Thơ trẻ Việt Nam thời kháng chiến chống Mỹ - Cảm hứng và giọng điệu - 9


Bài hát của chúng tôi / Là bài ca ống cóng” (Thanh Thảo), “Con sẽ vót nhọn thơ thành chông / Xuyên vào gan lũ giặc...” (Trần Quang Long).

Ấy là quan niệm của cả một lớp trẻ làm thơ: thơ xáp mặt cuộc sống, là vũ khí đấu tranh cho độc lập, tự do; là sự tự tin, tự khẳng định chân dung và trách nhiệm của thế hệ mình trước sự tồn vong của đất nước: “Dù thơ em viết chửa hay hơn / Em đang tập làm thơ cho có ích // Dòng thơ em đang theo bánh xe lăn / Theo tuổi trẻ trăm lần ra trận” (Viết trên đường 20 - Xuân Quỳnh).

* Thứ ba, chúng tôi cho rằng, thơ trẻ thời chống Mỹ là hợp lưu ba nguồn: thơ trẻ miền Bắc (nguồn 1), thơ trẻ vùng giải phóng (nguồn 2), thơ trẻ yêu nước tiến bộ vùng đô thị miền Nam (nguồn 3). Ba nguồn này, về tính tư tưởng, thơ trẻ thời chống Mỹ có hai khuynh hướng chính. Đó là khuynh hướng cách mạng (tập trung ở nguồn 1 và nguồn 2) và khuynh hướng yêu nước tiến bộ (tập trung ở nguồn 3). Trước đây, các giáo trình và sách giáo khoa giảng dạy trong nhà trường từ phổ thông đến đại học, phần viết về thơ trẻ thời chống Mỹ đã không tính đến nguồn 3. Bởi thế nên, nói đến thơ trẻ thời chống Mỹ, người ta chỉ biết những Phạm Tiến Duật, Nguyễn Duy, Nguyễn Khoa Điềm, Lê Anh Xuân, Dương Hương Ly, Nguyễn Mỹ, Xuân Quỳnh, Thanh Thảo, Bằng Việt, Lưu Quang Vũ,… tức những nhà thơ thuộc khuynh hướng cách mạng; còn những Trần Quang Long, Ngô Kha, Đông Trình, Tần Hoài Dạ Vũ, Thái Ngọc San,... thì ít người biết đến, nhất là học sinh, sinh viên khu vực phía Bắc; trong khi sáng tác của họ thực sự có giá trị cả về nội dung và hình thức, đóng góp của họ vào tiến trình thơ Việt Nam hiện đại là không thể phủ nhận.

* Sau cùng cũng cần phân biệt tên gọi “lớp (hay thế hệ) nhà thơ thời chống Mỹ” và “thế hệ thơ trẻ thời chống Mỹ”. Hai tên gọi khác nhau ở chỗ: Nói đến lớp (thế hệ) nhà thơ thời chống Mỹ là nói đến đội ngũ nhà thơ trưởng thành trong cuộc kháng chiến ấy (1955 - 1975), bất kể tuổi tác. Họ tiếp nối lớp (hay thế hệ) nhà thơ thời chống Pháp (1946 - 1954). Còn “thế hệ thơ trẻ thời chống Mỹ” là tên gọi về một đội ngũ nhà thơ xuất hiện từ đầu thập niên 60 và đồng loạt trưởng thành vào khoảng giữa thập niên ấy. Họ trẻ về tuổi đời, tuổi thơ và hồn thơ. Đối tượng của tên gọi thứ nhất rộng hơn đối tượng của tên gọi thứ hai; trong lớp nhà thơ thời chống Mỹ có thế hệ thơ trẻ. Tuy nhiên, cũng có nhiều tác giả thuộc lớp nhà thơ thời chống Mỹ nhưng không nằm trong


thế hệ thơ trẻ do “vượt khung” tuổi tác: Viễn Phương (sinh 1928), Việt Phương (sinh 1928), Giang Nam (sinh 1929), Thanh Hải (sinh 1930),...

Trên đây là cách hiểu của chúng tôi về khái niệm “thơ trẻ thời chống Mỹ” (tên gọi đầy đủ “Thơ trẻ Việt Nam thời kháng chiến chống Mỹ”). Cụm từ “thời chống Mỹ” định vị biên độ cuộc kháng chiến của dân tộc và sáng tác của những nhà thơ trẻ xuất hiện trong cuộc kháng chiến ấy. Đó là những vấn đề liên quan đến đề tài mà chúng tôi nghiên cứu. Và như lẽ đương nhiên, nghiên cứu bất cứ sự vật, hiện tượng nào cũng phải bắt đầu từ khái niệm.

1.2.2. Diễn trình vận động

Mỗi thế hệ nhà thơ đánh dấu một bước chuyển trong lịch sử văn học dân tộc. Bước chuyển ấy vừa chịu sự tác động và chi phối của thời đại (lát cắt ngang) vừa có sự tiếp nối, kế thừa những giá trị tinh hoa của thế hệ trước để lại (lát cắt dọc). Mọi sáng tạo của nhà thơ trong từng thế hệ đều nằm trong mối liên hoàn, liên thông với chiều dọc và chiều ngang ấy. Người ta gọi đó là quy luật kế thừa và cách tân mà bất cứ hiện tượng nghệ thuật nào, trong diễn trình vận động đều phải tuân theo. Thơ trẻ thời chống Mỹ cũng không ngoại lệ.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 229 trang tài liệu này.

Nhìn tổng thể, từ khi xuất hiện sáng tác của nhiều nhà thơ trẻ trên thi đàn (đầu thập niên 60) đến thời điểm được tập hợp thành một dòng thơ với tư cách là hiện tượng nghệ thuật nổi bật (giữa thập niên 60) và xuyên suốt cuộc kháng chiến, thơ trẻ thời chống Mỹ có thể chia thành ba chặng. Mỗi chặng có những nét riêng, gắn với diễn biến chiến sự và bước chuyển của thơ ca. Tuy nhiên, sự phân chia này cũng chỉ tương đối. Kỳ thực, thơ trẻ thời chống Mỹ là một thực thể trọn vẹn, một dòng thơ vận động liên tục. Riêng ở chặng cuối, chúng tôi có xem xét thêm một số trường ca xuất hiện liền sau 1975 (Đường tới thành phố - Hữu Thỉnh, Những người đi tới biển - Thanh Thảo, Trường ca sư đoàn - Nguyễn Đức Mậu,...). Bởi, ngoài sự nối dài đề tài, cảm hứng, giọng điệu của thơ thời chống Mỹ, những trường ca này như những hồi quang về chiến tranh, được các nhà thơ ấp ủ, khởi thảo từ khi còn cầm súng trên chiến trường, họ cần đi hết mạch thơ còn dang dở khi cuộc chiến vừa khép lại.

Chặng thứ nhất: Từ 1960 đến 1964

Thơ trẻ Việt Nam thời kháng chiến chống Mỹ - Cảm hứng và giọng điệu - 9

Đây là chặng mở đầu có ý nghĩa quyết định để đến giữa thập niên 60, thơ trẻ


thời chống Mỹ tập hợp thành đội ngũ, đánh dấu bước trưởng thành, hiện hữu như một dòng thơ đặc trưng, mang dấu ấn thế hệ. Theo tác giả chuyên luận “Thơ với cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước”, thì “Đông đảo và sung sức chính là sự góp mặt của thế hệ trẻ. Thế hệ này xuất hiện đầu những năm 60, hùng hậu trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ” [54, tr.49]. Nhà nghiên cứu Vũ Tuấn Anh trong “Văn học Việt Nam chống Mỹ cứu nước” cũng có ý khẳng định như vậy [195, tr.117].

Tại sao lại là đầu thập niên 60 ? Có hai sự kiện lịch sử lớn dội vào văn học:

- Thứ nhất, năm 1960, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III vạch kế hoạch 5 năm xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Cuộc sống lao động sản xuất theo mô hình mới, buổi đầu tỏ ra có hiệu quả, tạo cảm hứng dồi dào, “mời gọi” thơ ca. Dĩ nhiên, “cầm trịch” trên thi đàn hồi ấy vẫn đang là các nhà thơ lớp trước. Đồng thời, theo quy luật tiếp nối, sau hơn nửa thập niên cuộc kháng chiến chống Pháp thắng lợi, miền Bắc đủ thời gian và điều kiện để hình thành lớp nhà thơ trẻ trong chế độ mới. Được nhà nước quan tâm, Hội Nhà văn khuyến khích (rõ nhất là cuộc thi thơ của Tạp chí Văn nghệ 1961), nhiều cây bút trẻ có cơ hội đến với độc giả bằng những sáng tác đầu tay và bước đầu gây được ấn tượng. Cuối 1962, sự kiện Đại hội văn nghệ toàn quốc lần thứ III và Thư của Ban chấp hành Trung ương Đảng gửi Đại hội đã tác động tích cực đến đời sống văn học trong cả nước, tạo chuyển biến cơ bản về mọi mặt, công việc phát hiện và bồi dưỡng tài năng cho những cây bút trẻ càng được chú ý. Có cơ sở để nhà nghiên cứu Mã Giang Lân khẳng định: “Các nhà thơ trẻ xuất hiện trong những năm hòa bình như Nguyễn Bao, Xuân Quỳnh, Bằng Việt, Ngô Văn Phú, Võ Văn Trực, Ca Lê Hiến,… báo hiệu nhiều hứa hẹn” [73, tr.174].

- Thứ hai, Mỹ xâm lược Việt Nam từ 1955 và cuộc kháng chiến cũng bắt đầu từ đó. Tuy nhiên, cho đến hết thập niên 50, đường lối cách mạng miền Nam vẫn đang đấu tranh chính trị, phải bắt đầu từ 1960, khi có Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng, sau Phong trào Đồng khởi Bến Tre, Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam được thành lập, thì cuộc kháng chiến chống Mỹ mới chuyển sang giai đoạn phát triển toàn diện, ngày càng quyết liệt; miền Nam thực sự trở thành tiền tuyến lớn (cũng là năm mở đầu cái gọi là “chiến tranh đặc biệt” của Hoa Kỳ). Diễn biến này chi phối đến đời sống văn học, trước hết, đó là ra đời của Hội Văn nghệ giải phóng miền Nam (20-7-


1961), nhiều cây bút trẻ xuất hiện, đội ngũ nhà văn ngày càng đông đảo, chất lượng sáng tác không ngừng nâng lên, nhất là kể từ khi liên tục được bổ sung nguồn lực từ miền Bắc: “Ở miền Nam, từ 1960, cùng với đà phát triển vũ bão của cách mạng, đội ngũ những người làm thơ nhanh chóng được tập hợp đông đảo” [195, tr.128]. Trong bối cảnh lịch sử như vậy, là một thể loại có truyền thống lâu đời, thơ ca nảy nở, và ngày càng bùng phát khắp mọi miền đất nước là đương nhiên: “Từ 1960, sau những ngày Đồng khởi Bến Tre đánh dấu sự vùng dậy thần kỳ của cách mạng miền Nam, phong trào cách mạng miền Nam bước sang một giai đoạn mới. Thơ miền Bắc kịp thời có tiếng nói hợp đồng chiến đấu” [195, tr.117]. Giải thưởng văn nghệ Nguyễn Đình Chiểu (1965) của Hội Văn nghệ giải phóng là sự kiện đáng chú ý trong đời sống văn học nghệ thuật nói chung và thơ trẻ miền Nam vùng giải phóng nói riêng (Bài ca chim chơ rao của Thu Bồn đạt giải chính thức).

Nhìn vào thực tế, rõ là từ đầu những năm 60, sáng tác của nhiều nhà thơ đã được công chúng đón nhận, trong đó có không ít thi phẩm đạt giải cao trong các cuộc thi thơ. Chẳng hạn, cuộc thi thơ của Tạp chí Văn nghệ 1961: giải nhất Lửa sáng rừng - Thái Giang, giải nhì Nhớ mưa quê hương - Ca Lê Hiến; hay cuộc thi thơ của báo Lao động 1964: giải nhất Đảo con gián - Nguyễn Xuân Thâm. Một số cây bút trẻ đã có tập thơ xuất bản, như Vân Long: Tia nắng - 1962, Nguyễn Xuân Thâm: Biển ấm - 1964 (tập thơ in chung), Thái Giang: Lửa sáng rừng - 1964, Ca Lê Hiến: Tiếng gà gáy - đầu 1965,… Và hàng loạt sáng tác của những nhà thơ khác: Bùi Minh Quốc (Lên miền Tây - 1960), Vũ Quần Phương (Hát ru - 1962), Xuân Quỳnh (Chồi biếc, Thuyền và biển - 1963), Bằng Việt (Bếp lửa, Tình ca trên đất mới - 1963), Nguyễn Mỹ (Cuộc chia li màu đỏ, Hoa cúc tím - 1964), Lưu Quang Vũ (Thôn Chung Hưng - 1964), Phạm Tiến Duật (Nhật ký yêu đương, Cái cầu - 1964),… Ở vùng giải phóng, năm 1963, Thu Bồn đã nổi danh với Bài ca chim chơ rao. Có thể nói, đây là trường ca đóng một mốc son đầu tiên trong lịch sử trường ca hiện đại Việt Nam; vừa mới ra đời nó đã tạo được tiếng vang trong cả nước. Bên cạnh Thu Bồn, nhà thơ Chim Trắng cũng có những sáng tác khá ấn tượng: Đi giữa mùa xuân, Trở lại Đôn Nhơn - 1963, Cù lao anh hùng, Rừng xanh tuổi đẹp - 1964,… Ấy là chưa nói đến mảng thơ trẻ yêu nước tiến bộ vùng đô thị: Trần Quang Long, năm 1960 đã có Nghiêng nón”, 1962 có


Lời hôn, Lời gọi, 1963 có Các anh ở đâu; Ngô Kha, năm 1961 đã có tập Hoa cô độc, v.v…

Nhìn chung, ở chặng đầu, khi miền Bắc tạm thời có hòa bình, hòa trong âm hưởng ngợi ca của nền thơ cách mạng, thơ trẻ một mặt bùng cháy khát vọng lên đường đến những nơi gian khổ nhất, cống hiến tuổi thanh xuân cho công cuộc dựng xây đất nước: “Ôi , miền Tây, ở dưới xuôi sao nghe nói ngại ngùng / Mà lúc ra đi, lửa trong lòng vẫn cháy / Cái tuổi hai mươi khi hướng đời đã thấy / Thì xa xôi biết mấy cũng lên đường (Lên miền Tây - Bùi Minh Quốc). Mặt khác, có thể nói, chưa bao giờ nỗi đau đất nước cắt chia lại đau đáu thổn thức như trong thơ trẻ ở chặng đầu, nhất là sáng tác của những nhà thơ miền Nam tập kết trên đất Bắc. Tình quê hương găm sâu vào kí ức, trỗi dậy đến nao lòng: “Anh không nằm mơ anh đang thức đấy / Cớ làm sao nghe tiếng gà vọng gáy / Bỗng tìm em tay chạm phải vách tường / Cứ ngỡ là vách lá quê hương” (Tiếng gà gáy - Ca Lê Hiến). Mạch xúc cảm này hiện hữu trong sáng tác của nhiều nhà thơ lớp trước (nổi đậm nhất là Tế Hanh). Nhưng ở Ca Lê Hiến vẫn có cái hồn nhiên, da diết riêng. Hoài Thanh nhận xét: “Những kí ức trong thơ Ca Lê Hiến luôn luôn hồn nhiên và trong sáng. Vì đó là kí ức của tuổi thơ” [158, tr.1026].

Đồng thời, như nhiều nhà nghiên cứu khẳng định, thơ miền Bắc 1955 - 1964 đã xuất hiện cái tôi riêng tư kiểu mới, tức cái tôi đặt trong mối quan hệ thống nhất với cộng đồng, với đời sống chung của đất nước, của nhân dân: “cái tôi riêng tư đã có mặt trở lại trong thơ mà trước hết là ở đề tài về tình yêu và hạnh phúc, tình gia đình” [80, tr.96]. Lớp nhà thơ trẻ tỏ ra nhanh nhạy với cái tôi này, một số sáng tác của họ gây được sự chú ý trong công chúng, như Xuân Quỳnh với Thuyền và biển, Nguyễn Mỹ với Hoa cúc tím, Phạm Tiến Duật với Nhật ký yêu đương, Ca Lê Hiến với Em là mùa xuân,… Những bài thơ nghiêng về tình cảm riêng tư, như trên đã đề cập, phải theo hướng lạc quan, mọi biểu hiện ủy mị, yếu đuối, hoài nghi rất dễ bị phê phán “nhiễm bệnh tiểu tư sản”. Nghĩa là, tác giả phải “lồng ghép” vào trong đó yếu tố tích cực như lao động, chiến đấu, thi đua yêu nước,... Chẳng hạn, đọc bài Nhật ký yêu đương, Chế Lan Viên phê: “Nhật ký yêu đương của Phạm Tiến Duật dễ rơi vào cái bẫy cô đơn của những đề tài hiu hắt, nhưng ở đây tình yêu lao động, lòng nô nức thi đua một người làm việc bằng hai, đã làm cho câu chuyện của hai người quyện với


cuộc sống của mọi người” [193, tr.427]. Rõ là viết về đề tài này, theo quan niệm hồi ấy, độ an toàn hơi mong manh. Nhưng cũng phải thừa nhận rằng, sự xuất hiện cái tôi riêng tư dù theo hướng nào thì vẫn có tác dụng tăng hàm lượng trữ tình, làm “lục hóa” (chữ của Xuân Diệu) tâm hồn và thơ ca của họ.

Điểm lại một số nét như vậy để thấy rằng, ngay từ những năm đầu thập niên 60, cùng bước chuyển của thế cuộc, diễn trình thơ trẻ thời chống Mỹ đã có chặng khởi động khá đồng đều, chuẩn bị tích cực cho cuộc ra quân hùng hậu ở các chặng sau. Mà trước hết là vào giữa thập niên 60, khi tuyển tập Sức mới 1, Sức mới 2 được Nhà xuất bản Văn học ấn hành (cũng là năm chiến tranh lan ra cả nước), thơ trẻ nở rộ đồng loạt, gây được tiếng vang trên thi đàn; kể từ đó, họ đĩnh đạc bước vào nền thơ ca hiện đại với tư cách một thế hệ tiên phong, một lực lượng chủ lực trong phong trào thơ chống Mỹ.

Chặng thứ hai: Từ 1965 đến 1969

Đây là chặng diễn ra hai sự kiện làm thay đổi cuộc chiến đã tác động mạnh và chi phối sáng tác thơ ca:

- Sự kiện thứ nhất: Năm 1965 đế quốc Mỹ leo thang chiến tranh, đánh phá ác liệt miền Bắc (“gây sự” từ 1964), đồng thời đổ quân vào chiến trường miền Nam (cái gọi là “chiến tranh cục bộ”). Bom đạn của một siêu cường đế quốc đã vượt vĩ tuyến 17, thách thức độc lập chủ quyền của nước Việt Nam nghìn năm văn hiến. Con đường Trường Sơn được khai mở từ tháng 5 - 1959, nay trở thành con đường huyền thoại, biểu tượng của ý chí thống nhất nước nhà, và cũng là tâm điểm của cảm hứng thơ ca. Trên con đường ấy, trùng trùng đoàn quân ra trận, sục sôi khí thế “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”.

Trong bối cảnh như vậy, thơ ca chống Mỹ chuyển sang chặng bùng phát thành cao trào. Có thể nói, chưa bao giờ cảm hứng lãng mạn - sử thi lại được đẩy lên đỉnh điểm như mấy năm đầu cả nước trực diện chống Mỹ: “Nền thơ chống Mỹ từ 1965 là một cao trào với sự phát triển mới về lượng cũng như về chất. Đó là một nền thơ chống Mỹ thống nhất của cả nước, một nền thơ chiến đấu mang tính quần chúng sâu rộng” [195, tr.17]. Thơ trẻ xuất hiện và khởi động trước đó, nay tập hợp thành đội ngũ đông đảo, sáng tác của họ vừa đăng trên các tờ báo, tạp chí vừa in trong tuyển tập Sức


mới 1 Sức mới 2. Trong đội ngũ nhà thơ trẻ đã thành danh, nhiều người lên đường vào miền Nam chiến đấu: Ca Lê Hiến (Lê Anh Xuân), Bùi Minh Quốc (Dương Hương Ly), Phạm Ngọc Cảnh (Vũ Ngàn Chi), Trúc Hà (Nam Hà), Nguyễn Mỹ, Hoàng Cát,… Công tác phát hiện, bồi dưỡng tài năng trẻ tiếp tục được đẩy mạnh và rất hiệu quả, nhất là khi có sự chỉ đạo từ Trung ương Đảng: “Các cơ quan lãnh đạo văn học nghệ thuật và các văn nghệ sĩ cần đặc biệt quan tâm đến lực lượng trẻ đang đóng một vai trò ngày càng quan trọng trong văn nghệ nước nhà. Những mầm non nảy nở trong phong trào văn nghệ quần chúng cần được cổ vũ, chăm sóc và rèn luyện một cách chu đáo” [8, tr.5- 6]. Như vậy, để có cả phong trào thơ chống Mỹ và sự lớn mạnh của dòng thơ trẻ ở chặng thứ hai này, miền Bắc đã có sự chuẩn bị rất bài bản, xứng tầm một hậu phương lớn làm điểm tựa vững chắc cho tiền tuyến lớn. Và chặng thơ trẻ nhập trận với tư cách một lực lượng chủ lực trong phong trào thơ chống Mỹ thực sự khởi hành đồng loạt.

Ở miền Nam, việc quân viễn chinh Mỹ trực tiếp tham chiến là một thách thức rất gay go, chiến sự ác liệt hơn gấp bội. Đồng thời bản chất xâm lược của đế quốc Mỹ cũng lộ rõ, lòng tự trọng - tự tôn dân tộc của nhân dân miền Nam bị xúc phạm, tinh thần yêu nước trỗi dậy và dâng cao. Nhiều phong trào yêu nước, chống ngoại xâm cả về quân sự và văn hóa nổ ra khắp các đô thị miền Nam, kể cả Sài Gòn - trung tâm trực tiếp điều hành chiến tranh của Mỹ (như Phong trào bảo vệ văn hóa dân tộc 1966 - 1967 chẳng hạn). Được tăng cường nguồn lực từ miền Bắc, đội ngũ thơ trẻ vùng giải phóng ngày càng lớn mạnh về mọi mặt. Ngay cả đội ngũ thơ trẻ yêu nước tiến bộ vùng đô thị, trong sáng tác của họ cũng biểu lộ tinh thần chống Mỹ quyết liệt hơn (Trần Quang Long Thưa mẹ trái tim, Trần Vàng Sao Bài thơ của người yêu nước mình đều được viết trong năm 1967). Rõ nhất là trong Tiếng hát của những người đi tới - tập thơ của những cây bút trẻ yêu nước - tiến bộ, xuất bản công khai ở Sài Gòn năm 1967.

- Sự kiện thứ hai: Cuộc Tổng tiến công nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 bẻ gãy cái gọi là “chiến tranh cục bộ” của Mỹ, làm sụp đổ hoàn toàn kế hoạch kết thúc chiến tranh theo “kịch bản” của Johnson - Mc Namara, buộc họ phải thay đổi mưu đồ, từ “thắng vào thời điểm nào ” (khi mới đổ quân tham chiến) sang “rút bằng cách nào”


(sau ba năm sa lầy). Và, ngồi vào bàn đàm phán để “cuốn cờ trong danh dự” là cách lựa chọn không thể khác của họ. Đó là một mặt. Mặt khác cũng phải thấy rằng, diễn biến cuộc tổng công kích Mậu Thân 1968, trên thực tế đã phức tạp hơn rất nhiều so với dự định. Có thể nói, tổn thất của quân dân ta thật khủng khiếp. Gần 20 năm sau, ngẫm lại, Chế Lan Viên viết: “Mậu Thân 2000 người xuống đồng bằng / Chỉ một đêm, còn sống có 30 / Ai chịu trách nhiệm về cái chết 2000 người đó?/ Tôi! Tôi! - người viết những câu thơ cổ võ / Ca tụng người không tiếc mạng mình trong mọi cuộc xung phong” (Ai? Tôi!).

Sự kiện Mậu Thân 1968 tác động mạnh đến thơ chống Mỹ nói chung, thơ trẻ nói riêng. Chưa bao giờ hình tượng anh Giải phóng quân lại trở thành tâm điểm bừng sáng, gợi cảm hứng nồng nhiệt cho thơ ca nghệ thuật như lúc này. Trong đó, Dáng đứng Việt Nam của Lê Anh Xuân được coi là tượng đài rực rỡ và bi tráng nhất, một tượng đài sừng sững hiện lên trong những ngày đêm tổng công kích vô cùng khốc liệt. Để rồi chính tác giả của nó cũng anh dũng hi sinh trên chiến địa, bài thơ thấm máu một anh hùng. Đồng thời, sau sự kiện Mậu Thân 1968, thực tế cho thấy, chiến tranh chưa thể kết thúc nhanh gọn như mong muốn; ý chí ngất trời là cần thiết, nhưng để chiến thắng một đế quốc khổng lồ, chúng ta còn phải tổng hợp nhiều sức mạnh khác nữa. Rõ rằng, trong thơ trẻ, cái không khí náo nức sôi nổi, giàu cảm hứng lãng mạn ban đầu - khi mới trực diện đánh Mỹ, sau cuộc tổng công kích này dần dần lắng lại.

Sang chặng thứ hai, đội ngũ những nhà thơ trẻ khá hùng hậu, sáng tác của họ khá đồng đều. Có thể kể tên những tác giả tiêu biểu: miền Bắc có Bằng Việt, Vũ Quần Phương, Xuân Quỳnh, Lưu Quang Vũ (trưởng thành từ chặng trước), Thi Hoàng, Ý Nhi, Phan Thị Thanh Nhàn, Hoàng Thị Minh Khanh, Quang Huy, Trần Nhật Thu...; miền Nam vùng giải phóng: Lê Anh Xuân, Nguyễn Mỹ, Vũ Ngàn Chi, Nguyễn Đức Mậu, Hoàng Cát, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Chim Trắng, Lê Chí,...; vùng đô thị tạm bị chiếm: Trần Quang Long, Ngô Kha, Trần Vàng Sao, Tần Hoài Dạ Vũ, Thái Ngọc San, Trần Vạn Giã, Lê Văn Ngăn, Võ Quê,... Riêng Trần Quang Long, sau chiến dịch Mậu Thân 1968, ông ra vùng giải phóng tiếp tục sáng tác một thời gian ngắn và hi sinh (tháng 10/1968). Cảm hứng ra trận với các mô típ chia li, hành quân, hoài niệm, nhớ nhung trở nên phổ biến: Trở về quê nội, Rừng xuân, (Lê Anh Xuân);

Xem tất cả 229 trang.

Ngày đăng: 16/01/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí