giáo; quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam; chính sách pháp luật của Nhà nước đối với hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam hiện nay; những điểm mới trong dự thảo Luật tín ngưỡng, tôn giáo…

Công trình nghiên cứu “Địa Chí Cao Bằng” (2003) và “Lịch Sử Đảng bộ tỉnh Cao Bằng giai đoạn 1930 – 2020”. Hai tác phẩm trên đã làm rò lịch sử hình thành và phát triển vùng đất địa đầu, là phên dậu bảo vệ Tổ quốc Việt

Thực hiện chính sách tôn giáo trên địa bàn tỉnh Cao Bằng hiện nay - 2

Nam xã hội chủ nghĩa … các di tích lịch sử văn hóa, anh hùng dân tộc, cách mạng, tôn giáo của tỉnh Cao Bằng.

Đề tài “Tôn giáo ở Cao Bằng và những vấn đề đặt ra với công tác bảo đảm an ninh trật tự” do tác giả Hà Văn Tuyên, nguyên Phó Giám đốc Công an tỉnh Cao Bằng làm chủ nhiệm, đây là đề tài khoa học nghiên cứu về lĩnh vực tôn giáo, có giá trị thực tiễn sâu sắc, nêu bật thực trạng tình hình, kết quả công tác bảo đảm an ninh trật tự trên lĩnh vực tôn giáo, đồng thời chỉ ra những vướng mắc, tồn tại trong thực tế công tác ở cơ sở. Trên cơ sở lý luận và thực tiễn công tác, đề tài đã đưa ra những dự báo về các yếu tố tác động, những thuận lợi, khó khăn trực tiếp ảnh hưởng đến công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự trong thời gian tới, từ đó đề xuất hệ thống những giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước với công tác tôn giáo, chủ động phòng ngừa, đấu tranh làm thất bại âm mưu hoạt động lợi dụng tôn giáo gây mất ổn định về tình hình an ninh trật tự của các thế lực thù địch.

Có thể nói, những công trình lý luận chung về tôn giáo, về đời sống tôn giáo ở Việt Nam, về chính sách, pháp luật tôn giáo ở Việt Nam có rất nhiều. Tuy nhiên vấn đề tôn giáo ở tỉnh Cao Bằng chưa nghiên cứu về quá trình tổ chức thực hiện các chính sách tôn giáo trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn hiện nay. Đây là khoảng trống mà đề tài sẽ đi vào góp phần làm rò thực trạng thực hiện chính sách tôn giáo ở tỉnh Cao Bằng để từ đó có những đề xuất kiến nghị.

3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu

3.1. Mục đích nghiên cứu

Trên cơ sở nghiên cứu việc thực hiện chính sách tôn giáo ở Cao Bằng hiện nay, chỉ rò những thành tựu cũng như những hạn chế của công tác này, luận văn đề xuất một số giải pháp, kiến nghị nhằm hoàn thiện và nâng cao hiệu quả việc thực hiện chính sách tôn giáo ở tỉnh Cao Bằng trong thời gian tới.

3.2. Nhiệm vụ nghiên cứu

- Khái quát về tôn giáo và công tác tôn giáo ở Cao Bằng hiện nay.

- Nghiên cứu thực trạng thực hiện chính sách tôn giáo trên địa bàn tỉnh Cao Bằng thời gian qua.

- Đề xuất phương hướng, giải pháp chính nhằm hoàn thiện nâng cao, tăng cường hiệu quả công tác thực hiện chính sách tôn giáo ở tỉnh Cao Bằng hiện nay.

4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

4.1. Đối tượng nghiên cứu:

Nghiên cứu thực trạng thực hiện chính sách tôn giáo trên địa bàn tỉnh Cao Bằng.

4.2. Phạm vi nghiên cứu:

- Phạm vi nội dung: Luận văn tập trung nghiên cứu thực trạng thực hiện chính sách tôn giáo ở Cao Bằng, nhất là những thành tựu, hạn chế của công tác này.

- Phạm vi thời gian: Từ năm 2016 cho đến nay. Lý do:

Vì trong giai đoạn này Luật tín ngưỡng, tôn giáo, Nghị định 162/2017/NĐ-CP được ban hành. Việc thực hiện đúng Luật tín ngưỡng, tôn giáo rất quan trọng. Tôn giáo tại tỉnh Cao Bằng chủ yếu là đạo Tin lành chiếm đa số (khi Luật tín ngưỡng, tôn giáo được ban hành và áp dụng, Tin lành là tôn giáo được hưởng lợi khá nhiều), tuy đạo Tin lành xâm nhập vào Tỉnh muộn hơn so với các tôn giáo khác, nhưng lại phát triển rất nhanh chóng, lan rộng trong khu vực đồng bào dân tộc Mông, Dao.

- Phạm vi không gian: Địa bàn tỉnh Cao Bằng.

5. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu

5.1. Cơ sở lý luận

Luận văn được thực hiện nghiên cứu dựa trên cơ sở lý luận của Chủ nghĩa Mác-Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh và các quan điểm của Đảng Cộng sản Việt

Nam. Đồng thời, luận văn dựa trên thành quả nghiên cứu đi trước liên quan đến đề tài về cách tiếp cận, khung phân tích, những luận điểm, nhận thức khoa học, v.v.. đã được thừa nhận.

5.2. Phương pháp nghiên cứu

- Phương pháp tiếp cận: Luận văn tiếp cận nghiên cứu từ góc độ chuyên ngành chính sách công, tiếp cận quy trình chính sách từ hoạch định đến xây dựng, thực hiện và đánh giá chính sách có sự tham gia của chủ thể chính sách.

- Phương pháp nghiên cứu: Để thực hiện được các yêu cầu đặt ra đối với luận văn, việc nghiên cứu đề tài được tiến hành dựa trên một số phương pháp cơ bản như: phương pháp phân tích, tổng hợp, phương pháp so sánh, phương pháp nghiên cứu tài liệu thứ cấp, v.v…

6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận văn

6.1. Ý nghĩa lý luận:

Kết quả nghiên cứu làm sáng tỏ những vấn đề lý luận về công tác tôn giáo từ góc độ chính sách công trên địa bàn tỉnh Cao Bằng. Những kết quả của luận văn góp phần nâng cao nhận thức, hiểu biết về công tác quản lý nhà nước về tôn giáo từ góc độ chính sách công, qua đó, qua đó góp phần bổ sung, hoàn thiện những vấn đề lý luận về thực hiện chính sách công nói chung, thực hiện chính sách tôn giáo ở nước ta nói riêng từ thực tiễn của một tỉnh. Ngoài ra, luận văn cũng góp phần bổ sung những nghiên cứu về các tôn giáo ở Cao Bằng hiện nay, đây là một mảng vẫn còn rất ít các công trình đề cập.

6.2. Ý nghĩa thực tiễn:

Trên cơ sở kết luận, kết quả rút ra từ nghiên cứu của đề tài luận văn góp phần hoàn thiện công tác tôn giáo nói chung, công tác quản lý nhà nước về tôn giáo nói riêng trên địa bàn tỉnh Cao Bằng. Luận văn có thể là tài liệu tham khảo cho việc nghiên cứu, học tập, giảng dạy về tôn giáo ở Cao Bằng, công tác quản lý nhà nước về tôn giáo trên địa bàn tỉnh Cao Bằng.

7. Kết cấu của luận văn

Ngoài phần mở đầu, phần kết luận và tài liệu tham khảo, luận văn gồm 3 chương:

Chương 1: Khái quát về tôn giáo và công tác tôn giáo ở Cao Bằng hiện nay;

Chương 2: Thực trạng thực hiện chính sách tôn giáo ở tỉnh Cao Bằng hiện nay;

Chương 3: Những vấn đề đặt ra và giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách tôn giáo ở tỉnh Cao Bằng.

Chương 1

KHÁI QUÁT VỀ TÔN GIÁO VÀ CÔNG TÁC TÔN GIÁO Ở CAO BẰNG HIỆN NAY


1.1. Một số vấn đề lý luận chung

1.1.1. Khái niệm chính sách công

Nói đến chính sách tôn giáo, chúng ta phải nói đến các công trình nghiên cứu về chính sách công, bởi về bản chất chính sách tôn giáo là chính sách công.

Hiện nay, có rất nhiều định nghĩa khác nhau của các học giả trong và ngoài nước về chính sách công. Theo tác giả Thomas Dye (1972): Chính sách công là bất kỳ những gì Nhà nước lựa chọn làm hay không làm. Tác giả William Jenkins (1978) lại cho rằng: Chính sách công là tập hợp các quyết định liên quan với nhau do một hoặc một nhóm nhà hoạt động chính trị ban hành, liên quan tới lựa chọn các mục tiêu và các phương tiện để đạt mục tiêu trong một tình huống xác định thuộc phạm vi thẩm quyền.

Nguyễn Hữu Hải đưa ra khái niệm chính sách công: Chính sách công là kết quả ý chí chính trị của Nhà nước được thể hiện bằng một tập hợp các quyết định liên quan với nhau, bao hàm trong đó định hướng mục tiêu và cách thức giải quyết những vấn đề công trong xã hội.

Đỗ Phú Hải định nghĩa về chính sách công ở Việt Nam như sau: Chính sách công là một tập hợp các quyết định có liên quan để lựa chọn mục tiêu và những giải pháp, công cụ chính sách nhằm giải quyết các vấn đề chính sách theo mục tiêu tổng thể đã xác định của đảng chính trị cầm quyền.

Tác giả Văn Tất Thu, trong bài ''Bản chất, vai trò của chính sách công'' đăng trên Tạp chí Tổ chức nhà nước điện tử, đăng ngày 27/01/2017 cho rằng: "Chính sách công được hoạch định bởi đảng chính trị nhưng do chính phủ xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện. Bản chất của chính sách công là

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 23/07/2022