Thực hiện chính sách phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Phú Thọ - 1


VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM

HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI


TRẦN NGỌC SƠN


THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH PHÁT TRIỂN DU LỊCH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH PHÚ THỌ


LUẬN VĂN THẠC SĨ CHÍNH SÁCH CÔNG


Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 82 trang tài liệu này.

VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM

HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI

Thực hiện chính sách phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Phú Thọ - 1


TRẦN NGỌC SƠN


THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH PHÁT TRIỂN DU LỊCH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH PHÚ THỌ


Ngành : Chính sách công

Mã số : 8 34 04 02


NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC: PGS.TS. CAO THU HẰNG


MỞ ĐẦU

1. Tính cấp thiết của đề tài

Trong những năm gần đây, sự phát triển của ngành du lịch cho thấy rằng, du lịch có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của một quốc gia, một cộng đồng. Nhận thức được tầm quan trọng đó, “Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” đã khẳng định: “Đến năm 2020, du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có tính chuyên nghiệp, có hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật tương đối đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch có chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, cạnh tranh được với các nước trong khu vực và thế giới. Phấn đấu đến năm 2030 Việt Nam trở thành quốc gia có ngành du lịch phát triển” [28].

Thực tiễn phát triển ngành du lịch cho thấy, trong những năm qua, du lịch Việt Nam đã đóng góp rất tích cực cho sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Năm 2016, du lịch Việt Nam đã đạt được những thành tựu hết sức nổi bật đáng trân trọng, với việc đón và phục vụ 11 triệu lượt khách du lịch quốc tế, tăng 26% so với năm 2015; 62 triệu lượt khách du lịch nội địa; tổng thu trực tiếp từ khách du lịch đạt 400.000 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2017, ngành Du lịch Việt Nam lại tiếp tục có bước đi bứt phá, với việc đón 6,2 triệu lượt khách quốc tế, tăng 30,2% so với cùng kỳ năm 2016; khách du lịch nội địa đạt 40,7 triệu lượt, tăng hơn 15%; tổng thu trực tiếp từ du lịch trong 6 tháng đầu năm ước đạt 255.000 tỷ đồng.

Nhằm tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa sự phát triển ngành du lịch, ngày 16-1- 2017, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đặt ra những mục tiêu hết sức to lớn và nặng nề cho ngành du lịch, đến năm 2020 đón từ 17- 20 triệu lượt khách du lịch quốc tế, 82 lượt khách du lịch nội địa, đóng góp khoảng 10% GDP cho kinh tế đất nước [5].

Thực hiện nghiêm túc các quan điểm, chính sách của Đảng và Nhà nước, trong những năm qua, các cấp ủy, chính quyền và các ban ngành tỉnh Phú Thọ đã


triển khai thực hiện chính sách phát triển du lịch, nhờ đó, ngành du lịch Tỉnh đã có rất nhiều chuyển biến; các khu, điểm du lịch trọng điểm tại các huyện thị từng bước được xây dựng, như Việt Trì, Thanh Thủy, Tân Sơn, Hạ Hòa,… Việc xây dựng các điểm đến, các tour tuyến mới phục vụ du khách được đặc biệt coi trọng và đã thu được những kết quả ban đầu. Qua đó, doanh thu du lịch dịch vụ tăng cao, đóng góp nhất định cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nâng cao đời sống của người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số.

Đạt nhiều thành tựu quan trọng, nhưng hoạt động du lịch trên địa bàn thực sự vẫn rất khó khăn, nhất là vấn đề sản phẩm du lịch nghèo nàn, chưa xây dựng được những tour, tuyến đặc sắc có sức hấp dẫn mạnh mẽ với du khách. Các sản phẩm du lịch, các khu du lịch vẫn chưa được khai thác hết tiềm năng. Việc triển khai và ban hành các chính sách đặc thù liên quan đến lĩnh vực du lịch được ban hành còn chậm trễ. Công tác kiểm tra, giám sát các hoạt động du lịch có nơi, có lúc còn nơi lỏng. Công tác tổng kết, đánh giá thực tiễn đôi khi còn mang tính hình thức. Một số chính sách ra đời chưa đáp ứng với sự đổi thay nhanh chóng của đời sống xã hội; một số chính sách còn chồng chéo, hoặc chưa bao quát…. Chính việc thực thi chính sách phát triển du lịch chưa được như mong muốn như vậy là một trong những nguyên khiến du lich tỉnh Phú Thọ chưa phát huy hết thế mạnh của mình. Số lượng khách lưu trú ở lại Phú Thọ chưa cao. Doanh thu ngành du lịch chưa đạt được chỉ tiêu như mong muốn.

Để phát triển du lịch đúng hướng, hiệu quả, xứng với tiềm năng lợi thế và đặc biệt thể hiện đúng vai trò là một trong những khâu đột phá của nền kinh tế thì việc nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách phát triển du lịch ở tỉnh Phú Thọ là rất quan trọng. Đó chính là lý do học viên lựa chọn vấn đề Thực hiện chính sách phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Phú Thọ để triển khai nghiên cứu luận văn của mình.

2. Tình hình nghiên cứu liên quan đến đề tài

Trên bình diện vĩ mô, nghiên cứu về phát triển du lịch và chính sách phát triển du lịch ở Việt Nam cũng đã được một số học giả tập trung làm rõ. Công


trình Du lịch văn hóa của Nguyễn Phạm Hùng (Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2017); công trình Du lịch Việt Nam: từ lý thuyết đến thực tiễn của hai tác giả Phan Huy Xu, Võ Văn Thành (Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2018) đã đề cập đến những vấn đề chung về văn hóa, về du lịch, phát triển du lịch; tôn giáo, tín ngưỡng; phong tục tập quán; lễ hội… trong phát triển du lịch. Dù không đề cập trực tiếp đến chính sách và thực hiện chính sách phát triển du lịch nhưng những nội dung trình bày trong đó là tài liệu hữu ích cho tác giả luận văn tham khảo.

Ngoài ra, liên quan đến vấn đề này còn có thể kể đến một số công trình sau: Phạm Trung Lương (2007) - “Phát triển du lịch bền vững từ góc độ môi trường”, Tạp chí Du lịch số 7/2007; Lưu Đức Hải (2009) - Phát triển các ngành du lịch trong quá trình phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế, Tạp chí số 8 về Tổng quan kinh tế xã hội Việt Nam số 4-2009, Hà Nội… Các công trình này đều khẳng định tầm quan trọng của phát triển du lịch và thực hiện chính sách phát triển du lịch; cho thấy vai trò của du lịch đối với sự phát triển kinh tế nói chung, và công tác bảo tồn di sản văn hóa nói riêng. Các công trình cũng khẳng định, việc phát triển du lịch cần tránh tình trạng “ăn xổi”, chỉ thấy được cái lợi trước mắt, mà bỏ qua những tác hại sau đó, như vấn đề ô nhiễm môi trường, bản sắc văn hóa dân tộc bị mai một trong quá trình thực hiện phát triển du lịch,…

Ngoài các công trình trên, đã có một số luận văn cũng đã đề cập đến việc thực hiện chính sách phát triển du lịch, như Hoàng Thị Thu Hương (2013), “Phát triển du lịch Quảng Nam theo hướng bền vững”, Luận văn thạc sĩ, Viện khoa học xã hội Vùng Trung Bộ; Vương Minh Hoài (2011), “Phát triển du lịch theo hướng bền vững ở Quảng Ninh”, Luận văn thạc sỹ, Đại học Kinh tế - đại học Quốc gia Hà Nội; Lê Thị Khánh An (2017), “Thực hiện chính sách phát triển du lịch bền vững từ thực tiễn thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An”, Luận văn thạc sỹ Chính sách công, Học viện Khoa học xã hội; Khương Thị Hồng Nhung (2016), “Thực hiện chính sách phát triển du lịch bền vững từ thực tiễn tỉnh Hòa Bình”, Luận văn thạc sỹ Chính sách công, Học viện Khoa học xã hội;…


Ở tỉnh Phú Thọ, trong một chừng mực nhất định, các nghiên cứu liên quan đến thực hiện chính sách phát triển du lịch cũng đã được tập trung làm rõ. Có thể kể đến một số chương trình, công trình nghiên cứu liên quan đến phát triển du lịch của tỉnh Phú Thọ như:

- Quy hoạch các di tích khảo cổ tỉnh Phú Thọ giai đoạn 1997-2015 và định hướng đến năm 2020. Quy hoạch đã đánh giá được thực trạng các di tích khảo cổ trên địa bàn tỉnh Phú Thọ; xác định rõ nhiệm vụ, giải pháp để bảo tồn và phát triển các di tích trên địa bàn đến năm 2020, là cơ sở để xây dựng hồ sơ và đề nghị công nhận xếp hạng các di tích khảo cổ cấp quốc gia và cấp tỉnh, đồng thời đây là cơ sở pháp lý để bảo vệ di tích tránh tình trạng bị mai một và xâm lấn. Tuy nhiên, Quy hoạch mới chỉ dừng lại ở việc đánh giá và định hướng trong công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của các di tích khảo cổ, chưa có đánh giá thực trạng công tác bảo tồn, quy hoạch các di tích; lấy đó là một trong những căn cứ để bảo tồn và phát huy, thu hút khách du lịch.

- Chu Thị Thanh Hiền: Nghiên cứu tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Phú Thọ (Đề tài khoa học 2012): Đề tài đã tập trung nghiên cứu các điều kiện hình thành và phát triển, đồng thời đã đánh giá sơ bộ được hiện trạng cũng như tiềm năng phát triển hình thức du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Phú Thọ; phân tích, đánh giá những thuận lợi, khó khăn trong tổ chức thực hiện và những hiệu quả phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh do du lịch cộng đồng mang lại, từ đó đưa ra các giải pháp khai thác tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, đề tài chưa nêu bật được vị trí, vai trò cũng như tầm ảnh hưởng của hình thức du lịch cộng đồng đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh; chưa đưa ra được những giải pháp cụ thể, chiến lược một cách hệ thống để phát triển tiềm năng du lịch trong tỉnh.

- Nguyễn Thị Thịnh, Ngô Văn Nhuận: Khảo sát thực trạng lao động làm việc trong các Doanh nghiệp dịch vụ du lịch và đề xuất các giải pháp đào tạo lao động phục vụ việc phát triển ngành du lịch trên địa bàn huyện Thanh Thủy,


tỉnh Phú Thọ (Đề tài nghiên cứu khoa học 2012): Đề tài tập trung rà soát, đánh giá thực trạng lao động làm việc trong các Doanh nghiệp du lịch trên địa bàn huyện Thanh Thủy, một trong những huyện có điều kiện thuận lợi để phát triển loại hình du lịch nghỉ dưỡng với nguồn nước khoáng nóng. Tuy nhiên, cơ bản đề tài mới chỉ dừng lại ở việc rà soát, thống kê số lượng lao động du lịch trong các doanh nghiệp trên địa bàn huyện, chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong việc quản lý, sử dụng lao động, chưa đề xuất được hệ thống các giải pháp cụ thể để phát triển du lịch trong Huyện nói chung, giải pháp đào tạo nhân lực ngành du lịch nói riêng. Song, những nội dung mà đề tài triển khai là tài liệu tham khảo hữu ích cho tác giả khi triển khai nghiên cứu luận văn của mình.

- Phùng Quốc Việt: Nghiên cứu, kết nối du lịch Phú Thọ với các tuyến du lịch vùng Tây Bắc mở rộng (Đề tài khoa học 2012): Đề tài đã nêu bật được cơ sở lí luận và cơ sở thực tiễn về du lịch và hoạt động du lịch liên vùng, hiện trạng du lịch tỉnh Phú Thọ và vùng Tây Bắc mở rộng (Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Yên Bái, Lào Cai và Hà Giang), đưa ra những định hướng và đề xuất giải pháp kết nối du lịch Phú Thọ với du lịch vùng Tây Bắc mở rộng; Xây dựng bản đồ các tuyến kết nối (theo tuyến đường giao thông: đường bộ, đường thủy, đường sắt, đường hàng không). Tuy nhiên, đề tài mới chỉ dừng lại ở việc đưa ra những giải pháp, định hướng cho việc kết nối liên vùng giữa du lịch Phú Thọ với các tỉnh Tây Bắc, chưa nêu bật được tiềm năng phát triển du lịch của tỉnh Phú Thọ với vị trí là trung tâm của vùng Tây Bắc, chưa đánh giá cụ thể được những tồn tại, hạn chế trong việc phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh và địa bàn các tỉnh Tây Bắc; từ đó đưa ra được những giải pháp khắc phục để du lịch Phú Thọ và các tỉnh Tây Bắc thực sự là điểm đến của khách du lịch trong và ngoài nước.

Với những điều đã trình bày trên, có thể thấy rằng, liên quan đến chủ đề phát triển du lịch thì đã có nhiều công trình đề cập đến. Tuy nhiên, hiện nay, chưa có công trình nào đề cập một cách trực tiếp, có hệ thống vấn đề thực hiện chính sách phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Phú Thọ. Tuy nhiên, các công trình


kể trên là tài liệu tham khảo hữu ích cho học viên trong quá trình thực hiện triển khai luận văn.

3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu

Mục đích nghiên cứu

Trên cơ sở làm rõ những vấn đề lý luận và đánh giá thực trạng thực hiện chính sách phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, luận văn đề xuất một số giải pháp cơ bản nhằm nâng cao hiệu quả việc thực hiện chính sách phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Phú Thọ hiện nay.

Nhiệm vụ nghiên cứu

Để hoàn thành được mục đích đặt ra, luận văn tập trung giải quyết các nhiệm vụ nghiên cứu sau đây:

Thứ nhất, phân tích và làm sáng tỏ những vấn đề lý luận về thực hiện chính sách phát triển du lịch ở Việt Nam hiện nay.

Thứ hai, phân tích, làm rõ thực trạng và nguyên nhân của thực trạng thực hiện chính sách phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Phú Thọ.

Thứ ba, đề xuất một số giải pháp cơ bản nhằm nâng cao hiệu quả việc thực hiện chính sách phát triển du lịch trên địa bản tỉnh Phú Thọ hiện nay.

4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu

Thực hiện chính sách phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Phú Thọ.

Phạm vi nghiên cứu

Luận văn tiến hành nghiên cứu, điều tra số liệu và phân tích thực trạng thực hiện chính sách phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Phú Thọ từ năm 2010 đến nay.

5. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu

Để giải quyết vấn đề trên, luận văn sử dụng các phương pháp như sau:

- Phương pháp nghiên cứu của chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử.

Xem tất cả 82 trang.

Ngày đăng: 11/11/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí